Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / NGUYỄN VĂN XUÂN, tối sáng một đời văn

NGUYỄN VĂN XUÂN, tối sáng một đời văn

- Trần Tuấn — published 15/06/2007 18:37, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
kí của Trần Tuấn

Nguyễn Văn Xuân

tối sáng một đời văn


    Ký sự của Trần Tuấn


nvxkihoaNhà văn Nguyễn Văn Xuân
(bút sắt của Phan Ngọc Minh)


Sinh năm 1921, năm nay tính ra đã được 87 tuổi ta rồi, nhưng nhà văn lão thành Nguyễn Văn Xuân xem ra vẫn còn e ngại cái chết lắm. Chỉ những ai thật thân quý gần gũi với ông mới biết nguồn cơn đau lòng này. Ngay cả những người ở Hãng phim truyền hình TP.Hồ Chí Minh đợt ra Đà Nẵng làm bộ phim tài liệu “Thầy Nguyễn Văn Xuân” (Giải B - Hội Điện ảnh VN năm 2001), ống kính cũng chỉ “dám” quay loáng thoáng vào góc tối căn nhà, cũng là góc tối cuộc đời nhà văn lão thành. Trong cái góc buồn đau ấy, ngoài cơ man sách, báo tạp chí, cùng những trước tác mang tên Nguyễn Văn Xuân mà năm xuất bản lâu nhất từ thập niên 40 của thế kỷ trước, mới nhất là năm thứ 3 của thế kỷ 21 đang nằm phủ bụi là những gương mặt ngơ ngác, vô thường với thời gian. Vợ và 2 người con của nhà văn mắc bệnh tâm thần. Quang, người con trai thứ ba cũng từng điều trị dài dài vì chứng bệnh trên, giờ may mắn tỉnh táo, trở thành “thư ký riêng” ghi chép, đánh máy bài vở, chở nhà văn già đi họp hành, hội thảo, gửi nhận thư từ, lãnh nhuận bút… Quang, dạo này đỡ bệnh, thỉnh thoảng tới tìm tôi, “giúi” cho vài bài “khảo cứu”, nhờ gửi đăng. Tôi muốn giúp lắm, nhưng đành chịu, vì đọc thấy toàn chuyện vĩ mô, không hiểu !

Gánh nặng cơm áo bao nhiêu năm dồn cả lên đôi vai gầy của ông. Thành ra khó mà dứt áo ra đi được. Đến tận thế kỷ 21, sau hơn tám mươi năm ở cõi, ông vẫn phải “bò ra để viết” kiểu dáng như Vũ Trọng Phụng thuở nào xa lắc. Trước khi ngã bệnh tháng 7 năm 2003, chỉ riêng những biên khảo đăng trên các báo Tết có số lượng lớn trong Nam, nhuận bút mỗi bài vài ba triệu, cũng đủ cho cái gia đình ấy độ nhật.

Nhắc tới chuyện nhuận bút của ông Xuân, tôi nhớ mấy chi tiết liên quan tới các nhà văn Vũ Bằng và Tô Hoài. Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, từ xứ Quảng, nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã là cây viết thân thiết của nhiều tạp chí văn chương nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. Trong Nam thì có tờ Văn Lang của bác sĩ Hồ Tá Khanh ở Sài Gòn, nơi có những cây viết nổi danh như Phan Văn Hùm, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn… Còn ở Hà Nội, một trong những tờ ông gửi đăng nhiều là Tiểu Thuyết Thứ Bảy vốn cũng rất kén văn tài. (Trong Tổng tập văn học Việt Nam - tập 30B gồm các nhà văn xuất hiện trước 1945, hai truyện ngắn Ngày giỗ cha và Ngày cuối năm trên đảo của Nguyễn Văn Xuân đều đã đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy). Trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo, nhà văn Vũ Bằng nhớ lại : “ Trong 8 năm trời vì phụ trách đọc, sửa, chọn lựa bài vở và trông nom phần kỹ thuật của cả ba tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Truyền Bá  Phổ Thông Bán Nguyệt San của nhà Tân Dân, tôi mặc nhiên được cái may là giao thiệp với đủ mặt anh em văn nghệ sĩ lúc bấy giờ …, trong số đó có nhiều anh hiện giờ nổi tiếng như Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Tất Thứ, Nguyễn Văn Nhân, Lý Văn Sâm, Phan Du, Bùi Hiển, Kim Lân, Nguyễn Văn Xuân…”. Thời mới bước vào nghề văn, trong mắt Tô Hoài thì Vũ Bằng như một người anh lớn, nhưng trong hồi ký Tự truyện, Tô Hoài vẫn… “băn khoăn” : “ Tôi vẫn viết thẳng cho ông Tân Dân và lĩnh tiền ở ông ấy… Mỗi số báo Vũ Bằng lĩnh của chủ một món tiền biên tập rồi phát lại cho ai bao nhiêu thì tuỳ. Nhiều người ở xa viết với ông Vũ lúc ấy, như Lý Văn Sâm ở Biên Hoà, Bửu Kế, Phan Du ở Huế, Nguyễn Văn Xuân ở Quảng Nam không biết có được ông ấy gửi trả nhuận bút không …”. Có lần, tôi đã đem chuyện tế nhị này hỏi nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Ông cười hà hà, phà khói thuốc, vuốt ngược cái đầu hói : “ Không thiếu của tui một cắc. Ổng lại còn thơ từ, chu đáo lắm ! ”.

Gia cảnh như vậy, nhưng thực ra với nhà văn Nguyễn Văn Xuân, tiền bạc chưa một phút giây nào được coi là cứu cánh. Như ông từng thú nhận, trên đời này ông chỉ nghiện mấy thứ, đó là “ đọc, học và viết ”. Nghiện đọc và nghiện học (phần lớn tự học) đã giúp ông trở thành một nhà giáo đáng kính với nhiều thế hệ học trò tên tuổi, rồi thành một nhà nghiên cứu tiếng tăm ở miền Nam trước và sau giải phóng với hàng loạt công trình khảo cứu, học thuật đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị về cái nhìn lịch sử sâu sắc, sự uyên thâm về dân tộc học, xã hội học. “Nghiện” viết, đã giúp ông trở thành một nhà văn có giọng văn riêng đặc sắc qua hàng loạt tập truyện ngắn, tiểu thuyết

… Năm 17 tuổi (1938), chàng thanh niên làng Thanh Chiêm (Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) Nguyễn Văn Xuân đã được tạp chí Thế giới (Hà Nội) trao giải nhất cho truyện ngắn đầu tay Bóng tối và ánh sáng. 65 năm sau (2003), tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống mới hoàn thành của ông (NXB Trẻ 2002) được trao giải A của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, khi nhà văn đang tuổi 82. Giữa hai mốc thời gian ấy là một cuộc đời lao động không ngưng nghỉ trên trang giấy. Bão rừng ─ tiểu thuyết đầu tay viết năm 1957, khi nhà văn tham gia kháng chiến và vừa thoát khỏi nhà lao Thừa Phủ (Huế) ─ kể về cuộc sống cơ cực ở một đồn điền thời Pháp thuộc mà tác giả từng sống, và cũng là ít ỏi những tiểu thuyết đầu tiên viết về đời sống phu phen ở các đồn điền Tây Nguyên. Hương máu (1969) ─ tập truyện ngắn đặc sắc toàn bộ dành viết về những cái chết lẫm liệt của những anh hùng ưu hạng của đất Quảng như Hoàng Diệu, Thái Phiên, Trần Cao Vân và các lãnh tụ cần vương Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến… ─ với một tư tưởng rất rõ : “ Chết cho biết chết sẽ chỉ dành cho những ai sống một đời đáng sống ”. Văn chương Việt Nam hiếm có tập truyện nào đầy rẫy những những đầu rơi máu chảy như vậy, mà không hề tạo một chút cảm giác bi luỵ, mà ngược lại, với sự tinh diệu của ngòi bút tác giả, tất cả vút lên khúc tráng ca bất diệt của tinh thần yêu nước. Tập truyện ngắn Dịch cát cũng khởi nguồn cảm hứng từ mảnh đất Quảng Nam với thiên truyện ngắn Tiếng đồng được xếp vào 43 truyện ngắn hay nhất giai đoạn 1901-1945 (bộ Truyện ngắn Việt Nam thế kỷ 20 - NXB Kim Đồng). Song hành với văn chương là hàng loạt tác phẩm khảo cứu : Khi những lưu dân trở lại (1967),  (1969), Phong trào Duy Tân (1969), Chinh phụ ngâm Diễn âm Tân khúc (1971)… Trong đó, Khi những lưu dân trở lại khảo luận một cách tài tình về văn nghệ dân tộc trong hành trình mở rộng về phương Nam, mà đến giờ nhiều quan điểm vẫn còn thiết thực đối với giới nghiên cứu. Còn Phong trào Duy Tân được coi là cuốn sách đầy đủ và thấu đáo nhất về một phong trào có ảnh hưởng sâu sắc tới những cuộc cách mạng sau này, và đã được tái bản nhiều lần trước và sau giải phóng.

Một đóng góp đáng kể của nhà văn Nguyễn Văn Xuân trong lĩnh vực nghiên cứu văn học sử, đó là việc phát hiện, dịch và công bố bản Chinh phụ ngâm Diễn âm Tân khúc, góp phần cùng học giả Hoàng Xuân Hãn khẳng định chính Phan Huy Ích (chứ không phải Đoàn Thị Điểm) mới là dịch giả đích thực của tác phẩm trên. Nếu như trước đó Hoàng Xuân Hãn đã công phu đi tìm dịch giả đích thực của Chinh phụ ngâm bằng phương pháp khảo chứng thư tịch cổ rồi suy luận, thì Nguyễn Văn Xuân cũng đau đáu với suy tư ấy, đã tìm được tại tủ sách của bà Chúa Nhất ở xóm Âm Hồn (Huế) cuốn Chinh phụ ngâm Diễn âm Tân khúc bằng chữ Nôm, và đặc biệt có cả bài Nguyên tựa của dịch giả cùng bài tựa, được xác định là xuất hiện đầu thế kỷ XIX. Với việc dịch và công bố bản gốc trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã đưa ra được chứng cứ xác đáng cho một vấn đề văn chương được bàn cãi suốt hàng trăm năm. Sau khi nhà văn ngã bệnh, Công ty văn hoá Phương Nam (TP HCM) đã quyết định mua bản quyền toàn bộ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Xuân, cùng với các nhà văn Sơn Nam, Nguyễn Khải, Cao Xuân Hạo.

Thẳng thắn mà nói, cho đến giờ ở miền Bắc, ít người, kể cả người trong giới biết Nguyễn Văn Xuân, tương tự như với trường hợp Võ Hồng. Ông xuất hiện quá sớm trên văn đàn trước 1945, và có phần thưa nhặt. Đến khi đất nước chia cắt, lại là thời kỳ sáng tạo sung sức nhất của ông, hầu hết các tác phẩm đều xuất bản trong Nam thời kỳ này. Nhưng ở miền Nam, cái tên Nguyễn Văn Xuân lại rất quen thuộc, từng khiến một người như Vũ Bằng phải nể trọng. Cũng còn một nguồn cơn nữa : bản thân sự “lặng lẽ” của đất Quảng Nam miền Trung cũng phần nào hạn chế sự lan xa của tên tuổi nhà văn.

Hiếm có một người Quảng Nam nào lại đặc sệt chất … “Quảng Nôm” hơn ông Xuân. Từ giọng nói tới tính cách, quan niệm sống. Về giọng nói ông Xuân, nhà sử học Dương Trung Quốc kể lại một chi tiết thú vị : “ Tôi không bao giờ quên cuộc Hội thảo kỷ niệm hai nhân vật xứ Quảng : các cụ Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng (1992) tại Đà Nẵng, Nguyễn Văn Xuân ngồi ở dưới phát biểu ý kiến mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Đoàn chủ tịch vác ghế xuống ngồi sát cạnh ông để nghe cho rõ những điều ông nói. Giọng ông rất khó nghe nhưng khi đã lọt tai rồi là đi tới óc ” (Lời bạt - Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, NXB Đà Nẵng, 2002). Lịch sử xoay vần, nhưng ông Xuân vẫn không hề muốn xoay vần quan niệm sống và viết của mình. Ông không ra Bắc (dù ở Trung ông vẫn theo kháng chiến và từng chịu lao tù), cũng không vào hẳn Sài Gòn đô hội. Tôi cứ thầm tiếc, giá ông như bao văn tài trẻ tuổi miền Trung thời ấy như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư… quyết dứt áo ra xây nghiệp văn trên đất Bắc, có lẽ sự nghiệp sẽ còn lớn hơn. Một lần tôi mạo muội đưa ra ý kiến ấy, ông cười khà khà : “ Thì tôi là một tên Quảng Nam đặc sệt mà ! ”. Thực ra, từ rất trẻ, ông đã hình thành một quan niệm rạch ròi cho ngòi bút của mình : “ Nhà văn thì phải biết, biết hết. Viết văn như Vũ Trọng Phụng viết về người miền Bắc nếu không lăn lộn trong cuộc sống đó, biết rõ nó như biết cái mặt vợ mình, thiết tưởng không làm sao viết được. Mà không viết được như thế thì chắc không bao giờ đạt được chỗ thâm viễn. Vũ Trọng Phụng là nhà văn miền Bắc tiêu biểu nhất, rồi cũng sự kiện đó ông là nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất. Đó là chân lý giản dị nhưng là chân lý vĩnh cửu …” (Khi những lưu dân trở lại - Thời Mới xuất bản 1967). Một trong những “đặc sản” tiêu biểu của tính cách Quảng Nam, đó là … hay cãi ! Ông Xuân từng thừa nhận “ tôi bắt đầu viết nghiên cứu là do … hay cãi ”. Ông kể thời trẻ, một lần đọc quyển sách của Hoài Thanh nghiên cứu về Truyện Kiều, ông đã “nổi máu” cầm bút viết một mạch tập Khách biên đình để … cãi lại Hoài Thanh !

chandung
Nguyễn Văn Xuân bên chân dung ông tại cuộc triển lãm chân dung của hoạ sĩ Thuý Hương (2006)

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân thích chơi với người trẻ. Học trò ông ở trong và ngoài nước về gọi ông bằng thầy đã đành. Lớp hậu sinh sinh ra và lớn lên ở miền Bắc như tôi, người chưa từng được học ông cũng gọi ông bằng thầy. Bởi ngồi với ông thời gian dù chỉ dài bằng ly cà phê, nghe ông trò chuyện cũng đủ góp thêm vào kiến thức của mình biết bao điều. Và quan trọng hơn là mỗi lần như vậy lại thấy cuộc đời sao mà nhẹ nhõm, trong trẻo và đáng yêu đến thế. Tuy cách xưng hô có vẻ đạo mạo là vậy, nhưng ông Xuân lại không ưa sự đạo mạo. Ông có lối nói chuyện vừa minh triết, lại vừa hóm hỉnh, trẻ trung như cái tên của ông vậy. Đời ông nhiều nước mắt, nhưng lại luôn đem đến cho người xung quanh nụ cười, khiến tôi nhiều khi nghĩ mãi về một câu rất hay của ông khi mở đầu tập Hương máu để mà cật vấn bản thân : “ Tất cả chúng ta có thật ai ai và bao giờ cũng sống đời đáng sống hay không ?

Tháng 7 năm 2004, cơn tai biến (lần thứ 3 trong vòng hai năm trở lại đây) đã quật ngã nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Nhìn ông nằm mê man, thật khó lòng hy vọng. Nhưng như một sự kỳ lạ (hay từ trong sâu thẳm ông cảm thấy chưa thể trút gánh nặng cuộc đời ?), cơ thể và trí não ông đã phục hồi khá nhanh chóng. Giờ thì ông đã có thể tự ngồi xe lăn và đang chuẩn bị tập đi. Từ hôm ngã bệnh, ông ở nhà vợ chồng chị Oanh – người con gái đầu hiện đang làm việc tại bệnh viện Đà Nẵng. Tới thăm, đã thấy ông tay cầm cuốn sách đọc một cách chăm chú, dù con gái con rể luôn tìm cách hạn chế. Tôi nhớ mãi một cuộc vui đã diễn bên chiếc xe lăn của nhà văn Nguyễn Văn Xuân với đông đảo những học trò, đồng nghiệp trẻ thân thiết của ông ở Đà Nẵng và Sài Gòn. Hôm ấy là để mừng cho cuốn tiểu thuyết viết ở tuổi tám mươi vừa được giải. Mừng cho sự gượng dậy phi thường của ông. Nhà văn lão thành bữa đó rất vui, nói khó nhọc nhưng chữ nghĩa đã tròn trặn nhiều lắm : “ Bữa ni, cho tụi bây thả sức … quậy ! ”. Hoạ sĩ Thúy Hương – cô trò nhỏ của ông, năm ngoái về từ Tây Ban Nha, đã miệt mài vẽ một seri tranh chân dung khổ lớn để triển lãm bán lấy tiền giúp thầy. Những bức chân dung Nguyễn Văn Xuân thật ấn tượng, trong một triển lãm đầy ấn tượng.

Nay ông đã trở về lại căn nhà đầy bóng tối nơi con hẻm đường Thái Phiên. Bóng tối và sách cũ. Râu tóc ông để bời bời, trắng xoá như sóng biển đang ầm ào ngoài kia. Có lẽ đó là thứ ánh sáng duy nhất trong nơi trú ngụ cuối cùng của nhà văn. Tôi nghĩ mãi về Bóng tối và ánh sáng – thiên truyện ngắn đầu tay đưa ông đến văn đàn. Dường như là sự sắp đặt của định mệnh.

Trần Tuấn

2004-2007



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss