Nhà thơ Việt Phương từ trần
Việt Phương
(1928-2017)
Nhà hoạt động chính trị, nhà thơ Việt Phương đã từ trần sáng ngày 6 tháng năm 2017 tại Hà Nội sau mấy năm trọng bệnh, thọ 90 tuổi.Lễ tang sẽ tổ chức từ 11g30 đến 13g30 ngày thứ tư 10/5 tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Tên thật là Trần Quang Huy (*), sinh ngày 6.12.1928, Việt Phương tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi khi là học sinh trường Bưởi. Gia nhập "bộ đội nam tiến" ngay từ tháng 8-1945, ông gặp ông Phạm Văn Đồng tại Quảng Nam, và trở thành thư ký của đại diện chính phủ tại Nam Trung Bộ. Từ đó, suốt 53 năm, Việt Phương làm thư ký hay trợ lý cho Phạm Văn Đồng ở các cương vị phó thủ tướng, thủ tướng VNDCCH, CHXHCNVN, cố vấn Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN. Trong thời gian nói trên, ông còn kiêm nhiệm công việc trợ lý tư vấn cho ông Lê Duẩn, bí thư thứ nhất Đảng lao động Việt Nam, tổng cộng mười năm. Từ năm 1993, về hưu, ông làm thành viên thường trực Ban tư vấn của Thủ tướng (Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, cho đến mùa hè 2006, khi ông Nguyễn Tấn Dũng giải thể cơ quan này). Ông là một thành viên của viện IDS cho đến ngày viện này tự giải thể để phản đối quyết định của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2009).
Đối với công chúng, đặc biệt là giới
trí thức, sinh viên và bộ đội có học, Việt Phương được biết trước hết
như là tác giả tập thơ Cửa Mở, xuất bản
năm 1970, với những câu thơ "phá cách" nổi tiếng trong bài Cuộc đời yêu như vợ của
ta ơi :
Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực
Chưa biết rằng “trời” còn xanh hơn “trời xanh”
Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình.
Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa
Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương
Đã chọn đường đi, chẳng ai dừng ở giữa
Mạc-tư-khoa còn hơn cả thiên đường
Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ
Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao
Một phần tư thế kỷ đã qua đi và bây giờ ta đã biết
Thế nào là thương yêu thế nào là chém giết
Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao.
Năm
xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin
Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả
Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ
Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn.
Tập thơ được in 5300 bản, hai tuần bán hết rồi có lệnh miệng yên lặng "ngừng phát hành", và trở thành đối tượng của một cuộc đấu tố văn học khá nặng nề, nhưng tác giả của nó vẫn tiếp tục công tác, như sau này ông đã kể lại với nhà báo Nguyên Thảo trên báo An Ninh Thế Giới (17.07.2015).
Tác phẩm :
- Cửa mở
(NXB Văn học, 1970)
- Cửa đã mở
(NXB Thanh niên, 2008)
- Bơ vơ đông đảo (NXB
Hội Nhà văn, 2009)
- Cỏ dọc đường
trần (NXB Hội Nhà văn, 2010)
Có thể đọc : 167
bài thơ Việt Phương ở đây.
Kiến Văn
Bài liên quan :
- Phạm Vũ (Tuổi Trẻ) : Nhà thơ Việt Phương: Nhìn vào sự thật nhìn cho thẳng
- Huy Đức (FB Trương Huy San) : Người biết cả "hai mặt của những tấm huân chương"
- Xuân Ba (Vietnamnet) : Nhà thơ Việt Phương đã được cứu nhờ Tổng bí thư Lê Duẩn
- Phạm Chi Lan (Người Đô Thị) : "Cửa mở" đã khép lại rồi
- FB Ngô Vĩnh Long : Khát vọng lại càng da diết khôn nguôi
- FB Hà Huy Khoái : Nơi gừ
- FB Vũ Thành Tự Anh : Bác Việt Phương
(*) Chớ nhầm với Trần Quang Huy, bí
danh của Vũ Đức Huề
(1922-1995) từng làm uỷ viên Trung ương ĐCSVN, bộ trưởng văn phòng
chính phủ, trưởng ban Việt kiều Trung ương. Sự trùng hợp này không ngẫu
nhiên : hai người cùng hoạt động và ở tù chung năm 1945. Trần Quang Huy
lấy bí danh là Việt Phương, hay Trần Việt Phương, còn ông Vũ Đức Huề,
vì mến bạn, đã lấy tên bạn làm bí danh ! Ngoài ra, ông Việt Phương cũng
đặt tên cho một người con trai là... Trần Quang Huy.
Các thao tác trên Tài liệu