Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Nhà toán học HOÀNG TUỴ

Nhà toán học HOÀNG TUỴ

- Bùi Trọng Liễu — published 26/05/2007 09:21, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Năm nay, giáo sư Hoàng Tụy 80 tuổi. Một tập Kỷ yếu mừng thọ ông sẽ được xuất bản cuối năm nay, với sự tham gia của nhiều tác giả, đồng nghiệp, bạn bè, môn đệ của ông. Với sự đồng ý của nhà văn Nguyên Ngọc và TSKH Nguyễn Xuân Xanh, phụ trách ban biên soạn tập Kỷ yếu, Diễn Đàn đăng trước bài viết kèm đây của tác giả Bùi Trọng Liễu mà toàn bản sẽ có mặt trong cuốn Kỷ yếu nói trên.


Chuyện kể từ ngoài nước

về nhà toán học Hoàng Tuỵ

 

Bùi Trọng Liễu

Nguyên giáo sư đại học (Paris, Pháp)

   

Lời nói đầu

Tôi quen biết giáo sư Hoàng Tuỵ từ hè năm 1970 vào dịp tôi về thăm miên Bắc nước ta và làm thí điểm cho việc người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc ngắn hạn, do Uỷ Ban Khoa học Nhà Nước tổ chức. Thuở ấy còn chiến tranh, tôi lại bỡ ngỡ mới trở về sau 20 năm vắng mặt, sự giao dịch còn dè dặt ; hình như lúc đó chỉ kịp chào hỏi làm quen, và tôi chỉ giữ ở anh hình ảnh bộ tóc đã sớm bạc trắng và thành tích về ứng dụng vận trù học đã được nghe nhiều người nói tới. Hè năm 1975, tôi trở về Hà Nội lần thứ nhì, cũng không có dịp trao đổi gì mấy với anh. Có chăng là từ mùa thu 1976, tôi mới có dịp cùng anh tâm sự nhiều, (tuy anh hơn tôi 7 tuổi nhưng rất thoải mái), trong điều kiện nào, tôi sẽ kể dưới đây. Lại nhớ tới một lần, đã lâu, anh kể cho tôi nghe chuyện cái hộ chiếu của anh bị ghi chỗ họ tên : Ông Hoàng Tuỵ, làm anh khổ sở giải thích cho cảnh sát nước ngoài khi anh nhập cảnh, ý nghĩa của chữ Ông bị gán thêm một cách vô ý thức, có lẽ vì người làm hộ chiếu sợ viết họ tên không thôi thì là cộc lốc. Ngược lại, tôi cũng nghe anh kể một lần khác, anh viết một bài gửi đăng trên một tờ báo hàng ngày, có người ngạc nhiên vì anh đề nghề nghiệp anh là « nhà toán học ». Thật vui mà cũng thật buồn.

Tôi nghe nói, trong sách Luận Ngữ của Trung Hoa, thiên Thái Bá, có chép hai câu của Tăng tử (Tăng Sâm), như sau :

Điểu chi tương tử, kỳ minh dã ai,
Nhân chi tương tử, kỳ ngôn dã thiện. (1)

Tôi hiểu thoát nghĩa là :

Con chim sắp chết, tiếng kêu bi ai.
Người đời sắp chết, lời nói thành thật.

Tất nhiên, tôi không tự nghĩ tôi như « người sắp chết » theo nghĩa đen, nhưng theo nghĩa bóng thì tôi là người đã nghỉ hưu, không còn cầu danh vọng, chẳng có lý do để khoe khoang cho mình hay cho ai ; những dịp hiếm hoi còn lại để phát biểu ý kiến thì lời phát biểu là lời thành thật, không che giấu. Vả lại, theo câu thành ngữ la-tinh : « verba volant, scripta manent » , lời nói bay đi, câu viết còn lại. Vì thế mà tôi viết, và những điều mà tôi viết lại dưới đây về anh Tuỵ là do tôi được nghe từ những nguồn mà tôi tin cậy, hay từ chính anh, hay do tôi được trực tiếp chứng kiến. Tuy là kể chuyện cũ, nhưng nội dung lại vẫn còn mang tính thời sự, chủ yếu là chuyện liên quan đến giáo dục và đào tạo, vì đối với một xã hội muốn tiến triển, phát triển, lại vốn tự hào về nền văn hóa lâu đời của mình, không gì đáng nâng niu bằng Trí tuệ và việc Học. Lẽ ra chớ nên để nó bị ô nhiễm : « corruptio optimi pessima », câu la-tinh này nghiã là « Sự băng hoại xấu xa nhất là sự băng hoại cái tốt đẹp nhất ». Thế mà nhiều vấn đề thuộc việc Học, từ thuở đó đến nay vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.

Dưới đây, tôi không đề cập đến các công trình khoa học của anh Tuỵ ; điều này đã có các đồng nghiệp khác và các môn đệ của anh làm tốt hơn tôi. Tôi chọn chỉ kể lại một số sự việc mà tôi cho là tiêu biểu nhất :

 

Mười chuyện để kể


I.-  Anh Tuỵ, Ban Tu thư và Chương trình cải cách giáo dục phổ thông năm 1956 :


Cuối năm 1955, sau khi tiếp quản Thủ đô, khi quân đội viễn chinh Pháp đã rút vào miền Nam, anh Tuỵ đang dạy học ở trường Sư Phạm Trung cấp Trung Ương (đào tạo giáo viên cấp 2 phổ thông), thì được điều động về Bộ Giáo dục, làm trưởng ban trù bị « Cải cách giáo dục phổ thông» (CCGDPT) với nhiệm vụ nghiên cứu và soạn thảo kế hoạch cải cách giáo dục phổ thông, thống nhất hệ thống phổ thông 9 năm ở vùng giải phóng cũ với  hệ thống 12 năm ở vùng mới giải phóng thành hệ thống mới 10 năm. Ban này gồm mươi người, trong số đó có ông Lê Thước (2) và ông Hoàng Ngọc Phách (3) là cao tuổi nhất. Sau mấy tháng trù bị, đến tháng 2/1956 hội nghị giáo dục toàn miền Bắc chính thức thông qua kế hoạch và bắt tay thực hiện cải cách. Anh Tuỵ lại được cử phụ trách ban Tu thư để biên soạn chương trình và sách giáo khoa cho mọi môn, từ lớp 1 đến lớp 10, làm sao để đến tháng 8/1956 thì biên soạn và in xong đủ sách giáo khoa cho các trường theo hệ thống giáo dục phổ thông mới. Ngoài những thành viên sẵn có của ban Trù bị CCGDPT, anh đề nghị điều động thêm về ban Tu thư khoảng 40 người nữa trong số các giáo viên giỏi nhất ở miền Bắc lúc đó. Chỉ một tuần lễ sau khi danh sách được trình lên Bộ thì toàn thể các vị trong danh sách đều đã có mặt đông đủ tại Hà Nội, dù có nhiều người ở cách xa Hà Nội 5- 6 trăm cây số mà hồi ấy phương tiện giao thông duy nhất là xe đạp.  Phần lớn các vị đều lớn tuổi hơn anh nhiều, như ông Lê Trí Viễn (thày cũ của anh hồi tiểu học, về sau là giáo sư đại học về văn học), ông Đỗ Trọng Cảnh (4), ông Trương Chính (5), vv. Điều đáng chú ý là sao hồi đó người trẻ như anh lại được giao việc mạnh dạn như vậy, mà không thấy ai thắc mắc, tranh giành như những năm về sau. Các vị làm việc nỗ lực trong tinh thần thân ái, không nề hà tuổi tác. Ban không đông người, phương tiện vật chất rất giới hạn, vậy mà trong thời gian non 6 tháng, đã hoàn thành được một chương trình hoàn chỉnh cho giáo dục, thực hiện được một bộ sách giáo khoa có giá trị, tồn tại trong rất nhiều năm.

Tất nhiên mỗi thời một cảnh ; ngày nay, con số học sinh đã tăng gấp bội, so với thời đó. Nhưng câu hỏi day dứt vẫn còn lại là tại sao bây giờ, nay hội thảo này, mai hội nghị kia, huy động người đông, của lớn, nào khảo sát bên trong, nào tham quan bên ngoài, mà tại sao chương trình học, sách giáo khoa nay vẫn lộn xộn gây bức xức trong dư luận ?

 

II.- Anh Tuỵ, từ Đại học Tổng hợp đến Viện Toán :

 
Năm 1954, sau khi tiếp quản Thủ đô ông Lê Văn Thiêm làm giám đốc Đại học Khoa học, ông Đặng Thai Mai làm giám đốc Đại học Văn khoa. Đến 1956 đổi thành Đại học Tổng hợp (cả khoa học tự nhiên và xã hội), do ông Ngụy Như Kontum làm hiệu trưởng, và Đại học Sư phạm (cũng đủ mọi ngành), do ông Phạm Huy Thông làm hiệu trưởng. Anh Thiêm trở thành Chủ nhiệm khoa Toán Lý chung cho cả Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm, với lý do để chuyên tâm « làm khoa học ». Đến tháng 9 năm 1956, sau khi xong việc ở ban Tu thư,  anh Tuỵ được chuyển hẳn qua biên chế Đại học Sư phạm, nhưng làm việc trong khoa Toán do anh Thiêm phụ trách. Đến tháng 8 năm 1957 anh được cử sang thực tập ở Đại học Tổng hợp Mạc Tư Khoa cùng với 8 anh em khác. Vì sau mấy tháng, anh viết được mấy bài báo khoa học đăng  trong Doklady của Liên Xô nên được ở lại thêm để hoàn thành luận án và bảo vệ năm 1959. Xong, anh về nước, được giao làm Tổ trưởng bộ môn Toán của Khoa Toán-Lý-Hóa ở Đại học Tổng hợp (do anh Thiêm làm Chủ nhiệm). Năm 1960, Khoa Toán-Lý-Hóa tách thành hai khoa độc lập: Toán-Lý và Hóa. Anh Tuỵ được cử làm chủ nhiệm Khoa Toán-Lý. Năm 1963, Khoa Toán-Lý lại tách ra thành Khoa Toán và Khoa Lý. Anh làm chủ nhiệm Khoa Toán, cho đến khi anh rời Đại học Tổng hợp (1968), chuyển qua Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (UBKHKTNN).

Ở đây, tôi muốn kể lại vụ việc anh Tuỵ và anh Thiêm bị đấu ở Đại học Tổng hợp, bắt đầu từ cuối 1963 và kéo dài đến tận 1970. Hồi đó, sau Nghị quyết 9 (Hội nghị Trung ương lần thứ 9 của khoá 3 của Đảng Lao Động Việt Nam, họp từ tháng 12-1963, nhưng tháng 1-1964 mới xong), theo đó Việt Nam phê phán đường lối xét lại, đồng thời cũng có chút phê phán chủ nghĩa giáo điều, nhưng thực chất có thể hiểu là nghiêng về phía Trung Quốc hơn (có câu nói đùa là « không Mao-ít thì cũng Mao nhiều »). Hàng loạt nghiên cứu sinh Việt Nam về khoa học xã hội ở Liên Xô bị gọi về nước ; trong nước, một số cán bộ cao cấp bị xử lý vì không tán thành Nghị quyết 9. Theo gương Trung quốc, ở đại học ta cũng nêu cao khẩu hiệu « chính trị là thống soái », lên án những người « chuyên môn thuần tuý ». Không may cho anh Tuỵ, vì lúc đó cũng là thời kỳ mà anh đang cùng với anh Thiêm và anh Tạ Quang Bửu, thực hiện nhiều chủ trương như : mở nhiều lớp chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ giảng dạy, thành lập Hội Toán 1963, thành lập tạp chí Acta Scientiarum Vietnamicarum 1962, sau đổi thành Acta Mathematica Vietnamica 1975, thông qua ban Toán ở UBKHKTNN và Hội Toán đề ra phương hướng xây dựng ngành Toán cho cả miền Bắc, không chỉ coi trọng tiêu chuẩn chính trị (« hồng ») mà chú ý cả tiêu chuẩn chuyên môn (« chuyên ») khi tuyển nghiên cứu sinh đưa sang Liên Xô đào tạo ; chấn chỉnh thi cử ; đảm bảo thi cử nghiêm túc, ai không đủ điểm thì dù thành phần gì cũng phải học lại, thi lại, chứ không được cho đỗ hoặc lên lớp ; khuyến khích nghiên cứu khoa học trong cán bộ giảng dạy ; tổ chức các « hội nghị khoa học » hàng năm để báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học ; lập ra chế độ hướng dẫn sinh viên năm thứ ba và thứ tư làm khoá luận ; mở nhiều lớp bồi dưỡng học sinh phổ thông, giáo viên phổ thông ; kiến nghị mở kỳ thi giỏi Toán cả miền Bắc hàng năm ; mở các lớp « Toán đặc biệt » tuyển chọn học sinh có năng khiếu, sau này gọi là lớp chuyên Toán, v.v. Tất cả các việc đó được đề xuất và thực hiện đầu tiên ở khoa Toán Đại học Tổng hợp rồi lan dần sang các khoa khác và một vài đại học khác. Nhờ các chủ trương đó mà trình độ, chất lượng giảng dạy, nghiên cứu về Toán được nâng lên rõ rệt. (Điều này, tôi biết được là do nhà toán học Grothendieck, huy chương Fields (6), tình nguyện sang miền Bắc giảng dạy và thuyết trình khoa học mấy tuần năm 1967, khi trở về Pháp đã bày tỏ sự ngạc nhiên của anh ta với đồng nghiệp nói chung và với tôi nói riêng). Đây là nhận xét ở bên ngoài. Nhưng ở trong nước thì khác. Những loại việc này đã gây ra những ác cảm với các anh vì có lẽ các chủ trương ấy cản đường tiến của một số người và con cháu họ vốn lâu nay chủ yếu dựa vào ưu thế thành phần và hoạt động chính trị, dù học kém vẫn được ưu tiên. Từ đó xảy ra sự lên án các anh trọng « chuyên môn thuần tuý », coi nhẹ chính trị, « chèn ép công nông », « đi ngược đường lối công nông của Đảng », theo « thiên tài chủ nghĩa » (khen người giỏi, mở lớp Toán đặc biệt cho học sinh có năng khiếu), đề cao lý thuyết viển vông thuần tuý (mặc dù hồi đó anh Tuỵ làm ứng dụng vận trù học rất có kết quả), đề cao nghiên cứu khoa học trong khi – theo phái chủ trương « Hồng hơn Chuyên » – « trường đại học tuyệt đối không phải là cơ sở nghiên cứu khoa học », vv. Trong nhóm lãnh đạo đại học khi ấy ông Tạ Quang Bửu bị cô lập. Mấy ông trên cao nữa tuy hiểu thực chất vấn đề nhưng bận nhiều việc khác quan trọng hơn và lại đang có cao trào chống xét lại nên ai cũng ngại can thiệp. Tuy không có máu chảy, đầu rơi, nhưng trong mấy năm liền, trong bàu không khí ngột ngạt căng thẳng và đầy cay đắng, ban ngày dạy học, ban đêm chong đèn ngồi viết tự kiểm điểm để trình bày trong các buổi kiểm điểm có mấy quan chức ở trên về dự, ít buổi tối được rỗi để làm khoa học – và làm được khoa học thật sự – hẳn phải có nghị lực và niềm tin khác thường. Dù sao, hàng trăm buổi kiểm điểm nặng nề đã làm anh Tuỵ và anh Thiêm không thể tiếp tục ở Đại học Tổng hợp được nữa. Năm 1968, anh Tuỵ đành xin gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng để xin chuyển qua UBKHKTNN, và anh Thiêm cũng chuyển qua nơi đó năm 1970. 

Về việc thành lập Viện Toán ở UBKHKTNN, thì tôi đuợc nghe kể như sau. Thoạt đầu là thành lập bộ phận nghiên cứu Toán (nhóm Toán). Đến khi anh Tuỵ chuyển hẳn sang UBKHKTNN thì mở rộng thành phòng Toán, rồi trên cơ sở này, anh Tuỵ đề nghị lập ra Viện Toán. Đề nghị ấy gặp thuận lợi là ở cấp trên thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng ủng hộ (do ông hiểu đó là lối thoát cho tình trạng bế tắc ở Đại học Tổng hợp), ở UBKHNN thì các ông Trần Đại Nghĩa và Lê Khắc cũng đồng tình. Tuy vậy, đến khi có quyết định chính thức thì phái chủ trương « Hồng hơn Chuyên » ngăn cản không cho anh Tuỵ phụ trách, chỉ để anh Thiêm làm viện phó, rồi « quyền viện trưởng » – tuy Viện lúc đó không có viện trưởng ! Anh Thiêm thì rất tôn trọng anh Tuỵ, mọi việc đều tranh thủ bàn bạc với anh Tuỵ, và anh Tuỵ hết lòng giúp anh Thiêm xây dựng viện Toán ; anh Tuỵ lại kiên trì báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng về sự phi lý của chức vụ anh Thiêm (bản thân tôi cũng bày tỏ sự phi lý này những khi có dịp), nhưng sức cản ở nơi khác mạnh đến mức ông Thủ tướng can thiệp mãi không xong, đến 1975 ông phải trực tiếp quyết định, anh Thiêm mới được bổ nhiệm viện trưởng.

Cái hay và cái may của anh Tuỵ là, mặc dù gặp khó khăn mọi bề, anh vẫn làm khoa học có kết quả, (kể cả việc soạn thảo các phương hướng phát triển lâu dài ngành Toán của Việt Nam), và uy tín khoa học của anh ở các nước xã hội chủ nghĩa cũng phần nào giúp làm nhẹ bớt « tội » cho anh. Hơn nữa, việc nghiên cứu ứng dụng vận trù học làm anh quan tâm đến quản lý kinh tế và những ý kiến của anh về các vấn đề kinh tế thường được các ông Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn chú ý, cho nên anh thường được các ông mời riêng đến trao đổi. Năm 1969, một tháng trước khi cụ mất, Hồ Chủ tịch cũng có cho gọi anh đến gặp. Thuở ấy, có lúc cũng có người trong bộ máy muốn lên án anh là « xét lại » vì những ý kiến « cấp tiến » của anh , nhưng vì ông Duẩn và ông Đồng đã để mắt tới, mà anh được yên. Yên là may, chứ muốn tiến hành một số việc thì cũng vẫn bị cản.

Nhìn lại quá khứ, lại liên tưởng đến ngày nay. Khi nghiên cứu đã trót bị tách ra khỏi việc giảng dạy tại đại học rồi, thì hàn gắn lại không phải là dễ. Khi những khuyết tật trong Giáo dục Đào tạo, như việc chiếu cố trong tuyển sinh, thi cử, chọn nghiên cứu sinh vv., dù là vì thành phần lý lịch, đã xâm nhập vào việc Học, thì chúng cũng dễ biến thể đi, và chúng cũng biết thích nghi trong một khung cảnh mới. Vì thế mà việc chấn hưng giáo dục ngày nay mới khó khăn như vậy. Tôi sẽ có dịp trở lại vấn đề này dưới đây.

 

III.- Anh Tuỵ và hai tờ tập san khoa học của Việt Nam : 

   
Tờ Acta Scientiarum Vietnamicarum được thành lập năm 1962, chung cho cả Toán, Lý Hoá, sau tách riêng phần Toán thành Acta Mathematica Vietnamica từ năm 1975. Thời đó anh Tuỵ và anh Lê Văn Thiêm là những nhân vật thành lập đồng thời cũng là những người phải thực hiện, đã vô cùng vất vả trong việc duyệt bài và chạy nhà in. Tất nhiên đây là một thành tích lớn trong việc xây dựng nền khoa học nước nhà. Tuy nhiên, có một điểm mà sau đó, tôi có lần tâm sự với anh Tuỵ : có lẽ nên theo xu hướng quốc tế, chọn một cái tên tập san bớt « quốc gia » hơn (chữ Vietnamica) để dễ có sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài hơn trong việc gửi đăng bài trong tập san đó. Theo tôi hiểu, từ nửa sau thế kỉ 20 nói chung, hầu như chỉ tồn tại những tập san đã thành lập và có tiếng tăm từ lâu của các nước có truyền thống khoa học rất lâu đời mới còn mang tên « quốc gia ». Tôi nói điều đó, là vì tôi trải qua kinh nghiệm cá nhân, đặc biệt là ở cương vị chủ tịch hội đồng xét duyệt tuyển giáo sư ở Đại học của tôi trong 21 năm và trước đó là thành viên của hội đồng này trong 13 năm, cũng đã được dịp đọc các hồ sơ lý lịch khoa học và nghe phản ứng của nhiều đồng nghiệp ngoại quốc. Tôi cảm thấy dường như lời tâm sự của tôi có gặp một sự thông cảm của anh Tuỵ, nhưng không có sự thiện cảm từ phía những nhà toán học cộng tác với anh trong công tác quản lý tập san này. Dù sao, tôi cũng chỉ là một kẻ ở xa … 

 

IV.- Anh Tuỵ và việc mở đầu việc học sinh dự thi Olympic : 

 
Năm 1973, anh Tuỵ tham gia đoàn cán bộ do Chính phủ cử sang các nước Liên Xô, Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức), Tiệp Khắc và Hung để khảo sát về quản lý kinh tế (trưởng đoàn là ông Đoàn Trọng Truyến, đoàn viên có các ông Việt Phương và Lê Đăng Doanh là nhà kinh tế và anh là nhà toán học lúc ấy được coi là có nhiều ý kiến cấp tiến về quản lý kinh tế). Trong thời gian đoàn này ở Mạc Tư Khoa diễn ra buổi lễ tổng kết (và trao phần thưởng) của cuộc thi Olympic Toán quốc tế năm ấy tổ chức ở Mạc Tư Khoa. Chủ tịch ban tổ chức cuộc thi này là một giáo sư người Nga, bạn khá thân của anh, khi biết anh đang qua Mạc Tư Khoa, đã mời anh tham gia ngồi vào chủ tịch đoàn buổi lễ. Trong buổi lễ, đoàn Cuba chỉ được một giải khuyến khích, nhưng họ rất tự hào và được nhiệt liệt hoan nghênh. Cuối buổi lễ, đoàn Đông Đức đến gặp anh, thông báo họ đăng cai tổ chức thi Olympic năm sau (1974) ở Berlin và nhiệt tình mời Việt Nam tham gia, đồng thời cho biết hội Toán học Đông Đức sẵn sàng đài thọ mọi chi phí cho đoàn Việt Nam, kể cả vé máy bay. Thật ra, trước đó trong nước chưa nghĩ đến việc tham gia các Olympic toán quốc tế vì hai lẽ : 1) Khó khăn tài chính, Nhà nước khó có thể chấp nhận cấp chi phí ; 2) Trình độ mình còn yếu, e thi thố với các nước mà kém quá thì mất thể diện. Nhưng nay có Đông Đức đài thọ thì tài chính không còn là vấn đề, và việc đoàn Cuba được giải cho thấy ta cũng không nên quá tự ti. Do đó anh Tuỵ đề nghị đoàn Đức gửi ngay thư mời chính thức cho Bộ Giáo Dục của Việt Nam. Khi về nước, anh báo cáo việc này với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, và được ông tỏ ý chấp thuận ngay; ông chỉ dặn thêm : gắng đừng để đoàn đi dự thi bị « đứng cuối bảng ». 

Rất may kỳ thi năm 1974 ấy tuy là lần đầu Việt Nam tham gia nhưng đã đạt ngay kết quả xuất sắc ; nếu tôi nhớ không nhầm, thì 5 học sinh dự thi kỳ đó, đã đạt 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng, và thí sinh thứ 5 thì chỉ thiếu 1 điểm để có huy chương đồng. Đúng như câu tiếng Pháp : « Coup d’essai, coup de maître » (nghĩa là « Bước đầu làm thử, thành tích tổ sư ») ! Thế là từ đó có đà để tham gia liên tiếp và gặt hái nhiều kết quả khả quan vượt quá mong đợi. Tuy vậy, khác với một số người nhân việc đó tung hô quá mức tài năng đặc biệt của học sinh Việt Nam, tôi cũng như anh Tuỵ hiểu ý nghĩa rất tương đối của những thành công này, trong đó có phần do ta đã cố gắng đầu tư công sức gấp bội. Và mặt tích cực của các lớp chuyên Toán và việc tham gia các cuộc thi Olympic là những chủ trương đúng đắn và tốt, gây ra một không khí chuyên cần học tập. Nhưng về sau này do có sự sa đà trong đánh giá và trong cách làm, đã đẻ ra một số vấn đề lẽ ra không nên có. 

 

V.- Anh Tuỵ sang Pháp lần đầu tiên, mùa thu năm 1976 : 

   
Đó là vào dịp mà tôi đề nghị với trong nước cho phép – và cụ thể là tôi đã tổ chức nhờ một đồng nghiệp Pháp, anh Dacunha-Castelle, giáo sư ở Đại học Paris Sud-Orsay, mời anh Tuỵ sang Pháp một tháng làm « giáo sư thỉnh giảng » (professeur invité, theo nghĩa của Pháp thời đó). Trong khung cảnh nước ta thuở ấy, được phép đi nước ngoài, nhất là nước tư bản, rất là khó khăn ngay cả đối với các nhà khoa học có tên tuổi. Tôi thấy cần kể thêm hai yếu tố đã làm cho chuyến sang Pháp đầu tiên của anh Tuỵ thực hiện được, mà sau này tôi mới biết. Cái thứ nhất là lúc đó (cuối tháng 8/1976) anh được mời làm một plenary lecture trong Hội thảo Quốc tế về Mathematical Programming ở Budapest (hội thảo lớn, có đến sáu, bảy trăm người dự từ nhiều nước) và ban Tổ chức hứa trả tiền vé máy bay và ăn ở trong thời gian hội nghị. Lần đầu tiên trong nước có người được mời như vậy, hồi đó coi là vinh dự lớn ; điều đó làm cho việc anh được mời sang Pháp « tự nhiên » hơn (bởi hồi ấy ai được mời đích danh thường bị nghi ngờ là đã liên hệ lén lút với nước ngoài). Yếu tố thứ hai là : khi anh nhận được thư mời sang Pháp thì chỉ còn thời gian hai tháng để làm thủ tục xin đi Pháp (giữa tháng 8 anh đã phải lên đường sang Budapest), mà thời đó một thủ tục như vậy bình thường phải bốn, năm tháng chưa chắc đã xong, huống chi đây là lần đầu tiên đi sang một nước tư bản phương Tây mà anh lại thuộc diện bị « chú ý » (tôi không dùng cụm từ này theo nghĩa « ưu ái »). May mắn trước đó mấy tuần, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có bảo thư ký chuyển cho anh một cuốn sách về quản lý kinh tế của giáo sư Kantorovitch, giải Nobel (7), tặng Thủ tướng (nhân dịp Thủ tướng thăm Liên Xô, đến thăm Viện khoa học nơi ông Kantorovitch làm việc) và đề nghị anh đọc để trình bày lại cho ông biết rõ nội dung cuốn sách có gì hay về quản lý kinh tế. Anh bèn báo ngay với thư ký của Thủ tướng là anh đã đọc xong cuốn sách và muốn gặp Thủ tướng để báo cáo lại nội dung theo yêu cầu của ông. Hai hôm sau, trong buổi làm việc với Thủ tướng anh tranh thủ đề cập chuyện anh được mời sang Paris. Thế là nhờ chỉ thị trực tiếp của Thủ tướng, chỉ trong một tuần lễ mọi thủ tục cần thiết cho chuyến đi đầu tiên của anh đến một nước tư bản phương Tây được giải quyết xong. Đó là một chuyện « lạ » thuở ấy.

Lại nhắc lại là về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, từ năm 1958, không biết có phải do ảnh hưởng của Trung quốc không, không còn « phong giáo sư » cho ai nữa (tôi nhớ là anh Lê Văn Thiêm lúc đó là GS duy nhất về ngành Toán (?) , đã được « phong » trước cái mốc 1958 vừa kể) ; « hàm giáo sư » thuở đó lại còn gắn với những tiêu chuẩn vật chất như nhà ở, xe hơi, tem phiếu Tôn Đản. Người trí thức, ngay cả các nhà khoa học tự nhiên, không phải dễ dàng gì giao dịch với các đồng nghiệp các nước tư bản phương Tây. Tôi còn nhớ, một số anh chị em khoa học, y học, dược học … dù đã được coi là « đầu ngành », sang Pháp, cũng chỉ đi trong khung cảnh/danh nghĩa tu nghiệp hay là thực tập sinh. Ngay cả việc được mời làm một buổi thuyết trình khoa học, cũng còn phải xin phép, và thường là không được phép – một cán bộ chính trị đã có câu trả lời một nhà khoa học « đầu ngành » lúc đó là : « Anh được phép sang Pháp tu nghiệp là để thu chứ không phải để chi » – nghĩa là coi làm một buổi thuyết trình về công tác nghiên cứu của anh ta là làm mất đi một phần vốn chất xám của đất nước ! Phía Pháp thuở ấy, việc mời một nhà khoa học nước khác, đặc biệt là từ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sang làm « giáo sư thỉnh giảng », rất khó (hồ sơ khoa học của đương sự phải được Hội đồng khoa học toàn quốc và Hội đồng khoa học của trường đại học xét duyệt và bỏ phiếu công nhận danh nghĩa, rồi lại có sắc lệnh bổ nhiệm của Nhà nước), nó khác với những hình thức tới làm việc ở một cơ quan khoa học, một phòng thí nghiệm nào đó với sự trả tiền bằng một ngân quỹ nào đó. Anh Tuỵ là người đầu tiên từ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà làm giáo sư thỉnh giảng ở Pháp như vậy. Cũng vì lý do tế nhị cả đôi bên Việt và Pháp như thế, sợ cả đôi bên nghi ngờ là người Việt và người gốc Việt đồng loã chứ không phải tại giá trị khoa học thực sự, nên tôi đã tránh mời về trường tôi, mà nhờ anh bạn đồng nghiệp kể trên tổ chức hộ. Xin kể thêm là thuở đó, do chênh lệch hối đoái, và mức sống rất thấp ở trong nước, lương của một cán bộ đi thực tập, nghiên cứu sinh, cũng bị coi là quá cao, huống hồ lương giáo sư thỉnh giảng cấp cao nhất ở đại học Pháp, là một số tiền khổng lồ. Thuở ấy có lệ là các cán bộ này phải « tình nguyện » nộp lại một tỉ số tiền lương cho cơ quan (8). Anh Tuỵ đã dàn xếp được để số tiền nộp lại đó về đến Viện Toán, mà không « lạc » đi đâu.

Lần sang Pháp đó, anh Tuỵ ở nhà tôi vài buổi, rồi dọn lên ở một phòng mà tôi đã thuê cho anh trong gian nhà dành cho các giáo sư ngoại quốc được mời sang thỉnh giảng ở đại học Paris, trong khu Cité internationale universitaire. Những chuyện tưởng như « vặt vãnh » này, thực ra đều có chủ ý nhắm nhiều tác dụng. Thuở ấy đang còn tồn tại một sự co cụm do chiến tranh gây ra và để lại, các nhà khoa học Việt Nam hầu như không có và không được thoải mái trực tiếp giao dịch trao đổi với đồng nghiệp ở các nước phương Tây. Việc mời anh Tuỵ sang Pháp ở cương vị cao, có mục tiêu « phá rào ». Như tôi đã có dịp kể nhiều lần, năm 1975, trước ngày Giải phóng ít lâu, tôi có thư gửi thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị cải cách đại học, lập lại chức vụ giáo sư, học vị tiến sĩ, để/và ổn định công tác khoa học, ... (theo lời ông Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và ông Trần Quang Huy, Bộ trưởng phủ Thủ tướng và phụ trách Ban Khoa giáo Trung ương kể lại, thư này có được đem ra bàn trong một buổi họp của Hội đồng Chính phủ mùa xuân 1975) (9). Những ý tưởng đó tuy được cấp lãnh đạo chấp nhận trên nguyên tắc, nhưng trong thực tế vẫn đang có nhiều hoài nghi, đặc biệt là về cái danh hiệu giáo sư mà không ít người Việt Nam lúc đó cho là quá « cao quý ». Việc anh Tuỵ sang Pháp làm giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Paris-Sud – rồi sau đó ít lâu, đến lượt anh Phan Đình Diệu, làm giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Paris 7 trong điều kiện tương tự – chính là một cách chứng tỏ rằng nếu giới đại học Pháp công nhận một số nhà khoa học Việt Nam ở mức cao nhất, thì chẳng có lý do gì để đại học Việt Nam đánh giá những vị này thấp hơn. Ấy vậy mà đến 1980 – nghĩa là thêm 5 năm chờ đợi, và hết sức thuyết phục – trong nước mới thực hiện đợt phong giáo sư đầu tiên của CHXHCNVN, mặc dù bị thực hiện dưới dạng « phong hàm », mà hiếm có nước nào trên thế giới tiến hành như vậy. Anh Tuỵ có danh hiệu giáo sư của Việt Nam, trong đợt đầu tiên này. 

Tuy nhiên, cách tiến hành theo kiểu « phong hàm », rồi nay đổi thành « phong chức chức danh », tiếp tục không ổn. Tôi đã nhiều lần phát biểu về vấn đề này (10) – theo tôi hiểu thì anh Tuỵ cũng cùng ý tưởng như tôi – và chúng tôi tiếp tục kiến nghị để có một sự thay đổi hợp lý hơn. Nói tóm tắt thì : Hiện có quan niệm « không đúng » về vai trò của giáo sư đại học. Ở các nước đã phát triển, đây là một chức vụ, gắn liền với một cơ sở đại học, gồm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu và điều hành các công việc khoa học liên quan đến chuyên môn của một ngành, một bộ môn. Trong một xã hội trên đà phát triển, nhu cầu cần giải đáp các vấn đề mới nảy sinh, buộc phải có việc nghiên cứu và « đào tạo qua nghiên cứu ». Cũng vì thế mà người giáo sư đại học phải đồng thời là nhà nghiên cứu. Chức vụ là như vậy, nó gắn với nhu cầu của xã hội. Cho nên quan niệm giáo sư đại học như là một « hàm » hay một « danh hiệu» cao quý mà Nhà nước phong thưởng cho những cá nhân xuất sắc vì những công trình cá nhân của họ, là một quan niệm không có cơ sở khoa học. Do đó cần thay đổi cho hợp lý ; và nay đã có lời hứa hẹn được sửa đổi theo hướng đúng, và tôi vẫn chờ đợi được thấy thực hiện như thế.

 

VI.- Anh Tuỵ và Trung Tâm Đại học (TTĐH) « dân lập » Thăng Long : 

 
Như tôi đã có dịp kể nhiều lần về việc tôi điều trần với các nhà lãnh đạo trong nước về sự cần thiết cải cách giáo dục đại học, đặc biệt là từ 1975. Nhưng đối với tôi 13 năm sau đó, việc cải cách giáo dục đại học quá chậm, nếp cũ đã quen, hướng đi lại không rõ, bàn ra bàn vào đã nhiều mà nhúc nhích chẳng được bao nhiêu. Tôi nghĩ rằng phải tìm cách thực hiện một thí điểm « làm gương », gây ra một « tiền lệ » để minh hoạ cho những đề nghị cải cách. Do đó, trong một thư đề ngày 2/4/1988, gửi cho năm anh chị Phan Đình Diệu, Bùi Trọng Lựu, Hoàng Xuân Sính, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Tuỵ, tôi khơi ý với các anh chị đứng ra làm đơn xin thành lập một cơ sở đại học « dân lập », nghĩa là không xin tài trợ của Nhà nước; về giảng dạy, bằng cấp, quản lý, giao dịch lại theo quan niệm mới, phù hợp với yêu cầu của xã hội và phù hợp với tình hình quốc tế. Một mặt, tôi viết thư gửi các vị lãnh đạo ở các cấp cao nhất trong nước để trình bày vấn đề, một mặt vợ chồng tôi hứa giải quyết vấn đề quyên góp tài trợ, để cơ sở này có thể đủ tiền sinh hoạt trong ít nhất 3 năm, nhưng có triển vọng là lâu hơn nữa. Khỏi cần giải thích chi tiết tại sao tôi lại liên lạc với 5 anh chị đó để góp ý thành lập cơ sở này. Tôi nhắc lại đây những đặc điểm của TTĐH Thăng Long mà tôi đề nghị trong khung cảnh thời ấy, và được sự đồng tình của 5 anh chị nói trên:

- 1/ Nhằm đào tạo những sinh viên có trình độ đại học theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm phục vụ cho các cơ sở giáo dục, kinh tế, sản xuất... của Nhà nước và của các thành phần kinh tế khác của đất nước.

- 2/ Nguồn tài chính một phần nhỏ là do học phí (rất thấp), còn chủ yếu là do tài trợ của những cá nhân và tập thể trong hay ngoài nước. Tuy là đại học « không phải của Nhà nước », nhưng chương trình giảng dạy được sự chấp thuận của Bộ Đại học, và bằng cấp do Nhà nước chứng nhận.

- 3/ Các đại học nhà nước (lúc đó) đào tạo « luôn một chặng » theo số năm cố định là 4 hay 5 năm; khi sinh viên tốt nghiệp thì được phát chứng nhận « Tốt nghiệp đại học » (theo mô hình Liên Xô). Để được linh hoạt, dễ đáp ứng với nền kinh tế và của xã hội, nâng cao dân trí, TTĐH Thăng Long muốn thực hiện việc cấp học vị (nghĩa là bằng cấp « có tên gọi »), tốt nghiệp từng chặng để sinh viên sau 3 năm (cao đẳng), 4 năm (cử nhân), 5 năm (cao học), tuỳ trường hợp, tuỳ khả năng, tuỳ thị trường lao động, có thể đi vào lao động sớm, học liên tục, hay trở lại học nối... (đây là một cách góp phần giải toả con đường « lập thân, tiến thân » cho mọi người Việt Nam, khi đó còn chịu rất nhiều ràng buộc).

- 4/ TTĐH Thăng Long tuyển sinh theo hồ sơ khoa học, dựa theo khả năng học của sinh viên, không có vấn đề lý lịch . Đối với những sinh viên có gia cảnh eo hẹp, chỉ có nâng đỡ về mặt miễn phí, hoặc cho học bổng. (Thời đó, lý lịch trong việc học còn rất nặng, và vấn đề « nâng đỡ bằng cách cho thêm điểm » một số « thành phần cơ bản » còn đang thịnh hành).

- 5/ Chương trình học theo tiêu chuẩn quốc tế, và thể hiện cả hai mặt : mang lại cho sinh viên kiến thức khoa học cơ bản đủ rộng để có khả năng suy luận, và những « kỹ thuật » chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu về nghề nghiệp.

- 6) Trong khi trường đại học nhà nước chỉ sử dụng cán bộ giảng dạy của trường mình, với chất lượng không đồng đều, TTĐH Thăng Long tập hợp sử dụng những nhà giáo có khả năng phù hợp (vẫn là cán bộ nhà nước), và cố gắng thù lao họ một cách tương xứng, để họ có thể tập trung tâm trí vào việc giảng dạy và công tác khoa học. (Nói một cách thẳng hơn, các đại học nhà nước đều có một số cán bộ không có trình độ, trót tuyển vào trước kia, và buộc vẫn phải dùng họ).

- 7/ TTĐH Thăng Long cũng thể hiện một hình thức « du học tại chỗ » theo nghĩa: giảng dạy với chương trình khoa học và nhà giáo theo như tiêu chuẩn quốc tế, như những nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây. Đây cũng là một cách nâng đỡ một số sinh viên có tài năng, mà vì một số lý do và vì gia cảnh, không xuất ngoại du học « tự túc » được.

(Với các điểm 6/ và 7/, mô hình TTĐH Thăng Long góp phần nhằm làm ngưng việc « chảy máu chất xám », bởi vì lúc đó, chất xám « chảy máu » dưới nhiều dạng : trí thức đi hẳn – xin đi công khai hay vượt biên – ; đi bán sức lao động trí thức của mình ở một số nước thành phần thứ ba để mưu cuộc sống ; hoặc làm một nghề tay trái không dính dáng gì đến sự hiểu biết chuyên môn của mình ; sinh viên xin đi du học để « tự trang bị » cho mình, hay tìm một lối thoát cho mình ...)

- 8/ Mô hình tổ chức của TTĐH Thăng Long nhằm góp phần minh họa cho một chiến lược mới : mở rộng việc học để nâng cao dân trí, và có « kho » dự trữ trí tuệ ; nhắm hướng « tuyển lựa sử dụng » cán bộ theo tài năng (trong đám sinh viên đã tốt nghiệp đại học), khác với chính sách « phân phối công tác » (cho sinh viên đã tốt nghiệp) với những khuyết điểm của nó. (Lúc đó ở Việt Nam , cũng như ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, chính sách « phân phối công tác » thực sự là hình thức thi tuyển thấp, ngưng ở mức độ thi tuyển học sinh từ trung học vào đại học; rồi sau đó sự phân công công tác hầu như hiển nhiên, không công bố các « chỗ làm » nên ứng viên không biết mà nộp đơn; phân phối bổ nhiệm công tác theo những tiêu chuẩn nào, do ai tiến hành, cũng không rõ rệt, vì vậy mà dễ tuỳ tiện).

- 9/ Với phương tiện vật chất giới hạn, TTĐH Thăng Long chỉ nhắm mở những ngành cần trang bị nhẹ, đồng thời nhắm góp phần phục hồi, mở thêm và nâng cao giá trị một số ngành học gần với « khu vực thứ ba » (dịch vụ và thông tin, tiếng Pháp là « secteur tertiaire »), như các ngành kinh tế, thương mại, sinh ngữ, luật, khoa học xã hội, ... Khu vực thứ ba này tạo ra nguồn thu nhập, trong khung cảnh « mở cửa » làm ăn với thiên hạ. (Lúc đó các ngành kinh tế, thương mại, luật, khoa học xã hội, ... đang là các ngành « tế nhị »; đừng quên là lúc đó, ở các nước xã hội chủ nghĩa, khuynh hướng « chính trị là thống soái » còn tồn tại mạnh.)

- 10/ TTĐH Thăng Long thí điểm một mô hình tổ chức đại học mới, nhằm góp phần thúc đẩy một cuộc cải tổ đại học phù hợp với tình hình và nhu cầu của nước ta trong giai đoạn mới. (Mục tiêu của nó không phải là tồn tại mãi mãi để đào tạo một số chuyên viên trong đám chuyên viên mà các đại học nhà nước đang đào tạo). 

Đề án TTĐH Thăng Long được cấp lãnh đạo chính quyền chấp nhận. Thuở ấy Trưởng ban Khoa giáo Trung ương là ông Đặng Quốc Bảo hết lòng ủng hộ, Tổng Bí thư là ông Nguyễn Văn Linh bật đèn xanh cho phép ; phía Hội đồng bộ trưởng, thì Phó Chủ tịch Võ Nguyên Giáp đặc biệt quan tâm, … Thư cho phép của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng đề ngày 10/12/1989, quyết định của Bộ đề ngày 15/12/1988 và trường được chính thức khai mạc ở Văn miếu ngày 21/2/1989 như tôi mong đợi. Rõ ràng là sự đứng tên của cả 5 anh chị đã là một trong những yếu tố quan trọng trong việc được phép mở trường này. Nhưng 3 người trong đám 5 người đứng tên xin phép mở trường, anh Tuỵ, anh Diệu, anh Trí, lúc đó đang giữ những trách nhiệm quan trọng trong các cơ sở giáo dục và nghiên cứu nhà nước, nên chỉ có chị Sính và anh Lựu phụ trách quản lý TTĐH Thăng Long. 

Lòng tôi ngay từ đầu thành thực mong muốn rằng, khi thí điểm đó đã chứng minh hiệu quả của nó, Nhà nước sẽ tiếp nhận nó trở về trong lòng hệ thống « công lập », để rồi dần dần áp dụng phương pháp làm đó cho các trường công lập khác. Nhưng mục tiêu rốt cục không thành. Ở đây, tôi không muốn nhắc lại rườm rà những vế thực hiện cụ thể, bởi vì đã kể chi tiết trong một số tài liệu như (11). Chỉ xin nói gọn một điều là sau mấy năm hoạt động, chị Sính với tư cách giám đốc TTĐH dân lập Thăng Long này đã tự lấy quyết định đổi hướng, và do đó không còn sự tham gia của 4 anh kia nữa, cũng như sự chấm dứt hỗ trợ của chúng tôi bên ngoài. Nhưng những ý tưởng về chấn hưng giáo dục đại học vẫn còn đó, và còn đang tiếp tục dưới những hình thức khác trong đó anh Tuỵ đóng một vai trò chủ chốt, mà tôi sẽ kể dưới đây.

 

VII.- Anh Tuỵ và đề án thành lập « Trung tâm đào tạo Toán học ứng dụng » năm 1995 :

   
Trong bài: « Một số vấn đề khoa học và giáo dục: Góc nhìn trong cuộc », phát biểu tại Hội thảo Hè tại Đà Nẵng 28-30/7/2005, và sau đó đăng trong báo mạng « Thời Đại Mới », số 6, tháng 11/2005, anh Hoàng Tuỵ có nhắc tới việc năm 1995, anh và một số đồng nghiệp đứng ra xin mở một Trung tâm toán học ứng dụng, với nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ ở trình độ quốc tế, đồng thời đưa Toán học ứng dụng vào các lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Anh có kể lý do tại sao đề án này rốt cục không thành. Tôi muốn trở lại dài dòng một chút về câu chuyện này, vì nó là một kinh nghiệm về những khó khăn làm khoa học ở Việt Nam. Nó là một chuyện trong chuỗi cố gắng của anh Tuỵ trong mấy thập kỷ để góp sức cải thiện tình hình quản lý đất nước. Số là từ đầu những năm 60 của thế kỉ trước, anh đã cùng một số học trò tìm cách ứng dụng vận trù học, tối ưu hoá và khoa học hệ thống vào kinh tế. Mặc dù rất khó khăn và công việc có khi lên khi xuống, nhưng nhìn chung cũng có một số kết quả, gây được ý thức tính toán, cân nhắc hiệu quả trong các hoạt động kinh tế và có trường hợp khá thiết thực. Nhờ những hoạt động đó, trong xã hội miền Bắc một thời các khái niệm, từ ngữ như « vận trù », « tối ưu », « hệ thống » được dùng khá phổ biến ngay cả trong nhân dân và trong một số văn kiện chính trị. Sau 1968, các cơ quan, xí nghiệp chỉ lo chấn chỉnh tổ chức, khôi phục sinh hoạt và nền nếp lao động là chính, không quan tâm mấy đến hiệu quả sản xuất. Trong lúc đó, quản lý kinh tế xã hội ở tầm vĩ mô quá cũ kỹ, cho nên anh Tuỵ chuyển sang nghiên cứu và góp ý kiến về lĩnh vực này. Nghe nói nhiều ý kiến của anh trình bày trong môt số hội nghị hoặc viết trên báo bị một số người phê phán là « xét lại », nhưng thật may cho anh là cả ông Phạm Văn Đồng và ông Lê Duẩn hồi ấy đều đánh giá tốt, tuy có người chống kịch liệt. Năm 1971, sau khi đọc một bài báo của anh về quản lý kinh tế, ông Duẩn cho mời anh xuống Đồ Sơn để nghe anh trình bày. Anh kể là anh hơi e ngại, không ngờ ông hoan nghênh và còn chỉ thị Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước lập một « Viện nghiên cứu các phương pháp khoa học trong quản lý kinh tế » để cho anh phụ trách. Việc này đã cứu anh khỏi bị đấu, nhưng có lẽ cũng vì nó mà người ta càng tìm cách cản trở không cho anh làm gì cả. Và cái viện ông Duẩn đã chỉ thị thành lập, cũng bị lờ đi. Năm 1979, ông Duẩn dành hẳn mấy ngày nghỉ ở Đồ Sơn để nghe ý kiến anh và 4 anh khoa học khác về quản lý kinh tế, xã hội. Lần đó, trả lời câu hỏi nêu lên : làm sao chống tiêu cực (hồi ấy chưa nói « tham nhũng ») anh đã phát biểu rất thẳng thắn : với cách quản lý của ta, mà không tiêu cực, tham nhũng mới lạ. Nội dung anh phát biểu thuở đó cũng gần như những ý kiến anh đã phát biểu sau này với ông Phạm Văn Đồng và các ông lãnh đạo khác thời sau đó (với sự giới thiệu của ông Đồng). Mấy buổi làm việc với các anh ở Đồ Sơn hình như đã có tác dụng với ông Duẩn vì Nghị quyết 6 liền sau đó đã lật ngược một số ý kiến rất bảo thủ trước đó để khẳng định một số quan niệm khá thông thoáng như các anh đã đề nghị. 

Những năm 80 là thời kỳ kinh tế cực kỳ khó khăn, nhiều cán bộ khoa học bỏ đi sang các nước Đông Âu làm kinh tế, nhiều viện khoa học kiếm sống bằng những hoạt động không có chút gì dính dáng đến chuyên môn, riêng Viện Toán cố gắng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để tồn tại và phát triển bằng chính chuyên môn của mình. Song song, anh Tuỵ và đồng nghiệp giúp thành lập Viện Toán kinh tế ở Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, rồi Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống ở Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Tiếc rằng cuối cùng cũng không làm được kết quả gì vì vấp phải chính sách dùng người. Sau đổi mới, năm 1987, anh được ông Phạm Văn Đồng giao việc nghiên cứu góp ý kiến về chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho Ban Nghiên cứu Chiến lược Kinh tế Xã hội, do ông làm chủ tịch. Lần đầu tiên các anh gọi đúng tên sự khủng hoảng nhiều mặt của chế độ và nêu lên hàng loạt vấn đề nghiêm trọng lúc ấy còn coi là « kỵ huý », ít người dám đụng tới. Sau khi chủ động xin thôi chức viện trưởng Viện Toán, anh đi dạy và làm khoa học ở nước ngoài một thời gian (Áo, Thụy Điển, Canada). Trở về nước anh muốn dựa theo những kinh nghiệm thu thập được, dành sức góp ý kiến chấn hưng giáo dục và khoa học trong nước. Do đó từ 1994 anh theo dõi sát tình hình và bắt đầu phát biểu về hai lĩnh vực này một cách có hệ thống. Đồng thời, trước sự phát triển mạnh mẽ của máy vi tính và công nghệ thông tin tạo nhiều điều kiện ứng dụng các phương pháp toán học vào các lĩnh vực thực tế, anh nảy ra ý muốn thành lập «Trung tâm đào tạo Toán học ứng dụng» năm 1995, để một mặt hỗ trợ sự phát triển kinh tế, một mặt làm hồi sinh sự phát triển Toán học đang có nguy cơ tàn tạ trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế (thời ấy thanh niên đổ xô vào các ngành/nghề dễ kiếm tiền, không mấy ai quan tâm khoa học cơ bản, đến nỗi có lúc ngành Toán ở đại học cả nước chỉ lèo tèo có mấy sinh viên). Theo anh Tuỵ, lúc đó so với các nước trong khu vực, đội ngũ khoa học của Việt Nam về một số lĩnh vực Toán tương đối khá, nếu cố gắng và biết hợp tác với bạn đồng nghiệp ở một vài nước phát triển nữa thì hoàn toàn đủ khả năng lập một Trung tâm đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tầm cỡ, không chỉ cho trong nước mà có thể thu hút cả sinh viên, nghiên cứu sinh các nước xung quanh, đồng thời làm nhiệm vụ bồi dưỡng và tu nghiệp ngắn hạn cho giáo viên phổ thông và đại học, giúp nâng cao trình độ cho họ bằng nguồn lực trong nước. Sau khi bàn và được sự nhất trí trong Hội Toán, anh gặp trực tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt để trình bày kiến nghị. Ông Kiệt rất hoan nghênh và bảo anh làm kế hoạch cụ thể. Nhưng rồi khi ủy cho người khác chỉ đạo thực hiện thì chẳng đi đến đâu. Sau hai năm chờ đợi, anh xin gặp lại Thủ tướng và được ông tái khẳng định sự ủng hộ, và bảo anh làm thêm kế hoạch cụ thể cho năm 1997 ; nhưng không ngờ khi kế hoạch cụ thể đưa lên thì việc lại không thành. Đến thời Thủ tướng Phan Văn Khải, anh lại đặt vấn đề, rồi sự việc lại tái diễn tương tự. Nghĩa là cấp trên hứa hẹn, cấp dưới không chấp hành. Tiếc tốn công mấy năm mà việc không thành.

Nhân dịp này, tôi muốn nói đến một chút liên quan. Ở Pháp, sau cuộc cải cách giáo dục đại học năm 1984, dần dần hình thành trong đại học Pháp một sự chuyển hướng trong cung cách đào tạo tiến sĩ. Ngoài việc bỏ các bằng tiến sĩ nhà nước (Doctorat d’Etat), và các bằng tiến sĩ thấp hơn (Doctorat 3ème cycle, Doctorat d’université), thay bằng một bằng tiến sĩ duy nhất ở mức tú tài+8 và đặt thêm bằng HDR (Habilitation à Diriger des Recherches) cho những tiến sĩ nào mong muốn trau dồi thêm để trở thành giáo sư đại học, việc đào tạo tiến sĩ dần dần hình thành dưới dạng mới : bỏ dạng một thày một/nhiều trò, mà tiến tới hình thức tổ chức những « Ecoles doctorales » (rất khó dịch và tiếng Việt bởi vì chữ « trường » bị dùng lộn xộn). Nói một cách tóm tắt và đơn giản hoá, đây là những cơ sở giảng dạy và nghiên cứu của một đại học hay của chung nhiều đại học, với sự tham gia về mặt nhân sự (các giáo sư và nghiên cứu sư, vẫn là những nhân viên cơ hữu « bình thường » của các đại học tham gia, nghĩa là họ vẫn đảm nhiệm mọi nhiệm vụ như tham gia giảng dạy ở mọi cấp « bình thường » khác của đại học của họ), về phương tiện vật chất và tri thức (các phòng thí nghiệm, các trang bị, thư viện, tổ chức các xê-mi-ne, vv.) nhằm mục tiêu đào tạo tiến sĩ cho một hay nhiều ngành, và góp phần hướng nghiệp cho các tiến sĩ khi xong luận án. Thuở ấy, tôi có dịp trao đổi thông tin và ý kiến với anh Tuỵ, nhưng phải nói là sau đó, đề án của anh Tuỵ có phần hơi khác với các cơ sở nói trên về mặt quản lý, vì tình hình ở Việt Nam khác tình hình ở Pháp. Ở Việt Nam, do có sự tách rời giữa việc giảng dạy ở các đại học và việc nghiên cứu khoa học tại các viện nghiên cứu – « thừa hưởng » từ một nguyên nhân lịch sử đã kể trong phần II trên đây và vì dấu ấn mô hình tổ chức kiểu các nước xã hội chủ nghĩa thuở ấy, vẫn còn tồn tại đến nay – tôi hiểu Trung tâm toán học ứng dụng trong đề án của anh Tuỵ như một cơ sở tồn tại dưới một dạng có quy chế riêng, ngân quỹ riêng, độc lập trong quản lý, và « được phép » giảng dạy và đào tạo và được công nhận phát bằng cấp như một cơ sở đại học, tuy nó không tổ chức đào tạo các cấp bên dưới tiến sĩ, thạc sĩ. Trong tình hình rất lộn xộn của nền giáo dục đại học và tình hình các viện nghiên cứu ở Việt Nam, tôi nghĩ là đề án đó của anh Tuỵ cũng là một bước tiến tới phá bỏ hàng rào ngăn cách giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời là một thí dụ giải quyết một cách nghiêm chỉnh khâu đào tạo nhà giáo cho đại học cũng như đào tạo nhân sự cho các lĩnh vực khác của đất nước. Việc đã không thành, và anh Tuỵ đã nêu lý do trong bài của anh (đã dẫn trên) ; nhưng tôi cũng còn có một hoài nghi khác : phải chăng đề án không thành là vì khả năng thực sự hiểu vấn đề giáo dục đại học của một số nhà trách nhiệm chiến lược và quản lý, quá giới hạn?

   

VIII.- Vấn đề trường công trường tư, trường học vô vị lợi, giáo dục có là hàng hoá hay không : 

 
Tôi vốn là « tông đồ » của giáo dục công lập, có lẽ do tiêm nhiễm ảnh hưởng của văn hoá Pháp, coi giáo dục là vốn quý của dân tộc, đồng thời muốn bảo đảm sự công bằng cho mọi công dân trong việc học tập, tuy Pháp là một nước tư bản với một nền kinh tế thị trường. Điều coi giáo dục công lập là trọng tâm, tất nhiên không thể đánh đồng với cách Nhà nước bao cấp chi li và quản lý theo kiểu hành chính vô ý thức. Trong nhiều năm, tôi đã đăng nhiều bài báo về vấn đề này, thí dụ xem (12). Với tôi, việc gợi ý thành lập Trung tâm Đại học « dân lập » Thăng Long chỉ là một giai đoạn bất đắc dĩ, tạm thời để gỡ mối bòng bong, với hy vọng góp phần dần dần đưa nền giáo dục đại học về quỹ đạo nghiêm chỉnh của nó. Nếu tôi không lầm, thì anh Tuỵ cũng chia sẻ ý tưởng này. Nhưng với tình hình đổi mới, với kinh tế thị trường áp dụng vào nước ta và những suy diễn theo cách này cách nọ, đã nở rộ những cụm từ mới hình như để phù hợp với ngôn ngữ « định hướng xã hội chủ nghĩa » nhưng nội dung thì lại thật khác : như « xã hội hoá » (thực sự là nhường gánh tài chính của xã hội, của Nhà nước, lên vai người công dân), như « ngoài công lập » (kỳ thật để chỉ giáo dục tư thục), vv. Anh Tuỵ sống trong nước, anh hiểu môi trường hơn tôi, một kẻ ở xa, cho nên anh cũng có những nhận xét và đề nghị mềm dẻo hơn tôi và những anh chị em khác sống ở bên ngoài – vậy mà cũng có người cho rằng anh quá cứng rắn ! Thí dụ như trong bài phát biểu của anh « Một số vấn đề khoa học và giáo dục : Góc nhìn trong cuộc » đã dẫn trên, anh viết (tôi trích): 

Trước hết, một thực tế hiển nhiên là Nhà Nước không thể bao cấp toàn bộ dịch vụ đại học (mà hiện nay cũng đâu có bao cấp như vậy?). Mô hình đại học miễn phí như các nước Bắc Âu tuy có lẽ là hợp lý nhất cho « kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa », nhưng hoàn toàn không khả thi đối với Việt Nam. Vì vậy cần xã hội hoá, huy động sự đóng góp của dân để chia sẻ với Nhà Nước chi phí đào tạo đại học. Có hai cách thực hiện việc đó : một là tăng học phí ở các đại học công tới mức đủ trang trải một phần đáng kể chi phí cần thiết (giải pháp này phải đi đôi với chính sách học bổng cho người nghèo), hai là khuyến khích mạnh tư nhân đầu tư phát triển đại học tư. Cả hai giải pháp đều tốt, và thường có thể thực hiện kết hợp. Trên nguyên tắc trường tư lại có thể phi lợi nhuận hay vì lợi nhuận. Cho đến gần đây phần lớn trường tư ở Việt Nam đều gọi là dân lập (chẳng qua vì dị ứng với chữ « tư » vô tội), và đều thu lợi nhuận (một số trường hợp có lãi lớn), nhưng quy chế hoạt động không rõ ràng, nên dễ bị lợi dụng, sinh nhiều chuyện không hay, do chính quyền khi buông lỏng quá mức, khi can thiệp quá tự tiện vào việc quản lý nội bộ của họ. Trước sự phát triển của các hiện tượng mua bán tiêu cực trong giáo dục, một số người cương quyết phản đối việc cho phép kinh doanh giáo dục lấy lãi, nhưng điều này vấp phải những thoả thuận tự do hoá giáo dục mà, theo sự giải thích của các quan chức, ta khó có thể đứng ngoài khi gia nhập WTO. Ngược hẳn lại, một số khác đòi hỏi các trường tư vị lợi phải được phát triển không hạn chế và phải được hưởng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ tích cực của Nhà Nước, coi đó chính là cốt lõi đổi mới tư duy giáo dục hiện nay và là biện pháp cởi trói có thể tạo chuyển biến đột phá của giáo dục trong những năm tới, giống như « khoán mười » đối với nông nghiệp trước đây vậy.

Mặc dù không phản đối trường tư vị lợi, tôi không thấy có lý do gì chính đáng để Nhà Nước cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt các hoạt động kinh doanh giáo dục để lấy lãi, và cũng không tin rằng phát triển mạnh trường tư kiểu đó, rồi tiến đến cổ phần hoá một bộ phận đại học công nữa, như một số quan chức giáo dục đang hô hào, lại có thể là một giải pháp «khoán mười » cho giáo dục đại học. Trái lại, có lý do để lo ngại, nếu không cẩn thận, giải pháp này có thể đẩy giáo dục đại học trượt xa đến chỗ hỗn loạn nguy hiểm khó lường. (Hết phần trích).

Tất nhiên tôi tôn trọng lý luận của anh, và chia sẻ – tuy không phải toàn bộ – lý luận này.      

 

IX.- Đại học « hoa tiêu » : 

 
Bốn muơi năm làm giáo sư đại học ở nước định cư – nước Pháp cũng thuộc loại đã phát triển cao và có một chiều dày trong truyền thống giáo dục – tôi cũng có chút kinh nghiệm để nhận thấy là cải cách theo kiểu đại trà là khó lắm, bởi vì nó liên quan tới việc chuyển đổi đồng loạt cả một hệ thống sẵn có, với những khuyết tật của nó, với phương tiện vật chất cần có, với sức ì, với sự cầu an của một phần nhân viên. Ở nước ta thì những khó khăn này lại gấp bội, do bối cảnh lịch sử để lại, thí dụ như một thời đã trót tuyển một số nhân viên mà trình độ hiểu biết yếu kém mà nay lại không thể sa thải ; hoặc như sự tế nhị trong việc nâng lương bổng nhà giáo sao cho đủ sống để họ có thể toàn tâm toàn ý trong việc thực hiện nhiệm vụ ; hoặc như khả năng trang bị trường sở ; hoặc như phải nâng đỡ sinh viên về điều kiện sinh sống và học tập như thế nào, để đạt được một trình độ « bình thường » – khoan nói tới đẳng cấp cao làm gì – của một nền giáo dục đại học. Đối với ai có cái nhìn khách quan, không bị ràng buộc về mặt này mặt nọ, rõ ràng là giải pháp nâng cấp các đại học sẵn có là một giải pháp đắt hơn, lâu hơn và khó thực hiện hơn gấp bội. Do đó, đã từ nhiều năm, tôi cố kiến nghị (13) giải pháp thành lập mới một đại học công lập, bước đầu cỡ nhỏ, để làm « gương » – cho nên mới dùng tên gọi « hoa tiêu » – để giải quyết cấp bách, song song với việc dần dần nâng cấp những cơ sở còn lại. Cũng cần nói thêm rằng, theo ý tôi, « thành lập mới » không có nghĩa là phải « xây cất mới » nhà cửa – có người hiểu lẫn « xây dựng » với « xây cất » – mà trong ý tưởng « hoa tiêu » này, dù cho có gọi nói nó là đẳng cấp quốc tế, hay đẳng cấp cao, hay có tiêu chuẩn quốc tế, hay gì gì đi nữa, vấn đề chủ yếu đối với tôi là « mới » là theo nghĩa bao gồm : việc tuyển chọn nhà giáo có trình độ, bổ nhiệm theo chức vụ, chứ không phải theo quan niệm phong hàm ; kết hợp giảng dạy và nghiên cứu ; tổ chức phương cách quản lý, trang bị và giảng dạy theo chương trình phù hợp ; tuyển sinh có trình độ ; học tập và kiểm tra thi cử nghiêm túc, vv. Hình như ý này gặp sự trùng hợp với suy nghĩ của anh Tuỵ, như vậy là trong và ngoài cùng nghĩ như nhau, và anh cũng đã bỏ mất nhiều công sức để soạn đề án cụ thể này nọ. 

Tuy vậy ý anh Tuỵ và ý tôi có lẽ không phải lúc nào cũng hoàn toàn giống nhau, thí dụ như trong việc kết hợp nghiên cứu và giảng dạy, trong nhiều năm qua, tôi kiến nghị sát nhập các viện nghiên cứu vào các trường đại học ; nhưng tôi cũng chia sẻ ý của anh là – nếu các đại học quá yếu để vực lên được khâu nghiên cứu khoa học – cũng có thể thành lập một đại học từ các viện nghiên cứu, nơi có nhiều nhân sự có khả năng và đã có chức danh giáo sư. Tất nhiên, tôi chỉ đồng tình hoàn toàn, nếu như từ việc đào tạo cấp tiến sĩ, thạc sĩ, một đại học đa ngành thành lập từ các viện nghiên cứu, sẽ dần dần mở thêm những cấp đào tạo từ dưới lên (cử nhân, kỹ sư) để bảo đảm « đầu vào » thật nghiêm túc, và kết hợp được khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ và các ngành khoa học kinh tế, nhân văn, ... Loại kiến nghị này vốn đã có từ nhiều năm nay ; gần đây lại thấy một nhóm nhà khoa học đưa ra một đề án cùng loại (tôi không rõ anh Tuỵ có tham gia không). Nhưng việc thực hiện sẽ bao giờ xảy ra, hay rồi lại đợi chờ năm này qua năm khác ? 

Biết như vậy, nên trong một đợt gắng sức, tôi có viết bài báo (14), trong đó tôi có đề cập đến cách tiến hành, đặc biệt là trao trách nhiệm thực hiện cho một người « đặc nhiệm», và tôi đã không ngần ngại đề nghị tên anh Tuỵ. Việc tôi nêu tên anh Tuỵ cũng đã gây ra một chút phản ứng ngạc nhiên trong vài đồng nghiệp quen biết : theo họ, tính cương trực của anh có thể không gặp sự đồng tình của bộ máy quản lý, và anh đã cao tuổi. Nhân đây, tôi muốn nói cho thật rõ. Tuy ở xa và đã lâu không về nước, tôi cũng không khờ dại đến mức không biết những điều đó ; hơn thế nữa, tôi cũng đã nghĩ rằng giả thử như lời đề nghị của tôi được bộ máy quản lý chấp nhận thì không chắc gì chính anh Tuỵ đã nhận. Việc tôi đề nghị tên anh có một lý do : vào thời điểm cuối tháng 10-2005, trong lúc nền giáo dục nước nhà đang gặp nhiều bức xúc, chưa hề hé mở được một lối ra khả quan, không khí vọng ngoại lại đang đè nặng, tôi muốn «chứng tỏ » rằng trong nước có những « người biết việc »; cho nên hà tất phải mang « lễ vật » đi cầu mưu kế nơi người ngoại quốc, để rốt cục nghe những lời kiến nghị tuơng tự. Mới đây, tôi lại cố gắng viết thêm một bài báo, nhắc lại một số nhận xét phân tích (15). Tôi hy vọng rằng câu thành ngữ của người Pháp : « Il n’est pire sourd que celui qui ne veut pas entendre » (nghĩa là «Không ai điếc hơn người không muốn nghe») sẽ không « linh » , và rốt cục nhà cầm quyền sẽ nghe thấy lời thiết tha kêu gọi từ trong và ngoài nước.
 

X.- Anh Tuỵ và bản « Kiến nghị chấn hưng, cải cách, hiện đại hoá giáo dục » 2004 : 

 
Sau nhiều năm thường xuyên trao đổi với nhau, nhưng mỗi người phát biểu ý của mình với phương tiện của mình, đầu 2004 tôi được anh Tuỵ rủ tham gia một xê-mi-na do anh tổ chức với sự tham gia của một số trí thức trong và ngoài nước. Để cho chính xác, tôi thấy cần phải nhắc lại nội dung của xê-mi-na này, theo thông tin đã đăng trên website thời đó (tôi trích):

 
« Công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đang đặt ra những yêu cầu mới và những thử thách lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trước tình hình ấy, một số nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn có tâm huyết với giáo dục, có thành lập một xê-mi-na để nghiên cứu, thảo luận và đóng góp ý kiến vào việc chấn hưng, cải cách, hiện đại hoá giáo dục đáp ứng những yêu cầu và vượt qua thử thách đó ».

Xê-mi-na được tổ chức trong nhiều buổi, từ đầu tháng 3/2004 cho đến cuối tháng 5/2004; thành phần tham dự gồm những người trong nước và một số người ngoài nuớc, thảo luận trao đổi hoặc trực tiếp, hoặc qua thư điện tử. Các đề tài nghiên cứu, thảo luận gồm :

a) Đánh giá thực trạng giáo dục hiện nay.

b) Nêu những vấn đề lớn cần giải quyết để vượt qua khó khăn, đưa giáo dục tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.

c) Đề xuất các phương hướng chính nhằm chấn hưng, cải cách, hiện đại hoá giáo dục, đáp ứng các yêu cầu phát triển của xã hội.

Sau đó, thảo luận nhằm đi đến kiến nghị cụ thể hướng giải quyết một số vấn đề lớn như:

1.Thi cử.

2. Dạy thêm.

3. Hướng hiện đại hoá chương trình, phương pháp.

4. Sách giáo khoa.

5. Phân ban ở THPT.

6. Trường chuyên, trường điểm.

7. Học từ xa.

8. Hệ thống cơ cấu tổ chức đại học và vấn đề đào tạo tiến sĩ.

9. Phát triển qui mô đại học và vấn đề đào tạo nhân tài. Vấn đề đại trà và đặc tuyển.

10. Quản lý giáo dục và quyền tự chủ của các đại học lớn.

11. Giáo viên các cấp (chính sách đào tạo và sử dụng), đặc biệt vấn đề tuyển chọn Giáo sư, Phó giáo sư cho các đại học.

12. Trường tư thục. Xung quanh vấn đề chống thương mại hoá giáo dục.

Nói tóm tắt, mặt nào đây cũng là sự phát biểu liên quan đến những điểm bất cập (16) và những giải pháp mà chúng tôi đã kiến nghị từ rất nhiều năm.

Thoạt đầu các buổi họp tiến hành ở Viện Toán học, nhưng sau đó được mời về họp ở Bộ Giáo dục Đào tạo, với sự có mặt của Bộ trưởng Giáo dục lúc đó và một số quan chức của Bộ để các vị này có thể theo dõi thảo luận. Cuối tháng 5/2004, một bản Kiến nghị chung được anh Tuỵ thay mặt các thành viên thảo ra, với 22 trên 23 thành viên của xê-mi-na đồng ý ký (sau đó có thêm 2 người nữa đề nghị tham dự), và được gửi tới Trung Ương. Thủ tướng Chính phủ tiếp một số thành viên xê-mi-na. Quốc hội theo dõi, vv. (tôi có chép lại toàn bộ bản Kiến nghị đó trong sách của tôi « Học gần Học xa », nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2005, sau do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và nxb Tổng hợp Tp. Hồ chí Minh tái bản 2006). Sự việc xảy ra cách đây đã 2 năm, báo chí và các phương tiện truyền thông khác cũng đã nói tới, tôi nghĩ chắc chẳng cần phải dài dòng ở đây. Nhắc lại là anh Tuỵ cũng đã có những cuộc gặp gỡ khác, thí dụ như việc Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến thăm anh tại nhà trong dịp Tết năm 1998, ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng tới thăm anh tại nhà năm 2007 này, hẳn anh đã có dịp nói lên những suy nghĩ và mong muốn của riêng anh và của những ai thiết tha với một sự chấn hưng có kết quả nhanh chóng. 

Có ý cho rằng cách tổ chức nền giáo dục đại học ở ta nó lạ lắm, một mặt, nó vẫn « trơ như đá, vững như đồng ; ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời », đồng thời nó « thiên biến vạn hoá », khởi thuỷ từ một ý tưởng và ngôn từ chấn hưng, nó cũng có thể từ ý tưởng và những ngôn từ chấn hưng đó, « xì » ra những biến hoá ngược lại. Nhưng chúng tôi nhận thấy mấy năm nay cũng đã dần dần có những biến chuyển, tuy chậm chạp và có những điểm không phải hoàn toàn như chúng tôi đề nghị. Tôi nghĩ rằng dù trong tình huống nào, cũng như tôi, anh Tuỵ vẫn kiên nhẫn phát biểu.

Lại nhớ tới một lần, nhân dịp Đại học Linköping, nơi anh làm giáo sư thỉnh giảng mấy năm, tặng phong anh bằng tiến sĩ danh dự (1995), tôi hỏi anh rằng họ có biếu anh bộ lễ phục hôm vinh danh không, anh trả lời họ có cho mượn cái áo, nhưng tặng anh cái mũ và một cái nhẫn khắc tên anh với dòng ghi « Tiến sĩ danh dự Đại học Linköping ». Cái mũ của bộ lễ phục, đội đầu, chính là tượng trưng cho trí tuệ được tự do tư duy ; cái nhẫn là để nói lên sự gắn bó với khoa học (17).

Tôi lại hỏi, mấy năm ở Thụy Điển anh nghĩ gì về dân nơi đó. Anh nhận xét là họ rất trật tự, lễ độ và rất « hiền ». Tôi nhớ có nói với anh : Thuở xưa, thời Trung cổ phương Tây, xứ này là quê hương của bọn cướp biển Vikings, nổi tiếng hung ác, đi đánh phá khắp vùng duyên hải Tây Âu với những chiến thuyền drakkars mũi cong, nơi nào cũng hãi ; nay họ hiền hoà bác ái như vậy, hẳn là do nền giáo dục, văn hoá ngày nay của họ. Chắc tôi khỏi cần nói thêm.

   

Lời kết

 
Những chuyện kể trên, dù sao cũng mang tính dính dấp tới công việc chung. Còn gì để tôi nói riêng với anh Tuỵ trong quan hệ cá nhân ? Gọn hơn cả, là tôi mượn mấy câu thơ của hai thi sĩ Trung Hoa đời Đường, để nói về chuyện « đón-đưa » anh của vợ chồng tôi:

Hoa kính bất tằng duyên khách tảo
Bồng môn kim thuỷ vị quân khai.

(trích bài Khách chí, của Đỗ Phủ) (18),

Nghĩa là :

Đường hoa không vì khách đến mà quét
Cửa cỏ nay vì khách mà mở.

      Mạc oán tha hương tạm ly biệt,
      Tri quân đáo xứ tẫn phùng nghinh.

Nghĩa là :

Không than phiền ở chốn tha hương tạm ly biệt nhau,
[bởi vì ] Biết ông đi đâu cũng đều được người ta đón rước.

(trích bài Dạ biệt Vi tư sĩ, của Cao Thích) (18)

Nay tôi mượn ý, chuyển lại thành bốn câu (9-10-11-12 từ) dưới đây, đặt tên là Tạm biệt Hoàng giáo sư, gửi anh với tất cả tình cảm thân ái :

Cổng vào nơi chúng tôi thường không sơn mới,
Nhưng cửa nhà luôn sẵn mở khi anh chợt tới.
Biết anh đi đâu, đồng nghiệp cũng mến mộ đón đợi,
Nên nỗi buồn khi tạm chia tay với anh, rồi cũng vợi.
 

 Bùi Trọng Liễu 

 


(1)    Cám ơn anh V.N.Q. đã tìm cho tôi xuất xứ chính xác của 2 câu này. Nói thêm là 2 câu này cũng là 2 câu mà Chiêu Liệt hoàng đế nhà Thục, tức là nhân vật Lưu Bị, kể trong Tam quốc chí, khi sắp chết, dùng làm lời mào đầu khi gửi gắm con mình cho Khổng Minh.

(2)    Ông Lê Thước (1891-1975), đỗ giải nguyên khoa thi hương cuối cùng ở Nghệ An (1918) rồi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội (1921), là một trong những nhà giáo được kính trọng đầu thế kỉ 20. Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, ông tham gia Ban chấp hành Trung uơng mặt trận Liên Việt, rồi công tác ở Ban Tu thư bộ Giáo dục, và vụ Bảo tồn bảo tàng bộ Văn hoá. Ông là soạn giả, dịch giả nhiều sách về Nguyễn Du, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Khuyến, và là tác giả của cuốn « Sự nghiệp và thi văn của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ » (1928). Theo cuốn sách « Giáo sư Lê Văn Thiêm », nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2003, (bài của cố GS Nguyễn Văn Đạo), ông Lê Thước là anh em con cô con cậu với ông Thiêm, và là thân sinh ra Lê Thiệu Huy, một sinh viên đặc biệt xuất sắc ở Đại học Hà Nội, đỗ mấy bằng cử nhân lúc rất trẻ tuổi vào khoảng những năm 1939, 1940 của thế kỉ 20. Tháng 8 năm 1945, Lê Thiệu Huy theo Cách mạng, tham gia vụ bắt nhóm của thiếu tá Castella, nhảy dù xuống gần Huế (mang mật lệnh của tướng De Gaulle định lập lại chính quyền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ – điều này được kể kỹ trong cuốn « Người lính già Đặng Văn Việt, chiến sĩ đường số 4 anh hùng », nxb Trẻ, 2004). Sau đó, Lê Thiệu Huy được Chính phủ ta cử sang Lào giúp nước bạn xây dựng quân đội, được cử đi bảo vệ hoàng thân « đỏ » Souphanouvong, và đã hy sinh vào tháng 3 năm 1946. Cũng theo bài viết của anh Nguyễn Văn Đạo đã dẫn trên : sau này, khi hoàn thành luận án tiến sĩ nhà nước của mình tại Paris 1947, anh Lê Văn Thiêm có lời đề tặng cháu mình (vốn chỉ chênh nhau có 2 tuổi và rất thân thiết như đôi bạn) bằng tiếng Đức : Meinem Freund Lê Thiệu Huy, Gefallen auf dem Mekong für Vietnam in Fruhling 1946 (Kính dâng người bạn của tôi : Lê Thiệu Huy, đã hy sinh cho [tổ quốc] Việt Nam trên sông Mê Kông mùa xuân 1946). Nhà nước Lào đã tặng Huân chương cao nhất cho Lê Thiệu Huy. Ông Lê Thước có bài thơ « Khóc con », với hai câu : « Treo gươm nghĩa liệt soi ba nước. Uổng kiếp tài hoa mới nửa đời ». 

(3)    Ông Hoàng Ngọc Phách (1896-1973) tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội là nhà giáo, hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ tỉnh Bắc Ninh. Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, ông làm giám đốc giáo dục nhiều địa phương , rồi về công tác ở Ban Tu thư bộ Giáo dục. Ông có nhiều tác phẩm nghiên cứu chung hay riêng, về văn học. Nhưng ông được nhiều người biết đến hơn cả là do cuốn tiểu thuyết Tố Tâm (1925).

(4)    Ông Cảnh (tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội thời Pháp thuộc) là thày cũ của tôi hồi tôi học ở trường trung học Nguyễn Khuyến ở Yên Mô năm 1947-1949 thời Kháng chiến chống Pháp. Tôi xin trích lại đây một đoạn bài viết của tôi « Người cũ Yên Mô » đăng trong Kỷ yếu 2001 liên trường Thành chung, Nguyến Khuyến, Trà Bắc, Yên Mô,…, rồi trong cuốn sách của tôi « Tự sự của người xa quê hương » (Chuyện gia đình và ngoài đời), nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2004 : 

       Thế là đã năm mươi mấy năm tôi rời Yên Mô không trở lại. Trọ ở đó từ cuối 1947, tôi đã trải học trường Nguyễn Khuyến-Nguyễn Thượng Hiền qua lớp đệ nhị phổ thông rồi một phần lớp đệ tam phổ thông, thi nhảy bằng Trung học phổ thông, rồi học mấy ngày lớp đệ nhất chuyên khoa, đến khi quân đội viễn chinh Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm cuối 1949.  Chắc tôi chẳng cần nhắc đến những ngày ăn ở kham khổ, tắm giếng mùa đông, những buổi hội hiếm hoi, nhưng với không khí học tập chuyên cần dù cho sách thiếu, vở xấu, mực nhoè, đèn dầu tù mù, vv. Tôi muốn tập trung nhắc tới vài người cũ Yên Mô mà tôi tình cờ được gặp lại, đặc biệt là những người mà nhiều anh chị học sinh cũ biết. […] Hè 1970, vào dịp trong nước mời tôi, với tư cách là giáo sư Đại học Paris, về làm thí điểm cho việc Việt kiều về làm việc ngắn hạn, tôi có thuyết trình chuyên môn ở trụ sở trường Đại học Hà Nội cũ. Buổi đầu, trong giờ tạm nghỉ giải lao trước khi tiếp tục, một số ngưòi lại hỏi thăm, chợt có một người đến cạnh tôi bảo : « Nên nghỉ nói đi một lát kẻo mệt đấy ». Tôi quay lại nhìn, chợt nhận ra ngay thày Đỗ Trọng Cảnh dạy Vạn vật học hồi tôi còn nhỏ, học đệ nhị phổ thông (lớp 5 ngày nay).  Thế là đã hơn 20 năm mới gặp lại thày. Thày nghe tôi về, nên thày lại dự buổi thuyết trình, tuy đề tài không thuộc lĩnh vực của thày, mà chỉ với mục đích tìm tôi vì thày còn nhớ tôi ; may mà tôi nhận ra ngay vì thày không thay đổi. Chỉ kịp trao đổi với thày vài câu thăm hỏi vì ngày ấy còn chiến tranh, chương trình làm việc và đi lại của tôi được tổ chức rất sít sao, tôi không có dịp gặp lại. Khi chiến tranh đã chấm dứt, hè 1975 tôi lại về nước với mục đích thăm hỏi bà con và người quen, và mừng mọi người đã tai qua nạn khỏi ; lần này, tôi có nhờ các anh tôi hỏi được địa chỉ của thày, để tới thăm. Thuở ấy rất nghèo nàn, nhà thày ở trong một ngõ hẻm, bùn lầy, chật chội, trải chiếu ngồi dưới sàn, uống chén nước lọc, ăn vài viên lạc rang, chụp chung với thày một tấm ảnh, kỷ niệm một thày học nghiêm trang tận tụy mà tôi quí trọng từ thuở còn học thày ...

(5)     Ông họ Bùi, sinh năm 1918 tại Hà Tĩnh, viết cuốn phê bình văn học  « Dưới mắt tôi », 1939. Ông đi kháng chiến, có học ở Trung Quốc, giỏi chữ Hán, dịch chuyện Lỗ Tấn, và viết cuốn « Hương hoa đất nước », nghiên cứu tiểu luận, Hà Nội, nxb Văn học 1979. Tạp chí Văn học có đăng nhiều bài của ông. Ông cũng là đồng tác giả của cuốn “Tiếng cười dân gian Việt Nam”, nxb KHXH, 1979.

(6)     Ông Alexander Grothendieck (1926- .), nhà Toán học, chuyên gia về Hình học đại số, huy chương Fields năm 1966. Lúc sang Việt Nam, ông đang là giáo sư ở Institut des Hautes Etudes Scientifiques (vùng Paris), rồi sau đó là giáo sư ở Đại học Montpellier đến khi nghỉ hưu, và lui về ở ẩn, cắt đứt quan hệ với giới khoa học và xã hội bên ngoài. Ông được nhiều nhà Toán học coi là một trong những bộ óc lớn nhất về Toán học của thế kỉ 20. 

(7)     Ông Leonid Kantorovitch (1912-1986), vốn là nhà Toán học, sau chuyên nghiên cứu về Toán kinh tế, giáo sư trường đại học Leningrad lúc còn rất trẻ tuổi, sau là giám đốc một trung tâm nghiên cứu về Toán kinh tế ở Đại học Mạc Tư khoa (từ 1971). Giải thưởng Nobel về Kinh tế năm 1975. 

(8)        Năm 1981, tôi về nước lần cuối cùng (từ 3-8-1981 đến 16-8-1981), với tư cách trưởng một Đoàn đại biểu trí thức Việt kiều ở Pháp do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tên gọi Phó Thủ tưóng thời đó) Võ Nguyên Giáp và Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước mời về nước để : nghe và trình bày ý kiến của mình về chính sách khoa học và kỹ thuật, và đặt cơ sở cho việc đóng góp chuyên môn sao cho có hiệu quả và năng suất của đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài với đất nước. Vào dịp đó, một buổi chiều, khi đang làm việc với ông Lê Khắc, chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, tôi được văn phòng của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tên gọi Thủ tướng lúc bấy giờ) Phạm Văn Đồng gọi điện cho biết là Chủ tịch mời cơm riêng tôi buổi tối. Lẽ ra, buổi đó dự định có cả anh Tụy, nhưng vì điện thoại nhà anh hỏng, nên không gọi được anh. Tôi cứ tiếc mãi lỡ dịp, vì bữa đó một mình tôi, tôi chỉ phát biểu được những điều liên quan đến trí thức Việt kiều là chính. Giá thử như có cả hai anh em, bên trong và bên ngoài, thì có lẽ đã nói được với Chủ tịch Phạm Văn Đồng nhiều điều mà chúng tôi trăn trở và muốn trực tiếp kiến nghị về công tác và cách cư xử đối với trí thức nói chung.

            Cùng nhân dịp này, tôi muốn kể một câu chuyện khác mà tôi gặp phải hè 1981 đó. Chuyện xảy ra đã 26 năm ; đó là một thời gian đã dài, có lẽ đủ « thời hiệu » (prescription) để có thể kể ra mà không gây phiền đến ai. Tôi nhớ sao kể vậy, không hề bịa đặt, dù là tôi có thể nhìn dưới lăng kính chủ quan cá nhân. Một buổi chiều, sau khi làm việc, tôi về khách sạn thì thấy hai người đang đợi. Hai anh tự giới thiệu là cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương đến gặp tôi để hỏi ý tôi về một chuyện xảy ra ở Pháp ; thời gian đã quá lâu, tôi không nhớ tên hai anh này. Câu chuyện đại khái như sau. Có lời đồn, trước đó dăm tháng là trong nhóm các vị từ trong nước sang làm việc ở một Đại học Pháp – tôi dùng chữ « vị » để tránh nói anh hay chị – có một cuộc trao đổi ý kiến nội bộ về việc phải nộp một tỉ số tiền lương (điều mà tôi đã kể trong bài về trường hợp anh Tụy). Có một vị, tính vốn rất thận trọng, cho rằng nên chấp hành nghiêm chỉnh lệ đó, vì phải có «lương tâm ». Một vị khác, tính hay bông đùa, trả lời rằng ai muốn có «tâm » thì cứ có « tâm », còn vị đã lao động thì « lương » là của riêng vị. Ngoài ra, còn có một vị khác, có nhờ một đồng nghiệp Pháp, chủ nhiệm bộ môn nơi vị làm việc, làm cho vị một giấy chứng nhận là đời sống ở Pháp đắt đỏ, tiền lương cần để tiêu pha, không còn đủ để góp cái tỉ số phải nộp. Không biết qua ngỏ nào mà lời đồn đó về đến trong nước. Hai anh cán bộ hỏi tôi về sự thực hư, và muốn biết ý kiến của tôi về cách nên xử sự, có nên phải kỷ luật hay không (ý muốn nói đến cái việc phong hàm giáo sư vừa mới bắt đầu từ năm 1980). Tôi nghĩ rằng việc hỏi ý tôi, có lẽ xuất phát từ việc lúc đó tôi đang là chủ tịch Hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Pháp nên trong nước cho rằng tôi phần nào biết vấn đề, và cũng vì 6 năm trước đó tôi là người kiến nghị việc lập lại chức vụ giáo sư (xem chú thích (9) dưới đây). Tôi trả lời hai anh rằng tôi cũng có nghe lời đồn đại nói trên, nhưng tôi không thể xác định thực hư thế nào. Điều mà tôi có thể phát biểu được là  xét về tình về lý, dù lời đồn là đúng, thì cũng nên thông cảm và « giảm khinh » : cuộc sống vật chất trong nước đang rất khó khăn, người trí thức có trình độ lại rất khan hiếm, nếu tình hình ở ta chưa cho phép đãi ngộ tương xứng, thì ít nhất khi ra ngoài cũng còn thể diện quốc gia ; vả lại, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhiều lần căn dặn Việt kiều chúng tôi ở bên ngoài là không nên ép buộc, mà để người ta tự nguyện đóng góp – nếu suy rộng ra thì lời căn dặn đó cũng có thể áp dụng cho người trí thức trong nước – ai tự nguyện thì coi là quí, còn không thì cũng không nên « nặng tay ». Nghe tôi phát biểu như vậy, hai anh cán bộ cám ơn rồi ra về mà không nói gì thêm. Việc này, có thể các đương sự có liên quan cũng không biết (?), sau đó tôi không thấy động tĩnh gì cả, hay là có sự kiểm thảo nội bộ nào đó (nhưng không nặng nề) mà tôi không biết chăng.

(9)    Thí dụ : xem bài tôi viết về bộ trưởng Tạ Quang Bửu («Tưởng nhớ một người thân », in trong cuốn sách « GS Tạ Quang Bửu, con người và sự nghiệp » do Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản, năm 2000, hay trong cuốn sách của tôi  « Chung quanh việc Học », nxb Thanh Niên Hà Nội 2004). Tôi kiến nghị từ mùa xuân 1975, vậy mà mãi đến năm 1980 đợt đầu tiên phong giáo sư mới được thực hiện. Trong 5 năm đó, tôi không ngừng nhắc nhở thúc giục. Ông Bửu ngay từ đầu, lúc ấy còn đang tại chức, luôn luôn khuyến khích tôi phát biểu, và tôi hiểu là vì tự ông cũng không giải quyết được. Cũng cần nói một một cách công bằng : ông Trần Quang Huy, lúc đó cũng đang tại chức, vốn bị anh chị em trí thức coi là người khó tính, tuy lúc đầu ông có tỏ ý e ngại, nhưng sau khi trao đổi với tôi, thì ông nói là hoàn toàn ủng hộ. Trong khi thuyết phục, tôi nói với mấy ông là cứ lấy tôi làm mốc : tôi chỉ là một nhà khoa học « bình thường », vậy mà tôi đã là giáo sư ở đại học Pháp từ lúc chưa đầy 30 tuổi và giáo sư titulaire de chaire ở Đại học Paris lúc 35 tuổi, không lẽ Việt Nam còn đòi hỏi kén chọn đến mức nào? Ông Trần Quang Huy còn hỏi tôi giải quyết thế nào về những tiêu chuẩn đặc biệt lúc đó ở Việt Nam : nhà ở, xe hơi, tem phiếu. Tôi trả lời ông là chiến tranh đã chấm dứt, những tiêu chuẩn đặc biệt này trước sau rồi sẽ bỏ ; lúc này người khoa học không cầu mấy thứ đó, họ chỉ mong vai trò của họ được công nhận tương xứng, vậy nên tách rời việc phong giáo sư với những tiêu chuẩn vật chất này ; và ông tỏ ý đồng tình. Sau đó, nhiều lần, ông phân trần với tôi là sự chậm trễ thực hiện không do ông ; ông bảo sự chậm trễ một phần là do sự giằng co giữa chính mấy nhà khoa học (?). Hè 1979, tôi đưa vợ tôi về thăm trong nước ; tuy chuyến đi này là chuyến đi cá nhân, nhưng ông Nguyễn Đình Tứ, lúc đó là bộ trưởng Bộ đại học thay ông Bửu từ một thời gian, nghe tin tôi đang ở Hà Nội, ông có nhã ý mời tôi tới gặp ông ở Bộ. Ông bảo ông chỉ đặt với tôi một câu hỏi : có một số nhà khoa học, đang công tác trong sản xuất, cũng muốn được phong giáo sư, vậy thì tôi nghĩ gì ? Ông còn bảo là nếu tôi có được lời đáp thoả đáng, thì ông sẽ ký ngay quyết định. Tôi có trả lời ông như sau : trên nguyên tắc, giáo sư là một chức vụ để giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu ở đại học, nhưng tôi cũng có thể hiểu cái nguyện vọng của một số cán bộ muốn được hưởng chút danh vọng sau bao năm gian khổ ; dù sao đó cũng là một thứ sức ép của xã hội, cho nên nếu cần phải chịu cái « tiểu tiết » để thực hiện cái « cần thiết », thì tôi cũng cố thông cảm. Thế rồi đợt đầu « phong giáo sư » được tiến hành năm 1980 ; (nếu tôi nhớ không nhầm thì ông HST, sau này một thời làm chủ tịch Hội đồng quản trị của một Tổng công ty, được phong GS trong đợt đầu này). Và sau đó tiến hành thêm mấy đợt, nhưng đã lạc mất ý ban đầu, và tiếp tục « phong hàm » ; còn tôi thì cứ phải lải nhải điều trần mãi cho cái quan niệm « chức vụ » cho đến tận ngày nay. Lại còn chuyện này nữa : đối với mấy người giáo sư đại học ở miền Nam trước ngày Giải phóng, ở lại không ra đi, tôi đề nghị đặc cách cho họ được giữ cái chức danh giáo sư cũ nếu còn để họ công tác, vì lẽ rằng « nếu tin thì hãy dùng, nếu dùng thì nên tin ». Hè năm 1981, ông Nguyễn Văn Hường, phó chủ nhiệm phụ trách Văn phòng 10 trên phủ Thủ tướng, vốn cũng là người « ủng hộ» tôi trong việc kiến nghị, bảo tôi : về việc này rốt cục, khi tiến hành mấy đợt phong hàm, « người ta » cũng bình bàu, cũng hội đồng xét duyệt tuốt tuột, kẻ được người không, ...   

       Tôi thấy cần nói rõ ở đây để tránh sự hiểu lầm : tôi kể những gì mà tôi biết và tôi đã làm, chứ tôi không hề nói là vì tôi mà việc này việc kia đã được thực hiện. Tôi cũng muốn nói rằng việc phong giáo sư này nó cũng như cái quả lắc, lúc đầu thì ngần ngại khắt khe, lúc sau thì biến dạng, đôi khi chẳng còn chất lượng gì nữa.

       Nhân đây, tôi cũng xin được nói một câu về cái bằng tiến sĩ. Tôi cũng là « thủ phạm »  trong việc kiến nghị ở Việt Nam chỉ nên có một bằng tiến sĩ kiểu Ph.D. như ở Mỹ, trước thì phát biểu nội bộ bằng nói hay thư, sau này thì viết cả thành bài đăng trên báo, trong đó tôi có phân tích lợi ích (thí dụ như : bài Vài suy nghĩ chung quanh vấn đề « đào tạo qua nghiên cứu » đăng trong trong tạp chí Tia Sáng, số tháng 11/1998,  Thời Đại số 3, 1999 và trong mục Nhịp cầu báo Nông Nghiệp Việt Nam 17/12/2001). Nhưng khi đã có quyết định một bằng tiến sĩ rồi, thì đâu đó lại xảy ra cái danh xưng TSKH (tiến sĩ khoa học, mà theo tôi hiểu nghĩa là bằng tiến sĩ hạng nặng lấy ở nước ngoài), có lẽ vì cái bằng tiến sĩ trong nước bị phá giá, kéo theo sự buộc lòng một số người phải dùng danh xưng nói trên để phân biệt ?

(10)       Xem bài « Nhà giáo đại học và những vấn đề liên quan » của tôi trong cuốn sách « Học gần Học xa », nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2005 ; một phần bài này được trích đăng trên báo Tiền Phong số 36 ra ngày 21/2/2005 dưới đầu đề « Cần nhìn lại nhà giáo đại học», và báo Tuổi trẻ online đăng lại ngày 22/2/2005.

(11)       Thí dụ  như trong cuốn sách của tôi  « Tự sự của người xa quê hương » (Chuyện gia đình và ngoài đời), nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004. Trong đoạn viết đăng trong cuốn sách này, tôi có kể lại chi tiết tiếng vang của việc thành lập trường ở trong và ngoài nước, qua báo chí và chính giới ngoại quốc, việc vợ chồng tôi quyên góp tiền bạc để « nuôi » trường như thế nào, vv.

            Xin kể thêm một chi tiết có liên quan đến anh Tụy. Cách đây hơn một năm, ngày 15/1/2006, báo mạng Vietnamnet có đăng bài báo: « Ngôi trường không thích... lên ti vi : Chuyện người khai sáng » (http://vietnamnet.vn/psks/2006/01/532705/). Trong bài báo này, phóng viên LHN viết về trường đại học dân lập Thăng Long (TTDHTL), và theo lời kể, thuật lại là bà Hoàng Xuân Sính là người khai sáng duy nhất. Ngay sau đó, tôi có viết một thư gửi cho Tòa soạn Vietnamnet và phóng viên LHN, trong đó, với lời lẽ rất ôn tồn, tôi đưa tài liệu, và nhắc rằng, tuy tòa báo thực tâm (de bonne foi), nhưng sẽ bất công nếu chỉ «vinh danh » 1 người mà không nói tới 4 người kia –  và tôi nói thêm là tôi định cư ở nước ngoài, không cần trong nước nói đến. Tôi có đề nghị là họ có thể kiểm chứng bằng cách : đọc các tài liệu tôi gửi cho họ (trong đó có ghi tên các báo đăng tin thuở đó, và có cả bản chụp bức « thư gợi ý » đề ngày 2-4-1988 của tôi gửi 5 anh chị) ; tìm gặp các GS Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu và Nguyễn Đình Trí để hỏi cho rõ (Bùi Trọng Lựu, anh tôi, vừa mất trước đó vài ngày) ; lại thăm căn nhà 34 Hàn Thuyên, vốn là văn phòng cũ của TTĐHTL , nơi có gắn 2 tấm bia kể sự tích TTĐHTL mà tôi đặt khắc năm 1962 để ghi sự việc và công đức ; nếu cần có thể hỏi thăm một chứng nhân khác hiện còn sống. Tôi cũng nói là tôi không có ác ý muốn hại ai mà chỉ muốn lập lại sự công bằng. Do đó phóng viên Vietnamnet có lại thăm căn nhà nói trên, đọc 2 tấm bia và có lại hỏi chuyện anh Hoàng Tụy. Tôi đồng tình với thái độ khoan dung của anh Tụy : yêu cầu Vietnamnet tìm cách xử sự cho đúng, đừng để người đọc hiểu lầm, đồng thời nhẹ nhàng không làm mất mặt ai. Do đó, trong tinh thần phục thiện muốn lập lại phần nào sự thật, ngày 26-1-2006, Vietnamnet đã đăng bài báo « Chuyện về một tấm văn bia » của cùng phóng viên : http://vietnamnet.vn/psks/2006/01/536437/

(12)       Thí dụ như : « Vài suy nghĩ về công học và tư học », Bùi Trọng Liễu, Tuần Tin tức 10-4-1993 và Quê hương tháng 7-1993.

            « Về vai trò của Nhà nước trong giáo dục đại học », Bùi Trọng Liễu, Diễn Đàn, tháng 1-1994, Tia Sáng tháng 12-1998 trích đăng 1 đoạn.

            « Có thể coi Giáo dục Đào tạo là hàng hóa được không ? », Bùi Trọng Liễu, Văn Nghệ, 19/2/2005.

            « GS có những kỳ vọng gì với Quốc hội khóa XI về Chấn hưng Giáo dục nước nhà? », Bùi Trọng Liễu trả lời phỏng vấn từ xa của phóng viên Hạ Anh của báo mạng Vietnamnet  25/10/2004, đăng trong

http://vietnamnet.vn/giaoduc/2004/10/338574/

(13)    Thoạt đầu, tôi điều trần qua thư từ nội bộ, đặc biệt là can việc thành lập hai Đại học Quốc gia, nếu như không cương quyết thanh lọc cán bộ nhân viên (theo tiêu chuẩn trình độ khoa học) trước khi đưa vào đó. Theo tôi, nếu sự thành lập hai đại học quốc gia này chỉ là sự gộp lại nguyên si một số trường đã có, thì dù những ưu điểm được cộng lại, nhưng những khuyết tật cũng bị cộng lại, và sẽ rất khó nâng cấp. Anh Tuỵ cũng có ý nghĩ tương tự. Và nếu tôi hiểu không lầm, chính [cố] giáo sư Nguyễn Văn Đạo –  giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội, người mà tôi thương tiếc và coi là một đồng minh tin cậy trong việc kiến nghị chấn hưng giáo dục – cũng phần nào chia sẻ nhận xét này, tuy phải buộc lòng đứng ra thực hiện sự gộp các trường vì không thể làm khác. Anh Đạo cũng là một trong những người tham gia xê-mi-na và ký bản « Kiến nghị chấn hưng giáo dục » kể trong phần X trong bài. Những năm tiếp theo, tôi đã viết một số bài báo trình bày chi tiết các lý do tại sao nên thành lập mới một đại học, thí dụ các bài báo đăng : 

 « Đào tạo nhân tài hay đào tạo người biết việc? », Tia Sáng, tháng 9-2004.
« Về đào tạo và sử dụng nhân tài », Văn Nghệ, 23-10-2004. 

(14)    Đó là bài « Xây dựng một Đại học mới » mà báo Tiền Phong đăng dưới đầu đề « Xây dựng Đại Học đẳng cấp quốc tế: Không nên vá víu ! » ngày 14/10/2005, và Nhân Dân và VietNamNet đăng lại cùng ngày: 

http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=25275&ChannelID=71
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=41&sub=71&article=43990
http://vietnamnet.vn/dhqt/2005/10/500018/

       Vì bài này ngắn, tôi xin chép lại nguyên văn như sau : 

       Đã từ nhiều năm nay, tôi kiến nghị việc thành lập một đại học hoàn toàn mới có tiêu chuẩn quốc tế – mà tôi gọi là đại học « hoa tiêu » công lập... Và đừng có tham, đừng làm nhiều, chỉ lập một cái thôi, ở ngay tại Thủ đô. 

         Đối với tôi: Vấn đề không còn là « nên hay không nên », mà là  « tại sao tới nay chưa thực hiện ?».   

       Không chỉ riêng tôi là người đã hành nghề ở ngoài nước, mà chính một số nhà khoa học trong nước cũng kiến nghị như vậy. Thêm vào đó chính chuyên gia nước ngoài được vấn kế, họ cũng trả lời như thế, vậy tại sao còn chờ đợi ? 

         Tóm tắt một cách cụ thể :  

       1. Nên thành lập một đại học hoàn toàn mới, mà trong đó đào tạo và nghiên cứu gắn liền với nhau, đa khoa kết hợp, nhưng bước đầu chỉ mở những khoa nào mà ta có đủ sức mạnh, chủ yếu là về đội ngũ nhà giáo, và có khả năng đáp ứng tài chính.

         2. Đừng có tham, đừng làm nhiều, chỉ lập một cái thôi, ở ngay tại Thủ đô. Đó là giải pháp duy nhất để chấn hưng có hiệu quả mà không gây xáo trộn.   

       Dứt khoát không nên vá víu kiểu « cải tạo từ các đại học cũ sẵn có ». Kết quả thực tế cho thấy rằng việc gộp các trường cũ lại thành những cơ sở đồ sộ, là một sai lầm, rất tốn kém mà không mang lại hiệu quả mong đợi, cứ sai rồi sửa, rồi càng sửa càng sai. 

         3. Theo kinh nghiệm đã làm ở các nước phát triển cao, cách tiến hành là :   

       Trao hẳn nhiệm vụ thành lập đại học mới này cho một GS có danh vọng, có ý tưởng mới (dứt khoát không phải là người ở bộ máy quản lý hành chính). Người « đặc nhiệm » này (tiếng Pháp gọi là « chargé de mission »), trong một thời gian có hạn, được toàn quyền lựa chọn thành viên hội đồng khoa học và đồng thời là ban trị sự:

         Họ có nhiệm vụ thành lập cơ sở hành chính và vật chất, soạn thảo văn bản xác định sứ mạng của trường, tuyển chọn nhà giáo đợt đầu, thành lập các ban soạn lập chương trình giảng dạy, tuyển sinh đợt đầu, vv. Nhiệm vụ ngắn hạn của người « đặc nhiệm »  và cộng tác viên làm tăng tính cách « vô tư » của họ.   

       Sau đó, chính đội ngũ nhà giáo được tuyển sẽ tự bầu ra các hội đồng, các ban, của trường cho các đợt tiếp theo. Trong hoàn cảnh hiện tại của nước nhà, người mà tôi đề cử để làm người « đặc nhiệm » này là GS Hoàng Tuỵ. Đồng thời, Nhà nước nên ưu tiên tập trung mở ra một số « chỗ làm - chức vụ giáo sư » dành riêng cho đại học hoa tiêu này, để hội đồng khoa học của đại học này tuyển giáo sư mới trong số các nhà khoa học trẻ có tài năng đã có bằng tiến sĩ, đặc biệt là du học ở nước ngoài về. Một số cơ sở vật chất của các viện nghiên cứu, nên được trưng dụng để biến thành những cơ sở vật chất đầu tiên của trường này.

         4. Bước đầu, nên song song mở năm thứ nhất đại học đồng thời với cấp đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ (trong những ngành nào có khả năng).           Đối với đội ngũ nhà giáo, nên có ngân quỹ đặc biệt cho trường để thù lao tương xứng, để họ có thể toàn tâm toàn ý làm việc có hiệu quả. Sinh viên của trường, bước đầu không cần đông, sau khi được tuyển kỹ, cần có sự nâng đỡ như miễn phí, thậm chí cấp học bổng cho những sinh viên nghèo. 

       Sự tự chủ của trường trong việc tuyển sinh, trong việc tuyển chọn nhà giáo, trong việc lập chương trình giảng dạy, trong việc sử dụng ngân quỹ Nhà nước cấp, cũng như trong việc tìm kiếm các nguồn tài chính khác (hợp đồng với doanh nghiệp, trợ cấp của các nhà hảo tâm, vv.), không làm giảm vai trò của Nhà nước, mà chỉ là một sự  « bình thường hoá », chấn chỉnh lại một tình trạng bất cập như hiện nay.

         5. Sự cộng tác với những đại học danh tiếng nước ngoài cần thiết, chủ yếu trong việc nhờ họ giúp đào tạo nhân lực cho những ngành mà đại học hoa tiêu này chưa có hoặc còn yếu. Nên gửi nghiên cứu sinh của ta sang nước họ để họ đào tạo giúp, song song với việc họ gửi giáo sư thỉnh giảng sang giảng dạy, cũng như chuyển giao kinh nghiệm quản lý của họ.  

       Tôi nghĩ rằng đó là con đường duy nhất để có thể chấn hưng giáo dục đại học nói riêng, và từ đó chấn hưng nền giáo dục nói chung của nước nhà.

(15)    Bài báo mang đầu đề : « Đứng nhầm lớp » còn hại hơn « ngồi nhầm lớp », đăng trên Vietnamnet ngày 14/5/2007, và Hà Nội Mới đăng lại. Xem: 

http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/05/694528/
http://www.hanoimoi.com.vn/vn/47/129980/  

(16) Tôi đã thử diễn tả những bất cập đó, có khi có ngưồn gốc từ thuở xa xưa, bằng bài thơ «Gửi ông Khổng tử» trong bài viết của tôi «Giáo dục đại học : Những vấn đề chưa được giải quyết thoả đáng », Thời Đại Mới số 6, tháng 11-2005 <http://viet-studies.org>, hay Vietsciences, 2006 (http://vietsciences.free.fr/). Tôi vốn là người ưa phát biểu ôn tồn, nhưng đôi khi cũng đành bắt chước người xưa, dùng những hình thức phát biểu đặc biệt để cố gây một sự chú ý. Vì đó mà có bài thơ này. Tôi chép lại nguyên văn ở đây, nhưng bỏ đi phần chú thích để tránh rườm rà :

        Khổng tử, ông người Tàu, sinh ra ở nước Lỗ,
       Lũ hủ nho nước tôi vái ông, đặt ông trên cả bố.
       Họ phục nước ông văn minh,
       Họ chê dân tôi mọi rợ, sơn răng đóng khố.
       Họ học ông những điều hay, điều dở,   
       Rồi họ chế biến cả những điều vô bổ. 
       Họ lập Văn miếu, họ lập Võ miếu,
       Họ thờ người nước ông, hơn cả thờ tổ.
       Họ bày ra thứ chữ Nho,   
       Làm dân nước tôi, mấy trăm năm, học khổ.
       Mấy thế kỉ độn đần, hiểu biết thô lỗ.
       Hậu quả đến tận nay, còn gây ra những điều nhăng nhố.
       Chẳng qua vì trọng sự vinh danh, hám ngồi chiếu trên ăn cỗ.
       Lũ hủ nho tân thời, hậu sinh khả ố, 
       Dẫn học thuyết phương Tây, 
       Nhưng trong đầu họ, tư tưởng tôn ti của ông đâu có đổ !
       Người khôn nước mình thì chẳng nghe, 
       Với người nước ngoài thì vái như búa bổ. 
       Lời, ý phát ra, sặc mùi lưỡi gỗ.
       Đấy cũng là một yếu tố 
       Gây ra một số chuyện lạ kỳ, lố lăng tổ bố:
       Dỡ ngói, ném phao ;   
       Học không nổi, thi không đạt, mà vẫn đỗ. 
       Bằng thật bằng giả cũng là bằng, 
       Công việc làm thì dành chỗ, 
       Chèn ép những người năng nổ.
       Đâu có phải một vài kẻ, bè cánh cũng cả ổ.
       Lợi cho kẻ giàu, thiệt cho kẻ nghèo, bất công trong phân bố. 
       Tưởng rằng tân, hoá ra vẫn cổ. 
       Vinh danh giáo sư viện sĩ, bộ óc vĩ đại, danh nhân thế giới,…  
       Để cho bọn kinh doanh tiểu sử quốc tế dụ dỗ . 
       Thật lố,
       Mà không biết rằng mình ngố. 
       Học thế, dạy thế, muốn mua bán giáo dục thế, có mà xuống hố. 
       Chứng kiến việc họ làm, người ngay muốn độn thổ. 
       Khổng tử ông ơi, nếu ông linh thiêng, phù phép cho họ tỉnh ngộ. 
       Nếu không, xin mời tư tưởng ông về Tàu, 
       Cho Hồng vệ binh họ tố. 
       Để dân tôi đổi mới tư duy,
       Để những việc lố lăng chóng xuống lỗ. 
       Để danh nước tôi khỏi hoen ố, 
       Để con cháu chúng tôi khỏi hổ.

(17)    Theo một nguồn, người La-mã cổ xưa, có cái mũ gọi là pileus libertatis, chỉ người công dân tự do (người nô lệ đã được giải phóng)  mới được đội (trừ ngày lễ Saturnales,  thì ai cũng có thể đội). Còn chiếc nhẫn tượng trưng của sự gắn bó thì cũng có thể thấy trong phong tục phương Tây như nhẫn cưới của cặp vợ chồng, nhẫn của các tu sĩ Thiên chúa giáo gắn bó với Chúa Trời , vv. 

(18)     Thơ văn đời Đường được chia ra làm 4 thời kỳ : Sơ Đường (618-712), Thịnh Đường (713-765), Trung Đường (766-835), Vãn Đường (836-907). Đỗ Phủ và Cao Thích là nhà thơ của thời Thịnh Đường. Có thể xem thêm trong « Đưòng thi trích dịch »,  của Đỗ Bằng Đoàn và Bùi Khánh Đản, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn học, tp HCM 2006.  

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss