Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Nhà văn hoá Nguyễn Văn Xuân

Nhà văn hoá Nguyễn Văn Xuân

- Đặng Tiến — published 08/07/2007 23:47, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21


Nhà văn hoá Nguyễn Văn Xuân (1921-2007)

 

ĐẶNG TIẾN

 

Nhà văn, học giả Nguyễn văn Xuân qua đời tại quê nhà Đà Nẵng ngày 4 tháng 7-2007, thọ 86 tuổi. Anh sinh năm 1921 trong một gia đình khá giả tại làng Thanh Chiêm, Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Anh bắt đầu viết văn rất sớm, 17 tuổi đã có truyện đăng trên báo Bạn Dân. Truyện ngắn đầu tay Bóng tối và ánh sáng được giải thưởng của tạp chí Thế Giới, Hà Nội, 1939. Từ 1941 đến 1945 Nguyễn văn Xuân viết truyện ngắn cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Sau đó anh hợp tác với báo Văn Lang của bác sĩ Hồ Tá Khanh, cùng với nhiều học giả nổi tiếng như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn.

Thời chiến tranh chống Pháp anh theo kháng chiến, hoạt động trong ngành sân khấu, viết kịch và nghiên cứu nghệ thuật hát bội.

Sau hiệp định Geneve 1954, anh về sống tại Đà Nẵng, dạy giờ tại các trường tư, viết truyện ngắn truyện dài. Khoảng 1956 dưới bút hiệu Việt Hiến, cùng với Thu Tâm (Võ Thu Tịnh ) và Trần Lê Nguyễn, anh chủ trương biên tập tạp chí Văn Nghệ Mới tại Huế, ra được hai số thì bị chính quyền Ngô Đình Diệm đóng cửa vì tình nghi thân cộng; trên tạp chí này, dưới bút hiệu Xu Văn Ân, anh có truyện Buổi tắm tất niên, kể chuyện một người nghiện thuốc phiện rất sợ tắm; ngày áp tết gia đình bắt tắm. Chuyện chỉ có vậy, nhưng có người cho rằng tác giả mỉa mai Ngô Đình Nhu. Nguyễn văn Xuân là người cựu kháng chiến nên không dám ho he. Có lúc anh bị bắt nhốt tại nhà lao Thừa Phủ Huế.

Năm 1957 anh cho xuất bản tiểu thuyết Bão rừng, thai nghén trong nhiều năm, kể lại đời sống trong một đồn điền do người Pháp làm chủ mà anh đã biết khi 16 tuổi. Truyện do nhà Trùng Dương xuất bản và nhà văn Lưu Nghi đề tựa. Sau đó anh có mấy tập truyện ngắn: Dịch cát 1966, Hương máu 1969.

Tác phẩm biên khảo Khi người lưu dân trở lại 1967 nghiên cứu văn học Đàng Trong, chủ yếu qua kinh nghiệm bản thân tại Quảng Nam; sách do nhà Thời Mới của Võ Phiến xuất bản, là một tác phẩm hay, được nhà Văn Nghệ in lại tại California, sau một 1975. Nguyễn Văn Xuân là người giàu kinh nghiệm thực tế, nhiều kiến thức xã hội, có bộ óc tinh tế, khoa học, lý luận chính xác và ngay thẳng.

Những năm sau 1975 anh sinh sống tại Đà Nẵng, kinh tế khó khăn, người vợ bệnh tật. Anh không viết lách gì được nhiều. Bạn bè ngoài nước đề nghị tháng tháng trợ cấp cho anh viết hồi ký. Viết xong anh tùy nghi sử dụng bản thảo và thu lợi tức. Nhưng việc không thành vì anh không nhận. 

Trong thập niên 1960 có lúc anh được mời dạy giờ môn chữ Nôm tại Đại Học Huế và phát hiện trong một tủ sách tư nhân bản Nôm của Phan Huy Ích dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn; bản dịch này trước kia được xem như của bà Đoàn Thị Điểm. Khoảng 1920 nhiều học giả  đã biết rằng bản dịch là của Phan Huy Ích nhưng chỉ có văn bản quốc ngữ. Phát hiện của Nguyễn Văn Xuân đã giúp tư liệu cho học giả Hoàng Xuân Hãn khẳng định là dịch phẩm Chinh phụ ngâm thông dụng hiên nay là của Phan Huy Ích.

Cũng tại Huế Nguyễn Văn Xuân còn phát hiện 80 hồi trong pho tuồng hát bội Vạn bửu tình trường của thời Tự Đức trên tổng số 120 hồi. Rất thông thái về tuồng, anh viết liên tiếp nhiều bài về hát bội trên tạp chí Tân Văn, Sài Gòn; hay nhất là bài Trại Ba Công Chúa - tức là tuồng Địch Thanh.

Nguyễn Văn Xuân sành văn hoá dân gian nhất là văn hoá địa phương. Thỉnh thoảng anh có bài điểm sách, phê bình sách, đưa ra nhiều nhận xét thực tiễn và chính đáng thay vì những lý thuyết dông dài như nhiều người khác thời đó.

Phong trào Duy Tân, 1969 là tác phẩm được tái bản nhiều lần nhất; phong trào này đã tạo được những vận động quần chúng mạnh mẽ 1907 tại tỉnh Quang Nam, có sự đóng góp của những trí thức địa phương danh tiếng như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và có người phải trả giá bằng sinh mệnh như Trần Quý Cáp. Đặc điểm của Nguyễn Văn Xuân là khai thác tư liệu địa phương, gồm có sách báo đã đành, còn có lời kể, trí nhớ của người địa phương. Nguyễn Văn Xuân lý luận cụ thể và duy lý nên có những đóng góp lớn lao và độc đáo.

Một  thời gian dài anh ít viết. Nghe nói sau thời kỳ đổi mới 1986, anh mới trở lại đều đặn với sách báo, chuyên viết về văn hoá Quảng Nam, và trở thành một nhà "Quảng Nam học", một thứ chuyên gia địa phương bất đắc dĩ.

Trước tác mới nhất của Nguyễn Văn Xuân là tiểu thuyết lịch sử Người kỳ nữ họ Tống, được giải thưởng gì đó.

 

Nguyễn  Văn Xuân là một tài năng lớn, một học giả công tâm, uyên bác, ngay thẳng. Trong một thời gian dài, anh là lương tâm văn hoá của chúng tôi trong một bối cảnh xã hội và lịch sử nhập nhằng.

Tuổi thọ cao, anh đã ra đi như bao nhiêu nhà văn hoá chân chính khác cùng thế hệ đã ra đi. Như một đoá hoa cuối mùa, trên một cội hoa suốt đời bị nắng cớm.

 

Đặng Tiến

Liège-Amsterdam 8-7-2007


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss