Nhớ Anh
Nhớ Anh
Cao Thị Mỹ-Lộc
Từ lúc anh mất, không ngày nào là tôi không nghĩ đến anh. Nhớ anh, tôi lại nghĩ đến Mợ (anh em chúng tôi gọi ba mẹ là Cậu Mợ) lúc còn sống đã nhớ anh như thế nào. Anh qua Pháp, những lúc nhớ anh, Mợ lại lấy giấy ra ngồi viết thư gởi cho anh, kể đủ thứ chuyện. Có một chuyện mà mãi đến năm ngoái khi qua thăm anh ở Paris mới được anh kể lại cho nghe. Anh sinh ra tại Châu Ổ, một thị trấn nhỏ ở Bình Sơn, Quảng Ngãi. Cậu tôi dạy ở trường tiểu học duy nhất ở đó. Mợ kể trong thư, sau khi sinh anh, Cậu tôi dạy xong, đi vội về nhà, và cả lớp đi theo đến thăm em bé. Mợ đặt anh nằm trên giường. Các anh chị học sinh, người sờ tay, người sờ chân, cưng em bé hết mức! Tôi nghe mà tưởng tượng một quang cảnh thật dễ thương, đầy tình người, tình thầy trò, đơn sơ và ấm áp biết bao. (Những anh chị này, về sau vẫn còn rất thân thiết với anh và cả gia đình).
Được cưng như vậy,
nhưng anh lại là người được sống trong gia đình ít
nhất. Từ nhỏ, anh đã phải ở xa nhà một mình. Lần
đầu tiên anh sống xa nhà là lúc gia đình ở Quảng Trị.
Học xong tiểu học (cấp 1), ở tuổi 11, anh phải vào Huế
học tiếp vì lúc đó ở Quảng Trị chưa có trường
trung học (cấp 2). Mợ dẫn anh vào Huế, đi hết nhà
người quen này đến nhà người bà con xa khác, ai cũng
thương nhưng không nhận được. Cuối cùng có một bác
ngày xưa học cùng với Cậu đồng ý cho Mợ gởi gắm
anh. Trong một bài viết để lại cho con cháu, anh có nói
đến nỗi cô đơn của một đứa trẻ phải sống một
mình trong một gia đình xa lạ, đến nỗi nhớ nhà, nhớ
mẹ, đến nỗi mừng tủi của anh khi được mẹ vào thăm
lần đầu…
Lúc anh đang học cấp
3 thì gia đình mới dọn vào Huế. Vậy là anh có được
một vài năm ở với gia đình. Nhưng, sau khi anh tốt
nghiệp thì lại phải vào Sài Gòn vì lúc đó Huế chưa
có trường đại học. Thế là lại xa nhà. Tôi vẫn còn
nhớ, những lần đi học về, thấy mẹ và chị mắt đỏ
hoe thì biết là ở nhà mới tiễn anh vào Sài Gòn lại.
Lúc đó, tôi còn nhỏ, mới vào cấp 1. Tôi nhớ có lần
biết anh sắp về thăm nhà, tôi mong ngóng mỗi ngày. Hôm
đó, nghe mấy người lớn nói tối nay anh về, tôi nôn
nao chờ đợi. Xe lửa từ Sài Gòn thường đến ga Huế
lúc khuya. Tối đó, tôi quyết chờ anh. tôi nằm trên bộ
ngựa (tấm phản) ở phòng khách để chờ. Nhưng đến
khuya, không gượng nổi, tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Tôi mơ hồ thấy anh về, anh ngồi bên tôi, dịu dàng.
Sáng hôm sau, mới mở mắt, không thấy anh đâu, tôi hỏi “ Anh Thuần về
chưa ? ”, cả nhà ai cũng nói chưa
về. Vốn bị người lớn “phỉnh” nhiều lần,
tôi không tin. Tôi đi “dọ xét” trên sàn nhà dưới
bộ ngựa, rồi reo lên “ Anh Thuần về rồi ! Dép anh
đây nè ! ”.
Khao khát mong anh về
thăm nhà đó đã được đền bù trong những năm anh dạy
ở Đại học Huế. Đây là thời gian hiếm hoi anh được
ở trong gia đình. Hơn thế nữa, đây lại là lúc Huế
sôi động trong cuộc tranh đấu chống đàn áp Phật giáo
năm 1963 mà anh đã chứng kiến và tham gia tích cực. Anh
hăng hái làm báo Lập Trường,
tờ báo được độc giả
ưa chuộng và ngóng chờ. Tôi nhớ hồi đó có sạp báo ở
ngay gần cầu Trường Tiền trên đường Lê Lợi. Hễ báo
ra là bán hết sạch ngay. Huế luôn luôn ở trong tim anh,
càng xa lâu, anh càng đau đáu về Huế. Tấm lòng của anh
đối với Huế bao la vô hạn, làm sao tôi có thể diễn
tả được. Tôi chỉ có thể trích một đoạn thư anh
viết cho chị em tôi hồi Tết Mậu Thân ở Huế, lúc này
anh đang ở Paris. Một mảnh buồn của Huế trong muôn vàn
những mảnh buồn vui.
“... Em đã sống với chiến tranh. Anh hiểu nhưng anh chưa sống… Những ngày bi thương nhất của lịch sử, anh không biết… Anh sống trong dằn vặt, khổ sở, nhớ nhung từ mấy tuần nay. Mấy hôm trước nhìn Huế trên truyền hình, anh đau lòng quá. Anh thấy được cầu Trường Tiền gãy đôi, một khoảng Morin, một ít tro bụi của phố xá cũ, một mảnh thành nội đàng xa… suốt đêm những con đường Huế chập chờn trong giấc ngủ không yên. Anh đang thấy trước mắt mặt trời in bóng lá cây vú sữa dưới sân, mấy cây hường rầy ăn hết lá, quê hương của Cậu đó, hiền lành như vậy mà bây giờ cũng tang thương. Anh thương Huế vô ngần, anh thương Việt Nam vô ngần…”
Những ngày Tết Mậu
Thân đó vẫn còn rõ mồn một trong ký ức tôi suốt bao
nhiêu năm qua. Hình ảnh gia đình hoảng loạn bỏ nhà bỏ
cửa chạy đi trong tiếng loa dội xuống từ máy bay “đồng
bào phải rời khỏi nơi đây tức khắc…”, hình ảnh
cha mẹ già chạy theo đoàn người tản cư trên những con
đường ngổn ngang những xác chết… Chưa hoàn hồn sau
những ngày tháng kinh hoàng, tôi được giấy vào Sài Gòn
để lên đường qua Mỹ đi học. Tôi đi trong lúc Huế
vẫn còn điêu tàn, tối hôm trước khi đi, tôi khóc hết
nước mắt, đến nỗi Cậu tôi phải khuyên “con phải
tập cứng rắn lên…”.
Qua Mỹ rồi, tuy lúc
đó anh và tôi vẫn còn cách xa nhau một đại dương,
nhưng tôi có cảm tưởng gần anh hơn, bởi vì cả hai anh
em đều … xa nhà ! Hơn nữa, tôi gần anh hơn trong suy
nghĩ, trong việc làm với niềm mong ước một ngày mai hòa
bình sẽ trở về trên quê hương yêu dấu.
Năm 1974, anh có dịp
qua Mỹ thăm. Tôi mừng quá. Lúc đó, chị tôi cũng ở Mỹ,
ở Ann Arbor, Michigan. Ba anh em sum họp ở nhà vợ chồng
chị trong khung cảnh mùa thu thơ mộng. Những ngày này,
anh đã sống với hai chị em như để bù lại 10 năm xa
cách kể từ lúc anh rời Huế qua Pháp. Anh còn đi chợ
trổ tài nấu ăn cho chúng tôi thưởng thức. Anh vẫn khoe
là cuối khóa học, anh thường hay mời sinh viên đến nhà
ăn cơm, anh bảo khi bưng thức ăn ra, ai cũng trầm trồ !
Bây giờ, chị em tôi mới được nếm những món ăn ngon
của anh.
Từ giã chị tôi với
cặp mắt đỏ hoe như ngày nào, anh và tôi cùng đi đến
trường đại học Cornell ở Ithaca, New York. Trường mời
anh đến nói chuyện về Việt Nam. Việt Nam đang là vấn
đề nóng bỏng và sôi động ở thời điểm đó với
phong trào đòi hòa bình khắp nơi, đặc biệt là ở các
trường đại học. Tôi có một người bạn thân thiết
học ở đó, cũng rất tích cực trong phong trào này. Quen
biết nhau đã lâu bây giờ mới được gặp chị lần
đầu. Một kỷ niệm không bao giờ quên.
Những biến cố lịch sử đã dồn dập xảy ra sau lần hội ngộ đó, mãi đến những năm 90, tôi mới được gặp lại anh, mà lại là ở Huế, một điều mà mấy anh em vẫn hằng mơ ước! Lúc này tôi mới chứng kiến được sức làm việc của anh. Lần đó, anh được mời về dạy ở Học viện Phật giáo Huế vừa mới thành lập. Mùa hè ở Huế nóng kinh khủng mà lúc đó máy lạnh chưa được phổ biến như bây giờ. Tôi thì vẫn còn bị lệch múi giờ, cả ngày cứ dật dờ, còn anh thì đánh trần, ôn lại bài sửa soạn cho buổi dạy ngày hôm sau, hăng hái không biết mệt là gì !
Sau này, khi anh đã ra
nhiều sách ở trong nước, nhiều người đã biết đến
anh, anh thường nhận những lời yêu cầu anh viết bài.
Những lúc như vậy anh thường than “ Chà, không biết
viết cái gì đây ” hay “ không biết phải viết như
thế nào đây ” hay “ viết cái này không dễ đâu
nghe ”... Vậy mà chỉ sau vài ngày thôi, tôi đã thấy
anh gởi bản nháp, bảo “ đọc và cho ý kiến ” !
Tôi chưa bao giờ thấy anh từ chối ai, cho dù anh bận bao
nhiêu hay sức khỏe đang sút kém.
Năm 1998, anh gặp phải
một biến cố thật bất ngờ và đau đớn : một tai nạn
đã làm bị thương một con mắt! Rủi ro thay, ca mổ mắt
sau đó đã không được như ý muốn, mắt anh tệ đi rất
nhiều. Thật là đau xót ! Một người cả đời chỉ sống
vì đọc và viết ! Nhưng dù vậy, anh vẫn tiếp tục đọc
và viết được, và viết thật sung sức. Số sách anh để
lại cho chúng ta nói lên điều đó.
Những dịp về Huế
sau này, những lúc quý thầy, quý sư cô có dịp gì gọi
anh tham dự, anh đều “kéo” cả mấy anh em đi
theo ! Nhưng thật sự mà nói, một cách tự nhiên, lâu nay
anh vẫn đưa cả gia đình lại gần hơn với Phật. Bản
thân tôi thấy rõ điều đó qua những trang sách của anh,
qua những lúc bàn luận với anh về những quyển sách hay
về Phật mà anh hay chị tôi vừa đọc, và đặc biệt là
qua cách sống khiêm tốn và nhẫn nhịn của anh trong tuổi
già. Nếu bây giờ tôi may mắn có sống tốt hơn chút nào
đó, ngoài công ơn của Cậu Mợ, vốn là những Phật tử
thuần thành, chắc một phần cũng nhờ anh, nhờ sự hướng
dẫn đầy tình yêu thương của anh.
Những năm tuổi già
của anh là thời gian tôi thấy gần gũi anh hơn cả. Những
lúc bàn luận và học hỏi từ anh về bất cứ vấn đề
gì là những kỷ niệm quý báu đối với tôi. Đặc biệt
là trong thời gian sức khỏe của anh đã suy giảm dần,
anh vẫn còn rất cởi mở, vui vẻ và sôi nổi khi chuyện
trò với chị tôi và tôi trong những cuộc gọi điện
thoại hàng tuần của mấy anh em với nhau. Nhiều lúc
chúng tôi phải ngạc nhiên trước sự quan tâm, bén nhạy,
học hỏi, lắng nghe của anh cho dù tuổi đã già yếu.
Anh đặc biệt quan tâm đến Phật giáo ở Mỹ. Tôi nhớ
có lần kể cho anh nghe chuyện ở thiền viện Berkeley, nơi
tôi vẫn hằng lui tới. Ở đó có một cô chủ nhật nào
cũng đến nhà tù San Quentin. Đây là nhà tù của tiểu
bang California, giam những tội phạm hạng nặng như giết
người, cướp nhà băng… Nhà tù này nổi tiếng có những
chương trình dạy nghề cho những tù nhân đã biết cải
thiện. Cô tổ chức một nhóm tù nhân để học thiền,
ai tự nguyện tham dự đều được nhận... Anh nói anh rất
khâm phục những người hành đạo như thế.
Cách đây mấy năm,
anh nghĩ phải nên gởi bản chụp những bức thư anh quý
nhất trong đời cho chị tôi và tôi. Trong số đó, bức
thư nổi bật nhất là thư viết tay của Thầy Trí Quang
lúc anh mới bị hư một con mắt. Tôi trích đoạn cuối :
“... Đã lâu rồi tôi tin đức A di đà trụ trên đỉnh đầu của tôi. Tôi cố sống sao như đức tính qua danh hiệu của ngài : hỷ xả, điềm đạm, tự phán xét, tự trách nhiệm, và bằng những phẩm chất này mà tôi biết tôi sống ở thế giới này – sống ở thế giới này mà là như thế giới của tôi : thế giới cực lạc. Với tiếng nam mô A di đà phật, với sự thấy rõ ngài trụ trên đỉnh đầu của tôi, tôi sống như vậy và sống được như vậy trong bất cứ cảnh ngộ nào, càng ngang trái và càng bất hạnh tôi càng cảm kích hơn lên.
Thuần ơi, đó là sự cứu độ Phật ban cho tôi. Tôi ước mong Thuần cũng tiếp nhận được sự cứu độ ấy trong nỗi bất hạnh quá bất ngờ và lớn lao.”
Tôi đọc đi đọc
lại những dòng này mới thấy hiểu anh hơn, mới thấy
anh đã cố gắng làm theo lời khuyên quý giá này như thế
nào, mới thấy những lúc anh khuyên các em, gói ghém trong
đó cũng là phảng phất những lời dạy này của bậc
Thầy đáng kính. Đây là kim chỉ nam cho anh trong suốt
quãng đời còn lại. Và tôi nghĩ anh đã làm được theo
lời khuyên này ngay trong những giây phút cuối cùng.
California, tháng 7/2024
Cao Thị Mỹ-Lộc
Các thao tác trên Tài liệu