Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Nhớ anh Phan Huy Đường

Nhớ anh Phan Huy Đường

- Phạm Xuân Nguyên — published 18/10/2019 17:22, cập nhật lần cuối 18/10/2019 17:22

NHỚ ANH PHAN HUY ĐƯỜNG (1945 – 2019)


Phạm Xuân Nguyên



Tôi gặp anh lần đầu ở Paris, đầu thế kỷ 21.
Anh sang Pháp năm 1963, khi vừa 18 tuổi.

Các trí thức, văn nghệ sĩ cởi mở trong nước sang Pháp thường ngồi với các anh chị nhóm Diễn Đàn. Mỗi khi như thế thường nghe các anh chị nhắc anh Đường và hỏi người mới sang đã gặp Phan Huy Đường chưa. Tôi gặp anh không lạ mà như quen đã lâu. Thì là đã có biết tên nhau, có đọc nhau, tôi đọc anh thì đúng hơn.

Nhật ký tôi ghi về anh (Paris, thứ Tư, 14/8/2002): "9h mới ra ngoài, nhảy metro đến ga Place d’Italie rồi đi thêm một quãng nữa, đến tiệm phở 14 avenue de Choisy ăn một bát phở gà. Không ngon. Quay về thì vừa lúc anh Phan Huy Đường đến như đã hẹn. Anh tặng cuốn sách triết anh viết bằng tiếng Pháp “Penser librement”. Sau đó hai anh em thả bộ dọc khu đại học, ra Ile de Cité, Ile de St Louis, vừa đi vừa trò chuyện, trao đổi. Chủ yếu là anh Đường nói, trình bày các vấn đề triết học, kinh tế, kể những chuyện hoạt động hồi sinh viên, phong trào Việt Kiều ở bên đó. Anh là người mác xít khuynh tả. Nghe anh mình hiểu ra được một số chuyện. Trưa anh dẫn mình vào một quán ăn Nhật Bản, ăn cơm với cá sống và thịt nướng, uống một chai vang. Tối anh đưa vào một quán ăn A Rập, ăn cơm với thịt cừu, uống một chai vang. Quán A Rập này nằm trong một ngõ nhỏ có nhà riêng của Francois Mitterrand, ông này thỉnh thoảng vẫn cho người nhà ra mua món ăn A Rập về ăn, hồi ông còn sống, đang làm tổng thống Pháp. Một cách chứng tỏ bình dân, anh Đường kể và nhận xét. Hai anh em về chỗ mình trọ đã gần nửa đêm, anh Đường lại kéo đi uống nữa. Thêm một chai vang nhỏ hai anh em nhâm nhi và câu chuyện vẫn xoay quanh chủ đề triết. Khi chia tay đã một giờ sáng, mình lên phòng, anh Đường lái xe về nhà. Một ngày đi chơi thú vị, trời đẹp, hai anh em lại hợp cạ nhau uống, ăn cay, chuyện trò tự nhiên, thoải mái.”

Đến giờ tôi không nhớ mùi vị các bữa ăn ấy nữa. Nhưng nhớ mãi cái cung cách hồn nhiên, thân mật của hai dòng văn hóa Việt – Pháp nơi anh.

Anh hỏi: ông đến Paris đã tới Cathédrale Notre-Dame chưa? Đến rồi anh. Vậy có biết ở đó có tượng anh gù Quasimodo không? Tôi lắc đầu ngạc nhiên. Anh bảo đi với tôi, tôi sẽ chỉ cho ông xem cái đó. Đến nhà thờ Đức Bà, sau khi đứng lại vào cái chỗ mốc số không của nước pháp ở mặt trước, anh dẫn tôi vòng qua bên trái tòa nhà và chỉ lên một phù điêu gắn trên cột bên bức tường. Tôi nhìn lên thấy cũng có vẻ hao hao anh gù người tình nhân say đắm của nàng Esmeralda. Mới rồi công trình kiến trúc nghệ thuật văn hóa vĩ đại này của nước Pháp và thế giới bị cháy tháp chuông, tôi không biết anh gù trên tường còn không. Nhưng giờ người chỉ cho tôi phát hiện đó đã đi xa.

Anh gọi điện cho tôi: ông đang ở nhà Thụy Khuê à, đợi đấy, tôi đến chở ông đi chơi. Hai anh em dông xe đến Fontainebleau, sà vào một quán cà phê mua mỗi người một cốc ra ngồi dựa bờ tường quán nhìn ra xa và lại nói chuyện triết. Năm 1946 phái đoàn Phạm Văn Đồng ở đây chắc không được cái thú này. Tôi nghe cốt để anh nói. Và anh nói khiến tôi phải nghe vì thích thú biết thêm nhiều điều, vỡ ra nhiều khía cạnh trong những vấn đề tôi chỉ mới lơ mơ. Say sưa trò chuyện đến khi hai anh em đứng lên ra về mới nhận ra sau cái ghế mình ngồi có một vật ai đó để quên trong có mấy thứ giấy tờ tùy thân quan trọng của một người Pháp nào đó. Anh bảo ta gửi lại nó cho chủ quán, chắc người mất đồ sẽ đến tìm lại. Loanh quanh đến chiều về lại Paris vì đã có hẹn tối với Trần Vũ. Vũ bảo em từ sở làm về muộn, hai anh cứ ra cái quán quen gần nhà em nhậu trước đi, anh Đường biết quán đó đấy. Anh và tôi vào quán uống rượu vang và lại chuyện. Đến khi Trần Vũ ra thì lại càng bao la bát ngát. Quá nửa đêm quán đóng, người về, anh bảo Nguyên, mày lái xe chở tao về đi. Giời đất ạ, khi đó tôi đã nào biết cầm vô lăng, mà có biết lái cũng có thông thuộc Paris đâu mà dám đề-ma-rơ con xe của anh cho nó chạy nhông lên. Giả như bây giờ thì chắc tôi dám lắm! Cuối cùng rồi anh cũng ngồi lên xe, vặn máy, loằng ngoằng chạy đường này phố nọ chở tôi trả về nhà chị Thụy Khuê, sau về nhà mình. Sáng sau anh gọi điện nói may quá, đêm qua về được đến nhà. Vui quá ông ơi!

Thế mà đã gần hai mươi năm tôi không gặp lại anh. Vẫn đọc văn anh nhưng không gặp người. Cho đến ngày 4/10/2019 thì anh qua đời. Anh em văn chương trong nước biết tin này muộn, khi anh đã hóa tàn tro. Nhiều người thương quý anh. Không biết ở Pháp, được tin anh mất, chị Dương Thu Hương có thắp cho anh một nén hương không?

Anh Phan Huy Đường, em giữ mãi những kỷ niệm về anh. Và em sẽ vẫn gặp anh trong những trang văn anh viết, anh dịch. Em thích cái chân dung tự họa bằng chữ này của anh từ năm 2007.

“Phan Huy Đường
Sinh: 1945, Hà Nội, Việt Nam. Năm có hơn triệu người Việt chết đói.
Còn sống : 2007, Antony, Pháp. Năm có hàng chục triệu trẻ em trên thế giới đang đói.
1963, du học tại Paris, ngành dược. 1965, bỏ dược vì không thích, không muốn sống chỉ để kiếm tiền và cũng không có khả năng đi xa hơn thế trong ngành này.
Quay sang học kinh tế. Học xong cử nhân, bỏ kinh tế vì không tin. Lỗi tại Karl Marx.
Quay sang học tin học, có vẻ chắc ăn hơn. Quả vậy : vừa thích thú vừa cơm cháo đề huề, chưa bao giờ bị đói. Than ôi...
Bắt đầu hành hạ tiếng Pháp đầu thập niên 80.
Bắt đầu hành hạ tiếng Việt cuối thập niên 80.
Bắt đầu dịch văn chương Việt Nam qua tiếng Pháp đầu thập niên 90.
Bắt đầu phụ Nina McPherson hành hạ tiếng Mỹ đầu thập niên 90.
Bắt đầu hành hạ chính mình từ lúc nào thì không biết vì chưa bao giờ có nhu cầu.
Dù sao, cho tới chết, trong bất cứ lĩnh vực nào, chỉ biết viết chính mình thôi. Dở quá... Đành vậy.”

Vĩnh biệt anh, Phan Huy Đường!

Phạm Xuân Nguyên

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss