Nhớ Chú Tư
Nhớ Chú Tư
Nguyễn Văn Tuấn
"Chú Tư" ở đây là Bs Dương
Quang Trung, chủ tịch Hội Y học TpHCM và cựu Giám đốc Sở Y tế TpHCM, và
người sáng lập Đại học Y Phạm Ngọc Thạch. Sáng nay, nhận một tin buồn
từ vài bạn trong nước là chú Tư Trung đã qua đời lúc 7 giờ tối ngày
22/6 tại Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore. Chú Tư thọ 85 tuổi. Đây
là một tin sốc đối với tôi, vì Tháng Tám năm nay, đáng lẽ Chú sẽ khai
mạc Hội nghị Strong Bone Asia lần
thứ V, với tư cách là chủ tịch ban tổ chức. Nhưng nay thì Chú đã đi
xa, và để lại trong tôi một sự tiếc thương, và nhiều kỉ niệm ùa về
trong kí ức.
Tôi gọi ông là Chú, còn ông gọi tôi là "anh". Gọi là “Chú” vì tôi thấy gần với chú ấy về phong cách của dân miền Nam, và chú ấy trẻ hơn Ba tôi độ 2 tuổi. Chú gọi tôi là "anh", và làm tôi lúng túng vì nghĩ thầm “ổng đáng tuổi ba mình, mà ổng gọi bằng ‘anh’ thì kì quá.” Nhưng hình như Chú hiểu, nên có lần Chú giải thích: "Anh là giáo sư, gọi ‘cháu’ thì kì lắm, mà anh thì không thích danh xưng, nên tôi chỉ còn gọi bằng ‘anh’. Vậy nghen." Tôi ok ngay với đề nghị của Chú. Nói như thế để thấy Chú Tư và tôi có một mối thân tình rất Nam Bộ tính.
Tôi gặp Chú Tư lần đầu vào năm 2007, lúc đó chuẩn bị cho Hội nghị
Strong Bone Asia tại Sài Gòn vào năm 2008. Gặp lần đầu, nhưng chú vui
vẻ nói rằng đã biết tôi từ lâu qua những sách và bài viết của tôi. Gặp
một người cao tuổi mà biết nhiều về mình, trong khi mình chẳng biết gì
về chú, làm tôi "giữ kẽ", không nói gì nhiều. Nhưng qua lắng nghe những
quan điểm của chú và cách diễn đạt, tôi nghĩ ngay rằng "ông già này cùng 'bộ lạc' với mình"
và tôi bắt đầu thân mật hơn với chú. Sự thân mật đó được duy trì suốt 5
năm qua.
Năm ngoái, tôi gặp Chú Tư trong Hội nghị thường niên của Hội loãng
xương TPHCM tại Phan Thiết. Lúc đó, tôi đã thấy Chú không khoẻ mấy, đi
đứng có khi cần có người dìu, dù thần sắc của Chú không hề biểu hiện
bất cứ một sự suy giảm sức khoẻ. Tôi rất vui, vì hôm đó lần đầu tiên
Chú dẫn Bs Võ Thị Lan (tức phu nhân của Chú) đi cùng. Trong buổi dạ
tiệc, tôi hỏi đùa “Chú Tư làm một cốc rượu vang nghen chú”, Chú nói
“Được chứ”. Rồi hôm đầu năm nay, tôi lại gặp Chú trong buổi họp chuẩn
bị cho Hội nghị Strong Bone Asia lần thứ 5 (sẽ được tổ chức ở Đà Nẵng
vào tháng 8 này) tôi thấy Chú quả thật có phần yếu đi. Chỉ độ 1 giờ thì
Chú nói thấy mệt nên xin kiếu về trước. Nhưng Chú vẫn duy trì cái phong
độ của một người lãnh đạo, vẫn với một giọng nói sang sảng và ý kiến
sắc sảo. Tuần qua, tôi nghe tin Chú nhập viện vì vấn đề động mạch chủ
ngực, và bạn bè cho biết tiên lượng không tốt (bad prognosis). Nhưng
tôi vẫn hi vọng Chú sẽ qua khỏi, và sẽ tham gia Hội nghị ở Đà Nẵng với
tư cách Chủ tịch Ban tổ chức. Ấy thế mà nay thì Chú đã ra người thiên
cổ. Nhưng dù Chú có từ giã cõi trần, thì sự từ giã đó chỉ kết thúc một
cuộc đời, chứ không kết thúc những mối liên hệ và di sản của Chú.
Năm nào Chú cũng gửi thư chúc mừng năm
mới.
Đây là thư Chú gửi cho tôi và Nguyên nhân dịp Tết Tân Mão
Chú tên là Trung, nhưng người trong cuộc có khi trìu mến đề cập đến Chú
là “Trung Tâm”. Trung tâm là vì chú giữ vị trí trung tâm : Giám đốc Sở
Y tế TPHCM (1981-1997), là người khai sinh ra và Hiệu trưởng của Trung
tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế của thành phố (bây giờ là Đại học
Y khoa Phạm Ngọc Thạch), và có công lập Viện Tim qua sự hỗ trợ của Gs
Alain Carpentier. “Trung tâm” còn có nghĩa là Chú từng thành lập nhiều
trung tâm. Mới đây nhất là trung tâm nghiên cứu về kinh tế y tế. Hình
như ở Chú, không bao giờ ngưng làm việc. Có lần tôi nhìn thấy ông đi
họp với cái cặp táp, tôi hỏi đùa một đồng nghiệp là “ở tuổi đó mà ổng vẫn còn xách cặp táp đi
làm mỗi sáng, không biết mai mốt mình có được như ổng không”,
anh bạn tôi cười nói “Ông sẽ xem
nghen, ổng làm việc đến ngày cuối đời đó, coi vậy chứ ổng khoẻ và minh
mẫn không kém bọn mình đâu”. Quả đúng như anh bạn nhận xét, Chú
ấy làm việc cho đến ngày vào bệnh viện.
Nhưng đằng sau những thành tựu đó là cả một hành trình cá nhân đầy lí
thú. Chú Tư sinh năm 1928 ở xã An Xuyên (tỉnh Cà Mau) trong một gia
đình theo tôi hiểu là trung lưu. Chú đi du học bên Pháp năm 1948, và
năm 1958 Chú tốt nghiệp tiến sĩ y khoa từ Đại học Bordeaux. Chú là
người thời đó “không theo cộng sản là
không có trái tim” nên năm 1952, Chú trở thành đảng viên Đảng
Cộng sản Pháp. Năm 1960, Chú và Bs Lan cùng 3 con quyết định về Hà Nội
làm việc. Năm 1965 Chú lên đường vào Nam, và có thời hoạt động bí mật
trong Sài Gòn, tiếp cận với các trí thức nổi tiếng như Dương Quỳnh Hoa,
Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Văn Kiết, v.v. và cùng các nhân vật này lập
chiến khu ở trong rừng. Có lẽ chính vì những mối liên hệ với các trí
thức miền Nam như thế và là một người Tây học, nên Chú Tư là một người
cộng sản rất đặc biệt. Tôi muốn nói rằng Chú Tư không phải là người
giáo điều, nhưng là người thông cảm và trân trọng những đóng góp của
giới trí thức miền Nam trước kia.
Do đó, ở Chú tôi tìm thấy một người đặt lợi ích đất nước và dân tộc
trên những chính kiến nhỏ nhặt. Có lần Chú kéo tôi ra ngoài phòng họp
và hỏi tôi có biết giáo sư T bên Pháp không. Tôi nói tôi biết anh ấy,
nhưng không quen, và hỏi tại sao Chú quan tâm. Chú nói rằng Chú muốn
mời anh T về Việt Nam để làm việc gì đó, và nhờ tôi là mối liên lạc.
Tôi vui vẻ nhận lời, nhưng chú ý Chú ấy là vài năm trước báo chí Việt
Nam có bài chỉ trích thái độ chính trị của anh ấy, vậy Chú có chuẩn bị
tinh thần chưa. Chú cười ha hả, vỗ vai tôi, rồi nói : “Đến Nguyễn Cao Kỳ mà còn mời về mà; anh ấy
có chính kiến là một chuyện, nhưng anh ấy yêu nước và muốn giúp quê
hương thì mình phải hoan nghênh đón nhận anh ấy chứ. Vậy nghen.”
Tôi chưa bao giờ nghe một lãnh đạo nào mà có sự phân định rạch ròi giữa
chính kiến và khoa học như Chú Tư. Sau này tôi mới biết rằng Chú Tư đã
có một “track record” dùng người tài. Khi các bác sĩ miền Nam vượt
biên, Chú Tư từng nói rằng họ đi không phải vì chống đối chế độ, mà vì
cuộc sống quá khó khăn và chế độ kì thị họ. Dưới thời ông Võ Văn Kiệt,
chính qua tác động của Chú Tư mà một số bác sĩ và giáo sư trước 1975
được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo bệnh viện. Đối với Chú Tư, chuyện bất
đồng chính kiến hình như là rất bình thường và chẳng phải là mối bận
tâm của Chú ấy.
Đó là tư cách của một người lãnh đạo. Thật vậy, ở Chú Tư tôi còn tìm
thấy tư cách của một người lãnh đạo có bản lĩnh và văn hoá. Phong cách
lãnh đạo còn toát lên từ sắc diện. Chú có một thân hình cao to, tóc
trắng như tuyết, giọng nói sang sảng (dù ở độ tuổi 80s). Trong buổi họp
nào, tôi cũng thấy Chú ngồi vào ghế chủ toạ, và điều hành buổi họp rất
chuyên nghiệp. Tôi thấy Chú rất “khôn”, Chú chờ cho mọi người nói hết
rồi mới đưa ra ý kiến sau cùng. Trong lần họp ban tổ chức Hội nghị
Strong Bone Asia (2007) lần thứ 2, sau khi bàn bạc qua lại các vấn đề
khoa học và khách mời thỏa thê, chú “quật lại” một câu hỏi làm tôi
chưng hửng: Tôi hỏi anh và các anh chị ở đây nghen: mình đã có bao
nhiêu tiền rồi? Vì ai cũng say sưa bàn chuyện khoa học, nên chẳng ai để
ý đến tiền nong, và vì thế chẳng ai trả lời được. Thế là Chú phán một
câu “Có thực mới vực được đạo. Mình phải có chút tiền mới nói chuyện
khoa học được.” Đúng là một thực tế đơn giản mà mình có khi lại quên.
Ở Chú Tư, hình như cái gì cũng có giải pháp. Từ vấn đề nhỏ đến vấn đề
lớn, Chú đều có cách giải quyết rất êm đẹp. Theo tôi hiểu, thoạt đầu,
Chú Tư muốn lập trường đại học y thứ 2 ở Sài Gòn, nhưng Bộ Y tế không
chấp nhận, và Chú có cách đi khác: lập trung tâm đào tạo trước, và khi
đủ thực lực thì nâng cấp thành đại học. Trong thực tế, Chú đã thành
công ước nguyện có trường y thứ 2 ở Sài Gòn.
Một chuyện khác làm tôi có ấn tượng đẹp về Chú Tư: đó là chuyện sắp xếp
các khách VIP trong hội nghị. Trong một buổi họp tiền hội nghị Strong
Bone Asia 2008, ban tổ chức bàn về cách sắp xếp các khách. Vấn đề đặt
ra là sắp xếp ông bộ trưởng và ông chủ tịch thành phố ngồi ở đâu cho
hợp. Có ý kiến rằng ông bộ trưởng cần ưu tiên vì ông là sếp ngành mình,
nhưng có ý kiến khác cho rằng ông chủ tịch cũng là sếp mình mà lại
ngành ngang. Bàn qua bàn lại về quan hệ chiều dọc và chiều ngang, chẳng
đi đến kết luận. Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn vì tốn quá nhiều thì giờ cho
cái việc mà tôi cho là tiểu tiết đó, nên tôi lớn tiếng đề nghị cứ xếp
theo mẫu tự tên. Chú Tư nhìn tôi như kiểu "thằng này đúng là chẳng biết
gì phép tắc Việt Nam" và hình như biết tôi mất kiên nhẫn. Chú từ tốn
nói "tôi sẽ giải thích sau để anh hiểu, bây giờ chuyện này để tôi quyết
định". Cuối cùng chú đề nghị giải pháp trung dung: hai người ngồi ngang
nhau. Ai cũng đồng ý với giải pháp đó.
Làm phiên dịch cho Chú Tư trong Hội nghị SBA (2008)
Trong Hội nghị, tôi làm thông dịch cho Chú và ông bộ trưởng (Nguyễn
Quốc Triệu). Tôi soạn bài diễn văn của ông bộ trưởng, rồi Chú fax bài
diễn văn cho ông đọc trước và cho ý kiến. Trong bài diễn văn, tôi cố
đặt mình vào cái ghế bộ trưởng để nói những điều mang tính “lên lớp”
cho đồng nghiệp ASEAN. Ông bộ trưởng chỉ sửa một câu “Y học thực chứng”
thành “Y học dựa vào chứng cứ”. Tôi phản đối và giải thích rằng cách
dịch của tôi là hợp lí. Nhưng Chú Tư cười nói : “Ông ấy là bộ trưởng, anh phải để ông ấy có
chữ của ổng chứ.” Tôi học bài học “give and take” từ Chú Tư từ đó. Đến
buổi gala dinner (dạ tiệc), tôi đóng vai trò dịch cho Chú (Chú tự soạn
bài diễn văn). Xong bài diễn văn, tôi về ngồi ghế bên cạnh Gs Phạm Song
(lúc đó là Chủ tịch Hội Y học Việt Nam, tức sếp Chú Tư). Thấy tôi và Gs
Song nói chuyện rôm rả, Chú Tư nói “Ủa,
hai người quen nhau à? Nè, hồi nãy tôi thấy tôi nói ngắn mà sao anh
dịch dài ra vậy? Có thêm gì ngoài ý tôi không?” Gs Phạm Song
cười nói: “Tôi quen anh này qua mấy
bài của anh ấy. Còn chuyện dịch thì tôi tin tưởng vào anh ấy.”
Tôi để ý thấy Chú Tư là người nghe nhiều, mà ít khi cho ý kiến. Lần nào
gặp Chú, và khi có chuyện thời sự, câu đầu tiên của Chú là “quan điểm
của anh sao?” Có lần gặp chú ở Hội Y học, trước buổi họp, chú hỏi tôi
có theo dõi phản ứng của bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân về việc một em học
sinh hack vào trang web của Bộ GDĐT. Tôi nói có theo dõi và viết bài,
chú xin ngay bài viết. Rồi câu chuyện lan sang bảo hiểm y tế, làm mấy
bạn sốt ruột, vì quá giờ định sẵn, nhưng chú khoát tay nói "để tôi nghe
anh ấy nói"! Nghe nói, nhưng Chú không bao giờ đưa ra nhận xét tôi đúng
hay sai. Chú chỉ nói “anh lên tiếng như thế là quí hoá lắm rồi”.
Khoảng hai ba năm gần đây, tôi thấy Chú Tư càng ngày càng ưu tư với
những vấn đề thời sự nóng bỏng. Năm ngoái gặp lại, Chú "khoe" với tôi
rằng Chú đã biết dùng internet rồi. Chú nói: "Tôi bây giờ đọc báo lề phải và lề trái
trên mạng hết". Tôi chưa nói gì, thì Chú nói thêm: “Tôi biết hết”. Rồi Chú nói về những
bức xúc trước sự xâm phạm trắng trợn của bọn Tàu và thái độ khiêm tốn
của Việt Nam, và nói rằng Chú đã đọc bài tôi trả lời phỏng vấn trên Nature. Năm 2011, tôi gặp Chú trong
một hội nghị AFES, Chú tươi cười nói “Tôi đọc Bản
ý kiến” của các anh rồi. Đó là Bản ý kiến do 14 người soạn thảo và
kí tên gửi lãnh đạo. Chú làm tôi hơi… ngại, vì không thấy Chú nói gì
thêm. Nhưng may quá, Chú nói “Tôi
thấy những ý kiến của các anh quá đúng. Mà anh có nhận được trả lời của
mấy ổng chưa?” Tôi nói “Chưa”, thì chú mỉm cười. Chú hỏi tại sao
là 14 người, có ý gì không, tôi nói chẳng có ý gì Chú à, chỉ là ngẫu
nhiên thôi. Chú quan tâm đến tình trạng quá tải trong bệnh viện; Chú ưu
phiền trước tình trạng y đức xuống cấp. Nhưng sau đó, Chú nói như tự an
ủi: tình hình có xấu như thế nào thì mình là người trí thức, mình phải
làm hết sức mình. Đó cũng chính là chủ trương của Chú.
Với tôi, Chú Tư là một nhà trí thức đích thực, một người cộng sản lí
tưởng và cởi mở. Đó là một người lúc nào cũng đau đáu với vận nước, lúc
nào cũng ưu tư với nền y tế nước nhà, và liên tục đóng góp cho nền y tế
cho đến những ngày cuối đời.
Hội nghị Strong Bone Asia lần thứ 5 sẽ vắng Chú, nhưng tất cả những
người tham dự Hội nghị, kể cả cháu đây, sẽ nhớ đến những viên gạch mà
Chú đã lót đường cho Hội nghị từ năm 2008. (Chú có lần nói về Chú như
là "viên gạch lót đường"). Vĩnh biệt Chú Tư, và cầu chúc cho hương linh
của Chú sớm về miền cực lạc, nơi mà Chú có thể nhìn lại cõi tạm để thấy
những di sản của Chú đã và đang đơm bông kết trái.
Nguyễn Văn Tuấn
Các thao tác trên Tài liệu