Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Nhớ Nguyễn Đình Nghi

Nhớ Nguyễn Đình Nghi

- Nguyễn Thị Minh Thái — published 09/02/2009 21:52, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Để tưởng nhớ Nguyễn Đình Nghi, người đạo diễn tài hoa bậc nhất của sân khấu Việt Nam, nhân kỉ niệm 8 năm ngày ông từ giã chúng ta, Diễn Đàn đăng lại bài viết dưới đây của nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái, và một bài nói chuyện của ông tại Paris tháng 11.1992 đã đăng trên Diễn Đàn báo giấy số tháng 1.1993 (xem liên kết cuối bài).

Trong cõi nghệ thuật
nguyễn đình nghi


Nguyễn Thị Minh Thái


NDN

Thế là Nguyễn Đình Nghi đã về cõi. Nói như thi hào Nguyễn Du, ông bỏ lại trăm năm trong cõi người ta, để về cõi hư vô thăm thẳm. Nhưng những gì Nguyễn Đình Nghi để lại cho sân khấu Việt Nam hiện đại thế kỉ XX, đã trở thành cõi - nghệ - thuật - đạo - diễn của riêng ông, kể từ khi ông ra đi, hồi 19h45' đêm 9/2/2001, và cõi nghệ thuật này vĩnh viễn trở thành cõi nhớ của tất cả những người yêu sân khấu từng được thưởng thức vở diễn của Nguyễn Đình Nghi, một đạo diễn hàng đầu của sân khấu Việt Nam hiện đại.

Cũng như bất kỳ người-sân-khấu nào đã dấn thân vào nghiệp kịch trường và lại chọn nghề đạo diễn, Nguyễn Đình Nghi không tránh khỏi một quy luật nghiệt ngã của sân khấu, đó là sự sống hết sức ngắn ngủi mong manh của vở diễn. Những vở diễn hay, dù đã sống hàng ngàn đêm, cũng đều rất khó được bảo lưu, và ngay cả khi bảo lưu bằng video, CD, VCD... chẳng hạn, thì sự sống sân khấu của chúng gần như đã mất. So với tác phẩm văn học được tồn tại bằng sách chẳng hạn, cũng đủ thấy vở diễn bị thua thiệt trong sự tồn tại và bảo tồn biết nhường nào! ấy thế mà Nguyễn Đình Nghi đã ném trọn đời mình vào nghề đạo diễn với tất cả niềm say mê suốt đời của mình. Có lẽ vì thế, trước khi mất, một trong những lời trăng trối ông để lại: Xin hãy gọi tôi giản dị là đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, thế là đủ....

Nghề đạo diễn mà Nguyễn Đình Nghi học được đầu tiên lại không phải đâu xa mà ở ngay người cha đẻ của ông - nhà thơ tiền phong của phong trào Thơ Mới, thi sĩ Thế Lữ. Nguyễn Đình Nghi là con trai cả, người duy nhất theo cha đi kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc và ông đã gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng từ năm 16, 17 tuổi. Chính cha ông đã giáo dục Nguyễn Đình Nghi theo lối văn minh phương Tây, để ông có một vốn "văn hóa Tây" thật cần cho các đoạn đường sau này của ông. Và cũng chính cha ông dạy cho ông tình yêu tiếng Việt và hồn vía Việt thẳm sâu của sân khấu dân tộc : Tuồng, Chèo, Cải lương... Có thể nói, chính Thế Lữ - cha đã giáo dục và trông nom cho tâm hồn Nguyễn Đình Nghi-con, có được sự hòa quyện uyển chuyển của cả hai nguồn ảnh hưởng: văn hóa Việt Nam và văn hóa Pháp. Vì thế, không thể chối bỏ ảnh hưởng mang tính nguồn cội cha - con, vừa là cái đẹp tự nhiên huyết thống lại vừa là cái đẹp tinh thần của Thế Lữ đã mang lại cho Nguyễn Đình Nghi.

Về mặt tinh thần, dấu ấn Thế Lữ đậm nét ở Nguyễn Đình Nghi chính là quan niệm về cái Đẹp trong nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên, Thế Lữ đã cảm nhiễm cái đẹp từ nhiều góc độ của nghệ sĩ đa tài. Thế Lữ đúng là một nghệ sĩ đa tài, ở góc nhìn mỹ học nào ông cũng có thể có những tác phẩm tương xứng. Ông vốn có trong tài năng đa diện của mình những bài thơ hay nhất, xứng đáng ở vị trí tiền phong của phong trào Thơ Mới. Ông tự khai phá cho mình một lối riêng văn xuôi với truyện đường rừng kinh dị. Ông viết báo đúng điệu một nhà báo tài danh, và thật bất ngờ, ông đã ném nốt vài chục năm cuối đời vào kịch, một thể loại rặt Phương Tây. Và ông đã đạt đến đỉnh cao nghề sân khấu trong vai trò phác thảo nghề đạo diễn kịch ở Việt Nam, trong suốt nửa đầu thế kỉ XX, khi ông từng tổ chức thành công những ban kịch Thế Lữ, Anh Vũ, vào những năm ba mươi của thế kỉ này và tuyên ngôn: Thể loại kịch Tây phải được "Việt Nam hóa" trên sân khấu Việt Nam hiện đại, bằng những vở diễn biết kể chuyện theo lối Việt Nam. Tín niệm mỹ học này đã được di truyền đến Nguyễn Đình Nghi theo cách riêng của gia đình ông (mẹ đẻ Nguyễn Đình Nghi người gốc Hải Phòng, theo đạo Thiên Chúa). Thế Lữ dặn dò con trai, ngay cả khi Nguyễn Đình Nghi thành danh, bằng lời trích dẫn L.Jouvet. Những lời này Nguyễn Đình Nghi thú nhận đã thuộc nằm lòng: sân khấu giống như Một Chúa Ba Ngôi, mà tác giả là Đức Chúa Cha, diễn viên là Đức Chúa Con, và khán giả là Đức Chúa Thánh Thần.

TL

Thế Lữ

Do đó tôi khẳng định thêm lần nữa, không thể tách rời Nguyễn Đình Nghi khỏi từ trường văn hóa - thẩm mĩ của thi sĩ Thế Lữ, và phải nhận thực rằng, ngoài việc là cha đẻ, Thế Lữ còn là người cha tinh thần của Nguyễn Đình Nghi và đặc biệt nhất là Thế Lữ đã khai mở cho Nguyễn Đình Nghi con đường duy nhất, sự lựa chọn duy nhất: nghề đạo diễn sân khấu.

Năm 1992, Nguyễn Đình Nghi lần đầu sang Pháp, đạo diễn người Pháp V.Colin đã bị Nguyễn Đình Nghi mê hoặc, cũng như sau này, các đạo diễn nước Nga và nước Mỹ đều bị mê hoặc bởi tính cách nghề nghiệp mạnh mẽ và độc đáo Việt Nam của Nguyễn Đình Nghi. Ngay từ 1992, V.Colin đã viết một nhận xét tổng quát tinh tế về Nguyễn Đình Nghi trên tờ Sân khấu Pháp (tháng 11,12): Vẫn luôn luôn là sự tồn tại bền chặt của một ảnh hưởng văn hóa Thiên Chúa giáo xa xôi, cộng với tư tưởng Khổng giáo và đào tạo Mác xít, đã hình thành Nguyễn Đình Nghi - người sân khấu đầy cảm hứng và ta rất vui sướng được gặp gỡ...

Có người cho rằng, Thế Lữ là cây đại thụ toả bóng rộng lớn trên nền kịch nghệ Việt Nam hiện đại và cố gắng lớn nhất của Nguyễn Đình Nghi là không nép dưới cái bóng lồng lộng ấy. Nhưng thực ra không phải thế. Nguyễn Đình Nghi là người đã biến giấc mơ nghề nghiệp đạo diễn của cha mình nửa đầu thế kỉ XX thành hiện thực trong nửa cuối thế kỉ XX. Nước Việt Nam thuở nào còn trong vòng nô lệ của thực dân Pháp, làm gì có trường lớp đào tạo sân khấu kiểu phương Tây và đào tạo được đạo diễn kiểu sân khấu phương Tây? Học lỏm qua sách vở, sôi sục sự ganh đua ngầm trong tâm hồn, khi biết đến một loại sân khấu mới, hiện đại của Pháp mà người Việt không có : thể loại kịch, Thi sĩ Thế Lữ dấn thân vào làng kịch bằng cách tự học, tự diễn, tự dàn dựng và chỉ dám gọi mình là nhà dàn cảnh, chứ không dám gọi mình là đạo diễn chuyên nghiệp.

Nguyễn Đình Nghi đã đi ra khỏi cái bóng của cha, ngay sau khi hòa bình lập lại, khi ông được cử đi học nghề đạo diễn tại Học Viện Kịch nghệ Bắc Kinh theo phương pháp của đạo diễn người Nga : Xtanixlavxki. Sau đó ít năm ông được cử đi Liên Xô, làm nghiên cứu sinh tại Học Viện Sân khấu Lunatrarxki và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nghệ thuật học (Ph.D) tại Học viện sân khấu nổi tiếng nhất ở Maxcơva, với đề tài: Những nguyên tắc cơ bản của sân khấu cổ truyền Việt Nam.

Với hơn 30 năm làm nghề đạo diễn, với những vở kịch đã ghi dấu son trong những chặng đường phát triển nghề đạo diễn ở sân khấu Việt Nam hiện đại như: Tiếng sấm Tây Nguyên, Cơ sở trắng, Âm mưu và hậu quả, Đại đội trưởng của tôi, Con cáo và chùm nho, Tổ quốc, Đỉnh cao phía trước, Âm mưu và tình yêu, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Cô gái đội mũ nồi, Lôi Vũ, Vua Lia, Hoa cúc xanh trong đầm lầy, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nguồn sáng trong đời, Điều không thể mất... Nguyễn Đình Nghi thực sự đã tồn tại trên tư thế hàng đầu trong đội ngũ đạo diễn sân khấu Việt Nam hiện đại.

Nguyễn Đình Nghi là đạo diễn có tài năng lớn trong thực hành nghề nghiệp, một khi đã được học hành chính quy. Đặc biệt yêu thích công việc dàn tập với diễn viên trên sàn tập, vô cùng nghiêm ngặt, cẩn trọng trong điều hành diễn viên trên sàn diễn, không lúc nào ngưng niềm say mê nghề đạo diễn, luôn trăn trở suy tư về nghề - đó là tính cách nghề nghiệp nổi bật của Nguyễn Đình Nghi. Tuy nhiên, về một phương diện ít có cơ hội bộc lộ - Nguyễn Đình Nghi là một đạo diễn có khả năng tư duy luận lý một cách sâu sắc trong thực tiễn dàn dựng. Đặc biệt, Nguyễn Đình Nghi có một phẩm chất hiếm có: biết rút kinh nghiệm xương máu từ những sai lầm đáng tiếc trong nghề nghiệp - một khả năng mà không phải bất cứ đạo diễn nào cũng có thể. Những ý kiến, những suy tư sâu sắc của Nguyễn Đình Nghi về nghề đạo diễn luôn thuyết phục cả người làm nghề sân khấu, người thưởng thức sân khấu, và nhất là cả những người nghiên cứu, phê bình sân khấu.

Trở thành một đạo diễn chuyên nghiệp, có lẽ Nguyễn Đình Nghi là người đầu tiên đưa nghề đạo diễn và công cuộc dàn dựng của người đạo diễn ra để định nghĩa. Cách định nghĩa nghề đạo diễn của ông thật giản dị và súc tích. Và mặc dù thế kỷ XX đã từ lâu được thế giới công nhận là thế kỷ của đạo diễn nhưng Nguyễn Đình Nghi vẫn thấy cần phải khẳng định tiếp vai trò quyết định của người đạo diễn đối với kịch bản văn học, bởi quyền năng thực sự của người đạo diễn rất lớn. Đạo diễn có quyền lựa chọn kịch bản, có khả năng làm hỏng một kịch bản hay, hoặc làm hơn một kịch bản trung bình. Thật ngạc nhiên thú vị khi Nguyễn Đình Nghi cho rằng việc khó khăn nhất của đạo diễn là tìm và hiểu một kịch bản văn học. Hơn nữa, người đạo diễn phải hiểu, cắt nghĩa, giải thích kịch bản theo cách riêng của mình. Khi ấy kịch bản sẽ mang ánh sáng riêng của người đạo diễn và càng riêng, càng lạ, càng độc đáo. Vì thế người đạo diễn phải có sức biện biệt về văn học. Sức ấy càng mạnh mẽ thì tính cách riêng của người đạo diễn càng đặc sắc, và nhất định vở diễn sẽ độc đáo,... không giống ai. Từ những lập luận biện chứng ấy, Nguyễn Đình Nghi rút ra một cách thức ứng xử văn hóa với kịch bản văn học và ông đã nêu ra được một định nghĩa kinh điển về nghề đạo diễn. Đạo diễn, theo ông trước hết là người giải thích tác phẩm văn chương, sau đó đưa tác phẩm lên thành bội số và cuối cùng cất cánh thành giấc mơ về tác phẩm.

Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Đình Nghi tìm thấy trong kho tàng sân khấu truyền thống một nguyên tắc mỹ học quan trọng, để ông đưa kịch bản văn học từ giấy trắng mực đen trở thành giấc mơ của riêng ông trên sân khấu biểu diễn, đó là nguyên tắc sử dụng ngôn ngữ ước lệ theo lối tả ý (hay còn gọi là tả thần) của tuồng cổ, chèo cổ ... thực sự đã làm giàu thêm sân khấu tả thực của thể loại kịch. Ngôn ngữ ước lệ quả là lối ra cho ông, khi ông bắt đầu nhận thấy ở sân khấu tả thực, việc mô tả cuộc sống dưới dạng "giống như thực" đã trở nên quá chật hẹp đối với việc truyền đạt cho người xem những gì đạo diễn muốn nói bằng vở diễn. Ngôn ngữ ước lệ đã trở thành phương pháp sáng tạo giúp ông mở rộng đến tối đa không gian, thời gian và dung lượng hiện thực của vở diễn, bởi sức biểu hiện rất lớn của nó đối với thể loại kịch. Các vở diễn cuối của ông: Hồn Trương Ba Da hàng thịtRừng trúc đều là những vở diễn mà Nguyễn Đình Nghi đã sử dụng thật nhuần nhuyễn ngôn ngữ ước lệ, khiến cho chúng trở thành những vở diễn có số phận văn hóa tiêu biểu cho nền kịch Việt Nam hiện đại. Chính ngôn ngữ ước lệ đã làm cho Nguyễn Đình Nghi mơ tưởng đến một loại vở diễn sân khấu mang tính phức điệu (Polyphonique - như nhạc giao hưởng). Chỉ tiếc rằng ông đã quá cô đơn trong việc kiếm tìm và đạt đến những vở diễn kiểu này. Có lẽ vì thế, khi ông ra đi, ông đã có thể thấy loại sân khấu này của ông có thể không có người tiếp tục...

Nhớ Nguyễn Đình Nghi, tôi thường nghĩ đến một người lữ hành cô đơn nhưng kiên định. Ông đã vạch riêng cho mình một con đường và cứ thế đi, như xưa kia, Thế Lữ cha ông đã suốt đời không mệt mỏi săn đuổi, tìm kiếm Cái Đẹp nghệ thuật, dù có thể chỉ là vẻ đẹp thoáng qua như tên một bài thơ mới rất hay của Thế Lữ. Giống hệt cha ông, ông là kẻ lữ hành mải miết: Năm năm theo tiếng gọi lên đường / Tóc lộng tơi bời gió bốn phương, ông là kẻ ưa phiêu lưu lãng mạn: Rũ áo phong sương trên gác trọ /Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

Ông đã về cõi, nhưng ông đã để lại tươi nguyên một - cõi - nghệ - thuật của ông, thắp sáng lên hai chữ hy vọng vào sự phát triển của sân khấu Việt Nam thế kỷ XXI.


Nguyễn Thị Minh Thái

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss