Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Nụ cười của Hạo

Nụ cười của Hạo

- Châu Diên — published 24/10/2007 09:54, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21


Nụ cười của Hạo

Châu Diên

 

Hạo không mấy khi cười thành tiếng. Khi có điều thú vị, mắt anh nheo lại, hai gò mà nhô lên, môi nhoẻn một chút và khi đó cặp mắt mới chuyển nhanh theo để có vẻ như hơi đung đưa, ban đầu đôi mắt sáng không nhìn vào một điểm nào hết, rồi sau đó long lanh đưa nhìn khắp anh em xung quanh : mỗi khi có dịp cười, Cao Xuân Hạo thường cười cùng anh em bạn bè với nụ cười long lanh như thế.

Một tháng trước khi Hạo ra đi, tôi phải vào Sài Gòn có chút việc vội, nhưng vẫn tranh thủ đảo qua thăm anh một lần. Người bạn chở xe tôi đến nhà Hạo tính tình phổi bò, cứ toang toang hẹn mời chúng tôi đầu năm 2008 thế nào cũng phải đến dự lễ cưới vàng của vợ chồng anh. Đề tài đó đều khiến cả Hạo, cả tôi, cả Kim Thanh (1) khó trả lời. Hạo ngả người vào thành ghế, lại lặng lẽ nhìn người bạn, và nheo mắt cười, lần này là một nụ cười buồn, không phải cái cười sau một hiệu ứng vui, thường được anh em kể với nhau trong những lần gặp gỡ cố kéo dài để khỏi bị nhịp sống bắt buộc biến thành chớp nhoáng. Bên cạnh Hạo vẫn là cái điếu cầy, nhưng bây giờ anh không còn dùng được nữa. Tôi ôm đầu Hạo vào cánh tay, nói khẽ với anh :

–             Hồi dịch bộ sách hai tập của Tocqueville (2), mình chỉ thích gặp mấy câu latin để lại gọi điện vào hỏi ông. Thực ra mình vẫn có thể tự mày mò được. Nhưng thèm gọi cho ông… Biết thế nào được…

Hạo không đáp lại. Anh đã để sẵn trên bàn cho tôi mấy cuốn ngôn ngữ tái bản. Tôi bảo anh :

–             Ông tặng mình cả rồi… Nhưng thôi, hôm nay cứ lấy thêm một cuốn, biết thế nào được…

Biết thế nào được… Hạo cầm bút viết tên tôi, sau đó ngừng lại và mỉm cười, tay cầm chặt cây bút mà vẫn rung rung :

–       Không viết được nữa…

 

Hôm qua, tôi soạn bài tiếng Pháp chuẩn bị cho một nghiên cứu sinh. Tôi dùng cách hỏi đáp để huấn luyện bạn đó nói bằng tiếng Tây cái nội dung hommage (3) tới Cao Xuân Hạo. Nghĩ thầm trong bụng, có lẽ hôm nay phải dạy cô học trò cách chơi chữ, thử cho nhầm hommage với dommage (4)… Nhưng rồi không đùa nổi. Nhưng rồi vẫn lại cứ phải đùa. “Bạn biết Cao Xuân Hạo là ai chứ?” – “Biết chứ, sao không?” – “Thử nói coi, biết đến bao nhiêu?” – “Nhiều ít gì cũng là biết. Sinh năm 1930 ở một vùng biến động, đúng cái năm ở đó lập ra những Xô-viết.” – “Thế nhưng tính tình con người đó lại vô cùng hiền hoà.” – “Phải, vì thừa kế của bố và của nội.” – “ Bố Hạo?” – “Giáo sư triết học Cao Xuân Huy.” – “Còn nội của Hạo?” – “Một đại thần, cụ Cao Xuân Dục.” – “Hiền hoà, mà vẫn đi bộ đội chống Pháp?” – “Vâng, và cũng soạn bài hát Đuốc Đảng soi… “ – “Thật à? Thày hát bài đó em nghe đi.” – “Hôm nay không hát bài đó được.” – “Ngày mai hát?” – “Ngày mai cũng không. Không bao giờ hết.” – “Vì sao? – “Vì soạn nhạc tuyên truyền chỉ là cái hứng bất chợt thuở thiếu thời. Nghề của Cao Xuân Hạo không phải là nghề đó.” – “Vậy con người đó có nghề gì?” – “Nghề Giời ban cho một nhà ngôn ngữ học”. – “Hôm nay chúng ta hommage tới một nhà ngôn ngữ học.” – “Đúng thế, từ hôm nay, hết cả rồi, hết ngôn ngữ học, hết cạn chén cùng bè bạn, hết một nụ cười hớp dẫn các cô nàng xinh đẹp, hết cả… chỉ còn một vùng tối của nấm mồ.”

 

 

Thế hệ chúng tôi bị một tai hoạ là không chịu già nua. Tôi không thể quên những năm nghèo túng, nhưng theo sáng kiến một cô bạn thân của Hạo, một người được đặt biệt danh là “kỳ nữ” đất Hà thành, hễ ai có nhuận bút thì như lũ trẻ con kéo nhau đến cuối chợ Đuổi, ở phố Cao Đạt, ăn cháo lòng. Nhuận bút nhiều hơn thì thịt chó, Kỳ nữ phát âm Chả Chó theo lối Nga của Cao Xuân Hạo thành “x-na x-nô”. Có lúc khá giả nữa thì làm ở nhà bạn bè – thường là ở nhà Văn Tâm (5), tự xưng danh “người cầm đũa vĩ đại” (không phải người cầm lái vĩ đại) hoặc ở nhà Phan Kế Hoành, anh đàn ông khéo tay luộc ốc mít đến cấp độ tuyệt vời.

Đó là những dịp để chúng tôi đùa vui, cãi cọ. Có lúc chỉ một chữ khó dịch mà cãi nhau hoài. Thật đấy, bạn thử dịch chữ cynique (cynical) sang tiếng Việt xem có toát mồ hôi không nào ? Nếu ngồi uống rượu với nhau ở nhà Đào Hùng, thì bao giờ cũng có cụ Đào (6) ngồi né phía xa xa, vẫn đọc sách nhưng tai vẫn lắng nghe “bọn trẻ” cãi nhau. Và tôi nhớ, có lần được cụ bỏ kính xuống nhìn xa xa về phía mình vừa buông lời đùa, coi đó như được nhận một nét khuyên son của thầy. Trong những cuộc vui đó, Hạo bao giờ cũng như một anh cầm trịch. Cầm trịch cho những tranh cãi học thuật đã đành. Cầm trịch cho cả những lời đùa và cách đùa. Có lần, một “kỳ nữ” khác (cô nay đã qua đời – cầu cho cô được bằng an, và nếu có kiếp nữa ở chốn khác, xin cô hãy ra đón Hạo – con người đa tình ấy không ở một mình được lâu đâu), kỳ nữ này gọi Hạo bằng “chú” xưng “cháu”. Thế là lập tức Hạo cũng gọi anh em trên chiếu rượu là “chú”. Phong trào gọi lẫn nhau bằng “chú” kéo dài suốt những năm 1980. Hoạ sĩ Phan Kế An, anh ruột của Hoành, có lần thấy bọn chúng mình đùa nhau chú cháu (cả khi vắng mặt kỳ nữ) – gọi cả Yến vợ Hoành là “chú Yến” – cũng đành lắc đầu chào thua “bọn trẻ”, mặc dù hồi đó chúng mình anh nào anh nấy cũng đều sáu chục tuổi đời cả.

 
 

Chúng mình sống trẻ trung nhờ làm việc gấp đôi gấp ba người thường. Không chỉ vì kiếm sống. Có lần Lý Hải Châu giám đốc nhà xuất bản Văn học mời chúng mình tới; ông ta biết nói những lời phải chăng :

–             Chúng tôi mời các anh đến để chính thức lên kế hoạch dịch. Không phải vì các anh giỏi tiếng Tây đâu. Vì các anh giỏi tiếng Việt…

Lũ chúng mình phải chạy đua với Cao Xuân Hạo để giỏi tiếng Việt. Hạo và Hùng (Phạm Mạnh Hùng) là những tấm gương tự học tiếng Nga, đến độ làm chủ một cách thoải mái thứ ngôn ngữ đổi đuôi theo những sáu cách đó! Mặt khác, Hạo và Hùng cũng đột phá được vào nhà Văn học, có vai vế ở đó, nên cũng làm rạng rỡ anh em. Lời mời của Lý Hải Châu hoàn toàn không khách sáo.

Hạo có tài về nhiều mặt. Anh thích mở đĩa nhạc lên rồi tự tay mình đệm đàn piano theo. Anh chơi ghi-ta như một nghệ sĩ chính cống. Hạo học tiếng Anh cực nhanh : mới năm trước, Hạo còn hỏi “jogging là gì? mình kém tiếng Anh quá, kỳ này phải học thôi” thì qua năm sau, gặp nhau ở Hà Nội, Hạo đứng hát một lúc cả chục bài hát tiếng Anh, như một chú học trò chăm chỉ của ngôi trường dòng tại xứ Huế xưa.

Tôi có một nhận xét chung về Hạo như sau : chỉ thấy có những người mến phục anh, hoặc những người còn chưa biết đến anh, tôi chưa gặp những người ghét anh. Tôi hoàn toàn tin là mình không hồ đồ khi nói to nhận xét đó.

Thêm một nhận xét nữa : chưa một lần nào tôi thấy Hạo cáu kỉnh như mọi người thường có lúc bộc lộ. Có lần vào buổi sáng chủ nhật một cô giáo ở Sài Gòn (nay là hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng) chở tôi tới thăm một hoạ sĩ, sau đó tới nhà thăm Hạo. Chúng tôi bàn chuyện ngôn ngữ. Rồi tôi cãi bướng điều gì đó. Hôm ấy, to tiếng nhất là khi Hạo bảo tôi thế này :

–             Ông phải nghe mình đi ! Mình đọc hai trăm cuốn sách ngôn ngữ học, còn ông mới đọc có ba cuốn.

Nói thế và cười mỉm, không cười to thành tiếng, chỉ có cái nụ cười nhẹ nhõm với đôi gò má dâng lên cao, đôi mắt long lanh đung đưa theo, nhìn ra xung quanh... Bữa đó, trở về, cô giáo bảo tôi: “Hôm nay em gặp ba kiểu người thông minh”. Sau này, những năm dài không thường vào Sài Gòn, mà Hạo thì yếu nên cũng chẳng ra Bắc, mỗi khi nhớ Hạo tôi thường kể cho bà vợ bây giờ về câu chuyện Hạo đọc hai trăm cuốn sách ngôn ngữ trong khi tôi chỉ đọc nhõn ba cuốn.



Hôm qua, trước khi soạn bài dạy cô nghiên cứu sinh, tôi bảo vợ :

–             Anh chàng hai trăm cuốn sách ngôn ngữ học qua đời rồi...

–             Bây giờ còn lại mấy con mọt sách ?

–             Chắc là không còn mấy… Con mọt sách vĩ đại nhất đã ra đi.

Định nói thêm về cái nụ cười không thể nào quên của Hạo. Nhưng lại muốn chỉ giữ riêng cái ấn tượng bạn bè đó cho riêng mình. Hoặc là nói to lên cho nhiều người. Không có những nụ cười như vậy, thế hệ này đi tong từ lâu rồi ! Nói thật đấy. Chân lý này chẳng cần đến mấy trăm cuốn sách mới hiểu nổi đâu.

Hà Nội, 22-10-2007

CHÂU DIÊN

 




(1) Vợ Cao Xuân Hạo (các chú thích đều của DĐ).

(2) De la démocratie en Amérique, bản dịch của Phạm Toàn (tên cúng cơm của tác giả Châu Diên), nhà xuất bản Tri Thức. 

(3) Hommage : vinh danh

(4) Dommage : thiệt hại. Dommage ! : Tiếc thay !

(5) Nhà nghiên cứu văn học, em rể Cao Xuân Hạo.

(6) Học giả Đào Duy Anh (thân phụ của Đào Hùng).


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss