Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Nửa thế kỷ tình bạn

Nửa thế kỷ tình bạn

- Hà Dương Tuấn — published 17/10/2019 20:00, cập nhật lần cuối 17/10/2019 23:29

Nửa thế kỷ tình bạn


Hà Dương Tuấn



Giữa Đường và tôi là một tình bạn hơn nửa thế kỷ, gặp nhau sau khi cùng sang Pháp năm 1963, cùng ở "Hotel Lutèce" trong mấy năm, sau lại cùng nhau hoạt động trong nhóm Phật tử, cùng tập Karaté (tuy không cùng club), cùng làm báo Diễn Đàn... Và chuyện tình cờ, lại từ mấy chục năm nay, mua nhà cùng tỉnh gần nhau chỉ 20 phút đi bộ. Đó là không kể cùng khoái ăn nhậu, rượu vang bao nhiêu không chê, mỗi người lại đều gặp một bà xã nấu ăn giỏi khác đời, một bếp Tây một bếp Việt... Nói vậy để diễn tả rằng, nói về Đường, mà tôi không nói về mình là rất khó, dù chỉ để nói chuyện khác nhau, cũng rất nhiều đấy. Ở tuổi này, Alzheimer hoành hành rồi, không thể đi theo thời gian mà kể chuyện nữa đâu, thôi thì đi theo chủ đề vậy, chủ đề theo thời gian được càng tốt, hè hè...


Ba người ngự lâm pháo thủ :


Mà thực ra là bốn, Đường, Khoa*, Tùng**, và kẻ hèn này. Chính tôi là d'Artagnan vậy đó, tại sao ? Cùng chơi thân với nhau (ờ mà không bao giờ chúng tôi mày tao cả, toàn gọi tên thôi) nhưng chỉ tôi là học toán, ba vị kia thì Tùng và Khoa cũng có chọn lựa ổn định là đi về ngành xã hội, văn chương. Đường học Dược, đâu được ba năm thì phải, lại chuyển qua kinh tế, rồi chuyển sang học tin học, có lẽ ban đầu để kiếm tiền sống thôi, vì quả thật, tôi không tin cái lý luận formel hấp dẫn được chàng (hay có khi có hứng thú nắm rõ cho biết). Sau hoá ra kết hợp thành chuyên gia tin học quản lý cấp cao của CAP-Sogeti, một công ty dịch vụ tin học quản lý lớn của Pháp. Sau đó Đường mở công ty riêng cùng hai người bạn... rồi cuối cùng do đó chàng đã có đủ thời gian để làm điều mình thích : văn chương, triết học, một cách say mê. Lê Kim Chi, cũng là bạn cùng học ở VN với Đường, thì chững chạc hơn nhiều, rất ít khi tụ họp với bọn tôi.

Chúng tôi thường gặp nhau tại phòng một đứa nào đó, uống rượu đỏ và tán gẫu, nhưng có những kỷ niệm vô nghĩa mà hoá ra lại nhớ lâu: Một lần nói chuyện khoa học kinh tế (science-éco), tôi buột miệng nói "écho de science"; để trả thù những khi mình lý luận chuyện đời từ A đến B rõ ràng rành mạch, lại nghe hắn thốt "raisonnement formel !" cho cái toán học còn chưa xong cử nhân của mình... Không đâu, không có to tiếng hay đánh nhau, ngược lại đều cười vui. Khoa thì chỉ luôn luôn tủm tỉm, Tùng không biết lúc ấy có đó không, nhưng nếu có đó và nếu uống chưa đủ thì chắc cũng lặng yên.


Quy y :


Năm 1965 khi thượng toạ Minh Châu sang Pháp, đám sinh viên mộ đạo Phật trong đó có tôi, đều đi theo nghe giảng. Có một buổi làm lễ quy y, tôi không nhớ trước hay sau buổi quy y đó Đường cạo trọc đầu, nhưng chỉ một lần cạo đó thôi. Phải nói khi các bạn quy y thì tôi trả lời mọi người tôi không quy y – lý do là tôi quy y Phật, quy y Pháp, nhưng không quy y tăng – mặc dù đó là một hoà thượng đạo cao đức trọng; tại sao? có lẽ sự kiêu ngạo của tuối trẻ chăng. Tuy thế chúng tôi vẫn làm việc chung trong nhóm Phật Tử vui vẻ, hoàn toàn không một chút mắc mớ gì với nhau.

Thế rồi Mỹ can thiệp, rồi tổng tấn công 1968... Thời sự cháy bỏng đến tâm tư những người tuổi trẻ, dù ở xa. Bọn chúng tôi đều lao vào hoạt động trong phong trào Việt kiều... Riêng tôi thì đang học cao học toán phải chuyển sang học một khoá cập nhật ngắn hạn sáu tháng về tin học để có cáii vốn mà đi làm, nhưng thật ra cũng toàn lý thuyết về luận lý hình thức và cơ sở ngôn ngữ máy tính. May mắn được một công ty tuyển chọn làm kỹ sư lập trình trong ngành viễn thông.


Phan Huy Đường (đứng), tác giả (ngồi, phải) và Phạm Ngọc Tới (trái), ảnh chụp năm 2006.


Tin học


Đến 1975, lại một cuộc đảo lộn lịch sử nữa cho mọi người Việt Nam, và ở xa cũng không là ngoại lệ. Phong trào Việt Kiều được tổ chức lại, công khai và quy mô hơn. Không nhớ từ ngày cụ thể nào thì hội trí thức ra đời và trong đó có khoa tin học. Dĩ nhiên khoa này khá đông, vì thời gian đó ngành này rất "hot". Và cũng dĩ nhiên có Đường và tôi trong đó. Lúc ấy ông Trương Trọng Thi là kỹ sư doanh nhân đã cùng cộng sự nghiên cứu và sản xuất ra máy tính Micral từ nhiều năm. Máy này hiện viện bảo tàng máy tính ở Boston, Hoa Kỳ, có trưng bày và ghi chú rằng đây là máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới. Tuy danh hiệu này vẫn còn bị bàn cãi so với một số máy tính khác, như Altair của Hoa Kỳ. Nhưng dù sao, với khoảng cách thời gian, thì a) ý tưởng đã chín muồi nhưng b) để thực hiện cụ thể không ai sao chép của ai được và c) chưa thấy đâu so sánh cụ thể cả về phần cứng lẫn phần mềm.

Tham khảo: https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_early_microcomputers#cite_note-Computer_History_Museum-7

Thời gian đầu thống nhất và hoà bình chúng tôi làm hai việc : một là đóng góp về thuật ngữ tin học, và cùng nhiều anh em in ra một tập sách nhỏ về thuật ngữ, sách này có chuyển về VN nhưng nay cũng không ai còn giữ, công việc ấy tôi có thuật lại trong bài "Tự động hoá xử lý thông tin", xem tại đây.

Chuyện thứ hai là góp tiền mua một chiếc máy Micral để đem về tặng trong nước. Đường và tôi nhận mang về. Công việc này khá vất vả cho Đường vì Đường khéo léo, "bricoler" giỏi, phải mua các tấm nhựa xốp làm hộp kín bền chắc để đóng gói gửi máy bay, tôi nổi tiếng vụng về, chỉ loay xoay làm chân chạy. Bạn đọc có thể Google để thấy chiếc máy này thời đó.

Đó là "phần cứng"; nhưng còn "phần mềm" thì vất vả hơn nhiều mà ít người để ý. Chúng tôi phân công nhau : tôi viết chương trình hệ thống phụ thêm và tài liệu hướng dẫn sử dụng, còn Đường viết một chương trình ứng dụng cho quản lý (dĩ nhiên cũng kèm tài liệu). Phải nói như vậy vì trong tin học thời đó viết tài liệu sử dụng rất quan trọng. Đường viết rất bài bản, chương trình này về sau Đường sẽ phát triển thành hẳn một cơ sở dữ liệu cho máy vi tính, tên CREAO :


Để làm những điều này chúng tôi gần như mất toàn bộ các ngày nghỉ cuối tuần cho nhiều tháng, cộng với những ngày nghỉ hè năm 1977 để chuẩn bị và để về VN giao máy và giao toàn bộ phần mềm với các chương trình nguồn -- mà nói thẳng ra thì giá trị cao hơn giá cái máy nhiều lắm.

Năm sau 1978 trên một chuyến bay về VN tình cờ tôi gặp ông Trương Trọng Thi, lần này chính ông đem về một chiếc Micral, cũng tặng cho Uỷ Ban KHKT nhà nước. Cả hai lần, về sau tôi không biết hai máy tính đó đi đâu. Hy vọng các anh em tin học ở VN có thể cho biết rõ hơn.

Thôi tôi chỉ xin nói vài chuyện đến đây thôi. Về sau sự nghiệp và con người của Đường đã hiện rõ và ai muốn biết cũng biết được trong trang AMVC, đặc biệt trong kho dữ liệu của Thư viện Quốc gia Pháp :


Đường ơi ! Kể ra thì chúng ta cũng đã sắp hết thời, dù gì thì trên trăm năm ta cũng đã đang đi xuống hơn nửa của bên kia sườn núi. Bây giờ là thời chúng ta hy vọng những người tuổi trẻ vẫy gọi nhau. Đường hãy yên nghỉ.

Hàn Thuỷ – Hà Dương Tuấn


* Nguyễn Văn Khoa, bút hiệu Phạm Trọng Luật

** Nguyễn Tùng, bút hiệu Đan Tâm

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us