Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Ông Dương Đình Thảo qua đời

Ông Dương Đình Thảo qua đời

- Trần Tố Nga & P.V. — published 16/01/2017 23:20, cập nhật lần cuối 17/01/2017 22:04


Ông Dương Đình Thảo qua đời


thao

Ông Dương Đình Thảo (Sáu Thảo) đã qua đời tối 15.1.2017 tại Sài Gòn sau một thời gian dài ốm yếu, thọ 93 tuổi. Về mặt quốc tế, Dương Đình Thảo được biết tới như là người phát ngôn của phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris (1969-1973), rồi tại Ban liên hợp quân sự bốn bên ở "Trại Davis", Tân Sơn Nhất (1973), Hội nghị hai bên miền Nam Việt Nam tại Saint-Cloud (73-74).

Ông tiếp tục vai trò người phát ngôn trong thời kỳ Uỷ ban Quân quản Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi làm giám đốc Sở ngoại vụ, Sở thông tin văn hoá, rồi trưởng ban tuyên huấn Thành uỷ TP HCM, thường vụ thành uỷ. Sau Đại hội VI của ĐCS (12.1986), ông làm "chuyên viên cao cấp" cho tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Tên thật là Nguyễn Văn Lợi, ông sinh ngày 2.1.1924 tại xã Hạnh Thông, Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Ông tham gia Thanh niên Tiền phong từ tháng 7.1945, Mặt trận Việt Minh (Ban cán sự nội thành), gia nhập Đảng cộng sản (1947), làm trưởng ban tuyên truyền trung đoàn 208 Chợ Lớn, thư ký cho Lê Đức Thọ (bí thư Trung ương cục miền Nam), quyền bí thư Trung đoàn E.664, Quân khu 3, trưởng ban tuyên huấn Sự đoàn 338. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông làm công tác ngoại giao (quyền trưởng cơ quan đại diện MTDTGP tại Cộng hoà Dân chủ Đức, Vụ phó Vụ Quốc tế Ban Thống nhất Trung ương...

P.V.




Chú Sáu Thảo hãy yên nghỉ

Trần Tố Nga



Anh Dương Đình Thảo, chú Sáu Thảo, anh Sáu thân thương đã ra đi lúc 22g30 ngày 15 tháng một năm 2017.

Chú Sáu ra đi lặng lẽ, thanh thản, khiêm tốn như chính cuộc sống của chú.

Tôi không muốn nói đến những đóng góp cho đất nước, cho dân tộc ngay từ những ngày đầu, khi chú còn là một thanh niên trai trẻ, đi làm cách mạng, đi kháng chiến một cách hồn nhiên nhưng sôi sục nhiệt huyết. Tôi cũng không muốn nói đến nhng năm tháng chiến đấu trên mặt trận ngoại giao, hay những năm sau hòa bình, về đảm nhận những trọng trách của thời bình, cũng gian nan, phức tạp không kém thời chiến. Không muốn, đơn giản vì chú không muốn, vì chú nghĩ rằng chú đã hoàn thành nhiệm vụ như mọi người yêu nước, như mỗi chiến sĩ cách mạng. Những năm tháng sau cùng chú sống giản dị, dù không thanh thản mỗi khi nghĩ đến vận nước. Cả những lúc mệt nhiều, khi những người thân đến thăm, chú say sưa phân tích tình hình, khỏe một chút thì giọng sôi nổi, mệt nhiều hơn thì thều thào, nhưng khắc khoải, băn khoăn. Có năn nỉ chú ngưng, chú cũng không ngưng, cứ sợ con cháu không vững lòng, không chặt dạ.

Những tháng sau cùng, chú đau lắm, nhưng lặng lẽ chịu đựng, không rên, không than, chỉ nhắc đến công lao của từng người con, nhắc lại kỷ niệm của những người thân đã đi qua đời chú, nhắc tên từng người ở hải ngoại đã từng sát cánh với chú khi chú làm nhiệm vụ phát ngôn viên tại Hội nghị Paris.

93 tuổi, chú thuộc lớp người hiếm hoi còn lại của thời kỳ đầu kháng chiến, mà chú tự xưng là “ngoan cố” chưa chịu đi theo bao nhiêu bạn bè đồng chí đã bỏ chú đi trước. Chống gậy, tai không còn nghe rõ, đã phải có người dìu, nhưng chú vẫn lần bước đi thắp nhang cho từng người, nhắc lại từng kỷ niệm đã sống qua với từng người , tự trách mình “ngu quá” vì không biết tận hưởng những tình cảm bạn bè trao cho, mà chỉ lao vào chiến đấu.

Kiên trung, trọn tình, trọn nghĩa,  khiêm tốn, trung thực đến tận cùng, anh Dương Đình Thảo, chú Sáu Thảo, anh Sáu thân thương đã đi về nơi các đồng chí, đồng đội cùng lứa đang chờ, và trong tình yêu thương của những người còn sống, còn đi tiếp con đường vì nước vì dân mà chú đã giành trọn đời cống hiến.

            Thành phố Hồ chí Minh ngày 16 /01/ 27

Trần Tố Nga



BÀI LIÊN QUAN :


* Trích hồi ký của Dương Đình Thảo (Nguyễn Văn Lợi) về những năm tháng theo học trường Pétrus Ký : Hành trang vào đời

* Báo Pháp Luật (16.1.2017) : Dòng người xếp hàng viếng ông Dương Đình Thảo

* Viet Times (17.1.2017) : Nguyễn Chánh Tín kể về những năm tháng ở tù và đi hát lậu

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us