Phạm Xuân Ẩn

PHẠM
XUÂN ẨN
(1927-2006)
Phạm
Xuân Ẩn, thiếu tướng Quân đội Nhân
dân
Việt Nam, nhà tình báo chiến lược kiệt
xuất và nhà báo tài ba,
đã từ
trần ngày 20.9.2006 tại Thành phố Hồ
Chí
Minh, sau mấy tháng trọng bệnh (khí thũng /
emphysema), thọ 79 tuổi.
Tên thật là Trần Văn Trung, ông sinh ngày 12-9-1927 tại... nhà thương điên Biên Hoà : cha ông là kĩ sư trắc địa, quen biết giới công chức thực dân, nên họ đề nghị mẹ ông vào đẻ tại bệnh viện Biên Hoà để được các bác sĩ Pháp chăm sóc. 17 tuổi, « Hai Trung » tham gia Việt Minh, kháng chiến, rồi vào thành, vừa để chăm lo thân sinh bị bệnh nặng, vừa làm việc ở sở quan thuế, theo dõi vận chuyển khí tài và binh sĩ của quân đội Pháp.
Đầu năm 1952, ông được gọi vào chiến khu và được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trao nhiệm vụ tình báo chiến lược. Về thành, ông lấy tên là Phạm Xuân Ẩn. Năm 1954, bị động viên, Phạm Xuân Ẩn làm tại Phong chiến tranh tâm lí Bộ tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp (thành Ô Ma). Tại đây ông làm quen với Edward Lansdale, nhân viên CIA, trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mĩ (USMAAG). Năm 1955, theo đề nghị của MAAG, ông tham gia xây dựng Quân lực Việt Nam Cộng hoà (soạn thảo tài liệu tham mưu, tổ chức, huấn luyện, hậu cần, thành lập bộ khung của 6 sư đoàn bộ binh đầu tiên, chọn lựa sĩ quan sang Mĩ đào tạo, trong đó có Nguyễn Văn Thiệu).
Năm 1957, Đảng cộng sản Việt Nam (mà ông được kết nạp từ năm 1953) gửi ông sang Mĩ học về báo chí. Ông tới Costa Mesa và theo học tại Orange Coast College (sau này, ông thường đùa, nói mình là người Việt Nam đầu tiên sống ở Orange County). Sau khi tốt nghiệp, ông thực tập ở báo Sacramento Bee, ở Liên Hiệp Quốc và, nhờ một học bổng của Asia Foundation, đi thăm nhiều tiểu bang.
Phạm Xuân Ẩn trở về Sài Gòn năm 1959, vào lúc lực lượng kháng chiến bị đàn áp khốc liệt, cấp trên trực tiếp của ông (Trần Quốc Hương, tức Mười Hương, bị bắt). Nhờ mối quan hệ với bác sĩ Trần Kim Tuyến, giám đốc mật vụ (Sở nghiên cứu chính trị văn hoá xã hội), ông được biệt phái sang làm việc tại Việt Tấn Xã, phụ trách liên lạc với các phóng viên nước ngoài ở miền Nam.
Từ năm 1960, ông làm việc cho hãng thông tấn Reuters (1960-64), tuần báo Time (1965-1976) đồng thời cộng tác với New York Herald Tribune, Christian Science Monitor. Trong suốt 15 năm ấy, Phạm Xuân Ẩn được đánh giá là nhà báo kiệt xuất, quen biết đủ mọi giới chính trị, quân sự, Mĩ và Việt, thông tin chính xác và phân tích sâu sắc. Ông là người Việt Nam duy nhất được Time tuyển chọn làm phóng viên chính thức. Đặt chân tới Sài Gòn, nhà báo quốc tế nào cũng đến ngay quán Givral để được « nhập môn » tình hình Việt Nam với Phạm Xuân Ẩn mà họ đặt tên là « Tướng Givral », « Giáo sư về Đảo chính », « Tiến sĩ Tính dục học », « Tư lệnh binh chủng Chó » (ông nổi tiếng về tài chơi chó, chim, cá, và nhờ nuôi chó, đã có qụan hệ mật thiết với Nguyễn Cao Kỳ và nhiều tướng lĩnh khác...).
Cũng trong thời gian ấy, Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp cho bộ tổng tư lệnh miền Nam và Hà Nội những tin tức tình báo chiến lược hết sức quý báu : từ chiến lược chiến tranh đặc biệt (với kế hoạch Staley-Taylor) đến chiến tranh cục bộ, chiến lược « Việt Nam hoá » chiến tranh, và cuối cùng là lời khẳng định cuối năm 1974 « Mĩ không thể can thiệp trở lại ». Có những kế hoạch của Mĩ ông gửi về Bộ tư lệnh QĐNDVN trước khi chúng được phổ biến tới tay các tướng lĩnh Quân lực VNCH. Tương truyền khi đọc báo cáo của điệp viên Hai Trung, đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần nói đùa : « Chúng ta vào Phòng chiến tranh của Nhà trắng ». Điều hết sức quan trọng là ông được thông báo cả các ý đồ chiến lược (thậm chí kế hoạch như cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968), nên ngoài việc cung cấp tin tức tình báo, Phạm Xuân Ẩn có điều kiện phân tích được tương quan lực lượng và diễn biến cuộc chiến tranh. Trong lĩnh vực này, có lẽ Phạm Xuân Ẩn là nhà phân tích chiến lược « trực tuyến » sâu sắc hiếm có trong lịch sử tình báo thế giới. Trong một số trường hợp, ông không chỉ đóng khung trong vai trò chiến lược mà còn tham gia về mặt sách lược : thông tin của ông đã góp phần quyết định vào chiến thắng Ấp Bắc (ngày 2.1.1963), và chiều hôm trước Tổng tấn công Tết Mậu Thân, ông đã lái xe cho chỉ huy đặc công đi quan sát các mục tiêu quân sự trong thành phố Sài Gòn. Trong đợt hai của cuộc tổng tấn công, ông kiên quyết đề nghị chấm dứt những cuộc oanh kích không tác dụng và thất nhân tâm.
Ông cũng không ngần ngại tận tình cứu giúp đồng nghiệp và bạn bè. Hai trường hợp thường được nhắc tới : một là năm 1970, Robert Sam Anson, nhà báo Time bị bắt ở Campuchia, ông đã can thiệp để QĐND trả tự do cho đồng nghiệp, 17 năm sau Anson mới biết chính ông Ẩn đã cứu sống mình. Anson hỏi : « Tại sao anh lại cứu tôi ? », được ông trả lời : « Nước Mĩ là thù địch của tôi, còn các anh là bạn tôi ». Đêm 29.4.1975, Trần Kim Tuyến bị kẹt lại ở Sài Gòn vì lỡ hẹn với trạm CIA, phải đến cầu cứu Phạm Xuân Ẩn. Chính ông Ẩn đã liên lạc với đại sứ quán Mĩ và cơ quan CIA và đưa Trần Kim Tuyến tới một điểm hẹn khác. Nhờ vậy, cựu giám đốc mật vụ của chính quyền Ngô Đình Diệm đã leo lên được chiếc máy bay trực thăng cuối cùng cất cánh từ một sân thượng (cảnh này đã được ghi lại trong một tấm ảnh lịch sử).
Sau ngày thống nhất đất nước, Phạm Xuân Ẩn được phong « Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân » (1976) và quân hàm thiếu tướng (1990). Ông làm công tác nghiên cứu chiến lược cho đến khi về hưu (2002).
Sau khi ông Ẩn được phong « Anh hùng », giới báo chí Mĩ mới biết đằng sau người đồng nghiệp mà họ quý mến còn là một điệp viên kiệt xuất. Phải từ năm 1988 trở đi, họ mới được gặp ông và thoải mái đến thăm ông ở nhà riêng, số 214A Lý Chính Thắng. Năm 1997, họ mời ông sang New York dự một cuộc họp mặt của các phóng viên Mĩ ở Việt Nam với tư cách « khách mời danh dự », nhưng chính quyền Việt Nam không cho phép ông xuất ngoại (tuy nhiên, con trai lớn của ông, sau khi học phiên dịch ở Liên Xô, đã sang Hoa Kì tu nghiệp với sự trợ giúp của những nhà báo Mĩ, nay làm việc ở Bộ ngoại giao).
Phạm Xuân Ẩn vẫn còn là một « bí ẩn » với các đồng nghiệp của ông trong giới báo chí quốc tế. Họ muốn biết ông làm sao « xử lí » được cuộc sống « hai mặt », thậm chí « ba mặt » (1) trong suốt một phân tư thế kỉ ? Như mọi cán bộ trung-cao, ông được triệu ra Hà Nội học trường Đảng : không ít nhà báo Mĩ tưởng rằng ông bị đi « học tập cải tạo » như những sĩ quan VNCH. Họ lại càng thắc mắc khi nghe lối giải thích rất « Phạm Xuân Ẩn » của ông : « Hà Nội lạnh quá, nên sau 10 tháng, tôi xin về », « Họ không biết đối xử với tôi ra sao, tôi thì hay giỡn mà họ thì quá nghiêm túc ». Nếu dùng tiếng Pháp, có lẽ ông Ẩn không dùng chữ « sérieux » (nghiêm túc) mà « constipé » (táo bón). Điều chắc chắn là Phạm Xuân Ẩn tham gia cách mạng, nhận nhiệm vụ tình báo, gia nhập Đảng cộng sản vì « hai điều : độc lập dân tộc và công bằng xã hội ». Chắc chắn không kém là ông « may mắn » được đào tạo về chủ nghĩa Marx qua sách vở tiếng Pháp, tiếng Anh bằng tự học, kết hợp với óc biện chứng thiên phú thể hiện qua cái nhìn dí dỏm, đầy « humour », sâu sắc. Ông không phải trải qua những lớp học « chủ nghĩa Mác Lê » kiểu Mao đã thịnh hành ở chiến khu Việt Bắc từ đầu thập niên 1950, mà sản phẩm phổ biến là mô hình cán bộ giáo điều và giả đạo đức. Người ta có thể hình dung khá dễ dàng những cuộc đối thoại « bất khả » giữa một Phạm Xuân Ẩn mở miệng là chửi thề và « mấy ông cha nội táo bón quá cỡ thợ mộc ». Thêm vào đó, là những câu hỏi ngổn ngang : bao nhiêu năm chiến đấu thầm lặng, cái chết cận kề, để đi đến kết quả ngày nay, với nạn tham nhũng và đổ đốn từ trên xuống dưới như vậy sao ? Họ khó cảm thông với Phạm Xuân Ẩn khi ông bi quan trong đánh giá về cuộc « đổi mới » (ít nhất là bi quan hơn họ) mà lại có vẻ lạc quan khi ông nhìn lại dân tộc mình và viễn tượng tương lai.
Song có một điều hiển nhiên là sự quý mến của họ đối với Phạm Xuân Ẩn không hề suy giảm từ khi họ biết ông là « gián điệp cộng sản », ngược lại. Ý kiến của Frank McCulloch, giám đốc văn phòng của báo Time tại Sài Gòn, có thể tóm tắt điều ấy : « Tôi có phẫn nộ khi được biết sự thật về Ẩn không ? Tuyệt đối không. Việt Nam là đất nước của anh, tôi nghĩ thế. Nếu tình hình đảo ngược lại, nếu mấy trăm ngàn quân đội Việt Nam chiếm đóng nước Mĩ, chắc tôi cũng làm như anh ấy thôi ».
Ở Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn đã trở thành nhân vật tiểu thuyết (Quân) trong một số tác phẩm của Nguyễn Khải (vở kịch Cách Mạng, tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm...). Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đã viết về cuộc đời thực của ông trong Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời, nxb Công an Nhân dân, 2005). Tại Pháp, kí giả Jean-Claude Pomonti, đã viết Un Vietnamien bien tranquille (nxb Equateur, 2006). Larry Berman, nhà sử học Mĩ đang hoàn thành một cuốn sách về nhân vật huyền thoại này. Trong các bài báo tiếng Anh-Mĩ, hay nhất là bài viết của Thomas A. Bass : The Spy Who Loved Us, đăng trên tạp chí The New Yorker ngày 23.5.2005 (có thể truy cập trên mạng internet http://www.newyorker.com/fact/content/articles/050523fa_fact4). Các bài khác (kể cả bài tiếng Việt), bạn đọc có thể tìm tại http://www.viet-studies.org/culture.htm. Đó là trang chủ của Trần Hữu Dũng, cả một kho báu về những bài đáng đọc (và cả những bài không đáng đọc nhưng cần giữ làm tư liệu).
N.N.G.
_________________________________(1) Ông được coi như nhân viên « không ăn lương » của Sở nghiên cứu chính trị văn hoá xã hội đặt dưới quyền của Ngô Đình Nhu, do bác sĩ Trần Kim Tuyến làm giám đốc. Mặt khác, nhiều người trong chính quyền Sài Gòn tin rằng ông làm việc cho CIA (từ thời Lansdale, qua Colby, Conein đến Polgar). Cái mũ « Xịa » cũng là cái thuẫn bảo vệ ông trong nhiều năm trời, nhưng đến năm 1975, vì ông hoạt động « đơn tuyến », nó có thể cho ông xơi đạn AK47 bất cứ lúc nào, nhất là những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5.1975.
|
Các thao tác trên Tài liệu