Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Ra thăm Côn Đảo...

Ra thăm Côn Đảo...

- Vĩnh Sính — published 09/11/2010 23:09, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
... và suy ngẫm về cuốn Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng


Ra thăm Côn Đảo
và suy ngẫm
về cuốn Thi tù tùng thoại
của Huỳnh Thúc Kháng


VĨNH SÍNH


Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy
Nam nhi hà phạ sự Côn Lôn !

Phan Châu Trinh

Ðất nước chơi vơi nòi giống khổ
Thân trai nào sá chuyện Côn Lôn !

V.S. dịch



Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng đã gom góp những bài thơ và chuyện của anh em bạn tù chính trị phạm và cùng tội trong 13 năm (1908-1921) bị đày ở Côn Đảo để viết nên cuốn Thi tù tùng thoại 詩囚叢話. Có thể gọi nôm na tên cuốn sách là Những bài thơ và những chuyện trong nhà tù Côn Đảo.

Chính thiên tù sử này là lý do chúng tôi ra viếng thăm Côn Ðảo vào cuối tháng bảy năm 2002. Mấy ngày trước khi ra lên đường, chúng tôi đã nghiền ngẫm từng bài thơ cùng những lời giải thích súc tích của Mính Viên. Sau khi ra đảo viếng thăm tận mắt những nhà giam, nơi tù nhân đập đá ngày trước, v.v. rồi chiều tối về ngồi đọc lại từng chương, chúng tôi mới thấm thía ý nghĩa của cuốn sách. Thi tù tùng thoại quả là một tư liệu văn học và lịch sử hiếm có !

Thi tù tùng thoại đã được cụ Huỳnh Thúc Kháng biên soạn bằng Hán văn và do chính tay tác giả dịch ra chữ quốc ngữ — một hiện tượng quá ư độc đáo. Nguyên tác Thi tù tùng thoại đã bị tịch thu và thiêu hủy khi cụ Huỳnh được trả tự do về lại đất liền năm 1921. Sau đó, trong thời kỳ làm báo Tiếng Dân ở Huế, cụ đã dựa theo ký ức viết lại cũng bằng chữ Hán, rồi tự mình dịch ra quốc ngữ. Theo cụ, bản dịch sang tiếng Việt “ tinh thần ý tứ không bằng nguyên văn, nhứt là về thi văn thì dịch mười phần không được năm, sáu; song không mất bản ý ”.1

Trước hết, chúng tôi xin trình bày về chuyến đi.


*


Chúng tôi ra thăm Côn Ðảo trong một chuyến đi hai đêm ba ngày do công ty Saigon Tourist tổ chức. Vào mùa đó vì sóng biển hãy còn lớn nên đường giao thông ra đảo bằng tàu thủy phải tạm ngưng. Phương tiện duy nhất là đi bằng máy bay trực thăng từ Vũng Tàu, mỗi tuần có một chuyến và mỗi chuyến chỉ đủ chỗ vỏn vẹn cho 25 người. Bởi vậy, du khách phải đặt mua vé trước cả tháng mới mong kiếm ra chỗ.

Chuyến đi do Saigon Tourist phụ trách chính thức khởi hành từ sân bay Vũng Tàu và cũng chấm dứt tại đó. Hành khách tự lo phương tiện chuyên chở đến Vũng Tàu và tụ họp ở sân bay vào 7 giờ rưỡi sáng. Ðể kịp máy bay, hôm khởi hành, từ Sàigòn chúng tôi lấy chuyến tàu cao tốc cánh ngầm đi Vũng Tàu sớm nhất lúc 6 giờ 15. Sau khi tàu cập bến, tất tả tìm xe ôm, đến sân bay thì hành khách đã bắt đầu làm thủ tục kiểm tra và chúng tôi là người khách lên máy bay cuối cùng. Ngồi vào chỗ và thắt dây an toàn xong xuôi tôi mới thấy hú vía : suýt chút nữa thì tôi đã trễ giờ, bỏ mất chuyến đi mà chúng tôi hằng mong đợi bấy lâu nay !

Ðúng 8 giờ, máy bay cất cánh. Quạt máy bay đánh bình bịch. Vài khách yếu bóng vía đưa mắt nhìn nhau như có vẻ lo ngại. “ Ối giời ! Phi công ta lái ngon lắm ! ”, người khách trung niên ngồi ở hàng ghế trước nói như để trấn an những hành khách mới đi máy bay trực thăng lần đầu, trong đó có chúng tôi. Mà quả đúng như thế, người phi công đã lái rất đằm và vững vàng trong suốt chuyến bay, ngay cả khi lên xuống.

Từ máy bay nhìn xuống đất liền trông rất rõ. Những cánh đồng xanh mướt, những dòng sông con nước — chi nhánh của sông Tiền và của quê miền Ðông đất đỏ — hiện ra mồn một. Lẫn trong tiếng quạt bình bịch liên hồi, từ dưới đất liền dường như đang vọng lên những lời ca rạo rực mà từ lâu đã lắng sâu trong ký ức của chúng tôi :

Cây lúa non chờ từng cơn mưa nhỏ
Cây lúa trổ chờ nước đổ trên nguồn
... Con nước trong về miền Ðông con nước đỏ
Sông nước đỏ dào dạt vỗ quanh bờ...

Trần Long Ẩn, “ Tình đất đỏ miền Đông


Một giây phút trộn lẫn hư và thực, giữa quá khứ với hiện tại — một thoáng tình quê “ miền Ðông đất đỏ ” đậm đà !

*

Chiếc trực thăng bay trên đất liền từ Vũng Tàu cho đến Trà Vinh, sau đó mới quay ra biển theo hướng Ðông-Nam. Khoảng 9 giờ 15, máy bay đáp xuống sân bay Cỏ Ống trên Côn Ðảo.

Từ sân bay về đến khách sạn Saigon Tourist (khách sạn độc nhất trên đảo lúc bấy giờ) khoảng chừng 12 cây số. Chiếc xe ra đón đưa chúng tôi đi qua những con đường đất đỏ ven biển xanh. Côn Ðảo, nói chính xác, là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ có tổng diện tích là 76 km vuông, đảo lớn nhất ngày xưa gọi là Côn Lôn nhưng ngày nay cũng mang tên là Côn Ðảo. Từ năm 1991, quần đảo được gọi chung là huyện Côn Ðảo, thuộc tỉnh Bà Rịa — Vũng Tàu. Dân số trên đảo hiện nay có khoảng 3.200 người. Khách sạn ở vào khoảng giữa bờ biển vịnh Ðông Nam (tức vịnh Côn Ðảo).

Bãi tắm nằm ngay bên kia đường trước khách sạn cát mịn và không có đá ngầm. Về đêm thủy triều xuống rất nhanh, nước rút cạn khỏi bờ đến mấy trăm mét, để lại đây đó trên bãi cát còn ủng nước những con cá, con mực không kịp bơi theo nước thủy triều.

cautau

Cầu lịch sử 914

Ðứng từ bờ biển ban đêm nhìn cảnh trăng lên, hay nhìn cảnh mặt trời ló dạng trên biển ở chân trời vào lúc tảng sáng phải nói là đẹp tuyệt vời. Một vùng trời nước mênh mông, không hổ danh là quần đảo tiền tiêu ở Ðông Nam của đất nước, “ nguy nga đứng trấn giữa biển Ðông ” (Ðại Nam nhất thống chí).2 Thật khó tưởng tượng là ngay bên cạnh bãi tắm thanh bình ấy là chiếc “ Cầu tàu lịch sử 914 ”, tương truyền nơi đây 914 tù nhân lao động khổ sai đã bỏ mình trong quá trình đập đá xây cầu vào cuối thế kỷ XIX.

Ðến giờ ăn chúng tôi mới hay là trong số 25 hành khách đến Côn Ðảo lần này, ngoài chúng tôi ra chỉ có hai người khác là du khách, còn lại là công nhân viên đi công tác và những người tháp tùng bà Tổng Lãnh sự Cuba ở Sài Thành ra thăm đảo.

Nhằm tiện việc dọn ăn 3 bữa mỗi ngày, nhà bếp khách sạn “ chủ động ” xếp 3 du khách chúng tôi thành một “ đoàn ” — ăn một lần và ngồi cùng bàn. Hai người du khách khác là hai bố con. Ông cụ người Nghệ, hồi còn trẻ “ vô ” Huế học trường nhà dòng Pellerin, năm 17 tuổi theo tiếng gọi của “ Mùa Thu rồi ngày hăm ba ” đi bộ đội, đánh Tây rồi sau đó đánh Mỹ trên nhiều chiến trường, nay đã nghỉ hưu. Cô ái nữ, sinh và lớn lên ở Hà Nội, theo cơ quan vào Nam công tác đã lâu nhưng vẫn giữ giọng nói và cung cách của cô gái Hà Thành. Tuy đã có gia đình nhưng vì chữ hiếu nên cô mới “ tranh thủ dàn xếp thời giờ đưa bố đi chơi để bố vui trong tuổi già ”. Nghe lời giải thích của cô, bất chợt chúng tôi thấy ấm lòng. Cô con gái đúng là biết chiều bố tối đa : trước bữa cơm trưa và cơm chiều, cô đặt trước với nhà bếp những món đặc sản để bố thưởng thức cho biết — nào cá hàm hương, nào bào ngư, nào ốc tai tượng, v.v. Cô có đặt cả món yến sào và vích nhưng những thứ này hình như nay thuộc dạng không được phục vụ. Món nào đắt hơn giá Saigon Tourist quy định cho bữa ăn của đoàn, dĩ nhiên chúng tôi trả thêm phụ thâu. Thức ăn toàn là đồ hải sản và rau ráng trồng trên đảo, ngoài món miến gà phục vụ buổi sáng thì hầu như không có thịt thà — đúng y chang tiêu chuẩn mốt dinh dưỡng trên thế giới bây giờ ! Điều khá kỳ thú thì những đặc sản ngày nay cũng na ná những sản vật của Côn Ðảo mà người xưa miêu tả trong Ðại Nam nhất thống chí : “ Ðảo ấy sản xuất yến sào, đồi mồi, vích, quế, cá hàm hương, trai [ốc] tai tượng, các thức đồ ăn, tuyệt không có gì khác ”.3 Ðầu bếp nghe nói tốt nghiệp lớp nấu ăn phục vụ du lịch ở Sàigòn nên cách bày biện thức ăn cũng rất mực trang nhã.

Chương trình tham quan trên đảo cũng do Saigon Tourist xếp đặt, và 3 du khách chúng tôi đi thành một đoàn riêng. Ðịa điểm tham quan trước tiên của chúng tôi là “ địa ngục trần gian ” — những trại giam từ thời Pháp thuộc cho đến năm 1975.

Hệ thống trại giam thời Pháp gồm có Banh (bagne) I, Banh II, Banh III, Banh III Phụ, “ Chuồng cọp ” (được gọi như vậy vì trên trần không có song sắt giống như chuồng cọp), và “ Biệt lập (cellule solitaire) chuồng bò ” có phòng giam thông với hầm phân bò. Nhà giam thời chính quyền miền Nam có các trại mang số từ 5 đến 9, Trại 7 còn gọi là trại Phú Bình hay “ Chuồng cọp kiểu Mỹ ”. Hệ thống nhà tù Côn Ðảo qua hai thời kỳ có tất cả 127 phòng giam, 42 xà lim, và 504 phòng “ biệt lập chuồng cọp ”.

Sau khi tham quan khu trại giam, chúng tôi viếng thăm “cầu Ma Thiên Lãnh” ở dốc đèo Ông Ðụng trên núi Chúa — ngọn núi cao nhất trên đảo. Cùng với “Cầu tàu lịch sử 941”, “cầu Ma Thiên Lãnh” là nơi nghe nói hàng trăm tù nhân đã ngã mình. Ma Thiên Lãnh lấy từ tên một ngọn núi nổi tiếng ma thiêng nước độc, hiểm ác ở Triều Tiên trong truyện Tàu Tiết Nhơn Quí chinh Ðông.

Nghĩa trang Hàng Dương, với diện tích chừng 20 ha, là nơi yên nghỉ của không biết bao nhiêu chí sĩ đã bỏ mình trên Côn Ðảo trong suốt hơn 110 năm tính từ lúc Pháp bắt đầu xây nhà tù trên đảo vào năm 1862. Nghĩa trang được chia làm 4 khu A, B, C, D; những phần mộ có hai loại: mộ có tên và mộ khuyết danh. Lần theo lối đi trong nghĩa trang, du khách bắt gặp bia mộ mang những tên quen thuộc như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong (khu A), hay Võ Thị Sáu (khu B).

Mộ “ chị ” (ra Côn Ðảo ai cũng gọi như vậy) Võ Thị Sáu khói hương nghi ngút, người đến viếng đặt cúng dưới bia mộ chị rất nhiều gương và lược. Hỏi ra mới biết là khi bị bắt ở Bà Rịa chị chỉ có 17 tuổi, chính quyền thuộc địa đợi chị đến tuổi thành niên mới mang ra Côn Ðảo để hành quyết. Chị nổi tiếng linh thiêng.

Trong dân gian trên đảo và hình như khắp miền Bà Rịa — Vũng Tàu quê chị, có nhiều chuyện kể về sự hiển linh của chị. Cô hướng dẫn viên cho biết là trước phần mộ chị nguyên có trồng cây dương, khi lớn lên thân cây đâm thành hai nhánh, một nhánh ngả về Nam một nhánh nghiêng về Bắc; nhưng đến năm 1976 cây dương đột nhiên khô héo có lẽ vì giấc mơ thống nhất Nam Bắc của dân tộc đã trở thành hiện thực. Ở gốc cây dương ngày trước, nay là cây lê-ki-ma đầy cành lá xanh tươi. Trong nghĩa trang có một loài hoa dại rất đẹp, sắc vàng và hồng rực rỡ, mọc khắp đó đây. Ðược biết hoa có tên là “ nữ hoàng ” vì hoa giống hệt như chiếc vương miện của các nữ hoàng. Ðiều lạ là hoa nữ hoàng chỉ thấy trong nghĩa trang Hàng Dương chứ không thấy ở nơi nào khác.

Ngày thứ hai trên đảo, chúng tôi đi xem cảng Bến Ðầm nằm về phía Tây Nam của đảo. Trong cảng có trạm thu mua những hải sản mới đánh về để ngư dân khỏi mất công vào Vũng Tàu. Trò chuyện với một hai ngư dân đang ngồi nghỉ trên cầu tàu, được biết phần đông ngư dân là người Bình Thuận — một chi tiết khá lý thú vì 225 năm trước đây, khi viết về đường lối kinh doanh của chúa Nguyễn đối với các đảo ở biên thùy phương Nam, nhà bác học Lê Quý Ðôn cũng đã đưa ra nhận xét tương tự trong Phủ biên tạp lục : “ Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định số người, hoặc là người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương [Ròn], có ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, ... cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các cù lao ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu [đắm] và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm ...”.4

Miếu An Sơn thờ bà hoàng phi Yến, thứ phi của vua Gia Long, cũng là nơi nổi tiếng linh thiêng đối với dân chúng địa phương. Theo lời thuyết minh của cô hướng dẫn, “ ngày xưa vua Gia Long phải bôn ba trong những ngày ‘tẩu quốc’, để bà hoàng phi cùng ông hoàng Cải ở trên đảo. Ông hoàng Cải chẳng may bị bệnh đậu mùa mất sớm, bà hoàng phi bị người đời trách móc. Bởi vậy mới có câu ca dao là :

Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.”

“ Cây cải ” là vì ông hoàng tên Cải, còn “ rau răm ” là gi ̀? Quên hỏi cô hướng dẫn, chúng tôi tự hỏi “ Hay bà hoàng phi có tên cúng cơm là Răm ? ” Bà hoàng phi Yến và chị Võ Thị Sáu là hai nhân vật được dân gian sùng bái nhất trên đảo.

Xa xa là sở rẫy An Hải, nơi ngày xưa nhà chí sĩ Phan Châu Trinh ở non 3 năm. Cụ Phan “khi mới ra giam tạm ở khám trong banh... tham biện cho ra ở ngoài làng An Hải”. Phan “chính là một người đầu tiên trong bộ sử Côn Lôn quốc sự tù!”5 sau vụ Dân biến ở miền Trung (1908). Ở làng An Hải, cụ được “tự do..., mỗi tuần lễ, ngày chủ nhật, tới nhà giấy gardien-chef trình diện một lần mà thôi.”6

Sau Phan Tây Hồ tiên sinh, các cụ Ngô Ðức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Ðặng Nguyên Cẩn cùng hàng chục thân sĩ khắp ba miền Bắc Trung Nam bị kết án chính trị đày ra đảo và giam ở Banh I. Hình của các nhà chí sĩ duy tân bị đày trong đợt này nay được trưng bày chung trong Nhà Bảo tàng lịch sử Côn Ðảo. Vì nghe tên tuổi của các vị tiền bối này từ ngày mới cắp sách đến trường và đọc thơ văn họ đã có mấy mươi năm nay, khi nhìn hình phóng đại của họ trên tường, chúng tôi không khỏi xúc động và có ảo giác như gặp người quen biết từ lâu.

*

Trong Thi tù tùng thoại, Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng cho biết là ngay buổi chiều ngày cụ cùng bảy thân sĩ khác mới bị đày ra tới Côn Ðảo, cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh đã tìm cách động viên bằng cách cho người ném lá thư buộc vào viên gạch qua khung cửa sổ nhỏ lưới sắt. Lá thư có nội dung như sau : “ Thoạt nghe tin anh em ra đây, dậm chân vang trời một tiếng ! Ðoạn, tự nghĩ rằng anh em vì quốc dân mà hy sinh đến phải ra đây, chắc là có trăm điều vui mà không chút gì buồn. Ðây là một trường học thiên nhiên, mùi cay đắng trong ấy, làm trai giữa thế kỷ XX này không thể nào không nếm cho biết...”.7

Ðiều đáng chú ý là vào khoảng thời gian cụ Huỳnh viết lại tác phẩm Thi tù tùng thoại nhằm đăng tải thành từng tiết trên báo Tiếng Dân, Sào Nam Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở Huế cũng đã dựa trên ký ức để viết Phan Bội Châu niên biểu (tức Tự phán) — có lẽ cũng do gợi ý của Mính Viên chứ không ai khác. Trong bài tựa viết cho cuốn tự truyện của Sào Nam, cụ Huỳnh cũng đã nhận xét : “ Tập này cụ [Sào Nam] viết nguyên văn chữ Hán và tự dịch [miệng] ra quốc văn, tinh thần Hán văn mười phần thì bản quốc văn được độ năm phần (vì cụ không sở trường quốc văn và không thì giờ mà chữa, nên không được trơn), song chính ý thì không sai ”.8 Giỏi chữ quốc ngữ như cụ Huỳnh mà còn than là bản dịch quốc ngữ do chính tay cụ dịch về “ tinh thần ý tứ không bằng nguyên văn ”, huống hồ là cụ Sào Nam sống ở hải ngoại gần hai mươi năm trong thời kỳ chữ quốc ngữ vừa mới bắt đầu truyền bá trong nước, thì việc chênh lệch về văn chương giữa hai bản Phan Bội Châu niên biểu chữ Hán và chữ Việt cũng là chuyện dễ hiểu.

Ðiều cần thấy rõ là đối với thế hệ của các cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), Phan Châu Trinh (1872-1926), hay Phan Bội Châu (1867-1942), v.v. khi viết thơ văn — viết bằng văn xuôi hoặc văn vần —, Hán văn vẫn là ngôn ngữ các cụ quen dùng lâu ngày khi viết lách nên dễ diễn đạt hơn quốc văn. Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà phần lớn thơ văn trong Thi tù tùng thoại đã được sáng tác bằng Hán văn.

Hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra vào đời Minh Trị ở Nhật Bản. Tuy ở nước Nhật ngày nay tương đối ít người viết sách bằng tiếng Anh các sách khoa học nhân văn và xã hội, nhưng vào thời Minh Trị có một lớp trí thức người Nhật viết tiếng Anh giỏi hơn tiếng Nhật về loại này. Nhân vật điển hình là Okakura Kakuzô (岡倉角三 Cương-Thương Giác-Tam ; 1862-1913), bút hiệu là Tenshin (天心Thiên-Tâm) và tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như The Ideals of the East (Lý tưởng Ðông phương ; 1903), The Book of Tea (Cuốn sách về trà ; 1906), v.v... Tenshin cũng đã viết những trước tác nổi tiếng của mình bằng tiếng Anh, có điều là những trước tác này do người khác dịch sang tiếng Nhật chứ không phải do chính tay Tenshin.

Thi tù tùng thoại do chính tay Huỳnh Thúc Kháng — vừa là một túc nho và cũng là một kiện tướng trên luận đàn chữ quốc ngữ — dịch từ Hán văn ra quốc văn, ngoài khía cạnh văn học và lịch sử, đối chiếu và phân tích nguyên bản với bản dịch cũng là một đề tài nghiên cứu ngữ văn lý thú nhằm tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa Hán văn và chữ quốc ngữ trong buổi giao thời.

Thứ đến, Thi tù tùng thoại là tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam về văn học sáng tác trong tù ngục. Cụ Huỳnh giải thích : “ Ở Âu Mỹ không nói, nói riêng về phương Ðông như sử duy tân khẳng khái của Nhật Bản, cách mạng sử của Trung Hoa sau cuộc Mậu Tuất chánh biến, ở trong có chép nhiều thi của bọn tù, không sao kể hết. Nước ta sau cuộc dân biến năm 1908 về sau có nhiều thi của tù, chính là theo lệ chung đời mới nói trên ”.9 Trong Thi tù tùng thoại, Mính Viên đã ghi chép rất mực khách quan và có lớp lang, thơ văn cùng những mẩu chuyện “ tai nghe mắt thấy toàn là chuyện thiệt, khởi đầu năm 1908 đến năm 1921 ”, của một số bạn chính trị phạm (ngày trước gọi là “ quốc sự phạm ”).10

Cách đây hơn 30 năm, bàn về ý nghĩa của Thi tù tùng thoại, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã đưa ra nhận xét là độc giả “ chỉ cần đọc qua tập này, cũng có thể biết các diễn tiến cách mạng Việt Nam cũng như suy tư và tình cảm của các nhà cách mạng thời ấy, đặc biệt là của nhóm Duy Tân ”.11 Quả đúng như vậy, ý chí bất khuất, tinh thần lạc quan cũng như những thao thức tình cảm của các nhà nho yêu nước vào đầu thế kỷ XX được biểu lộ đậm nét qua thơ văn sưu tập trong sách.

Phan Châu Trinh có lẽ là chí sĩ có tiếng nói dõng dạc nhất — trong đời thường cũng như qua thơ văn. Sau phong trào Dân biến miền Trung, cụ Tây Hồ bị bắt ở Hà Nội và đưa về giam ở Hộ Thành, Huế, vì bị tình nghi chủ xướng phong trào và tư thông với “ người bội quốc là Phan Bội Châu ”. Một hôm, người ta dẫn cụ ra khỏi nhà giam, đến cửa Thượng Tứ cụ mới biết là mình bị kêu án đày ra Côn Ðảo! Ngay trong giây phút đó, Tây Hồ tiên sinh đã khẩu chiếm bài thơ với lời lẽ khẳng khái hiên ngang như sau :

Luy luy già tỏa xuất Ðô môn
Khẳng khái bi ca thiệt thượng tồn
Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy
Nam nhi hà phạ sự Côn Lôn !

Gông xiềng lẻng kẻng biệt Ðô môn,
Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn,
Ðất nước chơi vơi nòi giống khổ
Thân trai nào sá chuyện Côn Lôn !

V.S. dịch

Cụ Mính Viên căn tính ôn hòa điềm đạm, nhưng cũng khẳng khái, bất khuất (theo phong cách riêng của cụ) không kém một ai. Mặc dầu sống trong cảnh cá chậu chim lồng, cụ lấy thơ văn làm bạn lữ, lập một “ thi đàn ” nhằm biến lao tù thành một “ trường học thiên nhiên ” cho chính mình và cho bạn tù. Cụ viết : “ Ðến như cảnh tù, trăm đều tự do không còn một chút gì, đến cái xu xác cũng không phải của mình, chỉ lưa12 có một chút tự chủ về tinh thần mà muốn an ủy cho tinh thần thì ‘thi văn’ lại là món tu dưỡng rất thích hợp. Vậy tôi dám nói : ‘Ở tù mà dùng thi văn làm món di dưỡng tinh thần, không phòng hại gì mà sự bổ ích rất rõ ràng’. Trong trường học thiên nhiên 13 năm... cả bọn đồng thời với tôi, cả thân sĩ cho đến người dân, kẻ chết không nói, người còn mà được tha về, vẫn giữ được tấm lòng không thay đổi. Biết đâu không nhờ món nuôi tinh thần đầm thấm đó mà không tự biết ”.13

Cũng cần nói thêm là trước khi bị đày, cụ Huỳnh vì theo lối học cử nghiệp ngày trước nên không biết tiếng Pháp. Khi ra đảo, cụ “ mang theo một quyển Pháp Việt từ điển của Trương Vĩnh Ký, một quyển Lecture–langage, và một quyển mẹo (Grammaire)... Sau lại mua thêm một ít sách Lecture và sách mẹo, cùng một bản L’histoire nationale française cùng nhau nghiên cứu ”. Các cụ “ học bằng con mắt với cái não, nên nghe và nói tiếng Tây hay sai vận và không được lanh lẹ ; song đọc sách hiểu nghĩa, đặt câu và phiên dịch, biết được đại khái ”.14 Khả kính thay chí tiến thủ, tinh thần hiếu học, và thái độ lạc quan yêu đời của Huỳnh Thúc Kháng cùng các nhà nho duy tân vào đầu thế kỷ XX !

Về mặt tình cảm, Thi tù tùng thoại cũng có nhiều bài thơ khóc bạn, hoặc những bài nói lên lòng thương cha nhớ mẹ, quyến luyến vợ con rất cảm động. Cụ Huỳnh viết : “ Sanh ly đã khổ, lại dồn cái buồn tử biệt, người không phải cây đá, huống bạn chúng tôi là hạng người đa tình ”.15 “ Ða tình ” ở đây dĩ nhiên có nghĩa là “ nhiều tình cảm ”, chứ không phải là có nhiều quan hệ yêu đương.

Lấy ví dụ, cụ Tập Xuyên Ngô Ðức Kế quê Hà Tĩnh, ở nhà còn ông bà cụ già, nhân có cai tù nhờ làm thơ gửi biếu cha già, cụ đã ký thác tâm sự của mình qua bài thơ có những giòng xúc động như sau :

Vân hàm trân trọng ký diêu thiên,
Vân thị giai âm đạt phụ tiền,
Ngã diệc thần hôn tâm thái cấp,
Vi quân đề bãi bội san nhiên.

Tờ mây trân trọng gởi thăm nhà,
Rằng chữ bình yên kính chúc cha,
Chiều sớm ta cùng lòng mến ấy,
Viết xong giọt lệ chứa chan sa !16

Bài thơ trên đây khiến chúng tôi liên tưởng đến những vần thơ tuyệt mệnh viết trong ngục Noyama (野山 Dã-Sơn) của Yoshida Shôin (吉田松陰 Cát-Điền Tùng-Âm ; 1830-59) người đi đầu trong vận động lật đổ Tokugawa bakufu mà kết quả là nước Nhật đã hồi sinh qua sự nghiệp Minh Trị Duy tân. Tựa như thi đàn của Huỳnh Thúc Kháng cùng các bạn tù trên Côn Ðảo, trong ngục Noyama tù nhân cũng tổ chức một thi đàn do nhà thơ Yoshimura Zensaku (吉村善作 Kiết-Thôn Thiện-Tác) hướng dẫn. Shôin có bài thơ waka (和歌 Hòa-ca, tức thơ Nhật) gửi phụ thân nổi tiếng như sau :

Oya omou
Kokoro ni masaru
Oya-gokoro 
Kyô no oto-zure
Nan to kikuran

 



Lòng thương nhớ cha mẹ
Còn hơn thế nữa
Là lòng cha mẹ thương con
Tin dữ hôm nay
[Cha mẹ tôi] sẽ đón nhận ra sao ?

Dịch thơ :

Tấm lòng con nhớ song thân,
Làm sao sánh được tình thâm nghĩa dày,
Khi nghe tin dữ hôm nay,
Song thân sẽ nghĩ sao đây bây giờ ?

V.S. dịch

So với những giòng thơ của cụ Tập Xuyên Ngô Ðức Kế, ngôn ngữ diễn tả tình cảm trong bài thơ trên đây có vẻ tỉnh táo và hơi bị kiềm chế. Lý do là Shôin xuất thân trong một gia đình samurai (võ sĩ) nền nếp, đã quen kiềm chế những xúc động tình cảm. Người ta kể rằng hồi bé có lúc Shôin đang ngồi học, vói tay gãi chỗ ngứa sau lưng, bị bố cho ăn đòn một trận và quở trách vì “ đã là samurai thì mấy việc nho nhỏ như vậy phải tập chịu đựng cho quen ! ” Sở dĩ Shôin chỉ viết “ Song thân sẽ nghĩ sao đây bây giờ ? ” khi nghe tin mình bị hành quyết trong bài thơ tuyệt mệnh, chứ không nói “ Song thân chắc sẽ đau buồn lắm ”, v.v. chính là vì vậy. Tuy nhiên, lòng thương nhớ và lo lắng cho cha mẹ, gia đình, hay cho vận nước của những người tù quốc sự ở ngục Noyama hay ở Côn Ðảo thì chắc chắn là trên căn bản không có gì khác nhau.

Ngoài ra, dẫu cách làm thơ tuy có khác, nhưng chắc hẳn thi đàn ở ngục Noyama cũng giống như thi đàn trong nhà ngục trên Côn Ðảo, nhắm mục đích là tu dưỡng tinh thần và ý chí của tù nhân.

*

Chuyến ra thăm Côn Đảo tuy chỉ có ba ngày, nhưng đã để lại trong chúng tôi không biết bao nhiêu kỷ niệm khó quên. Ra đảo, chúng tôi mới thấm thía ý nghĩa của Thi tù tùng thoại. Quả là một cuốn sách hiếm có ở nước ta !

Viết lại xong vào thượng tuần tháng 11 năm 2010

Vĩnh Sính


1 Xem Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng,Thi tù tùng thoại (Saigon: Nxb Nam Cường, 1951), trang 8 [phần đầu trong sách không đánh số trang].

2 Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Ði Nam nhất thống chí, nguời dch Phm Trng Ðiềm, người hiệu đính Ðào Duy Anh (Huế: Nxb Thuận Hóa, 1992), tập 5, trang 154-155.

3 Như trên, trang 155.

4 Phủ biên tạp lục, quyển 2, in lại trong Lê Quý Ðôn toàn tập, tập I (Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1977), trang 120.

5 Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây-Hô ̀Tiên-sinh lịch sử (Huế: Nxb Anh Minh, 1959), trang 24.

6 Như trên.

7 Xem Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng,Thi tù tùng thoại, trang 42.

8 “Bài tựa của cụ Huỳnh Thúc Kháng”, trong Tự phánLịch sử cách mạng của Phan Sào Nam do tay cụ tự viết (Huế: Nxb Anh Minh, 1956), trang x.

9 Xem Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, trang 10 [phần đầu trong sách không đánh số trang].

10 Như trên, trang 7.

11 Nguyễn Văn Xuân, “ Văn học miền Trung ”, tạp chí Tân Văn (Sàigòn), tháng 5-6 (1968).

12 Phương ngữ miền Trung, có nghĩa là “còn”.

13 Huỳnh Thúc Kháng, “Bài tựa sau”, Thi tù tùng thoại, trang 272.

14 Như trên, trang 143-144.

15 Như trên, trang 81.

16 Như trên, trang 69-70.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us