Người anh hùng vĩ đại của tôi
NGƯỜI ANH HÙNG VĨ ĐẠI CỦA TÔI
Thái Thị Khánh Hạnh
Tôi là đứa con út trong gia đình gồm 9 người con. Mẹ tôi sinh ra tôi lúc bà 39 tuổi, như thế, năm nay cử hành lễ thượng thọ 100 tuổi của mẹ già thì con gái út cũng vừa chẵn 61 !
Lễ mừng thọ 100 tuổi của bà Thái Quang Châu (nhũ danh Huỳnh Thị Khiêu, 1908-2009), thân mẫu tác giả, tổ chức tại chùa Hoa Nghiêm (Virginia) ngày 29.3.2008.
Nếu phải tóm gọn lời tán dương của tôi đối với mẹ tôi nhân ngày sinh nhật 100 tuổi của bà, thì đó là mấy chữ như sau : “ mẹ tôi là một vị anh hùng vĩ đại ! ”.
Nói đến “ anh hùng ” tức phải nói đến thử thách, nói đến hy sinh, sự thông minh, trí tuệ, sự gan dạ, dũng cảm… Và, trong cuộc đời, anh hùng không phải chỉ có trong chiến trường, trong binh lửa, hoặc trong các cuộc đấu tranh xã hội cho công lý, cho nhân quyần… Anh hùng có mặt khắp nơi trong cuộc sống của con người. Có thể nói, nơi nào có thử thách, có sự đối kháng giữa tốt, xấu, có THIỆN chiến thắng BẤT THIỆN, nơi đó có anh hùng.
Cũng như hàng triệu người phụ nữ ở lứa tuổi của bà, mẹ tôi đã trải qua ¾ cuộc đời của bà trong bom đạn chiến tranh, và trong những thăng trầm chuyển đổi do chiến tranh mang lại. Tuy nhiên, theo sự hiểu biết của tôi, những thử thách lớn nhất đối với bà là làm sao một mình nuôi dạy 9 đứa con dại nên người trong thời gian 9 năm ba tôi đi vắng.
Mẹ tôi là con gái của một gia đình thuộc hàng khá giả nhất, nhì ở Sịa, một thị trấn ở miền Trung Việt Nam. Làm vợ của ba tôi là y sĩ làm việc ở một bệnh viện lớn tại Nha Trang, cuộc sống của hai ông bà cùng với 8 anh chị tôi tạm gọi là nhàn nhã, phong lưu. Tuy nhiên, vì cuộc chiến rẽ sang một bước ngoặt mới, ba tôi phải rút vào khu, mẹ tôi cùng 8 anh chị tôi phải hồi cư trở lại quê hương của bà, làng Sịa. Và chính lúc đó mẹ tôi sinh ra tôi.
Ở làng quê được một, hai năm, mặc dù vốn liếng dành dụm không còn là bao, lại không có một nghề nghiệp gì cụ thể, nhưng vì việc học hành của các anh chị tôi, mẹ tôi đã can đảm quyết định, một thân một mình, đem 9 người con vô định cư ở thành phố Huế. Ở đây, mẹ tôi thuê một túp lều tranh nho nhỏ cho cả nhà nương náu và bỏ hết số vốn nhỏ nhoi dành dụm được của mình vào một công việc mà trước đó trong đời bà chưa bao giờ được huấn luyện : đó là sản xuất các loại bánh ngọt bình dân của Huế theo sự đặt hàng từ các tiệm bánh nhỏ.
Chính ở trong túp lều nhỏ ấy, mùa đông buốt giá cũng như ngày hè rực lửa, mẹ tôi sáng chiều quần quật bên cạnh mấy lò than hồng, mặt mẹ lúc nào cũng đỏ như gấc, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm lưng bà. Với 9 đứa con đang độ tuổi ăn, tuổi ngủ thì cái lo lắng đêm ngày của mẹ tôi là làm sao bảo đảm cho chúng tôi ăn no ngày 3 bữa. Và đủ áo quần cho chúng tôi mặc để đến trường trong hai mùa mưa nắng.
Và trước hai nhu cầu bức bách này, tôi nghĩ, mẹ tôi đã thực hiện thành công.
Tôi lớn lên trong thế giới của sự nghèo, sự thiếu thốn những tiện nghi vật chất, nhưng là một thế giới cực kỳ êm đềm, trong đó có mẹ, có các anh chị của tôi luôn luôn quây quần bao bọc chung quanh. Sự kiện thiếu vắng ba tôi bên cạnh hầu như không bao giờ làm tôi quan tâm. Mãi đến lúc tôi được 8 tuổi, ngày ba tôi từ Nghệ An vượt tuyến về lại Huế, tôi mới biết là ngoài mẹ tôi ra, trong đời tôi còn có một nhân vật khác cũng quan trọng không kém, đó là ba tôi. Trước đó, tôi không bao giờ có một thắc mắc nào đại loại như : tôi có cha không ? Cha tôi ở đâu ? Tại sao cha tôi vắng nhà, chừng nào cha tôi sẽ về …v.v. Tại sao như thế ? Tai sao có một sụ vô tư lự đến độ như thế ? Không suy nghĩ, không thắc mắc mảy may về sự hiện hữu của ba tôi trong đời ?
Câu hỏi này, khi lớn lên, tôi đã tự tìm ra câu trả lời : ĐÓ LÀ VÌ TÔI ĐÃ CÓ MỘT BÀ MẸ THẬT VĨ ĐẠI !!! Cái vĩ đại của mẹ tôi là đã giúp tôi không cảm thấy thiếu cha.
Mẹ tôi không có dáng dấp của một “ người mẹ hiền ” thường được mô tả trong văn chương Việt Nam. Đó là sự hiền dịu nhẹ nhàng, sự nhạy cảm tinh tế, những xúc động yếu mềm… Ngược lại, có thể nói, mẹ tôi có tất cả những tính chất tiêu biểu của một người cha. Đó là sự cứng cỏi trong tinh thần, sự vững vàng trong tâm lý, sự lạnh lùng, dứt khoát trong giờ phút quyết định. Hơn thế nữa, trước những tình huống đột biến xảy ra trong cuộc đời, mẹ tôi đã hành xử không khác gì một vị tướng lãnh điều quân ra trận mạc. Bình tĩnh phán đoán cục diện. Quyết định nhanh chóng. Dũng cảm trong hành động. Gan dạ, kiên cường trước khó khăn… Mặc dù vậy, đối với riêng tôi, mẹ vẫn là “ Người mẹ hiền ” với đầy đủ ý nghĩa sâu sắc, đích thực của tên gọi. Và đây chính là điểm vĩ đại của mẹ tôi.
Tôi vẫn còn nhớ, mặc dù lao động vất vả trong ngày, mỗi tối mẹ tôi không bao giờ lên giường trước khi biết chắc là chúng tôi đã thuộc bài đầy đủ. Tuyệt vời hơn nữa là dù có bận rộn, lam lũ bao nhiêu, cứ đúng 9 giờ tối thì mẹ tôi cũng sẵn sàng lên giường cho đứa con gái út của mẹ được thưởng thức giờ phút hạnh phúc nhất trong ngày của nó. Đó là cho tôi được nằm bên cạnh mẹ, quàng tay qua ngực mẹ, và nếu là mùa hè, tôi thích thú rúc đầu vào cánh tay trần của mẹ để hít mùi da thịt thân thương, ngọt ngào.
Mặc dù cuộc sống khá chật vật, mẹ tôi không bao giờ từ chối bà con thân tộc và bạn bè khi họ cần sự giúp đỡ. “ Chật bụng chứ không chật nhà ”, dưới mái tranh nghèo của chúng tôi hầu như lúc nào cũng có thêm vài người bà con họ hàng đến tá túc, ở trọ. Không những thế, những người này luôn luôn được mẹ đối xử bình đẳng với chúng tôi. Những đêm ba mươi và mười bốn âm lịch, mẹ tôi đều đem chúng tôi vào chùa lạy Hồng danh và sám hối. Mặc dù tuổi nhỏ chẳng hiểu biết gì, những giờ phút đứng trước Phật đài cùng với mẹ thuở ấy đã là những duyên lành quý báu được gieo vào tâm hồn trong sáng của tôi.
Mẹ ơi, 61 năm đã trôi qua trong đời con với buồn vui, vinh nhục, thăng trầm lên xuống có đủ, nhưng mỗi lần nghĩ đến mẹ, tâm hồn con vẫn thấy bình yên, vẫn thấy êm ả, như những ngày tháng con còn quanh quẩn bên chân mẹ thuở xưa. Ngày sinh nhật mẹ 100 tuổi, con chỉ có một điều muốn nói với mẹ mà thôi. Đó là, con rất có phước vì được làm con của mẹ.
Thái Thị Khánh Hạnh
Chiều nay, vừa lên chùa Khuông Việt (Orsay, ngoại ô Paris) dự lễ Vu Lan (ngày báo hiếu) về nhà, thì nhận được tin thân mẫu chị Khánh Hạnh từ trần. Nỗi đau mất mẹ, ai đã trải qua, mới biết nó sâu đậm như thế nào. Nhưng bác Khiếu, thân mẫu chị Khánh Hạnh, năm nay đã hơn 101 tuổi. Trước mồng 5 tháng 9 mấy ngày, sức khoẻ suy yếu nhanh, bác đã ngừng ăn. Chị Khánh Hạnh kịp bay từ Montreal sang Washington gặp mẹ. Bác còn tỉnh, rồi trong tiếng tụng niệm của con cháu tề tựu chung quanh, bác đã thanh thản ra đi. Được biết như vậy, và được đọc bài viết của chị Khánh Hạnh nhân dịp mừng bác vừa tròn trăm tuổi vào mùa Xuân năm ngoái, tôi muốn chia sẻ nỗi buồn của chị cũng với tất cả những bạn đọc đã trải qua cảnh ngộ này, và đồng thời, mạn phép chị, chia sẻ với bạn đọc niềm vui và diễm hạnh phúc của người con được lớn lên trong tình thương của mẹ hiền.
Paris, 13.9.2009
K.V.
Các thao tác trên Tài liệu