Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / SƠN VƯƠNG, người tù thế kỉ

SƠN VƯƠNG, người tù thế kỉ

- Nguyễn Q. Thắng — published 07/06/2007 21:04, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Huyền thoại và sự thật về Sơn Vương Trương Văn Thoại, nhà văn, người tù thế kỉ, từng làm "Côn Lôn chúa đảo".


SƠN VƯƠNG

NHÀ VĂN HIỆN THỰC,
NGƯỜI TÙ THẾ KỈ

Nguyễn Q. Thắng 


1. TIỂU SỬ


Sơn Vương (1908-1994) là nhà văn, mà cũng là tướng cướp, tự là Vạn Năng, hiệu Sơn Vương, tên thật là Trương Văn Thoại quê làng Bình Nghị, tỉnh Gò Công, (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).


biasonvuong

Nội dung bài viết này nằm trong phần đầu của tác phẩm Sơn Vương nhà văn, người tù thế kỉ (2 tập) do Nguyễn Q. Thắng sưu tầm, nghiên cứu, Nhà xuất bản Văn Học, 2007.

Xuất thân trong gia đình điền chủ. Thuở nhỏ học ở Gò Công, trình độ Tiểu học Pháp Việt, sau lên học tiếp tại Sài Gòn rồi gia nhập làng báo, viết văn.

Đầu năm 1926 (17 tuổi) khi mới lên Sài Gòn lúc còn nhỏ, ông có mặt trong cuộc diễn thuyết ở xóm Lách – Sài Gòn – bị Pháp bắt giam tại bót Catinat cùng một lần với Nguyễn An Ninh, Cao Triều Phát, Võ Công Tồn, Hòa thượng Nguyễn Văn Đồng, Trương Văn Kỉnh (anh ruột ông) (1)… bị giam mấy tháng sau mới được thả ra.

Khoảng giữa năm 1927 (18 tuổi) ông bị bắt thêm một lần nữa nhân lễ truy điệu chí sĩ Lương Văn Can (2) ở chùa Tập Phước gần Ngã Năm Bình Hòa (nay thuộc quận Bình Thạnh TP.HCM).

Theo Bằng Giang trong Sài Côn cố sự (3) (NXB Văn học, 1999) thì Trương Văn Thoại hồi ấy được biết có chân trong Ban Tổ chức lễ truy điệu. Các vị trong Ban Tổ chức gọi ông là “cậu Thức tỉnh đồng bào” của Đông Pháp thời báo lúc ấy (1926) do Nguyễn Kim Đính điều hành.

Trước năm 1930 ông sáng tác một số “ đoản thiên tiểu thuyết ” được độc giả hoan nghênh, nhưng máu giang hồ trong ông mạnh hơn máu văn chương, rồi nổi danh trong đám “ anh chị ” Sài Gòn thuở đó.

Khi viết báo, làm văn ông tự đi bán tác phẩm của mình với ý đồ chuẩn bị kế hoạch “ đi hát ” (cướp) lấy tiền giúp các nhà hoạt động cách mạng, người nghèo khổ... Trong một vụ cướp tiền của chủ đồn điền Pháp René Gaillard, ông cùng “ đi hát ” với Nguyễn Phương Thảo – tức Trung tướng Nguyễn Bình – hồi năm 1931 mới vô Sài Gòn. Tại đây Nguyễn Phương Thảo kết nghĩa “ anh em ” với ông, ông bị bắt một lần nữa kết án 5 năm, rồi 10 năm (vì có tiền án). Ngày 16-8-1933 ông bị lưu đày ra Côn Đảo với bản án trên.

Trước đó ông bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn, Sơn Vương được Gaillard thăm nuôi hậu hĩ vì hắn ta bị khuất phục bởi thái độ của bậc trượng phu và khí phách anh hùng, giang hồ hảo hớn của ông, nên bỏ qua việc cướp tiền của Sơn Vương.

Năm 1936 ông bị đưa về thi hành án tại nhà lao Hà Tiên. Tại đây, ông hô hào tù nhân chống hành động tàn ác của giám đốc nhà máy Hà Tiên nên bị đày ra Phú Quốc (thuộc tỉnh Rạch Giá cũ).

Tháng hai năm 1938, ông bị đưa trở lại Hà Tiên mấy tháng thì đến ngày 16 tháng 8 năm 1938, ông được trả tự do vì đã thi hành xong bản án 5 năm.

Về Sài Gòn thì đúng một năm sau (1939), ông bị bắt lại, vì vô tình đánh ngã một tên mật thám ở Chợ Lớn, bị tòa kết tội là “ du đãng ” đày đi Pursat (Bù Sặt) ở Campuchia. tại Pursat ông vượt ngục trốn sang Thái Lan, năm 1942 ông bị bắt tại Băng Cốc (Thái Lan) đưa về giam tại Khám Lớn (4) Sài Gòn rồi đày ra Côn Đảo. Tại đảo, ông gặp lại thần tượng cũ của mình thời niên thiếu : Nguyễn An Ninh (hoạt động nơi chùa Tập Phước) trước khi nhà cách mạng từ trần vì sự khủng bố và chế độ lao tù tàn ác của thực dân Pháp.

Những năm bị đày Côn Đảo, ông gây được uy tín trong giới thường phạm và viên chức chính quyền ở đảo. Theo một vài nhân chứng ở đảo, đối với chính trị phạm ông có thái độ : “ Kính nhi viễn chi ” ; nhưng đặc biệt ông rất ngưỡng mộ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh mà sau năm 1945 khi làm chủ tịch Côn Đảo, điều hành việc an dân tại đảo ông đã thay tên Côn Đảo thành danh Quần đảo An Ninh (Nguyễn An Ninh hi sinh tại Côn Đảo năm 1943) và sau đó ông là người “ hương khói ” mộ phần nhà cách mạng này suốt thời gian ông ở đảo (1933-1968). Và cũng tại đây ông từng đem một tên tội phạm ác ôn (Nguyễn Văn Sô) ra tế trước mộ phần Nguyễn An Ninh (tên này là một trong sáu người trọng tội bị phái đoàn Văn Cừ yêu cầu ông giết!).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tất cả tù chính trị được về đất liền, Côn Đảo đặt dưới quyền quản lí của một viên chức chính quyền cũ (Lê Văn Trà). Cuối năm 1945 Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ cử cán bộ, đứng đầu là ông Văn Cừ và một số cán bộ khác ra Côn Đảo quản lí hành chánh tại đây.

Ngày 15-12-1945 phái đoàn tổ chức bầu cử người đứng đầu Côn Đảo, Sơn Vương đắc cử Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Côn Đảo trực tiếp cai quản toàn bộ lãnh thổ đảo này (5). Tuy trước đó (14-2) có cuộc họp chuẩn bị cuộc bầu cử thì Sơn Vương lẩn tránh, sửa soạn lên ghe về đất liền, nhưng Phái đoàn cho người lùng sục tìm lúc ông đang khóa cửa lánh ở một căn nhà. Buộc lòng ông mới chịu ứng cử. Quả nhiên cuộc bầu cử, ngày 15-12-45 ông đắc cử với số thăm áp đảo.

Sau khi cầm quyền ông cùng các viên chức cũ tại đây tổ chức chính quyền trên đảo theo tinh thần “ tứ hải giai huynh đệ ”, gọi Côn Đảo là là An Ninh quần đảo  như một chính phủ có quốc ca, chính quyền như trên có nhắc qua.

Nhưng đến ngày 18 tháng 4 năm 1946, quân Pháp đổ bộ tái chiếm Côn Đảo, ông và các viên chức dưới quyền bị Pháp bắt đưa trở lại nhà giam, tiếp tục thụ án 15 năm (5 + 10) trước. Năm 1946 sau khi tái chiếm Côn Đảo, Pháp và tay sai (cò Út và đồng bọn) vu cáo ông giết một công sự cũ (Già Quít) nên bị thêm một án chung thân mới : 32 năm nữa (già Quít bị giết ngày 14-4-1946). Đến ngày 18-4-1946 Pháp tái chiếm Côn Đảo như đã nói ở trên, nhà cầm quyền Pháp cho ông là người ám sát già Quít trong khi ông đang nằm trong lao cấm cố. Vậy là án chồng lên án lần thứ nhất, (15 + 32) = 47 năm. Đến ngày 8 tháng 8 năm 1953 ông lại giết thực thụ tên tù ác ôn tay sai khét tiếng tại Côn Đảo là Nguyễn Thành Út (tục gọi là Cò Út vì y làm cảnh sát nhà lao cho Pháp). Do vậy, ông bị đưa về Sài Gòn ra tòa Đại hình vào ngày 22-6-1954 với bản án tử hình. Tại tòa ông được luật sư Lâm Quang Trọng biện hộ không nhận thù lao. Kết cuộc, ông bị tòa đại hình Sài Gòn kết án “khổ sai chung thân” và được giảm khinh là “dùng khí giới kẻ thù giết lại kẻ thù” vì hôm giết cò Út ông vẫn có chiếc búa bén ngót dắt sẵn sau lưng (ông) chớ không dùng hung khí ấy giết Út. Ông chỉ dùng gậy của Út để đánh Út cho đến chết trước sự chứng kiến của mấy trăm tù nhân trên đảo kèm với bản án Út. Thế là án chồng lên án lần nữa, 1: 5 năm + 2 : 10 năm + 3: 32 năm, 4: 32 năm, vị chi: 79 năm  mãi đến ngày 18-11-1968 ông được giảm án tù trở về quê nhà.

Theo Hồi kí Máu hòa nước mắt về việc ông giết Nguyễn Thành Út mà ông cho đây là một bản án Ưng, còn vụ án ông bị Út vu giết già Quít là một bản án Oan, vì “kết cuộc buổi xử, tôi (SV) bị ông Tòa Liễu kết an chung thân khổ sai. Nghĩa là : người ta chỉ biết có cái tội tôi đập chết tên Út mà không cần nghị đến cái tội Nguyễn Thành Út là kẻ gây sự đã gieo oan cho tôi cái án chung thân thứ nhứt và còn làm khổ tôi bao nhiêu năm nữa.

Thế là cái án chung thân trước chưa ở tới đâu đã thêm cái án chung thân thứ hai. Nhưng nếu không có cái án Oan trước thì làm gì có cái án Ưng sau này.

Án chung thân trước đã được Tây ân giảm lần hồi, hiện còn đâu chừng hơn một năm nữa. Án chung thân sau mới ân giảm xuống còn 20 năm theo sắc lịnh 19.Q.T kí ngày 23-1-1965. Theo đó tôi phải ở đến năm 1987 mới được mãn án ? (6) (Máu hòa nước mắt).

Các năm 1967-1968 các hội đoàn xã hội ở Sài Gòn, nhất là Ủy ban cải thiện chế độ lao tù tranh đấu đòi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu “ cải thiện chế độ lao tù ở miền Nam ” nhất là tù Côn Đảo, ông được xét giảm bản án còn lại 35 năm (cả 4 vụ) nên được trả tự do ngày 18-11-1968.

Về đất liền, ông tiếp tục nghề văn, cộng tác với một số nhật báo tại Sài Gòn, tham gia cổ đông công ti giấy Cogiba, (Công ti giấy Blao) Lâm Đồng cho đến ngày thống nhất đất nước. Sau đó ông về sống ở thị xã Gò Công (làng Bình Nghị), tỉnh Tiền Giang.

Trước khi về sống tại nơi nhau rún Gò Công, ông ngụ tại số 137/52 đường Nguyễn Cư Trinh Sài Gòn (nay là số 137/52 đường Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, QI, TP.HCM) tức xóm Trễ ngày xưa nơi ông viết văn... Tại đây ông viết hồi kí Máu hòa nước mắt (2 tập) và hoàn thành trước ngày trở lại cố hương trong những năm 80.

Trước khi về quê ông đã kí tặng chính quyền cách mạng một tập bản thảo đánh máy dày khoảng 600 trang. Tập hồi kí (bản rút gọn) này hiện trân tàng tại Bảo tàng Côn Đảo, một tập tặng cho nhà văn Vũ Hạnh (tập II, chi tiết nay đã thất lạc và một tập ông giữ làm tài liệu, nay cũng đã mất!).

Ông mất năm 1994 tại quê nhà, thọ 85 tuổi đời, có đến 35 tuổi tù (7) (tổng cộng 4 lần nhận án là 79 năm tù).

sonvuong

Sơn Vương Trương Văn Thoại

Các tác phẩm của ông gồm: (số tác phẩm này chúng tôi đã giới thiệu trong Tự điển văn học, Bộ mới, 2004, NXB Thế giới và Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, Bộ mới, 2006, NXB TP. HCM).

1- Nào ai bẻ thước, Đức Lưu Phương, 1929, Sài Gòn

2- Bát cơm chan máu, Đức Lưu Phương, 1929, Sài Gòn

3- Phản bạn vì tình, Đức Lưu Phương, 1930, Sài Gòn

4- Ngọc lâm giá kí truyện, Đức Lưu Phương, 1930, Sài Gòn

5- Luật rừng xanh (Đức Lưu Phương, 1930) Sài Gòn

6- Bạc trắng lòng đen, Đức Lưu Phương, 1931, Sài Gòn

7- Chén cơm lạt của người thất nghiệp, Đức Lưu Phương, 1931, Sài Gòn

8- Ai bạc tình, Đức Lưu Phương, 1931, Sài Gòn

9- Tướng cướp hào hoa (nt, 1931)

10- Ai kén chồng, Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931

11- Ăn năn đã muộn - Lửa gần rơm 1931

12- Anh bạc tình, 1931 (nt)

13- Ăn tết cưới vợ (nt)

14- Cưới vợ ăn tết, 1931 (nt)

15- Ép dầu ép mỡ, 1931 (nt)

16- Lạy Phật cầu chồng, J.Viết, 1931, Sài Gòn

17- Nợ duyên gì, J.Viết, 1931, Sài Gòn

18- Lỡ một lầm hai, J.Viết, 1931, (nt)

19- Lỗi hẹn quên thề, Đức Lưu Phương 1931, Sài Gòn

20- Lỗi về ai, Đức Lưu Phương, không ghi năm xuất bản

21- Lỗi về tôi – Mượn bạn thử vợ, Đức Lưu Phương, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản

22- Phản bạn vì tình, Đức Lưu Phương, 1930, Sài Gòn

23- Bán buồn mua vui, (bản thảo viết từ năm 1938)

24- Ngọc lầm với đá, Đức Lưu Phương, 1931

Và bộ trường thiên tiểu thuyết Vì sắc vì tiền (3 cuốn) đang quảng cáo trong năm 1931 sau cuốn Anh bạc tình.

Sau khi từ Côn Đảo về Sài Gòn ông có tập hồi kí đăng một số kì  trên một nhật báo ở Sài Gòn trước năm 1975 có tựa Sơn Vương người tù nửa thế kỉ (1973) hay Máu hòa nước mắt 1933-1968 đã dẫn.

2. TÁC PHẨM :

1- Tóm lược các “ đoản thiên tiểu thuyết ” :

Theo thư mục Sơn Vương của tác giả Sài Côn cố sự (8) thì số tác phẩm của ông Trương có 20 cuốn được xuất bản trong hai năm 1930, 1931 tại Sài Gòn.

Tuy nhiên, trong việc sưu tầm của chúng tôi (NQT) thì số tác phẩm Sơn Vương có đến 23 cuốn và bộ hồi kí Máu hòa nước mắt (9) được ông viết khi về đất liền sau ngày 18-11-1968 (theo bút tích ông ghi ở tập I: 190 trang – trang cuối).

Vậy số tác phẩm của Sơn Vương có đến 24 cuốn; nếu kể cả 3 cuốn của bộ Vì sắc vì tiền rao ở cuối cuốn Anh bạc tình xuất bản trong năm 1931.

Trong số 24 cuốn vừa dẫn, hiện chúng tôi có được trong tay tất cả là 14 cuốn, gồm: 12 đoản thiên tiểu thuyết và tập I (190 trang chép tay) cuốn Hồi kí Máu hòa nước mắt I vừa dẫn ở trên (xem lại Thư mục trong phần Tiểu sử).

Sau đây, chúng tôi xin tóm lược nội dung các “đoản thiên tiểu thuyết” có tên trong thư mục Sơn Vương do chúng tôi sưu tầm và nghiên cứu (Phần này có thể dành riêng cho các độc giả không muốn đọc từng truyện của ông, có in ở phần Văn trích) để giới thiệu đến bạn đọc xa gần.

Số tác phẩm của ông hiện nay rất khó tìm (vì chúng tôi bỏ công trong nhiều năm nay để hoàn tất bộ sách có tên Văn học Việt Nam nơi miền đất mới (10) – trong đó có Sơn Vương ; vì chắc có lẽ còn khoảng 10 cuốn đã tuyệt bản! Chúng tôi ước mong độc giả, nhà nghiên cứu nào… còn có số tác phẩm Sơn Vương xin quí vị vì tiền đồ văn học Việt Nam vui lòng mách hộ.

Trước đây chúng tôi đã lặn lội về thị xã Gò Công (làng Bình Nghị) đến quê và nhà cũ nơi ông chào đời để viếng quê cũ tác giả và sưu tầm thêm tư liệu mà vẫn không tìm được gì. Hiện nay (2003) nơi nhau rún của nhà văn chỉ còn vợ chồng người cháu ruột (11) đã hơn 80 tuổi mà trí nhớ không còn khả năng kí tính. Nơi bàn thờ gia đình, tổ tiên chỉ còn trơ vơ chân dung thân sinh nhà văn và ông thôi. Do vậy, chúng tôi xin phép gia đình cố văn sĩ đốt một nén hương trước bài vị và bàn thờ tổ tiên ông trước khi từ giã.

Theo sự hiểu biết của chúng tôi thì khi ông về Sài Gòn, nghỉ dưỡng sức một thời gian, sau đó ông tham gia cổ đông công ti giấy Blao (Bảo Lộc) ở tỉnh Lâm Đồng, và vài tờ nhật báo ở Sài Gòn. Trong thời gian này ông viết bộ hồi kí có tên Máu hóa nước mắt – Hơn 30 năm dưới thời Pháp thuộc tập I này ông viết tại nhà lao Chí Hòa, Sài Gòn, tập II sau khi ra tù, viết tại nhà riêng. 

a- tập I: Máu hòa nước mắt. (Hồi kí rút ngắn) tóm lược các sự việc xảy ra ở Côn Đảo, từ ngày 12-12-1945 – 18-4-1946, cùng các sở tù Côn Đảo và sinh hoạt của tù nhân ở Chí Hòa, Sài Gòn. 

b- tập II: Máu hòa nước mắt kể lại rành rọt từ khi ông lên “ Hòn ngọc Viễn Đông ” cho đến ngày về lại Xóm Trễ (Phường Nguyễn Cư Trinh Quận I, TP.HCM bây giờ), rồi về nơi nhau rốn Gò Công (1987).


3- KHÁI QUÁT VỀ CHỦ ĐỀ TÁC PHẨM

Như những gì tác giả dàn trải trong các tác phẩm (đoản thiên tiểu thuyết) của mình chúng ta thấy những trang văn của ông đã giải bày được tư tưởng, tình cảm và cả hành vi đạo đức, cách sống tác giả (Sơn Vương).

Điều đáng chú ý là thời gian cầm bút của ông rất ngắn (khoảng 2 – 3 năm, từ năm 1929 đến năm 1931), sau đó ông phải nhận hai bản án chung thân (32 + 32 = 64 năm và 15 năm trước năm 1932 ở Sài Gòn = 79 năm).

Trong 4 lần tù với các bản án trên thì chỉ có hai lần tù đầu là thực thọ vì chính đương sự gây án mà chỉ là án thường phạm, (cướp, xô xác). Còn hai lần sau là do thời cuộc và tư thù cá nhân cùng với sự tàn ác của chính sách thực dân; nghĩa là hoàn toàn khách quan và vì thời cuộc mà ông phải nhận các bản án thảm khốc, tổng cộng là 79 năm.

Theo tự truyện của ông, thì Sơn Vương bắt đầu cầm bút từ năm 1928-1933 (12) ; nghĩa là năm ông vừa tròn đôi mươi. Với tuổi hai mươi ấy ông đã từng nhìn đời bằng đôi mắt với một nhãn quan sắc sảo về đời người cũng như người đời.

Khi cầm bút Trương Văn Thoại bắt đầu từ cách đặt bút hiệu, xưng tên nhân vật, chọn nhan đề… cho đến việc xây dựng chủ đề tư tưởng tác phẩm đều có một sự nhất quán giữa tác giả và tác phẩm. Những điều đó có một sợi chỉ xuyên suốt qua tâm thức nhà văn cũng như đứa con tinh thần của mình.

Ngay trong phần mở đầu tác phẩm Máu hòa nước mắt, (bản thảo) có một tiết với nhan đề “Tại sao tôi đi ăn cướp và tại sao tôi phạm tội giết người” khai mào cho tác phẩm, ông viết :

Ăn cướp để làm gì? Điều này tôi không cần nói rõ chi tiết vì đã có vong linh ông NAN (13) và một số nhà cách mạng đàn anh quá cố, và một số gia đình lao động ở Bàn Cờ và Xóm Trễ (14) bị cháy nhà từ ba mươi mấy năm về trước (hiện nay còn sống) chứng kiến cho tôi ” (…)

Một điều tôi có thể hãnh diện và tự an ủi lấy tôi là hai lần bị bắt về tội cướp, người ta tra tấn tôi đủ thứ cực hình để sát hạch tôi: Ăn cướp lấy tiền để làm gì và trao cho những ai? Thì trước sau tôi vẫn một mực khai rằng: chơi đĩ và thua cờ bạc mà hết; chớ không hề khai một lời nào có thể can danh phạm nghĩa đến các bực đàn anh, vì hành động mạo hiểm đó đều do tôi tự động, chớ không ai xúi biểu; nghĩa là các nhà cách mạng đàn anh không hề hay biết những món tiền tôi đưa ra là tiền ăn cướp ”.

Nhà chức trách Pháp hồi ấy không tin, họ khảo tôi là tôi cứ rán chịu đòn. Vì tôi tự xét: các anh ấy mà được tự do hay còn sống là xã hội được nhờ. Trái lại tôi bất quá là một kẻ vô danh tiểu tốt, có chết đi cũng không liên quan gì đến việc đời hay việc nước .

Vậy tôi đi ăn cướp lấy tiền là để chơi đĩ và thua cờ bạc; mặc dù tôi không bao giờ bước đến ngưỡng cửa lầu xanh, cũng như không cầm được bộ bài Cào hay bộ bài Tứ sắc mà chia cho các tay con để chung tiền hay hốt bạc(15).

Ngày nay độc giả chỉ cần đọc qua đoạn văn tự bạch trên của ông chắc cũng hiểu khá tường tận về việc đi ăn cướp của nhà văn Sơn Vương cũng như những điều sâu thẳm nhất trong con người bằng xương bằng thịt Trương Văn Thoại. Chính điều đó chứng tỏ nếu không muốn nói ông là một thành phần của quần chúng Việt Nam yêu nước hồi đầu thế kỉ XX trước nạn nước tình nhà (vợ sau là bà Kim Hoa cũng bị chúa ngục Gimbert (Đại úy Hải quân) cưỡng đoạt ở Côn Đảo – nhưng không thành –, rồi cả vợ trước là bà Ngọc Dung và hai con đều mất ở Trà Vinh năm 1942-1943).

Trong việc làm của ông các năm 1926 – 1932 hoặc các tác phẩm viết trước khi vào tù ở Khám Lớn, Chí Hòa ở Sài Gòn (1933) ở đây chưa nói tới nội dung chủ đề tác phẩm mà chỉ với tên các nhan sách cũng đã một phần nào nói lên được nhân sinh quan tác giả đối với xã hội mà nhà văn hiện hữu. Các tên nhan đề ấy có thể là Bạc trắng lòng đen, Lỗi hẹn quên thề, Ngọc lầm với đá, May nhờ rủi chịu, Làm ơn mắc oán, Kẻ thù dân tộc, Thà được làm chó hơn được làm người, Phản bạn vì tình, Chén cơm lạt của người thất nghiệp, Sâu bọ nổi lên làm người, Lỗi về tôi, Ăn năn đã muộn, Anh bạc tình, Bát cơm chan máu… Thậm chí khi xây dựng tên nhân vật ông cũng có một cách gọi tên độc đáo, độc giả khi mới đọc qua đã biết chân diện mục nhân vật ấy, nào Thị Lành, Lê Chung Tình, Đặng Hào Hoa, Hữu Đức, Đức Minh, Nhân Toàn...

Độc giả ngày nay có thể – một số ít người xem khinh tiểu thuyết Nam Bộ trong buổi sơ khai – xem thường, đến nỗi có người bĩu môi, cho rằng các nhan sách ấy chỉ là một kiểu “ thùng rỗng kêu to ” hoặc “ cải lương ”, “ hường chèo ”… Nhưng thực chất các tác phẩm, nếu không muốn nói là hầu hết của Sơn Vương, từ nhan sách, hình thức cùng nội hàm chủ đề tác phẩm có một sự hòa quyện chặt chẽ dẫn người đọc từ khi mới bắt đầu cầm sách cho đến lúc đọc xong dòng cuối đều có một sự cộng hưởng từ chủ đề tư tưởng tác phẩm toát ra. Điều này có thể cho dù những người đọc ấy không cùng một nhân sinh quan, thế giới quan với tác giả cũng có thể đồng tình với những gì Sơn Vương viết nên. Đó là cái đặc thù, độc đáo của nhà văn Sơn Vương qua tác phẩm mình trong khi cầm bút dù cho khi viết tiểu thuyết hay viết hồi kí, tự truyện…

Trong số các cuốn kể trên thì riêng các cuốn: Bát cơm chan máu, Chén cơm lạt của người thất nghiệp, Ai bạc tình, Anh bạc tình, Một lầm hai lỡ… được độc giả tiếp đón nồng nhiệt và tiêu thụ rất mạnh; nhất là các cuốn vừa dẫn trong vòng một tháng đã tái bản, nhưng sách in lần sau thì bị tịch thu thiêu hủy. Và cũng từ đó bút danh Sơn Vương phải tuyệt tích giang hồ, vì ông là kẻ chủ động vụ cướp tiền của chủ đồn điền cao su René Gaillard, Phó giám đốc sở cao su Mimot ở Campuchia – giáp với tỉnh Tây Ninh – đồng thời là Quản trị viên công ty Caffort đường Catinat (Sài Gòn). (René Gaillard vốn người đảo Corse cũng là một tên cướp hoàn lương, sang Đông Dương làm lại cuộc đời).

Vụ cướp tiền của René Gaillard được trót lọt, nhưng sau đó do tài xế Năm Đường phản bội, nên Sơn Vương bị bắt. Từ ấy (1932) ông nghỉ viết cho đến sau năm 1968 mới cầm bút lại với tác phẩm Máu hóa nước mắt như đã dẫn ở trên. Thế cho nên, chúng tôi không ngại mà cho rằng Sơn Vương cùng với tác phẩm của mình (con tinh thần) là một cặp song sinh đúng ngày tháng cả diện mạo cùng máu tủy và gien di truyền. Ấy vậy mà ngày nay kẻ sinh sau đẻ muộn hồ đồ cho rằng :

Khi phái đoàn Việt Minh của Văn Cừ về đất liền, còn lại một mình một cõi, máu giang hồ lại nổi dậy, Trương Văn Thoại tự xưng là Sơn Vương (?) gọi Côn Đảo là Côn Lôn quốc, biến Ủy ban hành chính thành chánh phủ, đặt Quốc ca bắt trẻ con hát. Đường lối 'trị nước' của Sơn Vương lấy câu 'Tứ hải giai huynh đệ' làm phương châm. Hai chữ Sơn Vương vừa là ngoại hiệu giang hồ vừa là 'đế hiệu vậy' ”(16).

Về việc lập gia đình của ông cũng là điều kì thú, tất cả đều do thời cuộc mà thành. Ông cưới cô Kim Hoa – con gái ông Vệ Liễn (Võ Văn Liễn) nguyên giám thị đề lao Côn Lôn thời ấy (1943 – 1945).

Đám cưới ông có đủ thành phần: gia đình, xã hội: mai dong cô dâu, chú rể, chủ hôn, đồ sính lễ… và già Quít (17) lúc ấy ân nhân của ông – người thân của ông Vệ Liễn – chứ không phải như tác giả Ngọc Phan viết một cách tùy hứng trong một cuốn sách nghiên cứu có tên như chú thích dưới. Về việc ông cưới vợ, tác giả vừa dẫn còn bồi thêm:

“(…) Sơn Vương muốn hỏi Huỳnh Hoa (đúng là Kim Hoa, NQT chú) làm vợ, nhưng Vệ Liễn không đồng ý, bèn đem Vệ Liễn ra trói ngoài pháp trường, dọa rằng: đánh dứt ba hồi trống mà không chịu gả con gái thì sẽ bị chém. Một công dân của đảo là Quít bất bình lên tiếng phản đối liền bị Sơn Vương ra lệnh cho thủ hạ giết chết. Huỳnh Hoa sợ quá bèn tự nguyện làm vợ Sơn Vương để cứu cha. (…)

Chắc hẳn Sơn Vương còn nhiều dự định độc đáo khác để biến Côn Lôn thành một vương quốc riêng của mình.

Nhưng giấc mộng chưa kịp thực hiện thì tháng 4-1946, quân Pháp đã đổ bộ tái chiếm Côn Đảo”.

Sơn Vương và triều đình của ông cùng hơn 500 công dân bị Pháp đưa trở lại phòng giam” (18). (xin xem thêm hồi kí Máu hòa nước mắt sẽ rõ).

Có lẽ tác giả trên không đọc cuốn hồi kí Máu và nước mắt (tuy ông có dẫn lại với nhan đề Sơn Vương người tù nửa thế kỉ) và các tác phẩm văn chương của Sơn Vương nên mới có sự phóng bút tự do (!) để chứng tỏ mình có một cách nhìn quảng bác về chế độ tù tội - nói chung - và Sơn Vương - nói riêng. Tuy rằng Sách đã dẫn, là một công trình nghiên cứu nghiêm cẩn của một tập thể tác giả với nhiều tư liệu xác thực…

Đã vậy tác giả còn viết với một giọng trịch thượng, kênh kiệu đối với một nhà văn tâm huyết, một người tù thế kỉ, một người nặng lòng với nước với dân vì chính sách thâm độc, gian ác của thực dân Pháp. Theo chúng tôi, có lẽ tác giả trên chỉ đọc các tài liệu của Pháp thực dân, một vài tác giả Việt Nam nào đó có vấn đề, hoặc các thế lực hắc ám nào khác (19), hoặc cũng để chứng tỏ rằng dưới mắt mình mọi người đều là “mục hạ vô nhân”!

Một vết trong viên ngọc… họ Hòa!

Trong các tác phẩm (trước năm 1931) Sơn Vương viết theo nhiều khuynh hướng, thể loại về nội dung (Trinh thám, ái tình, xã hội, hiện thực, phê phán, đạo lí, thời sự…) tất cả đều toát lên một nội dung lành mạnh, một bức tranh xã hội hiện thực… của đời sống công tư chức – không có viên chức chính quyền – làm thuê ở các xí nghiệp, nhà buôn tư ở thị thành, nông dân nghèo, các cô gái nông thôn, các thiếu nữ ít học vì hoàn cảnh xã hội phải sa vào chốn lầu xanh trụy lạc, cờ bạc đàng điếm… Tất cả các nhân vật – nạn nhân của xã hội – cuối cùng đều được ngoại cảnh cứu vớt, hoặc cá nhân họ tự giác rồi giác tha mà vươn dậy không tự ti mặc cảm và dư luận đang bủa vây họ. Những hiện tượng đó được nhà văn nhắc đến với bao ray rứt về cuộc sống hiện hữu. Trong cuốn Lỡ một lầm hai, ông viết:

Khi dì hứa gả cô cho chàng Armand… thì cô lấy làm bất bình hết sức, bất bình vì sao, việc hôn nhân là việc quan hệ cả đời người mà dì cô chẳng thèm hỏi lại cô một tiếng nào, coi cô có ưng cùng không ưng, rồi sẽ liệu định, lại đi hứa càng hứa bướng như vậy. Đã thế rồi bây giờ Phạm thị còn gọi cô ra ngoài mà nhiếc nữa(20).

Hoặc khảng khái mà kiên cường, bà Cả Ngưu bảo: “Ăn ở theo Tây mà lòng dạ họ đừng Tây thì thôi chớ”! (21).

Lời khẳng định ấy quả họ đã có lòng dạ kiên trinh từ… lâu lắm mới nói ra thành lời được.

Còn thảm trạng của nông dân thì:

Năm vừa rồi từ Nam chí Bắc, nhơn dân xứ nào cũng muốn nổi lên dấy động binh đao… song sức yếu tay không làm sao mà cự nổi với trái phá súng đồng của chánh phủ, kết cuộc đành ôm cái thất bại về mình, mà gây ra không biết bao nhiêu là cảnh tiêu điều ảo não, thật là đáng buồn không sao kể xiết. Nền kinh tế vì đó mà khủng hoảng, dây dưa cho đến ngày nay, nhà buôn đóng cửa rất nhiều. Lại còn cái tăng thuế xuất cảng lúa gạo lên bốn mươi lăm phần trăm (45%)! Nay tuy đã bãi đi rồi, song hết thảy nông dân cũng vì nó mà nghiêng nghèo điêu đứng…” (22).

Hình ảnh và thực trạng của dân nghèo – nói chung – và dân thất nghiệp – nói riêng – vào thời đểm ấy (1930) tại Nam Kì quả là một thế giới ảm đạm. Bữa cơm của mấy cha con Linh Chi trong Chén cơm lạt của người thất nghiệp quả là thực chất của chế độ Nam Kì dưới ánh sáng văn minh Đại Pháp với cái khẩu hiệu: “Bác ái” “Bình đẳng” “Tự do”; hoặc “cần lao, gia đình và tổ quốc” mà họ thường rêu rao!

Bữa cơm của hai đứa nhỏ hôm nay: thầy Linh Chi chỉ chan nước mắt cho chúng nó ăn, chớ chẳng có dưa muối tương rau gì cả! Thế mà chúng nó đói bụng rồi ăn coi cũng ngon lành quá!

Hai đứa nhỏ ăn xong, thầy vét nồi cạo cơm cơm cháy còn được đâu một sét chén! Chén cơm ấy là là phần của thầy, thầy bưng lên toan ăn, chẳng rõ thầy nghĩ sao mà rưng rưng nước mắt rồi nhè nhẹ để chén cơm xuống, thầy ngồi khoanh tay mà ngó chén cơm (…).

Thầy thì vẫn ngồi khoanh tay mà nhìn chén cơm, cho đến chén cơm khô queo, nguội ngắt mà thầy cũng chưa chịu ăn! Tại sao vậy? Không phải không có cá thịt mà thầy ăn không được! Không! Không! Đứng vào cảnh ngộ của thầy, bây giờ cầu có cơm lạt mà ăn, thầy dám đâu đèo bòng những món ngon vật quí nữa. Thầy thèm chén cơm lạt ấy lắm, thầy thèm nhểu nước miếng đi lận! Nhưng thầy lo lắng, nếu thầy ăn đi, lát nữa hai đứa nhỏ kêu đói thì thầy biết lấy chi mà chạy cho chúng nó? Vì vậy mà thầy nuốt không vô, thầy ăn không đành!”.

Thầy đói quá nên ngất đi, rồi gục đầu xuống đất mà ngủ. Thầy vừa thiu thiu ngủ, bỗng nghe có tiếng táp xộc xộc, thầy giựt mình thức dậy thì hỡi ôi! Một con chó ở đâu lén tới mà ăn chén cơm quí hóa của thầy! (…).

Tục ngữ có câu “chó treo mèo đậy”, mình hơ hỏng thì nó ăn, nó có biết phải quấy gì mà hòng chừa cho mình? Chính loài người là loài khôn hơn muôn vật đây, có lễ nghi phong hóa đây, có khi chỉ vì miếng ăn mà còn sát phạt lẫn nhau thay! Huống hồ gì cái thứ chó! Nếu mình giận nó thì chẳng là mình ngu hèn lắm sao”. (23)

Còn đối với người gọi là có học (trí thức) mà tâm địa hắc ám, đời sống thể xác đạo đức, bẩn thỉu, không biết nỗi nhục mất nước, dân chúng đang làm nô lệ cho ngoại bang, thì các nhân vật tiểu thuyết của Sơn Vương cũng lớn tiếng mắng nhiếc, sỉ vả không tiếc lời.

Tôi tưởng ông là người có học thức rộng, biết phân biệt phải quấy, chẳng dè ông có bằng cấp đốc tơ mà tâm địa của ông không sánh bằng một kẻ hạ lưu kia, cha mẹ ông cho ông đi Tây học để làm sự gì vẻ vang cho nước chớ có phải cho ông đi học lấy bằng cấp đốc tơ về lập dưỡng đường để mà ve vản nữ bịnh nhơn đâu! Ông làm như vậy thì từ đây còn ai dám đem vợ con đến đây cho ông chữa bịnh nữa? Ông hãy đi ra khỏi phòng này cho mau mau, rồi kêu chồng tôi đến đây đem tôi về, không thì tôi làm nhục ông bây giờ!(24).

Hoặc trong Bạc trắng lòng đen một nhân vật của giới bình dân đã phải phẫn nộ mà buông lời:

Này bạn ôi! Tôi nghe nói cô thông nào đó phải đi làm đĩ (!) như vậy mới đủ sống thì tôi cảm xúc vô cùng. Những kẻ ở xa lại đây ăn gởi nằm nhờ thì chúng nó ở nhà lầu, đi xe hơi, còn đồng bào ta sinh trưởng trong tổ quốc mà lại lầm than vất vả đủ điều.

Ôi! Cái hạng thầy thông mà còn có người thiếu ăn thiếu mặc đến đỗi phải chia sớt mối chung tình mới đủ sống, rồi tình cảnh của bọn lao động mới khắt khe khốn nạn đến bực nào? Trong lúc nước nhà chìm đắm, trăm họ lầm than, bạn có đồng tâm nhứt trí với tôi mà hi sanh tài sản để làm việc… chăng?”.

Hoặc, khi nói về tư cách, nhân phẩm của người làm việc gọi là thay mặt dân hoặc luật pháp nơi nghị trường. Hãy nghe tác giả kể lại cuộc đối thoại của những người bàng quang:

Cô Hạnh cằn nhằn:

Té ra pháp luật đặt ra để mà trừng trị những kẻ ăn cắp vặt, trộm xăng; chớ không làm gì được đứa đại gian đại ác?

Đứa đại gian đại ác mà có tiền nhiều thì pháp luật cũng phải kiêng nó chớ sao!

Mấy cái vầy mà sao mấy ông Đại biểu mình không kêu ca giùm cho dân sự nhờ. Vậy nói thay mặt cho dân là thay mặt cái gì đâu?

Xí! Thay mặt cho dân để lấy tiền bỏ túi chớ làm gì… Mình nghĩ thử coi: cái ghế nghị viên ở xứ ta bây giờ công chúng coi rẻ hơn cá sình ngoài chợ! Mà các ổng dám mua bạc muôn, mỗi khi đến kì tuyển cử, thì mấy ổng vãi bạc ra như vãi trấu, để mua lòng cử tri tranh ghế nghị viên cho được. Nếu không có lợi ích gì… gì… thì họ dại gì mà dám mua mắc đến thế? Cho nên, trong số mười ông đại biểu ở xứ ta, phần nhiều là kẻ buôn dân bán nước; chỉ có một vài ông là chơn tâm ái quốc mà thôi!

Thế cho nên, đời sống nhân dân Việt Nam lúc ấy thật vô cùng khốn khổ, nhất là tầng lớp nông dân ở nông thôn càng thêm điêu đứng với cảnh một cổ nhiều tròng năm nào:

Năm nay thất mùa, mười mẫu ruộng gặt không được sáu thiên lúa, giá lúa chỉ có năm sáu cắt một giạ, đã vậy rồi bán chẳng ai mua…

Vậy rồi họ làm sao?

Phải bán vợ đợ con, cầm vườn thế đất mà đóng cho đủ chớ sao!

Rồi những người không có vườn đất?

Thì người bảo lãnh phải chịu bồi thường, rồi người bảo lãnh xâu xé lại người mướn ruộng mà trừ (…).

Năm nay ai vô phước vướng phải ruộng công điền thì phải còng lưng mà đóng luôn cho đủ ba năm như vậy!...

Trời ôi! Họ chịu sao thấu? Nhà nước không châm chế cho họ sao?

Tôi thấy có châm chế gì đâu (…) Nếu có đi đến trong chốn thôn quê, tiếp xúc với bọn nhà nghèo thì chắc là mình còn thấy nhiều sự đau đớn hơn nữa. Cũng vì cái nạn nghèo đói đó cho nên chủ nghĩa cọng sản mới dễ đâm chồi nẩy mộng ở xứ ta. Nhơn cùng tắc biến, đói rách quá rồi việc gì mà chẳng dám làm, không làm… thì cũng vì cái nạn đói mà chết! Cho nên chỗ này nổi lên biểu tình, chỗ khác làm cách mạng, trộm cướp lung tung. Bọn có quyền thế thừa lúc rối rắm này mà húng hiếp dân lành để bóc lột cho đầy túi mình… Tình cảnh của bọn bình dân năm nay thiệt là đồ khổ, nói ra khôn cùng! (…)

Họ biết sức yếu tay không khó mà cự nổi với súng đồng trái phá, họ biết lắm chớ. Song vì họ gặp tình cảnh cùng khổ quá, sống mà không cơm ăn no, không áo mặc thì sống làm gì! Họ muốn chết, song không lẽ họ cầm dao mà tự sát, nên chẳng thà họ gây nên việc lớn… mà chết, cái chết ấy có ý nghĩa, cái chết ấy đáng chết hơn…”.

Thực trạng trên không riêng gì ở Nam Kì nơi ruộng “cò bay thẳng cánh” đồng lúa ngút ngàn, mà còn như vậy huống nữa là ở Bắc Kì, Trung Kì, thực trạng ấy sẽ như thế nào!

Thế cho nên, phải chăng tác phẩm Sơn Vương là bản cáo trạng nhằm lên án chế độ thực dân, hay là tờ hịch kêu gọi nhân dân đứng lên lật đổ chế độ hà khắc của ngoại bang và tay sai!

Từ ý hướng trên ta có thể xem Sơn Vương là nhà văn cách mạng khoác áo “tướng cướp” như ông đã tự nhận chứ không phải ông có một “vương quốc riêng của mình” và “triều đình của ông” (SV) như tác giả trên đã “chụp mũ” ông trong sách đã dẫn.

*

Gần đây trong công tác nghiên cứu sử học, Văn học Nam Kì đã có những thành quả nhất định, trong đó có hai vị khi viết về Sơn Vương luôn lấy cá nhân mình làm tâm điểm cho vấn đề. Nhà phê bình khi đánh giá và nhận xét con người có thể trong xã hội hôm qua, và cũng là con người hôm trước để phân tích văn chương hay đứa con tinh thần của nhà văn rồi phê phán này nọ. Trong đó có vị bảo Trương Văn Thoại khi cầm quyền ở Côn Đảo tự xưng là “Sơn Vương” có “đế hiệu” trị vì xứ “Côn Lôn quốc”. Thậm chí, tác giả trên có lẽ không thèm đọc tác phẩm của đương sự, nhất là không hiểu cách đặt bút hiệu, bút danh của nhà văn rồi phóng bút theo ý chủ quan của mình để đánh giá nhà văn, cho Sơn Vương đã tức vị làm vua Côn Lôn quốc có cả “triều đình” và “đế vị”.

Trong khi đó có vị đứng trên khía cạnh văn học để nhận xét con người văn chương Sơn Vương. Như chúng ta đã biết (xem lại tiểu sử) trước khi cầm bút Sơn Vương là một chiến sĩ có hoài bão muốn tham gia vào các hội đoàn xã hội mong “thức tỉnh đồng bào”. Hoài bão ấy được Bằng Giang ghi lại trong tác phẩm Sài Côn cố sự của ông như sau:

Người bị bắt trước nhất là Trương Văn Thoại (về sau khi cầm bút mới có bút danh Sơn Vương), hồi được biết trong Ban Tổ chức là cậu Thoại hay cậu “Thức tỉnh đồng bào”. Theo lời kể của nhà báo Ngọa Long:

Cậu Thoại từ quê quán ở Gò Công lên thẳng nhà báo Đông Pháp thời báo và tình nguyện ở lại làm việc, bất cứ là việc gì và có lương hay không có lương không thành vấn đề, miễn là được tham gia với Đông Pháp thời báo để “thức tỉnh đồng bào”.

Đến khi Nam Kiều thành lập Ủy ban Tổ chức lễ truy điệu thấy cậu Thoại là thanh niên nhiệt huyết nên cho ghi tên vào sổ… Phong thần 14 người và hôm ấy giao cho Thoại phần phân phát truyền đơn và treo “băng-đô-rôn” (biểu ngữ); chính ngay lúc Thoại leo lên cây sao để trương biểu ngữ qua đường thì mật thám theo vào chùa Tập Phước và Thoại đã bị mời… lên “xe cây” trước hơn ai hết”;

Giáo sư, viện trưởng viện Sử học Việt Nam Trần Huy Liệu (1901-1969) người bị bắt một lần với Sơn Vương và cũng là tác giả Ngục trung kí sự, (Gia Định, 1928), viết: Trương Văn Thoại cũng bị bắt một lần vô đó, ngày 26-Juin tức là ngày hôm qua cậu đã thân hành đến chùa Tập Phước ở Gia Định để làm lễ truy điệu Lương chí sĩ (...), cậu trèo lên cây để treo câu đối thì bị lính bắt ngay (...) cậu Trương Văn Thoại bị bắt về bót, ngày hôm sau dẫn lên Bồi thẩm (Juge Instruction) rồi tống vô khám (25).

Theo đấy, chúng ta thấy trước khi làm văn sĩ, tướng cướp thì Sơn Vương đã là một người đi “thức tỉnh đồng bào”, “hiệp khách đề lao”, “tù vượt ngục”... Nói theo ngôn ngữ hôm nay thì “cậu Thoại đã là một nhà hoạt động xã hội, nhà yêu nước!” Chứ không phải ông là “Tiếng nói phản kháng, nếu có, trong các đoản thiên tiểu thuyết của Sơn Vương lại thường là tiếng nói từ kiểu nhân vật nam giới có máu phiêu lưu hay máu liều lĩnh” (26) như cách đánh giá của một Tiến sĩ văn học giảng dạy văn chương Quốc ngữ Nam Kì cuối thế kỉ đến năm 1945 ở Đại học Quốc gia TP.HCM.

Nói tắt, Sơn Vương là một nhà văn có khuynh hướng xã hội từng nặng lòng với nợ nước tình nhà, ông đã khoác áo một nhà văn, một tướng cướp lâm thời. Hoài vọng đó ông mong đạt cứu cánh của mình: độc lập cho tổ quốc, xã hội thanh bình và công bằng để ai ai cũng được thẳng lưng nhìn ánh sáng mặt trời giữa đất nước thân yêu! Cứu cánh đó nhà văn chưa đạt được trọn vẹn! Giờ đây nơi thế giới thăm thẳm bên kia ắt hẳn ông vẫn còn ray rứt khôn nguôi!

Gia Định cuối tháng 12-2006
(tiết Đông Chí)

Nguyễn Q. Thắng



(1)Tham khảo, Nguyễn Q. Thắng, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, nxb TP.HCM, 2006 có tiểu truyện các nhân vật trên.

(2)Bằng Giang, Sài Côn cố sự, NXB Văn học, 1999.

(3)Bằng Giang Sđd viết:

      “Nguyễn Phương Thảo không sống bằng một nghề chuyên nào trong lúc cần phải có thu nhập để tồn tại. Tiền từ gia đình và Mạnh Thường Quân thì ít, từ kinh tế mạo hiểm thì nhiều (mười hai lần) (...)

      Trong quá trình hoạt động, có lần Sơn Vương mang một ít tiền của nhóm đi mua gạo để phát chẩn cho đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung. Được biết mục đích của việc mua gạo này, ông chủ nhà máy xay lúa Nguyễn Thanh Liêm ở đường Tôn Thất Thuyết (Khánh Hội), đồng thời là cổ đông của Việt Nam ngân hàng mới cho thêm 300 bao (ba trăm bao) và cho mượn luôn phương tiện chuyên chở bằng đường biển. Ông còn dặn dò Sơn Vương khi cần thì cứ đến gặp ông ta tại trụ sở Việt Nam ngân hàng lúc đó ở đường Pellerin (nay là đường Pasteur).

      Một lần có người trong nhóm ngỏ ý muốn đi xa cần đến một số tiền lớn, Sơn Vương đến gặp ông Liêm, ông này sốt sắng và lịch sự trao đủ số tiền cần thiết cho Sơn Vương. Chỉ có một lần này thôi vì Sơn Vương ngại mang tiếng lạm dụng, nhưng cũng còn lại một cách “thu nhập” khác được tiến hành, nhiều lần là kinh tế mạo hiểm, lúc sống chung với Nguyễn Phương Thảo cũng như sau khi Thảo đã xa cách Sơn Vương. Ăn cắp quen tay, ăn cướp cũng quen tay. Động cơ của hành động cướp bóc có nhiều. Vì nghĩa cả trong một tổ chức là làm kinh tế mạo hiểm, còn đơn thuần vì cá nhân chỉ là ăn cướp”. (Sđd tr 98).

      Thực tế trên phù hợp với những gì Sơn Vương sau này viết trong lời mào đầu có tên “Tại sao tôi đi ăn cướp?...” tức đi ăn cướp giúp người hoạt động CM) trong Hồi kí “Máu hòa nước mắt” mà chúng tôi vừa trích dẫn ở trên.

(4) Khi bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn, Sơn Vương nhiều lần từng trừng trị các tên cặp rằn (bây giờ gọi là Đại bàng) ăn hớt đồ thăm nuôi của thân nhân người bị giam giữ, như có lần ông trị tên cặp rằn Ba Nhỏ. (Nguyễn Văn Thiện) Một hôm Gaillard gởi đồ thăm nuôi Sơn Vương hai giỏ đồ ăn lớn và ngon. Sơn Vương định dùng 2 giỏ đồ ăn ấy chung vui với anh em đồng cảnh. Ba Nhỏ bảo để y làm điều đó cho, nhưng thật sự chỉ dành cho y và cặp rằn khác. Sơn Vương hỏi, liền bị Ba Nhỏ chưởi ngay.

Ba Nhỏ đang cầm một con dao định ra tay như xưa nay thì “nhanh như chớp”, Sơn Vương khóa chặt tay Ba Nhỏ, đoạt lấy dao bỏ túi, tức khắc Ba Nhỏ trở thành thằng nhỏ dưới tay Sơn Vương. Từ ngày đó phòng giam này không còn chế độ cặp rằn. Anh em tù từng bị ức hiếp lâu nay tặng Sơn Vương cái biệt danh “Đề lao hiệp khách” (theo Bằng Giang: bài Sơn Vương trường kì gian khổ trong tù ngục 1933-19689, in trong Sài Gòn cố sự NXB Văn học, 1999.

(5) Danh xưng trong cuộc bầu cử ngày 15-12-1946 dưới sự chủ tọa của Trưởng Phái đoàn Văn Cừ giao cho Sơn Vương chính thức là Giám đốc An Ninh quần đảo, tham khảo Máu hòa nước mắt.

(6) Sđd.

(7) Năm mất này (1987) chúng tôi biết hồi đó và được thân nhân gia đình xác nhận vào năm 2003 lúc chúng tôi ghé thăm thắp nhang tại bàn thờ ông ở Bình Nghị thọ 80 tuổi (vì năm sinh chính thức của ông là 1907 tuổi Mùi (Đinh vị).

(8) Bằng Giang, sách đã dẫn, NXB Văn học, 1999.

(9)Tham khảo Nguyễn Q. Thắng, Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, 4 tập khổ 16x24cm, mỗi tập trên dưới 1500 trang.

(10) Nguyễn Q. Thắng, Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, 4 tập khổ 16x24cm, mỗi tập trên dưới 1500 trang.

(11)Người cháu gọi ông là chú ruột tên Trương Văn Nhứt (1915-) trưởng nam ông Trương Văn Kỉnh (1892-1984) anh ruột Sơn Vương.

(12) Phần lớn các tác phẩm của ông đều xuất bản trong vòng 3 năm 1929-1930-1931 và đến năm ông bị Pháp bắt giam từ Khám Lớn đến Côn Đảo ông gác bút luôn – trừ thời điểm làm báo ở Côn Đảo. Đến năm 1968 ông mới cầm bút lại.

(13) Ông NAN: Tức nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1900-1943) tác giả cố ý viết tắt.

(14) Xóm Trễ: Tức khu vực mả Lạng (nay thuộc phường Cầu Kho và phường Nguyễn Cư Trinh Quận I TP.HCM.

(15) Sơn Vương: Máu hòa nước mắt.

(16) Ngọc Phan, trong Côn Đảo Kí sự và Tư liệu, NXB Trẻ, TP. HCM, 1996.

– Theo tù nhân Trương Văn Thoại, thì Sơn Vương là bút danh ông chứ không phải “đế hiệu” của “triều đình Trương Văn Thoại”, vì từ (chữ) Sơn Vương là chiết tự từ chữ Thoại (Thuỵ) :  . Từ (chữ) Thoại gồm 3 chữ  : vương : sơn và nhi ; Đây là phép chiết tự của chữ Thoại mà ra. Vậy biệt danh, bút hiệu Sơn Vương là do ông kí từ năm 1929 trên các sách của ông ở Sài Gòn. Vậy bảo Sơn Vương là đế hiệu của Trương Văn Thoại là sai !

(17) Già Quít là tù thường phạm sau trở thành kẻ thân tín của ông Vệ Liễn. Năm 1946 ông Trương điều hành Côn Đảo thì già Quít là nhân viên dưới quyền Sơn Vương.

(18) Ngọc Phan, “Khi Côn Đảo nằm trong tay những người thường phạm” in trong cuốn Côn Đảo Kí sự và Tư liệu, (sđd), trang 134, 135. Về cách viết của tác giả này xin độc giả đọc Máu hòa nước mắt để thấy sự thật. Thực tế là ông bà Vệ Liễn đánh tiếng gả ái nữ của mình (Kim Hoa) cho Sơn Vương, lúc đầu ông từ chối. Sau đó người mai mối cố thuyết phục ông mới khứng chứ không phải “đánh dứt ba hồi trống mà không chịu gả con gái thì sẽ bị chém”; nhất là “Huỳnh Hoa sợ quá bèn tự nguyện làm vợ Sơn Vương để cứu cha!” như Bđd mà câu nói có nội dung trên là do chính Sơn Vương bảo vợ mình (Kim Hoa) sẽ trả lời với Pháp khi Pháp tái chiếm Côn Đảo. “bắt buộc phải gả con, không gả là bắn” là câu của Sơn Vương bảo ông bà Vệ Liễn nói với Pháp.

      Nếu quả thật cô Kim Hoa bị Sơn Vương cưỡng bức cô làm vợ mình thì tại sao sau khi chiếm lại Côn Đảo Giám đốc Gimbertmuốn o bế nàng thì bị nàng mắng cho một câu: “Bắt chồng hạ ngục để đoạt vợ; đó là tư cách của một người Đại diện cho nước Pháp phải không?” ”

      (...) Nếu cô giáo Hoa có bị tôi cưỡng bách thì cứ để cho cô lên tiếng, tại sao cô không nói gì, mà một số người ngoại cuộc không biết lối nào về tình hình nội bộ trong gia đình chúng tôi mà lại rêu rao dư luận nọ kia?

      Miệng đời ăn mắm ăn muối nói sao thì nói, nói trong khi tôi không có quyền ăn nói, vì tôi còn đang ở tù làm sao có thể viết một bài báo để có trả lời?

      Hiện nay bà 15 Linh hãy còn sống nhăn đó, người có công tâm, muốn biết sự thật như thế nào, thì hỏi ngay bà 15 thì biết mớ đồ sánh lễ do tay bà trao lại cho tôi đó là của ai?

      (Máu hòa nước mắt, bản thảo, trang 115).

(19) Sơn Vương, Lỡ một lầm hai, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn 1931.

(20) Sơn Vương, Ai kén chồng, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn 1931.

(21) Sơn Vương, Chén cơm lạt của người thất nghiệp, Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931, xem toàn văn nơi phần Tác phẩm ở sau.

(22) Sơn Vương, Lỗi về tôi, Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.

(23) Sơn Vương, Bạc trắng lòng đen, Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931, bản in lần thứ nhì.

(24) Sơn Vương, Chén cơm lạt của người thất nghiệp, 1931, Sài Gòn.

(25) Trần Huy Liệu, Ngục Trung Kí sự, Gia Định, 1928.

(26) Đào Ngọc Chương, Sơn Vương – Khảo luận tác phẩm, in trong Văn học Quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỉ XIX – 1945, (Tập Tham luận Hội Nghị Khoa học) do Khoa Ngữ văn Báo chí Trường Đại học KHXH và Nhân văn TP.HCM, 2006.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us