Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Tạm biệt Minh Hiền

Tạm biệt Minh Hiền

- Nguyễn Thế Thanh — published 26/04/2016 19:25, cập nhật lần cuối 26/04/2016 19:24


Tạm biệt MINH HIỀN


Kính thưa những người thân yêu ruột thịt trong gia đình,

Kính thưa những bạn bè, đồng nghiệp thân thiết của nhà báo Nguyễn Minh Hiền,

Kính thưa các vị đại diện cho địa phương nơi gia đình nhà báo Minh Hiền cư ngụ và bà con láng giềng,

Kính thưa anh Nguyễn Hồ, người đồng đội, người đồng nghiệp, người bạn đời yêu quý của nhà báo Minh Hiền từ những ngày kháng chiến gian khổ cho đến những giọt đời cuối cùng,


Trước hết tôi xin phép được nói lời cảm ơn chân thành đến thân bằng quyến thuộc đã có mặt trong buổi sáng hôm nay để cùng nhau nói lời chia tay với nhà báo Minh Hiền, người mà linh hồn đang hiện diện tại đây và đang sắp vẫy chào tạm biệt chúng ta trước lúc lên đường đi tới cõi vĩnh hằng.

mh

Ảnh chụp nhân dịp Hội thảo Hè 2013
tại Singapore (T.H.D.)

Người phụ nữ mà chúng ta vô cùng yêu mến và hôm nay chẳng muốn rời xa là một nhà báo mà cuộc đời có những trải nghiệm phong phú, tuyệt đẹp và cũng đầy những biến động lớn. Nói Minh Hiền là một người làm báo từ độ thiếu niên đến lúc lão niên là rất chính xác. Chị vào làm việc ở cơ quan báo chí đầu tiên năm 14 tuổi, là báo Giải Phóng – cơ quan truyền thông của MTDTGPMNVN và khi trở bệnh nặng đến mức phải chia tay cuộc sống ở tuổi 66, cũng lại đang làm việc ở một cơ quan báo chí : Tạp chí Người đô thị. Công việc báo chí đầu tiên mà Minh Hiền làm là sửa mo rát cho báo Giải Phóng ở chiến khu miền Đông Nam Bộ. Những lần tiếp xúc ngày đêm với những bản thảo chi chít chữ đã thổi bùng lên trong trái tim cô thiếu nữ mới lớn niềm cảm hứng và khát khao mãnh liệt một ngày nào đó sẽ được trở thành tác giả của những bản thảo viết từ cuộc sống. Không lâu sau, trải qua một khóa báo chí cấp tốc trong chiến khu, Minh Hiền cùng với một số đồng đội khác được đào tạo nghề và thực sự trở thành phóng viên của báo Giải Phóng trong những năm tháng chiến tranh đang diễn ra rất ác liệt. Khi hòa bình trở lại, dù rất ham làm báo nhưng người phóng viên trẻ ấy đã quyết định xin đi học bổ túc văn hóa. Với chị, chiến tranh đã tước đi cơ hội được học hành đến nơi đến chốn không đồng nghĩa với việc phải đứng bên ngoài cánh cửa tri thức. Tốt nghiệp phổ thông trung học và sau đó vừa làm việc ở Nhà xuất bản Tổng hợp vừa hoàn thiện chương trình Cử nhân Kinh tế, Minh Hiền tâm sự với bạn bè rằng : “Muốn làm việc có hiệu quả và muốn làm người mẹ tốt giúp con trưởng thành vững chãi hơn thì phải ráng tích lũy và làm chủ kiến thức”. Sau 14 năm tạm xa nghề báo để đi học và làm công việc xuất bản, mà chị cũng rất say mê, năm 1992 Minh Hiền trở lại làm báo trên cương vị Phó Tổng biên tập Báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Chính ở đây, như cá gặp nước, chị đã nhanh chóng hòa nhập vào không khí làm báo  ĐỔI MỚI, say sưa, mê đắm, bất chấp hao tốn thể chất và tinh thần, bất chấp những rủi ro rình rập phía sau những trang báo kiên quyết chống sự nhũng nhiễu, tiêu cực, chống cái ác cái xấu đang cản trở và làm băng hoại cuộc sống. Vừa là người tham gia đề xuất các đề tài báo chí gai góc mà cuộc sống đòi hỏi, Minh Hiền cũng là người thúc đẩy thực hiện rất mạnh mẽ và quyết liệt các đề tài đó. Chính trong thời gian 04 năm làm việc ở Báo Phụ Nữ, Minh Hiền đã được nhiều đồng nghiệp khẳng định : đó là một con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có thái độ rất rõ ràng, quyết liệt trong chống tiêu cực cũng như trong bảo vệ cái mới, cái đúng, cái thiện.


Khi buộc phải thôi nhiệm vụ ở Báo Phụ Nữ bằng một quyết định điều động cùng lúc với người Tổng biên tập (*) lúc đó, Minh Hiền một lần nữa không chịu để cho số phận lái mình sang hướng khác. Chị đã từ chối lệnh điều động làm phó một ban của Hội Phụ Nữ TPHCM để được tiếp tục được làm báo ở một cơ quan báo chí khác : Báo Đại Đoàn Kết. Ở đây, chị đã không phụ lòng tin cậy và sự tín nhiệm của tập thể, trong hai năm ngắn ngủi đã cùng các đồng nghiệp làm nên một tờ Đại Đoàn Kết Cuối tuần được đồng nghiệp báo chí và giới trí thức đánh giá là một ấn phẩm có tầm vóc về nghề nghiệp và hàm lượng tri thức.


Nhưng, nếu có cột mốc nào khẳng định rõ nhất khả năng tổ chức và bản lĩnh lãnh đạo của nhà báo Minh Hiền thì đó chính là giai đoạn 10 năm chị làm Tổng biên tập tờ Bản tin Công thương và sau này là Báo Doanh Nhân Sài Gòn. Ít ai biết, cùng với bao khó khăn của buổi đầu gầy dựng một tờ báo từ số 0 đến khi thành tấm thành món, chững chạc sánh vai với các tờ báo tử tế trong làng báo, Minh Hiền còn phải đối diện với căn bệnh ung thư hiểm nghèo và quái ác. Gia đình và bạn bè trong những năm tháng cam go của chị bên bờ vực cheo leo của sự sống và cái chết không thể quên lời chị nói tha thiết với bác sĩ Chấn Hùng – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu : “Anh hãy ráng giúp tôi chữa trị để sống được cho đến khi con trai tôi học xong phổ thông trung học”. Sự trợ giúp của thành tựu y học và sự tận tâm của các bác sĩ đã được tiếp thêm sức mạnh từ nghị lực sống và thái độ quyết liệt sống của Minh Hiền. Ban đầu là vì con trai. Tiếp đó là vì công việc mà bản thân mình đã khởi xướng, gầy dựng, vì những anh chị em đã đồng cam cộng khổ với mình, trong đó có việc đề xuất thành công với Chính phủ chọn ngày 13 tháng 10 hàng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Chính sự kiên cường của nhà báo Minh Hiền đã làm cho căn bệnh ung thư dường như phải tạm lùi bước trong suốt 17 năm qua, cho đến những năm cuối cùng của cuộc đời chị. Nghỉ hưu, Minh Hiền lại về làm chuyên gia nghiên cứu phát triển và chủ biên mảng văn hóa – xã hội Báo Sài Gòn Tiếp Thị ; làm Giám đốc Quỹ Phát triển Giáo dục EDF. Trước khi bước vào trận chiến đấu cuối cùng với bệnh tật hiểm nghèo, Minh Hiền còn chấp nhận chia lửa khó khăn với tập thể những đồng nghiệp đam mê nghiệp làm báo tử tế. Chị đồng ý tham gia Hội đồng biên tập tạp chí Người đô thị, đồng ý làm Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông V.U.I. và chị đã làm nhiệm vụ của mình cho đến tận lúc không thể gắng gượng hơn nữa mới chịu nằm trên giường bệnh !


Nhớ Minh Hiền hôm nay đang nằm yên lặng ở đây là nhớ một nhà báo yêu nghề và làm nghề tử tế – người được không ít nhà báo trẻ yêu nghề trong cơ quan và ngoài cơ quan tôn xưng là đàn chị, là người thầy. Là nhớ một người luôn có trách nhiệm với những vấn đề sôi bỏng của đất nước, bất chấp những thái độ ngăn cản, dèm pha. Là nhớ một nhà báo luôn quan tâm tìm cách hỗ trợ để doanh nghiệp có thể sống còn, thay vì tiếp tay với cái xấu hà hiếp những doanh nghiệp tử tế.

 

Nhớ Minh Hiền là nhớ một con người đàng hoàng, đằm thắm, hiền dịu và tinh tế trong mối quan hệ bạn bè ; là nhớ một người luôn giữ mình trong sạch cả khi không có tiền và không có quyền, và cả khi trong tay từng có cả hai thứ đó.


Nhớ Minh Hiền là nhớ một người con, người em, người chị, người dì, người cô nhiều chữ nhất nhà, lý sự nhất nhà, luôn biết mình phải làm điều gì tốt nhất cho người thân và luôn biết mình đã được nhận những gì quí giá nhất từ người thân chứ không chỉ là thời gian, tiền bạc.
 

Nhớ Minh Hiền là nhớ một người vợ không chỉ đảm đang mọi việc trong nhà mà còn có thể chia sẻ sâu sắc tận cùng với chồng những gía trị tinh thần làm cho cả hai cảm thấy cuộc đời riêng và chung hòa quyện làm một.


Nhớ Minh Hiền là nhớ một người mẹ đã quyết tâm nhường nào để để vượt qua trở ngại của y lý, vượt qua 15 năm trời chờ đợi phập phồng mà giành lấy quyền làm mẹ; một người đã lấy sự sống của con, sự thành đạt của con, hạnh phúc của con làm mục tiêu đấu tranh cả đời của mình, làm chỗ níu giữ để đi qua cơn sinh tử của bệnh tật.


Tạm biệt nhà báo Minh Hiền – một người đã suốt đời sống tử tế với mọi người và với công việc ! Hơn 360 đoàn đến chia tay chị trong hai ngày qua với tình yêu thương và lòng quí trọng là một minh chứng cho điều đó. Chị đi thanh thản nhé và hãy tin rằng những người ở lại rất nhớ chị.


Cháu Minh Dân sẽ thay mẹ chăm sóc cho cha, người đã chia sẻ những tháng ngày bệnh tật với vợ suốt 17 năm qua cho đến giây phút cuối. Minh Dân đã và sẽ tiếp tục là một chàng trai thành đạt trong công việc và là một công dân lương thiện, như người mẹ yêu quý của mình.

Minh Hiền ơi, yên nghỉ nhé, sự tử tế của chị, hình ảnh đẹp đẽ của chị sẽ sống rất lâu trong lòng những người yêu mến chị đang còn ở lại trên đời.

Nguyễn Thế Thanh




(*) Nguyễn Thế Thanh [chú thích của Diễn Đàn]

Đây là bài điếu văn do Trương Trọng Nghĩa đọc tại lễ tang nhà báo Nguyễn Minh Hiền (1950-2016) ngày 26.04.2016. Đầu đề là của Diễn Đàn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss