Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Tản mạn về anh Hà Văn Tấn

Tản mạn về anh Hà Văn Tấn

- Nguyễn Tùng — published 29/11/2019 21:30, cập nhật lần cuối 30/11/2019 13:32

Tản mạn về anh Hà Văn Tấn


Nguyễn Tùng (Paris)


Do ở trong Ban thư ký của Hội Khoa học xã hội Việt Nam tại Pháp do anh Lê Thành Khôi làm chủ tịch, tôi quen anh Hà Văn Tấn vào khoảng cuối những năm 1970, khi anh sang Pháp lần đầu. Hội chúng tôi đã tổ chức cho anh nói chuyện ở Paris về cuộc « kháng chiến chống xâm lược  Nguyên Mông thế kỷ XIII », tên cuốn sách được nhiều người xem là « kiệt tác sử học » mà anh đã viết cùng Phạm Thị Tâm, xuất bản lần đầu năm 1968. Sau đó, mỗi khi về Hà Nội, tôi đều đến chơi nhà anh ở đường Phan Huy Chú vài lần để cùng anh vừa nhâm nhi vài ly rượu « cuốc lủi » vừa nói chuyện « trên trời dưới đất » rất là tương đắc. Trong mấy ngày qua, sau khi anh qua đời, báo chí trong nước đăng nhiều bài về anh với những thông tin nói chung tương tự như bài « Giáo sư Hà Văn Tấn (1937-2019) » mà Diễn Đàn đã đăng. Trong bài này, áp dụng các ý kiến rất hay mà anh Tấn đã trình bày trong bài « Lịch sử, sự thật và sử học » (cũng được đăng lại trong Diễn Đàn), tôi xin góp một vài nhận xét về các thông tin đó.


Về dòng dõi của anh Hà Văn Tấn


Như thi hào Nguyễn Du, anh Tấn gốc làng Tiên Điền (nay là thị trấn Tiên Điền), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng. Dòng họ này có các danh nhân như tiến sĩ Hà Tông Mục, thượng thư tiến sĩ Hà Tông Trình, phó bảng Hà Văn Đại. Theo Wikepedia, Hà Tông Mục (1653–1707)  là một danh thần dưới triều Lê trung hưng và đã từng đi sứ sang Trung Quốc. Đặc biệt, ông là một trong các tác giả của Đại Việt sử ký tục biên. Nhưng theo nhiều trang web khác như Nhân Dân điện tử (17/09/2010) hay Khoa học xã hội & nhân văn Nghệ An (18/5/2015), Hà Tông Mục lại quê làng Tỉnh Thạch, huyện Thiên Lộc (nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc), tỉnh Hà Tĩnh. Phải chăng ông tổ của anh Tấn đã rời làng Tỉnh Thạch đến định cư ở làng Tiên Điền? Ta cũng không biết anh cùng họ hay là hậu duệ của ba vị nói trên.


Việc học hành


Theo Trương Quế Phương trong Tạp chí Khoa học-Công nghệ Nghệ An.(số 12/2015), thuở nhỏ trong thời kháng chiến chống Pháp, anh Tấn đã học trường dân lập cấp 2 Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân, rồi học cấp 3 ở trường Phan Đình Phùng (trường công lập duy nhất của tỉnh Hà Tĩnh). Người thầy có ảnh hưởng sâu sắc và được trò Tấn quý trọng là Ngụy Cao Hiền, thuộc dòng họ Ngụy Khắc Đản. Giỏi cả về khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, thầy Hiền luôn khích lệ trò Tấn phát huy hết khả năng trong học tập: “Ham học chưa đủ mà phải biết học”. Năm 1955, sau khi học hết lớp 9 trường Phan Đình Phùng, anh ra Hà Nội học môn sử ở trường Đại học Sư Phạm. Năm 1957, khi tròn 20 tuổi, anh tốt nghiệp « thủ khoa » hoặc « á nguyên » (tùy theo bài viết về anh) và được giữ lại trường làm cán bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam. Rất khiêm tốn, anh từng nhận định về anh vào thời đó : "Với trình độ 9 + 2 thì làm ăn gì được". Vì vậy, anh vừa giảng dạy, vừa tự học. 

Về chuyện tự học nhiều ngoại ngữ, anh kể như sau trong bài “40 năm học tập và nghiên cứu » (không biết đăng ở đâu !) : “Về làm cán bộ giảng dạy đại học, dầu mới chỉ là tập sự trợ lý, tôi lo lắm… Phải lao vào học thôi. Mà trước mắt tôi là tấm gương tự học lớn lao của Gs Đào Duy Anh. Muốn tự học thì chỉ có cách là đọc sách. Mà muốn đọc sách thì phải nắm vững ngôn ngữ… Chữ Hán thì tôi đã học từ trước ở nhà, nhưng cũng phải học thêm nhiều. Tiếng Pháp và tiếng Anh cũng thế, những thứ tiếng này tôi chỉ được học qua thời còn trên ghế trường phổ thông. Vào Đại học, tôi thấy cần học thêm tiếng Nga, tôi phải đi chép từng bài trong quyển sách dạy tiếng Nga qua tiếng Pháp của Nina Potapova ở Thư viện Trung ương tại phố Tràng Tiền… Gs Đào Duy Anh giao cho tôi dịch các đoạn về lịch sử Việt Nam trong bộ lịch sử thế giới của Liên Xô bấy giờ để trình bày với ông. Rồi tôi lại học tiếng Đức và tiếng Nhật… Gs Đào Duy Anh thường bảo với tôi rằng muốn hiểu văn hóa Việt Nam thì phải hiểu văn hóa Trung Quốc và văn hóa Ấn Độ. Thế là tôi tìm cách học tiếng Sanskrit (Phạn), một thứ ngôn ngữ Ấn Độ cổ… Phải nói rằng bấy giờ còn rất trẻ nên rất tham lam, muốn học rất nhiều và ngốn ngấu tất cả sách tìm kiếm được”.


Thần đồng sử học


Để tán dương anh, vài tác giả đã xem anh là « thần đồng sử học». Tôi thấy không đúng lắm, vì từ thần đồng chỉ dùng cho các thiếu nhi cực kỳ thông minh, nên hoàn toàn không hợp cho anh Tấn đã 23 tuổi khi cùng Trần Quốc Vượng viết cuốn Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam do Nhà xuất bản Giáo dục in năm 1960. Theo tôi, ngay tên cuốn sách cũng đã rất táo bạo (có lẽ do sự hăng say của tuổi trẻ chăng ?) : vì dường như «chế độ cộng sản nguyên thủy » thường được xem là thuộc vào thời « tiền sử ».

Công trình nghiên cúu đầu tiên của anh được các nhà nghiên cúu nghiêm túc đánh giá cao là các hiệu đính và chú thích anh viết (khi chỉ mới 21 tuổi) cho cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi do Phan Duy Tiếp dịch, xuất bản năm 1960. Theo anh Phan Huy Lê, học giả Đào Duy Anh là người đã giao công việc khó khăn này cho anh Tấn, đã nhận xét như sau : “Rất công phu, nghiêm túc, tôi rất hài lòng và tin cậy ở tác giả”. Và theo anh Phan Huy Lê nhận định, “tài năng và phong cách khoa học của anh [tức Hà Văn Tấn] đã được bộc lộ ngay trong công trình đầu tay này. Anh rất coi trọng tư liệu, dày công tìm tòi, phát hiện tư liệu mới, giám định, xác minh từng chi tiết trước khi sử dụng”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc đã phải thốt lên : “Cứ ngỡ đây là bậc túc nho, một cụ cử cụ tú già, thông kim bác cổ. Ai ngờ người soạn chú dẫn lại là một chàng trai chỉ mới 21 tuổi! […] Để làm công việc này, một công việc mà trước đó chưa ai làm, tác giả đã dẫn dụng tới 30 bộ sách của các tác giả Trung Quốc và 16 bộ sách Việt Nam! Tất cả dĩ nhiên đọc trực tiếp từ nguyên văn chữ Hán".

Một công trình nghiên cúu khác cũng được không ít người ca ngợi là bài “Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 76, tháng 7-1965.


« Tứ trụ », « đại sư », « Lê Quý Đôn » của thế kỷ XX


Cùng với các GS Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng, anh được các thế hệ giáo viên và sinh viên khoa sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội « phong » làm một trong tứ trụ "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" của nền sử học Việt Nam đương đại. Anh còn được xem như là “Lê Quý Đôn của thế kỷ XX” hay được tôn vinh là “đại sư”. Biết tánh anh rất khiêm tốn, tôi chắc anh chỉ mỉm cười khi nghe những lời tán phét sáo rổng đó !


Bi kịch Hà Văn Tấn


Năm 2001, anh Tấn bị đột quỵ, khi anh mới 64 tuổi. Ngày càng không tự lo cho mình được trong mọi sinh hoạt, ngày càng nói năng khó khăn, phải sống như thế trong 18 năm, đối với một người năng động như anh Tấn, đó là cả một bi kích !

Qua các bài báo trong nước viết về anh Tấn, thú thật tôi hơi buồn vì không thấy có một chuyên gia hàng đầu nào về sử học, khảo cổ học, Phật học… tổng kết được những đóng góp của anh cho khoa học xã hội Việt Nam, như ta thường thấy trong báo chí phương Tây sau khi một sử gia, một triết gia… lớn qua đời. Tôi có cảm tưởng đó là một cảnh « chợ chiều »…

Nguyễn Tùng

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us