Thầy tôi, GS Hà Văn Tấn
Thầy tôi, GS Hà Văn Tấn (*)
Lời nói thêm
Nguyễn Hồng Kiên
Thầy tôi là một giáo sư Sử học, một người làm nghề dạy Sử, nghiên cứu lịch sử (qua những tiếp cận Khảo cổ học), một nhà khảo cổ lão thành. Tuy nhiên, hiểu biết của Thầy không hề giới hạn trong phạm vi chuyên ngành, cho dù Khảo cổ học hiểu theo đúng nghĩa luôn là một ngành khoa học đòi hỏi những kiến thức tổng hợp, đa-liên ngành.
Từ hồi còn học trong trường, tôi đã được học Thầy về Phương pháp luận Sử học, về Toán Xác suất trong Khảo cổ học... Ra nghề, tôi được nghiệm sinh sự uyên thâm của Thầy về Hán học, về lịch sử Tư tưởng Việt Nam và thế giới, từ Phật giáo- Nho giáo đến Lão giáo...
Một trong nhiều điều mà tôi muốn học ở Thầy là cách viết. Các vấn đề rất phức tạp đã được Thầy diễn đạt, thể hiện bằng một văn phong vừa rất khúc triết, khoa học nhưng lại vừa giản dị, dễ hiểu. Nhưng tôi biết, điều đó chỉ có ở các Thầy, những người quảng vấn, bác học.
Khi giúp Thầy hoàn thiện bản thảo cuốn sách này, dưới tên sách do Thầy đặt: “Cửa sổ Lịch sử, Văn hóa Việt Nam” (tôi vẫn thích “tít” này hơn, đã thiết kế cả bìa, thầy ưng nhưng nxb không thích), tôi được Thầy đặt viết bài giới thiệu sách. Tôi lập tức từ chối. Sách của Thày làm sao tôi đủ “tầm” để viết giới thiệu.
Chẳng phải chỉ vì tôi sẽ chỉ biết ca ngợi. Đôi điểm cụ thể, rất nhỏ thôi, trong khi tự tay đánh máy vi tính bản thảo, tôi đã chủ động đề nghị Thầy cho phép sửa chữa để “up to date” hơn. “Cầu toàn” đến cực đoan, tôi và Thầy hoàn toàn hiểu nhau và bản thảo đã đươc hoàn tất một cách kỹ lưỡng nhất có thể.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi mạnh dạn viết ra đây những cảm nhận cá nhân, với suy nghĩ: Tôi đã học, đã khôn ra, lớn lên rất nhiều khi được đọc các bài viết của Thày, vậy tại sao tôi không mạnh dạn chia sẻ với mọi người về những điều đó. Với riêng tôi, chỉ những bài viết tập hợp ở đây, cuốn sách này đã trở thành một cuốn giáo khoa thư với đầy đủ ý nghĩa của từ này.
Trước hết, những nghiên cứu ở đây đều là những bài có tính phương pháp luận, xây dựng lý thuyết cho việc tìm hiểu, nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam. Điều này thể hiện ngay ở tên từng bài. Mỗi bài đều định hướng cho người đọc về vấn đề mà Thầy bàn đến: Sử học và Sự thật, Văn bản học và Sử liệu học, Làng-Liên làng-Siêu làng, Lịch sử và Tư tưởng Việt Nam, sự Hình thành dân tộc và Bản sắc dân tộc Việt Nam, Phật giáo và các Tín ngưỡng Việt Nam...
Đọc đi đọc lại các bài viết này, mỗi lần tôi lại hiểu thêm một khía cạnh khác mà lần đọc trước còn chưa nhận ra. Hầu hết các nghiên cứu này đã từng được công bố ở nơi kia, sách nọ (khi biên tập, tôi đã cố tình ghi lại ngày tháng ngay dưới tên bài). Ở thời điểm đó, các ý kiến của Thầy thường gây “chấn động”, khiến nhiều người xôn xao tìm đọc. Cho đến hôm nay, các vấn đề ấy vẫn không hề cũ. Người đọc được cung cấp những hiểu biết căn bản, có tính chất nền tảng để có thể nhận thức đúng hơn các vấn đề liên quan.
Các bài viết của Thầy đã giúp tôi “đốn ngộ” ra nhiều điều tưởng nhỏ nhưng lại cực kỳ quan trọng trong việc thu nạp kiến thức và nghiên cứu.
Đơn cử như vấn đề văn bản học. Thầy đã cảnh tỉnh rằng: Thơ văn Lý-Trần, đặc biệt là văn hoá Phật giáo đã “copy” nhiều bài thơ-kệ-tụng của các thiền sư Trung Hoa. Những ai đã, đang và sẽ ca ngợi (một cách thái quá) những giá trị văn chương và tư tưởng của những tác phẩm thực ra là ngụy tạo ấy có lẽ cần phải tỉnh táo hơn.
Ngay trong một bài có vẻ cụ thể hơn vẫn thể hiện một tư duy khái quát, tổng hợp, có ích cho không chỉ cho một ngành khoa học. “Xi vẫn”, “xi vĩ” không chỉ là vấn đề của văn học, của việc dịch thơ chữ Hán. Tìm hiểu về kiến trúc cổ truyền Việt đã lâu, đọc Thầy tôi mới hiểu rằng “xi vẫn”, “xi vĩ” hay “con kìm nóc” là “tinh của nước, có thể trừ được hoả tai... làm hình tượng của nó trên nóc nhà để làm điềm trừ lửa”. Vấn đề là người Hán làm điều đó là theo “vu sư người Việt” dạy. Và chuyện về cái hình tượng trang trí trên nóc nhà đã không chỉ còn là chuyện của khảo cổ, kiến trúc nữa.
Hoặc nữa, thật lý thú khi được Thầy diễn giảng về ông vua cờ Đế Thích. Người Việt Nam thật tài khi đã dung hội, “trộn lẫn các tư cách” của một vị cổ thần Ấn Độ để biến thành một tín ngưỡng riêng biệt “lúc thì gắn với Phật giáo, lúc thì gắn với Đạo giáo”. Bản tính “thực dụng”, người Việt đã thờ riêng vị thần này, vì “Ai muốn sống lâu thì cầu Đế Thích”...
Khó có thể kể hết những điều tôi “được” khi đọc, học Thầy qua quyển sách này. Đành nhắc lại điều đã nói: Với tôi, đây là một cuốn sách giáo khoa.
Thầy đâu cần tôi phải “nói thêm”, nhưng đột nhiên tôi muốn được chia sẻ. Thu nhận của tôi khi đọc các bài Thầy viết về các Sử gia Việt Nam xuất sắc là sự chân tình. Thầy đã khóc khi nhớ về những kỷ niệm với Giáo sư Đào Duy Anh.
Được biết cuốn sách này của Thầy do anh Vương Trí Nhàn và nhà xuất bản Hội Nhà văn com-măng, tôi muốn “bật mí” với các độc giả rằng trong một tương lai gần quý vị sẽ còn được đọc thơ Hà Văn Tấn. Ngược lại với bề ngoài có phần nghiêm, lạnh (trong nhiều hội thảo, hội nghị rất ít người dám ngồi gần), Thầy tôi lại là một người khá mơ mộng.
(*) Bài đăng trong cuốn sách "Đến với Lịch sử Văn hoá Việt Nam", tiểu đề (surtitre) này do Diễn Đàn đặt.
Hà Nội mùa tròn Trăng 2005
Nguyễn Hồng Kiên
Các thao tác trên Tài liệu