Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Thư khóc tiễn vợ về nơi chín suối

Thư khóc tiễn vợ về nơi chín suối

- Võ Quang Yến — published 13/11/2021 12:35, cập nhật lần cuối 30/11/2021 23:49


THƯ KHÓC TIỄN VỢ VỀ NƠI CHÍN SUỐI

Võ Quang Yến



Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công

Trần tế Xương



Lẳng lặng không một lời rên, không một tiếng khóc, sau buổi tắm ban mai, em nằm yên trên giường, thở đều đều như mấy ngày nay, rồi bất giác em tắt thở, bắt đầu giấc ngủ ngàn thu, không một lời từ giã, một lời trối trăng… thật ra mọi chuyện đã nói với nhau từ trước. Tuy nhiên anh không nghĩ em đi mau như vậy nên nghe lời gọi của cô điều dưỡng đến lượt anh đi tắm, đang thư thả hưởng dòng nước ấm chảy trên lưng thì cô khán hộ vào báo vợ anh vừa mới ra đi. Anh hỏi lại cho chắc chắn: nghĩa là bà chết ? Từ giã đột ngột, không một lời báo trước, anh không kịp nắm tay em tiễn biệt, thật đau lòng, mặc dầu từ nhiều ngày thấy em không chịu ăn, anh đã đoán trước nhưng không biết khi nào. Thế là em từ giã một cuôc sống chung hơn 60 năm, giữa gần đông đủ người thân thích lần lượt đến thăm em, nếu ở bệnh viện thì là môt thân một mình. Em từ giã một cuộc khảo cứu khoa học hơn 30 năm trên cùng chung đề tài, trong cùng chung phòng thí nghiêm, cùng chia nhau một bàn giấy, với những nhóm sinh viên dự thảo luận tiến sĩ, anh trực tiếp điều khiển, em khai thác kết quả, đặc biệt quang phổ như một nhà vật lý học hơn là hóa hoc… Đúng ra, không bị cản trở thì em đã đi theo con đường vật lý, hợp với cách luận lý của em hơn. Nhưng ở đời có ai chỉ làm được những điều mình mong ước. Nói rộng ra em đâu có muốn theo đường hóa học, nếu được hoàn toàn chọn lựa thì có lẽ em đã theo ngành vật lý học hay…. y khoa. Sau nầy trong đời sống hằng ngày em theo dõi dễ dàng các bác sĩ và khi không có thầy thuốc một bên em cũng tháo vát tìm ra chất thuốc cho các con và hơn nữa trong ngành nghề, sau những cuộc khảo cứu căn bản, em đã theo anh kết hợp với nhóm sinh vật học, xông xáo vào cuộc tìm kiếm tổng hợp những hóa chất mới lạ có thể dùng làm chất thuốc kháng sinh… Hôm đi du lịch bên Căm Pu Chia, ông bác sĩ học bên Anh, không nói được tiếng Pháp, em làm thông ngôn giảng nghĩa bệnh tình và thuốc men dù không thông thạo tiếng Anh. Ngày nay học đại học, em thấy biết thêm tiếng Anh là cần thiết ! Có những lớp đại học thương mãi chỉ dạy toàn tiếng Anh.


Cha mẹ xa nhau, với cô em bé nhỏ hơn hai tuổi, bắt đầu từ năm tuổi, em đã biết tự lập là gì, biết lo lấy thân mình và em gái. Có Hội Hồng Thập Tự hỗ trợ, em được nuôi sống trong một gia đình nông gia nghèo cực nhưng lương thiện, giàu lòng bác ái, với một cách suy nghĩ về cuộc đời mộc mạc nhưng bổ ích, dạy cho em một cuộc sống vô tư nhưng ngay thẳng, một đường đời giúp ích hơn vụ lợi mà em không quên truyền lại cho con cháu từ thuở ấu thơ. Chính hai cô cháu nội thay nhau đọc điếu văn cho anh vì hôm lễ hỏa táng, anh quá nghẹn lời, nói không ra tiếng! Lúc còn nhỏ, em đã thích đọc, bất cứ sách gì nhưng ở nhà quê bên Pháp cũng như ở nước mình, đâu có thư viện công cộng, nhà sách rẻ tiền. Làng Champeau chỉ có một ngôi trường nhỏ do một cặp vợ chồng đảm nhiệm, bà dạy ba lớp dưới, ông phụ trách hai lớp trên. Chính ở ngôi trường nhỏ bé nầy em cùng nhóm học sinh với vợ con đầy đủ họp nhau lại một hôm cuối hè gần đây để tưởng niệm ông thầy xưa. Sau đó tất cả kéo nhau lên đồi đứng quanh nấm mồ không thánh giá trong một môi trường công giáo lâu đời. Trời thu dìu dịu, gió nhẹ đẩy bốc lên đồi cao lớp sương mù dày đặc các ao hồ vùng Morvan bao phủ mọi đồ đệ một thời xưa: linh hồn ông giáo, Monsieur Lacroute, người độc nhất trong làng đươc gọi là  « ông » gợi ý người biết chữ nghĩa, chắc không quên về đây đón nhận lời cảm ơn chân thật của bọn học trò cũ, không quên bài học thời sự trong thời chinh chiến trên tấm bản đồ đính sau bảng đen, dù học kém, dù nghịch ngợm, nay là công chức khắp nơi ; phát thư, cảnh sát, nhân viên bệnh viện… Học sinh bắt buộc đi đến trường, nhưng hễ có dịp là trốn nghỉ. Em dạy bổ túc cho bọn nó, trả công là bọn nó phải lục kiếm trong rương hòm hầm tra mọi giấy tờ báo chí đem lại cho em. Có hôm đang giữ bò em trèo lên cây có bóng mát đọc mấy trang báo cũ thì đàn bò phá hàng rào, bỏ chạy tứ tung, em bị một trận la rầy không quên được.




Không có tiền, không có gia đinh nâng đỡ, nhưng em nhắm mục tiêu học xa. Sau nầy biết em đau bệnh tim phổi, bác sĩ còn bảo em không được học nhiều, không được có con… Để lại ba đứa con thành tài, tám đứa cháu ngoan ngoãn, em đã cùng anh thách thức số phận. Đậu xong bằng tiểu học, em không có tiền vào ký túc xá trường trung học Saulieu. Thế là em phải ngồi lại lớp cuối trường tiểu học. Ông giáo dạy riêng cho em cái gì ông biết, nhất là toán học, sau nầy giúp ích em nhiều trong thi cử. Chuẩn bị ngồi lại một năm thứ ba năm cuối tiểu học, ông giáo trở thành thư ký xã, lấy tiền làng cấp cho em một học bổng tối thiểu (để trả tiền nội trú trường trung học), chuyện hiếm có thời bấy giờ. Đúng vào lúc ấy ba em hết chạy trốn vì một cái tên Kouscher do một bà mẹ không chồng chạy trốn loạn từ Ba Lan, để tên lại cho một đứa con trai ở một nhà đẻ Paris, hứa sẽ trở lại tìm con, nhưng không bao giờ trở lại. Mang tên có phát âm Do Thái đã có nghĩa là chống Đức, tương đương thời bấy giờ ở Pháp là quân kháng chiến, lại thêm một nguyên do khác, chống chủng tộc để không nói rõ, đứa con trai vô duyên bị quân Đức có cảnh sát Pháp hợp sức đuổi bắt mặc dầu ông chẳng biết gì về đạo Do Thái, hơn nữa như mọi trẻ con trong làng ông được rửa tội theo nghi lễ Công giáo. Ở Pháp giấy tờ thay đổi tên rất là phức tạp, khó khăn. Học sinh ưu tú, em được gởi làm sư gia tại nhà một ông kỹ sư hầm mỏ hằng năm đi nghỉ hè ở Bretagne, một dịp để em tiếp xúc với biển rộng mênh mông cũng như em lần đầu chiêm ngưỡng núi cao vời vợi khi theo anh lên Aussois nơi có nhà nghỉ của Trung tâm Khảo cứu Khoa học Pháp. Cha em lúc bấy giờ đã đi thêm một bước và có hai con gái. Ông nhận em và cô em về nhà, nghĩ hiến cho em một không khí gia đình. Ông biết em từ nhỏ không biết cái nóng ấm của cha mẹ, giờ đây ông muốn cho em sống lại những giờ em đã mất nhưng ông quên những điều kiện hiện tại của em được Hội đồng Hồng Thập Tự và những hội đồng từ thiện khác giúp sống.




Từ nay em hết còn có tên trong hồ sơ mồ côi của các hội và những phụ cấp, quà cáp kèm theo. Hơn nữa, đi làm nhân viên bệnh viện, lương tiền eo hẹp, ông cha không thể bảo đảm một cuộc sống khá giả cho gia đình. Tuy nhiên em vẫn đeo đuổi mộng học hành. Em thành công giải quyết vấn đề bằng cách thi đậu vào trường Sư phạm giáo viên, luôn tiện thi bằng Tú tài, học bốn năm, ở ký túc xá, không tốn kém một xu nhỏ. Ở đời không có gì đẹp toàn vẹn. Học xong trường Sư phạm giáo viên, mọi học sinh ưu tú tất yếu được học bổng theo tiếp trường Đại học Sư phạm. Em bị từ chối ngay từ đầu, sau nầy em được biết là cha em đã phủ quyết, lấy lý do là em phải đi làm có nghề tự sống và giúp ông nuôi các em. Để bù vào năm nầy, họ ghi tên em học một lớp kỹ thuật sư phạm mà sau nầy em thấy rất bổ ích ngay cả ở đại học. Sau trường Sư phạm giáo viên, em được bổ làm giáo viên lớp mẫu giáo trường tiểu học Montfermel trước khi soạn thi đậu đầu (vào và ra) Trường Quốc gia Cao đẳng Sư phạm Cachan (tên mới của trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật), em lấy chồng ngay từ năm thứ nhất để tránh ký túc xá, lấy một ông chồng nghèo nhưng ham học như em, điều kiện cốt yếu để cùng em chia sẻ cuộc đời. Ở trường trung học Créteil em đã mở lớp kế toán và họa đồ cho học sinh nữ. Kết quả xuất sắc nầy về sau làm khó dễ cho em : bà hiệu trưởng không cho em rời trường đi học thêm lấy cớ là em « cần thiết cho trường » ! Xin trích một đoạn bài tựa của anh bạn giáo sư Cao Huy Thuần trong cuốn Gửi thương về Huế: Trong những bài viết của anh Võ Quang Yến được nhiều độc giả cảm mến là bài "Làm dâu xứ Huế". Anh viết về chị Liliane, vợ anh. Quyển sách này, anh đề tặng chị trước hết. Mấy chục năm trước đây, báo Bách Khoa ở miền Nam cũ có mở một đề tài kéo dài trong nhiều số liên tiếp về hôn nhân Việt-Pháp làm nhiều người trẻ thích thú theo dõi trong đó có tôi. Tất nhiên tôi hâm mộ những trường hợp thành công, tương đối hiếm, và ngậm ngùi lòng tự nhủ lòng nên rút kết luận từ những trường hợp kia, nhiều hơn, để cảnh giác. Qua Pháp, quen với vợ chồng anh Yến trong bao nhiêu năm, không lúc nào nhìn anh chị mà tôi không có cảm tưởng như đang đọc tờ Bách Khoa ở hồi hấp dẫn nhất : anh chị là những người hiếm hoi có khả năng làm tôi mất lập trường (*).



Ra trường em được bổ dạy toán trường Trung học Creil. Em còn nhớ cao 1m58, em thấp hơn đám học trò, bị xen lấn trong sân trường và không nghe rõ vì chúng nói toàn tiếng lóng ! Tuy lưỡng lự nhiều, được ông giáo sư hóa học cũ ủng hộ, được một người quen ở bộ Quốc Gia Giáo Dục chịu hy sinh một tấm hoành phi (ai bảo ở Pháp không có hối lộ ?) em được nhận vào làm tùy viên ở Viện Quốc gia Khảo cứu Khoa học. Nhưng em muốn trung thành với ngành giáo kỹ thuật nên xin chuyển qua làm Giáo sư trường Quốc gia Cao đẳng Hóa học Paris tiếp theo là Giảng nghiệm viên Đại học Paris VI làm em là người giảng dạy hầu hết các ngành giáo dục ; tiểu học, trung học, kỹ thuật, đại học. Với bằng tiến sĩ khoa học, lại là cựu Sinh viên trường Quốc gia Cao đẳng Sư phạm, và nhiều bài khảo cứu khoa học đăng trong các báo quốc tế, em xứng đáng được bổ nhiệm giáo sư đại học, nhưng vì bất đồng ý kiến giữa các giáo sư, em không đươc bổ, tuy trước khi về hưu, như để đền bù, họ tăng em làm giảng viên hạng ưu tú nghĩa là em có lương bổng, lương hưu như giáo sư nhưng không có hàm. Viện đại học Paris của bà Marie-Curie có tiếng là ít có giáo sư nữ. Về hưu, em tiếp tục học tiếng Việt ở Viện đại học Paris VII và văn minh ở Trường Thực hành Cao đẳng. Em thi đậu bằng Cử nhân văn minh và các tiếng Viễn Đông, thực hiện qua cuốn sách Chùa Thiên Mụ ở Huế (bộ Péninsule). Em theo anh trên mọi nẻo đường, đặc biệt qua Mỹ thăm gia đình di tản, nơi tiếng Việt được nói trong mọi cộng đồng người Việt. Lẽ tất nhiên luôn ham muốn trau dồi trí thức và cũng vì thương anh, em cũng theo anh về Việt Nam, về làng nội Nam Phổ gần Huế, nơi em ngạc nhiên đọc tên mình trong cuốn sổ họ bắt đầu từ thế kỷ XVI ở nhà thờ Võ Quang, và về làng ngoại Mỹ Cang nơi anh và mấy anh sinh ra và sống lên thời niên thiếu. Lại xin trích anh Cao Huy Thuần : Hạnh phúc giữa anh chị là chiếc nhẫn cưới mà làng Mỹ Cang heo hút của xứ Huế xa xăm đeo vào ngón tay của chị mấy chục năm sau khi anh chị bước vào tình sử của báo Bách Khoa. Làng Mỹ Cang có thêm dâu, điều đó có nghĩa là cô dâu mới làm đậm đà thêm tình nghĩa thủy chung của anh Yến với nơi chôn rau cắt rốn. Anh Yến có hai mối tình : nước tôi và vợ tôi. Hai mối tình nhập với nhau làm một như nước một dòng của sông Ô Lâu chảy qua làng Mỹ Cang (*). Hôm lễ chung thất 49 ngày ở Phật đường Khuông Việt, sau kinh cầu nguyện của Thầy Thiện Niệm, bạn đồng môn ở Đại học Sorbonne, anh Thuần cũng có nhã ý vài lời tóm tắt mối tình của chúng ta, thật cảm động. Xin đa tạ.


Lễ An táng tại Nghĩa trang Sceaux

Anh đưa em về thăm thôn Mỹ,
Xem hàng cau soi bóng Ô Lâu,
Bụi la ngà cành tre giỡn nước
Lên Phường Trung qua một nhịp cầu


Với vốn liếng eo hẹp tiếng nói, em thử làm dâu, tiếp chuyện ngập ngùng nhưng tử tế bà con, khác hẳn với mấy bà đầm trước đây. Ở nhà quê, thường bà con quây quần quanh rổ sắn, mâm khoai, em tự nhiên bóc vỏ như khi cầm muỗng nĩa. Một bà hàng xóm nhìn em hồi lâu không biết tóc em vàng hay bạc, đứng dậy tới gần rồi bất thình lình đưa tay bóp vú xem em trẻ hay già làm mọi người cười vang… Dân quê ta bộc trực là vậy. Trong những buổi gặp gỡ với những bạn đồng nghiệp, nhất là ở Hà Nội, các ông thường chỉ quây quần nói tiếng Việt ở phòng khách, quên đi mấy bà ở phòng sau, khi nghe em bật cười sau một chuỵện khôi hài tức thì mấy bà vén màn kéo em ra đằng sau: thì ra họ khám phá em hiểu được tiếng Viêt tuy ít nói! Cũng ở Hà Nội, hôm em đưa một nửa số khách du lịch thuộc hội Arts et Vie đi may sắm, họ khâm phục em trả giá bằng tiếng Việt. Cũng như hôm cùng về Việt Nam với cô con gái chúng ta, em mau chóng ra khỏi cửa khẩu Sài gòn ở Tân Sơn Nhất, lõm bõm vài chữ tôi chỉ nói được chút ít tiếng Việt, trước sự ngạc nhiên và khâm phục của gia đình…Hôm đi tham quan chùa Bà Chúa Kho, chị bạn giáo sư làm người hướng dẫn, dặn dò em cẩn thận vì kẻ gian nhiều trà trộn trong khách thập phương, rút cuộc bao chị bạn bị cắt rạch may không mất mát gì. Hôm đi thuyền viếng Bích Động, trên đường về cô lái đò vui mừng trình bày những hàng hóa thêu đan may ra có khi bán được ít nhiều cho khách, em lập tức chọn mua những bức tranh mộc mạc đồng quê quí hơn cả những bức lòe loẹt đủ màu bán trên đường thành phố Hà Nội. Khi thuyền cập bến, nghe cô lái đò nói chuyện với bà con trên bờ em biết em có lý khi biết hàng bán là công lao của mấy cô trong thời gian được phép đi chèo thuyền và tiền bán là lợi tức của gần suốt cả mùa du lịch.

Bây giờ, mỗi lần về phòng thấy giường em trống rỗng, tim anh không khỏi se lại, bây giờ em ở đâu ! Theo trong triết lý nhà Phật, nghe nói sau bảy tuần em mới ra đi thật sự. Trên không gian Công viên Sceaux ? Sáng hôm chủ nhật anh thấy một bầy chim sẻ bay nhảy trên ban công phòng ta, có phải em đã gởi chúng lại thăm anh ? Không, 10 giờ em mới đi. Hay là bầy chim biết em sắp lên đường nên chực sẵn để hộ tống em về cõi hư vô ? Từ hôm chủ nhật ấy đến nay, anh không thấy một bóng chim nào nữa trên ban công! Chiều hôm qua, khi đang ngồi định tâm dưới bóng cây vải tây, thấy một con bồ câu cổ điểm nhiều màu tươi sáng bay lại kiếm ăn, anh nghĩ đến em những ngày lễ hội cũng mang khăn choàng lộng lẫy, nhưng nó không để ý đến lời mời tiếng gọi của anh, lại gần rồi đi xa, thế không phải là em Liliane của anh. Nếu em thư thả dạo chơi nơi chốn Bồng Lai Cực Lạc, hãy thả hồn chốc phút về cõi Trần gian. Có dịp bay trên bầu trời nhà nghỉ hưu hay trong vườn quen biết, chớ quên ra dấu cho anh, em vuốt nhẹ ngón chân anh như chúng ta đã cùng nhau từng hứa !…

Vĩnh biệt em Liliane yêu dấu.

Nhà nghỉ hưu La Faiencerie Thành Sceaux 11.2021

Võ Quang Yến


(*) Gứi thương về Huế, Nhà xuất bản văn học, Trung tâm nghiên cưu quốc học, 2006 ; Chim Việt Cành Nam (báo mạng) tái bản 2012

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss