Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Thương nhớ Đặng Tiến

Thương nhớ Đặng Tiến

- Nguyễn Ngọc Giao — published 28/04/2023 11:55, cập nhật lần cuối 28/04/2023 13:48


Thương nhớ Đặng Tiến


dt


Đặng Tiến, nhà phê bình văn học, tác giả Vũ trụ thơ (1972), nhiều nhà văn, nhà báo đã viết về anh trong những năm qua, và nhất là những ngày vừa qua, khi nghe tin anh mất.

Trong bài này, tôi chỉ xin ghi lại một vài kỷ niệm với anh, chợt nhớ khi nhìn lại 50 năm qua, từ khi quen biết nhau ở Trường Đại học Paris 7 (Denis Diderot) – hành lang ban Việt học và hành lang khoa Toán ở trường sở Jussieu song song với nhau, chỉ cách mấy chục mét. Chúng tôi thường gặp nhau ở phòng thư viện những thứ hai, ngày anh từ Orléans lên dạy ở Paris, nhưng nhiều nhất vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, vào tối thứ hai mỗi tháng, là ngày chúng tôi họp ban biên tập Đoàn Kết tiện dịp anh có mặt ở Paris. Sau này, từ ngày ban biên tập Đoàn Kết chuyển sang làm tạp chí độc lập Diễn Đàn (tháng 10.1991), anh ít đi họp hơn, nhưng chúng tôi liên lạc với nhau đều đặn hơn, nhờ internet và điện thoại di động, và anh viết bài đều đặn, dưới tên thực Đặng Tiến (hồi làm Đoàn Kết, anh dùng bút hiệu Nam Chi).

Mở trang mạng Diễn Đàn, gõ vào khung TÌM KIẾM (góc trên, bên phải) mấy chữ “ Đặng Tiến ”, tối nay tôi tìm ra 577 kết quả. Tất nhiên nhiều trang chỉ nói tới Đặng Tiến hay một bài viết của anh. Nhưng số bài viết mà tác giả là Đặng Tiến đã đăng trên Diễn Đàn từ 1991 đến nay, Đoàn Kết (thập niên 1980), hay những trang mạng khác, lên tới khoảng một trăm : Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Võ Phiến, Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Đạt, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Bắc Sơn, Quách Tấn, Chính Hữu, Vũ Cao... thừa đủ cho ba bốn tuyển tập. Mong rằng trong một hai tuần tới, Hòa Vân và Hàn Thủy có thời giờ tuyển chọn đưa lên báo một “ số đặc biệt Đặng Tiến ”.

*

Thế là chúng tôi kết bạn với nhau cũng được nửa thế kỷ. Tính tuổi đời, chúng tôi chỉ chênh nhau có một ngày. Nhưng tạng người rất khác. Anh là nhà phê bình văn học, tác phong nhà thơ, quảng giao với nếp xã giao văn vẻ, bóng bẩy ; tôi làm khoa học và “militant” (một từ khó dịch, không có tương đương trong thực tiễn Việt Nam và tiếng Việt đương đại), tuy mang tiếng “ngoại giao” nhưng quen nói thẳng, nói thực. Tính tình cũng có nhiều mặt trái nghịch nhau : anh khề khà, làm bếp rất giỏi nhưng lề mề, tôi có tật nấu nhanh ăn nhanh. Hơn một lần, cả bọn kéo nhau xuống St Mesmin – St Pryvé (trong nhiều năm, anh chị ở ngôi nhà bên bờ sông Loiret), Đặng Tiến chưa kịp mang món ăn chót mà anh lụi cụi trong bếp, thì tôi đã ăn xong và đứng dậy, rời bàn. Nói chuyện với nhau cũng vậy, có lần anh đưa bài, tôi nói tôi thấy được, nhưng xin đợi – để tôi hỏi ý kiến tổng biên tập, lúc đó là Trần Hải Hạc, hay Hà Dương Tường, không nhớ chắc – nhưng Đặng Tiến lại hiểu là tôi từ chối khéo theo kiểu “Bắc Kỳ”. Đó có lẽ là lần hiểu lầm duy nhất vì suy diễn. Giải tỏa trong “một trận”, chúng tôi chấp nhận sự khác biệt, và từ đó, tình bạn không hề có tì vết.

Nhớ lại mấy chục năm qua, tôi có thể nói chắc là bài viết của Đặng Tiến, ban chủ biên chưa hề đề nghị sửa một chữ (ngoại trừ những lỗi chính tả, khá hiếm, đối với một người “xứ Quảng”, mà lỗi chính tả thì chúng tôi thẳng tay sửa sai, “tiền trảm hậu tấu”, thậm chí bất hậu tấu). Tôn trọng tự do tư tưởng, tự do sáng tác văn học là một nguyên tắc mà chúng tôi cố gắng thực hiện đối với mọi tác giả, đặc biệt với một nhà phê bình văn học với quá trình của Đặng Tiến. Nhưng bây giờ, có thể nói sau lưng anh : khi ra khỏi lãnh vực văn học, đi vào chính trị (thứ chính trị đời thường, không mấy liên quan tới văn học nghệ thuật) thì với cái tính “Quảng Nam hay cãi” của Đặng Tiến, chúng tôi phải dùng biện pháp “phòng cháy hơn chữa lửa”.

Để minh họa điều này, tốt nhất là xin kể lại “vụ” số đặc biệt Võ Phiến :

Tháng 3-1987, Đoàn Kết (số 389) đăng bài của Đặng Tiến (dưới bút hiệu Nam Chi) “Anh Bình Định con chim én và những đám khói ” ca ngợi tập Tùy bút I vừa xuất bản của nhà văn Võ Phiến. Bên cạnh, đăng bài của tôi (bút hiệu Hà Duy) “ Trường hợp Võ Phiến ”. Những bài này đã được đăng lại trên Diễn Đàn, số đặc biệt Võ Phiến (tháng 10.2016), với “Đôi lời cùng bạn đọc” như sau :

Bài “Trường hợp Võ Phiến” được đăng trang 39, bên cạnh bài “Anh Bình Định con chim én và những đám khói” ký tên Nam Chi (bút hiệu của Đặng Tiến) giới thiệu tập “Tuỳ Bút I” của Võ Phiến. Có lẽ đây là lần đầu tiên, tờ báo đăng bài giới thiệu, và giới thiệu trân trọng, tác phẩm của nhà văn bị xếp là đứng đầu những “tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận tư tưởng”. Thời điểm, xin nhắc lại, là tháng 3-1987. Lúc đó, về mặt chính trị, Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) đã chính thức “đổi mới”. Nhưng “mặt trận văn hoá”, giống như tên cuốn tiểu thuyết của Erich Maria Remarque, vẫn “không có gì mới”. Phải mấy tháng sau, tuần báo Văn Nghệ mới đăng “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, từng bước trở thành “báo Văn Nghệ” với tổng biên tập Nguyên Ngọc. Ban chủ biên Đoàn Kết gần như không cần bàn cãi, đã quyết định tôi phải viết bài “chữa cháy”, hay đúng hơn “dập lửa trước khi nó bùng lên”. “Bảo vệ” tác giả bài phê bình, mà còn “bảo vệ” luôn cả tác phẩm và tác giả đối tượng bài phê bình. Vì không khí “Quận Cam” cách đây 30 năm còn ồn ào sát khí. Hai ba năm trước, hai nhà văn Nguyễn Mộng Giác và Nhật Tiến đã trải qua những trận “đấu tố” tới bến, chỉ vì bị nghi ngờ là “tiếp tay Việt Cộng”. Những vụ ám sát hay đả thương Edward Cooperman, Nguyễn Văn Luỹ, Đoàn Văn Toại, Ngô Vĩnh Long... còn in rõ trong trí óc mọi người. Báo chí, văn học Việt Nam, ở trong nước còn ở thời kỳ “tiền – Tướng về hưu”, ở hải ngoại chưa bước sang thời kỳ “Hợp Lưu”. Nhiều năm sau, Phạm Duy còn phải lên “kế hoạch” chuẩn bị dư luận cả năm trời trước khi về nước lần đầu tiên.

“Trường hợp Võ Phiến” được viết trong bối cảnh ấy, còn đầy ắp những “âm thanh và cuồng nộ” của cả một thời. Nhà văn Võ Phiến nay đã yên nghỉ bên bờ đông Thái Bình Dương. Để tưởng nhớ ông, tôi xin đăng lại nguyên văn bài viết – mà trong cuộc điện đàm với ông gần mười năm sau, tôi được biết ông đã đọc – không thay đổi gì hết. Nếu bây giờ viết lại, có lẽ tôi chỉ xin thêm vào câu cuối : “Trong trường hợp Võ Phiến, phải chăng đó là một sự may mắn cho ông ta ?” một câu chót : “Và cho văn học Việt Nam”.

Tương tự là bài viết nhảm của Chế Lan Viên về đồng bào đi ra nước ngoài, hay bài của Trần Bạch Đằng đòi “Phạm Duy cứ tự sát đi, chúng ta sẽ xét” (Sài Gòn giải phóng, 12-2-89, trang 2) – xin đọc bài Vì sao tôi đã mong Phạm Duy sống lâu

*

Nhìn lại năm mươi năm qua, điều đáng mừng là giữa những văn nghệ sĩ Việt Nam, trong nước và ngoài nước, ở các chân trời khác nhau, đã có những sự giao lưu, thông cảm. Đặng Tiến là một trong những người có công lớn trong sự bắc cầu.

Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi...

Giọng ca Lệ Quyên mộc mạc cất lên trong phòng lễ tang chiều ngày 24.4.2023 ở Saran, đưa mỗi người chúng tôi vào cõi yên lặng. Đặng Tiến có mặt trong tâm khảm chúng tôi. Dù anh đi rồi. Đi gặp những văn nghệ sĩ, những người bạn thân đã đi xa. Mà có lẽ họ đang trò chuyện với nhau trong căn phòng St-Mesmin St-Pryvé bên bờ sông Loiret như trong mấy chục năm qua.   

Place Souham, Paris

28.4.2023

Nguyễn Ngọc Giao





Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss