Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Thương nhớ Hồ Ngọc Nhuận

Thương nhớ Hồ Ngọc Nhuận

- Ngô Vĩnh Long — published 24/05/2022 15:50, cập nhật lần cuối 24/05/2022 17:40

Thương nhớ Hồ Ngọc Nhuận


Ngô Vĩnh Long


Ông Hồ Ngọc Nhuận—một nhà báo nổi tiếng và là một người đấu tranh cật lực cho hoà bình, cho công bằng xã hội, cho dân chủ và tự do từ giữa thập niên 1960--vừa qua đời ngày 19 tháng 5 năm 2022. Ông sinh năm 1935, hưởng thọ 88 tuổi. Ngày 22 tháng 5 năm 2022 linh cữu của ông đã được đưa đi hoả táng tại Nghĩa Trang Phúc An Viên, TP Thủ Đức.

Tôi đã biết ông từ năm 1968 qua những bạn bè thân thiết, trong đó có những người hợp tác với ông trong làng báo và trong các phong trào đòi hỏi hoà bình, dân sinh và dân chủ. Vì tôi đang ở cách xa Việt Nam 12 ngàn dậm nên xin viết một vài dòng tiễn đưa ông. Ông là một người rất tình cảm với bạn bè và hay lo lắng cho người khác cho nên khi ông ra đi thì bạn bè thân thuộc như tôi rất thương tiếc.



Từ trái sang: Ngô Vĩnh Long, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng (ảnh tác giả cung cấp)

Ông Nhuận quê ở làng Tân Hoà Thành, Quận Châu Thành, Tỉnh Mỹ Tho. Hiện nay làng nầy đã được tách ra và nhập vô với một huyện mới là Huyện Tân Phước của tỉnh Tiền Giang. Lúc trẻ khi lên Sài Gòn ông đã từng học trường dòng La San Taberd, sau này đổi tên thành trường chuyên Trần Đại Nghĩa, tuy ông không theo đạo Thiên Chúa mà lại hướng về Phật giáo (ông có Pháp danh là Quảng Hưng). Đó cũng là một lý do tại sao ông là một gạch nối rất cần thiết giữa các nhóm Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo hoạt động cho hoà bình và tự do, đặc biệt là tự do báo chí, trong những năm chiến tranh.

Ông và ông Ngô Công Đức là 2 người chủ trương tờ báo “Tin Sáng” năm 1968-1972 với ông làm giám đốc chánh trị và Ngô Công Đức làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Trong thời gian nầy có thể nói tờ Tin Sáng là một tờ báo đối lập chánh trị có nhiều độc giả nhất nhì Sài Gòn lúc bấy giờ, với những cây viết chủ lực nổi tiếng như Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, GS Lý Chánh Trung, GS Nguyễn Văn Trung, Dương Văn Ba, Sơn Nam, Vũ Hạnh, Phan Xuân Huy. Khi thấy tờ Tin Sáng sắp bị chính quyền Sài Gòn đóng cửa, ông Nhuận chuyển một bộ phận quan trọng của tờ Tin Sáng sang tờ Điện Tín (1971-1975) mà Nghị sĩ Đại tá Hồng Sơn Đông là chủ báo kiêm chủ nhiệm chủ bút. Ông Nhuận làm Giám đốc Chánh trị và Dương Văn Ba là Thư ký toà soạn. Từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972 chính quyền Sài Gòn lại áp dụng một biện pháp đàn áp chưa hề có tiền lệ trong lịch sử báo chí trước đây ở Sài Gòn, là không chấp nhận cho Tin Sáng nạp lưu chiểu. Dù vậy, Tin Sáng vẫn tiếp tục phát hành, và các sạp báo và các em bán báo rao, đều vẫn tiếp tục nhận bán báo Tin Sáng hằng ngày. Trong khi đó thì ông Nhuận liên tục phản đối trên trang nhất của tờ Điện Tín cho tới khi khi chính quyền đi lùng sục để tịch thu Tin Sáng và tìm cớ tịch thu luôn Điện Tín. Trong thời gian từ cuối năm 1971 những tờ báo Tin Sáng và Điện Tín, kể cả những tờ bị tịch thu, ông Nhuận và ông Dương Văn Ba đều cho người cố gắng gửi cho tôi (Ngô Vĩnh Long). Những tờ báo đó còn được lưu trữ ở Thư Viện Yenching (Yenching Library) tại đại học Harvard.

Sau chiến tranh chấm dứt Tin Sáng là tờ báo độc nhất được tái bản, được làng báo gọi là “Tin Sáng bộ mới,” ở thành phố Hồ Chí Minh (1975-1981) với Ngô Công Đức làm chủ nhiệm, Nguyễn Văn Binh làm quản lý, Hồ Ngọc Nhuận làm chủ bút, cùng với hai phụ tá chủ bút Nguyễn Hữu An, Dương Văn Ba. Sau đó ông Lý Quý Chung được mời làm Phụ tá chủ bút thứ ba. Có một số lý do mà tờ “Tin Sáng bộ mới” bị đóng cửa (gọi là đã “hoàn thành sứ mạng lịch sử”), trong đó có lý do “nói thẳng nói thật” của tờ báo, đặc biệt là của ông chủ bút. Ông Nhuận, ngay từ những tháng sau “giải phóng” đã cho ý kiến là không nên bắt nhưng người trong chính quyền cũ đi “học tập cải tạo”, và sau khi đã bắt đi rồi thì không nên giữ người ta lâu hơn thời hạn mà chính quyền đã tuyên bố chính thức là tối đa một năm. Lỗi lớn thứ 2 của ông là ông cho ý kiến nên duy trì hai đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội để làm đối trọng với Đảng Cộng Sản vì ông thấy như vậy có ích cho Đảng Cộng Sản và cho việc “hoà giải hoà hợp” dân tộc. Để có thêm chi tiết về những việc vừa đề cập đến người đọc có thể xem bài phỏng vấn ông Nhuận với Mặc Lâm, biên tập viên của đài RFA (Radio Free Asia), đã phát sóng và đăng ngày 30 tháng 9 năm 2013. Bài đăng có tít là “Hồ Ngọc Nhuận: Một mình chống hai chế độ.”.

Thật ra tít trên nói hơi quá vì ngay dưới chế độ Sài Gòn thì ông Nhuận cũng chỉ là một nhân vật đối lập hoà nhã, tuy có tổ chức các đám đi biểu tình vì các lý do chính đáng. Từ năm 1967 đến 1975 ông Nhuận là trưởng nhóm của một nhóm hoạt động đối lập ở Hạ Nghị Viện Quốc Hội gọi là nhóm Xã Hội Mới. Trong một bài viết dài nhan đề “48 năm một chuyện nhỏ” được ông Nhuận gởi cho bạn bè nhân ngày giỗ lần thứ 8 của Ngô Công Đức (22/6/2015), ông cho thêm chi tiết như sau:

Gọi là “nhóm” vì chỉ có 11 thay vì 12 người là túc số cần thiết theo nội quy HNV để thành lập một Khối chánh thức tại Quốc Hội. Sau một thời gian hoạt động khá năng nổ, Nhóm Xã Hội Mới, gồm đa số là trẻ, đã kết hợp với vài nhóm đối lập khác, đặc biệt với nhóm Dân Tộc, và vài dân biểu độc lập, để trở thành một Khối đối lập chánh thức có tên là Khối Xã Hội Dân Tộc. Khối nầy, không lâu sau, lại lột xác một lần nữa để biến thành hai Khối, một trong hai là Khối Xã Hội, mà anh Phan Thiệp, gốc Quốc Dân Đảng Quảng Nam, làm trưởng khối cho đến hết nhiệm khóa 1/HNV, vào năm 1971, và tôi là phó trưởng khối. Sang khóa 2/HNV, từ 1971 đến 30-4-1975, một số dân biểu khối Xã Hội bị chánh quyền tổ chức gian lận bầu cử đánh bại ở một số tỉnh, trong đó có anh Ngô Công Đức, nhưng khối Xã Hội vẫn trụ vững, nhờ có một số dân biểu mới đắc cử gia nhập, trong đó có dân biểu luật sư Trần Văn Tuyên. Ở nhiệm khóa 2/HNV anh Trần Văn Tuyên là Trưởng Khối Xã Hội, tôi là Phó Trưởng Khối, cho tới ngày “đứt phim”.

Trong thời gian làm dân biểu Quốc Hội kể trên ông Nhuận đã đứng ra hỗ trợ làm nhiều tờ báo công khai (Tin Sáng, Điện Tín, Đại Dân Tộc) cũng như bán công khai, và luôn sẵn sàng giúp đỡ và bảo lãnh những thành phần xuống đường tranh đấu như HSSV, phụ nữ. Hai ví dụ cụ thể là việc giúp giải vây bà Ngô Bá Thành khỏi bị bố ráp ở nhà bà để mang tài liệu về thành phần thứ ba ra ngoài phát cho báo chí và việc giúp đưa anh Huỳnh Tấn Mẫm vào trốn trong Dinh Hoa Lan của tướng Dương Văn Minh. Nhưng tôi trích đoạn trên là vì muốn nhắc đến ông Trần Văn Tuyên và quan hệ của ông ấy với ông Nhuận cũng như việc hối hận và trăn trở lớn nhất đối với ông. Đó là nỗ lực không thành của ông trong việc bảo vệ những người cộng sự trong chiến tranh thoát khỏi việc bị đi cải tạo sau 75. Như nhiều người khác, ông đã không nghĩ là cải tạo sẽ kéo dài quá mấy tháng, và khi biết thì ông cũng đã dùng các quan hệ mới để cố gắng xin cho nhiều người không phải đi hay bị bắt đi rồi thì được cho về với gia đình sớm. Luật sư Trần Văn Tuyên, tuy là người hoạt động đối lập rất cật lực cùng với ông Nhuận, nhưng sau chiến tranh ông ấy được cho là thành phần chống Cộng nên đã bị bắt đi cải tạo và chết trong trại mặc dầu ông Nhuận đã cố gắng xin cho ông ấy được về với gia đình. Việc không thành này là một trăn trở đau đớn với ông Nhuận, nhưng ông không đứng ra chống đối mà cố gắng làm những công việc ông nghĩ có lợi cho nhân dân và đất nước như là việc chấp nhận làm phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngay trong bài phỏng vấn với Mạc Lâm trích ở trên ông thổ lộ:

Ngay cả ví dụ như chuyện học tập cải tạo chẳng hạn, họ nói mấy tháng hay một năm. Ban đầu mình nghĩ chỉ sợ họ bắn bỏ trôi sông thôi chứ như vậy thì để coi sao. Dần dần thay vì mấy tháng, một năm thì có người “mút mùa” mười mấy, hai chục năm mới về. Rồi chết trong trại cải tạo luôn. Đó là những điều không thể chấp nhận được.

Lúc đầu có những dấu hiệu làm cho mình hy vọng. Họ cho tôi làm báo hoặc là một số công tác khác hay như chuyện tôi chấp nhận vô Ủy ban Mặt trận đó nhưng đồng thời để tránh những vấn đề khác họ đã giao cho tôi một số việc này, việc kia mà tôi thấy không được.

Như vậy vô Mặt trận thì nó chung chung, mặt trận nhân dân nên nó cũng đỡ hơn một vị trí nào khác. Tôi được cử vào vị trí như một công chức cao cấp nhưng tôi không nhận nên tôi vào cái chỗ cũng là của họ nhưng là của nhân dân đó là Mặt trận Tổ quốc. Đó sự thật là vậy.

Sự thật là không phải ông Nhuận chỉ lo cho dân cho nước, mà lo cho bạn bè quen thuộc dù nhiều lúc ngoài khả năng của ông. Một ví dụ là cuối năm 2021 khi nghe tin qua một người quen tôi té và được đưa vào bệnh viện, một phần vì phải mang khẩu trang và giảng liên tục gần 80 phút nên không đủ chất ốc-xy lên óc nên bị bất tỉnh, ông Nhuận gởi cho tôi liên tiếp 2 bức thư điện (emails), ngày 30 và 31 tháng 12 năm 2021, dặn dò là phải cẩn thận giữ gìn sức khoẻ như thế nào. Tôi xin trích vài câu trong lá thư đầu: “Anh Long đã ngoéo tay với tôi rồi nha: hơi thở đều là tối yếu … Nó vô mình hoài hoài mà mình thường không hay, nó bỏ mình hồi nào mình không biết… Anh Long nhớ thở đều bình thường để anh em mình gặp nhau dài dài nha. Nhớ nha anh Long của tôi và của mọi người thương. Nhớ anh Long nhiều.”


Tôi cũng thương nhớ anh Nhuận của tôi nhiều.


Ngô Vĩnh Long

Ngày 23 tháng 5 năm 2022

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss