Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Thương tiếc Huỳnh Bửu Sơn, một nhân cách lớn

Thương tiếc Huỳnh Bửu Sơn, một nhân cách lớn

- P.V. — published 04/06/2022 20:55, cập nhật lần cuối 17/06/2022 18:01

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, một nhân cách lớn


Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã đột ngột từ giã cõi trần sáng ngày 3.6.2022 tại nhà riêng ở Sài Gòn, hưởng dương 77 tuổi (ông sinh năm 1946 tại Vũng Tàu). 

Tang lễ tổ chức tại tư gia - hẻm số 9 đường Tên Lửa, quận Bình Tân, TP.HCM.

Lễ viếng từ 11h ngày 3-6. Lễ động quan lúc 6h ngày 5-6. Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Diễn Đàn xin thành thực chia buồn với gia đình và đông đảo bạn hữu của ông.


Chuyên gia Kinh tế Huỳnh Bửu Sơn 1946-2022 (ảnh tư liệu)

Để tưởng nhớ ông, nhiều bạn bè, người hâm mộ ông viết bài trên mạng hay cả trên vài tờ báo (chủ yếu ở Sài Gòn). Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một vài bài tiêu biểu và đăng lại nguyên văn một bài viết của ông về ngày 30.4. (xem khung).

1/ Trên Facebook có nhiều bài của các nhà báo, như Trần Ngân Hà (Một câu chuyện nhỏ với chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn), Tâm Chánh (Anh Huỳnh Bửu Sơn và các anh Thứ Sáu), Võ Mai Nhung (“Người Giữ chìa khoá kho vàng” đã đột ngột ra đi!), nhắc lại những đóng góp rất lớn của ông và nhóm các chuyên gia Sài Gòn cho công cuộc "Đổi Mới" (gọi là "Nhóm Thứ Sáu" vì họ họp nhau mỗi thứ sáu để cùng thảo luận về các vấn đề của đất nước), và cả trước đó - ngay từ sau nagyf 30.4.1975. 

2/ Trên mặt báo chính thống, có thể kể :

2.1/ Đưa tin sớm nhất là bài Thương tiếc Huỳnh Bửu Sơn, một nhân cách lớn trên Người Đô thị, theo thông tin của ông Phan Chánh Dưỡng, một người trong Nhóm Thứ Sáu, với bài viết ký tên Anh em Nhóm Thứ sáu nhắc lại những đóng góp của Ông, và lời khẳng định "Anh Huỳnh Bửu Sơn – một trí thức lớn – đã chủ động chọn thái độ cống hiến trước bao giai đoạn khó khăn của vận nước, đồng cam cộng khổ với quê hương trong suốt cuộc đời - như chúng ta từng biết".

2.2/ Tuổi Trẻ cũng có bài rất sớm Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn - một ánh tà dương của nhóm Thứ Sáu - vụt tắt ,  vắn tắt đưa lại vài đề án của Nhóm. Báo này cũng trở lại sự nghiệp của ông dài hơn trong bài Huỳnh Bửu Sơn - thêm một tia nắng tắt, thuật lại chính lời ông trong vài dịp :

- Có lần một nhà báo hỏi ông Huỳnh Bửu Sơn có tiếc không khi phải trải qua những năm tháng nghèo đói, lạc hậu thời bao cấp vì đã lựa chọn ở lại Việt Nam? Ông trả lời: "Có tiếc, nhưng là tiếc cho Việt Nam. Về phía bản thân, tôi đã chọn ở lại vì nghĩ đất nước cần được chính những người Việt như mình xây dựng".

Giấc mơ hoá rồng - Kinh tế Việt Nam trong 25 năm mở cửa và đổi mới
Tác phẩm của Huỳnh Bửu Sơn

- Huỳnh Bửu Sơn viết: "Muốn phát triển kinh tế, tức là muốn làm giàu, phải trông cậy vào sức mình. Nguồn lực để phát triển có sẵn trong đất nước, trong mỗi con người chúng ta. Có chính sách bồi dưỡng đúng mức, sẽ có ngày khai phóng được năng lực vĩ đại này.

Đào tạo và trọng dụng nhân tài là quốc sách muôn đời của một nước. Lực lượng ưu tú, ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, cũng luôn là yếu tố quyết định sự sinh tồn và phát triển của cộng đồng dân tộc.

Đầu tư giáo dục - trong những năm tới - sẽ phải là đầu tư quan trọng nhất của chúng ta, bởi đó là động lực lớn nhất và quan trọng nhất của phát triển. Khi đất nước còn sản sinh ra hào kiệt thì dù có lúc bị ngoại nhân xâm lấn cũng có ngày giành được độc lập, dù có lúc nghèo khổ chậm tiến cũng sẽ có ngày giàu có, phát triển".

2.3/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nơi "chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã có nhiều đóng góp tích cực qua các nội dung liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân", có bài Vĩnh biệt chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn – ‘Người mở khóa’ đặc biệt của nền kinh tế đánh giá "Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn có thể được xem là một nhân chứng lịch sử khá đặc biệt, người giữ chìa khóa kho vàng của Ngân hàng quốc gia Sài Gòn cũ tham gia vào cuộc bàn giao lịch sử cho chính quyền cách mạng. Ông cũng là một trong những người tham gia đặt nền móng cho việc cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam tiệm cận với thế giới.".

3/ Sau cùng, trên trang mạng riêng của mình, TS Nguyễn Xuân Xanh đã có bài Vô cùng thương tiếc Huỳnh Bửu Sơn, với những lời tâm huyết của tác giả, và chia sẻ nhiều lời thương tiếc của bạn bè anh trong nhóm edu-sci. Xin trích:

- Thành phố cần tạc một bức tượng hay khắc họa một bức tranh tập thể của những thành viên nhóm thứ sáu này để ghi lại công lao to lớn của họ.

Họ giống như những rōnin, những samurai mất chủ. Nhưng họ không báo thù cá nhân cho chủ như các rōnin Nhật Bản từng làm, mà họ ra sức ngăn chặn một nền kinh tế đã tự managed tiến tới bờ vực thẳm, cùng lúc thay đổi mind-set tư duy giáo điều của hệ thống để cứu đất nước, dẫn tới cuộc Đổi mới. Đi tìm một con đường Kinh tế thị trường trong cánh rừng rậm gay góc và đầy hiểm nguy rình rập để thoát ra khỏi nó là điều khó khăn. Nhưng đó là nhiệm vụ hết sức trọng đại mà lịch sử đã giao cho các thành viên vào lúc nguy nan.

May mắn thay vẫn còn những con người tài năng và tâm huyết ở lại, chấp nhận “có ra sao thì ra” như anh Võ Văn Tới nói, để góp sức đưa con thuyền VN nặng nề ra khỏi vòng xoáy tự hủy diệt. (Nguyễn Xuân Xanh)

- Thời gian không chừa một ai, tôi cũng rất thích cuốn Giấc mơ Hóa Rồng của anh. Thiết nghĩ với một cuộc đời sống “có danh gì với núi sông”, “lúc đến mọi người cười, lúc đi mọi người khóc”, anh ra đi cũng không có gì nuối tiếc. Vận nước thì một cá nhân cũng không thể làm gì nhiều, nhất là khi dân trí chưa sẵn sàng(Trần Quốc Hùng)

- Lại một người bạn nữa vừa ra đi!   Tôi gặp anh Huỳnh Bửu Sơn lần đầu tại một buổi họp mặt của nhóm thứ sáu vào đầu thập niên 90 trong một chuyến công tác từ Singapore về Sài gòn. Lúc ấy nhóm thứ sáu họp tại tòa soạn báo Lao Động mà anh Trần Trọng Thức làm chủ bút và anh Thức cũng là người giới thiệu tôi đến với nhóm.  Vẫn nhớ mãi hình ảnh anh Sơn đứng lên đọc bài phân tích về một vấn đề bức xúc để bàn thảo cùng mọi người trước khi trình bày với ông Kiệt …  Trong cái khung cảnh đất nước vào lúc ấy với đầy khó khăn thách thức, được thấy có một nhóm người ưu tư về những vấn đề tương lai của đất nước cùng gặp nhau để đóng góp ý kiến xây dựng đổi mới từ những bước đầu nhỏ bé như vậy, quả thật tôi rất xúc động và đặc biệt là hình ảnh anh Sơn tại buổi gặp mặt đầu tiên ấy .  Nhân vừa nhận được lô sách 17 tấn chuyển về từ Singapore, để “giúp sức” cho các thành viên nhóm thứ sáu, tôi mời mọi người đến kho sách tại Viện Kinh Tế để chọn sách tặng… Có lần đến thăm anh Sơn vài năm sau đó, anh ấy còn chỉ cho tôi xem số sách kinh tế tài chính anh vẫn còn giữ trong văn phòng … Hôm nay thật bất ngờ khi được tin anh Trần Bửu Sơn đã đột ngột ra đi!  Xin thành thật chia buồn cùng gia quyến và mong hương hồn anh Sơn sớm về cõi vĩnh hằng. (Võ Tá Hân).

- Có những người chưa gặp nhau nhưng dường như đã quen nhau rồi từ lâu. Anh Huỳnh Bửu Sơn và tôi quen nhau như vậy. Mới quen nhau đó trong quyển sách, đã xa nhau rồi. Ngậm ngùi chia tay anh. (Cao Huy Thuần).

- Bác Huỳnh Bửu Sơn là người sớm nhất nói về vai trò của tự trị đại học đối với phát triển, từ 2007. Thông điệp của bài viết:  Đổi mới 1986 trao cho người doanh nhân quyền tự trị, nhờ đó mà kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và có thể tăng trưởng được. Nhưng muốn quốc gia phát triển được thì tự trị kinh tế phải có điều kiện đi kèm là tự trị đại học. Bài viết đó sau có in lại trong “Giấc mơ hóa rồng”. Việt Nam sẽ phải bổ sung thêm: Tự trị đại học gắn liền với tự trị xã hội. Năm 1986, việc thành lập một tổ chức kinh tế (công ty) vẫn còn vô cùng khó khăn. Ngày nay, người ta chỉ mất 3 ngày nộp hồ sơ là có giấy phép lập công ty.  Nhưng việc thành lập tổ chức xã hội, dù chỉ là… “Hội chơi cá cảnh” thì vẫn là một điều cấm kỵ. (Nguyễn Lương Hải Khôi).

Bài viết còn có nhiều chứng từ khác, xin bạn bấm vào đương dẫn trên để đọc. Trên mặt báo này, chúng tôi sẽ đăng một bài viết - chứng từ dài hơn của Giáo sư Trần Văn Thọ. Và dưới đây, như đã hẹn, là bài viết của chính ông, Huỳnh Bửu Sơn, về ngày 30.4.1975.


P.V.

Khi lịch sử sang trang Sài Gòn ngày 30-4-1975.


Huỳnh Bửu Sơn


Đó là những giờ phút mà sau này tôi mới thấy hết ý nghĩa trọng đại của nó đối với lịch sử dân tộc, nhưng vào lúc đó tôi vẫn còn chưa hết bàng hoàng. 

Những ngày đầu tháng 5-1975, tôi vào trình diện tại Ngân hàng Quốc gia ở 17 Bến Chương Dương cùng các đồng nghiệp khác, chỉ thiếu vắng một vài người. Chúng tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia là chờ phân công tác. Trong khi chờ đợi, mỗi ngày mọi người đều phải có mặt tại cơ quan. 

Phải nói đó là những ngày rất thảnh thơi đối với tất cả anh em chúng tôi, hầu hết ở độ tuổi trên dưới ba mươi. Chúng tôi vui vẻ, yên tâm. Thái độ của các anh cán bộ trong Ban Quân quản rất lịch sự, đúng mực nhưng khá xa cách. Vào thời điểm đó, nhiều người trong chúng tôi chưa nghĩ đến tương lai như thế nào. Mong muốn của tôi cũng như những người khác vào lúc đó là an ninh trật tự sẽ được vãn hồi, mỗi người sẽ có một vị trí làm việc trong chế độ mới và tiếp tục đóng góp theo khả năng của mình cho xứ sở. 

Cuối tháng 5-1975, chúng tôi được lệnh trình diện tập trung đi học tập cải tạo tại Trường nữ trung học Gia Long (bây giờ là Trường Nguyễn Thị Minh Khai). Nhóm viên chức Ngân hàng Quốc gia được xếp vào mấy tổ, tôi thuộc tổ 32. Trong ba ngày tập trung tại Trường Gia Long, chúng tôi được phục vụ ăn uống khá chu đáo. Chiều ngày thứ ba, sau khi dùng cơm chiều xong, vào khoảng 6 giờ, loa phóng thanh đọc danh sách những người phải thu dọn đồ đạc và tập trung tại sân cờ nghe lệnh. Tên tôi có trong danh sách đó. 

Lúc đó tôi cảm thấy rất lo lắng, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, nhất là khi thấy danh sách người được gọi tên chiếm không đến 10% sĩ số. Nhưng khi đến tập trung tại sân cờ, tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe ban chỉ huy trại thông báo là do số người trình diện quá đông nên một số được cho về nhà vào tối đó, hôm sau đến để nhận giấy tờ tùy thân và trình diện cơ quan đang công tác, chờ lệnh tập trung mới. Bảy giờ sáng hôm sau, tôi quay trở lại Trường Gia Long, thấy ngôi trường vắng lặng như tờ. 

Như vậy là trong đêm trước mọi người đã di chuyển. Một lần nữa số mệnh đã cho tôi ở lại. Tôi đến trình diện tại Ngân hàng Quốc gia và được phân công tác tại Vụ Phát hành và kho quĩ. Những ngày tiếp theo, Ban Quân quản tổ chức học tập tại chỗ ba ngày cho các viên chức ở lại và cấp giấy chứng nhận học tập cải tạo. Lúc đó, giấy chứng nhận này chính là một lá bùa hộ mệnh. 

Sau này, vào cuối tháng tám, khi có lệnh gọi tập trung lần thứ hai cho những người được trả về đợt trước, tôi có đến gặp và hỏi ý kiến anh Ba Sáng, cán bộ Ban Quân quản. Sau khi tham khảo ý kiến Ban Quân quản, anh thông báo cho tôi biết trường hợp của tôi đã được Ban Quân quản xem xét, tôi được bố trí tham gia chiến dịch đổi tiền Sài Gòn cũ và cải tạo tư sản nên không phải đi trình diện học tập tập trung. 

Lần kiểm kê cuối cùng 

Vào đầu tháng 6-1975, tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia tiến hành kiểm kê kho tiền và vàng của chế độ cũ, các kho tiền và vàng của Ngân hàng Quốc gia thuộc quyền quản lý của Nha Phát hành, nơi tôi làm việc trong ban lãnh đạo từ năm 1970 với tư cách là kiểm soát viên. Anh giám đốc Nha Phát hành đã đi cải tạo tập trung, do đó trong số người còn ở lại chỉ có tôi là người giữ chìa khóa và anh Lê Minh Kiêm – chánh sự vụ – là người giữ mã số của các hầm bạc. 

Việc kiểm kê kho tiền và vàng là việc chúng tôi làm thường xuyên hằng tháng, hằng năm nên cảm thấy không có gì đặc biệt. Chỉ có một điều là tôi biết lần kiểm kê này chắc chắn là lần kiểm kê cuối cùng đối với tôi, kho tiền và vàng sẽ được bàn giao cho chính quyền mới. Tôi không lo âu gì cả vì biết chắc rằng số tiền và vàng nằm trong kho sẽ khớp đúng với sổ sách. 

Trong những ngày hỗn loạn, các hầm bạc của Ngân hàng Quốc gia vẫn được chúng tôi quản lý một cách tuyệt đối an toàn. Cần nói thêm là các hầm bạc được xây rất kiên cố với hai lớp tường dày, mỗi lớp gần nửa thước, các cửa hầm bằng thép có hai ổ khóa và mật mã riêng, được thay đổi định kỳ, mỗi cửa nặng trên 1 tấn. 

Đại diện Ban Quân quản là một cán bộ đứng tuổi, khoảng 50. Cùng tham gia với ông trong suốt quá trình kiểm kê là một anh bộ đội còn rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai và rất thân thiện. Anh hay nắm tay tôi khi trò chuyện. Sau này tôi mới biết tên anh là Hoàng Minh Duyệt – chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân hàng Quốc gia. 

Số vàng đúc lưu giữ tại kho của Ngân hàng Quốc gia vào thời điểm đó gồm vàng thoi và các loại tiền vàng nguyên chất. Có ba loại vàng thoi: vàng thoi mua của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED); vàng thoi mua của một công ty đúc vàng ở Nam Phi – Công ty Montagu; và vàng thoi được đúc tại Việt Nam, do tiệm vàng Kim Thành đúc từ số vàng do quan thuế tịch thu từ những người buôn lậu qua biên giới, phần lớn từ Lào.

Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12-14kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998). Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khóa và được đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng. Nhưng qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của vàng, các kệ thép cũng bị vênh đi. 

Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau… Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó. Tất cả số vàng thoi và tiền vàng cổ đều được theo dõi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê do bộ phận điện toán của ngân hàng theo dõi định kỳ hằng tháng và hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập tồn kho. 

Chúng tôi thực hiện công tác kiểm kê trong hai ngày liền. Thật ra công việc cũng khá đơn giản. Số giấy bạc dự trữ giữ trong các thùng bằng gỗ thông được niền bằng đai sắt và niêm chì, mỗi thùng ghi rõ mệnh giá, loại giấy bạc, số lượng. Do đó chỉ cần kiểm kê số lượng thùng bạc, các chi tiết tương ứng và đối chiếu với sổ sách được điện toán hóa là biết khớp đúng ngay. 

Lúc đó, loại giấy bạc mệnh giá cao nhất chỉ có 1.000 đồng, thuộc xêri mới phát hành, có in hình các con thú hoang dã trong rừng rậm Việt Nam. Ngoài ra vẫn còn tồn kho và tiếp tục phát hành loại giấy bạc nổi tiếng có in hình danh tướng Trần Hưng Đạo, mệnh giá 500 đồng. Tổng giá trị giấy bạc dự trữ trong kho lúc đó (nếu tôi nhớ không lầm) khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, gấp đôi lượng tiền lưu hành tại miền Nam vào thời điểm giải phóng. 

Chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi đã kiểm kê xong số lượng giấy bạc dự trữ. Việc kiểm kê số vàng chiếm nhiều thời gian hơn vì phải kiểm kê từng thoi vàng một để xem trọng lượng, tuổi vàng và số hiệu có khớp đúng với sổ sách hay không. 

Cuộc kiểm kê kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất. Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân hàng Quốc gia.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us