Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Tiếc thương anh Bùi Trọng Liễu

Tiếc thương anh Bùi Trọng Liễu

- Nam Dao — published 17/03/2010 00:44, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21


Tiếc thương anh Bùi Trọng Liễu


Nam Dao

Về nhà sau một chuyến đi xa, có tin nhắn vội qua máy. Nghe rõ tên anh, nhưng máy rè, không hiểu tin gì, lòng ngờ ngợ một linh cảm. Nhấp chuột vào Diễn Đàn, và chỉ thấy tựa Bùi Trọng Liễu (1934-2010) thì hiểu. Chưa đọc, lòng đã đau…

Lần đầu tôi gặp anh Liễu là vào mùa thu năm 1974. Qua hai nhà toán học Lê văn Thiêm và Hoàng Xuân Sính, tôi có số điện thoại anh Liễu. Nộp luận án và trong khi chờ đợi, tôi sang Pháp. Lý do thì nhiều. Paris là nơi “Phong trào” VKYN có cơ sở vững vàng, có quá trình tranh đấu, và có những mối liên lạc sâu sắc với “trong nước”, cả trước và sau hiệp định Paris. Paris có cầu Mirabeau, dưới nước sông Seine, trôi trong một bài thơ đẹp. Paris vang vang tiếng người phá ngục Bastille, phất cao ngọn cờ cách mạng 1789. Paris có Hugo, Balzac… trong Panthéon, nay còn Sartre, người muốn làm cái tổng hợp triết thuyết hiện sinh với chủ nghĩa cộng sản… Bằng ấy lý do, tôi thành con thiêu thân bay vào ánh sáng một kinh kỳ hoa lệ.

Được (bị) gọi là trí thức (vì chọn làm luận án TS chứ không đi “bần cùng” hóa qua Cuba chặt mía như vài anh tiên tiến học quyển Thời Dựng Đảng của Thép Mới), tôi liên lạc với anh N.N. Trân và anh Liễu. Anh Trân, sớm mùi quan chức, rất bận, không tiếp. Ngay buổi tối Paris đầu tiên, ở một khách sạn trên Boulevard St Michel trông sang vườn Luxembourg, người đến gặp tôi ngay là anh Liễu (sau mới biết anh ở Antony, một vùng ngoại ô xa). Anh nhỏ nhắn, cặp lông mày xếch trên đôi mắt thật sáng, rất ân cần, nho nhã, lịch sự crà-vát vét-tông. Nhưng anh không một chút thành kiến với một kẻ ngoại hình “phản chiến à l’Américaine” như tôi, tóc dài quá gáy, choàng poncho, vai balô, và bộp chộp có gì nói nấy. Chúng tôi gặp lại nhau, thường là ở cái Bistro trên quảng trường Sorbonne trông ra St Michel, câu chuyện nào cũng rồi xoay quanh việc thế nào đóng góp cho đất nước một mai sẽ hoà bình thống nhất.

Ba năm sau, năm 1977, tôi tham dự Hội Nghị Toán ở Hà Nội mà anh Liễu là Trưởng đoàn Việt kiều. Xin kể dăm câu chuyện nhỏ để ta thấy một vài tính cách của anh. Chúng tôi có hân hạnh đến viếng Lăng Hồ Chủ Tịch, không phải xếp hàng chờ cả nửa ngày dưới nắng hè. Cạnh đoàn chúng tôi, hàng hàng lớp lớp các cháu học sinh cấp 1 đến từ những tỉnh chung quanh Thủ Đô. Cổ quàng khăn đỏ, các em đứa nào đứa nấy nghiêm trang, có em cảm động khóc sụt sịt. Khi đi từ dưới lên Lăng, bỗng một chiến sĩ dong dỏng, quần áo nghi lễ trắng tinh, đầu đội mũ cát-két, lưng kiếm tay súng, tiến đến trước mặt tôi đang trong khoảng giữa đoàn, giơ tay chào rồi quát : “ Bỏ kính xuống ! Không được đeo kính dâm ! Thất lễ với Bác…”. A, thì ra thế, cái tội “tiến bộ KHKT”. Kính tôi đeo là kính cận, nhưng khi ra trời nắng thì nó sậm lại, như kính dâm, và vào chỗ dâm, thì nó lại trắng. Tôi nhanh nhẩu phân trần, nhưng chiến sĩ quát, giọng hùng dũng hơn, “Bỏ xuống! Ngay lập tức!”. Chết chưa, thế thì làm sao thấy được Bác đây. Còn phân vân, anh Liễu từ đầu đoàn xuống. Nhìn tôi, anh bảo nhỏ “Bỏ kính cầm tay đi, còn nhiều việc, loay hoay là trễ!”. Tôi vâng, nhưng hậm hực. Khi đi quá chiến sĩ được dăm bước, anh thủ thỉ, “... tí nữa vào Lăng thì lại đeo kính, nhập gia tuỳ tục mà!”. Vào lăng, ẩm, lạnh và tối. Tôi đeo kính. Khi đi qua nhục thể Bác, tôi có cảm tưởng như đang thăm một Musée de Cire nào đó bên trời Âu. Thú thật, tôi thất vọng, và lại bỏ kính xuống, tự trách mình không như vài em nhỏ chưa thấy Bác mà đã khóc những giọt nước mắt ứa ra chẳng biết từ đâu.

Chuyện thứ hai, cũng vui. Số là đoàn chúng tôi được mời xem Kịch Nói ở nhà hát lớn Hà Nội, vở Người Đốt Đền, một vở kịch Hy Lạp được cải biên thành kịch chống phong kiến quân chủ. Chúng tôi xếp hàng, và khi vào cửa, bà kiểm soát nhìn tôi, chỉ tay ra ngoài, gọn thỏm : “Đi ra! Đứng đấy!”. Vẫn chưa biết tội gì, tôi tuân thủ cho nhanh. Bà ta nhìn thẳng vào mắt tôi, rành rọt : “Quần ống loe, thiếu tác phong văn minh, không được vào!”. Chết, chết. Trước khi về nước, tôi đã nhờ một chị trong phong trào túm hộ cái quần ống từ 22 cm xuống còn 16 cm cho nó đúng lệ làng theo như báo cáo của Sứ Quán cơ mà. Làm sao đây. Anh Liễu, lại anh, từ tốn : loe thì túm lại. Rối anh đẩy tôi với một anh em khác ra ngoài. Anh bạn kia giúi vào tay tôi mấy cái kẹp giấy bằng nhôm. Túm ống quần lại, tôi hiên ngang mặc quần ống túm kiểu thập niên 60, quay trở vào. Bà kiểm soát nhìn ống quần chứ không nhìn mặt, thấy nếp sống văn minh đo đếm hợp lệ, liền khoát tay. Thế là lọt. Và lại được ngồi trong giãy ghế danh dự, đàng sau thì là “nhân dân”, la ó khi đốt đền, cười nói um sùm, hoan hô lúc vị Vua (trong vở Kịch) bị đốt… Và còn những chuyện vui buồn khác, như Lê Văn Cường suýt bị cắt tóc trên bờ Hồ, kèm cái gật gù rất triết gia của một Hoàng Hải Học phán “Kiêu binh nội phủ thời Lê-Trịnh”. Như các bạn bên Đức sau khi phát biểu nhiệt huyết xây dựng đất nước liền đặt yêu cầu làm sao… tạo điều kiện cho anh em kết duyên Tần Tấn với phụ nữ quốc nội để ổn định đời sống v.v. Anh Liễu chỉ cười, thông cảm. Anh là một người nhân đạo. Anh ứng xử thực dụng, dẫu ở một nhà Toán Lý Thuyết, mơ mộng (khoa học) là yếu tính tất có. Nhất là, tôi xin nhấn mạnh, anh ứng xử như một người anh lớn.

Chúng tôi giữ liên lạc trong liền 3 thập niên. Mỗi lần ghé Paris, tôi thường điện thoại nếu không thể đến thăm anh và chị Colette. Sau công việc một người đàn ông, luôn có bóng một người đàn bà. Công việc vận động nhân sĩ và khoa học gia của anh Liễu cho đất nước Việt Nam cũng vậy. Bóng chị Colette lừng lững. Chị chia sẻ tất, kể cả niềm thất vọng của anh (đôi khi anh chẳng giấu gì với tôi) về cái đoạn sau 1975 của đất nước chúng ta. Chuyện anh thôi không về nước từ năm 1981 không phải chỉ vì sức khoẻ, như anh nói đâu. Như một số anh em gần gũi anh, tôi cũng biết, nhưng nếu nói những điều này ra, chị Colette mới là người có thẩm quyền. Năm 81, tôi cũng có mặt ở Việt Nam. Năm đó, người ta dẫn tôi đi xem Bảo Tàng trưng bầy tội ác Mỹ-Ngụy, và chỉ cho tôi tờ báo bằng tiếng Pháp do Phong trào bên Pháp xuất bản. Đến năm 1982, chính tôi cũng thành người có vấn đề !!! Ôi thôi, cái kiếp Tìm Trầm Ngậm Ngải (…Hay có nhẽ là hóa thân kiếp cọp/ Ta mất người, rồi người mất ta/ Ven làng cũ ta đêm đêm nhìn trộm/ Và biết về đâu nơi gọi là nhà). Sau năm 90, tôi mất đường về. Chuyện trước mặt của đất nước, cấp bách. Nhưng với một người nhỏ nhoi tầm thường như tôi, thật vô phương. Thôi đành vậy, nhìn sau để ngẫm trước, tôi lao vào viết tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm đầu tay ra mắt ở Paris, anh Liễu đến tham dự. Ít lâu sau, anh gửi cho tôi cuốn tự sự “Chuyện gia đình và ngoài đời”, khiêm nhường ghi…“tôi không là nhà văn, chỉ mong giúp tài liệu một nhà văn, trong công việc về sau…”. Chẳng biết có phải anh nhắn nhủ tôi viết về những kẻ ngậm ngải đến khi hóa cọp rồi mà vẫn không tìm ra trầm không ? (gió vẫn lộng, biển vẫn là vô tận/ không tìm thấy trầm ta lại mất ta/ đêm lừng lững sao trăng rồi cũng tắt/ chỉ tưởng hương trầm mà ta say).

Công việc anh tiếp tục làm cho đất nước nhiều, nhưng nổi bật là những bài viết của anh về ngành giáo dục, nhất là vấn đề xây dựng một nền đại học xứng đáng, có thực chất, và thôi đánh bóng lừa lọc hư danh. Sau này, anh đề cập rộng đến vấn đề đạo lý xã hội, trong đó hành xử cho ra là con người được quan tâm ở hàng đầu. Tôi đọc bài Tự Nguyện, bài cuối cùng của anh, như những lời trối trăn. Anh viết : “Khi người ta tự nguyện để đóng góp cho một mục đích cao cả trừu tượng, thì chẳng có gì phải hối tiếc. Vấn đề chỉ đặt ra khi mục đích cao cả do một người hay một nhóm người vạch đường chỉ lối cho. Nếu họ vô tình hay cố ý vạch sai mục đích, thì sao ? Lại càng có vấn đề khi sự tự nguyện này mang nghĩa tình nguyện gia nhập vào một đội ngũ để đạt tới mục đích cao cả được vạch ra như thế ”. Vốn thâm trầm và tế nhị, anh không nói là đội ngũ nào, nhưng ai đọc tất cũng hiểu. Anh viết tiếp : “ Ngoài ra lại còn vấn đề « chính thống » (« chính đáng », légitimité, legitimacy) nữa. Nếu thoáng nhìn lịch sử nước ta qua các triều đại, thì cũng thấy mở đầu một triều đại mới, người lên cầm quyền đều viện cớ này cớ nọ để chứng tỏ sự chính thống của mình, đôi khi kèm theo bằng chứng về sự suy thoái, biến thể của triều đại trước. Đầu triều Lý và cuối triều Lý, đầu triều Trần và cuối triều Trần, thinh, suy cũng có khác. Ngay cả Cách mạng tháng 8/1945 với Hồ Chủ tịch cũng tìm nguồn « chính thống/chính đáng » của mình, đặc biệt là qua cuộc bầu cử Quốc hội đầu năm 1946 ”. Từ 46 đến nay, kể cũng 64 năm rồi. Và đếm thịnh suy mỗi triều đại từ thời cận đại, có thịnh thì chẳng quá 5,7 chục năm. Phải chăng hết thịnh tất đến suy. Và suy thì sao ? Lý do nào anh ghi một phụ chú rất dài về chuyện Tái ông thất mã ? Anh muốn nhắn nhủ chúng ta phúc họa rất khó lường trước, thấy họa xin chớ nản, thấy phúc đừng “hồ hởi” bệnh tếu lạc quan ? Nhưng quay về bối cảnh anh nhấn mạnh “ …vấn đề chỉ đặt ra khi mục đích cao cả do một người hay một nhóm người vạch đường chỉ lối cho. Nếu họ vô tình hay cố ý vạch sai mục đích, thì sao ? ”. Thì sao ? Thì chỉ có một giải pháp : rút ra khỏi cái đội ngũ đang đi ngược lại mục đích đã khiến mình tự nguyện. Và như Tái ông, mất mà hoá được, được lại rất có thể là mất. Lòng nhủ lòng, là chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (kể cả tiền tài). Đã nhiều người trả lại thẻ Đảng. Sẽ còn nhiều người nữa, nhiều để thành cả một phong trào, đánh chuông báo thời điểm đất nước lâm vào nguy cơ Bắc thuộc lần thứ ba. Rừng thượng nguồn cho “thuê”, quả bom bùn đỏ Bôxít Tây Nguyên, biển Nam Hải, Trường – Hoàng Sa, và những đập nước đầu nguồn từ Vân Nam có khả năng nhận chìm đồng bằng trong lũ lụt cũng như làm cạn kiệt sông Hồng, sông Cửu Long… Nguy cơ này dễ thành hiện thực khi toàn xã hội bị phá sản về mặt đạo lý, tham nhũng quyền và lợi là cơ chế thật ngụy trang bằng chữ nghĩa lòe loẹt giáo điều, con người “xã hội chủ nghĩa” lổm ngổm đủ tứ chi với trí tuệ và trái tim chỉ còn đủ để đèo bồng bốn chữ thực dụng và cơ hội.

Chị Colette quí mến. Xin chia buồn với chị, mặc dầu tôi biết là nổi buồn ấy chẳng thể vơi. Những gì anh Liễu viết về người vợ hiền của mình trong cuốn sách anh tặng tôi khiến tôi hiểu, với chị không gì thay được anh, và ngược lại, với anh, không gì thay được chị. Anh đã cất bước đi một chuyến đi xa. Nhưng có đi, mới có trở về. Và nơi trở về, tôi chắc rồi chị cũng sẽ ở đó, chờ anh.

Riêng với anh, anh Liễu vô vàn trân quí, tôi chỉ còn một lời tôi mượn cụ Ức Trai khi cụ ở ẩn trên Côn Sơn tránh cái Thăng Long rối rắm u mê chuyện thế quyền. Tôi chắp tay gửi đến vong linh anh nay ở một miền an nhiên, miền dành cho những người đã cống hiến tận tâm tận lực cho những mục đích cao cả :

Bui một tấm lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng

Nam Dao

15-03-2010


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss