Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Tới bến !

Tới bến !

- Nguyễn Văn Khoa — published 20/10/2019 20:55, cập nhật lần cuối 24/10/2019 15:24
Giã từ Phan Huy Đường



TỚI BẾN !

Giã từ Phan Huy Đường


Nguyễn Văn Khoa


Đang làm đuôi lấy hẹn xét nghiệm ở Clinique de l’Estrée thì nghe tiếng nhà tôi nghèn nghẹn bên cạnh : – Chín ơi, anh Đường mất rồi !Ai ? – Anh Phan Huy Đường. Chị Thiện nói.  Ngẩn người, tôi nhìn vợ mắt đã đọng nước. Ngờ mà vẫn bất ngờ. Ngờ vì, nhân có người  bạn từ xa tới, Đường mời chúng tôi cùng dùng bữa tại nhà, cũng là buổi gặp mặt hằng năm, và cho quyền chọn ngày. Chọn xong, gửi meo đi, không thấy hồi âm, cả sau ngày hẹn – trái với thói quen của một người yêu quý bạn và thích bàn luận ! Ngờ đã có chuyện gì rồi, không ngờ lại là chuyện tệ nhất. Đau.

*

Cư xá Lutèce là trạm đến đầu tiên, và nơi ở năm đầu cho sinh viên du học đến từ VNCH ở Paris. Tôi gặp Đường cùng các bạn thân thiết sau này (Chi, Hạc, Tuấn, Tùng,...) ở đây, nhưng với lối ăn nói chắc như bắp anh vẫn luôn luôn có, tôi còn nhớ đã tự nhủ : Làm sao chơi nổi với thằng cha này ? Vậy mà... chẳng biết cuộc đời đưa đẩy thế nào... cho đến giờ. Có lẽ vì dưới cái vẻ ngoài rất “ độc khối ” của anh, tôi nhìn thấy một Phan Huy Đường khá đa dạng.


Đường sang Pháp học Dược. Tự nhiên lại thấy anh ghi tên học ở Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Xã hội của François Perroux. Rồi bẵng đi một thời gian xa cách, khi gặp lại thì biết thêm một Phan Huy Đường khác nữa : tác giả của một quyển sách về việc áp dụng điện toán vào quản trị xí nghiệp ; dịch giả của một số nhà văn có tiếng trong và ngoài nước ; tác giả của một quyển sách triết tiếng Pháp, từng đấu khẩu với nhóm chủ trương Collège de Philosophie ; thành viên ban giám khảo của một buổi trình luận án ở Đại học Paris 8 (như nhân vật ngoài đại học được tác giả luận án mời ; trong số các vị đó, ngộ là bài phát biểu của anh lại có nội dung nhất). Có thể còn nhiều chiêu khác nữa mà tôi không biết. Trừ chuyện cuối đời lại rủ rê bạn bè xách bị, vác gậy Văn Chương đi… Ăn Mày.


Theo tôi, Đường đa dạng và đa tài được như thế là nhờ những thứ không biết phải gọi là “ thói hư ” hay “ phẩm hạnh ”. Đam mê và xác tín “ tới bến ” nói theo kiểu “ đại ngôn ” (nói đại) của người trong nước bây giờ. Một chiếc xe đẩy tới đẩy lui bán bắp rang cũng mang tên là Nữ Hoàng được. Vợ không cho đi nhậu nữa thì tuyên bố với bạn nhậu : “ Tao gác kiếm rồi ! ”. Có những quán “ Ăn là ghiền ”, và tất nhiên, không ít quán nhậu “ Tới bến ”.  


Đường không đại ngôn. Nhưng anh dám uống tới bến, chơi tới bến, và nhất là làm tới bến. Có lúc tôi đã nói đùa với anh : như một danh họa mà sự nghiệp có thể phân chia theo màu sắc thống trị được ưu ái (thời kỳ xanh, thời kỳ hồng...), cuộc đời Phan Huy Đường có thể chia làm ba thời kỳ, theo triết gia được anh trân trọng tới bến : có một Phan Huy Đường Phật tử, một Phan Huy Đường marxist, và một Phan Huy Đường sartrien, hè hè. Đây chỉ một lối gọi đùa, vì có một thời kỳ anh đọc các sách Phật bằng tiếng Pháp như của thầy Rahula, bằng tiếng Việt như của thầy Nhất Hạnh ; một thời kỳ sau anh đọc Marx và Engels khá kỹ ; và cuối cùng là thuyết hiện sinh của Jean-Paul Sartre. Ở mỗi thời kỳ, ngôn ngữ của anh, như của mọi thanh niên đang tự tìm đường, đều đậm chất tư tưởng của những tác giả anh yêu quý. Cả ba vị đều để lại nơi anh ít nhiều một dấu ấn nào đó.

*

Những năm 64, 65 có phong trào Phật tử đòi hòa bình ở VN và ở Pháp. Phan Huy Đường đến với nhóm Phật tử chúng tôi, và ngay từ đầu đã dám làm nhiều việc mà bản thân tôi cũng như nhiều bạn khác không dám.


Đường sớm quy y với thầy Minh Châu, trong khi tôi còn phân vân, giữa những hình thức tôn giáo mê tín thấy ở mẹ với những lời minh triết trong sách Phật, hay qua lời giảng của các thầy. Vừa quy y xong, ra sân thấy trên lầu có bóng hồng nhìn xuống, chẳng biết hai bên vẫy gọi, nháy nhó nhau thế nào mà sau đó Đường với nàng Louise bắt đầu hẹn hò. Để vận động hòa bình, trí thức Phật giáo trong nước ra một quyển sách kêu gọi đối thoại Đông Tây (tên tiếng Pháp là Dialogues), cần được bán và nhất là để vận động cho hòa bình. Thế là ngoài việc tham gia các buổi nói chuyện về cuộc chiến tranh ở VN trên đài phát thanh, anh mang sách ra quán ăn sinh viên Mazet – nơi một nhân vật Pháp tên là Mouna vẫn quen rao giảng chính trị vô chính phủ và chống chủ nghĩa “ cacapipitaliste ” –  bán, kêu gọi đối thoại, hòa bình. Dường như đa số sinh viên VN đến ăn ở đây, không quen gặp cảnh tượng này, đều thấy khó chịu, nên nhân thấy anh trọc đầu, bèn tặng cho anh nhãn hiệu “ Phật tử cuồng tín ”. Thật ra, chuyện Đường cạo trọc đầu không liên quan gì tới Đức Phật, bát chánh đạo, hay hòa bình. Tôi đoán là do bị cô Louise bám riết quá, chàng hoảng nên cạo trọc đầu như biện pháp nghi binh ngăn địch, cô nàng sợ đụng phải Đường Tăng chân nhân, rút lui có trật tự thật. Hè hè...


Cuộc chiến ở VN ngày càng ác liệt, Đường rời nhóm chúng tôi sang hoạt động ở hội Liên Hiệp Sinh Viên Việt Nam tại Pháp.  Tôi ít gặp anh trong thời kỳ marxist này.


Những người đọc các bài và sách dịch của Đường sau này chắc không thấy được hết công phu học tiếng Việt của anh. Được đào  tạo ở Jean-Jacques Rousseau, anh là “ tây con ” theo kiểu nói giễu không thân thiện của dân trường Việt chúng tôi những năm 63-64. Lúc đầu, tiếng Việt Đường viết ra, đọc lên nghe như văn các cụ đầu thời quốc ngữ, nhiều câu còn “ biện chứng ” với nhau như hai vế câu đối. Nhưng để viết báo, anh đã học viết tới bến. Điều ít ai ngờ là anh đã bắt đầu học viết từ loại báo chính trị khó nuốt nhất, nghe tên đã hoảng. Rồi qua những sách tiếng Việt anh đọc và dịch... dần dà hình thành vốn liếng của một người có thể Lang Thang Chữ Nghĩa từ khoa học sang triết học và văn thơ một cách khá an toàn như bây giờ.


Một chuyện tới bến khác. Khi “ Tòa án Russell ” về chiến tranh ở Việt Nam được thành lập, (1966), với những người chủ trương như Bertrand Russell, J.-P. Sartre và nhiều trí thức dấn thân khác, Đường rất phấn khích trước biến cố đánh dấu hình thức toà án phi nhà nước – toà án dư luận, toà án của lương tâm, của công dân và trí thức – chưa từng có, nhưng sẽ có nhiều con cái (*) về sau này. Thế là anh nhất quyết phải đến tận nơi, thế là khăn gói lên đường đi Stockholm, chỉ để sống một khoảnh khắc lịch sử đáng ghi nhớ và có lẽ để gặp Sartre mà anh đã bắt đầu ngưỡng mộ.

*

Nhưng sự đam mê và xác tín tới bến cũng giáng cho Phan Huy Đường nhiều đòn đau, để lại nhiều vết thương, và ít nhiều tạo ra ở anh cảm giác cô đơn.


Thành kiến nhẹ nhất là ý tưởng Đường “ không biết đùa ”. Thôi đi ! Ai mà không biết đùa. Nhưng đúng là anh thích tranh luận nghiêm túc hơn là đùa cợt, tuy anh hoàn toàn có khả năng tự kiềm chế trước người lạ, ngay cả câm như hến trước kẻ anh không ưa. Nặng hơn, là ý tưởng Đường “ không tôn trọng người khác ”, thích áp đặt, thậm chí xem anh như một thứ “ ủy viên chính trị ”, một “ cai tư tưởng ” ! Tào lao.


Chắc chắn là tranh luận tới bến đôi khi để lại những hậu quả ngoài ý muốn. Có lần một bạn văn ở Đức (?) sang, gặp Đường tại nhà Phan Nguyên. Chẳng biết hai ông tranh cãi gì, như thế nào, mà hết muốn gặp lại nhau nữa. Nhưng đây là chuyện cũng hiếm. Từng tranh luận nhiều lần với Đường, tôi không nghĩ anh thích hơn thua, mà như một nỗ lực tự buộc anh và đối thủ phải lô-gic với chính mình – một trò chơi khá lô-gic hình thức, mặc dù anh thường chê lý luận hình thức. Không biết từ hồi nào, có để tránh những cơn đau loại này mà sau mỗi câu, anh đều thêm “ hè hè ”, như một cách để nói “ chẳng có gì quan trọng ”, “ nói chơi thôi ”, “ nghe rồi bỏ qua nghe ”, v. v... Đấy không phải là thái độ tôn trọng người khác sao ?


Với bạn, Đường cũng tốt tới bến. Máy vi tính hư, tôi hỏi anh biết sửa không. Thế là anh giúp tôi sửa suốt hai ngày, tôi mệt nhoài dù chỉ ngồi xem, đến khuya buồn ngủ quá lăn ra ngủ, anh vẫn còn miệt mài. Đến chiều ngày hôm sau mới về. Muốn biết Đường quý bạn đến đâu, chỉ cần thấy anh tuyệt vọng ra sao mỗi khi một người bạn thân yêu ra đi, theo bất kỳ nghĩa nào của từ này.

Một lần, sau buổi hội thảo ở Aix-en-Provence, Đường say sưa kể với bọn tôi lúc uống cà phê tối, về dự án sống “ trong suốt ” với nhau cả đời giữa J.-P. Sartre và Simone de Beauvoir. Ngoại suy thêm từ sự phấn khích của anh, tôi giật mình ái ngại. Không chừng lý tưởng của ông này là con người, chứ không chỉ giới hạn vào vợ chồng hay bạn bè, phải sống với nhau trong suốt cả đời như vậy chăng ? – Đường ơi, nếu một phần đời sống của tôi còn ẩn khuất đâu đó trong vô thức và tiềm thức, thì dù tôi có muốn trong suốt với chính mình cũng chẳng xong, làm sao tôi có thể sống trong suốt với bạn được, và ngược lại ? Ông chỉ tự hành hạ mình thôi.

*

Thật ra, dù là trò chơi, với Phan Huy Đường cũng phải tới bến. Sân chơi cuối cùng của anh là trang mạng Ăn Mày Văn Chương, một cái tên từng gây lùm xùm, dù đã có lời giải thích ngay trên trang mạng của “ bang chủ ”. Không biết các bạn khác nghĩ sao, riêng tôi thì khá đơn giản. Anh là người có ý định lập một trang mạng để cả bọn bỏ vào đấy những gì mỗi người viết hay/và dịch được, như một kho lưu trữ. Anh là người sẽ cáng đáng việc đưa bài vở lên. Tại sao từ chối cho anh quyền đặt tên nó ?  Dù sao cũng chỉ là một tên gọi, khác gì những “ X Văn, Y Văn, Z Văn ” đã có ? Ở một mức độ sâu kín hơn, có thể tôi cũng đang nghĩ, trong một làng văn học đã có đủ thứ cấp bậc, tại sao lại không thêm được cấp ăn mày ?

Đường từng nói với tôi, giấc mơ cuối đời của anh là viết một quyển tiểu thuyết có tầm vóc. Không biết anh đã bắt đầu chưa, nhưng việc hoàn thành thì trễ rồi. Như vậy, Ăn Mày Văn Chương là tác phẩm cuối cùng của anh, anh đã cưu mang nó hơn 15 năm, và không biết từ bao giờ, anh đã dặn con trai giữ trang mạng này trong 10 năm nữa sau khi anh mất, dù không cập nhật (lời căn dặn ấy, cám ơn chị Phương Mai cho chúng tôi biết khi mọi việc tang lễ đã xong xuôi trọn vẹn).

Đường này, “ If wishes were horses, beggars would ride ”. Bang chủ hãy cứ cưỡi con Ăn Mày Văn Chương về cõi bên kia. Và ở đó, dù có làm gì, hãy cứ như thường lêj, chơi tới bến. Nhé.

Nguyễn Văn Khoa

                                                      St Denis, 20-10-2019

(bổ sung ngày 24.10.2019)


(*) Nhiều phiên toà quốc tế cũng mang tên "Toà án Russell", và được tổ chức theo cùng một mô hình, đã diễn ra ở nhiều nơi từ 1973 đến 2014.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Dấu Ấn Ký Ức: Trí thức Việt trên đất Pháp 18/05/2024 13:00 - 19:00 — Trung tâm văn hoá Việt Nam tại Pháp (Centre Culturel du Vietnam en France), 19 rue Albert, Paris 75013
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Rencontre avec Alain Ruscio 28/05/2024 18:00 - 20:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville - 79 rue Nationale, Paris 13e
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss