Tôn Thị Tĩnh (Hồ Thanh Tâm) 1941-2022
Tin buồn
Tôn Thị Tĩnh (Hồ Thanh Tâm)
(1941-2022)
Chúng tôi được tin chị Tôn Thị Tĩnh (Hồ Thanh Tâm, sinh ngày 15.5.1941), hiền nội của nhà văn NGUYÊN NGỌC, vừa tạ thế đột ngột tại Hội An lúc 19g45 ngày 2-5-2022, thượng thọ 82 tuổi.
Lễ động quan sẽ được tiến hành vào lúc 14g ngày 5-5-20022.
Linh cữu sẽ được an táng tại Nghĩa trang Nhân dân thành phố Hội An.
Xin chia buồn với anh Nguyên Ngọc và toàn thể tang quyến.
Mong anh và cháu Phương sớm vượt qua nỗi đau.
Diễn
Đàn
Nhà văn Nguyên Ngọc kể về vợ mình
– chị Tôn Thị Tĩnh (Hồ Thanh Tâm)
Độc giả không
biết nhiều thông tin về gia đình nhà văn Nguyên Ngọc vì ông rất ít khi
đề cập.
Lần hiếm hoi ông kể lại “chuyện tình” của mình với vợ – chị Tôn Thị
Tĩnh (Hồ Thanh Tâm) –,
sau đó thêm đoạn ngắn kể về việc vợ sinh con, là trong hồi ký Đồng bằng.
Văn Việt xin trích đăng đoạn liên quan.
Văn
Việt
Đầu 1965 tôi rời vùng Đông, trở về khu căn cứ tỉnh Bình Định đóng ở
vùng ven núi Cát Sơn, huyện Phù Cát. Ghé qua chỗ cơ quan tỉnh đội báo
cáo tình hình, tình cờ gặp Hà Giao, bấy giờ làm cán bộ tuyên huấn tỉnh,
thỉnh thoảng có đôi sáng tác gửi báo và tạp chí quân khu.
Giao bảo :
– Vừa mới có một đoàn cán bộ miền Bắc bổ sung vào cho tỉnh. Có một cô
gái xinh lắm, tên là Tâm, nghe nói đại học hóa.
Chẳng hiểu sao tôi đoán ngay Tâm chính là Tĩnh, “em gái” tôi. Ngày
ấy cán bộ đi Nam đều phải đổi tên. Chắc Tĩnh đã đổi tên Tâm. Đại học
hóa thì chính là em rồi.
– Ở đâu? – Tôi hỏi.
– Ngoài trạm giao liên.
Tôi rủ Hà Giao, hai anh em bóp đèn pin, lội rừng suốt hai giờ, ra tận
trạm giao liên tìm.
Đêm ấy ở trạm giao liên Cát Sơn có tổ chức biểu diễn văn công, người
đông như hội. Tìm mãi không thấy.
– Hay là nó vào sau hậu trường xem người ta hóa trang.
Tôi sục vào đấy. Đúng ngay !
Vừa thoáng thấy tôi, Tâm chạy ùa ra, ôm chầm :
– Trời, sao bảo anh chết rồi mà !
Tôi cầm quyển vở gõ nhẹ lên đầu em :
– Anh là bất tử, biết chưa, chết thế nào được… Thôi, ta vào xem văn
công đi.
– Em không xem nữa. Ra ngoài này đi anh.
Hai anh em kéo ra một góc sân, ở đấy có một cây dừa đổ, ngồi nói chuyện.
Tĩnh đi tập kết năm mới mười hai tuổi. Ngày ấy chúng tôi đi tuyển văn công, thấy cô bé nào coi được được thì cứ lôi bừa đi, ra Bắc sẽ huấn luyện. Cô bé Tĩnh, mười hai tuổi, dân xứ dừa Tam Quan trở thành văn công sư đoàn 324 tập kết như vậy. Ít lâu, thấy chẳng có năng khiếu nghệ thuật gì đặc biệt, sư đoàn cho “chuyển ngành” đi học trường miền Nam ở Hải Phòng. Nghỉ hè em thường về chỗ Văn nghệ Quân đội 4 Lý Nam Đế với tôi đôi ba bữa. Hoặc thỉnh thoảng tôi xuống Hải Phòng thăm, hai anh em đi lang thang ven bờ sông Lấp… Năm tháng đi qua. Chúng tôi thương quý nhau như ruột thịt. Cô bé có lần cắt amidan viết thư báo cho tôi : “Anh ơi, em đã cắt cổ xong rồi!”…
Tháng 5-1962, sau một tháng tập trung huấn luyện ở sư đoàn 338 tại Xuân Mai, chúng tôi được về phép thăm Hà Nội một ngày. Một ngày cuối cùng chào từ biệt Hà Nội, cũng có thể là vĩnh biệt, trước khi lên đường vào chiến trường. Tôi đi lang thang khắp các phố, nhìn ngắm từng ngôi nhà, từng mặt người. Hà Nội của tôi, có còn bao giờ trở lại?
Tình cờ gặp Tĩnh ở ngã tư Cửa Nam. Đã
là một cô gái dong dỏng cao, hai đuôi tóc dài, mắt hơi hiếng một chút
lúc nhìn tôi đăm đăm. Sinh viên hóa năm thứ ba rồi. Em bảo :
– Em đi tìm mua cái kính, em bị cận thị, anh ạ… Anh đi đâu mất tăm mấy
tháng nay ?
– Anh sắp đi học xa đây.
Ngày ấy, nói vậy là hiểu : sắp đi chiến
trường.
Tôi nắm tay em :
– Anh đi nhé.
Tĩnh bảo :
– Em cũng sẽ đi học xa đấy.
Cuộc chia tay chỉ có vậy.
4 giờ chiều xe đã đón chúng tôi trước Nhà hát Nhân dân. 12 giờ khuya
đêm ấy lên đường…
Và bây giờ lại gặp nhau giữa chiến trường. Tôi nhớ đêm ấy máy bay
“mô-hốc” (*), loại máy bay trinh sát
dài, đen trùi trũi, bay rất nhiều, sà thấp, len cả vào các hẻm núi hẹp.
Đó là loại máy bay chuẩn bị cho B52 vài ngày sau sẽ đến “làm ăn”.
Mặc kệ “mô-hóc”.
Hai anh em ngồi trên gốc dừa đổ, kể đủ thứ chuyện.
Tôi trách :
– Sao em để cho con Năm nó đi lấy chồng sớm thế ?
Năm cũng là một cô bé tập kết theo kiểu như Tĩnh.
– Em ngăn thế nào được. Mà anh cứ lo lung tung, bộ anh coi bọn em còn
con nít cả à… Năm nó tốt, anh đừng lo. Nông dân vậy mà rất dễ say đắm.
Lâu lắm, tôi mới hỏi được
– Còn em ?
– Em thì chưa có gì đâu
Tôi nắm tay em, thương quý, giản dị,
trong sáng như ngày xưa hai anh em nắm tay nhau đi dọc bờ sông Lấp…
Tối hôm ấy tôi ở lại trạm giao liên. Tĩnh – bây giờ đã là Tâm – cho tôi
một quyển lịch tay mang từ Hà Nội vào.
– Thỉnh thoảng viết thư nhé.
– Nếu còn sống.
– Tất nhiên…
Chúng tôi treo võng ngủ, mỗi đứa một nhà. Sáng hôm sau, tôi trở về quân
khu, tận Quảng Nam. Tĩnh ở lại Bình Định.
Đó là lần gặp nhau duy nhất ở chiến trường.
Cuối 1967, trong một hội nghị chuẩn bị xuân Mậu Thân, Lê Hoài Nam phóng
viên báo Cờ Giải phóng Khu 5 vừa đi công tác Bình Định về, gọi tôi ra
một góc rừng, thầm thì báo một tin sét đánh : Con Tâm bị địch bắt rồi !
Bọn sư đoàn không vận Mỹ. Nghe nói nó bắn gãy chân rồi bắt.
Mấy ngày sau, chúng tôi lao xuống Quảng
Đà. Tổng tấn công Tết Mậu ThânVề sau, gặp anh em Bình Định ra khu họp,
nhiều lần tôi dọ hỏi tin Tâm. Anh em bảo: nó cừ lắm. Nổi tiếng ở nhà
lao Phú Tài. Nó vào tù, tự tổ chức chi bộ, bắt liên lạc ra với tỉnh ủy.
Đã liên lạc được rồi…
Lần khác, dọ hỏi, lại nói:
– Có tin Tâm bị chúng nó thủ tiêu rồi !
Lá thư duy nhất Tâm gửi cho tôi – lá
thư vẫn rất học trò, viết trên giấy pơ-luya hồng, lại cắt rìa đăng-ten
lăn tăn – tôi đánh mất cái hôm tôi và Bùi Minh Quốc bị bọn Nam Triều
Tiên đuổi gấp quá, hai đứa chạy băng bừa qua một bãi mìn dày đặc của du
kích ven sông La Thọ, Điện Bàn, chẳng hiểu sao không quả nào nổ. Chỉ
đánh mất lá thư.
Hơn mười năm sau, sống với nhau rồi, Tâm hỏi:
– Sao đêm ở Cát Sơn, anh không tỏ gì với em cả ? Sau đó em chờ thư,
cũng chẳng thấy anh nói gì. Bụng dạ anh còn để đâu đâu, phải không ?
Thật tình, ngày ấy tôi không thể nói gì với em thật. Chính trong tôi,
đã có gì rõ ràng đâu. Một tình cảm thật đẹp, nhưng mơ hồ. Còn em thì đã
quyết, tôi không ngờ.
Lúc ở tù, bảy năm ròng, Tâm có làm nhiều thơ. Về sau chị Ý Nhi có chọn
in mấy bài trong một tập do Nhà xuất bản Giải Phóng ấn hành. Thơ toàn
nói về lòng kiên cường, chung thủy, với cách mạng, và với một tình yêu
đơn phương.
Đọc thơ em, tôi mới biết rõ cái tội tày đình của tôi.
Tôi quen Ý Nhi cũng là từ đấy, hôm chị mang nhuận bút đến cho Tâm : 36 đồng 5 hào !
……………………………………….
Tôi nhớ ngày vợ tôi sinh đứa con đầu lòng. Chúng tôi cưới nhau khi tôi
đã 43, Tâm đã 33 tuổi. Tôi biết suốt chín tháng mang thai, Tâm có một
ám ảnh ghê gớm: cô ấy đã bị bao nhiêu trận chất độc hóa học, chất “màu
da cam” Mỹ, có hôm máy bay Mỹ rải hóa học, Tâm bị ướt đẫm như tắm. Lại
tù tội, tra tấn đủ kiểu. Tôi cũng chẳng hơn gì.
Hôm Tâm sinh, anh Vũ Cao đèo tôi bằng xe đạp vào bệnh viện 108. Người
ta không cho vào phòng hộ sinh. Hai anh em trèo lên cửa sổ, gõ gõ vào
cửa kính. Tâm bế cháu, đưa cao lên cho tôi nhìn thấy. Em cười. Đứa bé,
con gái tôi, nhỏ xíu, đỏ hỏn, nhăn nheo… nhưng mà lành lặn, đủ tứ chi,
và… nguyên vẹn một con người !
Tâm nhất định không chịu sinh đứa thứ hai. Tôi biết ba tôi – sau ngày
giải phóng tôi gặp lại ông ở Đà Nẵng – ba tôi im lặng nhưng không vui.
Tôi là con trai cả. Ông mong một đứa cháu nội đích tôn. Nhưng Tâm không
nghe. Chất độc hóa học đã “tha” chúng tôi lần đầu. Lần thứ hai, biết
đâu…
Tâm chỉ thật sự yên lòng khi con bắt đầu biết nói. Em bảo : Em còn lo
nó… câm !
Nhưng chất độc hóa học, hiểm ác đấy, cũng chỉ là một phần nhỏ của cuộc
chiến.
Tôi đã nói, ở trên : người lính thực sự từ chiến tranh trở về bao giờ
cũng cô đơn. Một sự cô đơn bên trong, vô lý nhưng có thật. Bởi vì chiến
tranh, sự giết nhau, người giết người, khổng lồ, hàng triệu, hàng
triệu, làm thay đổi thế giới. Cách nhìn thế giới, cõi người.
Tôi chỉ là kẻ nghiệp dư. Nhà văn nghiệp dư, lính nghiệp dư. Vừa ở ngoài
rìa, vừa ở tận đáy chiến trận. Đối với tôi, thế giới, cõi người cũng
thay đổi sau cuộc chiến. Tự tôi cũng không còn, không thể như trước.
Nhưng là thế nào ? Hẵng xem. Chưa biết. Song tôi mơ hồ hiểu rằng sẽ
phải làm lại tất cả, bắt đầu lại tất cả, một cách khác. Cách nào? Chẳng
dễ gì nói được, biết ngay được. Với quá khứ ấy, hiện tại này, và ngày
mai kia.
Không có mô tả.
Còn đây là câu trả lời của nhà văn Nguyên Ngọc trong bài phỏng vấn Nguyên Ngọc, ông là ai ?
(Ngô Thị Kim Cúc thực hiện) :
Ông có thời gian dành cho gia đình
không? Vợ ông từng là một tù chính trị nổi tiếng ở miền Nam. Bà có đủ
khỏe mạnh để “đương đầu” với cuộc sống hiện nay?
– Tôi ân hận vì không dành được bao nhiêu thời gian cho gia đình.
Tôi là kẻ vác tù và hàng tổng, đi quanh năm suốt tháng. Vợ tôi bị Mỹ
bắt nên là tù binh, đã qua hầu hết các nhà tù miền Nam suốt 7 năm trời.
Bị tra tấn nhiều vì ngang bướng nổi tiếng, nên bây giờ cô ấy rất yếu.
Trong dấn thân của mình cho đến hôm nay, tôi nghĩ tôi có một hậu phương
vững chắc ở cô ấy ”.
(*) Máy bay
thám thính Grumman OV-1 Mohawk
(chú thích của Diễn Đàn).
Các thao tác trên Tài liệu