Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Trần Văn Dĩnh (1923-2011)

Trần Văn Dĩnh (1923-2011)

- Ngô Vĩnh Long — published 08/10/2011 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22



TRẦN VĂN DĨNH
(1923-2011)


Ngô Vĩnh Long



TS Trần Văn Dĩnh đã từ trần tại nhà riêng ở Hoa Thịnh Đốn tối ngày 4 tháng 10, năm 2011, hưởng thọ 88 tuổi.

dinh

Ông là một nhà ngoại giao, nhà văn, nhà báo, và nhà giáo được nhiều người tại Mỹ biết đến và mến phục.

Sau một thời gian làm trong ngành ngoại giao và phục vụ ở Thái Lan và Miến Điện, ông đã về Việt Nam làm phụ tá cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tháng 10 năm 1960 ông được cử làm Tổng Giám Đốc Thông Tin (hàng bộ trưởng) và thành viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1961 ông được cử sang Hoa Thịnh Đốn làm đại biện dưới quyền của Đại sứ Trần Văn Chương, cha đẻ của bà Trần Lệ Xuân (vợ của ông Ngô Đình Nhu.) Sau khi ông Trần Văn Chương từ chức năm 1963 vì biến cố Phật giáo tại miền Nam, ông Trần Văn Dĩnh được cử làm quyền đại sứ và đảm nhiệm thêm chức đại sứ Argentina và Brazil.

Cuối năm 1963 ông Dĩnh đã từ chức đại sứ và bắt đầu viết văn, viết báo và dạy học. Ông dạy một số lớp về “nhân văn Á Châu” (Asian Humanism) tại một số trường như State University of New York, Old Westbury and the DagHammarskjold College at Columbia, bang Maryland. Năm 1965 ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay về Việt Nam với tựa đề No Passenger on the River. Năm 1983 ông xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai tên Blue Dragon, White Tiger : A Tet Story.

Nhiều người biết đến ông Dĩnh vì hàng trăm bài lớn nhỏ ông đã đăng trên các tờ báo và tập san như : The New York Times, the Christian Science Monitor, the New Republic, the Progressive, the Washingtonian, the Christian Century…. Ông rất hãnh diện khi được tờ National Geographic cử về Việt Nam (năm 1988-89) để viết về Huế, nơi chôn nhau cắt rốn của ông.

Ngoài những bài báo ông cũng đã xuất bản hai cuốn sách giáo khoa rất có giá trị : Independence, Liberation, Revolution: An Approach to the Understanding of the Third World (1986) và Communication and Diplomacy in a Changing World (1988). Hai cuốn sách nầy ông viết khi còn làm giáo sư về “chính trị quốc tế và thông tin” (International Politics and Communications) tại Temple University, thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania. Năm 1984 ông về hưu non, nhưng tiếp tục làm giáo sư danh dự (professor emeritus) cho đến năm 1990.

*

Tôi đã được may mắn gặp anh Dĩnh (đây là cách xưng hô của anh ấy và tôi với nhau, mặc dầu anh ấy lớn hơn tôi gần 22 tuổi) cuối năm 1965 hay đầu năm 1966. Tôi không còn nhớ rõ lúc nào, nhưng lý do là do một số người quen bảo tôi nên viết thư hỏi ý kiến anh ấy về một vài vấn đề mà tôi lúc đó phải đương đầu. Một trong những vấn đề đó là việc tòa đại sứ chính quyền miền Nam tại Hoa Thịnh Đốn không chịu gia hạn hộ chiếu của tôi và chính phủ Mỹ đòi trục xuất tôi vì tôi đã cùng các giáo sư quen thân như Noam Chomsky và Howard Zinn (đã qua đời cách đây hai năm) đi đến nhiều đại học thuyết trình về sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam cũng như đã tham dự cuộc biểu tình có khoảng 25 nghìn người tại Hoa Thịnh Đốn ngày 14 tháng 4 năm 1965 sau khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng đầu tháng 3 năm ấy. Anh Dĩnh khuyên tôi hỏi cho rõ, qua đại học Harvard, là tại sao chính quyền miền Nam không chịu gia hạn “giấy thông hành” của tôi và tại sao chính phủ Mỹ đòi trục xuất tôi. Chính quyền Saigon vu cáo tôi là Cộng Sản và chính phủ Mỹ cho biết là vì tôi không có “valid passport.” Anh Dĩnh lại khuyên hỏi rõ thêm là tại sao chính quyền Saigon nhất quyết nói tôi là Cộng Sản, thì chứng cứ họ đưa ra là vì tôi chống chính sách của chính quyền Saigon và của Mỹ. Sau đó, với nhiều thư qua lại giữa đại học Harvard, bộ ngoại giao Mỹ, v.v., tôi được cho phép tiếp tục ở lại Mỹ để học cho xong nhưng không được giấy tờ gì cả và không được phép đi ra khỏi nước Mỹ nếu muốn trở lại.

Từ sự kiện trên tôi càng ngày càng quen thân với anh Dĩnh và sau đó với vợ anh ấy (chị Vũ Thị Nương) và trưởng nam của anh chị là Trần Vũ Zũng. Tôi có gặp thứ nam của hai anh chị là Trần Vũ Tuấn nhiều lần nhưng không có dịp quen thân.

Anh Dĩnh và chị Nương cả hai đều thấm nhuần những quan niệm đạo đức của Phật học và rất thương người cũng như yêu chuộng hòa bình. Do đó, mặc dầu anh Dĩnh có quen lớn với nhiều người trong chính quyền Mỹ cũng như chính quyền Việt Nam trong những năm còn chiến tranh, anh ấy luôn ủng hộ những hoạt động vì hòa bình của nhiều cá nhân và nhóm tại Mỹ cũng như tại nhiều nước trên thế giới. Anh ấy cho tôi biết là anh và chị đã rất xúc động trước phong trào dân quyền tại Mỹ do mục sư Martin Luther King lãnh đạo. Anh ấy cũng ủng hộ các chính sách trung lập của những nước như Ấn Độ và vì thế đã thường trao đổi thư từ với bà Indira Gandhi, thủ tướng Ấn Độ.

Tôi không có dịp đọc được những bức thư nầy, nhưng tôi cũng là một trong những người đã thường trao đổi thư từ với anh Dĩnh mãi cho đến những năm gần đây và có làm nhiều việc chung với anh ấy. Một ví dụ là khi tôi được người bạn thân tên Martin Smith mời làm tư vấn cho chương trình 20 tiếng về Chiến Tranh Lạnh (Cold War) mà anh Smith thực hiện cho BBC và CNN thì tôi cũng đã mời anh Dĩnh tham gia.

Cái tính rất quí của anh Dĩnh là anh ấy cố gắng giữ quan hệ, mặc dầu đối với những người không thân, để khi có dịp thì tranh thủ họ làm những việc có lợi cho nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung. Qua sự giới thiệu của anh Dĩnh, một số quan chức lớn trong chính phủ Mỹ đã yêu cầu gặp tôi trong chiến tranh cũng như sau chiến tranh để tôi trình bày các vấn đề liên quan đến Việt Nam và khu vực.

Tháng 6 vừa qua tôi lại cho dịp đến thăm anh Dĩnh và chị Nương. Lúc ấy anh Dĩnh mới vừa đi cấp cứu ở nhà thương về chỉ được có mấy ngày vì chân anh ấy bị viêm nặng. Mặc dầu đi lại rất khó khăn, trong suốt mấy tiếng đồng hồ nói chuyện với nhau anh ấy thường đề cập đến những việc có thể làm được để giúp cho nhân dân Việt Nam. Riêng tại Mỹ, anh ấy cứ nhắc đi nhắc lại là mùa bầu cử sắp đến nên phải đi giúp cổ động phiếu cho các ứng cử viên để tạo quan hệ tốt với họ hầu sau nầy có tiếng nói cho Việt Nam.

Tôi không ngờ đó cũng là lần cuối tôi gặp anh Dĩnh. Ngày 4 tháng 10 vừa rồi tôi được cô Lê Anh Tú, con của em gái chị Nương, báo tin cho tôi biết là anh Dĩnh đã qua đời vì ngã cầu thang giữa đêm. Lòng tôi man mác, không biết nói gì hơn là nhờ Tú gởi lời chia buồn của tôi đến toàn thể gia đình. Đây là một gia đình mà hầu hết mọi người đều rất tiến bộ trong những lãnh vực của mình. Chị Nương là một họa sĩ danh tiếng có tranh trưng bày ở nhiều nơi, trong đó có bảo tàng Pushkin ở Moskva và Fine Arts Collection của Thư viện Quốc gia của Mỹ tại Hoa Thịnh Đốn. Nhưng quan trọng hơn là chị Nương đã dùng nghệ thuật để phụng sự hòa bình và công bình xã hội. Riêng Lê Anh Tú, người bạn rất thân của tôi từ những năm cuối thập kỷ 60,  đã hoạt động rất tích cực gần một thập kỷ để đem lại hòa bình cho Việt Nam.


Ngô Vĩnh Long

Bangor, Maine, ngày 7 tháng 10 năm 2011



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss