Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Trường hợp Võ Phiến

Trường hợp Võ Phiến

- Hà Duy — published 01/10/2015 02:25, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22

Trường hợp Võ Phiến


Hà Duy


Đôi lời cùng bạn đọc


Chúng tôi đăng lại dưới đây một bài viết đã công bố trên tạp chí Đoàn Kết (số 389, tháng 3-1987). Gần 30 năm đã trôi qua. Đọc bài này, chắc không ít độc giả – nhất là các bạn trẻ – không khỏi ngạc nhiên, và khó “giải mã” một đôi điều. Chúng tôi chỉ xin nhắc lại bối cảnh 28 năm về trước của báo chí, của Ban biên tập Đoàn Kết.

Từ năm 1976, Đoàn Kết – trong thời kỳ 1968-1975 là “tiếng nói” của Liên hiệp Việt kiều tại Pháp – trở thành “cơ quan chính thức” của Hội người Việt Nam tại Pháp. Trong khuôn khổ ấy, Ban biên tập cố gắng cung cấp những thông tin trung thực và từng bước mạnh dạn nêu lên những vấn đề thực chất của đất nước. Lật lại những trang báo thời ấy, qua những “thư độc giả” (thật và giả), người ta có thể hình dung một phần nhỏ những sức ép từ nhiều phía (các xu hướng hội viên, độc giả ngoài hội, chính quyền Việt Nam ở trong nước hay thông qua đại sứ quán). Cũng xin nhắc lại là, năm 1991, toàn bộ Ban biên tập đã trao lại tờ báo cho HNVNTP và sáng lập tờ báo độc lập Diễn Đàn.

Bài “Trường hợp Võ Phiến” được đăng trang 39, bên cạnh bài “Anh Bình Định con chim én và những đám khói” ký tên Nam Chi (bút hiệu của Đặng Tiến) giới thiệu tập “Tuỳ Bút I” của Võ Phiến. Có lẽ đây là lần đầu tiên, tờ báo đăng bài giới thiệu, và giới thiệu trân trọng, tác phẩm của nhà văn bị xếp là đứng đầu những “tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận tư tưởng”. Thời điểm, xin nhắc lại, là tháng 3-1987. Lúc đó, về mặt chính trị, Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) đã chính thức “đổi mới”. Nhưng “mặt trận văn hoá”, giống như tên cuốn tiểu thuyết của Erich Maria Remarque, vẫn “không có gì mới”. Phải mấy tháng sau, tuần báo Văn Nghệ mới đăng “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, từng bước trở thành “báo Văn Nghệ” với tổng biên tập Nguyên Ngọc. Ban chủ biên Đoàn Kết gần như không cần bàn cãi, đã quyết định tôi phải viết bài “chữa cháy”, hay đúng hơn “dập lửa trước khi nó bùng lên”. “Bảo vệ” tác giả bài phê bình, mà còn "bảo vệ” luôn cả tác phẩm và tác giả đối tượng bài phê bình. Vì không khí “Quận Cam” cách đây 30 năm còn ồn ào sát khí. Hai ba năm trước, hai nhà văn Nguyễn Mộng Giác và Nhật Tiến đã trải qua những trận “đấu tố” tới bến, chỉ vì bị nghi ngờ là “tiếp tay Việt Cộng”. Những vụ ám sát hay đả thương Edward Cooperman, Nguyễn Văn Luỹ, Đoàn Văn Toại, Ngô Vĩnh Long... còn in rõ trong trí óc mọi người. Báo chí, văn học Việt Nam, ở trong nước còn ở thời kỳ “tiền – Tướng về hưu”, ở hải ngoại chưa bước sang thời kỳ “Hợp Lưu”. Nhiều năm sau, Phạm Duy còn phải lên “kế hoạch” chuẩn bị dư luận cả năm trời trước khi về nước lần đầu tiên.

Trường hợp Võ Phiến” được viết trong bối cảnh ấy, và con đầy ắp những “âm thanh và cuồng nộ” của cả một thời. Nhà văn Võ Phiến nay đã yên nghỉ bên bờ đông Thái Bình Dương. Để tưởng nhớ ông, tôi xin đăng lại nguyên văn bài viết – mà trong cuộc điện đàm với ông gần mười năm sau, tôi được biết ông đã đọc – không thay đổi gì hết. Nếu bây giờ viết lại, có lẽ tôi chỉ xin thêm vào câu cuối : “Trong trường hợp Võ Phiến, phải chăng đó là một sự may mắn cho ông ta ?” một câu chót : “Và cho văn học Việt Nam”.

Nguyễn Ngọc Giao


Trong số này Đoàn Kết khởi đăng loạt bài của Nam Chi về tập “ Tùy bút (1) ” của Võ Phiến vừa xuất bản tại Mỹ. Chuyện “ ngược dòng ” này chắc sẽ làm ngạc nhiên không ít bạn đọc, ít nhất trong những người biết – thích hoặc ghét – Võ Phiến. Văn học Việt Nam hết chuyện đáng nói hay sao mà Đoàn Kết lại đi giới thiệu tác phẩm của người đứng đầu « những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa-tư tưởng » (đây là tựa đề một cuốn sách của nhà xuất bản văn hóa, Hà Nội, 1980, trong đó bài của Vũ Hạnh viết về Võ Phiến được xếp hàng đầu) ? Hay là gần đây, sau mười hai năm tha hương, Võ Phiến phải chăng đã có “ chuyển biến ” và Đoàn Kết muốn “ tranh thủ ” ? Hoặc, xảo quyệt, độc địa hơn nữa, Đoàn Kết muốn dùng kế ly gián, xui những nhà chống cộng chuyên nghiệp ở Mỹ xúm tại đập tác giả “ Tùy bút (1) ” như họ đã đả kích hai nhà văn Nhật Tiến và Nguyễn Mộng Giác cách đây một hai năm ?

Xin thưa ngay : Võ Phiến vẫn là Võ Phiến, nghĩa là ông ta chưa hề thay đổi lập trường chính trị cố hữu từ ba mươi năm nay. Cùng năm 1986, cùng nhà xuất bản Văn nghệ (California) đã ấn hành cả “ Văn học miền Nam tổng quan ”, trong đó Võ Phiến viết về « Văn học miền Nam 1954-75 » để bảo vệ cái mà ông cho là đang bị cộng sản « huỷ diệt », chống lại « văn học giải phóng », vì theo Võ Phiến, những văn nghệ sĩ thuộc dòng văn học này « đều được phái từ ngoài Bắc vào ». Chắc không phải ngẫu nhiên nếu như “ Văn học miền Nam tổng quan ” không hề nói tới “ Nguời tị nạn ” và tác giả của nó là Lê Vĩnh Hòa, mặc dầu nhà văn miền Nam này chưa hề đặt chân ra ngoài Bắc, từ bé đến lớn đã sống ở miền Nam, kể cả trong nhà tù của chế độ Sài Gòn và đã hy sinh dưới bom đạn Mỹ. Liệt sĩ Lê Vĩnh Hoà tên thật là Đoàn Thế Hối, em ruột của Đoàn Thế Nhơn (tên thật của Võ Phiến).

Những ai biết Võ Phiến qua những tác phẩm đầu tay (xuất bản từ năm 1957) đều rõ Võ Phiến chống cộng sâu xa đến mức nào. Đúng như Vũ Hạnh nhận xét, « phương thức chợt đánh, chợt lui, học đòi du kích », « những ý phản động mang cái lốt giản dị, tô điểm ít nhiều trí tuệ, ra điều đó là kết quả của sự suy nghĩ sâu xa » của Võ Phiến đã tỏ ra hiệu quả đối với tầng lớp trí thức thành thị miền Nam, hơn hẳn « những đao to búa lớn của những loại bồi bút chống cộng nhan nhản bấy giờ ». Từ sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Võ Phiến một phần vì hoảng hốt, phần khác chắc cũng cạn nguồn sáng tác truyện ngắn và truyện vừa, nên không ngần ngại kêu gọi làm vè chống cộng, và bản thân ông ta viết những bài tạp luận chính trị chống cộng thô bạo. Lo sợ trước viễn tượng « Mỹ cút, ngụy nhào » , chiều hôm trước của Hiệp định Paris, Võ Phiến tự trấn an và trấn an người khác như thế này :

« Phải công nhận Hoa Kỳ có cái này là vững chắc : toàn thể Hoa lục mất được, nhưng một chút đảo Đài Loan không mất, toàn thể Cuba mất cả, nhưng một chút căn cứ Guantanamo không mất, cả thành phố Bá Linh chìm sâu trong sự bao vây cộng sản, nhưng một khu vực Tây Bá Linh dù bị phong toả bức bách thế nào cũng vẫn trơ cùng tuế nguyệt. Nước bạn hơi yếu trong những công việc nhận định, tranh chấp nhập nhằng bằng lời lẽ úp mở, bằng tuyên truyền, v.v., nhưng khi trắng đen đã rõ ràng thì dù chỉ giữ một hạt bụi nước bạn cũng giữ chặt, sấm sét không lay chuyển nổi. ».

Và : « Kể ra không có gì buộc Mỹ phải vội vã đẩy chúng ta vào chỗ khốn cùng. Mỹ không thua sút ở chiến trường, không kiệt quệ ở hậu phương, Mỹ đã nặng lời thề thốt cùng chúng ta và các đồng minh tham chiến tại Việt Nam... Duy có một điều, một phần dân chúng Mỹ không muốn đánh nhau và một phần dư luận thế giới không muốn Mỹ đánh nhau nữa. Như thế chưa đến nỗi khẩn bách. Mỹ có thể không vội vã, có thể đĩnh đạc khoan thai chấm dứt chiến cuộc trong danh dự. Nghĩa là đi đến một thỏa ước trong đó không có việc cắt đất cho địch, không có việc nhường quyền hành cho địch. » (“ Tạp luận ", 1973, trang 145).

Mười hai năm qua, Võ Phiến có thời giờ để suy ngẫm về cái « vững chắc » của « nước bạn », cũng như về sự minh mẫn của bản thân mình khi ông ta ca ngợi Nixon là « người hiền của quần chúng » : « một thế kỷ rưỡi trước đây, công dân Hoa Kỳ cũng tự tay cầm lá phiếu bầu người tài đức, bây giờ họ cũng tự tay bầu người tài đức » để « người hiền  Tricky Dick lưu nhiệm thêm bốn năm nữa tại « Tòa bạch ốc trong suốt như gương » (“ Tạp luận ”, trang 190). Mọi người còn nhớ, chưa đầy hai năm sau bài viết ấy, « người hiền » Nixon đã bay thẳng khỏi Nhà trắng trong hoàn cảnh nào, và non một năm sau, vào mùa xuân 1975, đại sứ Martin cũng đã bay thẳng khỏi Sài Gòn trong tư thế « khoan thai đĩnh đạc » tới chừng nào. Không phải vì ác ý mà chúng tôi viện dẫn dài dòng những đoạn “ văn ” nói trên của Võ Phiến – lịch sử tự nó cũng đủ công minh và trớ trêu lắm rồi. Những dòng ấy càng làm nổi bật những mâu thuẫn tập trung ở “ca ” Võ Phiến, biến nhà văn này thành một con người cô độc, bơ vơ, lạc lõng trong gia đình, giữa đồng nghiệp, bạn bè. Chống cộng một cách tinh vi thì lạc lõng giữa chợ trời tâm lý chiến ầm ĩ, xô bồ. Chống cộng hục hặc thì bài viết chưa khô mực đã bị ê chề, sượng mặt. Cả cái văn nghiệp chống cộng của Võ Phiến tự nó đã vô hiệu hóa, chứ chẳng cần gì « cộng sản hủy diệt ». Còn lại chăng, là những trang tùy bút mà Võ Phiến đã viết về quê hương, về kiếp tha hương, những chuyện mà chính ông gọi là « chuyện bọt bèo ».

« Chuyện bọt bèo », gọi như vậy, chắc vì chúng không góp phần vào « sự nghiệp chống cộng » của ông, cái sự nghiệp đã trở thành bèo bọt. Nam Chi đã có lòng tìm ra ở « chuyện bọt bèo » những giá trị văn học đáng trân trọng. Tôi không có gì để nói thêm, ngoài một nhận xét nhỏ : nếu lịch sử văn học còn giữ lại những trang tùy bút ấy, thì đấy cũng chẳng phải lần đầu xẩy ra những chuyện “ oái oăm ”. “ Oái oăm ” thường là một qui luật trong địa hạt văn học nghệ thuật. Một Balzac bảo hoàng hơn vua đã để lại sự nghiệp văn học đồ sộ được Marx và Engels hết lời ca ngợi, coi như nền tảng của chủ nghĩa hiện thực, không kể đến Tolstoi, Gogol, Dostoievski... mà sự nghiệp văn học so với lập trường chính trị, may thay, là một trời một vực. Nhắc lại những đỉnh cao đó của nền văn học thế giới, tôi không có ý đem Võ Phiến ra so sánh với các vị ấy, mà chỉ muốn nhắc lại một chân lý là : giữa đầu óc, ý đồ của nhà văn và tác phẩm của nhà văn, nhiều khi có một khoảng cách, một sự trái nghịch mà bản thân nhà văn đó không thể lường trước, không thể tưởng tượng và đó cũng là một trong những sự “ mầu nhiệm ” của văn chương. Trong trường hợp Võ Phiến, phải chăng đó là một sự may mắn cho ông ta ?


Hà Duy


Ảnh quét của nguyên bản trong báo Đoàn Kết số 389, tháng 3-1987 :


VP-HD
Có thể bấm chuột nút phải để xem rõ hơn



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us