Tưởng nhớ Nelly
Nelly Krowolski (1945-2022)
Tưởng nhớ Nelly
Tin Nelly Krowolski từ trần không đột ngột đối với ai đã biết tình hình sức khỏe của chị mấy năm gần đây. Đối với tôi, nó để lại một niềm ân hận : cách đây vài tháng, vợ chồng vào thăm chị ở cư xá người cao niên (EHPAD) Kremlin Bicêtre, thấy chị đi lại khó khăn nhưng vẫn hết mực tinh anh, chúng tôi đề nghị bữa nào sẽ hẹn với anh Tùng, chở anh chị ra quận 13 ăn cơm. Chị vui vẻ nhận lời, nhưng sau thấy anh Tùng hơi e dè, nên tôi cứ lần lữa.
Trước 1975, tôi chỉ đôi lần gặp Nelly, trong những buổi đông người. Khi thì tôi đi dự lóm xêmina dân tộc học của “Condo” (giáo sư Georges Condominas), hoặc khi tham gia một cuộc thảo luận về tình hình Việt Nam do Tập thể liên đại học vì Việt Nam tổ chức (Nelly tham gia công đoàn CFDT, nhiều nhiệm kỳ là thành viên Ủy ban quốc gia về nghiên cứu khoa học nhân văn và xã hội, Hội đồng khoa học và Hội đồng quản trị của Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học CNRS). Phải đến năm 1976, sau khi Hội người Việt Nam tại Pháp thành lập, thống nhất các tổ chức đã tham gia đấu tranh vì hòa bình, độc lập và thống nhất, tôi mới có dịp làm việc với anh Tùng trong ban biên tập báo Đoàn Kết, và từ năm 1991, báo Diễn Đàn. Từ đó, quan hệ hai gia đình chúng tôi mới trở nên thân thiết.
*
Nelly là kết quả mối tình của một lứa đôi gốc Ba Lan. Mẹ chị thuộc một gia đình bần hàn, di cư sang Pháp từ năm 1925 (lúc đó bà mới ba, bốn tuổi) như nhiều người Ba Lan, sang làm thuê ở các nông trang, hay làm công nhân mỏ than – một trong hai “làng Việt Nam” thành lập tại Pháp năm 1955-56, Noyant, nguyên thủy là một làng thợ mỏ, trong đó có nhiều công nhân Ba Lan. Cha chị tham gia quân đội Mỹ giải phóng nước Pháp (1944-45), sau này trở lại sống ở Mỹ. Thuộc dòng họ Kowalski (nghĩa là Forgeron, thợ rèn), môt danh tính khá phổ biến ở Ba Lan – và ở Pháp : tra Google, có tới 34 cáo phó mang tên Kowalski trong khoảng hai năm 2020-2022 – nhưng là nông dân ít học, khi ông nội của Nelly nhập cư vào Mỹ, ông đã viết không rõ nên bị nhân viên Mỹ ghi sai Kowalski thành Krowolski. Do đó, sinh thời có lẽ Nelly là người duy nhất trên đời mang tên họ này ! Mẹ chị cũng chỉ học xong tiểu học. Một mình nuôi con, với ý chí và năng lực, bà làm việc, từng bước thăng tiến, từ cấp nhân viên bình thường lên cấp “cadre” (tức là “cán bộ” : danh từ cán bộ được tạo ra ở Nhật – 幹部 kanbu – rồi di cư sang ta, qua Trung Quốc).
Nelly theo học xã hội học năm 1965 ở
Sorbonne, và gặp Nguyễn Tùng trên ghế giảng đường. Mối tình của họ nảy
nở, gắn liền với đam mê khoa học và nhiệt tâm với cuộc đấu tranh của
Việt Nam. Anh chị là đồng chủ biên công trình Un village du delta du
Fleuve Rouge : Mông Phụ (L'Harmattan, 1999, đã được dịch sang
tiếng Việt (Làng xã ở châu thổ Sông
Hồng, nxb Tri Thức, 2019)). Nelly Krowolski là chủ biên của cuốn Autour du riz: le repas
chez quelques populations de l'Asie du Sud-Est (L'Harmattan)
cũng như nhiều bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Slow Food (Ý). Đó là kết quả những
chuyến đi điền dã nhiều tuần nhiều tháng, từ Tây Bắc vào Tây Nguyên,
trong khuôn khổ hợp tác khoa học Pháp Việt, với sự hỗ trợ của Viện Viễn
Đông Bác Cổ (EFEO), Viện Dân tộc học Việt Nam – nhưng phải nhấn mạnh
sức chịu đựng phi thường của “ người con gái Ba Lan ” ấy : mang bệnh
thấp khớp từ thuở nhỏ, mà ba tháng trời phải nằm chõng tre ở Mông Phụ ;
hay trên chuyến xe lửa năm 1978, đi từ Đà Nẵng ra Hà Nội, không vào "toa
lét" được (vì quá bẩn), chị đã nhịn ăn nhịn uống suốt một ngày một đêm.
Nelly Krowolski trong một chuyến điền dã
ở xã Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, Quảng Nam (ảnh do gia đình cung cấp)
Có lẽ danh mục trước tác của Nelly chỉ thiếu một bài : đó là tường thuật một đám cưới không có chú rể ở Đà Nẵng đầu năm 1975. Đám cưới chỉ có cô dâu – chú rể thường được đại diện bằng một chú gà trống – thì không thiếu, khá phổ biến khi chú rể ở xa (thí dụ ở Pháp). Sau lễ cưới, cô dâu (Việt Nam) tìm cách ra nước ngoài để sum họp với chồng (có chị, tôi biết, phải làm “đám cưới trắng” với một chàng Tây, sang tới Pháp mới ly dị để... tái hôn với chồng). Đám cưới mà tôi muốn nói tới, thật là có một không hai. Trước bàn thờ dòng họ Nguyễn ở Điện Bàn, cô dâu là một người Pháp. Chồng cô du học ở Pháp, nhưng bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cắt sổ thông hành, không về được. Cô dâu ấy là Nelly Krowolski, được CNRS cử về Sài Gòn nghiên cứu vào đầu năm 1975, và đã ra Đà Nẵng trình diện nhà chồng.
*
Như đã viết ở đầu bài, phải từ năm
1991, khi thành lập báo Diễn Đàn,
chúng tôi mới có dịp gặp và biết chị Nelly nhiều hơn. Nguyên do cũng
giản dị : ngôi nhà của anh chị ở Savigny-sur-Orge rộng rãi, có vườn, đã
nhiều lần bị chọn làm nơi họp ban biên tập, hay chỗ lên khuôn báo
(trong những năm 1991-2006, báo ra hàng tháng), nghĩa là bộ sậu chủ
biên ăn chực nằm chờ trong hai ngày thứ bảy, chủ nhật. Hay những dịp có
anh chị em trong nước qua Pháp. Không kể những bữa rượu ngoại khóa kéo
dài tới 3, 4 giờ sáng (tôi ít dám tham gia những buổi này, nhưng thành
tích say của Nguyễn Tùng và của Phan Huy Đường, tôi được “báo cáo” khá
tường tận). Kể lại những chuyện vui (và không vui) này, tôi chỉ muốn
nói lên tài tiếp khách, bếp núc, bánh trái... của Nelly – đảm đang ít
nhất cũng bằng những phụ nữ đảm đang Việt Nam. Phải thêm : sức chịu
đựng (chồng và bạn chồng) và chỗ dựa tinh thần cho anh Tùng. Các chuyến
về nước khảo cứu của họ, về khoa học, phải nói là thành công. Nhưng về
mặt tinh thần, trong những năm khó khăn và sau này nữa, mỗi chuyến đi
là một cuộc xuống dốc tinh thần, một nguồn trầm cảm khôn nguôi của Nguyễn
Tùng.
Chỉ một điều đó thôi cũng đủ để cảm ơn,
vô cùng, chị Nelly. Và chúc anh Tùng thật nhiều nghị lực trong những
ngày tháng tới.
20.8.2022
Nguyễn Ngọc Giao
Các thao tác trên Tài liệu