Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Tưởng nhớ Ngô Vĩnh Long, nhà Việt Nam học và nhà hoạt động phản chiến danh tiếng

Tưởng nhớ Ngô Vĩnh Long, nhà Việt Nam học và nhà hoạt động phản chiến danh tiếng

- Nguyễn Thùy An và Douglas Allen — published 03/08/2023 17:30, cập nhật lần cuối 03/08/2023 23:54

Tưởng nhớ Ngô Vĩnh Long, nhà Việt Nam học
và nhà hoạt động phản chiến danh tiếng


Nguyễn Thùy An và Douglas Allen

(Bản tiếng Việt : Nguyễn Thùy An)


LTS. Diễn Đàn đã giới thiệu bản gốc (tiếng Anh) của bài này ngày 15.2.2023.
Dưới đây là bản dịch của TS Nguyễn Thuỳ An, đồng tác giả.


Nhà sử học và nhà hoạt động phản chiến nổi tiếng quốc tế Ngô Vĩnh Long qua đời tại bệnh viện St. Joseph ở Bangor, Maine vào ngày 12 tháng 10 năm 2022, hưởng thọ 78 tuổi. Là giáo sư sử học tại Đại học Maine từ năm 1985 cho đến khi qua đời, Tiến sĩ Long là học giả hàng đầu về chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Đông Dương, lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, lịch sử Đông Nam Á, và lịch sử Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Từ những năm học Đại học tại Harvard cho đến cuối đời, Ngô Vĩnh Long đã luôn là một nhà hoạt động xã hội trí thức (intellectual activist) và một nhà trí thức hoạt động xã hội (activist intellectual) can đảm. Ông thường mô tả mình là một người Việt yêu nước đầy tự hào, luôn quan tâm sâu sắc đến Việt Nam, đến quá khứ và những đau khổ của dân tộc Việt, cũng như đến Hoa Kỳ, quê hương thứ hai của ông. Ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất của cuộc đời mình, ông vẫn giữ vững tầm nhìn và hy vọng về một Việt Nam tốt đẹp hơn, một nước Mỹ bình đẳng hơn, và một mối quan hệ Việt-Mỹ ngày càng bền chặt.

Ngô Vĩnh Long đôi khi miêu tả bản thân - và được một số người khác xem – là một người theo chủ nghĩa hoà bình (a pacifist). Điều này chính xác nếu ta hiểu "người theo chủ nghĩa hoà bình" là người phản đối chiến tranh và người thúc đẩy hoà bình, hoà giải, và công lý. Nhưng Tiến sĩ Long không phải là típ người theo chủ nghĩa hoà bình cứng nhắc, luôn công khai lên án mọi biểu hiện bạo lực, chẳng hạn như những biểu hiện không phải lúc nào cũng bất bạo động của các nhà cách mạng chống thực dân và chống đế quốc để giành tự do, độc lập cho Việt Nam. Thay vào đó, Ngô Vĩnh Long luôn nỗ lực tìm tòi và đưa ra các giải pháp thay thế cho các phản ứng bạo lực đối với áp bức, bóc lột, và thống trị.

Phần lớn các ưu tiên và cam kết học thuật và hoạt động xã hội của Ngô Vĩnh Long bắt nguồn từ những ảnh hưởng được hình thành trong quá trình giáo dục của gia đình và những trải nghiệm thời trẻ của ông ở Việt Nam. Những ảnh hưởng và kinh nghiệm này đã định hình cam kết nói lên sự thật trước quyền lực của ông. Từ khi còn trẻ cho đến khi kết thúc cuộc đời, Ngô Vĩnh Long đã luôn tràn đầy thấu cảm trước những đau khổ được gây ra bởi con người mà người dân Việt Nam phải gánh chịu. Những đau khổ này cũng là thứ mà ông đã dành cả cuộc đời mình để xoa dịu. Ông tin vào việc đưa ra những phân tích độc lập, bất kể những rủi ro cá nhân và nghề nghiệp mà những diễn giải và hành động của ông buộc ông phải đối mặt từ Việt Nam và từ Hoa Kỳ. Ngô Vĩnh Long có một cam kết không thể lay chuyển, đó là nghiên cứu – và giúp người khác hiểu hơn – về những thực tế bạo lực và bất công về kinh tế, chính trị, và văn hoá của chủ nghĩa thực dân Pháp, chủ nghĩa thực dân mới Hoa Kỳ, chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc, và các biểu hiện thống trị khác trong thế giới đương đại.

Khi đưa ra những lập trường, cam kết, và hành động như vậy, Ngô Vĩnh Long không hề ảo tưởng. Ông hoàn toàn biết và chấp nhận những hậu quả tiêu cực mà chúng có thể mang lại cho cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của mình.1

Việc giữ vững những thế đứng mạnh mẽ và dũng cảm đó làm nên một phần danh tiếng của Ngô Vĩnh Long, nhưng đôi khi nó cũng gây ra những miêu tả thiên kiến, dễ gây hiểu lầm về ông. Tiêu đề cho cáo phó của Ngô Vĩnh Long trên tờ New York Times gọi ông là “Cột thu lôi [cho phong trào] phản đối chiến tranh Việt Nam.” Cáo phó của ông trên tờ The Boston Globe miêu tả ông là “một học giả về Việt Nam bị tấn công vì quan điểm của mình đối với chiến tranh.” Người ta có thể dễ dàng kết luận từ những ấn phẩm này và các ấn phẩm khác rằng Ngô Vĩnh Long là một trí thức không khoan nhượng, và là một nhân vật luôn tạo ra tranh cãi.2

Tuy nhiên, góc nhìn này về Ngô Vĩnh Long dễ gây hiểu lầm, bởi nó không giải quyết được câu hỏi mấu chốt: ai coi ông là cột thu lôi và là kẻ thù? Ngô Vĩnh Long rất thân thiện, khiêm tốn, tốt bụng, nồng hậu, và hiếu khách. Ông rất hào phóng dành thời gian cho các sinh viên, đồng nghiệp của mình và cho các học giả Việt Nam và châu Á khác, kể cả những người mà ông bất đồng ý kiến. Với bản thân và người xung quanh, Ngô Vĩnh Long thể hiện khiếu hài hước tuyệt vời, khả năng chơi chữ vô tận, và sự hào sảng hiếm có khi ông không ít lần cười nhạo chính mình. Góc nhìn phức tạp hơn này cho phép ta hiểu một cách trọn vẹn, sâu sắc hơn về tầm nhìn và di sản của Ngô Vĩnh Long với tư cách là một trí thức mẫu mực.

Sinh ngày 10 tháng 4 năm 1944, Ngô Vĩnh Long được đặt tên theo địa danh nơi mình được sinh ra: tỉnh Vĩnh Long, cũng có nghĩa là “vĩnh viễn thịnh vượng.” Thân phụ ông, Ngô Ngọc Tùng, là con trai của một gia đình nho sĩ gốc Bắc Ninh và là một nhà hoạt động trong phong trào chống thực dân Pháp trong những năm 1930. Thân mẫu ông, Hồ Thị Ngọc Viễn, đã bất chấp nguyện vọng của gia đình và bỏ trốn cùng cha ông vào Nam. Lớn lên vào cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, Ngô Vĩnh Long bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp và bởi cách mà cha mẹ ông và những người khác đồng cảm với cuộc đấu tranh chống thực dân của cách mạng Việt Nam. Ông từng hồi tưởng rằng, khi còn là một cậu bé, ông đã chứng kiến cảnh người Pháp giết nhiều người Việt và vứt xác họ xuống sông Mekong. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, ông kể lại khoảnh khắc “bơi cùng những xác chết trôi nổi trên sông,” và những trận ốm nặng sau những lần tắm sông đó.3

Cha ông từng khuyên ông đừng học tiếng Pháp, ngôn ngữ của “những kẻ man rợ” đang đô hộ Việt Nam, mà thay vào đó hãy học tiếng Anh.4 Người cha và cậu con trai nhỏ đã cùng nhau vượt trăm dặm đến Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), nơi họ mua một cuốn Great Expectations (Những Kỳ vọng lớn lao) của Charles Dickens. Suốt một năm sau đó, Ngô Vĩnh Long và cha ông đã đọc Dickens mỗi ngày và đoán cách phát âm của những từ trong sách. Đây là cách giúp Ngô Vĩnh Long có được vốn kiến thức tiếng Anh cơ bản, cũng là ngôn ngữ sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai của ông sau này.

Sau năm 1954, Hoa Kỳ thay thế Pháp trở thành cường quốc ngoại bang thống trị tại Việt Nam. Quân đội Mỹ thuê Ngô Vĩnh Long làm dịch giả và kỹ thuật viên vẽ bản đồ khi ông mười sáu tuổi. Hy vọng của ông khi nhận công việc này là giúp người Mỹ vẽ bản đồ một cách chính xác, hòng tránh việc ném bom nhầm mục tiêu hoặc làng mạc chỉ có dân thường. Tuy nhiên, đến năm 1962, trải nghiệm làm việc gần chương trình Ấp Chiến Lược đã củng cố sự phản đối của Ngô Vĩnh Long đối với sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Như ông mô tả trong một cuộc phỏng vấn năm 1982: “Ở một số nơi, người dân bị chết đói hàng loạt. Tôi ở một làng kia trong hai tháng, và mỗi tháng đã có khoảng 200 người chết đói ở đó. Mọi người đói đến mức phải ăn cả rễ cây mà sống.”5 Những gì Ngô Vĩnh Long thấy đã biến ông thành một người phản đối mạnh mẽ Chiến tranh Việt Nam và sự can thiệp của Mỹ ở Đông Dương. Ít lâu sau, Ngô Vĩnh Long xin nghỉ việc và trở thành một người công khai chỉ trích vai trò của Mỹ và đồng minh của họ, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà (VNCH).

Ngô Vĩnh Long đã công khai lên tiếng và biểu tình phản đối chiến tranh, khiến chính quyền Sài Gòn phẫn nộ, và ông chỉ thoát khỏi việc bị bắt giữ bằng cách sang Mỹ. Ông hy vọng nói cho người Mỹ biết những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Thông qua Uỷ ban Giáo hữu Hoa Kỳ (American Friends Service Committee), ông đã trải qua một năm với tư cách là học sinh trao đổi tại một trường trung học ở Joplin, Missouri, trước khi trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học Đại học Harvard vào năm 1964.

Ngô Vĩnh Long nhanh chóng trở thành “học giả kiêm nhà hoạt động người Việt nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ.”6 Những bài phát biểu, bài viết, và hành động của ông gây lo ngại cho chính quyền Sài Gòn và Washington, cũng như cho những nhân vật thuộc giới tinh hoa quyền lực (power elites) trong kinh tế, chính trị, và học thuật. Những lo ngại đó rồi sẽ dẫn đến những hệ quả vừa truyền cảm hứng và cũng vừa bi thảm cho cuộc đời của ông sau này.

Một trong những nỗ lực đầu tiên của Ngô Vĩnh Long sau khi đến Harvard là tổ chức cho các bạn học đến Washington vào tháng 4 năm 1965 để tham gia cuộc biểu tình phản chiến lớn nhất ở Hoa Kỳ cho đến thời điểm đó. Trong suốt thập kỷ tiếp theo, Ngô Vĩnh Long là một nhà lãnh đạo nổi bật của nhóm sinh viên Việt Nam ủng hộ hoà bình có trụ sở tại Cambridge. Ngoài làm việc với người Mỹ, ông còn cộng tác với những người Việt khác ở Hoa Kỳ, và vào năm 1965, Ngô Vĩnh Long được bầu làm chủ tịch Hội Người Việt ở New England. Tuy nhiên, ông sớm kết luận rằng việc tổ chức những người Việt Nam có thiện cảm ở Bắc Mỹ không phải là cách hiệu quả nhất để vận động cho phong trào phản chiến. Do đó, ông quyết định tập trung tài nguyên, năng lượng vào việc gây ảnh hưởng trực tiếp đến công chúng Hoa Kỳ.

Vào thời điểm này, Ngô Vĩnh Long cũng quyết định chọn Á Châu Học làm ngành học của mình tại Harvard. Đây là cơ duyên để ông gặp gỡ Giáo sư John King Fairbank, người đã nhận ra trí thông minh đặc biệt của Ngô Vĩnh Long và đã rất nhiệt tình ủng hộ cậu sinh viên trẻ. Đây cũng là lúc Ngô Vĩnh Long gặp Samuel Huntington, Henry Kissinger, và những kiến trúc sư chính khác của chủ nghĩa quân phiệt Mỹ lúc bấy giờ. Sau này, Ngô Vĩnh Long kể lại rằng Huntington đã bảo cậu sinh viên người Việt thật ngây thơ khi không nhận ra rằng Việt Nam và “mọi xã hội, cũng như mọi con người, đều có giới hạn chịu đựng, và đều có điểm gãy (a breaking point).”7

Vào tháng 2 năm 1968, vài tuần sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, Ngô Vĩnh Long và các sinh viên cao học khác đã đưa ra “tuyên bố công khai phản đối chiến tranh đầu tiên của công dân Việt Nam” ở Mỹ trước 600 người tại Nhà hát Sanders của ĐH Harvard.8 Một tháng sau, Ngô Vĩnh Long và mười lăm sinh viên miền Nam Việt Nam khác tổ chức một cuộc họp báo ở Washington để công bố một tuyên bố chung mà họ đã gửi cho Đại sứ VNCH Bùi Diễm trước đó.9 Tuyên bố này đã được đưa vào Hồ sơ Quốc hội Hoa Kỳ theo yêu cầu của Thượng nghị sĩ William Fulbright. Trong đó, những người ký kết bản tuyên bố quy trách nhiệm chính trong việc chấm dứt chiến tranh cho chính phủ Mỹ. Điều này khiến chính phủ VNCH vô cùng tức giận, và đã tiến hành thu hồi hộ chiếu của những người ký tên. Nhờ sự bảo vệ của các chính trị gia Mỹ có thiện cảm, các sinh viên đã tránh khỏi việc bị trục xuất. Từ đó đến khi cuộc chiến kết thúc, Ngô Vĩnh Long tiếp tục tổ chức nhiều buổi nói chuyện và toạ đàm về phản chiến. Ví dụ, vào ngày 7 tháng 3 năm 1969, ông đã có một bài phát biểu phản chiến đầy xúc động trước tám Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và khoảng 1.500 người tham dự tại Lễ tưởng niệm cố Thượng nghị sĩ Ernest Gruening ở Boston.

Như Ngô Vĩnh Long đã nhiều lần viết, Tết Mậu Thân 1968 là một trong những sự kiện có vai trò quyết định trong việc thúc đẩy ông tiến xa hơn nữa trên con đường đấu tranh vì hoà bình của mình. Ông và 62 nhà hoạt động Việt Nam khác đã ra tuyên bố tố cáo hành vi của Hoa Kỳ trong chiến tranh và yêu cầu chấm dứt những hành vi này ngay lập tức. Vào tháng 4 năm 1972, mười lăm thanh niên Việt Nam yêu nước và phản chiến (hầu hết trong số họ được Cơ quan Phát triển Mỹ USAID tài trợ học bổng) đã tập trung tại khuôn viên Đại học Nam Illinois dưới sự lãnh đạo của Ngô Vĩnh Long. Trong số những sinh viên này có David Trương Đình Hùng, Lê Anh Tú, và những người đã bất chấp những rủi ro cá nhân để tham gia tranh đấu cho hoà bình. Tại Đại học Nam Illinois, những sinh viên người Việt đã vạch trần và tố cáo các chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam, cùng sự đồng loã với những chính sách này của giới học thuật (Hình 1).10


Ngô Vĩnh Long và các sinh viên hoạt động phản chiến khác tại Đại học Nam Illinois (Southern Illinois University, SIU),
ngày 24 tháng 4 năm 1972. (Nguồn : Doug Allen)


Nhân cách và góc nhìn của Ngô Vĩnh Long còn được thể hiện qua mối quan hệ giữa ông và Nguyễn Thái Bình, người đã cướp một chuyến bay của hãng Pan American từ Manila đến Sài Gòn vào tháng 7 năm 1972.11 Nguyễn Thái Bình và Ngô Vĩnh Long là bạn thân, và Bình coi Long là một trí thức hoạt động phản chiến gương mẫu. Nguyễn Thái Bình là một trong những sinh viên Việt Nam đã dũng cảm đến Đại học Nam Illinois, nơi anh ngâm thơ, hát những bài hát do anh sáng tác, và vỡ oà trong tức giận về những đau khổ của người dân Việt Nam. Vì những động thái này, thị thực của Nguyễn Thái Bình bị thu hồi, và anh bị buộc phải quay trở lại Sài Gòn để đối mặt với án tù. Vụ không tặc thất bại của Nguyễn Thái Bình là một nỗ lực tuyệt vọng nhằm buộc Hoa Kỳ đàm phán một thỏa thuận hoà bình với Hà Nội. Bất chấp tình cảm chống đế quốc của bản thân và tình bạn thân thiết giữa hai người, Ngô Vĩnh Long đã không đồng ý với quyết định của Nguyễn Thái Bình. Với sự hiểu biết sâu sắc của mình, Ngô Vĩnh Long không những biết rằng một vụ không tặc tuyệt vọng chắc chắn sẽ thất bại, mà ông còn tin rằng phong trào phản chiến nên đề cao bất bạo động như là một nguyên tắc đạo đức lẫn một chiến lược chính trị.

Ngô Vĩnh Long không hề ảo tưởng về những hậu quả mà hoạt động vì hoà bình có thể gây ra cho sự nghiệp, an ninh, và hạnh phúc của mình. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1999, ông chia sẻ rằng ông đã trở thành tâm điểm của rất nhiều sự thù hận và rất nhiều cuộc tấn công, và rằng “trong hai mươi năm tiếp theo, từ 1975 đến 1995, cuộc sống của tôi không khác gì địa ngục.”12

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam và chiến tranh kết thúc vào tháng 4 năm 1975, Ngô Vĩnh Long đã khiến một số người Việt tị nạn ở Mỹ và giới tinh hoa quyền lực Hoa Kỳ tức giận khi từ chối công khai lên án chính phủ Hà Nội và những gì xảy ra ở Việt Nam sau ngày thống nhất. Ông nhiều lần nói rằng ông đồng cảm với nhiều điều ở Việt Nam, nhưng ông đồng thời cũng chỉ trích nhiều điều khác, và ông luôn luôn phân tích các diễn biến với tư cách một học giả độc lập.

Trong số rất nhiều mối đe dọa và các cuộc tấn công mà Ngô Vĩnh Long phải đối mặt, vụ tấn công manh động nhất xảy ra vào tháng 4 năm 1981, sau khi ông có bài phát biểu tại Đại học Harvard. Nhiều người Mỹ gốc Việt phẫn nộ đã lên án ông, và một trong số họ đã ném một bom xăng Molotov vào Ngô Vĩnh Long, hòng giết ông. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Boston Globe sau lần mưu sát này, Ngô Vĩnh Long nói: “Họ cáo buộc tôi là điệp viên Cộng sản. Tôi không phải điệp viên Cộng sản."

Vào năm 1970, Ngô Vĩnh Long và các học giả Việt Nam khác đã thành lập Vietnam Studies Group (VSG, Nhóm Việt Nam Học), cho đến nay vẫn là tổ chức học thuật nổi bật nhất dành cho các nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Hoa Kỳ.13 Một số học giả của VSG đã từng là một phần trong phong trào phản chiến của những năm 1960 và đã có những cam kết chống chủ nghĩa đế quốc mạnh mẽ. Những người khác chọn con đường an toàn hơn và giữ im lặng. Một số lớn các thành viên VSG trẻ hơn thế hệ của Ngô Vĩnh Long và đã đóng góp vào nghiên cứu chính thống về Việt Nam tại Hoa Kỳ sau 1975.

Theo quan điểm của Ngô Vĩnh Long, VSG ngày càng thiếu định hướng cách mạng và thường có khuynh hướng khá bảo thủ so với thời kỳ đầu mới thành lập. Tuy nhiên, phản ánh cách tiếp cận và tầm nhìn của mình, Ngô Vĩnh Long luôn cố gắng hỗ trợ và trao đổi với các nhà nghiên cứu về Việt Nam khác, thu hút họ tham gia đối thoại học thuật thông qua các bài viết, bài nói chuyện, và những cuộc gặp gỡ. Ngô Vĩnh Long hy vọng VSG và lĩnh vực này sẽ ngày càng đi theo những hướng tiến bộ hơn.

Trong số những đóng góp quan trọng nhất của Ngô Vĩnh Long cho phong trào phản chiến là việc ông thành lập Vietnam Resource Center (VRC, Trung tâm Tư liệu Việt Nam) vào đầu năm 1969, với mục đích liên kết các nhà hoạt động Hoa Kỳ và quốc tế với những người ở Việt Nam, và giúp công chúng quốc tế hiểu rõ hơn về chiến tranh và những gì xảy ra ở bên kia đại dương. VRC thường chuẩn bị thông tin cho các nhà báo Mỹ trước khi họ đến Việt Nam và giới thiệu họ với những người có thể cung cấp cho họ những kinh nghiệm và thông tin trực tiếp ở Sài Gòn. VRC đã là một nguồn tài nguyên thông tin và phân tích quan trọng cho các nhà hoạt động phản chiến Hoa Kỳ và quốc tế.

Một trong những thành tựu quan trọng nhất của VRC là việc xuất bản Thời Báo Gà (TBG), một tờ nguyệt san có ảnh hưởng lớn, xuất hiện lần đầu vào tháng 3 năm 1969 và do Ngô Vĩnh Long biên tập và viết chính. Mười ba số đầu tiên được xuất bản chủ yếu bằng tiếng Việt; từ số thứ mười bốn trở đi, TBG được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điều này giúp phục vụ mục tiêu của Ngô Vĩnh Long là phổ biến tin tức về diễn biến chiến cuộc ở Việt Nam cho công chúng Mỹ. Ví dụ, trong các số báo thứ mười sáu và thứ mười tám, TBG đã truyền tải một cách sinh động diễn biến của phong trào phản đối chiến tranh ở các đô thị ở miền Nam Việt Nam, cũng như các phát biểu được in lại của các sinh viên, Phật tử, và người Công giáo phản chiến.14

Thông tin và các phân tích sắc bén do TBG cung cấp thường được các chính trị gia, các nhà hoạt động phản chiến, và các nhà phân tích cấp tiến của Mỹ tham khảo và sử dụng để tranh luận về việc chấm dứt sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ tại Đông Dương. Trong số đó có các Thượng nghị sĩ William Fulbright và Edward Kennedy, triết gia lỗi lạc Noam Chomsky, Giáo sư Howard Zinn, nhà hoạt động xã hội Don Luce, và những người có liên quan đến Trung tâm Tư liệu Đông Dương (Indochina Resource Center) và Uỷ ban Giáo hữu Hoa Kỳ.

Ngô Vĩnh Long đọc quyển The Washington Connection and Third World Fascism của Noam Chomsky và Edward Herman.
Cuốn sách được Herman tặng cho Ngô Vĩnh Long khi đến thăm ông tại nhà riêng ở Cambridge vào năm 1979.
(Nguồn: Gia đình Ngô Vĩnh Long).


Ngô Vĩnh Long cũng là nhà hoạt động phản chiến đầu tiên cung cấp bằng chứng cho người Mỹ về dị tật bẩm sinh ở các nạn nhân chất độc màu da cam. Bằng cách cung cấp những bức ảnh và bài báo từ các tờ báo Sài Gòn cho các nhà khoa học danh tiếng, chẳng hạn như nhà sinh vật học Matthew Meselsson của Đại học Harvard, Ngô Vĩnh Long đã giúp tập hợp cộng đồng khoa học Hoa Kỳ trong việc chống lại chiến tranh, và đặc biệt hơn là chống lại việc quân đội Mỹ phun chất khai quang bừa bãi ở Đông Dương. Sau chiến tranh, ông trở thành thành viên hội đồng quản trị của Chiến dịch Hỗ trợ & Thực thi Trách nhiệm với Nạn nhân Chất độc da cam Việt Nam, một dự án của Hội Cựu binh vì Hoà bình.

Một trong những tác động lớn của Ngô Vĩnh Long là vai trò quan trọng của ông trong việc thành lập Committee of Concerned Asian Scholars (CCAS, - Uỷ ban những nhà Á châu học Ưu tư) vào năm 1968, và Bulletin of Concerned Asian Scholars (BCAS - Bản tin của những nhà Á châu học Ưu tư sau đổi tên thành Critical Asian Studies - Tạp chí phê bình Á châu học) năm sau. Cần phải nhấn mạnh rằng Ngô Vĩnh Long đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng cho CCAS và BCAS, đặc biệt là trong việc đưa ra nhiều thông tin và phân tích mới. Những đóng góp này được thể hiện qua sự tham gia chính yếu của Ngô Vĩnh Long tại các buổi hướng dẫn và hội nghị, việc lên tiếng và hoạt động tích cực, cũng như các bài viết và nhiều ấn phẩm của ông về các vấn đề quan trọng trong khu vực.15

Là một nhà hoạt động xã hội trí thức và một nhà trí thức hoạt động xã hội, Ngô Vĩnh Long coi nhà nước hiện đại là một tổ hợp quân sự-công nghiệp-trí thức (military-industrial-intellectual complex), trong đó tầng lớp trí thức đóng một vai trò quan trọng trong việc hợp lý hoá và bình thường hoá các biểu hiện áp bức của nhà nước và các quyền cưỡng chế của giới tinh hoa quyền lực. Cách tiếp cận của Ngô Vĩnh Long tương tự như cách tiếp cận của Antonio Gramsci, triết gia Marxist người Ý, đặc biệt là khái niệm “cuộc chiến tranh giành chỗ đứng” (war of position) của Gramsci. Theo Gramsci, đây là cuộc đấu tranh trí tuệ và văn hoá của các lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa tư bản, trong đó các trí thức cách mạng thách thức quyền bá chủ của giai cấp thống trị. Điều này đồng thời đặt trí thức tiến bộ vào vị trí tốt nhất để vạch trần bản chất cưỡng bức của giai cấp thống trị, và để huy động công chúng phản kháng lại sự cưỡng bức đó.

Nhiều học giả châu Á phản chiến và học giả tiến bộ đã công khai ủng hộ Bản Tuyên cáo Mục đích của CCAS. Văn bản này được thông qua tại đại hội toàn quốc của CCAS tổ chức vào tháng 3 năm 1969 tại Boston. Tuyên cáo Mục đích mở đầu như sau: “Chúng tôi đến với nhau để phản đối sự xâm lược tàn bạo của Hoa Kỳ tại Việt Nam và sự đồng loã trong im lặng của ngành nghiên cứu của chúng tôi với chính sách đó.” Tuyên bố kết thúc bằng việc khẳng định rằng CCAS sẽ đóng vai trò là chất xúc tác và mạng lưới liên lạc giữa các học giả Á châu và phương Tây, đồng thời là “một cộng đồng phát triển nghiên cứu chống chủ nghĩa đế quốc.”16

Ngô Vĩnh Long, một thành viên sáng lập của CCAS, đã là một trong những nhà lãnh đạo trí thức hoạt động tích cực và là người đóng góp chính cho tổ chức này. Ngược lại, các chi hội và cộng đồng CCAS cũng giúp Ngô Vĩnh Long cảm thấy ít bị cô lập hơn khi làm việc trong lĩnh vực Việt Nam học và Á châu học. Thật vậy, Ngô Vĩnh Long đã hợp tác chặt chẽ với các học giả phản chiến thời kỳ đầu của CCAS và những người đóng góp chính cho BCAS, bao gồm Jim Peck, Mark Selden, Marilyn Young, Noam Chomsky, John Dower, Leigh và Richard Kagan, Jon Livingston, Nina Adams, Tom Engelhardt, Jim Morrell, Perry Link, và nhiều học giả khác.

Khi còn là sinh viên, Ngô Vĩnh Long đã viết hai cuốn sách. Đáng chú ý nhất là tác phẩm Before the Revolution: Vietnamese Peasants Under the French (Trước Cách mạng: Nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc), được ông viết khi đang là nghiên cứu sinh.17 Cuốn sách xuất sắc này là một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên giúp độc giả hiểu rõ hơn về các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hoá và ý thức hệ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam. Cuốn sách cũng là một nguồn tư liệu vô giá về Chiến tranh Đông Dương Lần thứ Nhất (1946-1954) và sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân mới và chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ tại khu vực.

Một năm sau, Ngô Vĩnh Long hoàn thành cuốn Vietnamese Women in Society and Revolution: The French Colonial Period (Phụ nữ Việt Nam trong Xã hội và Cách mạng: Thời Pháp thuộc)18 Cuốn sách này trình bày một cuộc khảo sát và những phân tích quan trọng về một chủ đề ít được biết đến và chưa được nghiên cứu vào lúc bấy giờ : mối quan hệ giữa phụ nữ tư sản, phụ nữ nông dân, và phụ nữ vô sản Việt Nam với chủ nghĩa thực dân Pháp và các phong trào cách mạng chống thực dân.

Cuốn sách thứ ba của Ngô Vĩnh Long, xuất bản năm 1991, là cuốn Coming to Terms: Indochina, the United States, and the War (Nhìn Nhận Lịch Sử: Đông Dương, Hoa Kỳ, và Cuộc Chiến) do ông đồng chủ biên.19 Như Ngô Vĩnh Long đã nhận xét, đây là cuốn sách cung cấp các bài báo toàn diện nhất trong số các ấn phẩm bằng ngôn ngữ Tây phương về chủ đề trên, và đã được ca ngợi rộng rãi trên các tạp chí. Cuốn sách này được mở rộng từ số đặc biệt do BCAS xuất bản năm 1989, với một số khác biệt đáng kể.20 Coming to Terms in một chương Ngô Vĩnh Long viết về Việt Nam và bổ sung các chương mới về nhiều chủ đề, ví dụ như “Postwar Vietnam: Political Economy” (Việt Nam thời hậu chiến: Kinh tế Chính trị), “U.S. Veterans: The War and the Long Road Home” (Cựu binh Mỹ : Chiến tranh và Con đường dài về nhà).

Sau năm 1975, Ngô Vĩnh Long quyết định thay đổi các ưu tiên nghiên cứu của mình theo cách mà ông cảm thấy sẽ hiệu quả nhất trong việc tiếp cận nhiều độc giả. Từ khi chiến tranh kết thúc cho đến tháng cuối cùng của cuộc đời, Ngô Vĩnh Long đã viết hàng trăm bài báo học thuật lẫn đại chúng với những phân tích sắc bén, và đã trả lời vô số cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông về những diễn biến ở Việt Nam, quan hệ Việt-Mỹ, và quan hệ Trung-Việt.

Năm 1985, Ngô Vĩnh Long chính thức trở thành giảng viên Khoa Lịch sử tại Đại học Maine. Trong thập kỷ trước đó, ông đã làm thợ mộc, trở thành một nhiếp ảnh gia rất tài năng, và viết những áng thơ hùng hồn. Một ví dụ là bài thơ không đề sau của ông:

Trên mảnh đất này
Nơi từng ngọn cỏ là tóc,
Mỗi tấc đất là thịt,
Nơi mưa rơi máu,
trút xương,
Đời phải đơm hoa.


Tại Đại học Maine, Ngô Vĩnh Long là giáo sư không chính ngạch từ năm 1985 đến năm 1990, phó giáo sư từ năm 1992 đến năm 2000, và giáo sư chính thức từ năm 2000 cho đến khi ông qua đời. Trong suốt sự nghiệp học thuật của mình, ông luôn là một trí thức dấn thân. Năm 1998, Ngô Vĩnh Long và những người bạn trí thức thân thiết nhất của ông đã tổ chức “Hội Thảo Hè” đầu tiên, một cuộc họp thường niên của những trí thức Việt Nam tiến bộ và nổi bật trên thế giới để thảo luận về các vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt. Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã tư vấn và hỗ trợ một cách hào phóng cho nhiều học giả Việt Nam bằng cách cung cấp cho họ những nguồn tài liệu gốc vô giá và những hiểu biết sâu sắc của bản thân ông. Những sự trợ giúp đó đã đóng góp rất nhiều cho chính nghiên cứu của những học giả này về sau. Trong năm học 2000-2001, ông là Học giả Fulbright tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kinh tế Quốc dân. Tại Đại học Maine, Ngô Vĩnh Long là giáo sư dạy nhiều lớp nhất trong Khoa Sử của trường, trong đó bao gồm toàn bộ lịch sử Châu Á. Ông được học trò và đồng nghiệp thân cận hết lòng ngưỡng mộ và quý mến.

Ngô Vĩnh Long có hai người con với người vợ đầu tiên của ông, luật sư Nguyễn Hội Chân: trưởng nam Ngô Vĩnh Hội và thứ nữ Ngô Thái Ân. Ngô Vĩnh Long kết hôn lần thứ hai với Mai Hương Nguyễn, một chuyên viên xã hội lâm sàng và cố vấn sức khỏe tâm thần. Họ có hai con trai là Ngô Vĩnh Thiện và Ngô Vĩnh Nhân.


Di sản của Ngô Vĩnh Long


Ngô Vĩnh Long hy vọng rằng công trình học thuật của ông sẽ giúp chúng ta hiểu được cái giá phải trả của một cuộc cách mạng, bản chất phức tạp của các vấn đề thời hậu chiến, và cách mà các cuộc đấu tranh thời hậu chiến quyết định liệu một cuộc cách mạng sẽ thắng hay bại về lâu dài.21 Trong vấn đề này, là một trí thức tiến bộ, Ngô Vĩnh Long luôn ý thức được rằng Henry Kissinger và những nhân vật khác trong giới tinh hoa quyền lực đã xem cách mạng Việt Nam là một “bài học tồi tệ ” giống như một căn bệnh ung thư phải được ngăn chặn và tiêu diệt trước khi lây lan. Điều này có thể được thực hiện thông qua các biện pháp bạo lực, phong tỏa kinh tế, từ chối thương mại và viện trợ thiết yếu, và các biện pháp khác. Đó là cách Ngô Vĩnh Long nhận định về nhiều – nhưng không phải tất cả - những gì đã xảy ra ở Việt Nam.

Như Ngô Vĩnh Long đã viết và phân tích, những sự chia rẽ được hình thành trong Chiến tranh Việt Nam và trong thời kỳ hậu chiến vẫn hiện hữu ở Việt Nam ngày nay. Một mặt, vào cuối những năm 1960 và 1970, chính quyền miền Nam Việt Nam chống cộng dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, với sự hỗ trợ của Mỹ, đã cố gắng tiêu diệt tất cả các giải pháp tiến bộ ở miền Nam. Mặt khác, chính phủ Hà Nội sau khi được thành lập vào năm 1976 đã vô hiệu hoá, gạt ra bên lề, loại bỏ và đôi khi thu hút các nhóm và cá nhân cách mạng từ miền Nam. Ngô Vĩnh Long đã mang bên mình những lo lắng và ưu tư về các chính sách hậu chiến ở quê nhà.22

Ngô Vĩnh Long cũng dành nhiều thời gian miêu tả và giải thích sự phức tạp trong cách tiếp cận của Việt Nam đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đối với Hoa Kỳ, Ngô Vĩnh Long lo ngại về các mối đe dọa tiếp tục của chủ nghĩa thực dân mới, và gần đây là về việc một số thành phần trong giới tinh hoa quyền lực ở Việt Nam đã không ngớt lời tán dương Donald Trump. Ngô Vĩnh Long đặc biệt lo lắng trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu (rightwing extremism) ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.

Đối với Trung Quốc, Ngô Vĩnh Long lo ngại về việc Trung Quốc ủng hộ Pol Pot và Khmer Đỏ, về cuộc chiến tranh của Trung Quốc với Việt Nam, và về sự ủng hộ của một số người Việt Nam đối với mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Trong ba thập kỷ gần đây, ông ngày càng lo lắng về mối đe dọa đáng kể đang diễn ra do các chính sách và hành động kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Ngô Vĩnh Long được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu về quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt là liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra ở Biển Đông.23


Ngô Vĩnh Long và nguyên Thủ tướng CHXHCNVN Võ Văn Kiệt tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2008, 
ba tháng trước khi ông Kiệt qua đời
(Nguồn: Gia đình Ngô Vĩnh Long)


Để nhìn nhận đúng đắn về di sản của Ngô Vĩnh Long, chúng ta cần phải có chọn lọc trong việc lưu giữ lại những gì có giá trị lâu dài, và từ chối cám dỗ định nghĩa Ngô Vĩnh Long bằng những thuật ngữ cứng nhắc. Ông là một trí thức tiến bộ, một người luôn áp dụng cách phân tích phức tạp, đa chiều, cởi mở, luôn tìm kiếm những thỏa hiệp có nguyên tắc, và nhạy cảm với những thay đổi về thời thế, bối cảnh và lịch sử. Ngô Vĩnh Long vừa cố gắng duy trì tầm nhìn cách mạng của bản thân, vừa luôn hy vọng gầy dựng sự thấu hiểu chung, hoà giải, hoà bình, và công lý. Ngô Vĩnh Long thường miêu tả thế đứng này của ông như là một quan điểm thuộc về “chủ nghĩa toàn nhân loại” (pan-humanism), có khả năng thách thức, biến đổi, và vượt qua sự chia rẽ ở Việt Nam, trong cộng đồng người Việt hải ngoại, và trong quan hệ Mỹ-Việt.

Đối với Việt Nam và Đông Dương trong thời kỳ Pháp thuộc và trong cuộc đấu tranh giành tự do và độc lập, Ngô Vĩnh Long ngưỡng mộ Hồ Chí Minh và nhiều nhà cách mạng yêu nước Việt Nam khác. Sau chiến thắng quân sự của miền Bắc, Ngô Vĩnh Long khẳng khái bày tỏ quan ngại với một số chính sách cứng nhắc và các diễn biến ở Việt Nam thời hậu chiến. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng ông bác bỏ mọi thứ về Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sau chiến tranh, Ngô Vĩnh Long tiếp tục đồng cảm và hỗ trợ các lực lượng tiến bộ ở Việt Nam và hải ngoại. Ông từng đánh giá cao Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (NLF) và hậu thân của nó, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam (PRG).24 Ông xem trọng các nhà lãnh đạo MTDTGPMNVN, trong đó có bà Nguyễn Thị Bình, người đã trở thành một nhân vật quan trọng trong chính phủ Việt Nam thống nhất và hai lần được bầu làm phó chủ tịch nước CHXHCNVN.25

Cuối cùng, Ngô Vĩnh Long vô cùng ngưỡng mộ lòng dũng cảm, hiệu quả, và tiềm năng cách mạng của Lực lượng Thứ Ba ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là từ năm 1968 đến năm 1975. Lực lượng này bao gồm các thành phần sinh viên, trí thức, Phật tử, người Công giáo và những nhóm tiến bộ khác ở miền Nam. Họ vừa chống lại chế độ Sài Gòn, vừa không tán thành học thuyết cộng sản.26 Còn được gọi là “Thành phần Ba”, liên minh không chính thức này gồm các nhóm thành thị tiến bộ không liên kết với chính phủ VNCH và MTDTGPMNVN. Trong nhiều bài viết của mình, Ngô Vĩnh Long đã thảo luận về lịch sử và tầm quan trọng của Thành phần Ba, và đã xem mình là một nhân tố của thành phần này.27

Một cuộc tranh luận quan trọng trong các ngành Việt Nam Học, Trung Quốc Học, và các lĩnh vực liên quan là cuộc tranh luận về mối tương quan giữa hoạt động tranh đấu xã hội (activism) và hoạt động chuyên nghiệp (professionalism) của người làm nghiên cứu. Đã từng có một khoảng thời gian tương đối ngắn trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Việt Nam, khi mà cán cân lệch về bên hoạt động xã hội với việc nhiều học giả chuyển sang hoạt động phản chiến. Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, cán cân chuyển dịch ngược trở về bên hoạt động chuyên nghiệp, và nhiều học giả đã giảm thiểu hoặc từ chối hoạt động tranh đấu xã hội như một phần trong sự nghiệp học thuật, chuyên môn của họ. Đây chưa bao giờ là cách nhìn hay cách làm của Ngô Vĩnh Long. Ông thuỷ chung vẫn luôn là một hình mẫu mẫu mực của một nhà trí thức hoạt động xã hội, không chỉ trong những thời kỳ mà ông được nhiều người khác khen ngợi và ủng hộ, mà cả trong những thời điểm khó khăn khi ông phải một mình đấu tranh chống lại dòng chảy chuyên nghiệp, và bị trừng phạt vì đã duy trì quan điểm, thế đứng của mình.

Sống kiên định với niềm tin của bản thân, Ngô Vĩnh Long cống hiến đời mình cho một nước Việt Nam thật sự dân chủ và xã hội. Ông đã sống và làm việc cho một Việt Nam đa dạng, hoà nhập, nhân văn. Trong viễn tưởng của Ngô Vĩnh Long, đó sẽ là một Việt Nam hoàn toàn bình đẳng, hoàn toàn đối lập với các mối quan hệ thống trị từ trên xuống về kinh tế và chính trị. Đó sẽ là một Việt Nam bất bạo động, hoà hợp, và hoà bình về mặt tổ chức, thúc đẩy tự do và công bằng xã hội, đồng thời nỗ lực chuyển hoá và vượt qua các xung đột gây chia rẽ. Ngô Vĩnh Long đã hình dung và hành động vì một đất nước Việt Nam tiến bộ, sẵn sàng cam kết đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ, nông dân, người làm công ăn lương, và những tầng lớp bị áp bức nhiều nhất và có ít tự do nhất.

Trong cuộc đời của mình, Ngô Vĩnh Long đã chứng tỏ được vai trò thiết yếu và những đóng góp không thể thiếu của người trí thức tiến bộ. Mặc dù thành tựu lớn nhất của ông là giúp chấm dứt một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng mục tiêu cuối cùng của ông vẫn luôn là mở đường cho những khởi đầu mới đầy hy vọng.


Nguyễn Thùy An và Douglas Allen


Nguồn (bản gốc):

Remembering Ngô Vĩnh Long, Renowned Scholar of Vietnam and Antiwar Activist   (bài đọc miễn phí cho tới tháng 2.2024)


Tham Khảo


Allen, Douglas. 1976. “Universities and the Vietnam War: A Case Study of a Successful Struggle.” Bulletin of Concerned Asian Scholars (BCAS) 8 (4): 2-16.

Allen, Douglas. 1989. “Antiwar Asian scholars and the Vietnam/Indochina War.” Bulletin of Concerned Asian Scholars (BCAS) 21 (2-4): 112-134.

Allen, Douglas and Ngô Vĩnh Long (editors). 1991. Coming to Terms: Indochina, the United States, and the War. Boulder, CO: Westview Press.

Appy, Christian. 2004. Patriots: The Vietnam War Remembered from All Sides. New York: Viking.

Bulletin of Concerned Asian Scholars. 1969. “Purpose and Policy Statements.” 2 (1): 8-9.

Bulletin of Concerned Asian Scholars. 1989. “Twentieth Anniversary Issue in Indochina and the War.” https://www.tandfonline.com/toc/rcra19/21/2-4?nav=tocList.

Committee of Concerned Asian Scholars. 1970. The Indochina Story: A Fully Documented Account. New York: Bantam Books.

Dumanoski, Dianne. 1982. “Trials of Ngo Vinh Long: threats, break-ins, bombs.” The Boston Globe, July 6.

Emerson, Gloria. 1975. Winners and Losers: Battles, Retreats, Gains, Losses and Ruins from a Long War. New York: Random House. 300-308, 399-401.

Marquard, Bryan. 2022. “Ngo Vinh Long, scholar of Vietnam attacked for his views about war, dies at 78.” The Boston Globe, November 13.

Montgomery, Paul. 1972. “Hijacker killed in Saigon; Tried to divert jet to Hanoi.” The New York Times, July 3.

Mydans, Seth. 2022. “Ngo Vinh Long, lightning rod for opposing the Vietnam War, dies at 78.” The New York Times, October 23.

New York Times. 1968. “16 South Vietnamese in U.S. and Canada support a halt,” March 3, 1968.

Ngô Vĩnh Long. 1971(a). “Grooming the ‘Third Force.” Thời Báo Gà (16), May.

Ngô Vĩnh Long. 1971(b). “The Urban Opposition.” Thời Báo Gà (18), November.

Ngô Vĩnh Long. 1972. “A Vietnamese Invasion.” Thời Báo Gà (24), May.

Ngô Vĩnh Long. 1973. Before the Revolution: The Vietnamese Peasants und the French. Cambridge, MA: MIT Press.

Ngô Vĩnh Long. 1974. Vietnamese Women in Society and Revolution: The French Colonial Period. Cambridge, MA: Vietnam Resource Center.

Ngô Vĩnh Long. 2011. "Vài nhận xét về “thành phần thứ ba” và “hoà bợp, hoà biải dân tộc [A few comments on the "Third Segment" and "National Reconciliation and Concord]." Thời đại Mới số 21, tháng 5.2011..

Ngô Vĩnh Long. 2013(a). “Unhappy neighbors: Why Beijing’s muscle-flexing in the South China Sea alarms Asia.” Cairo Review (August): 70-84.

Ngô Vĩnh Long. 2013(b). “Military victory and the difficult tasks of reconciliation in Vietnam: A cautionary tale.” Peace & Change 28 (4): 474-487.

Nguyen, An Thuy. 2019. “The Vietnam women’s movement for the right to live: A non-communist opposition movement to the American War in Vietnam.” Critical Asian Studies 51 (1): 75-102.

Nguyen, An Thuy. 2023(a). "Third Force: South Vietnamese Urban Opposition to the Nixon Doctrine in Asia (1969-1973).” Doctoral Dissertation, The University of Maine.

Nguyen, An Thuy. 2023(b). “Nguyễn Thị Bình (b.1927): The flower and fire of the revolution,” in The Palgrave Handbook of Communist Women Activists around the World, edited by Francisca de Haan. New York: Palgrave MacMillan.

Quinn-Judge, Sophie. 2017. The Third Force in the Vietnam Wars: The Elusive Search for Peace 1954-1975. London: I.B. Tauris.

Yee, Min S. 1968. “Harvard Viet students denounce US, Saigon.” The Boston Globe, February 15.


Chú Thích :


1. Phỏng vấn với Ngô Vĩnh Long trong Allen 1989.

2. Mydans 2022; Marquard 2022.

3. Appy 2004.

4. Vào thời điểm ông tốt nghiệp Harvard, Ngô Vĩnh Long đã nói thành thạo các ngôn ngữ Pháp, Trung, Nga, cùng với tiếng Anh và tiếng Việt.

5. Dumanoski 1982.

6. Nhận xét này của Doug Allen được nhiều học giả hoạt động phản chiến khác chia sẻ. Allen 1989, 120.

7. Allen 1989, 120.

8. Yee 1968.

9. The New York Times, March 3, 1968.

10. Có rất nhiều ấn phẩm của CCAS và các nguồn khác tường thuật chi tiết sự kiện này. Ví dụ, Allen 1976; Ngô Vĩnh Long 1972; Emerson 1975, đặc biệt là ở các trang 300-308, 399-401.

11. Trên chuyến bay của hãng hàng không Pan American World Airways từ Manila đến Sài Gòn ngày 2 tháng 7 năm 1972, Nguyễn Thái Bình (1948-1972), người từng du học tại Hoa Kỳ theo học bổng của USAID, đã cố gắng chuyển hướng máy bay về Hà Nội. Cầm những quả chanh bọc trong giấy thiếc, Bình dọa cho nổ “bom” nếu không được đáp ứng yêu cầu. Phi công Gene Vaughn viện cớ tiếp nhiên liệu cho máy bay, đã hạ cánh xuống Sân bay Tân Sơn Nhứt ở Sài Gòn. Khi máy bay đáp, viên phi công khống chế Nguyễn Thái Bình và hét vào mặt một hành khách có vũ trang là “hãy giết chết thằng chó đẻ đi”. Tổng cộng có năm viên đạn găm vào lưng Bình. Vaughn tự hào nhớ lại việc ném thi thể của người sinh viên ra khỏi máy bay “như một quả bóng đá.” Chỉ hơn một tháng trước đó, Nguyễn Thái Bình đã có một bài phát biểu phản chiến hùng hồn trong lễ tốt nghiệp Cử nhân của mình tại Đại học Washington. Nguyễn Thái Bình được các tờ báo ở miền Bắc Việt Nam ca ngợi là một anh hùng và một liệt sĩ. Xem Montgomery 1972.

12. Allen 1989, 121.

13. VSG là một Uỷ ban phụ của Hội đồng Đông Nam Á thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Á Châu, và được thành lập để cung cấp các nguồn lực cho nghiên cứu học thuật, nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam. Long từng là chủ tịch của VSG vào năm 1981.

14. Ngô Vĩnh Long 1971(a); Ngô Vĩnh Long 1971(b).

15. Ví dụ, Ngô Vĩnh Long cung cấp thông tin và phân tích cho hầu hết các bài báo trong Committee of Concerned Asian Scholars 1970.

16. Tuyên cáo Mục đích được công bố lần đầu trong BCAS 1969.

17. Ngô Vĩnh Long 1973.

18. Ngô Vĩnh Long 1974.

19. Allen và Ngô Vĩnh Long 1991.

20. BCAS 1989.

21. Allen 1989, 121.

22. Để đọc thêm phân tích của Ngô Vĩnh Long về sự phân cực và chia rẽ ở Việt Nam, xem Long 2013(b). Phân tích sâu sắc này cho thấy Ngô Vĩnh Long đã đồng cảm với các cá nhân và phong trào tiến bộ không cộng sản như thế nào. Điều này cũng giúp chúng ta hiểu tại sao Ngô Vĩnh Long lại gặp rắc rối sau chiến tranh.

23. Trong hơn mười năm trở lại, Ngô Vĩnh Long thường xuyên được mời giảng dạy các khoá học đặc biệt cho các nhà ngoại giao trẻ Việt Nam trong khoá đào tạo ngắn hạn của họ tại Harvard. Ông cũng đã thực hiện vô số cuộc phỏng vấn, diễn thuyết và phát biểu bằng tiếng Việt về tranh chấp Biển Đông trong những năm qua. Một bài báo tiếng Anh điển hình của Ngô Vĩnh Long về chủ đề này là Long 2013(a).

24. Ngô Vĩnh Long chưa bao tham gia hay đại diện, dù với bất kỳ tư cách nào, Mặt trận Giải phóng miền Nam và Chính phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam, như một số người đã viết.

25. Cùng với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008), người mà Ngô Vĩnh Long rất ngưỡng mộ, bà Nguyễn Thị Bình là một trong những chính trị gia tiến bộ nhất của Việt Nam và thường ủng hộ cải cách chính phủ, cũng như phản đối các chính sách gây tranh cãi, chẳng hạn như dự án khai thác bauxite được phê duyệt bởi nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2008. Để biết thêm về Nguyễn Thị Bình, xem Nguyen 2023(b).

26. Để biết thêm về Lực Lượng Thứ Ba tại miền Nam Việt Nam, xem Nguyen 2019 và 2023(a). Xem Quinn-Judge 2017.

27. Long 2013(b). Ngô Vĩnh Long lập luận rằng việc nhận ra sự hiện diện liên tục và những bài học mà Lực Lượng Thứ Ba để lại cho tương lai của Việt Nam là vô cùng quan trọng. Xem Long 2011.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us