Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Tưởng nhớ ông Ngô Công Đức

Tưởng nhớ ông Ngô Công Đức

- Phong Quang — published 03/07/2007 16:02, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Một nhà báo, một doanh nhân thiết tha với vận nước


Ngô Công Đức

(1936-2007)



Ông Ngô Công Đức đã từ trần ngày 22 tháng 6 năm 2007, thọ 71 tuổi. Lễ tang của ông đã được cử hành ngày 25 tháng 6-2007 tại Nhà thờ Đức Bà thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Ngô Công Đức được biết đến như một dân biểu đối lập tại Hạ viện Sài Gòn từ 1967 đến 1971 (năm ấy, ra tranh cử lần thứ nhì, ông bị chính quyền Thiệu bắt giam ở Trà Vinh, sau đó ông phải tị nạn tại Thuỵ Điển, rồi Pháp, cho đến tháng tư 1975). Tên tuổi của ông gắn liền với tờ báo Tin Sáng do ông sáng lập từ năm 1968 (đình bản từ năm 1972, tháng 8-1975 được phép tái bản sau ngày giải phóng, nhưng đến năm 1981 thì bị "hoàn thành nhiệm vụ"). Dưới chế độ Mĩ-Thiệu, Tin Sáng là tờ báo đối lập có uy tín, với những cây bút nổi tiếng Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung... Độc giả đặc biệt tán thưởng mục Tin vịt nghe qua rồi bỏ mà tác giả kí tên là Tư Trời Biển. Đây là bút hiệu tập thể, trong đó Ngô Công Đức giữ vai trò chủ chốt. Ông sẽ giữ bút hiệu này trong thời gian 1973-75 khi ông xuất bản tờ báo Miền Nam Đi Tới ở Pháp.

mohamnghi
Ngô Công Đức bên mộ vua Hàm Nghi (làng Thonac).

Ngày 28-4-1975, khi Ngô Công Đức trên đường từ Paris về miền Nam, mới tới Bangkok, ông được tướng Dương Văn Minh cử vào nội các Vũ Văn Mẫu. Khi ông về tới nơi,  Sài Gòn đã mang lại cái tên 30 năm về trước : thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 8.1975, nhật báo Tin Sáng xuất bản trở lại (sau ba năm bị cấm), cùng với nguyệt san Đứng Dậy (tức Đối Diện) của các linh mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan. Dấu hiệu cởi mở của chính quyền cách mạng sớm hiện rõ thực chất : đó chỉ là một quyết định cá nhân của ông Trần Bạch Đằng, trưởng ban Tuyên huấn "miền". Sai lầm "hữu khuynh" này (dưới con mắt của trưởng ban Tổ chức Lê Đức Thọ) một phần sẽ được nhanh chóng "sửa chữa" : tạp chí Đứng Dậy phải đình bản. Và đến năm 1981, đến phiên Tin Sáng phải "hoàn thành nhiệm vụ lịch sử". Ở Ba Lan, Công đoàn "Đoàn Kết" hoạt động mạnh. Ông Ngô Công Đức lại là người Công giáo. Bấy nhiêu cũng đủ để người ta thấy "chén nước đầy". Giọt nước cuối cùng là bài viết của ông Trần Bạch Đằng đăng trên Tin Sáng (Ám chỉ và đích danh) bênh vực vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi, do Nguyễn Đình Nghi đạo diễn, vừa được ông Lê Đức Thọ đích thân ra lệnh "ngưng" diễn. Ông "Tư Ánh" (bí danh của Trần Bạch Đằng) được gửi ra Hà Nội học "trường Đảng cao cấp". Ông Ngô Công Đức mở tổ hợp sơn mài Lam Sơn. Doanh nghiệp của ông phát triển theo thời gian, mở rộng sang các sản phẩm thủ công nghiệp khác (gốm, gỗ...). Nhưng mỗi lần ông muốn ra khỏi địa hạt kinh doanh, ông đều nhận được những lời "khuyên" gián tiếp hoặc trực tiếp (thí dụ như việc ứng cử vào ban chấp hành hội doanh nhân Thành phố). Cho đến những năm gần cuối đời, ông vẫn nuôi ý định trở về nghề làm báo, viết báo và ra báo. Bệnh gan đã không cho phép ông sống đến ngày thực hiện ý định ấy.

Để tưởng nhớ một doanh nhân thiết tha với vận mệnh đất nước, tôi xin ghi lại một câu chuyện nhỏ. Mùa xuân năm 2005, tôi gặp lại ông ở Sài Gòn. Ông kể hồi đầu năm, ông đã đi thăm Trung Quốc, lần đầu tiên. Tại Quảng Châu, ông đến thăm một xí nghiệp sản xuất xe gắn máy (lúc đó xe gắn máy Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, rẻ gấp ba lần xe Nhật), hỏi sản phẩm của xí nghiệp bao nhiêu phần trăm dành cho xuất khẩu, bao nhiêu cho thị trường nội địa. Giám đốc công ti trả lời : 100 % cho xuất khẩu. Hỏi : xuất khẩu sang những nước nào. Trả lời : Việt Nam. "Và tay giám đốc", ông Đức kể tiếp, "nói tiếp, tỉnh bơ : 'Lãnh đạo chúng tôi sáng suốt, trung tâm thành phố Quảng Châu này, chúng tôi cấm xe máy'. Chưa bao giờ tôi bị 'tát vào mặt' như vậy".

Phong Quang


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss