Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Tưởng niệm Phan Huy Đường

Tưởng niệm Phan Huy Đường

- Nguyễn Tùng — published 17/10/2019 20:00, cập nhật lần cuối 25/10/2019 14:53

Tưởng niệm Phan Huy Đường (1945-2019)


Nguyễn Tùng



Từ hơn một tuần nay, do răng hàm sưng lên và chạm đến một số dây thần kinh, tôi bị đau nhức nửa đầu bên phải. Do đó tôi càng choáng váng khi nghe anh Hà Dương Tường báo tin Phan Huy Đường đã qua đời cách đây hơn mười ngày : như thế, sau anh Đào Văn Thụy thêm một người bạn thân nữa lại từ giã cõi đời nhiễu nhương này để vĩnh viễn hoà mình vào cùng vũ trụ bao la ! Chính trong tình trạng sức khoẻ mệt rã rời này tôi viết bài tưởng niệm có phần lộn xộn về Đường.

Tôi quen Đường (cũng như Lê Kim Chi, Nguyễn Văn Khoa, Hà Dương Tuấn…) vào giữa mùa thu năm 1963, do chúng tôi cùng lưu trú ở khách sạn Lutèce (2 rue Berthollet, quận 5, Paris) trong khoảng ba năm : đây là cư xá đại học của chính quyền Sài Gòn dành cho các du học sinh đến từ miền Nam. Có lúc tôi đã ở cùng phòng với Đường trong vài tháng.

Ngay khi ở Lutèce, tôi đã biết ông thân sinh của Đường, dược sĩ Phan Huy Sáng, đã từng dịch tập thơ Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn sang tiếng Việt theo thể song thất lục bát. Hôm qua, anh Nguyễn Ngọc Giao lại cho tôi biết thêm Đường là hậu duệ của nhà thơ Phan Huy Ích mà học giả Hoàng Xuân Hãn đã xác định chính là tác giả của bản dịch Chinh phụ ngâm hay nhất vốn được quy cho Đoàn Thị Điểm. Là con của tiến sĩ Phan Huy Cận, là bố của học giả kiệt xuất Phan Huy Chú, là ông nội của nhà thơ tài hoa Phan Huy Vịnh (tác giả bản dịch nổi tiếng bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị), Phan Huy Ích gốc làng Thu Hoạch, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng về sau lưu trú tại làng Thuỵ Khuê, huyện Yên Sơn, trấn Sơn Tây (nay là thôn Thuỵ Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội). Như thế việc dịch thuật làm thơ, viết văn là một thứ gia truyền mà Đường được hưởng1.

   

Ảnh bên trái: chân dung, bên phải: phóng bút của Khánh Trường. Chép từ trang ĂMVC

Do gia đình ra lập nghiệp ở nội thành Hà Nội, Đường chào đời ở đây ngày 20.5.1945 và như thế tôi hơn Đường gần hai tuổi : do theo gia đình tản cư lên vùng kháng chiến chống Pháp ở vùng núi Quế Sơn (Quảng Nam) đến mãi sau Hiệp định Genève mới quay về làng cũ, tôi đậu tú tài trễ hơn Đường đến hai năm.

Đường đã từng học cùng lớp ở trường Jean-Jacques Rousseau (Sài Gòn) với nhiều bạn khác mà tôi quen thân ở Paris : Lê Kim Chi, Trần Hải Hạc, Nguyễn Quang Đỗ Thống, Lại Như Bằng và Hứa Thanh Bình. Do học tiếng Pháp từ nhỏ, anh cũng như các bạn tôi vừa nhắc đến đều nói và viết ngoại ngữ này vào hạng giỏi. Riêng Đường rất có tài ăn nói, nên anh tỏ ra rất xuất sắc khi được hai đài phát thanh Pháp France culture và France Inter nhiều lần phỏng vấn.

Anh sang Pháp với mục tiêu học dược khoa để nối nghiệp cha, nhưng tôi không biết từ năm nào anh chuyển sang học kinh tế ở IEDES (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế và xã hội) như hai bạn đồng môn của anh ở J. J. Rousseau là Trân Hải Hạc và Lê Kim Chi, học tin học là một khoa học mới được dạy ở đại học Pháp từ khoảng giữa thập kỷ 1960, rồi đi làm như là chuyên gia cao cấp về tin học.

Trong ba năm ở Lutèce (1963-1966) dù chưa chơi thân với Đường, tôi vẫn còn giữ được về anh vài kỷ niệm khá sâu sắc : vào khoảng năm 1965, Đường rất mê Zen và karaté. Chính nhờ Đường giới thiệu tôi đã tìm đọc cuốn Le Zen dans l'art chevaleresque du tir à l'arc (Thiền trong nghệ thuật bắn cung), của nhà triết học Đức Eugen Herrigel (1884-1955) : nguyên văn bằng tiếng Đức của cuốn sách này được xuất bản vào năm 1948, rồi được dịch sang tiếng Anh (1953), tiếng Nhật (1955) và tiếng Pháp (1955). Bên cạnh cuốn Essays in Zen Buddhism (Thiền luận) rất nổi tiếng của D.T. Suzuki (1870 – 1966), cuốn sách này đã đóng một vai trò không nhỏ trong việc truyền bá thiền tông Nhật (Zen) trên thế giới trong những năm 1960, nhưng sau đó nó đã bị nhiều người phê phán kịch liệt, kể cả D.T. Suzuki dù ông này đã viết cho nó một lời giới thiệu khá ca ngợi : thêm một lần nữa, điều đó chứng tỏ sự thật thường rất tương đối !  Theo họ Herrigel không nắm vững cả Zen lẫn nghệ thuật bắn cung, và quan hệ mật thiết giữa Zen và nghệ thuật bắn cung chỉ là một « huyền thoại » ! Chính vì mê thiền nên Đường đã cùng tôi, Lê Kim Chi, Nguyễn Văn Khoa, … quy y với thầy Minh Châu khi thầy ghé lại Paris vào năm 1965, và nhận pháp danh Nguyên Đạo nếu tôi nhớ không lầm. Vào khoảng năm 1965, Đường cũng rất mê karaté : có lần anh rủ tôi đến xem anh tập ở trung tâm đại học Bullier (Paris), và tôi đã khá ái ngại khi thấy võ sư to lớn và vạm vỡ người Pháp đánh thực mạnh vào bụng anh để chứng tỏ hiệu quả của cú đánh thẳng và xoáy của ông ta ! Do ảnh hưởng của Đường, sau đó tôi đã tập karaté cùng võ sư người Nhật Murakami trong suốt bốn năm lưu trú ở cư xá đại học Antony.

Tôi còn nhớ lần Đường hồ hởi giới thiệu với tôi tạp chí Socialisme ou barbarie (chủ nghĩa xã hội hay sự dã man), một tổ chức cách mạng Pháp theo khuynh hướng macxit nhưng chống lại Stalin và gần với Rosa Luxembourg. Về mặt tư tuởng, tôi có cảm tưởng Đường chịu ảnh hưởng rất nhiều của Marx và Sartre.

Khác với Hà Dương Tuấn, Đường chưa từng viết cho báo Gió nội (1965-1975) của sinh viên Phật tử Việt Nam ở Pháp, do Lê Kim Chi làm chủ nhiệm và do tôi làm chủ bút với bút hiệu Nguyên Thanh. Tích cực tham gia làm báo này có các bạn Nguyễn Văn Khoa (Nguyễn Giang), Trần Hải Hạc, Đào Văn Thuỵ, Trịnh Đình Hỷ... Nó đã đăng nhiều bài bình luận chính trị sắc sảo của hai anh Cao Huy Thuần (tức Hoàng Vọng Quốc) và Huỳnh Cao Trí (tức Long Biên ; anh Trí, rất dễ thương, từng làm việc khá lâu cho UNESCO, đã qua đời từ nhiều năm rồi), cùng thơ văn khởi sắc của hai bạn Đào Hữu Dũng (Nguyễn Nam Trân) và Nguyễn Khôi Minh (Nguyễn Hồi Thủ).

Tử khoảng năm 1966 trở đi, tôi ít gặp Đường hơn do anh đã dấn thân hết mình trong phong trào Liên hiệp Việt kiều. Dường như chính trong khi hoạt động ở phong trào này, anh đã yêu, rồi kết hôn với Phương Mai không biết vào năm nào.


Sau khi hoà bình được lập lại ở Việt Nam vào năm 1975, cũng như Đường (với bút danh Trần Đạo) và Hà Dương Tuấn (Hàn Thủy), tôi tham gia viết bài cho báo Đoàn Kết của Hội người Việt Nam tại Pháp, nên chúng tôi gặp nhau mỗi tháng ít nhất một lần trong buổi họp của ban biên tập. Chính trong khuôn khổ của báo Đoàn Kết, ngoài anh Bùi Mộng Hùng, Trần Hải Hạc và Lê Kim Chi đã hoạt động nhiều năm với tôi trong phong trào Phật tử ở Pháp, tôi quen thân thêm với các anh Bùi Trọng Liễu, Phạm Ngọc Tới, Nguyễn Ngọc Giao, Hà Dương Tường, Nguyễn Quang Đỗ Thống … Riêng anh Đặng Tiến, tôi đã quen thân khi vào dạy ở ban Việt học của Đại học Paris 7 vào khoảng năm 1970. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến bữa ăn trưa ngon và đông vui ở nhà Đường, với sự có mặt của bác Hoàng Xuân Hãn để tiếp học giả Trần Văn Giàu sang Paris dự lễ kỷ niệm hai trăm năm Cách mạng Pháp. Sau khi hết làm Đoàn Kết, chúng tôi lại cùng làm báo Diễn Đàn mà Đường là một trong những người sáng lập.

Cách đây rất lâu (đầu thập niên 2000), Đường cùng Mai Ninh, Miêng, Phạm Trọng Luật (tức Nguyễn Văn Khoa), Nam Dao và Chân Phương (những người « yêu văn chương, nghệ thuật, văn học, triết học ») khởi xướng trang web AMVC.free.fr để « phổ biến tác phẩm của riêng mình và tác phẩm của những nhà văn mình yêu chuộng ». Cho đến nay trang web này đã giới thiệu được nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Riêng tôi đã hân hạnh được Miêng cho đăng lại ở trong đó hai tập thơ Dấu chân khôngNhật ký trong tình.

Nhờ sự gợi ý của anh Giao, tôi đã tìm được trên trang web « Ăn mày văn chương »2 hầu như toàn bộ sự nghiệp trước tác của Đường3. Trước đây, tôi đã phục sức viết của Đường, nhưng tôi không ngờ sụ nghiệp văn chương của anh lại đồ sộ đến như thế : có lẽ phải cả chục nghìn trang ! Để có thể dồn hết tâm sức và thời gian vào việc thực hiện nó, vào khoảng đầu những năm 1990 anh đã thanh lý công ty tin học của anh nghe đâu khá phát đạt.

Có điều lạ này : cuốn sách đầu tiên mà Đường xuất bản vào năm 1983 lại là một cuốn sách anh viết về chuyên môn kỹ thuật của mình. Đó là cuốn Conception et réalisation assistées par ordinateur de logiciels de gestion (Thiết kế và thực hiện nhờ máy tính có phần mềm quản lý), 408 trang, nay vẫn còn thấy FNAC bán với giá 55,40 EUR !

Trong nhiều năm, Đường phụ trách Tủ sách văn học VN ở nxb Philippe Picquier và đã dịch giới thiệu được với độc giả Pháp hơn 30 tác phẩm văn học Việt Nam. Bản thân anh đã dịch :

- La messagère de cristal (Thiên sứ), tiểu thuyết, Phạm Thị Hoài, Éditions des Femmes, 1990.

- Les paradis aveugles (Những thiên đường mù), tiểu thuyết, Dương Thu Hương, Éditions des Femmes, 1991, được chọn tham gia giải Femina cho các tác giả nước ngoài năm1991.

- Roman sans titre (Tiểu thuyết vô đề), tiểu thuyết, Dương Thu Hương, Éditions d-es Femmes, 1992.

- Terre des éphémères (Đảo của những người ngụ cư), tập truyện ngắn, 15 tác giả, Éditions Philippe Picquier, 1994.

- Le chagrin de la guerre (Nỗi buồn chiến tranh), tiểu thuyết, Bảo Ninh, Éditions Philippe Picquier, 1994.

- En traversant le fleuve (Qua sông), tập truyện ngắn, 11 tác giả, Éditions Philippe Picquier, 1996.

- Au-delà des illusions (Bên kia bờ ảo vọng), tiểu thuyết, Dương Thu Hương, Éditions Philippe Picquier, 1996, được chọn tham gia giải Femina cho các tác giả nước ngoài năm 1996.

- Est-ce que tu m'aimes ? (Có yêu anh không ?), tập truyện ngắn, Khánh Trường, Éditions Philippe Picquier, 1997.

- En un instant, une vie (Một lúc, một đời), nouvelles, Bùi Minh Quốc, Éditions Philippe Picquier, 1997.

- Sous une pluie d’épines (Mùa mưa gai sắc), tập truyện ngắn, Trần Vũ, Flammarion, 1998.

- Myosotis (Lưu ly), tiểu thuyết, Dương Thu Hương, Éditions Philippe Picquier, 1998.

- Retour à la jungle (Đi về nơi hoang dã), tiểu thuyết, Nhật Tuấn, Éditions Philippe Picquier, 2002 (cộng tác với Đặng Trần Phương).

- Terre des oublis (Chốn vắng), tiểu thuyết, Dương Thu Hương, 2006, được chọn tham gia giải Femina cho các tác giả nước ngoài năm 2006, được giải các nữ độc giả báo Elle năm 2007. Cuốn sách này bán chạy nhất : 220 000 bản, kể cả bìa cứng lẫn bìa mềm.

Ngoài ra anh còn dịch một số bài thơ của Nguyễn Duy, Lê Bi, Ly Hoàng Ly, Chính Lê, Nguyễn Ðỗ, Phạm Tường Vân, Phan Huyền Thư.

Nhìn chung Phan Huy Đường là một dịch giả vừa tài hoa vừa nghiêm túc.

Trong số các tác phẩm Đường viết bằng tiếng Pháp, đáng chú ý nhất là hai cuốn :

- Un amour métèque (Một mối tình ngụ cư), tập truyện ngắn, l'Harmattan, 19944.

- Penser librement (Tư duy tự do), triết học, Éditions Chronique Sociale, 20005.

Ngoài hai cuốn Vẫy gọi nhau làm người (Hồng Lĩnh, USA, 1996)6Tư-duy tự-do (NXB Đà Nẵng, Việt Nam, 2006), hầu hết các tác phẩm khác (có lẽ phải đến hơn ba ngàn trang ) đều được anh tự xuất bản :

- Một hành trình tư duy, văn học, triết, hai tập.

- Một mối tình ngụ cư, truyện ngắn.

- Lang thang chữ nghĩa, triết, văn học, văn chương dưới dạng mì ăn liền, 7 tập.

Ngoài ra anh còn làm thơ dù anh thú nhận « dị ứng với thơ », vì nó « vượt tầm hiểu biết của » anh, nhưng « chỉ ít lâu nay, trong vài lúc cùng quẫn khốn nạn, không biết làm gì để thoát cơn giận nổi đau, tôi mới làm càn ». Đọc tập Thơ người dị ứng thơ (gồm cả thảy 86 bài) của Đường, ta thấy được nỗi tuyệt vọng đến mức thống thiết và bi đát của anh : phải chăng anh là một nhà văn, một nhà thơ không tìm ra lối thoát vì chẳng may « sinh bất phùng thời ». Có lẽ ngoài thi sĩ Bùi Giáng, tôi chưa từng quen ai nặng nợ với văn chương như Đường, đúng là một « con tằm đến thác vẫn còn vương tơ » (Kiều). Xin trích bài Ba chai không phải vì nó hay nhất, nhưng vì nó phản ánh được phong cách thơ và nhân cách độc đáo của anh, và nhất là để nói đến một điều mà tôi tâm đắc về anh :

Hôm nay ta uống ba chai

Một chai điếu tang đời
Đáng quá !

Một chai điếu tang mình
Đáng đời !

Một chai điếu tang ai
Ta không biết …

Phải chi ta biết được
Ta hết sợ làm người !

Hè hè …

Rất giống Đường, tôi thường tự cho mình là một tửu đồ có hạng, nhưng uống một mình mà hết đến ba chai thì tôi xin thua, chủ yếu vì tôi ít khi uống rượu một mình ; và chỉ khi nào được uống với những bạn rượu như Phan Huy Đường hay Hà Dương Tuấn thì tôi mới say đến mức không còn cảm thấy sự tách biệt giữa mình với người khác và ngay cả với vũ trụ. Nên chi, một anh bạn thân đã nói một câu rất đúng về tôi : « Khi nào nghe ông Tùng nói thương tất cả mọi người, thì đúng là ông say túy lúy rồi ». Tôi không bao giờ quên được những tối Đường đến nhà tôi uống rượu đến ba, bốn giờ sáng, say đến mức quên cả lối về. Thế mà, cách đây hơn sáu tháng, trong bữa ăn trưa mừng xuân do Diễn Đàn tổ chức, tôi đâm ra lo khi nghe Đường than là do tình hình sức khoẻ, Đường chỉ được uống một chai rượu vang trong ba ngày !

Một chi tiết khác về sự đa tài của Đường : anh đã làm phụ đề tiếng Pháp cho hai bộ phim Cyclo (Xích lô) của Trần Anh Hùng, đã được giải Sư tử vàng ở Liên hoan phim Venise, 1995 và A la verticale de l’été (Mùa hè chiều thẳng đứng), cũng của Trần Anh Hùng, được chọn tham gia Liên hoan phim Cannes 2000

Thêm một kỷ niệm chót về Đường : cách đây hơn một tháng, anh gửi e–mail chung cho nhiều bạn thân trong đó có tôi để báo tin Định Thủy, con gái của anh, đã được giải Irène Joliot-Curie rất có giá trị khoa học vì ban giám khảo là do Viện Hàn Lâm Khoa Học và Viện Hàn Lâm Công Nghệ Pháp lập ra. Tôi đã mừng cho anh, vì đúng như người mình thường nói : « Con hơn cha là nhà có phúc ! »



Nguyễn Tùng

16/10/2019


Chú thích


1 Theo Hà Dương Tuấn, chính Đường có cho biết anh cùng họ với Phan Huy Ích, nhưng thuộc chi còn ở lại làng Thu Hoạch (Hà Tĩnh)!  Nhưng anh Giao vừa cho biết, theo như anh nhớ, thông tin về việc « Đường là hậu duệ của Phan Huy Ích là do bố của Đường « tâm sự » với anh khi ông cho anh xem bản dịch Chinh Phụ Ngâm (viết tay) của ông. Xin « hạ hồi phân giải » !

2 http://amvc.free.fr/PHD/PhanHuyDuong.htm

3 Xem thêm : https://data.bnf.fr/fr/11919538/huy_duong_phan/

4 Xin xem bài viết của anh Bùi Mộng Hùng về cuốn này : http://amvc.free.fr/PHD/MotMoiTinhNguCu/DienDan31.htm

5 Xem bài điểm sách của Hà Dương Tuấn : http://amvc.free.fr/PHD/TDTD/BinhLuanTDTD/DienDan99.htm

6 Anh Bùi Mộng Hùng có viết bài giới thiệu cuốn sách này : https://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-055/doc-vay-goi

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss