Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vài ghi chép cá nhân về cố giáo sư Trần Văn Toàn

Vài ghi chép cá nhân về cố giáo sư Trần Văn Toàn

- Trần Hữu Quang — published 20/09/2014 14:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Bài viết dưới đây trình bầy một vài cảm nhận và suy nghĩ chủ quan của một kẻ hậu bối về giáo sư Trần Văn Toàn sau khi ông vừa đột ngột từ giã cõi trần. Đây không phải là một bài nghiên cứu, mà chỉ là những nét chấm phá kể lại một số kinh nghiệm cá nhân của người viết về ông.


Vài ghi chép cá nhân về
cố giáo sư Trần Văn Toàn


Trần Hữu Quang



Bài viết dưới đây trình bầy một vài cảm nhận và suy nghĩ chủ quan của một kẻ hậu bối về giáo sư Trần Văn Toàn sau khi ông vừa đột ngột từ giã cõi trần. Đây không phải là một bài nghiên cứu, mà chỉ là những nét chấm phá kể lại một số kinh nghiệm cá nhân của người viết về ông.

Tôi có được may mắn là cha mẹ tôi quen biết gia đình giáo sư Trần Văn Toàn từ hồi tôi mới 9-10 tuổi vào đầu thập niên 1960, khi ông còn đang dạy triết học ở Đại học Huế và hoạt động trong giới trí thức Công giáo ở Việt Nam, nhất là khi ông cộng tác với báo Sống đạo ở Sài Gòn cùng với cậu tôi Nguyễn Đình Đầu và cha tôi là cố giáo sư Trần Hữu Quảng. Vì thế tôi luôn luôn gọi ông là bác, xưng cháu. Kể từ khi ông đưa gia đình rời Việt Nam năm 1965 để đi dạy ở Kinshasa (Congo) rồi ở Lille (Pháp) suốt mấy thập niên sau, thỉnh thoảng tôi cũng được gặp lại ông mỗi lần ông về Việt Nam để họp hành hay thuyết trình ở một trường đại học hay một viện nghiên cứu nào đó, và từ khi có Internet thì tôi cũng hay liên lạc với ông qua thư từ e-mail.

tvt
Giáo sư Trần Văn Toàn và bà Trần Hữu Quảng, mẹ tôi,
nhân một bữa cơm gia đình ở Sài Gòn vào tháng 8-2010
Ảnh : Dorothée Trần Thị Lan.

Ngoài mối liên hệ thân thiết mang tính chất gia đình thì tôi cũng thường chú ý hỏi han ông thêm về một số câu chuyện lý thuyết liên quan tới triết học và xã hội học mà tôi gặp thắc mắc. Bây giờ hồi tưởng lại, tôi không hiểu tại sao hồi tôi còn học cử nhân triết học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, tôi lại không chịu đọc kỹ những cuốn sách triết học mà ông đã xuất bản ở Sài Gòn trong thập niên 1960 – những cuốn mà sau này tôi mới thấy là hết sức bổ ích vì mang tính chất khai mở về mặt tư duy. Mới hôm rồi, khi thúc dục tôi viết ra những dòng suy nghĩ cá nhân này, anh Bùi Văn Nam Sơn còn kể rằng hồi đó trước khi đi du học ở Đức, anh đã đọc “ gần như thuộc lòng ” cuốn Tìm hiểu triết học Karl Marx của ông !i

Ở đây, tôi không có ý làm công việc điểm lại những công trình của Trần Văn Toàn, lại càng không phải là điểm lại tư tưởng của ông, mà chỉ ghi chép lại một vài đoạn đặc biệt gây ấn tượng đối với tôi.

Triết học vốn dĩ là một lãnh vực trừu tượng, khô khan và khó hiểu đối với người thường nhưng lại được Trần Văn Toàn diễn đạt một cách hết sức dung dị và sáng sủa. Ông viết : “ Triết lý là ý thức của con người về đời người và về người đời. Vì thế nếu các triết gia có nhiều điểm bất đồng ý kiến, thì không phải tại triết học là một khoa hồ đồ, nhưng là do kinh nghiệm của mỗi người không hoàn toàn giống với người khác, và do mức độ suy nghĩ và ý thức của mỗi người mỗi khác ” ii. Và ông nhấn mạnh rằng “ triết học không phải là một ông chủ tự lập và đặt luật cho đời người phải theo ” iii.

Ông giải thích về ý nghĩa của môn triết học như sau : “ Triết học là ý thức của con người nhìn thẳng vào thân phận mình, chứ không phải là một mánh khoé, một thuật tạo ra hạnh phúc. Đừng đòi triết học phải làm cho con người sung sướng. Con vật không suy nghĩ, không biết đến thân phận của nó, có thể sống với một vẻ bề ngoài là sung sướng. (...) Có thể là những thắc mắc về sự thật làm cho [con người] đau khổ, nhưng nếu bỏ nó đi thì chưa chắc con người đã trưởng thành hơn. Lúc đó có lẽ con người hạnh phúc, nhưng đó là hạnh phúc của một sinh vật không ý thức về mình và không biết đâu là thật đâu là giả, đâu là phải đâu là trái ” iv.

Trần Văn Toàn là người có ý thức rất mạnh về việc làm sao dùng ngôn từ và văn phong tiếng Việt “ cho ra tiếng Việt ” v trong lãnh vực học thuật. Chẳng hạn, đối với câu “ Cogito, ergo sum ” nổi tiếng của Descartes, câu mà lâu nay thường được dịch là “ Tôi tư duy, nên tôi tồn tại ”, tôi hết sức ngạc nhiên và thực sự cảm phục khi gần đây tôi mới được biết là Trần Văn Toàn lại đưa ra một cách dịch khác hẳn : “ Tôi tư tưởng, vậy là có tôi ” vi.

Hay khi đề cập tới câu “ Nhân giả, nhân dã ” (kẻ có đức nhân mới là con người), Trần Văn Toàn đã diễn giải ý tưởng này của Khổng Tử một cách đầy màu sắc xã hội học như sau : “ Có được ở với người khác, và có ở được với người khác, thì mới nên người ” vii.

Khi tiếp cận khái niệm lao động, Trần Văn Toàn đã trở lại với chữ “ làm ” trong ngôn ngữ tiếng Việt và tiến hành việc phân tích ngôn từ để diễn giải. Ông phân biệt chữ “ làm ” theo bốn nghĩa : (a) công việc chân tay (như làm nhà, làm ruộng, làm vườn, làm bếp, làm thịt, làm lông, làm cơm, làm cu-li, làm thuê, làm công…) ; (b) “ làm những công việc không nặng nhọc lắm, để làm ra những cái không cần thiết cho đời sống sinh lý ” (như làm thơ, làm phú, làm văn, làm trò, làm tuồng…) ; (c) chữ “ làm ” dùng để nói đến “ thân phận, vai trò hay chỗ đứng của mình đối với người khác ” (như làm vua, làm quan, làm giặc, làm dân, làm dâu, làm rể…) ; và (d) một cách tổng quát nhất, “ tất cả những cái làm trước đây đều quy về một mối là làm người ”. Từ đó, ông đi đến chỗ nhấn mạnh đến một nội hàm “ cốt yếu ” của khái niệm lao động, đó là để “ làm người cho ra người ” viii.

Một thí dụ khác. Khi đề cập tới cái “ tôi ”, hay bản ngã, hiểu theo nghĩa triết học, Trần Văn Toàn cũng đã trở lại với những đặc trưng của ngôn từ tiếng Việt để lập luận : “ Thân có nghĩa là mình. Cả hai chữ đó trong tiếng Việt đều có một đặc điểm chung nhau : chúng vừa dùng để chỉ cái xác vật chất, cái thân thể, cái mình mẩy bằng xương bằng thịt của con người, lại vừa dùng để chỉ cái bản ngã, cái chủ thể, nghĩa là cái làm chủ thân xác, cái có thể nói chữ 'tôi'. Có lẽ rất ít ngôn ngữ có cái đặc điểm ấy. Dùng một chữ để chỉ hai cái như thế, trong trường hợp này không phải là vì tư tưởng [của người Việt – T.H.Q.] còn mơ hồ không rõ ràng. Nhưng chính là vì ta nghiệm được một sự  thật căn bản : thân thể của tôi chính là tôi, mình mẩy của tôi chính là tôi. ” ix

Nói khác đi, theo tôi hiểu, đối với Trần Văn Toàn thì tư duy không tách rời khỏi ngôn ngữ, và do đó công việc phân tích về tư tưởng không thể không đi đôi với một sự phân tích về ngôn từ cũng như về những biểu tượng đặc trưng của một nền văn hóa nhất định nào đó. Vì thế, có thể hiểu rằng ngôn ngữ chính là một kho tàng ẩn giấu mà người nghiên cứu cần phải khai quật về mặt ý nghĩa mỗi khi khảo cứu vào một chủ đề nào đó.

Đối với một vấn nạn muôn thuở của xã hội loài người là vấn đề chênh lệch giầu nghèo và vấn đề phân hóa xã hội, Trần Văn Toàn diễn giải như sau : “ Giầu là mạnh, vì có nhiều của làm phụ tùng cho thân xác và làm cho phạm vi hoạt động của mình rộng ra. Nghèo là yếu, vì phạm vi hoạt động, và cơ sở hiện diện mình nhỏ. Vì thế muốn biết loài người ở với nhau tử tế hay không, ta có thể xem người ta tổ chức phân chia của cải thế nào ” x. Ông đặt ra câu hỏi là “ vì sao có nhiều người làm việc đầu tắt mặt tối, mà cứ phải đói rét, ngược lại, có người không làm gì hay là làm rất ít, thế mà cứ có của, có quyền, đàn áp người khác ? ” xi và nhận xét rằng cho đến tận ngày nay, lý tưởng “ cách mệnh ” – nghĩa là “ thay đổi vận mệnh ” của con người –, “ lý tưởng nhân bản đại đồng của Marx vẫn chưa thực hiện được là bao nhiêu ” xii.

Trong cuộc sống thường nhật lẫn trong học thuật, Trần Văn Toàn có đặc điểm là thường có lối diễn đạt rất ý nhị và hóm hỉnh. Trong một bài viết vào tháng 5-1965 có tựa là “ Sống và sợ ”, ông mô tả và phân tích “ hiện tượng đi xe đạp ” hiểu theo nghĩa bóng như sau : “  Thái độ của người đi xe đạp là : trên cúi dưới đạp. Phần trên thì cúi, phần dưới thì đạp lấy đạp để. Hiểu theo nghĩa đó thì không thiếu gì những ông lớn có xe hơi vẫn được kể là đi xe đạp. Vì họ sợ hãi khúm núm, cúi rạp trước mặt người trên, đồng thời họ 'thẳng cẳng' đạp xuống tất cả những ai ở địa vị thấp hơn họ. Trên cúi, dưới đạp, là hai tác động bao giờ cũng đi đôi. Chính những người đe dọa và chà đạp những người dưới quyền mình, thì cũng lại là những kẻ sợ hãi và nịnh hót người trên. (...) Dĩ nhiên, cả những người không có xe cộ gì, cũng vẫn có thể 'đi xe đạp' theo nghĩa đó. Ở nước ta có bao nhiêu phần trăm người 'đi xe đạp' và giai cấp nào đi nhiều hơn cả ? Đó là đề tài khá thú vị, nhưng nó thuộc về sở trường của các chuyên gia về xã hội học ” xiii.

Cũng trong bài viết ấy, ông nêu lên nguy cơ của một xã hội bất bình đẳng đặt nền tảng trên sự sợ hãi : “ Một xã hội trong đó liên quan giữa người với nhau chỉ là do sợ hãi mà ra, đó là một xã hội thiếubình đẳng. Lấy cái sợ mà nắm người khác dưới quyền của mình là một thái độ khinh người. Thái độ ấy có thể làm cho con người lầm tưởng rằng mình có giá trị hơn người. Người ta mến đức của ông thầy, mà sợ oai của ông chủ. Xã hội trong đó người ta chỉ biết sợ lẫn nhau là một xã hội vô nhân đạo, vì một bên bị coi khinh như không phải là người, một bên thì sống trong giả dối lầm lạc về chân giá trị của mình ”. Và hệ quả là “ nếu cái sợ làm cho con người không giữ được chân tướng của mình, nếu cái sợ làm cho người ta không nói lên sự thật, thì lịch sử được viết lên và được phổ biến có khi chỉ là một việc bịp bợm ” xiv.

Trần Văn Toàn quan niệm rằng “ lịch sử không phải là hiện tượng tự nhiên, vận chuyển một cách tất định theo luật nhân quả vật lý học, nhưng hiện tượng lịch sử là do con người tự do làm nên ” xv. Tuy nhiên, ông còn nhấn mạnh rằng “ không ai có thể tiên đoán lịch sử và vận mệnh của xã hội loài người sẽ đi về đâu, không ai có quyền nhân danh hướng đi của lịch sử mà cưỡng bách người khác ” xvi.

Vào đầu năm 2012, khi chuẩn bị gởi đăng một bài viết bàn về tình hình suy thoái đạo đức trong xã hội Việt Nam xvii, tôi có gởi cho giáo sư Trần Văn Toàn xem trước và cho ý kiến phê phán. Ông đã trả lời cho tôi qua thư e-mail ghi ngày 4-1-2012 như sau : “ Vấn đề về nền đạo đức tự trị đặt ra thật là đúng lúc. Vì lẽ con người là chủ thể cho nên nếu để cho người khác (tha nhân) làm chủ (tôi tạm gọi là tha-trị) thì mình không còn tự chủ nữa, và như thế thì cũng không còn gì là đạo đức. Tôi đề nghị trong tình trạng xã hội hiện nay thì nên giải thích rõ hơn về tính cách phổ biến mà nguyên tắc đạo đức phải có (cũng không phải chỉ có Kant đề xướng) : suy bụng ta ra bụng người, hễ ta không muốn thì người chẳng ưa. Nói thế khác : nguyên tắc hoạt động của mình phải có thể đặt ra thành luật chung cho mọi người theo. Nếu ta muốn làm cái gì thì cũng nên tự hỏi xem nếu ai ai cũng làm như thế thì đời sống xã hội ra sao ”.

Sau đó, tôi được biết là chính giáo sư Trần Văn Toàn cũng đã lấy quan niệm đạo đức học và nguyên tắc đạo đức tự trị của Immanuel Kant làm nền tảng khi ông bàn về triết lý giáo dục : “ Lập trường nhân bản đó của Kant là nguyên tắc định hướng cho nền giáo dục lấy con người làm gốc ” xviii. Chính vì thế mà về sau tôi yên tâm tiếp tục sử dụng quan niệm đạo đức học của Kant để tìm hiểu về ý nghĩa triết học của đạo đức nghề nghiệp xix.

Vào khoảng giữa năm 2012, khi tôi viết một bài tạp chí về vấn đề hòa giải trong xã hội Việt Nam,xx ông đã bình luận trong lá thư email ghi ngày 5-9-2012 gởi cho tôi như sau : “ Trong bài anh viết, đã phân biệt ra đầy đủ những cái làm cho người ta kỳ thị và chống đối nhau, những thái độ mà cá nhân cần phải có, những định chế tạo nên môi trường đối thoại. Anh có nhắc đến thái độ cần phải tránh là chụp mũ, là lừa dối. Tôi cho điểm cuối cùng này là rất quan trọng : phải chân thật, và cả đôi bên đều phải chân thật. Nhưng đó là điểm khó, vì phải có thể tín nhiệm vào nhau đã, và nhất là vì người ta ai nấy đều có phản ứng (…), không tùy theo sự việc khách quan, nhưng tùy theo điều mình nghĩ, mình gán cho thái độ của người khác. Nếu cả đôi bên đều nghi nan người khác có ác ý, thì làm sao hòa giải được ”. Và ông còn viết cho tôi rằng “ nếu anh thấy là nên quảng diễn một trong hai đề tài (tự trị, hòa giải) thì xin cho biết, tôi sẽ làm từ từ ”. Lẽ tất nhiên sau đó tôi đã đề nghị ông viết, nhưng rất tiếc hình như ý định này không được thực hiện, chắc hẳn do tình hình sức khoẻ của ông.

Vào giữa năm nay, khi tôi đang hiệu đính bản dịch cuốn The Social Construction of Reality của Peter Berger và Thomas Luckmann – hai tác giả sử dụng phương pháp hiện tượng luận vào lý thuyết xã hội học – để chuẩn bị gởi cho nhà xuất bản Tri thức, tôi mới vỡ lẽ khám phá ra là chính giáo sư Trần Văn Toàn cũng đã từng đi theo đường hướng hiện tượng luận của Maurice Merleau-Ponty khi ông viết cuốn Hành trình đi vào triết học xuất bản năm 1965.

Cuối tháng 8 mới đây, tôi có gởi e-mail hỏi ông về cách dịch cụm từ “ social construction ”. Trong thư hồi âm viết từ nhà ông ở Lambersart (Pháp) ghi ngày 2-9-2014, ông có hứa sẽ gởi cho tôi cuốn Der sinnhafte Aufbau der sozialen Welt (Sự kiến tạo ý nghĩa của thế giới xã hội) của Alfred Schütz để tham khảo thêm về lý thuyết kiến tạo, đồng thời trả lời cho câu hỏi của tôi như sau : “ … Còn việc phiên dịch thì tôi sẽ viết cho anh dài hơn, vì mỗi ngôn ngữ đều có tinh thần riêng, cho nên không thể dịch littéralement [từng chữ] được. Tôi ra ví dụ : chữ Aufbau hay chữ construction của Tây, thì nó vừa có nghĩa là kiến tạo, là xây dựng (verbe actif [động từ chủ động]), vừa có nghĩa là kết quả của tác động đó : tức là cơ cấu, kiến trúc. Social construction có thể hiểu là xã hội dùng ngôn ngữ mà đặt thứ tự trong kinh nghiệm về thực tại, vì  il n'y a pas d'expérience brute [không có kinh nghiệm thô], nhưng chỉ có expérience informée par notre langage [kinh nghiệm được tạo hình bởi ngôn ngữ của chúng ta]. Cái đề tài 'sinnhafte Aufbau' tạm dịch một cách ù xọa sang tiếng Pháp là construction du sens [việc kiến tạo ý nghĩa] (hay là structure du sens [cấu trúc ý nghĩa]), nhưng rất khó dịch ra tiếng Việt, dịch cho ra tiếng Việt… (còn tiếp). Thân ái, Trần Văn Toàn ” xxi.

Mặc dù kết thúc bằng hai chữ “ còn tiếp ”, nhưng là thư ghi ngày 2-9-2014 trên đây lại chính là lá thư cuối cùng mà tôi nhận được từ ông. Vài ngày sau đó, ông phải vào bệnh viện để mổ tim. Chiều thứ năm 11-9, Claire Trần Thị Liên, con gái thứ hai của ông, giảng viên sử học tại Đại học Paris Diderot, khi đến nói chuyện tại Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ về trường phái sử học “ kết nối ” (histoire “ connectée ”) đương đại ở một số nước Tây Âu, có kể với tôi là ông đã mổ tim xong, có lẽ hôm sau sẽ được bác sĩ cho về nhà. Nhưng ngay đêm hôm đó, ông đột ngột bị xuất huyết não nặng. Hôm sau, Trần Thị Liên phải mua vé máy bay về Pháp gấp, và may là về kịp lúc cùng với cả gia đình chứng kiến giờ phút lâm chung của ông vào khoảng 16g30 chiều ngày thứ bẩy 13-9-2014.

Tôi ghi lại những dòng trên đây tạm gọi là để tưởng nhớ đến giáo sư Trần Văn Toàn, và cũng là để thắp một nén nhang để cầu chúc cho hương hồn của bác được trở về với cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa – nơi mà bác hằng mong ước.


Sài Gòn, ngày 20-9-2014

Trần Hữu Quang



NGUỒN : bài viết cho Diễn Đàn


i Xem Trần Văn Toàn, Tìm hiểu triết học Karl Marx, Sài Gòn, Nxb Nam Sơn, 1965.

ii Trần Văn Toàn, Hành trình đi vào triết học (xuất bản lần đầu tại Sài Gòn, Nxb Nam Sơn, 1965), Hà Nội, Nxb Tri thức và Đại học Hoa Sen tái bản, 2009, tr. 16. Về sự khác biệt giữa triết lý với triết học mà hình như cho đến nay nhiều người vẫn còn lẫn lộn, ông đã phân biệt như sau : triết lý là thuật ngữ dùng để chỉ "hoạt động tư tưởng của triết gia", còn triết học là để chỉ "môn học hay là tư tưởng đã thành hệ thống của triết gia" (xem Trần Văn Toàn, 2009, sách đã dẫn, tr. 18).

iii Trần Văn Toàn, 2009, sách đã dẫn, tr. 15.

iv Trần Văn Toàn, 2009, sách đã dẫn, tr. 27-28.

v Trích từ lá thư e-mail cuối cùng mà giáo sư Trần Văn Toàn viết cho tôi ngày 2-9-2014, tức khoảng mười ngày trước khi ông qua đời.

vi Xem Trần Văn Toàn, Tìm về ý nghĩa của lao động và kỹ thuật, Hà Nội, Nxb Tri thức và Đại học Hoa Sen, 2011, tr. 23. Có thể xem thêm bài điểm sách của Trần Hữu Quang, "Tìm về ý nghĩa của lao động và kỹ thuật", Tạp chí Khoa học xã hội, số 1 (161), 2012, tr. 72-73.

vii Trần Văn Toàn, 2011, sách đã dẫn, tr. 13.

viii Xem Trần Văn Toàn, 2011, sách đã dẫn, tr. 27-28.

ix Trần Văn Toàn, 2009, sách đã dẫn, tr. 40.

x Trần Văn Toàn, Xã hội con người, Sài Gòn, Nxb Nam Sơn, 1965, tr. 23.

xi Trần Văn Toàn, 2011, sách đã dẫn, tr. 13.

xii Trần Văn Toàn, 2011, sách đã dẫn, tr. 14-15.

xiii Trần Văn Toàn, 1965, sách đã dẫn, tr. 268-269.

xiv Trần Văn Toàn, 1965, sách đã dẫn, tr. 278-279.

xv Trần Văn Toàn, 2011, sách đã dẫn, tr. 92.

xvi Trần Văn Toàn, 2011, sách đã dẫn, tr. 106.

xvii Xem Trần Hữu Quang, "Đi tìm nguồn gốc của tình hình suy thoái đạo đức trong xã hội", Tạp chí Thời đại mới, số 24, tháng 3-2012.

xviii Trần Văn Toàn, "Giáo dục và quan niệm về con người", Trường đại học Hoa Sen, Bản tin giáo dục, Triết lý giáo dục, Tập 1, 2012, tr. 37.

xix Xem Trần Hữu Quang, "Luận về ý nghĩa triết học của đạo đức nghề nghiệp", Tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số 3 (187), 2014, tr. 9-18. Có thể xem thêm Trần Hữu Quang, "Luận về đạo đức nghề nghiệp", Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số Xuân Giáp Ngọ, ngày 30-1 và 6-2-2014, tr. 78-80.

xx Xem Trần Hữu Quang, "Vấn đề hòa giải trong xã hội Việt Nam đương đại", Tạp chí Thời đại mới, số 25, tháng 7-2012.

xxi Những chỗ đánh dấu ngoặc đứng là do tôi chú thích – T.H.Q.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us