Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vài kỉ niệm với anh Nghiêm Xuân Hải

Vài kỉ niệm với anh Nghiêm Xuân Hải

- Nguyễn Ngọc Giao — published 24/09/2023 20:00, cập nhật lần cuối 08/10/2023 18:29


Vài kỉ niệm với
anh Nghiêm Xuân Hải


Nguyễn Ngọc Giao



Chúng tôi quen nhau như vậy là đúng 65 năm. Mùa thu năm 1958, tôi vào học nội trú Math Sup ở trường Henri IV thì anh Hải học Math Spé (cùng với anh Trần Hà Anh), trên tôi một lớp. Tôi chân ướt chân ráo từ Sài Gòn sang, còn anh là « tây con », sang Pháp học trung học từ nhiều năm trước. Anh là « đàn anh », còn tôi là « bizuth »  (tục lệ các lớp dự bị trường lớn lúc đó là các « bizuth », học sinh năm thứ nhất lớp dự bị thi vào các trường « lớn », bị đàn anh bắt nạt, sai bảo…). Tôi nhớ không bị anh bắt nạt, mấy lần sau giờ học chiều, anh còn dẫn tôi về nhà, phố Descartes, ngay cạnh trường, từ lớp học, đi cổng sau của trường, tới cửa tiệm của mẹ anh, chỉ độ 200 mét. Ấn tượng nhất đối với tôi là hình ảnh bác gái ngồi trên cái ghế bành xoay mua lại của một chủ quán hớt tóc : đổ bột bánh cuốn trên một cái nồi hấp căng vải, quay 90° theo chiều kim đồng hồ, sang cái nồi bên, dùng cái gạt, lấy bánh cuốn đã chín, nhồi thịt, gấp gọn, đổ bột lên nồi, rồi quay ghế 90° theo chiều « lượng giác », làm lại chuỗi động tác như kể trên. Chứng kiến thao tác thành thạo của bác gái, tôi thán phục bộ óc sáng tạo của bác, đã « Taylor hóa » quy trình đổ bánh cuốn ở Paris thập niên 1950 (có lẽ phải một thập niên sau đó, với cái chảo Téfal không dính, các bà nội trợ mới có thể tráng bánh cuốn nhanh chóng, tuy không ngon bằng cách hấp truyền thống).

Có lẽ Hải đã thừa kế bộ óc thực tiễn và sáng tạo của mẹ anh. Thông minh, giỏi lý thuyết (anh trúng tuyển ngay năm đầu Math Spé vào Cao đẳng sư phạm ENS và Bách khoa Polytechnique, chọn ENS để nghiên cứu toán học – trong cuộc thi tuyển vào Bách khóa, Nghiêm Xuân Hải được xếp hạng 0 bis, nghĩa là điềm cao hơn điểm của thí sinh Pháp xếp gạng số 1), nhưng rất thực tiễn. Bàn tay anh đã bỏ ra nhiều công sức để thiết kế ngôi nhà ở Orsay. Anh còn thừa kế bác gái ở tài làm bếp. Hải làm bếp với tác phong công nghiệp : mỗi lần nấu phở anh dùng nồi mấy chục lít, nước phở được cho vào những vỏ hộp sữa « viên gạch » , hình khối chữ nhật, xếp thẳng thớm trong tủ đông lạnh, cả tháng muốn ăn phở lúc nào cũng có sẵn nước dùng.

Bộ óc Nghiêm Xuân Hải đi lại dễ dàng giữa không gian của những khái niệm toán học trừu tượng và không gian vật chất cụ thể. Hình như có phần khó khăn trong không gian quan hệ xã hội. Tôi còn nhớ những chiều thứ bảy trong những năm đầu thập niên 1960, chúng tôi mở lớp kèm toán cho các bạn sinh viên mới sang Pháp ở Nhà Đông Dương (Đại học xá Paris). Thời đó, sinh viên miền Nam được gửi sang Pháp khá đông (cho đến năm 1965, chính phủ Nguyễn Cao Kỳ trở lại chiêu trò « chống thực dân » của ông Diệm những năm 55-59, mới cấm sinh viên sang Pháp, nên dòng sinh viên mới chuyển qua Bỉ, Thụy Sĩ – hai nước nói tiếng Pháp – rồi Tây Đức). Trong những lý do du học, có yếu tố trốn quân dịch. Nhiều bạn sinh viên học trường Việt, không được chuẩn bị tốt về Pháp ngữ, nên học MGP, Math Sup… gặp nhiều khó khăn. Lớp kèm toán ở Nhà Đông Dương (có năm chúng tôi còn tổ chức thêm mỗi sáng chủ nhật ở ngay khách sạn Lutèce, « chiến luỹ » chống cộng, phố Berthollet), do đó có khá đông sinh viên theo học, nhất là giảng viên lại là những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp các trường lớn như ENS, X (Bách khoa), Mines, Ponts… Anh Trần Hà Anh và tôi là hai người tổ chức lớp học, đôi khi phải giải quyết một vấn đề tế nhị : một vài cô cậu học anh Hải xin đổi thầy. Nguyên nhân hoàn toàn có tính chất tâm lý : đang bí toán, không biết giải ra sao, họ bị « sốc » khi thầy Hải bắt đầu bằng câu : « Mais c’est évident ! ». « Hiển nhiên », « dễ ợt » thường là những thán từ đầu lưỡi của dân làm toán, nhưng thốt ra trước mặt một sinh viên đang bí, thì cũng hơi thiếu « sư phạm », dù rằng « thầy Hải » lại tốt nghiệp từ trường « cao đẳng sư phạm số 1 » của Pháp – của đáng tội, hình như ở ENS, người ta học đủ thứ, trừ môn sư phạm !

Sau này, ở chùa Trúc Lâm, những năm đầu sau khi thầy Thiện Châu viên tịch (1998), sư cô Mạn Đà La chủ trì với sự hỗ trợ của sứ quán, đã xảy ra nhiều cuộc tranh chấp, xung đột với sư cô và giữa các Phật tử. Nghe nói anh Hải là một trong những người trong cuộc hăng hái nhất. Từ ngày thầy Thiện Châu mất đi, tôi không xuống chùa nữa, hoàn toàn không biết sự thể ra sao, nên chỉ đoán mò, tưởng tượng ra không khí những cuộc tranh chấp, với sự thẳng thắn tự nhiên và mối quan tâm tối thiểu về quan hệ người-người của anh Hải. Nhưng điều không ai phủ nhận được là công lao đóng góp của anh trong sự tồn tại và sinh hoạt của Thiền viện Trúc Lâm trong nhiều năm trời.

Tháng 10 tới, gia đình anh sẽ đưa di cốt vào "Niết Bàn Bảo Tháp" chùa Trúc Lâm. Từ đây, anh sẽ yên nghỉ bên chị An, và hai bác Hoàng Xuân Hãn & Nguyễn Thị Bính. Công quả của anh chị tiếp nối sự đóng góp về vật chất và tinh thần của hai bác Hãn với thiền viện, ngay từ những ngày thượng tọa Thích Thiện Châu khởi công xây dựng.

*

Đầu năm học 1959, anh Hải nhập học trường ENS ở phố Ulm, tôi chuyển sang trường trung học Saint-Louis học lớp Math Spé, tưởng sẽ ít có dịp gặp nhau. Nhưng ngẫu nhiên lại tạo ra giữa chúng tôi mối liên hệ gần như gia đình. Số là, sau một tháng ở trường mới, tôi đi khám sức khỏe, bác sĩ phát hiện tôi bị nhiễm lao. Tôi được đưa vào viện « tiền trị lao » (pré-cure) Edouard Rist, phố Boileau, chấm dứt thời kỳ học chuẩn bị « thi vào trường lớn », chuyển sang học hàm thụ đại học. Bệnh viện ở ngay gần phố Théophile Gautier, nhà hai bác Hoàng Xuân Hãn. Bác gái, có lần cả bác trai, thường ghé thăm tôi. Từ đó, vô hình trung, tôi trở thành người nhà, gặp hai bác ở Théophile Gautier, dã thự Cam Tuyền ở Normandie, hay những năm cuối đời hai bác dọn về Orsay ở với anh Hải chị An (chị An, dòng dõi cụ Lê Ninh, phong trào Văn Thân, là con nuôi của hai bác).

Những năm làm việc và hoạt động, chúng tôi ít có dịp gặp nhau, anh ở Orsay, tôi ở Paris. Trừ một vài lần họp các bạn "khoa toán" (Hội Liên hiệp Trí thức) ở nhà Hải, thường là dịp gặp các anh Hoàng Tuỵ hay Phan Đình Diệu khi các anh sang Pháp. Mối liên lạc gần như duy nhất (chủ yếu là điện thoại) giữa chúng tôi là mối quan tâm chung : di sản Hoàng Xuân Hãn. Bạn đọc lưu tâm tới vấn đề « bản Kiều gốc », có thể theo dõi qua mạng internet những bài viết và tranh luận của Nghiêm Xuân Hải chung quanh đề tài mà bác Hãn đã dành nhiều công sức cuối đời để nghiên cứu. Hải đã rời bỏ những « algebra Weyl và toán tử vi phân », học chữ nôm, với cao vọng tiếp nối công trình Hoàng Xuân Hãn.

Quan tâm của tôi thấp lè tè hơn nhiều : làm gì với thư viện và những di cảo của Hoàng Xuân Hãn ? Tủ sách mấy chục ngàn cuốn mà bác để lại tất nhiên là quý, với những văn bản hán-nôm, những ấn phẩm đủ loại về văn hóa, lịch sử… (thượng vàng hạ cám, có lần bác cho tôi mượn cuốn L’Annamite, mère des langues (1892) của tay đại tá hâm hâm, Henri Frey, say mê chứng minh tiếng Việt là mẹ đẻ của mọi thứ ngôn ngữ trên đời). Nhưng có lẽ còn quý hơn nữa : những ghi chú, bình luận viết tay của bác bên lề những trang sách ấy. Cùng với những trang di cảo, thư viện Hoàng Xuân Hãn là một kho tàng văn hóa vô giá.

Sinh thời, cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, bác Hãn thường nói với tôi ý nguyện đưa tủ sách này về một thư viện trong nước. Tất nhiên tôi tán thành, chỉ xin góp ý : khi nào bảo đảm thư viện ấy bảo quản tốt, và mở rộng cho các nhà nghiên cứu. Từ khi bác mất đến nay, anh Hải đã bảo quản rất cẩn thận. Cách đây hai ba năm, anh đã chấp nhận sáng kiến của một số bạn trong nước : cho scan và số hóa một phần hay toàn bộ tủ sách. Với đại dịch Covid19, ý tưởng ấy chưa được tiến hành thực hiện.

Nay anh mất đi, mong rằng hậu duệ Hoàng Xuân Hãn – Nghiêm Xuân Hải và những ai quan tâm tới văn hóa, lịch sử sẽ cùng nhau gìn giữ và phát huy di sản quý báu này.

Paris, 24.9/2023

Nguyễn Ngọc Giao


Chú thích một vài tên tiếng Pháp :

Hệ thống đại học ở Pháp có một đặc điểm : ngoài trường đại học, có những « trường lớn » (Grandes Ecoles), như Ecole Normale Supérieure (ENS, Cao đẳng sư phạm), Ecole Polytechnique (gọi tắt là X, Trường Bách khoa), Mines (Mỏ), Ponts et Chaussées (Cầu đường)… Thi tuyển vào những trường này, học sinh đỗ tú tài không vào đại học, mà theo học các lớp dự bị (năm đầu là Math Sup / Mathématiques Supérieures, năm sau là Math Spé / Mathématiques Spéciales).


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss