Vài kỷ niệm về anh Đễ
Vài kỷ niệm về anh Đễ
Nguyễn Ngọc Giao
Sáng dậy, nhận được lời nhắn của FaceBook : Hôm nay, 24 tháng 8 là sinh nhật của Hoàng Mạnh Đễ.
Anh sinh năm 1937, hôm nay tròn 84 tuổi, nếu anh còn sống. Nhưng anh đã mất cách đây năm ngày, 19-8, tại nhà riêng ở Quận 3 Sài Gòn.
Trang FB của anh còn đó : bạn bè và học trò anh (những người đã học anh ở Đại học Khoa học Sài Gòn từ mấy chục năm qua), từ bốn phương, gửi lên mấy dòng, người tỏ lòng thương nhớ, người chưa biết thì chúc mừng sinh nhật.
Chiều 20-8 tôi nhận được mail của một anh bạn gửi từ Paris : một chị bạn ở Đà Lạt nghe tin anh Đễ vừa mất, nhưng không có số điện thoại nhà anh để hỏi tin. Tôi tìm lại được số điện thoại, gọi về Sài Gòn thì gặp cháu Minh, con trai anh chị. Minh cho biết anh đã từ trần tối thứ năm 19, sau ba ngày nhiễm covid. Từ năm ngoái, anh bị Parkinson nặng, hệ thần kinh suy yếu, nên khi virut covid tấn công, bộ máy hô hấp không tài nào kháng cự.
Tết năm ngoái, 2020, tôi về nhà đón cháu nội sắp sinh. Cháu ra đời xong, tôi chạy lại ngay thăm anh chị, và trước khi tôi trở lại Paris, anh chịu ra khỏi nhà để đi ăn trưa với vợ chồng tôi. Lúc đó, tay đã run nhiều, chân đi khó khăn, chỉ đầu óc là còn minh mẫn.
Chúng tôi kết bạn như vậy được gần sáu mưoi năm, từ năm 63-64 khi anh được cử sang tu nghiệp ở Paris (lúc đó anh đã là trợ giáo về toán ở ĐHKH Sài Gòn). Hai ba năm sau, anh về nước, chúng tôi vẫn thư từ với nhau. Sau 1975, mỗi lần về nước, tôi đều gặp anh hai ba lần. Chúng tôi cũng ít trao đổi email hay messenger, nhất là mấy năm sau này, anh gõ phím hơi khó khăn.
Lần đầu tiên tôi gặp anh Đễ là khoảng 1964 tại cư xá Saint-Jacques, nơi ông Gustave Meillon, người thân tín của ông bà Ngô Đình Nhu, mở nơi tá túc cho sinh viên từ Sài Gòn qua. Anh Đễ sang cùng chuyến bay với Trần Hà Nam, em của anh Trần Hà Anh. Tôi đi cùng với anh Trần Hà Anh đến thăm Nam và gặp anh Đễ ; cũng là bà con họ hàng với anh em Anh & Nam.
Cuộc làm quen cụt ngủn, lẽ ra không mở đầu tình bạn kéo dài đến bây giờ. Số là chúng tôi vừa đến, chào hỏi xong thì thấy anh Để kéo anh Anh ra ngoài phòng, còn lại Nam và tôi. Chiều tối, về tới cư xá đại học (Cité universitaire), anh Anh kể lại cho tôi : anh Đễ kéo anh Anh ra ngoài, và trách : « Sao Bob (tên gọi anh Anh trong gia đình) lại chơi với thằng Giao này. Nó là con rể Ngô Đình Nhu đấy ».
Lần đầu tiên, tôi được nghe câu chuyện khôi hài lạ đời này. Mấy năm sau, thi thoảng cũng nghe mấy “version” khác nhau, dù lúc đó ông Nhu đã bị giết, còn cô Lệ Thủy “ý trung nhân” hờ của tôi cũng đã chết trong một tai nạn xe hơi khá thảm thương ở vùng Paris. Cuối năm 1975, về nước, tôi tò mò hỏi ông cụ thân sinh, thì được ông cụ xác nhận : năm 1958, chính ông Nhu xem xét hồ sơ xin du học của tôi (do anh họ tôi, một bác sĩ quân y, dân biểu Bình Thuận “chuyển lên ông Cố”) và đã chuẩn y và quyết định cấp học bổng. Và, theo lời ông cụ, có một lần cụ đã được “ông Cố” triệu lên để gọi gả. Câu chuyện cũng qua , khi ông cụ trả lời : “con tôi đã trưởng thành, tôi không ép đặt gì”. Và cũng xẹp đi, nhưng còn lại là những lời đồn, đặc biết trong giới sinh viên cựu học sinh Chu Văn An học cùng, hay trước sau tôi vài năm. Chuyện khôi hài, sự thật và “fake news” pha trộn chế biến, tiếc không thể nào tiến hành điều tra xã hội học để hiểu rõ hơn nhiều vấn đề : não trạng của một “ông Cố” tuy tốt nghiệp Ecole nationale des Chartes, người có lẽ “tây học” nhất trong một gia đình quan lại, lại vẫn hành xử rất phong kiến ; hành trình và biến thái của một tin đồn cụ thể trong một xã hội chậm tiến, dưới một chế độ toàn trị mà thông báo truyền miệng giữ vai trò truyền thông chủ đạo.
Trở lại anh Đễ : tôi cũng không nhớ tôi đã được anh “chiêu tuyết” cái mảng lý lịch ô uế kia như thế nào – không bao giờ tôi hỏi anh về chuyện này – chỉ biết là quan hệ bạn bè “đồng song” (chúng tôi có học chung một hai chứng chỉ ở Viện Henri Poincaré) sớm chuyển sang quan hệ anh em thân thiết, bắt đầu tư những ngày tháng ở Nhà Đông Dương, đại học xá Paris.
Sau hai năm tu nghiệp, anh trở về Sài Gòn. Thư từ bị kiểm duyệt, chúng tôi cũng không trao đổi gì nhiều. Có lần anh gửi cho tôi mấy cuốn sách, trong đó có một số tạp chí Bách Khoa. Một bài báo có nói tới tên nhạc sĩ Lưu Hữu Phước : một chuyện độc nhất vô nhị trong lịch sử các quốc ca trên thế giới (mà nhiều bạn trẻ không biết), cùng với hai người bạn (kết thân từ đầu những năm 1940) là Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước là tác giả tập thể Hoàng Mai Lưu – Huỳnh Minh Siêng i của bài ca “Thanh niên hành khúc” sau này trở thành “quốc ca” của chế độ Quốc gia Việt Nam rồi Việt Nam cộng hòa, và bài “Giải phóng miền Nam”, bài ca chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, rồi Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bài báo Bách Khoa nói tới nhạc mới ra đời trong thập niên 40, tất nhiên nói tới Lưu Hữu Phước. Tên nhạc sĩ được khoanh tròn, nối gạch ra ngoài lề, với hai chữ viết tay mà tôi nhận ra bút tự anh Đễ : “here now”. Như vậy là Lưu Hữu Phước đã ”đi B”. Tôi hiểu là anh Đễ đã tham gia kháng chiến và chắc có liên lạc với Mặt trận. Sau này anh kể đã mấy lần anh từ Sài Gòn ra vùng giải phóng, một trong những “đường dây” đó chính là chị Trần Tố Nga.
Cuối năm 1975, tôi về Sài Gòn, gặp lại anh. Lúc ấy anh làm phó tổng thư ký Hội trí thức yêu nước, anh làm việc chung với các anh Huỳnh Kim Báu, Lý Chánh Trung, Chu Phạm Ngọc Sơn... Một trong những công việc không dễ dàng của anh là vận động để trả tự do cho những đồng nghiệp từ những trại “học tập cải tạo”. Giáo giới thì không bị đi cải tạo, nhưng nhiều anh bị động viên rồi “biệt phái” trở về Đại học giảng dạy, không phải ở trong quân ngũ. Hai chữ “biệt phái” rất khả nghi, có hơi hớm CIA, nên không ít người bị liên lụy.
Là người rành tiếng Pháp (kể cả tiếng lóng argot), anh Đễ thường làm phiên dịch cho những nhà toán học Pháp sang thuyết trình ở Việt Nam trong những năm Việt Nam bị cấm vận. Anh phụ trách luôn cả khối sách ngoại ngữ của khoa toán trường Đại học Khoa học. Một hôm anh trách tôi : “Các bạn gửi những tạp chí toán học về giúp trường mà thiếu số này số nọ, tạp chí mà thiếu số thì làm sao xài được”. Ý anh nói tới những bộ tạp chí và sách khoa học mà Tập thể liên công đoàn đại học Pháp (do anh Henri Van Regemorter, nhà vật lý thiên văn phụ trách) đã quyên góp từ những năm chiến tranh, gửi về Hà Nội, rồi Sài Gòn. Thỉnh thoảng có tới trụ sở công đoàn SNESup ở góc rue de l’Ecole Polytechnique và rue des Carmes (quận 5 Paris) giúp anh Henri làm bản kê khai trước khi đóng thùng, tôi bảo đảm với anh là các bộ tạp chí được gửi về đều là những bộ đầy đủ, nếu có thiếu số nào thì chắc vì thất lạc đó thôi. Câu chuyện ngừng ở đó, cho đến một hôm tôi đang chuẩn bị trở về Pháp, thì anh đi tới nhà tìm tôi : anh vừa đi dạo chợ trời thì rơi vào những số tạp chí toán học mà thư viện còn thiếu ! Giá cũng không đắt, vì tạp chí toán học thì mấy ai quan tâm, lại bán mấy số lẻ tẻ. Tôi chỉ còn biết vét túi, cũng còn được gần hai nghìn đồng – thời giá đầu những năm 80, số tiền không nhỏ, 4000 FF – đề nghị anh mua liền để bổ sung bộ tạp chí của thư viện.
Về Pháp, ít lâu sau được thư anh. Anh Đễ cho biết hai tin mừng. Một là bộ tạp chí như vậy đã đầy đủ. Hai là đã tìm ra thủ phạm vụ mất mát : nhân viên nhận thư của trường ăn cánh với nhân viên bưu điện đã chuồn chợ trời mấy cuốn sách khoa học, và – không hiểu sao – mấy số tạp chí !
Gặp lại Henri Van Regemorter, người đã gắn bó với Việt Nam từ đầu thập niên 1950 khi anh còn là sinh viên, chân ướt chân ráo từ bên Bỉ sang (cũng là người sau này cưu mang cậu học sinh Ngô Bảo Châu), tôi đùa với anh : từ nay Collectif gửi sách về giúp, phải dự trù một ngân sách 10% giá tiền khối sách để chúng tôi có thể ra chợ trời mua lại những cuốn sách không cánh mà bay.
Henri đã từ trần cách đây gần đúng 20 năm. Bây giờ anh Đễ và Henri gặp nhau, chắc có nhiều chuyện vui buồn để nói với nhau.
Nguyễn Ngọc Giao
1 Cũng như bạn đọc, tôi đã thắc mắc vì chữ S trong cái tên Huỳnh Minh Siêng. Như bút danh Hoàng Mai Lưu (lấy từ họ của ba người), Huỳnh Minh Siêng lẽ ra phải là Huỳnh Minh Liêng. Có dịp hỏi “người trong cuộc”, thì biết là Thông tấn xã Giải phóng đánh điện từ Trung ương cục ra Hà Nội, ở đó, một cán bộ mẫn cán, thấy Liêng không có nghĩa, chắc là bản viết tay, chữ S hoa viết tay bị “cậu đánh máy” đọc nhầm là L, nên đã tự tiện “sửa laị cho đúng”. Từ đó mà chữ L (trong Lưu) của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã bị thủ tiêu “vì thiện chí”. Những tập hồi ký mà tôi được đọc về thời ấy không thấy nói tới tình tiết này, nên nhân tiện xin chép lại đây.
Các thao tác trên Tài liệu