Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vài kỷ niệm với Anh Dực

Vài kỷ niệm với Anh Dực

- Nguyễn Ngọc Giao — published 22/08/2020 14:40, cập nhật lần cuối 22/08/2020 15:16

Vài kỷ niệm với Anh Dực


Nguyễn Ngọc Giao


Mãi tới đầu thập niên 1990, tôi mới được gặp anh Hà Dương Dực, lần đầu tiên, ở Paris. Bốn mươi năm trước đó, tôi chỉ quen Hà Dương Hùng, cùng tuổi tôi, nghĩa là sinh sau anh Dực bốn năm. 1950, trong Hà Nội tạm chiếm, chúng tôi sinh hoạt hướng đạo sáng chủ nhật ở Văn Miếu,  lâu lâu mới đi cắm trại, xa nhất là ra tới Chùa Láng hay đền Voi Phục. Năm 54 vào Sài Gòn, Hùng và tôi đều học Chu Văn Ăn, ít nhất là năm đệ nhất, cùng ban toán, nhưng không cùng một lớp. Năm 1958, xong tú tài, tôi sang Pháp ngay, Hùng thì hai ba năm sau, học 'prépa' (lớp dự bị thi vào các "trường lớn") ở lycée Janson de Sailly (Paris 16). Lúc đó, vì bị lao, tôi đã bỏ 'prépa' sang trường đại học. Phải giữa thập niên 60, chúng tôi mới gặp nhau lại, và kết thân, ở Đại học xá Jourdan, rồi trong Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp (thành lập vào mùa xuân năm 1965). Lúc đó, hai người em của Hùng là Tường và Tuấn cũng lần lượt tham gia phong trào Việt kiều. Bọn chúng tôi có lẽ là những "Bắc Kỳ di cư" đầu tiên "đi theo Việt cộng". Kết thân với "anh em Hà Dương" từ hồi đó, nhưng tôi cũng chỉ nghe tên anh Dực, biết anh là con cả trong gia đình bác Hà Dương Bưu.

Đầu năm 1990, chúng tôi công bố "Tâm Thư". Anh Bùi Văn Nam Sơn (chủ tịch Hội Việt kiều Tây Đức) và tôi được quy chụp là "đầu sỏ". Anh Sơn ngồi nhổ râu nhiều năm trong căn nhà cuối con hẻm Phú Nhuận – nhờ đó ngày nay nước ta có những bản dịch kinh điển các tác phẩm kinh điển của Kant, Hegel... – đầu hẻm, ngày đêm có hai đồng chí "bạn dân" ngồi canh chừng. Tôi thì bị cấm cửa, ở cả Mỹ lẫn Việt Nam – Mỹ thì ma lanh hơn, năm 1995, đã cấp visa cho tôi, trên hộ chiếu CHXHCNVN, mấy tuần trước ngày bình thường hoá quan hệ ; còn Việt Nam thì tới cuối năm 2001, tôi mới được cấp visa. Trong nhiều năm, hai chúng tôi được trang trọng nêu tên ở "Bảo tàng tội ác chiến tranh Mỹ-nguỵ", phòng "âm mưu của các lực lượng thù địch sau 1975". Dường như lối tuyên truyền trẻ con ấy cũng có tác dụng, ít nhất đối với một số nhà "quốc gia chống cộng". Những năm 90, 91, 92... tôi thường được tiếp những nhà ở Mỹ sang. Những cuộc gặp đầu voi đuôi chuột, bên này thất vọng vì chữ dân chủ dường như có nhiều nghĩa quá khác nhau, bên kia vì tưởng phen này "chiêu hồi" nó về với "chính nghĩa quốc gia".

Chính trong bối cảnh 90-91 ấy, mà một hôm tôi nhận được điện thoại của anh Tường, nói "anh Dực vừa từ Cali sang, có chuyện muốn gặp Giao". Tôi cũng không nhớ gặp anh ở nhà ai, nhưng nhớ rất rõ câu đầu tiên của anh : "Tôi tìm gặp anh, vì trước khi sang đây, anh Quỳnh – anh ruột tôi – trao cho tôi một nhiệm vụ. Anh Quỳnh nói, nhờ anh hỏi Giao một câu thôi : nó có còn là cộng sản không?".


AD


Ngôn ngữ tiếng Việt thật là rắc rối, hay đúng hơn, thời thế Việt Nam thật không đơn giản. Tôi đành trả lời một cách thẳng thắn nhất có thể : "Nếu cộng sản là có thẻ đảng – đảng cộng sản Pháp hay Việt Nam – thì tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ là cộng sản. Còn nếu cộng sản là có tư tưởng ủng hộ công bằng xã hội, đấu tranh cho một xã hội thực sự công bằng, như anh Quỳnh đã 'nhồi nhét' vào đầu óc 11, 12 tuổi của tôi, những buổi anh ấy đèo tôi trên xe đạp lên hồ bơi Quảng Bá, thì tôi là cộng sản, và không có ý định từ bỏ lý tưởng ấy". Anh Dực cười, bằng miệng, và bằng đôi mắt sau cặp kính cận dày cộm, và nói : "Tôi sẽ mang câu trả lời của anh về cho anh Quỳnh".

Chắc chắn anh Dực đã "hoàn thành nhiệm vụ". Vì mấy năm sau, năm 1994, anh chị tôi ghé qua Pháp trong một chuyến Âu Du – anh em chúng tôi gặp nhau sau 36 năm xa cách – hay năm 1995 lần đầu tiên tôi sang Mỹ, cũng như những lần sau, không bao giờ anh Quỳnh đặt lại câu hỏi ấy nữa. Nhiều lần chúng tôi trao đổi về tình hình chính trị Việt Nam, nhưng chẳng bao giờ có gì để tranh luận.

Đối với anh Dực cũng thế. Mỗi chuyến sang Mỹ, tôi đều xin gặp anh nhiều lần. Vài lần anh tham gia Hội thảo Hè, cũng thế. Chúng tôi trao đổi đủ thứ chuyện. Nhưng phải thú thực, trao đổi bất bình đẳng. Anh cho tôi, là chính.

Anh Dực là "nguồn tin" chính xác và đầy đủ nhất của tôi về cộng đồng Việt Nam ở Mỹ. Cũng xin nói ngay để tránh hiểu lầm : "tin" của anh không có gì là bí mật, mặc dầu đó là những thông tin bắt nguồn từ nghiệp vụ của anh : trong nhiều năm, anh là chủ nhân và giám đốc một công ty kế toán. Ở Mỹ, như nhiều người biết, việc khai thuế thu nhập và lợi tức rất phức tạp. Người làm nghề kinh doanh hay lao động tự do đã vậy, mà cả những người làm công, ăn lương tháng, đồng lương thu nhập có sổ sách phân minh, cũng thế – ở Pháp, nhất là bây giờ, người làm công, ăn lương tháng, chỉ cần vài phút kiểm lại con số thu nhập mà Bộ tài chính nắm rõ, rồi bấm nút "chữ ký điện tử" là thoát nợ – còn ở Mỹ, mọi người đều phải qua một công ti kế toán để khai thuế (thuế liên bang, thuế tiểu bang, thuế địa phương). Với công ti "Taxcali" nằm giữa "Quận Cam", anh Dực nắm hơn ai hết thực trạng kinh tế của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Anh không cần tiết lộ gì về cá nhân nào, nhưng anh cho tôi hiểu được thực trạng và diễn trình đời sống kinh tế, xã hội của "Tiểu Sài Gòn", từ năm 1978, khi xuất hiện gánh phở và những mẹt rau thơm, rau mùi...  đầu tiên bày bán trên hè đường Đại lộ Bolsa.

Nhờ những bữa đi ăn "Phở Nguyễn Huệ", hay nếm bánh cuốn ở chợ Phúc Lộc Thọ, những cuộc dạo xe khắp Quận Cam, xuống đến tận San Diego ngắm chùa Việt Nam đang xây trên triền núi, tôi được phi ngựa xem hoa, hiểu thêm được xã hội "Tiểu Sài Gòn", từ những bà con buôn thúng bán mẹt, qua những tiệm kim hoàn, tới các vị thuộc các thứ chính phủ lưu vong sáng sáng vừa ăn phở bò ("gầu hay không gầu") phở gà ("da hay không da") ở góc Bolsa Ave và Ward St, vừa bàn chuyện phục quốc sự như mổ bò. "Little Saigon", và cả "Big Saigon" nữa. "Đại Saigon" là cái gì vậy ? Thưa đó là cái tên mà mấy sòng bạc Las Vegas dùng để gọi các đại gia từ Sài Gòn hay Hà Nội sang nướng cả trăm ngàn đô đựng trong attaché-case còn mang thẻ Vietnam Airlines. "Big" để phân biệt với các đại gia khách quen bay từ Little Saigon sang đánh bạc, cứ ký quỹ 5000 đô, là ăn ở khách sạn miễn phí. Anh Dực không cần dẫn tôi đến Las Vegas, mà chỉ cần lái xe một vòng Westminster, Santa Ana, Irvine, chỉ cho tôi cái nhà này, y chang các nhà chung quanh, nhưng một ông bà "Việt Cộng" mua (để con đi du học, và có thẻ xanh), bèn sửa một chút cái cổng vào, hơi hớm "Hà Nội chóp", là biết ngay. Với bài học "địa lý quận Cam" của thầy Dực, tôi đã loè được mấy ông bạn "người Mỹ gốc Việt" không hiểu tại sao tên "Paris gốc Viêt" lại thổ công hơn họ !

Phải một thời gian tôi mới hiểu được "bí quyết" của anh Dực. Năm 1945 anh 9 tuổi, 1954 18 tuổi. Di cư, rồi đại học, bạn bè Bắc Nam đủ thứ, rồi quân dịch, chiến trận, rồi học bổng (AID ?) sang Mỹ, chứng kiến phong trào phản chiến, rồi 1975, dân tộc hai ngả, gia đình hai phía, bạn bè nhiều phe... anh là một chứng nhân lý tưởng của lịch sử. Hoàn cảnh khách quan kết hợp với thiên bẩm chủ quan : óc quan sát tinh tế và tấm lòng quảng đại, khoảng cách cần giữ và tâm cảm hoà đồng, dấn thân và thiền tính...

Từ giữa thập niên 1990, anh đã cùng các anh Phạm Văn Thuyết, Lê Xuân Khoa, Tạ Văn Tài... về nước tham gia những khoá đào tạo và hội thảo về kinh tế thị trường. Đó là dịp thuận lợi để anh quan sát thực tế Việt Nam, làm quen với những anh chị em trí thức trong nước, ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn. Chẳng mấy lúc, dù không đứng trong một định chế, hội đoàn nào – nói đúng hơn, chính vì thế – anh Dực đã trở thành cầu nối, người đối thoại "không hậu ý" của anh chị em trí thức người Việt, bất kể trong ngoài, phe nhóm.

Bourges, 22.8.2020

Nguyễn Ngọc Giao





Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us