Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vài lời về anh Henri Van Regemorter

Vài lời về anh Henri Van Regemorter

- Bùi Trọng Liễu — published 10/11/2022 09:00, cập nhật lần cuối 11/11/2022 00:02
Tưởng nhớ H. Van Regemorter (1925-2002)



Vài lời về anh Henri Van Regemorter



Bùi Trọng Liễu


LTS Henri Van Regemorter (1925-2002), nhà vật lý học thiên văn, từ trần ngày 24.11.2002, cách đây đúng hai mươi năm. Để tưởng nhớ người bạn quý , Diễn Đàn xin đăng một số bài viết. Mở đầu là bài của nhà toán học Bùi Trọng Liễu (1934-2010) đã đăng trên Diễn Đàn số 125 (1.2003). Trong những ngày tới, sẽ tiếp tục với những bài của các tác giả Pierre Brocheux, Ngô Bảo Châu, Nguyễn Ngọc Giao. 


Anh Henri Van Regemorter, chủ tịch của Comité pour la Coopération Scientifique et Technique avec le Việt Nam (CCSTVN), không còn nữa, nhưng đối với những người thuộc lứa tuổi chúng tôi và quan tâm đến vấn đề Việt Nam, không mấy ai quên được tên anh, người bạn thân thiết và thủy chung của Việt Nam trong những ngày khói lửa cũng như trong những năm đổi mới gần đây. Ở đây, tôi chỉ xin nói tới Henri chủ yếu trên diện hợp tác khoa học kỹ thuật.

Tôi quen anh chưa lâu lắm – non 40 năm thôi – vào cái thời Mỹ rục rịch ném bom miền Bắc. Do công tác phong trào, tôi gặp và làm việc với anh luôn. Vào thời ấy, “cái cửa” nhỏ xíu cho trí thức mà miền Bắc ngỏ được sang phương Tây cũng chỉ qua một nhúm người chúng tôi, chẳng có sự phân biệt Việt kiều hay bạn nước ngoài, và dù chính kiến không giống nhau (anh Henri là người cộng sản, tôi thì không) ; có lẽ vì thế mà anh thân Việt Nam tới mức mà có người gọi đùa anh là Vietnamien associé (người Việt liên kết). Rồi chiến tranh lan rộng, anh luôn luôn là một trong những người chủ chốt trong phong trào ủng hộ sự nghiệp giải phóng của Việt Nam, đặc biệt là trong “khía cạnh” trí thức, (mà tôi đã có dịp kể, như trong bài tôi viết về ông L. Schwartz, Diễn Đàn số 121). Rồi những năm sau đó, anh là người khởi xướng thành lập Uỷ ban Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam (CCSTVN), mà những mục tiêu chính là thúc đẩy, khuyến khích và hỗ trợ, tham gia việc hợp tác về khoa học và kỹ thuật giữa Việt Nam và Pháp, trong giáo dục đại học, trong nghiên cứu, trong đào tạo kỹ thuật, trong nghiên cứu phát triển. Tuy là một hội đoàn, Uỷ ban này đã góp phần vào việc hình thành của sự hợp tác chính thức giữa hai nước, và trong khoảng một thời gian dài, đã đóng vai trò môi giới giữa nhiều cơ quan nghiên cứu, cũng như nhiều đại học Pháp và Việt, và đã tham gia vào nhiều đề án. Anh Henri liên tiếp làm chủ tịch Uỷ ban này từ ngày thành lập cho đến ngày anh mất. Ảnh hưởng của Uỷ ban này lan ra các nước khác, thí dụ như ở Mỹ, với sự thành lập của US Committee for Scientific Cooperation with Viet Nam mà chủ tịch đầu tiên là (cố) giáo sư E. Cooperman, một người bạn khác của Việt Nam.

Trong chuyên môn Henri và tôi không cùng ngành. Nhưng trong giao dịch với Việt Nam một thời, anh và tôi được quen biết và giao dịch với cũng từng ấy người đối tác : Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, ông Lê Khắc, Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, vv... và những nhà khoa học như các ông Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, vv... cho nên anh thường tâm sự với tôi nhiều điều. Xin cho tôi được nhắc lại đây vài kỷ niệm nhỏ, cũng là cách ghi lại vài nét về anh. Anh vốn độc thân, nên trong cái khoảng thời gian giao dịch chung, thường khi tiếp ai từ Việt Nam qua, vợ chồng tôi soạn cơm ở nhà, còn anh nhận phần đi đón khách đưa lại nhà tôi rồi lại đưa khách về. Có một lần, có một vị khách không lịch thiệp lắm, hẹn rồi mà mải đi chơi, quên mất ; anh ngồi đợi ở nhà khách Sứ quán hơn hai tiếng đồng hồ không được, lỡ bữa cơm nhà tôi, mà anh cũng không giận. Cũng có lần có vị khách ăn cơm xong, mệt quá, cần nghỉ trưa, anh cũng kiên nhẫn vui vẻ ngồi đợi. Thời gian anh dành cho Việt Nam là như thế. Vào một lần có cuộc mít tinh chung để mấy nhà khoa học Pháp vừa đi Việt Nam về tường thuật lại những sự chứng kiến của họ về tình hình, tôi được trao nhiệm vụ giới thiệu, còn anh thì đóng vai trò hướng dẫn thảo luận. Anh thì khăng khăng ép tôi giới thiệu theo thứ tự tên A, B, C,... cho “bình đẳng”, còn “phía ta” thì muốn trọng người cao tuổi có danh vọng là giáo sư A. Kastler, giải thưởng Nobel vật lý. Việc này làm tôi điên đầu suy nghĩ, rồi rốt cục, tôi trình bày với cử tọa là tôi giới thiệu theo ngành, và bắt đầu bằng vật lý, vì ông Kastler vần K, trong khi nhà vật lý thứ nhì trẻ tuổi, thì tên vần L ; sau giới thiệu đến ngành sinh học, rồi địa lý, vv. Kể vậy để nói rằng không phải lúc nào cũng dễ thuyết phục anh, nếu không tìm được lý lẽ mà anh cho là “hợp lý”. Một lần tình cờ anh và tôi cùng gặp nhau ở khách sạn ở Hà Nội; tôi hỏi anh trong phòng anh có nước không (đó là cái thời còn hay tắt điện, tắt nước, mà có nước thì cũng giống như màu nước sông Hồng ngày lũ), anh cười bảo tôi : có nước, mà cũng chẳng cần bước vào thùng tắm, cứ đứng ngoài mở vòi thì cũng tắm được rồi (ý nói là ống nước thủng, mở vòi thì nước phun tung tóe cả ra sàn). Lần chót mà chúng tôi tình cờ cùng ở Hà Nội là hè 1981; gặp tôi ở khách sạn, anh hỏi : “ Đi đâu vậy? ”. Tôi kể là Chủ tịch Phạm Văn Đồng mời cơm riêng (lúc đó, không gọi là Thủ tướng, mà là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng). Anh bảo : “Tao cũng muốn gặp Chủ tịch Phạm Văn Đồng, nhưng chả biết Chủ tịch có biết tao đang ở Hà Nội không. Tao có việc đáng nói. Mày có cách nào thu xếp ?”. Tôi trả lời : “Để xem...”. Cuối bữa, sau khi đã trình bày xong công việc của tôi, tôi nói : “ Anh Henri cũng mới tới Hà Nội, tôi nghe anh kể là có việc muốn nói với bác.” (Đó là việc ông Chevènement, lúc đó là bộ trưởng quốc vụ khanh, phụ trách nghiên cứu khoa học và công nghệ trong Chính phủ Pháp, ngỏ ý muốn sang thăm Việt Nam : ông ta vốn ủng hộ Việt Nam từ thuở còn là sinh viên và chống chiến tranh ngay từ đầu). Ông Đồng bảo ; “Henri cũng đang ở đây à ? (...)”. Tôi về khách sạn bảo Henri : “Giải quyết cho mi rồi đấy”. Rồi hôm sau có xe đón anh lên làm việc... Sự trao đổi tương trợ giữa anh và tôi thường là như vậy.


h19
Từ trái sang phải : Hoàng Tuỵ, Lê Văn Thiêm, Colette Bùi Trọng Liễu, Nguyễn Văn Đạo,
Henri Van Regemorter (ảnh chụp tại nhà riêng của tác giả, Antony 1980)


Từ năm đó, do sức khỏe, tôi không có dịp về nước nữa, nhưng anh thì năm nào cũng đi Việt Nam. Nước nhà mở cửa, việc giao dịch giữa người trong nước và người nước ngoài dễ dàng hơn và trực tiếp, khỏi cần trung gian ; khách qua lại thăm hỏi trở thành hiếm, hay không còn nữa? Cũng là việc tất nhiên. Anh và tôi không còn chung làm việc, nhất là từ ngày tôi thôi công tác hội đoàn. Còn anh vẫn lặn lội với sự hợp tác, và chúng tôi vẫn thường trao đổi qua điện thoại. Hình như năm ngoái chính quyền có tặng anh Huân chương hợp tác, nhưng tôi không thấy anh kể. Đất nước đổi mới, kinh tế đi lên, cuộc sống vật chất dễ dàng hơn trước nhiều ; tuy mừng cho đất nước ta nhưng hình như trong anh có một niềm ưu tư, có lẽ vì xã hội ta thay đổi, tâm tư, nguyện vọng, phong thái của một số người Việt Nam cũng đã thay đổi, không hoàn toàn giống như hình ảnh mà anh ước mơ thuở trước.


h21
Từ trái sang phải : Bùi Trọng Liễu, Nguyễn Đình Trí, Phan Đình Diệu
Ảnh chụp tại nhà Bùi Trọng Liễu, 1980
(nguồn 2 ảnh : Học gần, Học xa, nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2005)


Mới đây trong buổi chiêu đãi nhân dịp Chủ tịch Trần Đức Lương thăm Pháp, tôi không thấy anh. Hỏi, mới biết sức khỏe anh giảm đi đột ngột. Hôm sau, tôi gọi điện hỏi thăm, anh còn vui vẻ, bảo rằng anh không đến vì sợ ngã, mà anh lại không muốn “ như diễn kịch trước mắt mọi người ” ; anh kể là cái chân phải của anh đã chết, nhưng anh còn gượng dùng tay phải để chỉ huy nó. Tôi ngỏ ý muốn đến thăm, anh lạc quan hẹn khoan mươi bữa để cho sức khỏe của anh khá lên đã, vì anh mới đổi thuốc. Thế rồi anh mất mấy hôm sau...

Để kết luận về người bạn vong niên này (anh hơn tôi gần mười tuổi), tôi muốn nói rằng anh có phong thái của một bậc trượng phu như người Việt Nam ta thường hình dung trong sách vở : xả thân, vị tha, hào hiệp, tín nghĩa, thủy chung... Đó là hình ảnh mà tôi giữ về anh. Còn lại chỉ là tiểu tiết.

Bùi Trọng Liễu

Giáo sư Đại học René Descartes de Paris



NGUỒN : Diễn Đàn số 125 (1.2003)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss