Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vĩnh biệt người “Ăn mày văn chương”

Vĩnh biệt người “Ăn mày văn chương”

- Trần Tuấn — published 17/10/2019 22:12, cập nhật lần cuối 17/10/2019 22:12

Vĩnh biệt người “Ăn mày văn chương”


Trần Tuấn



Không nhớ rõ tự bao giờ, trong hộp thư điện tử của tôi vào mỗi tháng lại nhận được một email gửi từ “Ăn mày văn chương”. Mỗi email bên dưới đều có mấy lời lịch lãm, đại ý rằng “Nếu bạn không muốn nhận thông tin hàng tháng này ở đây -Xin cho tôi một lời - phanhuy.duong@...”.

Lúc đầu tôi cũng hơi ngạc nhiên, nhưng vào đọc thì thật thú vị. Đó là một website về văn chương nghệ thuật được điều hành bởi một nhóm 6 nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nghiên cứu văn chương hiện đang sống tại Pháp. Nhưng nhóm tác giả lại không coi đó là Website văn nghệ thông thường, mà gọi đó là “Trạm Đọc”.


Chân dung Phan Huy Đường
(hoạ sĩ Nguyễn Trọng Khôi)

Người khởi xướng “Ăn mày văn chương” là nhà văn, dịch giả, nghiên cứu triết học Phan Huy Đường. Ông sinh năm 1945 ở Hà Nội, từ 1963 sang Pháp du học rồi định cư luôn tại đây.

Phan Huy Đường viết tiếng Pháp và tiếng Việt, là tác giả và dịch giả của rất nhiều cuốn sách: “Một hành trình tư duy”, “Vẫy gọi nhau làm người”, “Tư duy tự do”, “Chơi trò Babel”, “Aimer – Mourir – Yêu-Chết”, “Thơ người dị ứng với thơ”, “Một mối tình ngụ cư”, “Nhạc ở tôi”, “Lang thang chữ nghĩa”,… (Trong đó cuốn “Tư duy tự do” được in tại NXB Đà Nẵng, 2006).

Ông nghiên cứu triết học, là chuyên gia về Jean-Paul Sartre, về các tác giả thơ Pháp, về Hậu hiện đại. Ông viết tiểu thuyết. Ông dịch sang tiếng Pháp hầu hết các tác phẩm của Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Trần Vũ, Bảo Ninh, Nguyễn Duy… Bộ “sưu tập” văn chương đương đại Việt Nam mà ông hợp tác với NXB Philippe Picquier (Pháp) thật bền bỉ và đồ sộ, lên đến hơn 50 tác giả…

… Sau rồi tôi mới dần hiểu ra vì sao hàng tháng tôi lại được mời đọc “Ăn mày văn chương”. Bởi Phan Huy Đường cũng chính là một sáng lập và biên tập viên của Diễn Đàn (diendan.org), nơi tôi thường được đăng tác phẩm. Với ông, tôi là một bạn đọc đáng tin cậy chăng? Và có lẽ còn vì ông và tôi cùng thân thiết với nhà văn Đà Linh, nguyên TBT Nhà xuất bản Đà Nẵng…

Còn “ĂN MÀY VĂN CHƯƠNG”? Một tiêu chí văn chương thật độc đáo và khiêm nhường. Như những gì ông lý giải: 

“Trong văn học, Tôi có thể ăn mày văn chương trong nghĩa sau: Tôi kêu gọi người khác đọc những gì Tôi viết vì không có ai đọc thì những gì Tôi viết chỉ tồn tại như một mớ giấy lem nhem mực, không thành tác phẩm, không thành văn. Tác phẩm và văn chương hình thành trong quá trình đọc của độc giả. Vì thế nó có khả năng tồn tại trong một không gian và thời gian rộng lớn hơn không gian và thời gian của tác giả.

Điều trên cần thiết nhưng không đầy đủ. Nếu người đọc tiếp cận bài vở của Tôi với một tấm lòng bẩn thỉu đầy hận thù, ganh ghen, với đầu óc đầy thành kiến, nghi kỵ, không gợn chút tự do tin người, có đọc nghìn lần đi nữa thì trước tác của Tôi cũng không thành văn được. Chỉ khi nào người ấy đọc trước tác của Tôi với lòng nhân và lý trí tự do của con người, trước tác đó mới có khả năng thành văn, mới có khả năng tồn tại vượt thời gian và thời đại của Tôi.

Và đây là điều kiện cuối cùng, cơ bản nhất : trước tác của Tôi phải có khả năng khơi lòng nhân và lý trí tự do nơi người đọc, như thế nó mới có khả năng tìm được người đọc xứng đáng và trở thành văn chương.

Vì vậy, khi Tôi đọc văn của người khác, điều đầu tiên Tôi cố gắng làm là quét sạch kiến thức của Tôi để có thể đón nhận một con người khác Tôi, trong tư thế của một con người tự do, bình đẳng và trìu mến.

Đó, với Tôi, là thái độ ăn mày văn chương.

Và cũng chỉ là thái độ văn chương thôi. Còn phải viết sao cho hình thức với nội dung quyện lại thành một, biến thành văn phong trung thực của một con người, biến thành nghệ thuật” (hết trích).

Con người uyên bác, hài hước mà cũng đầy lặng lẽ, khiêm nhường Phan Huy Đường vừa từ biệt cõi đời này. Khiêm nhường đến nỗi cuộc chia xa của ông cả tôi và nhiều người cũng biết thật muộn màng...

Theo như tin buồn trên diendan.org, ông đã đột ngột từ trần ngày 4 tháng 10 năm 2019 tại bệnh viện Georges Pompidou, Paris, thọ 74 tuổi. Lễ hoả táng đã cử hành ngày 11.10.2019 trong vòng tay gia đình…

Một mùa mất mát lớn của văn chương chữ nghĩa, từ Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Trần Tuấn Kiệt, nay đến Phan Huy Đường.

Xin vĩnh biệt Người đã cho chúng ta “Ăn mày văn chương” suốt cõi!


Trần Tuấn


Nguồn: Trang FB của tác giả

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us