Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vĩnh biệt nhà báo Trần Bạch Đằng

Vĩnh biệt nhà báo Trần Bạch Đằng

- Thanh Thảo — published 16/04/2007 21:48, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Ông Trần Bạch Đằng, nhà báo, nhà văn, nguyên bí thư Thành uỷ Sài Gòn, trưởng ban tuyên huấn Trung ương cục miên Nam, đã từ trần ngày 16.4.2007, thọ 81 tuổi.


NHẠY BÉN VÀ QUYẾT LIỆT


Thanh Thảo

Trần Bạch Đằng là một nhà báo có tài. Không phải vì ông đã “dính” với nghiệp báo hơn 60 năm, đã là nhà báo lão thành. Thâm niên trong nghề báo chỉ là một phần, nhiều khi khá nhỏ, quyết định bản lĩnh cũng như sự sắc sảo của một cây bút “nhật trình”. Trước khi là nhà báo (chuyên nghiệp) Trần Bạch Đằng là một nhà chính trị, một người lãnh đạo. Tôi không biết, điều đó có giúp gì cho ông với tư cách một nhà báo hay không, hoặc có ảnh hưởng gì tới quan điểm báo chí của ông không. Nhưng tôi khâm phục ông, ngay sau khi “rũ áo từ quan” theo một nghĩa nào đó, ông lập tức trở lại với nghề báo. 

Và lập tức trở thành một cây viết rất quen thuộc của rất nhiều tờ báo lớn trong nước. Nhưng không chỉ báo lớn. Tôi để ý, nhiều khi cái tên “Trần Bạch Đằng” ký dưới bài viết còn xuất hiện ở rất nhiều tờ báo “nhỏ”. Có vẻ ông không quá lựa chọn những tờ báo mà mình cộng tác, tuy sau nhiều năm, hai tờ báo mà tên ông xuất hiện nhiều nhất vẫn là báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ. Dường như ông “kết” với hai tờ báo này không chỉ vì họ trả ông nhuận bút cao, mà chính vì ông thấy mình “hạp” với cách nhìn cách nghĩ của hai tờ báo ấy. Những lĩnh vực mà ngòi bút báo chí Trần Bạch Đằng “xới” tới khá rộng, từ chính trị tới xã hội, văn hoá, từ chống tham nhũng tới việc xây dựng một xã hội pháp quyền. Không cực đoan nhưng luôn thẳng thắn trong quan điểm, luôn có “lửa” trong ngòi bút, những bài báo của Trần Bạch Đằng đã được đông đảo người đọc đón nhận một cách tích cực. 

Tôi không biết, khi đang là “quan” thì ông chọn cho mình chỗ đứng nào, nhưng khi là nhà báo, ông thường chọn đứng về phía người dân. Ngay cả trong những bài viết phân tích những vấn đề chính trị hay xã hội từ quan điểm của một nhà lãnh đạo (cựu lãnh đạo), ông vẫn nhích dần về phía người dân thường hay đứng, hay nghĩ, hay cảm. Là một nhà báo lão luyện, tôi biết nhiều khi ông cũng phải “lách” trong những bài báo của mình. Nhưng dù phải “lách” thì qua “song cửa hẹp” bài báo của ông vẫn có độ “phồng” trở lại đáng để đọc. Và suy ngẫm. Chúng ta đang trong quá trình tiến về một xã hội pháp quyền, một xã hội dân chủ. Còn rất nhiều điều cần đến sự tham gia tích cực, nhiều khi là can đảm, của báo chí như tiếng nói trung thực, không ngại đụng chạm. Để sự thật được nói lên. Để những công dân bình thường nhất thấy mình có được chỗ dựa khi bị cường quyền hà hiếp. Một số bài báo của Trần Bạch Đằng đã thực sự là chỗ dựa công luận cho người dân. Một số bài báo khác đã thực sự tiếp thêm dũng khí cho người trung thực trong cuộc đấu tranh vì sự trong sạch của guồng máy công quyền, vì sự công bằng xã hội. Là một nhà báo mà làm được bấy nhiêu điều, tôi nghĩ, đã là quá được. 

Theo dõi Trần Bạch Đằng nhiều năm chỉ qua những bài báo của ông, tôi nhận thấy ông đã có những bước chuyển khá rõ trong nhận thức, dù lý tưởng của ông vẫn là lý tưởng của một Trần Bạch Đằng từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ, khi ông là một thủ lĩnh của tổ chức Thanh Niên Tiền phong. Từ chỗ quen “chỉ đạo dân” tới chỗ “nói lên tiếng nói của dân” trong những bài báo, tôi cho đó là bước chuyển tích cực nhất của nhà báo Trần Bạch Đằng. Dù bây giờ Việt Nam đã gia nhập WTO, đã hội nhập vào thế giới, thì vẫn còn biết bao việc phải làm để “dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ và văn minh”. Trong cuộc đấu tranh đầy gian khó ấy, cần biết bao những “ngòi bút có lửa” như ngòi bút Trần Bạch Đằng. Sự ra đi đột ngột của ông chắc chắn sẽ để lại một khoảng trống, một sự hụt hẫng trong “làng báo” nước nhà. Có thể là đúng vào lúc người dân cần đến tiếng nói của ông nhất, một tiếng nói luôn sắc sảo và đang mạnh mẽ. Một tiếng nói phản biện rất cần thiết trong nhiều vấn đề chính trị và xã hội.

Tôi biết, sinh thời Trần Bạch Đằng còn là một nhà văn, một nhà thơ. Nhưng tôi nghĩ, ông đã thành công nhất trong lĩnh vực báo chí, và thành công nhất khi là một nhà báo. Một nhà báo không tước hiệu kèm thêm, không cả một “biên chế” chính thức trong một tờ báo. Trần Bạch Đằng đã là một “nhà báo tự do” theo nghĩa ông không ăn lương chính thức của một tờ báo nào. Như thế, có khi lại hoá hay. Vì ông đã có nhiều khoảng trống hơn khi muốn viết về bất cứ đề tài nào. Cứ thế, có khi ông lại đóng góp được nhiều cho nhân dân cho xã hội hơn là nếu ông tiếp tục được chọn làm một nhà lãnh đạo. Xin vĩnh biệt khi ông lại đóng góp được nhiều cho nhân dân cho xã hội hơn là nếu ông tiếp tục được chọn làm một nhà lãnh đạo. Xin vĩnh biệt.

THANH THẢO

Chú thích của Diễn Đàn

Về tiểu sử ông Trần Bạch Đằng, có thể đọc :

Tuổi Trẻ ngày 16.4.2007

VnExpress ngày 16.4.2008

và các bài viết / phỏng vấn của   Yến TrinhDương Trung Quốc, Đinh Phong, Phan Quang,  Hoài Vũ, Trần Hữu Tá

- bài báo Nhân Dân (rất tiếc bỏ sót tên tác giả)

Hồi ký Cuộc đời và ký ức của Trần Bạch Đằng đã được xuất bản năm 2006, một số trích đoạn đã đăng trên Tuổi Trẻ ngày 3.8.2006, ngày 4.8.2006, ngày 5.8.2006, ngày 6.8.2006 và ngày 7.6.2006.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss