Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Vĩnh biệt
Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947 - 2019)
Chiều hôm nay 7 tháng 1 năm 2019, tại bệnh viện Bạch Mai, sau hơn một năm trời chữa trị bạo bệnh, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã từ giã chúng ta, từ giã bao nhiêu bạn đọc thơ, người nghe nhạc mến mộ ông.
Diễn Đàn xin chân thành chia buồn với gia đình, bè bạn ông về mất mát to lớn này.
Sinh ngày 25 tháng 8. 1947 tại Nghệ An, Nguyễn Trọng Tạo tham gia quân đội năm 1969 rồi từ khi chiến tranh chấm dứt, hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn học; nghệ thuật.
Trong lĩnh vực báo chí, ông là đồng Sáng lập viên và Biên tập viên tạp chí Cửa Việt (1990-1992), Thư ký toà soạn tạp chí Âm nhạc (1997), Trưởng ban biên tập báo Thơ (2003-2004).
Là nhà thơ, các tác phẩm chính đã công bố của ông bao gồm : Sóng thủy tinh, Gửi người không quen, Đồng dao cho người lớn, 1994, 1999, Thư trên máy chữ và Tản mạn thời tôi sống, Nương thân, Thơ trữ tình, Thế giới không còn trăng, Em đàn bà, Ký ức mắt đen (song ngữ Việt - Anh), Thơ và Trường ca, Nến trắng (tam ngữ Việt - Anh - Ba Lan), Con đường của những vì sao (trường ca Đồng Lộc), 1981, 2008, Tình ca người lính (trường ca), Biển mặn (trường ca), Văn chương cảm và luận (tiểu luận)…
Ông đoạt nhiều giải thưởng văn học và nghệ thuật, quan trọng nhất là Giải thưởng Nhà nước cho hai trường ca Con đường của những vì sao và Tình ca người lính.
Là nhạc sĩ, ông là tác giả nhiều ca khúc đậm chất dân gian như Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang, Tình ca bên một dòng sông, Non nước Cao Bằng, Mẹ tôi... Bài hát Khúc hát sông quê, do ông phổ thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu, được đặt tên cho Đêm nhạc Nguyễn Trọng Tạo, sinh hoạt âm nhạc cuối cùng của ông tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 8.9.2017.
Ông cũng là họa sĩ minh họa và trình bày mỹ thuật tạp chí Cửa Việt, tạp chí Âm nhạc, báo Thơ, tác giả măng-sét tạp chí Sông Hương, và nhiều bìa sách, trong đó nổi tiếng nhất là bìa cuốn "Chuyện kể năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn, dù cuốn sách đã bị tịch thu ngay khi chưa hết hạn lưu chiểu !
Tin nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo qua đời đã lập tức lan tràn trên mạng, từ báo chí chính thống tới các trang blog, Facebook của các nhà báo, nhà văn. Dưới đây là một vài đường dẫn chọn lọc.
Từ hôm trước, 6.1, có lẽ đã nhận được tin riêng về bệnh tình khó qua khỏi của nhà thơ, nhà phê bình Đặng Tiến từ Orléans đã đăng "tâm trạng" (statut) ngắn trên Facebook của anh với tít "Bạn bè" và chỉ với một tấm hình lấy lại từ FB của chính Nguyễn Trọng Tạo đề ngày 14/11/2013, do Nguyễn Đình Toán chụp các bạn văn Dương Tường, Lê Đạt, Đặng Tiến và Nguyễn Trọng Tạo (từ trái sang), một kỉ niệm quí giá có lẽ đã hơn 10 năm nay.
Trong những người đầu tiên đưa tin, báo mạng Văn Việt đã có bài viết ngắn Vĩnh biệt nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, cộng tác viên của Văn Việt, với vài dòng tiểu sử (mà chúng tôi đã sử dụng trong phần nói về các tác phẩm thơ trong tiểu sử trên kia), cùng với hai bài thơ "khóc Nguyễn Trọng Tạo" của các văn hữu Trần Hoàng Phố và Nam Dao.
Nhiều người khác chọn đăng một bài của người quá cố. Như nhà văn Vũ Thư Hiên, hoạ sĩ Phan Nguyên đều đăng lại bài thơ Nhân Dân, blog Viet-Studies đăng lại bài viết Ba biến khúc Văn Cao...
Nhà phê bình văn học Pham Xuân Nguyên đăng lại bài Người ham chơi của Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về Nguyễn Trọng Tạo, với lý do : Muốn viết một cái gì về anh Tạo lúc này nhưng lòng rối ren. Trong tôi, Nguyễn Trọng Tạo là một NGƯỜI CHƠI đúng nghĩa cả trong cuộc đời và trong văn chương nghệ thuật. Mà điều này nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nói rất hay trong bài tựa cho tập thơ của anh Tạo “Đồng dao cho người lớn” từ năm 1994. Đó là tập thơ, theo tôi, hay nhất, đúng NTT nhất, và bài tựa của HPNT là bài viết nói được hồn cốt nhất chất rong chơi của NTT. Để nói gì về anh Tạo lúc này, tôi xin đưa lại bài của anh Tường.
Hai bức ảnh chụp anh Tạo uống rượu và châm thuốc cho nhà thơ Văn Cao là của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán chụp
Dịch giả Giáp Văn Chung ở Budapest đăng bài thơ Anh Tạo, trong đó anh nhắc lại sự kiện Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa cho cuốn Chuyện kể năm 2000.
Và để chấm dứt bài điểm tin đã dài này, xin mượn lời cám khái "không đề" của nhà văn Lê Minh Hà, từ Berlin:
rồi cuối
cùng người cũng xa
ta thôi
sông một dòng cũng bên lở bên bồi
đi hay ở chỉ là về hay đến
về hay đến đâu cũng một mình với bến
phải không ơi
khẳm
suốt đời
thương mến dùng dằng
cho những bềnh bồng sông nước lạ
về úp mặt
vớt lại chút mình
rồi trôi
trôi
Lâu lắm rồi mới lại thấy
một người đi được nhiều người thành thực tiếc thế này. Tài thế mới nên
là tài, tình thế mới nên là tình.
Chỉ gặp người qua chữ.
R. I. P anh, người chưa gặp.
Hát ru em bé Campuchia
Nguyễn Trọng Tạo mất ngày 7/1/2019, đúng 40 năm sau ngày quân đội Việt Nam giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Polpot. Nhân ngày kỉ niệm này, chúng tôi xin đăng lại dưới đây bài thơ cảm động ông viết năm 1978, trong cuộc chiến tranh mà quân Khmer đỏ đã khởi động tại biên giới Việt Nam-Campuchia,.
Đừng
khóc nào, bé ơi
Anh ru bằng tiếng Việt
mà Khmer Em làm sao hiểu được
Vậy mà anh cứ ru
Đừng khóc nào… tháng Tư
Trời xanh sang ngọn gió
Nhìn dừa em có nhớ
Hàng thốt nốt quê em?
Ôi tay anh tay anh
Có giống bàn tay bố
Lần bố về vội vã
Ôm con rồi ra đi?
Thôi nhắc lại làm chi
Cái lần chia tay ấy
Bố em đi không về
Xác nằm bên lửa cháy!
Ôi tay anh tay anh
Có giống bàn tay mẹ
Ôm con khi mẹ ngã
Đạn xuyên từ sau lưng?
Gửi em lại cho anh
Mắt mẹ khép trời xanh
Tay anh bồng tiếng khóc
Đạn bay vèo sém tóc!...
Đừng khóc nào đừng khóc
Nín rồi em đừng quên
Kẻ nào xui bố em
Nổ súng vào lẽ phải
Kẻ nào giết mẹ em
Khi tránh vùng máu chảy!
Chúng nó đang huỷ hoại
Tổ quốc Campuchia
Ngủ say, em ngủ say
Mặc tiếng gầm đại bác
Mai rồi em hiểu hết
Những gì anh ru em.
Mai rồi em lớn lên
Rửa hờn cho tổ quốc
Cho những vòm thốt nốt
Ru xanh trời Tự Do…
1978
Các thao tác trên Tài liệu