Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vĩnh biệt nhà văn "xứ Quảng"

Vĩnh biệt nhà văn "xứ Quảng"

- Thanh Thảo — published 05/07/2007 13:44, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21


Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Văn Xuân



NGƯỜI CHUYÊN NGHE “TIẾNG QUẢNG”

Thanh Thảo

 

Từ điển văn học (bộ mới) viết về nhà văn Nguyễn Văn Xuân có đoạn : “ Hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân đều thể hiện một vốn kiến văn sâu rộng, một giọng văn giản dị, hồn hậu, đậm đặc chất Quảng Nam, và đặc biệt, một tấm lòng yêu thương tha thiết đối với quê hương xứ Quảng ” (Nhà xuất bản Thế Giới, 2003, trang 1227). Tôi có may mắn quen nhiều người Quảng Nam, trong đó có những nhà văn nhà thơ. Nhưng đúng là tôi chưa thấy ai “ đậm đặc chất Quảng ” như nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Cách đây mấy năm, nhân lễ mừng thượng thọ bát tuần của Ông Xuân  mà anh em văn nghệ đàn con cháu láo lếu thường gọi thân mật là “ Ông Xuân già ”  tôi có viết một bài về Nguyễn Văn Xuân. Nghe nói Ông Xuân sau khi đọc có khen : viết như thế là được. Tôi mừng quá, vì cứ sợ, sau khi đọc Ông Xuân sẽ xông lên “ cãi ”, bài bác chỗ này chỗ nọ trong bài viết về…Ông. May thay, ông lại khen. Hay khi đã qua cái ngưỡng 80, con người ta cũng đổi tính đổi nết, trở nên bao dung hơn, ít tranh biện hơn, và “ thiền ” hơn ? Tôi không nghĩ Ông Xuân như vậy. Đó là con người không biết “ dĩ hoà vi quý ”, không chơi kiểu “ tài trai cứ hàng hai mà nói ”, và sẵn sàng tranh biện, sẵn sàng bảo vệ tới cùng những gì mình tin là đúng, kể cả những sự thật còn bị khuất lấp trong dằng dặc thời gian và lịch sử. 

xuan

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân những ngày cuối đời

Nhưng Nguyễn Văn Xuân không hề là người cố chấp. Ông biết lắng nghe, biết phân biệt “ tiếng sắt tiếng đồng ” như một nhân vật trong một truyện ngắn nổi tiếng của ông, người chuyên nghe “ tiếng đồng ”  những âm thanh vang dội nhất mà cũng mơ hồ nhất từ các loại chinh chiêng phèng la được chế tác từ một làng chuyên nghề đúc đồng ở Quảng Nam. Tôi đọc cái truyện ngắn viết về người nghệ sĩ đặc biệt của làng quê dân dã này mà lòng thầm nghĩ : thì chính tác giả của nó  một nhà văn viết văn từ rất sớm, một “ người Quảng ” rặt ri mà văn viết được cả hai trung tâm văn học lớn nhất nước là Hà Nội (tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy) và Sài Gòn (tạp chí Văn Lang) cùng chấp nhận  cũng là một người chuyên nghe “ tiếng đồng ”, chuyên nghe được những âm thanh có âm vực từ chói gắt tới âm trầm của giọng nói người xứ Quảng. Đọc những truyện ngắn, những chuyên khảo của Nguyễn Văn Xuân về “ người Đàng Trong ”, đặc biệt là người xứ Quảng, tôi cứ âm thầm tiếc : lẽ ra, một văn tài như thế này phải được người đọc trong nước biết đến nhiều hơn nữa, sách của Nguyễn Văn Xuân phải được quảng bá hơn thế, đúng với tầm vóc và sự đóng góp của nó cho văn học và văn học sử, cả sử học nữa. Thật hiếm có nhà văn nào ở ta lại kiêm cả vai nhà sử học như Nguyễn Văn Xuân. Mà khi làm sử, Ông Xuân lại đặc biệt nghiêm cẩn, đặc biệt thận trọng “ nói có sách mách có chứng ” chứ không “ ngẫu hứng ” và “ sáng tác ” như cách thường thấy ở một nhà văn. Dung hoà, và “ mix ” một cách xuất sắc giữa cách làm việc của một nhà sử học và cách thể hiện bằng ngôn ngữ của một nhà văn, Nguyễn Văn Xuân đã khiến những tác phẩm đậm chất lịch sử của mình như Khi những lưu dân trở lại hay Phong trào Duy Tân trở nên dễ đọc, dễ cuốn hút với những độc giả bình thường, và ngược lại, khi Nguyễn Văn Xuân viết tiểu thuyết lịch sử, như Kỳ nữ họ Tống thì chính cái nhìn thấu suốt của một nhà sử học đã giúp nhà văn lý giải những khuất khúc trong lịch sử cá nhân của nhân vật ở một bối cảnh lịch sử nhất định. Tác phẩm hư cấu vì thế mang sức nặng của hiện thực mà vẫn sinh động, nhuần nhị. 

Từ rất nhiều năm nay, nhà văn xứ Quảng ấy đã “ bám trụ ” ngay tại thành phố quê hương mình để sáng tác, nghiên cứu và trần lưng nuôi cả gia đình mình  một gia đình gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Thật khó tưởng tượng, một người khi đã qua tuổi 80 vẫn là lao động chính trong nhà, là “ người làm thơ (làm thuê) độc nhất ” trong gia đình. Cuộc sống của vợ chồng Ông và mấy người con trông cả vào những đồng nhuận bút ít ỏi của Ông Xuân. Dù có rất nhiều thế hệ học trò đứng phía sau hỗ trợ, nhưng “ người làm thơ kiên cường ” ấy vẫn là người đứng mũi chịu sào. Khí chất Quảng Nam của Nguyễn Văn Xuân đã giúp Ông đứng vững trong nghịch cảnh, giúp Ông vượt lên những khó khăn tưởng chừng không thể vượt để tiếp tục sống và sáng tác. Cho tới khi không còn cố sức được nữa. “ Cọp chết để da, người ta chết để tiếng ”, Ông Xuân không chỉ “ để tiếng ”, Ông còn “ nghe tiếng ”, cái tiếng Quảng thân yêu nhưng không hề dễ nghe của Ông. Nếu con người có hai lỗ tai để nghe, thì Nguyễn Văn Xuân có một lỗ tai của nhà văn và một lỗ tai của nhà sử học. Cả hai đều tinh tường, tinh tế, đều rất “ biết nghe ”. Biết nghe và biết lọc. Biết lọc và biết chế tác. Như người thợ đúc đồng quê ông biết chế tác những chiếc chiêng mà tiếng ngân u trầm của chúng như còn đọng mãi trong những vòm cây ngọn suối. Xin vĩnh biệt nhà văn xứ Quảng Nguyễn Văn Xuân !    

THANH THẢO

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss