Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vĩnh biệt ông Chín Cần – Một người tiên phong đổi mới

Vĩnh biệt ông Chín Cần – Một người tiên phong đổi mới

- Nguyễn Thế Thanh — published 31/10/2016 16:35, cập nhật lần cuối 31/10/2016 16:36


Vĩnh biệt ông Chín Cần –
Một người tiên phong đổi mới



Nguyễn Thế Thanh


Ban biên tập Diễn Đàn xin thành thực chia buồn với nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh (Cao Văn Dũng).


Các nhóm học sinh miền Nam ở Sài Gòn cả ngày chủ nhật 30.10 truyền cho nhau tin chú Nguyễn Văn Chính tức Chín Cần vừa qua đời chiều 29.10.2016. Họ hẹn nhau trưa 31.10 đi viếng chú tại Nhà tang lễ 25 Lê Quý Đôn.

9

Ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) là ba của Cao Dũng (Cao Văn Dũng), tức nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh, tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu có giá trị, mới nhất là cuốn sách vừa phát hành trong tháng 10 do anh chủ biên Học sinh Miền Nam - tư liệu và kỷ niệm. Hơn thế nữa, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 ông cũng từng là trưởng ban tiếp đón học sinh miền Nam từ miền Bắc trở về.

Nhiều học sinh miền Nam không thể quên những ngày đầu trở lại miền Nam, lòng dạ họ xáo trộn đến thế nào khi sắp gặp lại gia đình mẹ cha sau bấy nhiêu năm xa cách. Chính ông Chín Cần, bằng sự ân cần thương yêu của một người cha, đã giúp họ xóa dần tâm lý hồi hộp xen lẫn bỡ ngỡ ấy, đã tổ chức đưa họ đoàn tụ êm ấm với gia đình.    

Còn trong mắt các nhà báo thì ông Chín Cần chính là một trong các nhà khởi xướng Đổi Mới ở Việt Nam sau năm 1975.

Chính xác hơn, ông là người tiên phong thực hiện việc xóa bỏ bao cấp trong phân phối lưu thông, xóa bỏ cơ chế hai giá.

Là Bí thư Tỉnh ủy Long An trong giai đoạn 1976 - 1983, ông Chín Cần đã chỉ đạo và cùng tỉnh ủy tiến hành mở mũi đột phá đổi mới khâu phân phối lưu thông (hồi đó thường gọi tắt là giá - lương - tiền). Nhờ có cơ chế giá mới, người sản xuất có thể chủ động mua được vật tư nguyên liệu cần thiết thay vì ngồi chờ sự phân phối kém hiệu quả của Nhà nước; người tiêu dùng có thể mua được các loại hàng thiết yếu cho đời sống thay vì phụ thuộc vào mạng lưới phân phối của Nhà nước vừa chậm chạp vừa thiếu thốn.

Nhờ vào cơ chế giá mới, Long An đã thu mua hết nông sản của nông dân, qua đó Nhà nước nắm được hàng và tiền, làm chủ lưu thông, góp phần tạo sự kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng lương thực và thu mua lương thực cũng như sản lượng hàng vải dệt của Long An 5 năm  liền (1980 - 1985) tăng từ gấp đôi đến gấp ba so với trước đó.

Nhiều người còn nhớ rõ, cái hồi “ngăn sông cấm chợ” phổ biến ở khắp các tỉnh miền nam thì chỉ có Long An là không có trạm kiểm soát lưu thông nào hết! Cái không khí thị trường trở lại với miền nam sau năm 1975 có thể nói bắt đầu sớm nhất ở Long An.

Và, cũng chỉ có Long An ngay từ thời khó khăn ấy thực hiện được chính sách cấp học bổng cho con em trong tỉnh đi học cao đẳng, đại học ở Sài Gòn. Ít ai ngờ, ngay từ hồi đó ông Chín Cần đã nghĩ thoáng như vầy: “Mình lo cho các cháu đi học không có nghĩa là tụi nó nhất định đều phải trở về tỉnh phục vụ. Nếu có nơi nào phát huy được kiến thức chuyên môn đã học, cũng nên để các cháu được quyền chọn lựa”. Một đồng liêu với ông Chín Cần, ông Lưu Quang Tuyến – nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An đã từng kể lại cho người viết bài này nghe câu chuyện ấy với vẻ khâm phục không che giấu.

Sau thời gian được điều động về Chính phủ với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (danh xưng của chức vụ Phó Thủ tướng hiện nay), ông Chín Cần lại được điều động lần nữa về Hội Nông Dân Việt Nam. Có người bày tỏ băn khoăn với ông: “ Về đó liệu ông có còn năng động được như trước? ”. Trong lòng nghĩ gì thì không biết, nhưng ông Chín đã trả lời bằng vẻ bình thản rất chân thành trong một cuộc gặp gỡ thân mật ở số 8 Chu Văn An giữa các cán bộ phía Nam đang làm việc tại Hà Nội: “Nếu có ai đó nghĩ mình sẽ ngồi chơi xơi nước, không còn phát huy được sự năng động nữa thì mình đừng có để cho điều đó xảy ra”.

Nói là làm. Chính trong thời kỳ này, với cương vị Chủ tịch Hội, ông Chín Cần một lần nữa trở thành người xốc xáo lại công việc mà sự thụ động tưởng đã thành nếp. Những đề xuất của ông sau những lần tự mình khảo sát thực tiễn đã đưa tới những thay đổi hết sức quan trọng cho phương thức hoạt động của Hội. Cùng với Thường trực Hội khóa II, ông Chín Cần đã kiên quyết đổi mới phương pháp tập hợp nông dân vào Hội, nghĩa là không chỉ tập hợp theo địa bàn dân cư mà còn theo ngành nghề, tạo tiền đề cho nông dân xây dựng các hình thức hợp tác nhằm tăng cường nguồn lực sản xuất - phân phối sản phẩm cho nông dân do Hội Nông dân làm nòng cốt. Quỹ Hỗ trợ Nông dân được thành lập vào thời kỳ này cũng do chính ông Chín Cần khởi xướng.

Ông Chín Cần sinh ngày 1.3.1924, tham gia cách mạng năm 1943, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng năm 2010. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 4,5,6,7. Có thể nhiều người trong chúng ta hôm nay không còn nhớ các danh hiệu, chức vụ của ông Chín  Cần. Thậm chí nhiều người trẻ hôm nay có thể không biết ông Chín Cần là ai. Ông Chín về nghỉ hưu đã lâu, vì sức khỏe và cũng vì cá tính lâu nay ông gần như không xuất hiện ở các diễn đàn lớn, nhỏ.

Người ta quên ông, không biết nhiều về ông là điều có thể hiểu và cũng không quá quan trọng đối với ông và gia đình – nơi ông và các thành viên luôn tâm niệm rằng, làm việc cho nước, cho dân không phải là để cho người ta ghi công mình, nhớ đến mình. Nhưng những người nông dân Long An, các doanh nghiệp ở Long An – và rộng hơn là ở Đồng bằng sông Cửu Long thì vẫn còn mãi truyền đi câu chuyện về ông như một trong những người lãnh đạo hiếm hoi, ở cái thời mà đời sống và sản xuất bị dồn vào chân tường, dám đột phá đổi mới và dám chịu trách nhiệm về đột phá ấy chỉ với một mục đích để người dân và doanh nghiệp có thể sống còn, có thể thể phát triển.

Cán bộ lãnh đạo Long An các thời kỳ không ai từng lâm vào cảnh khó xử vì phải giải quyết chính sách đất đai, nhà cửa, dự án cho gia đình ông – một người có nhiều công lao với tỉnh. Người ta chỉ nhớ rõ ông Chín Cần là người có gan làm những chuyện động trời trước đó chưa ai dám làm: tiên phong đột phá tấn công vào cơ chế cũ – cái cơ chế cản trở cuộc sống và gây khó dễ cho người dân.

Với ông – một người lính từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, một người trong hòa bình được vinh danh “người tiên phong xóa bao cấp”, được ghi nhận thế thôi là đủ.

Nguyễn Thế Thanh

NGUỒN : Người Đô Thị, 31.10.2016

Bài liên quan :

FB Trần Tuấn

Sài Gòn Giải Phóng





Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us