Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vĩnh biệt và cám ơn Tư lệnh 0.

Vĩnh biệt và cám ơn Tư lệnh 0.

- Nguyễn Hữu Động — published 23/06/2020 21:30, cập nhật lần cuối 24/06/2020 10:38

Vĩnh biệt và cám ơn tư lệnh 0.


Nguyễn Hữu Động


Hôm qua tôi nhận được tin ông Edén Pastora từ trần, một nạn nhân của dịch Vũ Hán. Ông được xem như một anh hùng của cách mạng Nicaragua dưới biệt danh Tư lệnh 0. Tiếng Tây Ban Nha là Comandante CERO.

Ảnh: Báo La Jornada

Ông nổi danh nhờ một hành động táo bạo mở đầu cho sự sụp đổ của chế độ Somoza. Tháng tám năm 1978 ông cầm đầu một trung đội quân kháng chiến tấn công vào Quốc hội Nicaragua và bắt gần 1000 dân biểu, phụ tá và một số bộ trưởng của Somoza. Để địch không biết là các ông chỉ vèn vẹn có hai mươi lăm người, ông dùng số liệu làm mật danh. Ngoài tư lệnh 0, Một, và Hai, những người khác dùng số lung tung từ hai mươi đến một trăm.

Nhờ thế Somoza phải chấp nhận điều kiện của là nộp cho kháng chiến 500.000 đôla và quan trọng hơn nữa là trả tự do cho hơn 50 tù chính trị, trong đó có ông Daniel Ortega, tổng tư lệnh Mặt trận Sandino, vị tổng thống đầu tiên của Nicaragua khi cuộc cách mạng thành công năm sau. (Cho đến nay vẫn là tổng thống.)

Tôi có hỏi ông ta tại sao ông lại lấy mật danh con số không chứ không lấy số một, và đùa với ông: chắc là vì ông muốn tỏ tình đoàn kết nhân dân A-rập vì họ là người sáng chế ra số không (*). Ông  nghiêm giọng trả lời là trong văn hoá quân sự thời đó người số một phải là ông Daniel. Ông chỉ là người chỉ huy thay mặt cho ông Daniel nên ông không có số.

Trong chính quyền mới, ông nhận chức thứ trưởng quốc phòng và sau làm thứ trưởng nội vụ kiêm chỉ huy trưởng quân du kích. Nhưng hai năm sau, ông từ chức vì bất đồng với chính sách liên minh với Cuba và Liên Xô của hai ông Ortega. (Daniel là tống thống và Humberto là bộ trưởng quốc phòng).

Ông thành lập Liên minh dân chủ cách mạng đặt căn cứ cạnh biên giới Costa Rica. Chỉ vài năm sau, Liên minh tan rã. Một trong những nguyên nhân là ông không có hậu thuẫn. Chính phủ Mỹ cũng có lần đề nghị ông hợp tác với tàn quân của Somoza trong Lực lượng kháng chiến quốc gia, hay là bọn Contra (phản cách mạng) như chính quyền Nica gọi họ. Cũng vì ông từ chối mà trong suốt 20 năm, ông đã bị ám sát hụt 15 lần. Somoza có, CIA có, Sandinista có...

Sau khi buông vũ khí , ông sống bằng nghề chài bên bờ sông San Juan trước khi quay về thủ đô Managua sau khi ông Ortega thất cử năm 1990.

Cũng vào dịp ấy tôi đươc điều sang Nica để quan sát cuộc bầu cử tổng thống. Đây là lần đầu tiên Liên hiệp Quốc quan sát bầu cử ở một nước có chủ quyền. Điều kiện làm quan sát viên thời ấy cũng đơn giản. Là nhân viên ban thư ký LHQ, biết tiếng Tây Ban Nha và không phải là công dân của một nước có quyền lợi ở Nica. Khi Hội đồng Bảo an xét lại danh sách quan sát viên thì đoàn Liên Xô nhận xét là không có một công dân nào của một nước xã hội chủ nghĩa để giữ thế cân bằng. Vì vậy tôi được chọn mặc dù tôi hoàn toàn dốt đặc về công việc này.

Tuy là tôi phụ trách vùng ông Cero hoạt động, tôi không có dịp gặp ông trong những năm ấy vì biên giới là khu không an toàn.

Năm1996 khi tôi trở lại Nica làm cố vấn cho Tòa án bầu cử thì tôi gặp ông khi ông đưa đơn kiện hội đồng bầu cử vì họ không cho ông đăng ký tranh cử. Lý do là năm ấy, người nào có hai quốc tịch như ông thì không có quyền ứng cử.

Lúc biết tôi là công dân Việt Nam, ông mời về nhà ăn cơm tối. Ông tiếp tôi với một cái mũ ngủ và đi đôi bí tất len. Ông bảo đây là cách chống cúm hữu hiệu nhất. Trong bữa ăn, chúng tôi chẳng đả động đến vấn đề bầu cử. Ông chỉ muốn hỏi về Việt Nam.

Lúc ấy tôi hiểu là ông biết rất sâu về chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Trong những năm cuối sáu mươi đầu bảy mươi, ở chiến khu như ở trong tù, ông và đồng đội tranh luận hàng đêm về cuộc chiến này. Ông hỏi tôi rất nhiều về chính sách đổi mới, về lý do tại sao sự sụp đổ của bức tường Berlin lại là cơ hội cho kinh tế Việt Nam phát triển và nguyên nhân tại sao Mỹ phải bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Trước khi chia tay, ông rủ tôi vào phòng làm việc và cho tôi xem một tấm ảnh của cụ Hồ, cắt ra từ một tờ báo thời mấy ông ấy còn đang đánh nhau. Và ông bảo đây là người tôi ngưỡng mộ nhất trong cuộc đời hoạt động của tôi. Ông nói tiếp:

Cụ đã lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến lớn nhưng tôi nghĩ cụ là một con người có tầm cỡ chứ không bao giờ huênh hoang khoác lác. Tôi nghe kể là năm trước khi Mỹ đánh thẳng vào miền Bắc, cụ Hồ đến thăm một làng trong khu vực Mỹ có thể đổ bộ. Cụ hỏi dân làng, nếu Mỹ đổ bộ vào đây đồng bảo đã chuẩn bị đánh địch chưa, và có một ông trả lời... dạ thưa bác ở đây không có đến một thân cây để tránh địch vậy làm sao còn đánh cho được. Cụ Hồ hỏi lại, vậy thì đồng bào đã bắt đầu trồng cây chưa?

Kể xong, ông cười ồ và nói tiếp: chả bù cho mấy ông trong khu vực tôi, hễ nói đến Mỹ là giơ tay đấm lên giời và hô khẩu hiệu đến khản cổ. Cuối cùng kết quả ra sao anh cũng biết. Giá mà họ học theo ông Cụ được....

Khác với các tư lệnh cùng thế hệ ông Cero rất nghèo. Đến nỗi ông còn gạ bán cho tôi một chiếc Rolex, theo ông là quà của chủ tịch Fidel. (Cũng có thể đây là tin vịt vì sau này có nguồn tin khác bảo đây là quà của ông Trujillo ở Panama).

Khi được tin ông mất, con số không trở lại con số không, điều làm tôi suy nghĩ là một người như ông, cầm súng trong tuổi hai mươi, hết ủng hộ mặt trận Sandino, rồi chống cũng mặt trận ấy, không màng danh lợi, làm dân chài thực và chính trị gia hờ (năm 2002 ông ra tranh cử tổng thống và được 2% số phiếu), vào sinh ra tử hàng chục năm nhưng cuối cùng vẫn trung thành với hình mẫu của vị cha già quê tôi. Cũng xin nói thêm là tôi cũng không biết là chuyện ông kể có thật hay không vì tôi chẳng được đọc chuyện ấy khi ở trong nước. Nhưng cái chính là tâm của một người như ông.


Xin vĩnh biệt và cám ơn Tư lệnh 0!

NHĐ

Mêhicô 18/6/2020.

Chú thích của Diễn Đàn: (*) Thực ra, con số không (0) là phát minh vĩ đại từ thế kỷ V của người Ấn Độ chứ không phải người A-rập. Tuy nhiên, chính là qua các nhà toán học A-rập mà phương Tây, từ thế kỷ VIII, và sau đó là cả thế giới biết tới nó, cũng như hệ số thập phân mà ta dùng hàng ngày hiện nay.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss