Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vũ Ngọc Liễn (1924-2013)

Vũ Ngọc Liễn (1924-2013)

- Thanh Thảo — published 28/11/2013 21:50, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22


Một “ lão nông ” đã rời
Cánh đồng nghệ thuật Tuồng


thanh thảo

vnl

“ Cánh đồng bất tận ” của nghệ thuật sân khấu Tuồng Việt Nam vừa mất đi một “ lão nông ” đầy kiến thức, vừa cần cù, cẩn trọng vừa sâu xa, khắc khoải, một nhà nghiên cứu nghệ thuật đã coi nghệ thuật sân khấu Tuồng là mảnh đất mình dâng hiến cả cuộc đời để khám phá, cày xới, và đặc biệt, góp phần rất quan trọng đưa “ Ông Vua Tuồng ” Đào Tấn lên đúng “ ngôi vị ” sáng chói trong nghệ thuật Tuồng.


“ Lão nông ” ấy, người vẫn tự nhận mình là “ Lãn ông ” (Ông già lười) ấy là Vũ Ngọc Liễn – nhà nghiên cứu nghệ thuật Tuồng, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, một trong vài nhà “ Đào Tấn học ” uy tín nhất Việt Nam hiện nay. Cứ nhìn chồng sách cao quá đầu người – những tác phẩm Ông Vũ Ngọc Liễn viết về nghệ thuật Tuồng và Đào Tấn – người ta hiểu ngay con người tự nhận mình là “ lãn ông ” ấy “ lãn ” cái gì, và chăm chỉ như con ong hút mật vì cái gì.


Tròn 90 tuổi ta, chỉ còn vài tháng nữa là tròn 90 tuổi “ tây ”, nhà nghiên cứu Tuồng Vũ Ngọc Liễn đã đột ngột rời trần gian trong khi còn đầy minh mẫn và hóm hỉnh. Mới chiều hôm qua, tôi còn gọi điện cho Ông thông báo tin Nhà máy lọc dầu Dung Quất đặt Ông viết giúp đôi câu đối để họ thờ tự nơi ở mảnh đất mà gần 600 năm trước Vua Lê Thánh Tông đã dừng chân trên đường mở cõi trước tiếng hô vang dội của quân sĩ Việt : “ Vạn Tường ! Vạn Tường ! ”. Ông Vũ Ngọc Liễn đã rất vui vẻ nhận lời, và tôi nghe rõ giọng nói của ông qua điện thoại, một giọng hoạt bát, trẻ trung, ấm áp so với tuổi 90 của Ông. Vậy mà trưa nay, 28/11/2013, tôi nhận được điện thoại của nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng báo hung tin : “ đại ca ” Vũ Ngọc Liễn đã chuyển cõi. Ông đi quá nhẹ nhàng, nhưng cũng quá đột ngột. Trong tất cả các bạn bè của Ông, chắc chắn không ai nghĩ Ông Vũ Ngọc Liễn ra đi lúc này, trong khi đang nhanh nhạy, minh mẫn và đầy tinh thần hài hước, đầy khả năng làm việc như thế. Trong khi Ông đang ấp ủ rất nhiều kế hoạch “ thâm canh ” trên “ cánh đồng nghệ thuật Tuồng ” mà ai cũng tin ông sẽ hoàn thành với chất lượng tốt nhất, cẩn trọng nhất tới từng câu chữ.


Gọi Vũ Ngọc Liễn là “ Nhà Đào Tấn học ” không chỉ vì Ông có nhiều tác phẩm nghiên cứu về Đào Tấn, mà chính vì Ông đã chọn Đào Tấn và nghệ thuật Tuồng của Cụ Đào như một nghiệm sinh của mình. Vũ Ngọc Liễn đọc Đào Tấn, học Đào Tấn, nghiên cứu Đào Tấn, và cuối cùng, Ông chiêm nghiệm Đào Tấn, rồi có thể, Ông thiền Đào Tấn, thường khi là với một nụ cười lặng lẽ. Nó mất của Ông cả đời người. Và được cho Ông cũng cả đời người.


Xin vĩnh biệt Ông, người đã cho tôi một đặc ân : được chơi với Ông như với một người bạn vong niên. Một tình bạn gắn bó chúng tôi có dễ đã hơn 30 năm.

THANH THẢO

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us