Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Điển hình hoá và tiểu thuyết

Điển hình hoá và tiểu thuyết

- Đặng Anh Đào — published 26/02/2007 15:35, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17
... Nếu hoạ sĩ có thể đi theo những sở trường khác nhau, trong khi có biếm hoạ, thì tại sao nhà văn lại không thể làm như vậy? Vấn đề là biếm hoạ của Tô Hoài ở "Ba người khác" đã để lại những ấn tượng gì?
 
 

ĐIỂN HÌNH HOÁ VÀ TIỂU THUYẾT NGÀY NAY:

BA NGƯỜI KHÁC
Có nhất thiết phải là
BA NGƯỜI NÀY ?


Đặng Anh Đào

 

Đối với một tác phẩm, có lẽ điều quan trọng nhất không phải là những lời khen chê. Bởi đã từng có một số tác phẩm bị kết án – trên các phương tiện thông tin và thậm chí ở toà án hẳn hoi – qua thời gian, bỗng trở thành kiệt tác đối với mai hậu. Ngược lại, có những tác phẩm vang bóng một thời đã không thể trụ lại với thời gian. Theo tôi nghĩ, một tác phẩm đặt ra được vài vấn đề suy nghĩ cho bạn đọc, cũng đã “đáng đồng tiền, bát gạo”. Ba người khác của Tô Hoài (Nxb Đà Nẵng, 2006) thuộc loại như vậy.

 

1. Lời tự vấn đầu tiên của tôi là: có thể giải quyết vấn đề ở đây có “bao nhiêu phần sự thật” không? “Lời giới thiệu” in ở đầu cuốn sách khẳng định là “câu chuyện không giải đáp câu hỏi ấy”, nhưng điều lướng vướng lại chính là “Lời giới thiệu” đã hơn một lần nhấn mạnh: đây là một “mảng kí ức” của Tô Hoài. Mà kí ức thường gắn bó với một loại thực tế – thực tế của quá khứ. Song chắc chắn Tô Hoài không định viết hồi kí: đã tồn tại khoảng cách giữa nhà văn và nhân vật xưng “tôi”, lối kết cấu của tác phẩm là của tiểu thuyết (điểm này sẽ bàn tới ở câu hỏi thứ ba). Dĩ nhiên, việc Tô Hoài ghi chú hai chữ tiểu thuyết cũng cần được lưu ý…

Chẳng may, Ba người khác lại đề cập tới một sự kiện “long trời lở đất” (để trở lại với kho từ vựng của cải cách ruộng đất). Và sự kiện lịch sử nhạy cảm này rất dễ khiến người đọc bật dậy với phản ứng thông thường: có bao nhiêu phần thực tế có thật, lịch sử ở đây? Ngày nay, dẫu đối với giới lí luận văn học hiện đại, phản ánh luận của Lênin không còn được coi là khuôn vàng thước ngọc để đo giá trị của tác phẩm văn chương nữa, thì chí ít, nó cũng chỉ ra phản ứng tự nhiên trong tiếp nhận văn chương của độc giả trước tác phẩm: họ luôn đối chiếu tác phẩm với thực tế. Song ở điểm này, độc giả lại dễ dàng bị chia rẽ nhất: Nguyễn Hữu Sơn cho rằng tác phẩm của Tô Hoài đã “phản ánh cuộc sống theo một chiều u ám” (Văn Nghệ, số 2/2007). Vậy yêu cầu về sự thật là thế nào đây?

Khi đã quan niệm “phản ánh hiện thực” như sự miêu tả mối liên hệ giữa hoàn cảnh và con người, nhà lí luận tất yếu phải coi khả năng xây dựng điển hình như một tiêu chí giá trị.

 

2. Tuy nhiên, ở đây tôi có một thắc mắc: trong nghệ thuật, có nên coi điển hình là tiêu chí giá trị duy nhất của tiểu thuyết? Không thể coi một số nhân vật của các tác giả hiện đại kiệt xuất như Joyce, Kafka, Garcia Marquez… là điển hình được, vậy mà họ vẫn mang tải những thông điệp sâu xa về con người. Bởi vậy, nếu cho rằng việc “giảm đi khả năng xây dựng điển hình” là giảm đi “giọng điệu tiểu thuyết” như Nguyễn Hữu Sơn từng quan niệm, thì đã thật sự đúng là vậy chưa? Ở đây ta không bàn đến điển hình như một tiêu chí của giá trị nói chung, mà dẫu chỉ coi nó như một tiêu chí của thể loại (tiểu thuyết) thì cũng không hợp với tiểu thuyết hiện đại.

 

3. Từ đó dẫn đến việc lật lại vấn đề: “Ba người khác” thuộc thể loại gì? Đây không đơn giản là một câu hỏi về hình thức (tôi lại đang sợ bị quy chụp là hình thức chủ nghĩa đây!). Bởi việc xác định thể loại cũng có liên quan đến nội dung: với tiểu thuyết, Tô Hoài đã có ý đồ lựa chọn một lối phản ánh thực tế rất khác với kí. Thế nhưng cảm giác về kí ức dường như đã ám ảnh những bạn đọc như Nguyễn Hữu Sơn đến mức anh nhấn mạnh sự “gia tăng phong cách truyện kí” hoặc Phạm Hồ Thu gọi đây là “một kí ức buồn đau”.

Ta không thể đơn giản giải đáp rằng Tô Hoài gọi Ba người khác là tiểu thuyết thì nó là tiểu thuyết! Việc người kể chuyện “tuân theo trật tự thời gian” (chưa chắc!), hoặc “nhân vật xưng tôi… trở thành một quan sát viên (…) hoà đồng với nhân vật Cự, Đình (…) thường xuyên phân thân (…) hoà tan vào hoàn cảnh” (N.H.S) – cứ cho đúng là vậy đi chăng nữa, thì cũng không thể coi những điều đó đã làm giảm đi “giọng điệu tiểu thuyết”. Bởi lẽ ngày nay, thật trái khoáy, sự phá vỡ ranh giới giữa các thể loại là một nét đặc trưng của tiểu thuyết.

Và cũng không nên tách nghệ thuật, “cách viết” của Tô Hoài với “sự hấp dẫn (…) ở chính nội dung của tác phẩm” (Phạm Hồ Thu). Bởi lẽ nghệ thuật của tiểu thuyết gắn với ý đồ về nội dung, nó cho phép nhà văn không hoàn toàn bám sát nội dung lịch sử cụ thể như ở loại ký. Ngày xưa, khi Flaubert bị toà án kết tội là cuốn Bà Bovary làm băng hoại thuần phong mĩ tục, ông đã cãi một câu: “Tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết”. Còn ngày nay, ở Pháp, toà án phân biệt một nhà văn hư cấu những điều báng bổ trật tự hiện hành với việc nhà văn trực tiếp phát biểu điều ấy bằng chính luận hoặc trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên, nhiều cuộc điều tra cho thấy rằng nếu sự báng bổ về chính trị không còn là vấn đề nhạy cảm nữa, thì riêng những tác phẩm hư cấu về những chuyện xâm phạm tính dục trẻ em với giọng điệu “khách quan” ngày nay vẫn thuộc diện “cấm kỵ”. Đối với một nhà nghiên cứu phê bình nổi tiếng như Pierre Brunel, thì ông cho rằng: “Trừ trường hợp các trẻ em, còn độc giả đủ lớn để có thể tự bảo về mình”, và “tài năng có thể cứu vãn mọi điều”.

Trở lại với Tô Hoài, tôi thấy nhà văn quả là đã có tài thể hiện bức tranh về một giai đoạn của cải cách ruộng đất giống như một tấn tuồng có đủ hỉ nộ ái ố, trong đó biếm hoạ là chủ yếu. Phải thú thực rằng tôi đã được cười suốt từ đầu chí cuối mà chọc cười một cách hồn nhiên song thực ra rất thâm thúy như vậy đâu phải là chuyện dễ.

 

4. Vậy nên câu hỏi cuối cùng là: nhà văn có quyền hư cấu lại bức tranh về cải cách ruộng đất như một bức biếm hoạ hay không? Nếu hoạ sĩ có thể đi theo những sở trường khác nhau, trong khi có biếm hoạ, thì tại sao nhà văn lại không thể làm như vậy? Vấn đề là biếm hoạ của Tô Hoài ở Ba người khác đã để lại những ấn tượng gì? Đó mới thực sự là giá trị của tác phẩm.

Trước hết, nó làm sống lại cả một kho từ vựng dựng lại không khí của nông thôn rất đặc biệt của ngày ấy, có thể nói là một đi không trở lại. Rất nhiều âm thanh, vừa quen mà vừa lạ, càng ngày càng loạn xạ, giữa nông thôn đang giả vờ ngủ lúc bắt đầu câu chuyện đội cải cách về làng, người thì “háo hức” như đội trưởng Cự, người thì “lững thững” (như Bối lúc vắng Cự) giữa những ngôi nhà thoạt đầu “im ắng như nhà hoang”. Nhưng rồi dần dà, đối thoại ở đó cứ nhảy dựng ngược lên, không chỉ vì đấu tố, vì cãi nhau, vì chia quả thực, mà còn vì có những từ của nông dân sống động tới mức nếu ai đã quên, nếu giới trẻ ngày nay không còn biết, thì vẫn hiểu, vẫn cảm (động chệ gì đến mồ mả nhà ai…, mười sáu bần, tám cố… cụng đầu tố khổ…, đội cào bằng…) Không chỉ là từ vựng, mà ngữ điệu: đúng là của thời ấy! Có những cảnh mít tinh, hội họp mà cứ như sân khấu chèo chuyển về biểu diễn ở sân đình. Một đặc điểm nữa của nhân vật mà nhiều nhà phê bình đã nhận xét (từ thời chống Pháp có tác phẩm của Tô Hoài đã bị phê phán chính ở điểm này) đó là: người như vật, vật như người. Chuyện sinh hoạt gái trai chỉ là “làm một cái”. Mẹ của Đơm “như con cóc ngồi gầm giường”, còn kém cóc ở chỗ “con cóc lúc trở trời còn kèn kẹt nghiến răng…” Thế nhưng nói rằng vì thế mà trong Ba người khác, ngay những kẻ “tiên thiên bất túc” (ác thay Tô Hoài lại cứ xoáy vào họ) vẫn có những phút thăng hoa (tôi dùng một từ mà hiện nay đang rất mốt, được xài rất nhiều). Hãy xem lại đoạn mẹ Đơm, bà già tàn tật u mê mù loà ấy đột nhiên lần đầu tiên tỉnh dậy khỏi kiếp nửa người nửa vật, lết đến bên cái cối đá thủng. Lần sống lại thực sự ấy cũng là để chết trong một giấc mơ vừa thực vừa ảo (trang 198 - 199). Cũng vậy, anh đội Bối, cái con người được Cự cho làm gì thì làm nấy, muốn yêu, phải chờ được Duyên “cho” hay “không cho”, đến già cũng vẫn “chưa nghĩ thấu sự đời lộn phộc quái ác”, cái kẻ lúc nào cũng mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm ấy, ai bảo anh ta không phải là một nhân vật đầy chất thơ? Không phải không có lúc anh ta chợt nhận ra vẻ đẹp của nông thôn Việt Nam – vốn dĩ đã đẹp tự thuở nào. Nhưng cái lần mà anh bỗng để ý tới chú bé chăn trâu, “nhớ ra có con chim chích chòe hót từ sáng sớm… Con chim gáy báo giờ trưa chiều… Con thủ thỉ thù thì ầm ừ trong hoàng hôn… Con tu hú về mùa quả vải…” là giây phút nào? Chính là lúc “cái thằng Đình (…) được xóa cái án chém nhẹ như không, những người già bảo rằng trời còn có mắt”. Một loại Chí Phèo đang tỉnh rượu…

Vì vậy, dẫu cho Ba người khác là một tiểu thuyết chỉ tập trung vào những hành động cấp tập, với những sự kiện trong đó con người bị giật giây như những con rối do một áp lực bất ngờ ập tới, khiến họ trở thành vừa ngô nghê vừa quái đản cứ như bị cuốn theo một bản năng mù loà, nhưng vẫn loé lên những tia chớp của lương tri. Đối với tôi, Ba người khác là một bức biếm hoạ không đơn giản, ở đó dư vị cuối cùng vẫn là một nỗi buồn, một cái cười ra nước mắt. Hồn quê vẫn man mác toát ra tự cái mớ hỗn loạn ấy…

 

Đặng Anh Đào

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss