Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đường Xuyên Việt ― vừa đi vừa đếm bước...

Đường Xuyên Việt ― vừa đi vừa đếm bước...

- Nguyễn Duy — published 01/07/2008 12:49, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17
Đoàn làm phim "Đi tìm dấu tích Ba Vua lưu đày" đi từ Gia Định đến Thăng Long... trước khi sang Pháp và đảo La Réunion


Đường xuyên Việt - vừa đi vừa đếm bước…


Nguyễn Duy

…Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…

(Nhớ Bắc - thơ Huỳnh Văn Nghệ).

1.

Tôi “ đi xuyên Việt ” từ hồi chiến tranh. Hồi Bắc Nam chia cắt. Một chuyến đi nguy nan và gian khổ. Băng qua dòng Sêbănghiêng (thượng nguồn sông Bến Hải) mà đi. Vượt qua bom đạn, qua đói rét, qua chết chóc mà đi. “ Lặn lội mười năm để tới Sài Gòn / bằng con đường số Một : Trường Sơn ” (Tìm thân nhân - thơ ND, 1975).

Từ 1975 tới nay, không tính những chuyến bay ra vào, tôi đã có nhiều cuộc lang thang xuyên Việt bằng xe lửa, xe hơi, xe gắn máy… theo đường Một lẫn đường Trường Sơn đã trải nhựa. Mỗi chuyến đi đều ghi dấu những ấn tượng sâu sắc khác nhau. Riêng chuyến 2006, tôi dẫn nhóm “ du khảo ẩm thực ” đi mải miết và ẩm thực quần quật suốt ba tháng liền, qua hầu hết các tỉnh, thành, khép trọn một vòng quanh đất nước ― vừa no nê con mắt trước cảnh đẹp núi sông, vừa tê dại thần hồn nếm danh tửu với món ngon dân dã. Đó quả là một chuyến đi hào sảng không dễ gì lặp lại trong đời.

Còn chuyến đi năm nay, năm Mậu Tí - 2008 ?

Đi tìm lại dấu xưa.

Dấu bi tráng của cha ông dằng dặc đường mở cõi...

2.

TƯỞNG NIỆM

(Được tin lễ cải tang di hài vua Duy Tân ở Huế mà có thơ rằng)

Ước chi tới bến sông Hương
Đốt nhang mà lạy nắm xương lưu đày
Thế là đã trở về đây
Một con người tận chân mây cuối trời.
Tấm thân phiêu dạt quê người
Linh hồn vẫn ở lại nơi quê nhà
Ngai vàng vừa cũ vừa xa
Ánh vàng vương miện cũng là hư không
Mặt trời vẫn mọc đằng đông
Lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người
Bao triều vua phế đi rồi
Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ !

(Sài Gòn, tháng Tư năm 1987).

Bài thơ được in trên báo Văn Nghệ lúc tôi vừa làm xong, và được đọc trực tiếp trước công chúng tại Nhà Văn Hoá Thanh Niên (TP.Hồ Chí Minh), số 4 đường Phạm Ngọc Thạch. Oái oăm thay, đó lại là đường Duy Tân cũ.

Cũng nhờ bài thơ ấy mà 20 năm sau, năm Đinh Hợi - 2007, tôi nhận được lời mời tham gia làm phim tài liệu về 3 ông vua bị lưu đày: Hàm Nghi - Thành Thái - Duy Tân. Người mời tôi là nhà văn - nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Hồ.

Ông Nguyễn Hồ, nguyên Phó Tổng Giám đốc đài Truyền hình TP.HCM (HTV), kiêm Giám đốc Hãng phim truyền hình TFS, đã lãnh đạo thực hiện hoặc trực tiếp góp tay làm nhiều phim nổi tiếng (như Ngọn nến hoàng cungMêkông kí sự…). Về hưu, ông dành hầu hết thời gian và sức lực cho việc làm phim truyền hình. Sau bộ phim tài liệu nhiều tập Kí sự Tân Đảo, về đề tài cộng đồng người Việt ở Tân Đảo mà ông cùng đạo diễn Đào Anh Dũng vừa hoàn thành năm ngoái, Nguyễn Hồ viết ngay kịch bản mới cho năm nay: Đi tìm dấu tích 3 Vua lưu đày. Một bộ phim kí sự truyền hình dự tính 60 kì phát sóng, cũng do ông cùng đạo diễn Đào Anh Dũng thực hiện. Ông nhớ về bài thơ kể trên và mời tôi cộng tác viết lời bình cho phim này.

Tôi vương vấn nỗi “ quê nhà yêu dấu ” suốt mấy năm qua, đang nóng ruột muốn làm được một chút gì đó, dù rất nhỏ, góp vào việc nhìn nhận lại cho đúng sự thật lịch sử và giá trị lịch sử đích thực của các chúa Nguyễn và vua Nguyễn, kể từ độ Nguyễn Hoàng “ mang gươm đi mở cõi ”, năm 1558. Được mời, như đang ngứa được gãi, tôi lập tức nhận lời ông Nguyễn Hồ. Ông gửi cho tôi rất nhiều tài liệu tham khảo về giai đoạn Chúa Nguyễn và Vuơng triều Nguyễn, về Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân cùng các nhân vật lịch sử liên quan… Mở đầu kịch bản phim, ông Nguyễn Hồ vừa chỉnh trang lại, có in hai câu thơ đề từ trích trong bài Tưởng niệm :

Bao triều vua phế đi rồi
Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ !

3.

Câu chuyện trong kí sự truyền hình của chúng tôi sẽ dài lắm. Câu chuyện đi làm phim sẽ còn dài hơn, có thể viết hẳn một cuốn sách. Trước hết, chỉ xin giới thiệu vắn tắt về công việc của chúng tôi mà thôi. Và, chỉ xin tóm lược sơ yếu lí lịch 3 nhân vật chính trong bối cảnh lịch sử của họ, mà tôi vừa rút gọn lại theo các văn bản sử liệu vừa rưng rưng cảm thán : có thời nào như cái thời ấy không, làm vua thế thì khốn khổ thật !

Vua Hàm Nghi

(Nguyễn Phúc Ưng Lịch, 1871-1944)

hamnghi

Vua Hàm Nghi

Là vị vua thứ 8 - Hàm Nghi (sinh ngày 17.6 Tân Mùi - 1871) lên ngôi ngày 12.6 Giáp Thân - 1884, vào thời điểm rối ren và bi đát nhất của vương triều Nguyễn.

Từ giữa thời vua Tự Đức (1847-1883), thù trong giặc ngoài triền miên. Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân khắp nước. Nội bộ hoàng tộc xung đột. Giặc Pháp đánh Đà Nẵng năm Bính Thìn (1856), Mậu Ngọ (1858), chiếm Gia Định (1859), chiếm 3 tỉnh Đông Nam kì (1862), chiếm 3 tỉnh Tây Nam kì (1867), chiếm Bắc kì (1874)… Quan quân nhà Nguyễn chiến đấu rất anh dũng, xả thân, hy sinh nhiều binh lính và cả lắm tướng tài như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương… Nhưng do quá thua kém về sức mạnh và trình độ quân sự, không thể nào đánh đuổi được giặc. Vua Tự Đức chết (19.7.1883) trong đau khổ và dằn vặt. Ông không có con. Các vua nối ngôi đều con nuôi.

Vua Dục Đức (17.7 - 20.7.1883) kế vị vua Tự Đức được 3 ngày thì bị truất, rồi bị giam và chết đói trong ngục.

Tháng 8.1883, quân Pháp chiếm cửa Thuận An, bắt triều đình vua Hiệp Hoà (6.1883-11.1883) kí hoà ước chấp nhận Nam Kì là thuộc địa, Bắc Kì và Trung Kì chịu sự bảo hộ của Pháp. Vua Hiệp Hoà ở ngôi được 4 tháng thì bị bức tử.

Vua Kiến Phước (12.1883 - 6.1884) tiếp ngôi, bị Pháp ép kí hoà ước Giáp Thân - 1884 (hiệp ước Patenôtre), phải thừa nhận gần như toàn quyền cai trị của Pháp. Vua chết một cách bí hiểm sau 7 tháng trị vì…

Vua Hàm Nghi (con trai Kiên Thái Vương Hồng Cai, em ruột vua Kiến Phước và vua Đồng Khánh) lên ngôi năm 13 tuổi.

Ngày 23.5 Ất Dậu (5.7.1885), sau cuộc tấn công thất bại của quân triều đình vào quân Pháp ở đồn Mang Cá và toà Khâm sứ Pháp, quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết đưa nhà vua chạy ra phòng tuyến Tân Sở (Quảng Trị), rồi phòng tuyến Hương Khê (Hà Tĩnh), lập căn cứ địa kháng chiến, hạ chiếu Cần Vương, kêu gọi sỹ phu và toàn dân chống Pháp. Phong trào Cần Vương khởi dậy khắp nơi…

Triều đình tôn vua Đồng Khánh (1885 - 1889) lên ngai.

Quân Pháp truy lùng vua Hàm Nghi ráo riết. Có một kẻ hầu cận phản bội, dẫn lính bắt vua nộp cho giặc, tại rừng núi phía tây tỉnh Quảng Bình, đêm 26 tháng Chín năm Mậu Tí (30.10.1888).

Ngày 25.11.1888, tàu Lăng Cô đưa Hàm Nghi vào Sài Gòn.

Ngày 13.12.1888, tàu Biên Hoà đưa Hàm Nghi đi đày.

Ngày 19.1.1889, Hàm Nghi tới thủ phủ Alger của xứ Algérie thuộc Pháp, rồi lấy vợ, sinh con, và mất tại đó ngày 4 tháng giêng năm 1944, thọ 73 tuổi.

Hiện nay, di hài vua Hàm Nghi đã được con cháu cải táng, chôn cất tại làng Thonac, tỉnh Dordogne, vùng Aquitaine, miền nam nước Pháp.

Câu vè dân gian còn lưu truyền : “ Một nhà sinh đặng ba vua / Vua còn (Đồng Khánh), vua mất (Kiến Phước), vua thua chạy dài (Hàm Nghi) ” là chỉ nhà Kiên Thái Vương vậy.

Vua Thành Thái

(Nguyễn Phúc Bửu Lân, 1879 - 1954)

thanhthai

Vua Thành Thái

Là con thứ 7 của “ ông vua 3 ngày ” Dục Đức, Nguyễn Phúc Bửu Lân (sinh 22.2 Kỉ Mão, 1879) được triều đình tôn lên ngôi ngày 2.2.1889, lấy hiệu Thành Thái. Lúc đó, ông đã 10 tuổi, là người thức thời, có chí khí. Ông học cả chữ nho, chữ Pháp, cắt tóc ngắn, mặc Âu phục, lái xe hơi, làm quen với văn minh phương Tây, tiếp thu thông tin mới từ Trung Quốc và tinh thần tự lực tự cường từ nước Nhật. Ông tìm hiểu về khoa học công nghệ và chế tạo vũ khí, ham thích thi ca và am hiểu nghệ thuật cung đình, biết cả đánh trống tuồng và đôi khi lên sân khấu Duyệt Thị Đường nhập vai kép hát…

Nhiều công trình xây dựng và văn hoá lớn đã ra đời vào thời Thành Thái : Bệnh viện Huế (1894), Trường Quốc học (1896), cầu Tràng Tiền (1897), chợ Đông Ba (1899), cầu Long Biên (Hà Nội, 1902)…

Có tài liệu chép rằng, Thành Thái đã giúp đỡ người anh họ là Kì Ngoại Hầu Cường Để, hội chủ Việt Nam Quang Phục Hội, xuất dương sang Nhật cùng Phan Bội Châu khởi động phong trào Đông Du. Nhà vua còn bí mật cho vẽ các bản thiết kế vũ khí, lập đội nữ binh trong cung cấm. Người Pháp theo dõi rất chặt chẽ, thấy ‎ Thành Thái là người chống Pháp, đã ép triều đình bắt nhà vua thoái vị, nhường ngôi cho con là hoàng tử Vĩnh San, ngày 3.9.1907.

Ngày 12.9.1907, ông bị Pháp đưa đi quản thúc tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu).

Ngày 3.11.1916, ông bị đày đi đảo Réunion, trên cùng một chuyến tàu với con trai là vua Duy Tân. Ở đó, gia đình ông sống rất thiếu thốn, nheo nhóc, có lúc phải nuôi ngựa và làm yên ngựa bán kiếm tiền.

Tháng 5.1947, sau khi Duy Tân mất, cựu hoàng Thành Thái mới được Pháp cho về an trí tại Vũng Tàu và Sài Gòn [Theo ông Jean-Luc Nguyễn Phước, chắt nội Thành Thái, thì năm 1948 gia đình nhà vua mới rời đảo La Réunion về Việt Nam, chú thích của KV].

Mất tại Sài Gòn ngày 24.3.1954, thọ 75 tuổi. An táng tại An Lăng, trong khuôn viên lăng vua cha Dục Đức, An Cựu, Huế.





Vua Duy Tân

(Nguyễn Phúc Vĩnh San, 1900-1945)

duytan

Vua Duy Tân (ảnh cuối đời)

Là con thứ 5 của vua Thành Thái và là cháu nội của “ ông vua chết đói ” Dục Đức, Nguyễn Phúc Vĩnh San sinh ngày 26 tháng 8 Canh Tí (19.9.1900), lên ngôi ngày 28 tháng 7 Đinh Mùi (5.9.1907), lấy niên hiệu Duy Tân.

Người Pháp chọn Vĩnh San nối ngôi vua vì ông mới 7 tuổi, lại trông có vẻ nhút nhát, ngờ nghệch, dễ bề sai khiến. Kì thực, ông thông minh, ham học hỏi và rất tự chủ. Ông có tư tưởng duy tân và ý chí chống Pháp.

Năm 1908, phong trào chống thuế nổi lên ở Trung Kì, vua mới 8 tuổi đã quyết định : “ Lương của ta 500 đồng một tháng, ta chỉ dùng 200 đồng thôi, giao các thầy 300 đồng giúp những kẻ nghèo khó ”. Một nhà báo Pháp hồi bấy giờ đã viết : ” Một ngày lên ngai vàng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một cậu bé lên tám ”.

Năm 1912, Khâm sứ Geoges Mahé mở chiến dịch đào bới tìm vàng và cướp vàng ở Huế. Nhà vua phản đối quyết liệt, đóng cửa hoàng thành không tiếp nhà chức trách Pháp, buộc toàn quyền Albert Sarraut phải từ Hà Nội vào Huế giải quyết sự việc.

Năm 13 tuổi, vua đòi duyệt lại hiệp ước Patenôtre (1884), nhưng không thành. Ông có câu nói nổi tiếng : “ Nước dơ phải lấy máu mà rửa ! ”.

Tháng Tư năm 1916, vua Duy Tân bí mật tiếp xúc với hai sĩ phu lãnh đạo tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội là Trần Cao Vân và Thái Phiên, đồng ‎ý tham gia cuộc khởi nghĩa đánh Pháp. Dự định, nhà vua sẽ xuất quân vào ngày 3.5.1916, cùng với lực lượng nổi dậy đồng loạt đánh chiếm Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Kế hoạch bị lộ. Quân Pháp đàn áp cuộc khởi nghĩa. Trần Cao Vân và Thái Phiên đưa vua Duy Tân chạy trốn, nhưng họ đều bị quân Pháp bắt, ngày 6.5.1916.

Ngày 17.5.1916, Trần Cao Vân và Thái Phiên bị chặt đầu tại Cống Chém, An Hoà.

Pháp thuyết phục vua Duy Tân trở lại ngai vàng, nhưng ông quyết từ chối.

Ngày 3.11.1916, gia đình hai vua Thành Thái và Duy Tân cùng bị đưa xuống tàu từ Cap Saint Jacques, đi đày. Họ tới cảng Pointe des Galets, gần thành phố Saint Denis, đảo Réunion (tây-nam Ấn Độ Dương) thuộc Pháp, ngày 20.11.1916.

Tại đây, cựu hoàng Duy Tân - Vĩnh San học giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, học kĩ thuật vô tuyến điện, mở tiệm Radio Laboratoire bán hàng, sửa máy và lắp ráp máy thu thanh. Ông còn làm thơ, viết văn, đăng trên các báo Le Peuple (Dân chúng), Le Progrès (Tiến bộ), từng được giải nhì văn chương của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương Réunion, năm 1924, với bài văn Variations sur une lyre brisée (Những biến tấu của một cây đàn lia gãy vỡ).

Ông tham gia nhiều hoạt động xã hội, vào hội Tam Điểm (Franc-Maçons), hội Bảo vệ nhân quyền và các quyền công dân ở địa phương, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp (1936)…

Ngày 18.6.1940, Vĩnh San hưởng ứng lời kêu gọi chống Đức Quốc xã của Charles De Gaulle, đăng lính kĩ thuật vô tuyến điện phục vụ phe kháng chiến. Tháng 6.1945, ông tới được đất Pháp và sau đó giao thiệp được với tuớng De Gaulle.

25.9.1945, De Gaule kí quyết định thăng cho Vĩnh San quân hàm thiếu tá, định dùng ông làm một quân bài trong ván bài chính trị Việt Nam sau này. Nhưng Vĩnh San đã công khai bày tỏ quan điểm của mình trong một tuyên bố chính trị lúc đó: Việt Nam phải được thống nhất (xoá bỏ 3 kì Bắc-Trung-Nam), hợp tác với Pháp với tư thế độc lập.

Biết không thể dựng Vĩnh San thành một hình nộm, Chính phủ Pháp ra quyết định, ngày 23.5.1945, trả ông lại nơi an trí Réunion [Chú thích của KV : chúng tôi sẽ có dịp trở lại quan hệ giữa Vình San, De Gaulle và Bộ thuộc địa Pháp năm 1945]

24.12.1945, Vĩnh San đáp máy bay về đảo Réunion.

Hai ngày sau đó, cựu hoàng Duy Tân - Vĩnh San qua đời do tai nạn máy bay tại Trung Phi. Cái chết của ông vẫn còn là một “ nghi án ”, chưa có lời giải thỏa đáng.

Năm 1956, chính quyền Sài Gòn và Hoàng tộc lập án thờ cả 3 vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân trong Thế Miếu, Huế.

Tháng Tư năm 1987, các con vua Duy Tân, được sự giúp đỡ của chính phủ Pháp và Việt Nam, đưa di hài ông về quê nhà, an táng bên cạnh vua cha Thành Thái, trong khuôn viên An Lăng của vua ông Dục Đức.

Câu vè dân gian : “ Một nhà sinh đặng ba vua / Một vua chết đói, hai vua đi đày ” là nói về nhà Thoại Thái Vương Hồng Y (cha đẻ vua Dục Đức) vậy.

4.

Vì thế, tôi đi tìm lại dấu xưa ”… Một câu hát theo làn điệu chèo cổ, tôi viết (1994) cho vở múa đương đại Hạn hán và cơn mưa của nghệ sĩ Ea Sola Nguyễn Thuỷ. Nào ngờ hôm nay, câu hát như là vô tình kia cứ vang vọng trong tôi suốt hành trình “ đi tìm dấu tích 3 Vua lưu đày ”.

Sau khi làm “ thủ tục khởi công ” kiểu Nam Bộ, thắp nhang vái quỷ thần bốn phương tám hướng, có lễ vật hoa quả và heo quay hẳn hoi, nhóm làm phim chúng tôi gồm sáu người, chất đầy xe 12 chỗ ngồi những máy móc, thiết bị nhà nghề cùng lỉnh kỉnh vật dụng, tư trang.

Giờ hoàng đạo, khởi hành…

Điểm chót của chuyến đi sẽ là Hà Nội, nơi đang sôi nổi chuẩn bị kỉ niệm một nghìn năm Thăng Long. Tôi hình dung, mình đang đi ngược chiều lịch sử, sẽ đếm lại nhiều “ dấu xưa ” trên con đường thống nhất. Nhà Lí “ Nam tiến ” bằng cuộc chinh chiến của Lí Thường Kiệt (1075), vượt Hoành Sơn mở đất tới Quảng Bình bây giờ. Nhà Trần “ Nam tiến ” bằng cuộc hôn nhân lịch sử của công chúa Huyền Trân với vua Chămpa Chế Mân (1306), mở đất tới Quảng Nam bây giờ. Rồi Lê Thánh Tông, 1471, mở đất tới Phú Yên bây giờ.

Còn hai thế kỉ nữa người Việt ta mới tới được Sài Gòn bây giờ, nơi chúng tôi lên đường hôm nay…

Nơi đây, năm 1698 còn gọi là Sài Côn, được chúa Nguyễn Phúc Chu (Minh Vương, 1691-1725) sai đại quan Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân vào lấy đất lập huyện Tân Bình và dinh Phiên Trấn, tức Gia Định.

Năm 1708, chúa Nguyễn Phúc Chu thu nạp Mạc Cửu (một thủ lãnh người Hoa bỏ nhà Minh sang khai phá đất Hà Tiên của Chân Lạp), phong làm tổng trấn Hà Tiên.

Năm 1732, chúa Nguyễn Phúc Thụ (Ninh Vương, 1725-1738) mở đất Vĩnh Long, lập dinh Long Hồ. Đến đời chúa thứ 8, Nguyễn Phúc Hoạt (tức Khoát, Võ Vương, 1738-1765), lập đạo Kiên Giang, Long Xuyên (1757), mở đất tới Cà Mau, Rạch Giá, định hình bờ cõi Nam Bộ như hiện có.

Đời chúa thứ 9, Nguyễn Phúc Thuần (Định Vương, 1765-1777), xứ Đàng trong suy sụp. Năm 1771, quân Tây Sơn dấy nghĩa. Quân Xiêm đánh Hà Tiên. 1774-1775, Chúa Trịnh chiếm Phú Xuân. Định Vương đem người cháu là Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Gia Định. 1777, Nhà Tây Sơn giết được Định Vương cùng nhiều người trong vương tộc, đánh đuổi Nguyễn Phúc Ánh chạy ra đảo Thổ Chu, Phú Quốc, lánh sang tận Xiêm La…

Chiến trận liên miên đến tận 1802. Sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Phúc Ánh lần lượt chiếm lại được Gia Định, Bình Thuận, rồi kinh đô Phú Xuân, Thăng Long, diệt Nguyễn Quang Toản… thống nhất giang sơn liền một dải, từ Cà Mau tới Lạng Sơn, như bây giờ.

Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi (Gia Long, 1802-1819), đặt quốc hiệu Việt Nam, hoạch định đất nước thành 3 khu vực hành chính. Từ Ninh Bình trở ra là Bắc Thành gồm 11 trấn. Miền Trung gồm 7 trấn và 4 doanh, thuộc Kinh kì. Từ Bình Thuận trở vào gọi là Gia Định thành, gồm 5 trấn. Gia Định trở thành “ thủ phủ ” của khu vực. Đường thiên lí xuyên bắc nam cũng được mở từ thời đó với hệ thống cầu cống, ngựa trạm và thuyền, đò liền mạch.

Lộ trình xuyên Việt của chúng tôi khởi đi từ đất Gia Định thưở ấy, tự nhiên mang một ý nghĩa không ngẫu nhiên. Ngược đường số Một ― đường thiên lí xưa ― về Bắc. Hầu như không một thước đất nào không hằn in dấu vết gian truân của bao đời mở cõi, để có được một con đường thống nhất hôm nay.

Dấu mồ hôi. Nước mắt. Và, máu !…

5.

Ngày đầu cuộc hành trình, chúng tôi dừng ở Nha Trang, tìm gặp, phỏng vấn và ghi hình người con út của cựu hoàng Duy Tân ― hoàng tử Joseph Roger Vĩnh San. Ông cùng phu nhân, bà Marguerita, đang tạm cư trong một căn nhà cấp 4 đạm bạc, đường Bắc Sơn, khu Đồng Đế. Ông bà chỉ nói được tiếng Pháp. Thật may mắn, người chắp mối gặp gỡ và phiên dịch giúp chúng tôi là một Việt kiều từ Canada về thăm quê, ông Nguyễn Phúc Liên Hương, cháu nội Kì Ngoại Hầu Cường Để. Qủa là một may mắn bất ngờ, ngoài sự mong đợi.

Qua hoàng tử Joseph Vĩnh San, chúng tôi có thêm số điện thoại, địa chỉ e-mail, để liên lạc trực tiếp với hai người anh của ông, hoàng tử Claude Vĩnh San và Goeges Vĩnh San, một ở Pháp và một ở Réunion. Hai ông ấy hẹn rằng, sẽ đón tiếp và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi đi tìm lại dấu vết lưu đày của cha và ông họ.

Ông Liên Hương lại cùng chúng tôi ra Huế, tiếp tục giúp việc liên hệ gặp gỡ, trò chuyện với một số các “ Mệ ” trong hoàng tộc… Trong số đó, người hỗ trợ chúng tôi nhiều việc nhất là “ Mệ ” Nguyễn Phúc Bảo Hiền, 81 tuổi, cháu nội vua Thành Thái, hiện trông nom An Lăng và điện Long Ân. “ Mệ ” kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về các vua, về lễ nghi cung đình, về tiệc ngự thiện ; dẫn chúng tôi viếng nghĩa địa Ba Đồn ― nơi có mồ chôn tập thể những người vô danh ngày thất thủ kinh thành sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn ; viếng mộ Trần Cao Vân và Thái Phiên ; tìm đến chỗ vua Duy Tân đi trốn và bị bắt ; cho chúng tôi ghi hình lễ giỗ vua Thành Thái lần thứ 54 (1954-2008) theo nghi thức trọng thể của hoàng tộc…

Tới bất cứ đâu, gặp bất kì ai, chúng tôi đều nhận được sự đồng cảm sâu sắc và sự giúp đỡ nhiệt tình thật cảm động đối với công việc chúng tôi đang làm. Từ các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hoá Huế (như Phan Thuận An, Mai Khắc Ứng, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Đại Vinh…), các cán bộ chuyên trách bảo tồn di tích cố đô Huế (như Thái Công Nguyên, Phùng Phu, Phan Thanh Hải, Phan Thuý Vân…), cho đến rất nhiều những thường dân hữu danh lẫn vô danh. Nhờ tất cả họ, chúng tôi được hướng dẫn ghi hình các các lăng tẩm, cung điện, bảo tàng và di tích lịch sử tiêu biểu, các dấu tích của “ 3 Vua ” cùng những nhân vật liên quan (như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Phan Bội Châu, Cường Để, v.v…), tới các phòng tuyến thất thủ từ cửa Thuận An qua Trấn Hải Đài, đến núi Thuý Vân, cửa Tư Hiền…

Tại Quảng Trị, nhà báo Lê Đức Dục (đại diện báo Tuổi Trẻ) đã liên lạc trước với những người sẽ giúp đỡ chúng tôi. Sở Văn hoá - Thông tin và Trung tâm bảo tồn di tích lịch sử Quảng Trị cử người hướng dẫn. Ái Tử ― nơi đặt doanh phủ đầu tiên của Nguyễn Hoàng khi vừa đặt chân tới vùng đất nam Hoành Sơn. Thành cổ Quảng Trị và phế tích sơn phòng Tân Sở, là nơi vua Hàm Nghi tạm dừng chân trên đường bôn tẩu và hạ chiếu Cần Vương lần thứ nhất. Khu lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Văn Tường ― quan Phụ chính đại thần thứ nhất triều Hàm Nghi…

Tới Quảng Bình, chúng tôi được hai nhà thơ, Hoàng Vũ Thuật và Nguyễn Bình An, tiếp đón nồng hậu. Hai ông cùng đi, đưa chúng tôi tới Luỹ Thầy, Luỹ Trường Dục và di tích Võ Thắng quan ― những công trình quân sự do Đào Duy Từ thiết kế và chỉ huy xây dựng thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Cuộc giao lưu cảm động đầy nước mắt tại nhà ông Nguyễn Mân, 81 tuổi, là cháu nội cụ Nguyễn Nhuận ― thầy giáo dạy vua Hàm Nghi thuở nhỏ, cũng nhờ hai ông bạn thơ dẫn dắt…

nhomlamphim

Nhóm làm phim trước Hải Vân Quan. Từ trái : Nguyễn Hồ, Nguyễn Duy, X, Đào Anh Dũng, Trần Văn Tuấn

Sau một đêm trú phố núi Quy Đạt (tây Quảng Bình), chúng tôi theo đường Trường Sơn tìm lối lên Khe Ve, nơi Vua Hàm Nghi bị dồn đuổi rồi bị quân Pháp bắt (30.10.1888). Đang lúng túng giữa mênh mông núi rừng hoang vắng, chợt gặp mấy thầy trò trường trung học Minh Hoá đi “ điền dã ”. Họ dẫn chúng tôi tới Khe Ve, tới bản Nạ ― nơi trận chiến cuối cùng của quân hộ giá nhà vua với quân giặc, hiện vẫn còn dấu tích 8 nấm mộ đất. Cứ như chuyện “ trời xui, đất khiến ” vậy…

Nhà ngoại cảm Tuyết Nga từ Sài Gòn vẫn “ theo chân ” nhóm làm phim này, bằng điện thoại di động. Chị Nga đã “ nghiên cứu ngoại cảm ” tại sơn phòng Hương Khê ― nơi vua Hàm Nghi đóng quân và hạ chiếu Cần Vương lần thứ 2. Chị quen biết nhiều người nơi đây, và giới thiệu (vẫn bằng điện thoại di động) chị Phan Thi Tập ― Bí thư huyện uỷ Hương Khê, Hà Tĩnh. Chị Tập trực tiếp đưa chúng tôi đi “ tìm dấu tích vua Hàm Nghi ”. Sự kiện đáng ghi nhớ nhất tại đây là việc ghi hình kỉ vật vua ban, gồm những sắc phong, hoàng bào, kiếm báu, voi vàng, voi đồng, lục lạc, lụa quý v.v… Kho báu này được dân xã Phú Gia luân phiên cất giữ từ 1885 đến nay, trong những nhà lá đơn sơ, qua bao thời loạn lạc, thời giặc Pháp, thời giặc Nhật, thời ta ― nhất là lúc chính quyền địa phương đòi giao nộp báu vật cho nhà nước quản lí mà dân thì quyết giữ. Báu vật còn, nhờ cất giữ trong lòng dân…

6.

Cũng không biết do “ trời xui, đất khiến ” thế nào, chúng tôi ra Thanh Hoá thì gặp ngay cuộc hội nghị chuẩn bị “ Hội thảo khoa học về Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn ” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá tổ chức. Hội thảo quốc gia mang tính quốc tế, được ban tổ chức quyết dịnh sẽ diễn ra ngày 18 và 19 tháng 10.2008, dịp kỉ niệm 450 năm chúa Nguyễn Hoàng rời quê hương Thanh Hoá đi mở đất phương Nam.

May mắn thay, chúng tôi gặp được và ghi hình được hội nghị này, với ‎ ý kiến của những nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu của quốc gia : các giáo sư Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, cùng một số tiến sĩ sử học nổi tiếng. Đoàn đại biểu các nhà sử học Việt Nam lại cùng chúng tôi tới viếng đình làng Gia Miêu (trùng tu) và lăng Nguyễn Kim (xây mới) tại xã Hà Long, huyện Hà Trung ― quê gốc của các chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Khu Nguyên miếu Triệu Tường thờ Triệu tổ Nguyễn Kim và Thái tổ Nguyễn Hoàng (đã bị triệt phá) cũng vừa được Nhà nước công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, chắc chắn rằng sắp được xây dựng lại…

7.

Hà Nội ― điểm chót và điểm chốt cuộc hành trình xuyên Việt.

Hình ảnh của Thăng Long ― Hà Nội là một phần “ máu thịt ” trong thiên kí sự truyền hình của chúng tôi. Trước thời Nguyễn, hầu hết các công trình lịch sử - văn hoá đều đã bị huỷ hoại. Kết quả khảo cổ di tích Hoàng thành Thăng Long đã chứng minh điều đó. Điều đó dẫn tới hệ quả này : hầu hết các công trình lịch sử - văn hoá mà chúng ta đang thừa hưởng đều được trùng tu hoặc xây dựng từ thời Nguyễn. Cột cờ Hà Nội còn kia, cửa Đoan Môn còn kia, với bao nhiêu đình, chùa, đền, miếu còn kia. Nhìn quanh Hà Nội, cũng thấy như vậy. Nhìn xa ra khắp nước, cũng thấy như vậy…

Trong các thư viện lớn, nhất là trong kho lưu trữ quốc gia, chúng tôi đã tìm được khá nhiều tài liệu quí cần tìm, liên quan đến lịch sử thời chúa Nguyễn, triều Nguyễn và riêng các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Sử liệu còn đó. Những bộ sử lớn nhất, những bộ luật khoa học nhất, những sổ sách hành chính kĩ càng nhất, những địa bạ khổng lồ và tỉ mỉ nhất, những hình ảnh kiến trúc giá trị nhất, những tác phẩm văn học ưu tú nhất, những thành tựu giáo dục và thi cử nghiêm chuẩn nhất… đều nằm ở thời kì lịch sử này.

Vậy mà, cả một triều đại như thế, với rất nhiều những nhân vật xứng đáng được biết ơn và vinh danh như thế, hầu như bị “ loại bỏ ” khỏi lịch sử dân tộc trong hệ thống chính thống. Tôi không thể không đau lòng khi tìm khắp chốn kinh thành Hà Nội, thủ đô của “ nghìn năm văn hiến ”, mà không thấy đường phố nào mang tên Chúa Nguyễn hoặc Vua Nguyễn, kể Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân !…

Qua những cuộc phỏng vấn chuyên đề, các nhà nghiên cứu sử học (Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Dương Trung Quốc, Đào Hùng…) còn chỉ cho chúng tôi biết nhiều vấn đề lịch sử phải thảo luận, để nhìn nhận lại cho công bằng về các chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Nói “ Nhà Nguyễn là phản động toàn diện ” như một thời chúng ta đã áp đặt là sai lầm. Còn nói “ Nhà Nguyễn tốt đẹp toàn diện ” cũng không đúng. Trách nhiệm lịch sử của triều Nguyễn đến đâu, trong sự việc để đất nước phải chịu ách đô hộ của Pháp, cần soi chiếu minh bạch. Từ đó, đúc kết những bài học lịch sử, định hướng thái độ ứng xử có văn hoá, hợp đạo lí đối với tiền nhân, nâng cao niềm tự hào dân tộc, tình đoàn kết dân tộc, cho hôm nay và cho cả hậu thế…

Chừng như câu chuyện nhân nghĩa mà chúng tôi sẽ kể bằng hình ảnh đang được sự dẫn dắt vô hình nào đó, có sức truyền cảm vô ngôn của nhân điện, rung động tới nhân tâm, nhân tình. Tôi không tin chuyện thánh thần với ma quỷ. Nhưng tôi tin trên đời có luân hồi, nhân quả và báo ứng. Bởi đó là luật của tự nhiên.

NGUYỄN DUY


nguồn : báo Tổ Quốc (17.6.08)

CHÚ THÍCH của DIỄN ĐÀN :

Sau 5 tuần quay phim ở Việt Nam, đoàn làm phim đã sang Pháp và đảo La Réunion, tiếp tục đi tìm dấu tích của Hàm Nghi (Thonac, Dordogne), Thành Thái và Duy Tân (La Réunion), gặp và phỏng vấn những chứng nhân, hậu duệ, những nhà sử học... (cuối tháng 5 - cuối tháng 6.2008). Trong những tuần lễ tới đây, Diễn Đàn sẽ đăng bài kí sự về cuộc du khảo lí thú này.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss