Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / 150 năm Minh Trị Duy Tân

150 năm Minh Trị Duy Tân

- Hậu Hiền — published 04/12/2018 19:01, cập nhật lần cuối 04/12/2018 19:01

Tự tìm hiểu lịch sử :


150 năm Minh Trị Duy Tân, những kỳ tích của Nhật Bản,
Minh Trị Thiên Hoàng, Fukuzawa và Duy Tân Tam Kiệt 


Hậu Hiền


Thân tặng anh Chu Hảo để nhớ những ngày Noel năm xưa ở Lille.



Tiếp tục công việc đi « thám hiểm » lịch sử, lần này tôi quan tâm đến một nước mà bất cứ một người Viêt Nam nào cũng phải khâm phục « hết mình », mà không chỉ người Việt Nam thôi, đó là nước Nhật. Đặc biệt năm nay là kỷ niệm 150 năm cuộc Canh Tân các sử gia đặt tên là « Minh Trị Duy Tân » (1868-2018) trong vòng 15 năm đã đưa Nhật từ một nước phong kiến chậm tiến, tuy có bước đầu phát triển tiền công nghiệp, trở thành một nước văn minh phát triển hùng mạnh dưới sự trị vì của Minh Trị Thiên Hoàng.

Sau bài viết về nước Đại Nam bị Pháp đánh bại dễ dàng rồi đô hộ, người đọc chắc ai cũng muốn tìm hiểu tại làm sao, có quốc sách nào mà Nhật không bị các cường quốc Âu Mỹ biến thành thuộc địa hay bán thuộc địa như hầu hết các nước Đông Á khác từ Ấn Độ đến Trung Hoa. Có phải nhờ họ có một ông vua sáng suốt chịu mở mắt, biết mở cửa giao tiếp với các nước Tây phương để giữ vững độc lập thay vì bế quan tỏa cảng rồi bị Tây phương tấn công rồi xâm chiếm ? Có phải nhờ họ lại có tầng lớp sĩ phu, võ sĩ có tinh thần « Võ sĩ đạo », kỷ luật, dũng cảm, hiếu học vâng lệnh vua, muôn người như một, đi học văn minh kỹ thuật Tây phương, hiện đại hóa quân đội, hải quân ngang hàng với Âu Mỹ ? Hay là các nước Tây phương không có tham vọng đánh chiếm nước Nhật vì còn bận bao vây Trung Quốc, cai trị Ấn Độ, để Nhật có đủ thời giờ canh tân mà không phải tốn sức về quốc phòng ? Minh Trị Duy Tân chỉ nhằm cho nước Nhật giàu mạnh, còn vấn đề dân chủ, nhân quyền của người dân không thấy nói đến nhiều ?

Dựa vào các tài liệu tham khảo hạn chế nhưng đáng tin cậy, người viết bài mong giải đáp được phần nào các câu hỏi trên và giúp bạn đọc môt cái nhìn tổng quát về một cuộc cách mạng không giống các cuộc cách mạng khác, ít đổ máu, thiên về văn hóa tư tưởng. Người viết chỉ mong đánh thức óc tò mò của bạn đọc, khơi dậy ham muốn tìm hiểu nghiên cứu đi sâu hơn nữa, rồi biết đâu viết bài, bất kể dài hay ngắn, để chia sẻ với cộng đồng những tìm tòi của mình trong thời buổi văn minh tri thức hiện nay.

Bài viết dựa vào các cuốn sách, ảnh và các bài viết sau đây :

Paul Akamatsu, Meiji 1868, Revolution et Contre Revolution au Japon, Ed. Calmann-Levy, 1968 (tiếng Pháp)

Eddy Dufourmont, Histoire politique du Japon, Ed Presses Universitaires Bordeaux, 2013.(tiếng Pháp)

Edwin Reischauer, Histoire du Japon et des Japonais, Ed. du Seuil, 19971(dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp)

Pierre Souyri, Moderne sans etre occidental, Ed. Gallimard, 2016.(tiếng Pháp)

Trần văn Thọ, « Tốc độ xoay chuyển tình hình đất nước : Kỳ tích của các anh hùng thời Minh Trị duy tân », Diễn Đàn Xuân Ất Mùi 2015

Vĩnh Sính, « Hội Trí Thức Meirokusha và tư tưởng khai sáng » ở Nhật Bản, Diễn Đàn số 148, trang 29, tháng 2/2005.

Wikipedia



Việc hạm đội đô đốc Mỹ Perry năm 1853 ép buộc Mạc phủ Tokugawa mở cửa thông thương
là ngòi pháo báo hiệu cho cuộc Duy Tân thần kỳ của nước Nhật


Cuộc can thiệp của Tây phương và cuộc nội chiến giữa chính quyền Mạc Phủ và phe nổi loạn « tôn vương » (1853/1868)


Ngày 8/7/1853, đô đốc Mỹ Matthew Perry dẫn 4 tàu chiến đen (kurofune) đến vịnh Đông Kinh đưa thư của tổng thống Mỹ Millard Fillmore cho Mạc Phủ (Bakufu)Tokugawa đề nghị mở cửa thông thương giữa hai nước và hẹn đến năm sau trở lại lấy hồi âm. Sự kiện hi hữu này như tiếng bom nổ làm cho nội bộ chính phủ Mạc Phủ hốt hoảng, không biết đối phó ra sao, phe bảo thủ nhất định đòi đánh đuổi bọn « Tây di », còn phe thực tế khuyên Mạc Phủ hòa hoãn trước sức mạnh quân sự của Mỹ. Nhật Hoàng và các daimyo (lãnh chúa của các lãnh địa hay phiên) được Mạc Phủ tham khảo đều chủ trương jôi (nhương di), dẹp « rợ Tây ». Nhưng khi Perry trở lại tháng 2/1854 với bảy tàu chiến của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Hòa Lan, Nga trang bị đại bác tối tân đi ngược gió như chỗ không người, chính phủ Mạc Phủ hoàn toàn bất lực, không có cách nào khác là phải ký hòa ước Kanagawa với Mỹ mở hai hải cảng Shimoda và Hakodate cho giao thương. Trong vòng hai năm, Nhật cũng ký hòa ước với các nước Tây phương khác. Năm 1858, các nước Âu Mỹ ký thêm một hiệp ước thương mại có đặc quyền ngoại giao cho người nước ngoài giống như trong các hiệp ước ký với Trung Hoa. Với các hiệp ước này, Yokohama và Kobé trở thành như hai thành phố « nhượng địa » dưới sự bảo vệ của quân đội Âu Mỹ.

Mạc Phủ Tokugawa không chịu bó tay tìm cách hiện đại hóa quân đội và nhờ Hòa Lan trang bị tàu chiến tối tân. Cả triều đình Nhật Hoàng lẫn các daimyo không tin, họ lên án mạnh mẽ sự nhượng bộ của Mạc Phủ và chủ trương sonno joi (tôn vương nhương di : tôn Nhật Hoàng, đuổi rợ Tây), vừa chống ngoại bang, vừa chống Mạc Phủ. Nhưng lực lượng của triều đình và hai phiên mạnh nhất là Satsuma và Choshu không chọi nổi các hạm đội Âu Mỹ : năm 1863 thủ đô Kagoshima của phiên Satsuma bị hạm đội Anh bắn phá, thiêu hủy để trả đũa việc một người Anh bị ám sát ở Yokohama, còn các thành quách Shimonoseki ở phiên Choshu và các tàu chiến Nhật bị hạm đội Pháp Mỹ phá tan để trả đũa việc các thương thuyền Tây phương bị tấn công.

Cuộc kháng chiến của các lực lượng bài ngoại tự kết thúc nhanh chóng khi các thủ lĩnh gốc gác vốn là võ sĩ (samurai) cấp thấp nhưng nhiều tham vọng của hai phiên Satsuma và Choshu thấy rõ Nhật không thể đương đầu với sức mạnh quân sự của Tây phương mà phải có chiến lược khác. Là những người trẻ, tuổi từ 31 đến 36, lại có kiến thức và ý thức chính trị, họ hiểu rất sớm nếu không muốn bị đô hộ, nước Nhật phải thay đổi nhanh chóng và tận gốc trên mọi lãnh vực thì mới bắt kịp trình độ văn minh, kinh tế, quân sự của các nước Âu Mỹ. Chỉ khi nào nước Nhật sánh ngang với các nước này thì họ mới chịu để yên. Satsuma giảng hòa với Anh và nhờ Anh trang bị một hạm đội hiện đại, còn Choshu cải tổ quân đội theo mô hình Tây phương, dùng quân sĩ không phân biệt nông dân hay samurai. Họ lại vượt qua được mối thù truyền kiếp để thành lập liên minh « SatCho » hầu lật đổ Mạc Phủ, họ khôn khéo dùng Thiên Hoàng làm biểu tượng để thống nhất các lực lượng chống Mạc Phủ gồm triều đình Kyoto và các daimyo. Năm 1866, họ thắng Mạc Phủ trong một trận đánh lớn. Ngày 3/1/1868, liên minh chiếm hữu Hoàng Cung Kyoto không đổ một giọt máu, tuyên bố xóa bỏ chế độ Mạc Phủ, khai trương « Minh Trị Duy Tân» lập lại Nhật Hoàng Mutsuhito lúc đó mới 16 tuổi, bộ ba samurai Saigo, Okubo, Kido thành lập một chính phủ lâm thời.


Chính phủ Minh Trị Duy Tân, Minh Trị Thiên Hoàng và các lãnh tụ SatCho « Duy Tân Tam Kiệt »



Minh Trị Thiên Hoàng (3/11/1852 – 30/7/1912)

Minh Trị Thiên Hoàng không phải là « linh hồn » công cuộc Duy Tân, vị « cứu tinh » dân tộc Nhật như triều đình Nhật đã dựng huyền thoại, ông chỉ là « sản phẩm » của cuộc cách mạng bên trên do các lãnh tụ hai phiên Satsuma và Choshu lãnh đạo. Năm 1868 ông mới 16 tuổi và không tham dự gì vào cuộc chính biến lật đổ Mạc Phủ, các lãnh tụ tuy lấy danh nghĩa « tôn vương » mà cũng chưa gặp mặt Thiên Hoàng bao giờ. Hình ảnh một hoàng đế Nhật kiểu mới giống các hoàng đế Âu Châu biểu tượng của quốc gia, được chính quyền mới khôn khéo tạo dựng qua cách ông trang phục kiểu Âu Châu, để râu quai nón, đi khai mạc các cuộc triển lãm về công nghệ, văn hóa, đi duyệt binh trong bộ binh phục đầy huân chương.

Trong khi đó, những người có thực quyền lãnh đạo chế độ mới là liên minh triều thần Thiên Hoàng do Iwakura đứng đầu và các lãnh tụ Satsuma Choshu và Tosa do Saigo Takamori, Okubo Toshimichi và Kido Takayoshi cầm đầu, đời sau tặng biệt danh là « Duy Tân Tam Kiệt » (Ishin no Sanketsu).

Saigo Takamori sinh ra trong một gia đình samurai nghèo, ông được daimyo của phiên Satsuma tin dùng trong việc bang giao với Mạc Phủ lúc Mạc Phủ còn nắm quyền. Ông có công hàng phục được tướng Katsu Kaishū của phe Mạc phủ tránh đổ máu trong sự kiện Vô huyết khai thành khi thành Edo của Mạc Phủ với một triệu dân bị quân tôn vương bao vây. Ông chỉ huy quân tôn vương đánh dẹp tàn quân Mạc Phủ trong chiến tranh Boshin (1868-69). Về sau ông từ chức chính phủ sau khi ý định đánh chiếm Triều Tiên của ông bị bác bỏ. Năm 1877, Satsuma ly khai, chính phủ đưa 70000 quân và hải quân hiện đại tấn công và đánh bại 40000 quân Satsuma, Saigo tự tử theo cách seppuku của samurai. Ông để lại dấu ấn lớn trong lịch sử Nhật như một trong những người khai sinh ra chế độ Minh Trị đồng thời lại là lãnh tụ chống đối chính chế độ đó. Fukuzawa ca ngợi ông là người không ngừng chống độc tài, dù là đọc tài cũ Mạc phủ hay độc tài mới Minh Trị. Ông vẫn được người dân Nhật tôn sùng, tượng ông nằm trong vườn Ueno ở Tokyo.

Okubo Toshimichi cùng môi trường samurai nghèo như Saigo, ông hợp tác với Saigo trong cuộc chiến chống Mạc Phủ. Ông liên minh với triều thần Nhật Hoàng cùng phe Choshu để lật đổ Mạc Phủ và thiết lập chế độ Minh Trị. Ông là nhân vật chủ chốt của chế độ thực hiện những cải cách lớn như thu hồi đất đai của daimyo, xóa bỏ tầng lớp samurai, phát triển công nghệ, thay đổi thuế đất đai. Theo gương Bismarck, để củng cố chế độ tập quyền, dẹp bỏ hẳn tàn dư phong kiến và các phong trào đòi tự do, dân chủ, ông đưa ra đường lối cứng rắn, lập ra luật kiểm duyệt đầu tiên. Ông đích thân chỉ huy cuộc đàn áp cuộc nổi loạn của Saigo, người đồng hương, bạn chiến đấu của ông. Ông bị đệ tử của Saigo ám sát một cách dã man chỉ một năm sau khi chiến thắng Saigo (1878).

Kido Takayoshi gốc phiên Choshu, ông là thành phần cốt cán, cải cách của phiên, ông có công xây dựng liên minh Choshu với Satsuma (SatCho) chống Mạc Phủ. Ông là một trong mấy tác giả Tuyên thệ 5 điểm của Minh Trị Thiên Hoàng trong đó có điều 5 chủ trương tiếp thu học hỏi văn hóa và kỹ thuật thế giới để củng cố chế độ. Ông không phải là một nhà quân sự mà là một nhà quản trị, ông cố gắng để cho các tỉnh mới một sự tự trị nhất định sau khi các phiên bị dẹp bỏ. Ông tham gia phái đoàn ngoại giao của chính phủ Nhật đi Âu Mỹ cùng Okubo và triều thần Iwakura. Sau chuyến đi này, ông chủ trương chế độ Minh Trị phải có hiến pháp. Về sau, ông mâu thuẫn với đương lối « độc tài » của Okubo và từ chức. Ông ra sức ngăn cản cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa Okubo và Saigo mà không thành, ông từ trần vì bệnh khi cuộc chiến đang diễn ra (1877).


Chính quyền Minh Trị làm một cuộc cách mạng toàn diện thần tốc trong vòng chưa tới mười năm (1868-77)


Những cải cách xã hội chính trị mạnh mẽ đầu tiên


Ngay từ lúc lên nắm quyền năm 1868, nhóm cầm đầu như bị thôi thúc bởi một nhu cầu cấp bách, phải canh tân cấp tốc nước Nhật mới có thể chống cự được âm mưu thực dân của các nước Tây phương.

Việc đầu tiên họ làm là củng cố quân đội và hải quân ngang tầm đối phương, khẩu hiệu đầu tiên của chế độ mới là Fukoku Kyohei (Phú Quốc Cường Binh, Nước giàu Quân mạnh).

Việc thứ hai là tổ chức quyền lực mới thay thế chế độ Mạc phủ vừa đổ vỡ. Những quyết định quan trọng do một nhóm nhỏ gồm triều thần Iwakura và các lãnh tụ SatCho, các thành viên các phiên khác được cử vào những chức vụ cố vấn, thứ trưởng, đổng lý văn phòng.

Tháng Ba 1869, chỉ một năm sau khi lên cầm quyền, họ bắt đầu chương trình xóa bỏ các phiên và chế độ đẳng cấp, tiền đề cho sự canh tân chính trị, kinh tế và nhất là quân sự của nước Nhật. Các daimyo lần lượt trao trả đất đai của họ cho Thiên Hoàng và được phong làm « Thống đốc » các phiên cũ. Hai năm sau các phiên bị xóa bỏ hoàn toàn, nước Nhật được chia thành tỉnh đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của chình phủ trung ương ở Tokyo (tên mới của Edo), các daimyo mất hết quyền trên đất của mình, họ được bồi thường bằng công trái Nhà nước.

Quy chế đặc quyền của đẳng cấp samurai cũng bị dẹp bỏ, Choshu đi đầu trong việc này. Đầu 1873, chính phủ thiết lập chế độ quân dịch, một quân đội Nhật đa số là nông dân thành hình theo mô hình Phổ, samurai không còn độc quyền mang vũ khí. Năm 1876, họ không được quyền mang kiếm. Mất dần các đặc quyền trừ một khoản lương bổng thấp, họ trở thành người dân bình thường phải tự kiếm phương tiện sinh sống. Nhờ trình độ học vấn cao và kinh nghiệm chính trị lúc làm việc trong các phiên, một số được nhận làm quan chức trong quân đội, hải quân, cảnh sát, một số khác trở thành doanh nhân, luật sư, giáo sư, nhà báo. Rất nhiều người không thích ứng được với chế độ mới, phải gia nhập thành phần nghèo của xã hội. Một bộ phận samurai quá khích không chấp nhận việc mất quy chế quyền lợi nổi loạn vũ trang, họ quy tụ chung quanh cựu bộ trưởng Saigo trong chiến tranh Satsuma, họ bị quân đội quân dịch nông dân trang bị vũ khí hiện đại đánh bại năm 1877, báo hiệu sự cáo chung vĩnh viễn của chế độ phong kiến Tokugawa.

Trong các lãnh vực khác, chính quyền quyết định lấy Dương lịch thay thế Âm lịch (1872), cho phép đạo Công giáo được tự do hoạt động (1873).


Lãnh đạo Minh Trị đi thăm 12 nước Âu Mỹ trong vòng hai năm để thương thuyết và học hỏi văn minh kỹ thuật Tây phương


Năm 1871, nhóm lãnh đạo Iwakura, Okubo và Kido quyết định tổ chức một phái đoàn sang Âu Mỹ để thương thuyết lại các hiệp ước bất bình đẳng và tìm hiểu học hỏi sâu hơn thể chế văn hóa kỹ thuật tổ chức quân đội Âu Mỹ đúng như Tuyên Thệ của Thiên Hoàng lúc chế độ mới khai mạc. Đây là một hành động quả cảm của một chế đọ non trẻ đi khám phá thế giới. Ngoài ba nhà lãnh đạo, còn có 48 thành viên - trong đó có học giả Nakae Chomin dịch giả tương lai cuốn Le Contrat Social của Jean-Jacques Rousseau và đại sứ Ito Hirobumi sau này trở thành thủ tướng - và 60 sinh viên, họ ở lại gần hai năm, đi qua 12 nước, ở lại Mỹ 200 ngày, Anh 120 ngày, Pháp 67 ngày, v..v …. lúc về có ghé Singapore, Sài gòn, Hong Kong, Thượng Hải. Họ được các nguyên thủ quốc gia đón tiếp nhưng yêu cầu xét lại các hiệp ước bị khước từ, các nước Âu Mỹ khuyên chỉ khi nào Nhật thay đổi thể chế văn minh thì mới có thể thương thuyết (!). Chuyến đi này có người ghi lại thành nhật ký những điều trông thấy tận mắt. Rất nhiều người bị chấn động (hay ấn tượng, nói theo lối bây giờ), đặc biệt là Okubo, ông càng được củng cố trong niềm xác tín là Nhật phải cải cách mau chóng và toàn diện mới mong giữ được độc lập trước sức mạnh của Âu Mỹ. Kido thì chú ý đặc biệt về các hệ thống giáo dục và mặt trái của xã hội Tây phương, tình trạng nghèo khổ của giới công nhân. Riêng Nakae Chomin ở lại Paris để nghiên cứu hệ thống tư pháp và triết học Pháp.


Chính sách du học tu nghiệp và cải cách hệ thống giáo dục đào tạo


Tiếp tục các cải cách lớn, chính quyền Minh Trị đặc biệt đầu tư vào lãnh vực giáo dục đào tạo :

Việc du học tu nghiệp của công chức và sinh viên được tổ chức chặt chẽ : người đi học được tuyển lựa theo môn học, trình độ, nước đến được chọn theo sở trường từng nước (Anh được chọn để học về hải quân, Đức về quân sự, y khoa, Pháp về hành chánh, Mỹ về thương mại), chương trình học do Nhật đặt, thầy được tuyển chọn cũng như cách áp dụng kiến thức đã học được. Đồng thời, chuyên viên, giáo sư Tây phương cũng được mời sang dạy với mức lương cao, họ dần dần được giáo sư Nhật thay thế, đến cuối thế kỷ 19, chỉ còn lại giáo sư về ngoại ngữ.

Hệ thống giáo dục mới gồm sáu năm tiểu học, tám năm trung học và ba năm đại học. Giáo dục tiểu học cưỡng bức bốn năm, đến đầu thế kỷ 20, tất cả mọi trẻ em đều được đi học. Đại học được tổ chức tập trung, hữu hiệu giống như đại học Âu Mỹ với mục tiêu rõ rệt là một dụng cụ cho Nhà nước đào tạo chuyên viên, lãnh đạo, nhân công. Trong vòng hai thế hệ, xã hội Nhật chuyển sang phân chia theo trình độ học vấn, không theo đẳng cấp như xưa. Xã hội này được coi như bình đẳng hơn xã hội Anh cùng thời. Kido là người có công đặt những viên đá đầu tiên từ kinh nghiệm chuyến Âu Mỹ du trước khi Mori Arinori nhậm chức bộ trưởng. Mặt trái của nền giáo dục Minh Trị là học sinh sinh viên không được học tư tưởng tự do, độc lập suy nghĩ mà phải phục tùng ý thức hệ chính thống, học các giá trị Nho giáo truyền thống như tôn trọng người trên, hiếu với cha mẹ, trung với Nhật Hoàng như nêu trong Sắc chỉ 1890 của Nhật Hoàng. Việc đề cao tinh thần quốc gia, hy sinh cho Nhật Hoàng là mầm mống cho chủ nghĩa quốc gia cực đoan phát triển những năm 30 của thế kỷ 20. Sử gia Mỹ Reischauer đánh giá « nước Nhật thời Minh Trị là nước đầu tiên dùng các kỹ thuật điều kiện hóa tâm lý có tính cách toàn trị để biến học đường thành dụng cụ của quyền lực », đây là một ý kiến còn gây tranh cãi.


Tư tưởng dân chủ khai sáng của Tây phương lan tỏa vào xã hội Nhật qua trung gian Fukuzawa Yukichi,
Hội Meirokusha và công cuộc dịch thuật


Thật ra, trước thời kỳ Minh Trị hơn cả trăm năm, ngay từ đầu thế kỷ thứ 18 nước Nhật đã bắt đầu tiếp thu khoa học kỹ thuật Tây phương.

Mạc Phủ ban hành chính sách bế quan tỏa cảng Sakoku (Tỏa quốc) từ 1639, cấm người ngoại quốc, giáo sĩ vào Nhật, cấm người Nhật đi ra nước ngoài và trở về, chỉ cho chép người Hòa Lan buôn bán hoạt động ở đảo Dejima. Nhờ vậy, nhất là từ 1720, qua con đường này, cả ngàn cuốn sách về y khoa, khoa học, … được nhập vào và dịch sang tiếng Nhật, nhiều bác sĩ Hòa Lan, Đức sang làm việc, chữa bệnh, dạy học. Điều này giải thích sự phát triển mau chóng của khoa học kỹ thuật vào thời kỳ Minh Trị như sự tiếp nối của thời kỳ Mạc Phủ.

Mạc phủ cũng chủ động lập ra năm 1856 một viện nghiên cứu dịch thuật sách « Tây dương », đào tạo chuyên viên về ngoại ngữ, y khoa, thiên văn, địa lý, … Năm 1860, sau khi bị các nước Âu Mỹ ép mở cửa, Mạc Phủ đã gửi nhiều phái đoàn quan chức, sinh viên sang các nước để học hỏi văn minh tiến bộ, trong số người đi có Fukuzawa Yukichi. Phiên Choshu cũng gửi 5 sinh viên sang Anh, trong đó có Ito Hirobumi, sau này lên làm thủ tướng, Setsuma gửi 19 sinh viên ; trước 1868, đã có 300 sinh viên du học ở Âu Mỹ.

h.3

Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901)

Fukuzawa Yukichi,


Được đời sau tặng biệt danh là « Voltaire » của Nhật, nhà trí thức Khai sáng lớn của Nhật xuất thân từ một gia đình samurai nghèo cấp thấp ở Osaka. Ông được học Nho giáo từ nhỏ, sau đó chuyển sang rangaku (Lan học, chỉ kiến thức do người Hòa Lan truyền bá) rồi sau cùng sang Tây học. Năm 1860, lúc đó mới 25 tuổi, muốn tận mắt chứng kiến thế giới văn minh phát triển của Âu Mỹ, ông đã tìm cách theo phái đoàn ngoại giao Mạc Phủ đầu tiên. Tất cả thành viên, công chức cao cấp của Mạc Phủ và nhất là một số thanh niên đi cùng, đều trải qua một kinh nghiệm lớn lao làm thế giới quan của họ thay đổi sâu sắc. Riêng Fukuzawa là người Nhật duy nhất xuất ngoại ba lần Âu Mỹ vào từ 1860 cho đến 1867. Ông kể lại những điều mắt thấy tai nghe trong cuốn sách 10 tập Seiyo Jijo («Tây Dương Sự Tình», Tình hình các nước Tây Phương), in lần đầu 150000 cuốn, không kể 200000 cuốn khác in lậu, miêu tả văn minh, thể chế Tây Phương bằng những lời lẽ giản dị, dễ hiểu, cuốn sách trở thành một thứ « sách gối đầu giường » của chính phủ Minh Trị. Ông trở thành một chuyên gia về Tây Phương được nể trọng, ông tự nhận lấy sứ mạng truyền bá tư duy mới để có thể đương đầu với chủ nghĩa thực dân Âu Châu. Tư tưởng cốt lõi của ông nằm trong hai từ « độc lập », độc lập cá nhân thoát khỏi truyền thống phục tùng quyền lực, điều kiện để đạt được độc lập quốc gia. Năm 1868 ông thành lập đại học tư Keio Gijuku (Khánh Ứng Nghĩa thục) chuyên nghiên cứu về Tây Phương học, sau này thuộc loại trường đứng đầu trong các đại học Nhật (đại học này sẽ là mô hình cho Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội thành lập năm 1907, gần 40 năm sau). Năm 1875 ông gia nhập hội Meirokusha (xem phần sau). Tuy có góp ý thường xuyên vào việc nước, ông không tham gia chính quyền bao giờ. Ông để lại rất nhiều tác phẩm, tiêu biểu nhất là các quyển Gakumon no Susume (Khuyến Học), Bunmeiron no gairyaku, (Văn minh luận chi khái lược), Seiyō jijō (Tây Dương sự tình), Fukuō Jiden (Phúc ông tự truyện) được độc giả đủ mọi tầng lớp yêu thích và bán chạy nhất. Từ thập niên 1860 cho đến lúc Fukuzawa từ trần vào năm 1901, các tác phẩm của ông được phát hành đến hơn 1 triệu cuốn.


Meirokusha


(Ảnh lấy từ một nguồn internet họ để tên các nhân vật trước họ theo kiểu Âu Châu ;
theo kiểu Nhật hay kiểu Đông Á phải để ngược lại, họ trước tên, ví dụ Mori Arinori thay vì Arinori Mori.)


Meirokusha (Minh lục xã, tức là hội năm thứ sáu thời Minh Trị) do Mori Arinori, cựu công sứ Nhật ở Mỹ và Nishimura Shigeki, nhà báo, nhà giáo dục, thành lập năm 1874 theo mô hình các hội « bác học » của Mỹ (Mori sau này trở thành bộ trưởng giáo dục). Chủ trương của hội là vừa chấn hưng học thuật vừa làm gương đạo đức. Trong hội có những « danh sĩ » Tây học đều là gốc samurai cấp thấp như Fukuzawa Yukichi, Katô Hiroyuki (chuyên gia về luật hiến pháp, thầy dạy Minh Trị Thiên Hoàng về môn này), Nakamura Masanao (người dịch Bàn về Tự do của J.S. Mill), Nishi Amane (triết gia, người đã nghĩ ra từ tetsugaku triết học để dịch philosophy), Tsuda Mamichi (luật gia, đồng môn của Nishi lúc học ở Hòa Lan).

Trong thời gian ngắn 21 tháng từ tháng 4 năm 1874 đến tháng 1/1876, họ đã phát hành được 43 số tạp chí Meiroku zasshi (Minh-lục tạp-chí) với 100 bài đề cập đến các vấn đề chính trị kinh tế, lịch sử, giáo dục, triết học, luật pháp, khoa học tự nhiên, … thổi một luồng gió mới trong giới trí thức. Họ đã tạo ra một không gian tự do tranh luận về những đề tài cốt lõi : vai trò của người trí thức (tham gia chính phủ hay phản biện độc lập ? trong hội Meirokusha, chỉ có một mình Fukuzawa là không có chức vụ trong chính phủ), vai trò của người dân (trực tiếp bỏ phiếu chọn lựa quốc hội, chính phủ hay tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của chính phủ Minh Trị nắm quyền nhờ đảo chánh Mạc Phủ ?). Do động cơ chính của trí thức và chính quyền trong việc tiếp thu văn minh Tây phương vào thời điểm Minh Trị là « canh tân đất nước để bảo vệ độc lập quốc gia » cho nên « dân quyền » được coi là thứ yếu so với quốc quyền (quyền lợi quốc gia). Mặc dù chưa hẳn đã giúp cho người dân có thể tự mình suy nghĩ và hành động, hội Meirokusha cũng đã có công lớn trong việc nâng cao dân trí, kiến thức của quần chúng.


Công trình Dịch thuật, đã bắt đầu từ thế kỷ 18, phát triển mạnh mẽ


Muốn tiếp thu văn minh Tây phương, ngoài việc mời thầy sang dạy, cho sinh viên đi du học, chính quyền Minh Trị cùng trí thức Tây học đã phải dồn nhiều sức vào việc dạy ngoại ngữ và dịch sách viết bằng tiếng Hòa Lan, Anh, Pháp, Đức, … ngõ hầu phổ biến cho đại chúng. Vì thế mà trong thời kỳ Minh Trị sách dịch rất nhiều, tiếp nối truyền thống dịch sách bắt nguồn từ thời Hòa Lan học của Edo giữa thế kỷ thứ 18 mà biểu tượng là bác sĩ Sugita Genpaku lần đầu tiên dịch sang chữ Hán cổ cuốn sách y khoa Hòa Lan Tafel Anatomia năm 1774. Sau đó, một lượt sách về y khoa, khoa học Hòa Lan, tự điển Hòa Lan-Nhật, Anh-Nhật ra đời ; đến cuối thể kỷ thứ 18, bản dịch Copernic, Newton ra mắt độc giả Nhật .

Vào thời Minh Trị, có thể kể những cuốn sách dịch và các dịch giả sau đây :

Nakamura Masanao dịch On Liberty (J.S. Mill, 1871), Self Help (Samuel Smiles, 1871), cuốn thứ hai bán rất chạy.

Nakae Chomin dịch sách Pháp : Le contrat social 1882, Discours sur les sciences et les arts 1883 (Jean Jacques Rousseau), L’Esthetique (Eugene Veron, 1883), La morale dans la democratie (Jules Barni, 1887), Le Fondement de la Morale (A. Schopenhauer, 1894). Ông còn là tác giả cuốn sách nổi tiếng « Cuộc tranh luận chính trị giữa ba người say rượu » (1887) và một cuốn sách tổng hợp về triết học Tây Phương (Đường vào Triết Học, 1886).

Dịch giả vô danh : Le discours a la nation allemande (Fichte), Le Leviathan (Thomas Hobbes 1883), Le Prince (Machiavel 1886), Expose de la philosophie de M. Spencer (Herbert Spencer, 1887).

Cho đến đầu thế kỷ 20, các bản dịch của Nhật đều bằng chữ Hán cổ, chữ viết phổ thông của vùng văn minh dùng Hán văn, các nhà nho, trí thức Đông Á đọc được dễ dàng.

Nhật giữ vai trò đặc biệt sáng tạo trong việc dịch thuật, truyền bá tư tưởng Tây phương không những ở Nhật mà khắp Đông Á vì có nhiều cái lợi :

- khác với Trung Quốc có một nền văn hóa rực rỡ, có mặc cảm tự tôn, coi thường các nền văn hóa khác, kể cả Tây phương, Nhật dễ dàng thích ứng với hoàn cảnh mới về chính trị văn hóa, chấp nhận học của Tây phương cũng như đã học của Trung quốc từ thế kỷ thứ sáu khi chủ động gửi nhiều phái đoàn học giả sư sãi sang lục địa.

- vì không phải là thuộc địa nước nào, Nhật không lệ thuộc một ngoại ngữ nào, khi cần tiếp xúc với các nước Âu Mỹ khác họ chuyển từ « đơn ngoại ngữ » (Hòa Lan) sang « đa ngoại ngữ » mở rộng các nguồn tiếp thu.

Để dịch các từ, các khái niệm Tây phương không có trong tiếng Nhật, các học giả Nhật có nhiều cách : dùng lại chữ đã dùng trong các bản dịch Lan học, dùng chữ Hán cổ có sẵn có nghĩa gần giống chữ Tây nhất (ví dụ các chữ « tự do », « kinh tế », « cách mạng », « lao động »…) hay chế ra chữ hoàn toàn mới (« triết học », « câu lạc bộ », « điện thoại », « dân chủ », …). Việc dịch thuật nhiều khi diễn ra trong những buổi làm việc công cộng, để dịch một chữ người này đề nghị một chữ, người thứ hai đề nghị chữ khác rồi mọi người bàn xem chữ nào nghe xuôi tai nhất. Fukuzawa thường khuyên các dịch giả tránh những chữ Hán hiếm khó mà tìm kiếm chữ giản dị mà không sợ phản ứng của học giả Hán học, ví dụ để dịch thành ngữ « mềm như bơ » để chỉ một vật dụng mềm, ông thay « bơ » bằng « tofu » vì người Nhật không biết « bơ » là gì ( !). Như chữ « lý học » Fukuzawa đưa ra để dịch Philosophy không được chọn trong khi chữ của Nishi Amane, « triết học » thì được chọn và đi vào từ vựng không những của Nhật mà cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam đến bây giờ vẫn còn dùng. Người ta ước lượng có khoảng 400 từ Hán Việt gốc Nhật. Công lao làm giàu ngôn ngữ Đông Á của các dịch giả Nhật giữa thế kỷ 19 rất lớn.


Chính quyền Minh Trị và phong trào đấu tranh vì tự do, dân quyền và Hiến Pháp


Nước Nhật phải có Hiến pháp


Sau những cải cách tiến bộ ban đầu của chính quyền Minh Trị xóa bỏ chế độ Mạc Phủ với các phiên và giai cấp samurai, trong giới cầm quyền, thủ lãnh samurai, bắt đầu có suy nghĩ là cuộc Canh Tân Minh Trị không trọn vẹn nếu không đi theo thể chế rất thịnh ở Âu Mỹ là thể chế đại nghị có đại diện của các thành phần xã hội tham dự, bàn bạc việc nước.

Trong giới cầm quyền có hai khuynh hướng rõ rệt :

- Khuynh hướng « quốc quyền » do Okubo cầm đầu, họ chủ trương phải có một Nhà Nước mạnh theo mô hình Phổ mới chống đỡ được âm mưu thực dân của Tây phương cho nên phải dồn hết sức lực vào phát triển quốc phòng kinh tế giáo dục kỹ thuật, tổ chức quân đội, họ coi thường dân chúng, cho là dân phải có bổn phận yêu nước, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Thiên Hoàng chứ không được đòi hỏi gì cả.

- Khuynh hướng « dân quyền » gồm các đầu tàu Sakamoto (phiên Tosa) và Kido đã nghĩ ngay trong bản Tuyên Thệ của Minh Trị Thiên Hoàng năm 1868 đến việc « chính phủ phải lưu tâm đến dư luận xã hội », riêng Sakamoto đã nghĩ đến một chế độ lưỡng viện còn Kido thì viết năm 1872 trong khi đang Âu Mỹ du, « Đã đến lúc nước Nhật phải có một bộ luận cơ bản vững chắc », rồi Itagaki, cũng thuộc phiên Tosa, sau khi từ chức chính phủ năm 1874, cùng một số samurai khác, ra một bản tuyên ngôn đòi hỏi « thành lập ngay một hội đồng đại diện dân để quyền lợi người dân được bảo đảm, Thiên hoàng và chính phủ gắn bó với người dân hơn hầu giữ vững sức mạnh của dân tộc ».

Tuyên ngôn của Itagaki tung ra trong lúc xã hội Nhật đang trải qua một thời kỳ tự do chưa từng có, báo chí ra hàng ngày bắt đầu phát hành, chỉ trích chính phủ công khai, các buổi hội họp, diễn thuyết được tổ chức thường xuyên. Tuyên ngôn này được lưu hành rộng rãi trong nhiều giới khắp nước dẫn đến việc các samurai lập ra những « hội yêu nước » như Aikokusha (Ái Quốc xã), năm 1875.

Đề nghị của Itagaki gây tranh cãi trong giới trí thức của hội Meirokusha, tuy ai cũng đồng ý nguyên tắc quốc hội do dân bầu lên. Có người cho là chưa đúng thời điểm, cần có một thời gian để nâng cao trình độ văn hóa người dân họ mới có khả năng phê phán, cần xây dựng các hội đồng ở cấp độ địa phương để người dân có thể làm quen dần dần với văn hóa tranh luận. Người khác cho là quốc hội chính là điều kiện để xã hội văn minh phát triển. Nakamura Masanao, một nhà tư tưởng của phong trào vận động cho tự do và dân quyền, dịch giả của sách « Bàn Về Tự Do » cho là chế độ đại nghị sẽ giúp người dân thoát khỏi sự lệ thuộc quan chức và từ bỏ não trạng nô lệ.

Okubo, trước áp lực đến từ nhiều phía, phải miễn cưỡng chấp nhận việc hành pháp tách rời với lập pháp, ông ký một sắc chỉ về “việc thành lập trong một thời gian nhất định một chính quyền do quốc hội dân cử chỉ định” và cho ra đời một Tòa Án Tối Cao để bảo đảm sự độc lập của tư pháp. Nhưng đồng thời Okubo lại ra lệnh lần đầu tiên hạn chế quyền tự do ngôn luận bằng cách phạt nặng báo chí phạm tội “vu khống” chính phủ, hạch sách các tờ báo mới muốn phát hành. Kết quả nhiều tờ báo bị phạt, có chủ báo hay phóng viên phải vào tù. Việc này làm một số bộ trưởng từ chức, Fukuzawa phải lên tiếng.

Tình hình bắt đầu căng thẳng, Kido phải lên tiếng báo động “ Tất cả các tầng lớp đều bất mãn, sắp sửa có rối loạn”. Bị sưu cao thuế nặng nông dân nổi loạn, đặc biệt là ở Nagoya, nơi xẩy ra một cuộc nổi loạn lớn nhất trong lịch sử Nhật với hàng trăm ngàn người tham gia. Quân đội nổ súng giết 30 người, chính phủ phải xuống nước giảm bớt tỷ suất thuế. Okubo, nhân vật chủ chốt cứng rắn của chính quyền Minh Trị, bị dư luận lên án “lấy Nhà Nước làm của riêng”. Ông bị đệ tử của Saigo ám sát năm 1878 một năm sau chiến thắng trong cuộc nội chiến với người bạn chiến đấu Satsuma.

Với sự ra đi gần như cùng năm của ba “Hào Kiệt” Saigo, Okubo, Kido của thời kỳ đầu của cuộc Canh Tân Minh Trị, một trang sử đã được lật qua. Trang sử bi hùng của các cuộc giao tranh giữa các cường quốc Tây phương và các phiên, giữa Mạc phủ và các phiên, giữa các phiên với nhau rồi cuối cùng giữa hai lãnh tụ lừng danh của cùng một phiên Satsuma. Thời kỳ đầu đầy “tiếng động và phẫn nộ”, nhưng tương đối ít đổ máu so với nhiều cuộc cách mạng khác, kéo dài 15 năm đã nhường chỗ cho một thời kỳ đấu tranh vận động chính trị sôi nổi nhưng không đổ máu, thay đổi sâu sắc bộ mặt xã hội Nhật, một xã hội phong kiến đóng kín trong đó người dân chỉ biết cam phận vâng lời bề trên đã biến thành một xã hội cởi mở cho phép người dân có thể tranh luận, đối thoại, chỉ trích chính quyền, kiến nghị, đòi hỏi cải cách.


Trăm hội đua nở, phong trào đấu tranh cho tự do và dân quyền


Trong vòng mười năm, từ 1874 đến 1884, xã hội Nhật sôi sục lập hội, tranh luận, đọc sách, viết dự thảo Hiến Pháp giống như nhiều cuộc cách mạng khác. Hai ngàn hội được thành lập khắp nơi một cách tự phát, từ thôn quê đến thành thị, riêng Tokyo có 151 hội, với mục tiêu vừa phổ biến, học hỏi tư tưởng Khai sáng tự do dân quyền, vừa tương thân tương trợ, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp. Các trí thức, nhà báo Khai Sáng được các hội mời đến « diễn thuyết » như Ueki Emori, lúc đó chỉ 22, 23 tuổi, là học trò của Fukuzawa và hội Meirokusha, đã đi nói chuyện khắp nơi cả trăm buổi trong vòng mấy năm. Nơi nói chuyện có thể là trường học, chùa chiền, xưởng máy, kho, trại nuôi tằm, …, người đến dự, hội viên thuộc đủ mọi thành phần, cựu samurai, nông dân giàu, nghèo, nhà sư, bác sĩ, giáo chức, …Ngoài các buổi nói chuyện, các hội còn tổ chức trạm y tế, giúp đỡ những cựu samurai sa cơ lỡ vận. Ảnh hưởng của trí thức Khai Sáng thể hiện qua việc các tác phẩm được đọc trong các buổi họp như các bản dịch Khế ước xã hội, Bàn về Tự Do, Diễn văn về quyền bình đẳng…, và sách của các tác giả Nhật như sách Khuyến Học của Fukuzawa và những từ mới được dùng như Tự Do, Tự Chủ, các khái niệm dân quyền, công bằng, bác ái, tiến bộ.


Itagaki Taisuke (1837-1919)  và  Ueki Emori (1857-92)

Tầng lớp trung lưu ý thức được vị trí, sức mạnh của mình, tự phát vượt qua các hàng rào của truyền thống, lập hội, kết nạp hội viên không phân biệt tài sản, học thức, … tạo tiền đề cho việc thành lập hai đảng phái chính trị sau này, đảng Tự Do « cấp tiến » và đảng Hiến Pháp và Tiến Bộ « ôn hòa ». Bắt đầu từ những năm 79-81, khía cạnh chính trị lấn át các khía cạnh khác, phong trào thảo luận tập thể Hiến Pháp ra đời, có 79 dự thảo Hiến Pháp, hàng trăm ngàn người trong đó có giới nông dân giàu có, địa chủ, thợ thủ công, … ký các bản kiến nghị đòi hỏi có Hiến Pháp. Ueki là tác giả một dự thảo Hiến Pháp hoàn chỉnh, cấp tiến nhất, phỏng theo Hiếp Pháp của Pháp 1793 nhấn mạnh đến các quyền tự do căn bản của công dân, kể cả quyền kháng cự chính quyền.

Đứng trước một cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất từ lúc khai sinh chế độ Minh Trị, tháng 7/1881, chính quyền phản ứng bằng đàn áp : cấm công chức, quân nhân, cảnh sát, giáo chưc, sinh viên phát biểu chính trị, hội họp phải xin phép trước, đội Hiến Binh (kenpeitai) được thành lập, cả trăm hội bị giải tán, nhiều buổi họp bị cấm, nhiều tờ báo bị ngưng hay cấm, ký giả bị bắt hay bỏ tù. Nhưng phong trào đấu tranh không chùn bước, từ « Tự Do » thành khẩu hiệu chính trị thời thượng và được đặt tên cho quán ăn, chỗ tắm, thuốc Tây, địa danh như Jiyu-ga-oka (Đồi Tự Do) ở Tokyo. Chính phủ bắt buộc phải hứa sẽ viết Hiến Pháp, nhưng không tiết lộ nội dung, và lập Quốc Hội trong vòng mười năm. Qua việc này, chính quyền Minh Trị muốn phân hóa đối lập, tách cánh « ôn hoà » ra để lôi kéo họ hợp tác với chính quyền, cô lập thành phần cực đoan. Bị ép giữa cánh cực đoan và sự đàn áp của chính quyền, hai đảng đối lập dần dần tiêu vong sau 1884.


Hiến Pháp Thiên Hoàng 1889 và sự thất bại của phong trào dân chủ


Đến tháng 2/1889 Hiến Pháp được Minh Trị Thiên Hoàng « ban phát », nội dung là chế độ « thần quyền », tất cả quyền lực thuộc về Thiên Hoàng, khác xa với các dự thảo Hiến Pháp dân chủ của phong trào đấu tranh. Trên thực tế, Thiên Hoàng không có quyền quyết định gì, thực quyền vẫn nằm trong tay các chính khách của hai cựu phiên Satsuma và Choshu, những đàn em của Duy Tân Tam Kiệt trong số có Ito Hirobumi, thủ tướng tương lai.

Phong trào dân chủ thất bại vì nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chính có lẽ là sức ì của truyền thống văn hóa lâu đời của xã hội Nhật đề cao sự tuân thủ, phục tùng người trên, tính cam chịu, thụ động, tựu trung những giá trị cổ truyền của một thứ Nho giáo bảo thủ, trung quân ái quốc (chukun, aikoku) không dễ gì thay đổi bằng tư tưởng tự do dân chủ được coi như những giá trị đồi trụy, vị kỷ, ngoại lai mà những tư tưởng này chỉ mới được truyền bá trong một thời gian ngắn mười lăm năm, tuy cũng sôi nổi nhung chưa đủ lâu, sâu để « trốc rễ » những cái cổ hủ. Dù thế nào, xã hội Nhật đã trải qua lần đầu tiên một giai đoạn lịch sử sôi nổi chưa từng có trong đó người dân có thể bàn bạc, học hỏi, tranh luận về tự do, dân quyền, chính trị, hiến pháp chỉ hai mươi năm sau một thời kỳ dài 250 năm phong kiến chuyên quyền. Xã hội Nhật đã tiếp thu sâu sắc văn hóa tranh luận, tinh thần dân chủ, thói quen cọ xát ý kiến khác nhau, đổi mới tư duy, thoát bỏ « não trạng nô lệ », những điều quý báu không thể mất và sẽ truyền lại cho các thế hệ đi sau, đặc biệt là phong trào hòa bình chống chiến tranh Nga Nhật và phong trào xã hội đầu thế kỷ 20.


So sánh giữa Nhật Bản và Việt Nam : chính quyền Minh Trị đã làm những gì hơn triều đình nhà Nguyễn để giữ được độc lập và canh tân đất nước ?


Ai cũng nghĩ nước Nhật dưới thời Minh Trị giỏi và sáng suốt hơn Việt Nam dưới triều Nguyễn mới không bị đô hộ. Khi so sánh hai thái độ trong hai hoàn cảnh (gần) giống nhau, ta cũng nên cẩn thận xét hết các yếu tố khách quan và chủ quan. Người viết có thể có ý kiến riêng của mình nhưng để giúp bạn đọc tự rút cho mình kết luận, ta thử nêu lên một số các sự kiện, các chủ đề và thái độ của hai chính quyền, hai xã hội :

- Tham vọng thực dân của cường quốc Âu Mỹ : Pháp đã đánh chiếm Sài Gòn và ba tỉnh miền Đông từ 1862 rồi chiếm ba tỉnh miền Tây năm 1867, tham vọng biến Việt Nam thành thuộc địa cũng đã rõ trong khi ở Nhật, Anh, Pháp, Nga, Mỹ chỉ muốn thông thương, chưa nước nào tỏ rõ tham vọng thực dân (?), tuy thế chính quyền Minh Trị luôn luôn đề cao cảnh giác, hiện đại hóa thật nhanh để mạnh ngang Âu Tây, mới tránh được họa bị xâm chiếm ; vấn đề cần được nghiên cứu thêm.

- Tranh thủ sự giúp đỡ của cường quốc, lợi dụng sự cạnh tranh giữa họ : Nhật có lúc nhờ Hòa Lan, Pháp giúp đóng tàu chiến, xây dựng quân đội, có lúc dựa vào Anh để đánh thắng Nga, cũng như Thái Lan biết lợi dụng sự cạnh tranh giữa Pháp và Anh, điều mà Nguyễn Trường Tộ đã viết trong điều trần mà Tự Đức không nghe theo.

- Việc rút bài học lịch sử sau các trận đánh với các cường quốc : các phiên Satsuma và Choshu sau khi bị Anh, Pháp đánh bại trong một hai trận, đã hiểu ngay là không thể chống chọi trực diện được với họ với trình độ quân sự yếu kém mà dùng cách khác, học hỏi văn minh kỹ thuật của họ, kể cả về quân sự ; Việt Nam sau khi thua mấy trận ở Nam Kỳ cũng không rút kinh nghiệm gì để đến mười năm sau Hà Nội bị quân Pháp chiếm dễ dàng trong vài tiếng, Nguyễn Tri Phương được biết là một người yêu nước, gan dạ, có uy tín lớn với quân sĩ nhưng rất bảo thủ, từ chối mọi cải tổ quân đội theo mô hình Tây phương.

- Truyền thống dịch thuật, tiếp thu học thuật Tây phương : do hoàn cảnh lịch sử, Nhật đã có quan hệ với Hòa Lan từ thế kỷ thứ 17, sau khi Mạc Phủ đóng cửa qua chính sách Sakoku (Tỏa Quốc), Hòa Lan là nước Tây phương duy nhất được giữ cơ sở ở đảo Dejima qua đó Mạc Phủ biết được tình hình chính trị, học hỏi từ sớm tư tưởng khoa học kỹ thuật văn hóa kỹ thuật Âu Tây giúp cho công cuộc hiện đại hóa thời Minh Trị đi nhanh. Việt Nam không có may mắn này. Đến thời Minh Trị, học giả Nhật dịch bao nhiêu sách Tây phương, họ nghĩ ra hàng trăm từ mới để dịch các khái niệm Tây phương, Việt Nam cũng như Trung Quốc, Triều Tiên thừa hưởng thành quả này.

- Du học, đi thăm nước ngoài : Nhật đã mạnh dạn học hỏi từ nước ngoài từ Mạc Phủ ngay sau khi ký hiệp định bất bình đẳng cho đến Minh Trị sau này. Mạc Phủ đã gửi nhiều phái đoàn sang Âu Mỹ để học hỏi văn minh kỹ thuật từ 1860, các phiên cũng gửi sinh viên đi du học, trước 1868 đã có 300 sinh viên du học ở Âu Mỹ ; về phần chính quyền Minh Trị, họ đã làm một hành động quả cảm khi đưa một phái đoàn hơn 50 người gồm các nhà lãnh đạo cao nhất của chính quyền, học giả, sinh viên đi thăm 12 nước trong vòng hai năm để thấy tận mắt và học hỏi văn minh kỹ thuật sở trường của từng nước. So sánh với Việt nam, chỉ có mỗi một phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp và Tây Ban Nha năm 1863 thương thuyết đòi lại ba tỉnh miền Đông, khi Phan Thanh Giản thấy rõ nguy cơ mất nước nếu không cải cách mau chóng và đưa ra nhiều đề nghi táo bạo như ký hiệp ước hữu nghị với Pháp, cải tổ chính quyền theo cách của Pháp, gửi sinh viên du học, nâng cao dân trí, … thì vua Tự Đức và triều đình lại không quan tâm, trong khi tầng lớp lãnh đạo Nhật không những quan tâm mà còn đi sang tận nơi xem tận mắt.

- Trí thức/Học giả : Nhật có Fukuzawa và cả hội Meirokusha có tổ chức, xuất bản tạp chí, diễn thuyết, truyền bá tư tưởng khai sáng, tác động chính vào xã hội Nhật qua phong trào dân chủ, Việt Nam có Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh Giản và vài nhà nho cấp tiến, họ chỉ có thể gửi điều trần cho vua vì lúc đó Việt Nam chưa có phong trào dân chủ.

- Phong trào dân chủ : lần đầu tiên trong lịch sử Nhật, có một phong trào dân sự tự phát độc lập với chính quyền đấu tranh đòi hỏi Hiến Pháp, các quyền tự do dân chủ căn bản do các trí thức Tây học Khai sáng truyền bá qua sách, dịch thuật, báo chí ; ở Việt Nam, phong trào xã hội dân sự chỉ xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 với Phan Châu Trinh, phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục vì nhiều lý do, một lý do là cuộc kháng chiến chống Pháp bằng vũ lực còn kéo dài đến cuối thế kỷ 19.

Để tạm kết luận bài khảo cứu, qua kinh nghiệm nước Nhật thời Minh Trị, ta có thể thấy rõ vai trò rất lớn của văn hóa tư tưởng trong công cuộc canh tân một nước và bảo vệ độc lập của nước đó. Mà văn hóa tư tưởng cấp tiến thời đó cho đến bây giờ, 150 năm sau, vẫn là tư tưởng Khai Sáng Tự Do Dân Chủ Dân Quyền không những của Tây phương mà là của thế giới vì các giá trị đó đã được ghi bằng chữ vàng trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1948. Nước Nhật thời Minh Trị đã biết học hỏi phổ biến nhanh chóng các tư tưởng này chỉ trong vòng 15, 20 năm bằng cách dịch sách Tây phương một cách đại trà. Việt Nam đến đầu thế kỷ 20 chỉ đọc lại các bản dịch chữ Hán các tác phẩm của Jean Jacques Rousseau, Montesquieu. Sau này ở miền Nam trước 1975, cũng có một ít sách Tây Phương được dịch nhưng các tác phẩm triết học, chính trị học kinh điển chỉ được dịch một cách đại trà từ lúc nhà Xuất bản Tri Thức của Giáo sư Chu Hảo ra đời năm 2005. Chỉ một thí dụ có thể nói lên sự khác biệt giữa Nhật và Việt Nam : cuốn « On Liberty » (Bàn Về Tự Do) do J.S. Mill viết năm 1859, được Nakamura Masanao dịch ở Nhật năm 1872, mãi đến 2006 mới được Nhà xuất bản Tri Thức (dịch giả Nguyễn Văn Trọng) dịch ra tiếng Việt.

Công việc dịch thuật còn đang dở dang thì ngày 25/10/2018 vừa qua, giáo sư Chu Hảo bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam kết tội « vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng » vì đã « xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà Nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy ». Đó là cách « độc đáo » chính quyền Việt Nam kỷ niệm 150 năm cách mạng Minh Trị Duy Tân (23/10/1858) canh tân nước Nhật và mang tư tưởng tự do dân chủ cho dân tộc Nhật.

Paris những ngày dịu mát cuối tháng 10, 2018

Hậu Hiền

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss