“ HIỆN ĐẠI THỨ HAI ” VÀ NỀN VĂN HOÁ CÔNG LUẬN
“ HIỆN ĐẠI THỨ HAI ”
VÀ NỀN
VĂN HOÁ CÔNG LUẬN
Bùi Văn Nam Sơn
Thế giới kết thúc thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI bằng một sự kiện đặc biệt : hội nghị Copenhagen về biến đổi khí hậu được tổ chức rầm rộ chưa từng có với kết quả… đáng thất vọng ! Cái “ Realpolitik ” (“ chính trị thực tế ”) vì lợi ích trước mắt của các quốc gia dường như vẫn còn thắng thế trước các mối hiểm hoạ toàn cầu. Tuy nhiên, ở bình diện khác, hội nghị ấy vẫn mang tầm vóc lịch sử, vì, dù muốn hay không, nó là một dấu hiệu xác nhận các dự báo lý thuyết của nhiều nhà nghiên cứu xã hội vào những năm giao thời giữa hai thiên niên kỷ : sự chuyển biến khách quan của công cuộc hiện đại hoá thứ nhất sang thời kỳ hiện đại hoá thứ hai với một loạt các khái niệm mới mẻ như : xã hội - nguy cơ, xã hội - thế giới và nền văn hoá công luận… Có đủ lý do để chúng ta, khi đón Xuân mới, thử tiếp cận với hệ vấn đề mới mẻ này, hay, nói đúng hơn, trở lại với vấn đề hiện đại hoá.
1. Từ “ Hiện đại hoá thứ nhất ” đến “ Hiện đại hoá thứ hai ”
Hiện đại hoá (thứ nhất) là một phức hợp những biến đổi bắt đầu từ thế kỷ XVIII ở phương Tây với các tiến trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và cá nhân hoá. Luận điểm chủ yếu hiện nay : chúng ta đang là những chứng nhân của một sự đứt gãy của tiến trình hiện đại hoá, vì tiến trình ấy từng bước thoát ly khỏi các khuôn khổ của xã hội công nghiệp cổ điển để mang dấu ấn của một hình thái mới, gọi là xã hội - nguy cơ. Nếu trong ba thế kỷ qua, hiện đại hoá đã làm tan rã xã hội nông nghiệp lạc hậu và hình thành cấu trúc của xã hội công nghiệp thì công cuộc hiện đại hoá (thứ hai) ngày nay lại bắt đầu phá vỡ các khuôn khổ của xã hội công nghiệp để hình thành một hình thái xã hội mới. Đặc trưng để phân biệt giữa hai thời kỳ sẽ là sự thay thế “ lôgíc của việc sản xuất sự giàu có ” bằng một “ lôgíc ” mới đang ngày càng chiếm ưu thế : “ lôgíc của việc sản xuất nguy cơ ”, đồng thời cũng là sự biến đổi từ “ lôgíc của việc phân phối sự giàu có ” thành “ lôgíc của việc phân phối nguy cơ ”.
Trong xã hội tiền - hiện đại, nguy
cơ chủ yếu gắn liền với thế
giới tự nhiên : đói kém, bệnh
tật, động đất…; còn ngày
nay nguy cơ chủ yếu do chính con người
tạo ra : sản xuất thừa, bất công,
thất nghiệp, ô nhiễm với các
dạng nguy cơ điển hình : hạt nhân,
hoá học, sinh học và môi trường.
Xã hội nguy cơ
do nhân tai dần thế
chỗ cho xã hội bất trắc do thiên
tai.
Xã hội - nguy cơ, theo cách gọi của
nhà xã hội học Ulrich Beck, sẽ mang
nhiều đặc tính chưa từng có
trước nay :
-
các bất trắc của xã hội tiền-hiệnđại và các khuyết tật của xã hội công nghiệp cổ điển dễ được nhận diện và xử lý. Trái lại, các nguy cơ ngày nay không dễ dàng nhận thấy, không ai quản lý nổi và ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ tương lai : chẳng hạn, phóng xạ, hoá chất độc hại, ô nhiễm không khí, thực phẩm biến đổi gien…
-
mâu thuẫn trung tâm của xã hội hiện đại : những đại nguy cơ do chính con người tạo ra nhưng lại rất khó quy lỗi cho ai và không biết phải xử lý làm sao, vì chúng không thể bù đắp được bằng tiền bạc và cũng không thể bảo hiểm. Nói khác đi, đó là một “ sự vô trách nhiệm có tổ chức ” !
-
trong xã hội công nghiệp, tác động của sự bóc lột, nghèo đói, bất công… được cảm nhận khác nhau tuỳ theo vị trí xã hội, trong khi đó, các nguy cơ của xã hội hậu-côngnghiệp không còn được phân chia hay sắp xếp theo trật tự giai cấp : người giàu, kẻ mạnh đều không thoát nạn : “ sự túng quẫn thì có tính đẳng cấp, còn ô nhiễm không khí thì… dân chủ ! ”.
-
các nguy cơ vượt ra khỏi ranh giới mọi quốc gia ; xã hội nguy cơ cũng đồng thời là xã hội nguy cơ toàn cầu.
-
cấu trúc của sự bất công xã hội trong mỗi quốc gia và trong phạm vi thế giới còn lâu mới có thể thay đổi, nhưng xã hội nguy cơ sẽ làm biến đổi sâu sắc những điều kiện sống vật chất lẫn văn hoá. Vị trí kinh tế trong xã hội không còn nhất thiết đi liền với sự dị biệt về đẳng cấp như trước đây nữa. Hệ thống phúc lợi xã hội hiện đại, tính cơ động trong điều kiện sinh hoạt và làm việc của mọi người, nhất là của phụ nữ, sự bùng nổ của nền giáo dục suốt đời, việc mở rộng liên tục những quan hệ cạnh tranh… sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cá nhân hoá. Thật thế, trước đây, trong quá trình công nghiệp hoá, con người trở thành một bánh răng trong bộ máy, một con số bị quản lý, cá nhân là một cá nhân thụ động, bị tổn thương (theo cách nhìn của Weber, Adorno, Horkheimer, Foucault…). Trong thời kỳ công nghiệp phát triển, từ một cách nhìn khác (Durkheim, Parsons, Luhman…), con người được giải phóng để trở thành cá nhân chủ động, thậm chí trở thành cá nhân nguy hiểm, cá nhân phì đại (hyper-individual), có khả năng gây tổn hại cho sự cố kết xã hội. Trong thời kỳ hiện đại hoá thứ hai đang và sẽ diễn ra, tiến trình cá nhân hoá không khỏi mang lại một loại hình cá nhân khác nữa : cá nhân nước đôi, cá nhân nguy cơ, với tất cả… thách thức lẫn cơ hội không lường trước được. Sự mất an toàn sẽ thay chỗ cho sự khan hiếm. Cộng đồng nhu cầu chuyển thành cộng đồng lo âu. Trong thời kỳ hiện đại thứ nhất, ý tưởng chi phối xã hội là ý tưởng về sự (bất) bình đẳng và đòi hỏi phúc lợi ; trong xã hội nguy cơ, sẽ là ý tưởng về sự an toàn. Động lực của xã hội trước đây là : “ Tôi đói ! ”, còn động lực của xã hội tương lai sẽ là : “ Tôi sợ ! ”. “ Giấc mơ của xã hội phân chia giai cấp là ai ai cũng muốn và cần giành được một phần của chiếc bánh. Còn trong xã hội nguy cơ, giấc mơ là làm sao cho mình tránh khỏi bị đầu độc ” !
Các nguyên tắc của Hiện đại thứ nhất |
Bị giải thể bởi |
Các diễn trình thay thế |
Phương hướng khắc phục trong Hiện đại thứ hai |
Nhà nước dân tộc |
Toàn cầu hoá |
|
Chính trị toàn cầu
|
Xã hội tập thể, xã hội các nhóm lớn |
Cá nhân hoá |
|
Xã hội công dân (Bürgergesellschaft / citizen-society) |
Xã hội lao động làm thuê và doanh nghiệp |
Hợp lý hoá / xã hội nguy cơ / “hiệu ứng thang máy” (toàn xã hội cùng lên một tầng cao hơn nhờ cải thiện thu nhập, nhưng không thay đổi cấu trúc xã hội). |
|
|
Dị biệt: Xã hội / Tự nhiên |
Nguy cơ của các đại công trình kỹ thuật; khủng hoảng môi trường |
|
Dân chủ hoá (cấu trúc) khoa học và kỹ thuật |
2. Hiệnđại-phảntư và xãhội-thếgiới
Trong xãhội-nguycơ,
người ta đứng
trước nghịch lý : sự lạm phát
của những nguy cơ được cảm
nhận lại dễ dàng dẫn đến sự
dửng dưng, vì khi tất cả đều
có thể trở nên nguy hại thì
dường như chẳng còn có gì
là thực sự nguy hiểm nữa. Thêm
vào đó, giới khoa học – với
trách nhiệm xã hội cố hữu là
phát hiện và cảnh báo – cũng
thường bất lực trước sức ép
và các thủ đoạn che đậy,
xuyên tạc của các nhóm lợi ích.
Do đó, sự thức tỉnh và phản
tư cần phải được đặt ra
trong một khuôn khổ và phạm vi sâu
rộng hơn trước nhiều. Tiến trình
hiện đại hoá chỉ trở nên
phản tư, khi có đủ sức lấy
chính mình và những nguy cơ do mình
tạo ra làm chủ đề và vấn
đề. Khi nhìn nhận rằng vấn đề
không còn chỉ là tận dụng giới
tự nhiên để giải phóng con người
khỏi những cưỡng chế và thiếu
thốn theo kiểu truyền thống mà là
quan tâm đến những hậu quả của
bản thân sự phát triển kinh tế - kỹ
thuật thì chủ đề bàn luận
là hiểu rằng tiến trình hiện
đại hoá – xét như tiến
trình đổi mới – cũng sẽ cũ
đi. Phương diện khác của việc
cũ đi này chính là sự ra đời
xãhội-nguycơ
: vượt ra khỏi những
cơ chế kiểm soát và an toàn của
xã hội công nghiệp truyền thống.
Trong tinh thần ấy, hiệnđại-phảntư
một mặt chống lại việc tiếp
tục tiến trình hiện đại hoá
một cách mù quáng, vì Hiện
đại thứ nhất chỉ mới là nửa
hiện đại, còn mang đậm nhiều
yếu tố tiền-hiệnđại, cần
phải được giải thể và thay
thế. Mặt khác, nó cũng phải
tranh biện với các xu hướng hậu-hiệnđại muốn vứt bỏ hết mọi giá
trị của Hiện đại. Hiệnđại-phảntư không còn chạy theo sơ đồ
ứng xử và tư duy đơn thuần
mang tính phươngtiện-mụcđích
của Hiện đại thứ nhất, trái
lại, bất chấp mọi sự đứt
gãy, vẫn giữ vững và phát huy
hằng số của các nguyên tắc hiện
đại ; đó là : sự bó buộc
phải biện minh và lập luận, sự
cạnh tranh của các lý lẽ và
tôn trọng lý lẽ tốt hơn vì
không ai nắm độc quyền chân lý,
và, thứ ba, thừa nhận vị trí
trung tâm của cá nhân với đầy
đủ những quyền tự do chính trị,
xã hội, văn hoá. Về mặt cấu
trúc, hiện đại thứ hai hay hiện
đại phản tư vẫn tiếp tục mang
tính hiện đại, nhưng là tính
hiện đại khác, kiểu khác.
Nếu xãhội-nguycơ đã trở thành xãhội-nguycơ toàncầu thì bản thân mỗi xã hội riêng lẻ cũng mặc nhiên trở thành xãhội-thếgiới. Các vấn đề toàn cầu cần đến những giải pháp toàn cầu (chẳng hạn : Nghị định thư Kyoto…), các thế lực toàn cầu (chẳng hạn các công ty xuyên quốc gia…) cần được đối trọng và kiềm chế bởi những định chế pháp lý quốc tế (nhiều người đã nghĩ đến mô hình “ các Nhà nước xuyên quốc gia ” v.v…). Muốn giải quyết các xung đột liên-quốcgia một cách hoà bình, vai trò của công pháp quốc tế ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách.
3. Nền văn hoá công luận
Nhận diện xã hội công nghiệp như
một xãhội-nguycơ
để phê
phán và cải biến nó không thể
không cần đến những cuộc thảo
luận, tranh luận trong chốn riêng tư lẫn
công cộng. Tuy nhiên, nhận thức những
gì trước đây là hợp lý
và đúng chức năng nay đang biến
thành phi lý và phản chức năng
bao giờ cũng khó khăn và gặp
nhiều lực cản. “ Sự
biến đổi
cấu trúc của công luận ” là
một đề tài lớn, đã được
Habermas nghiên cứu từ khá sớm và
ngày càng được giới nghiên
cứu đặc biệt lưu ý. Trước
thế kỷ XVIII, nền văn hoá Âu Châu
là nền văn hoá “ nghi vệ ”
mà biểu tượng điển hình
nhất của nó là cung điện
Versailles của vua Louis XIV : sự vĩ đại
của nước Pháp và của hoàng
đế chế ngự cảm quan của người
xem như là sự “ độc diễn ”
của một phía. Sự ra đời của
báo chí, các câu lạc bộ đọc
sách, các quán cà phê trong thế
kỷ XVIII báo hiệu sự suy tàn của
nền văn hoá “ nghi vệ ” phong kiến,
nhường chỗ cho nền văn hoá “ công
luận ” mang tính phê phán và tự
do tư tưởng. Theo Habermas, Đại Cách
Mạng Pháp chính là kết quả của
sự biến đổi văn hoá ấy.
Nhưng rồi chính sự lớn mạnh của
nền truyền thông thương mãi, sự
ra đời của nhà nước phúc
lợi trộn lẫn nhà nước và
xã hội đã biến công luận
phê phán thành một công luận
tiêu thụ thụ động. Nền công
nghiệp tư bản chủ nghĩa (chủ nghĩa
tư bản cổ phần, nhà nước
phúc lợi, nền văn hoá tiêu thụ
đại trà) đã phổ quát hoá
lôgíc của tính hiệu quả và
sự kiểm soát xã hội. Ranh giới
giữa công cộng và riêng tư, giữa
cá nhân và xã hội, giữa hệ
thống (quyền lực chính trị và
quyền lực kinh tế) và thế giới
cuộc sống trở nên nhập nhằng : hệ
thống ngày càng khống chế và
“ thuộc địa hoá ” thế giới
cuộc sống, các đảng phái và
các nhóm lợi ích thay chỗ cho nền
dân chủ tham dự, xã hội ngày
càng được quản lý tinh vi, vượt
ra khỏi năng lực nắm bắt của những
người công dân. Và chính xãhội-nguycơ
– và cùng với nó
là xãhội-thếgiới
toàncầuhoá – vào đầu thế kỷ XXI
lại là cơ may để từng bước
khôi phục và phát triển nền văn
hoá công luận đúng nghĩa.
Habermas tỏ ra lạc quan về triển vọng
hồi sinh của “ khu vực công cộng ”.
Ông nhìn thấy trong tương lai kỷ
nguyên mới của một “ cộng đồng
chính trị ” vượt ra khỏi khuôn
khổ của các cộng đồng hạn
hẹp dựa trên cơ sở quốc gia, chủng
tộc và sự đồng nhất văn hoá
để tiến tới một cộng đồng
dựa trên những người công dân
có những quyền hạn và nghĩa vụ
bình đẳng được đảm bảo
về pháp luật. Cộng đồng chính
trị mang tính toàn cầu ấy đòi
hỏi một nền văn hoá công luận
tích cực, nơi đó những vấn
đề thuộc về lợi ích chung có
thể được thảo luận một cách
công khai và sòng phẳng, và sức
mạnh của công luận có thể tác
động hiệu quả đến các quá
trình lấy quyết định.
Tuy đã “ chạm đúng vào dây thần kinh của thời đại ” (Armin Nassehi), nhưng thật ra, các khái niệm mới mẻ như “xãhội-nguycơ”, “xãhội-thếgiới”, “hiệnđại thứ hai”… mới chỉ là những dự phóng lý thuyết, chưa thực sự ổn định và còn cần tiếp tục điều chỉnh, phát triển. Và ngay cả sự hy vọng của một tác giả có uy tín lớn như Habermas cũng không phải được mọi người đồng tình và chia sẻ. Michael Schudson (đại học California, San Diego) ngờ rằng một khu vực công (luận) dành cho sự trao đổi thực sự độc lập và thuần tuý dựa vào lý lẽ đã và sẽ không bao giờ có thật ! Nhưng, khác với nhiều dự phóng không tưởng trước đây, các nhà nghiên cứu xã hội ngày nay thường không thiếu những dữ kiện xã hội hiện thực để làm cơ sở cho những lý thuyết của mình. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Các nhà lý thuyết nhiều khi phải chạy hụt hơi mới theo kịp hiện thực, nhưng đồng thời, nhiều dự phóng lý thuyết có cơ sở sẽ lại mở đường và định hình cho hiện thực, như kinh nghiệm lịch sử đã nhiều lần cho thấy. Ngay cả sự “ không tưởng ” cũng không thừa ! “ Một khi mọi ốc đảo của sự không tưởng đã trở nên khô cạn thì chỉ còn lại sa mạc của sự bất lực và vô nghĩa ”. Xin mượn câu nói ấy của Habermas làm món quà Xuân gửi đến bạn đọc.
Bùi Văn Nam Sơn
NGUỒN : bản do tác giả gửi
(bài cũng đã được đăng trên Tuần báo Kinh tế Sàigòn, Giai phẩm Xuân Canh Dần)
Các thao tác trên Tài liệu