Áo dài thời Nguyễn cho nam giới
Về bộ sưu tập áo dài xưa thời Nguyễn cho nam giới
Thái Kim Lan
Tháng 3 năm nay 2017 nhân dịp trở về Huế, tôi lại có duyên nhận được một bộ sưu tập áo dài xưa dành cho nam giới, điều mà tôi mơ ước từ lâu và đã tưởng mơ ước ấy không bao giờ được thỏa sau nhiều năm dò hỏi, tìm kiếm.
Nam phục xưa trong hình thể áo dài khăn đóng may theo cách xưa đúng nguyên bản triều Nguyễn hầu như mất tích. Ngoài những bộ triều phục, hoàng bào của nhà vua, hoàng tử còn được lưu giữ ở các bảo tàng đó đây, và tôi cũng được giữ trong bộ sưu tập "Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh" đã được giới thiệu, nam phục cổ truyền cho mọi tầng lớp nam giới xuất hiện ngày nay trong các dịp lễ tế, đại tiệc, cưới hỏi đều là may lại, phiên bản nhái theo cách xưa. Lý do của sự họa hiếm, khó tìm được nam phục nguyên bản theo kỹ thuật cắt may của các thợ xưa triều Nguyễn đến từ phong trào cách tân y phục đã xảy ra ở Việt Nam hầu như triệt để cho nam giới, khác với nữ giới. Từ những thập niên đầu thế kỷ 20, đàn ông, thanh niên Việt đã theo phong trào đổi mới Âu phục hầu như toàn diện, áo dài khăn đóng, áo lá quạ (áo ngắn), áo hò năm thân, quần rộng ống đã được thay thế bằng sơ-mi ngắn, áo vét-tông, cà-vạt, quần tây. Búi tóc củ tỏi được cắt, nhường cho tóc ngắn rẽ giữa hay rẽ bên trái hoặc chải ngược ra phía sau gọn ghẽ. Chiếc khăn đóng được thay bằng mũ phớt, mũ cối, giày hạ được thay bằng giày tây, đế cứng theo kiểu thuộc địa. Có thể nói cuộc cách tân đã thành công toàn diện nhất là ở thành phố, còn thôn quê thì chỉ giữ lề lối cũ trong các dịp lễ lượt, lại còn bị báo chí chế giễu. Không còn ai quan tâm đến y phục cũ một cách trân trọng, cho nên ít có gia đình để tâm đến việc gìn giữ y phục nam giới kiểu xưa. Ngoài lý do chính trên, bể dâu chìm nổi theo với lịch sử đất nước từ hơn một trăm năm đã xô giạt bao cuộc đời con người, bao gia đình trên khắp đất nước, sự tàn phá của thời gian và của cả con người qua bao cuộc chiến, người còn không giữ nổi huống chi là áo! Bởi thế bao lần, cuộc tìm lại áo xưa cũng như tìm kim đáy biển, hầu như vô vọng.
Cho nên khi vật xưa bỗng tìm đến tay người, nỗi mừng vui thật không kể xiết. Vật xưa đã quý mà tâm người gìn giữ, trân trọng, trao gửi lại càng quý giá biết mấy. Đối với người sưu tập, "của xưa" không chỉ là "của" có nghĩa vật chất của cải, mà còn hơn thế nó chứa đựng thời gian và linh hồn, mà nếu không có duyên thì không bao giờ gặp, cho nên gặp được mới là tâm giao.
Bộ áo không còn là của riêng của một người mà mang chứng tích của mọi người, của một giai đoạn văn hóa văn minh xã hội người Việt nói chung, của người Huế, của nam giới nói riêng. Qua đó người đời sau có thể mường tượng được cung cách, cử chỉ, xử thế, tình cảm, tâm tư và cảm hứng nghệ thuật của người đi trước trong cuộc sống hàng ngày. Tôi xin nói lời cảm ơn chân thật nhất, đã được trao tay bộ áo này, bằng gửi gắm tâm giao ấy, để bộ sưu tập áo xưa của tôi hưởng thụ được một bề dày toàn vẹn hơn.
Bộ y phục nam giới này bao gồm 10 thứ, là những áo và phụ kiện của vị quan ngũ phẩm Hồ Bá Tường (1898 - 1981) dưới thời vua Khải Định và Bảo Đại. Dưới thời Bảo Đại, ông giữ chức vụ Phó Giám Lâm nội vụ, đảm nhiệm việc cai quản kho tàng của hoàng gia (trésor imperial), ngoài những công việc thường có, ông là người kiểm soát và thu mua các vật dụng quanh năm cho hoàng gia, trong đó có mũ áo, vải vóc, gấm lụa, vàng bạc nhập kho từ các nước khác và trong nước, trong đó hàng vải chính là gấm vóc, tơ lụa mỗi năm cho hoàng tộc. Những chiếc áo dài của vị quan này thoạt tiên cho thấy nếp sống của giới thượng lưu Việt Nam 100 năm trước, một nếp sống mực thước, không xa hoa thái quá mà đầy thanh lịch, quý phái nhưng khiêm cung. Cách chọn vải cho thấy người mặc luôn chú trọng mỹ thuật tinh tế, nhấn mạnh kín đáo vẻ sang trọng bằng chất liệu vải vừa sang vừa nhã và những phụ kiện hiếm quý đi theo trên áo. Đường kim mũi chỉ của chiếc áo lại cho thấy hơn một lần sự khéo léo cực kỳ tinh tế của nghệ nhân may thời ấy, cách cắt may tinh xảo, chuyên chú đến kinh ngạc. Toàn thể chiếc áo toát lên một đạo sống hài hòa giữa người mang áo và người may áo, một đạo sống mang nặng nghệ thuật biết sống văn minh một thời.
Bộ sưu tập gồm các áo cho bốn mùa xuân hạ thu đông, áo dùng cho các dịp lễ lượt, cúng tế, tiếp tân, khăn đóng và giày hạ còn nguyên trạng, ngoài ra còn có bộ áo mệnh phụ cho tiểu thư con quan vào dịp cưới hỏi, hội hè, và xấp vải gấm màu vàng san hô thật lộng lẫy dùng để may áo tiến cung cho hoàng hậu cũng như những hoành phi câu đối do các nghệ nhân kinh kỳ thêu, nghệ thuật tinh xảo độc đáo, hiện đang được trưng bày tại phòng chưng bày cổ vật THÁI BÁ tại 120 Nguyễn Phúc Nguyên – Huế (có thể tham quan từ 30/03/2019 đến 29/05/2019)
Thái Kim Lan
Xin bấm vào đường dẫn dưới đây để xem toàn văn bài viết trong tệp pdf, với nhiều hành ảnh khác.
Các thao tác trên Tài liệu