Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / ASEAN cộng 3

ASEAN cộng 3

- Trần Bình — published 11/05/2010 18:19, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Nhân dịp hội nghị thường niên của ASEAN họp tại Hà Nội ngày 8/4/2010 và quỹ hỗ trợ tài chánh ASEAN+3 chính thức đi vào hoạt động ngày 24/3/2010...

ASEAN cộng 3


Trần Bình


Tháng Tư vừa qua, chúng tôi tham gia buổi phỏng vấn trên Chương trình Việt ngữ Pháp quốc (RFI) do biên tập viên Thanh Hà thực hiện, nhân dịp hội nghị thường niên của ASEAN họp tại Hà Nội ngày 8/4/2010 và quỹ hỗ trợ tài chánh ASEAN+3 chính thức đi vào hoạt động ngày 24/3/2010. Bài viết này tường thuật và triển khai nội dung của cuộc phỏng vấn, cập nhật các dữ liệu và phân tích hầu có thể giúp chúng ta theo dõi diễn tiến quan trọng, liên quan đến tình hình đất nước.

Từ một hiệp hội khiêm tốn, hoạt động rời rạc được thành lập năm 1967, ngày nay, ASEAN trở thành một liên hiệp có năng lực kinh tế đáng kể trên thế giới. Với GDP gộp lại 1500 tỷ USD năm 2008, "Nếu xem ASEAN là một quốc gia, thì nước này có khối lượng mậu dịch lớn thứ 5 trên thế giới, sau Hoa Kỳ, Đức, Trung quốc, và Nhật Bản" (1).

Tiến trình phát triển của ASEAN lồng trong bối cảnh của một Châu Á ngày một lớn mạnh và hội nhập. Một thập niên trước đây, sự hình thành một liên hiệp kinh tế Châu Á là một câu chuyện viển vông. Song, ngày nay, đây là đề tài thảo luận quen thuộc. Các nhà nghiên cứu nói đến sự hình thành khối kinh tế Châu Á như là một tiềm năng, một hiện thực khả thi. Từ năm 1993, ba cường quốc kinh tế Nhật, Trung Quốc, và Hàn Quốc được ASEAN mời tham dự hội nghị hàng năm với tư cách dự thính. Sự hình thành của quỹ hỗ trợ với kinh phí 120 tỷ USD tháng Ba vừa qua đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ giữa ASEAN và ba cường quốc kinh tế Châu Á trên tiến trình hội nhập của các nền kinh tế khu vực.

Mặt khác, những dị biệt lớn lao giữa các hội viện của ASEAN+3, từ trình độ phát triển, đến thể chế chính trị, các tranh chấp gây không ít ngờ vực về khả năng và mức độ hội nhập của các nền kinh tế Châu Á.

Từ một góc nhìn khác, sự nổi lên của nền kinh tế Trung Quốc đảo lộn thế quân bình truyền thống cán cân mậu dịch của khu vực; ảnh hưởng chi phối của nước Nhật đang bị xói mòn, dẫn đến sự cạnh tranh quyền lực kinh tế và chính trị tại khu vực ASEAN và Châu Á giữa hai đại cường này.

Sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc và sự gia tăng mối quan hệ kinh tế giữa nước này với ASEAN có thể giúp các quốc gia ASEAN cân đối cán cân ngoại thương và đầu tư đang bị giảm dần từ các các đối tác truyền thống Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU. Song, điều này cũng là mối quan ngại và thách thức đối với ASEAN trong chiến lược cân bằng các ảnh hưởng kinh tế và chính trị với các cường quốc, đặc biết với khả năng chi phối của Trung Quốc.


*


1. Tiến Trình Hội Nhập

ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) được thành lập tháng 8/1967 với 5 hội viên không cộng sản Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Philippines cho thấy bên cạnh mục tiêu chính là hợp tác phát triển, còn là "nỗi lo sợ chủ nghĩa cộng sản" trong thời kỳ chiến tranh lạnh (2). Khi chiến tranh lạnh chấm dứt, các nước cộng sản lần lượt gia nhập ASEAN: Việt Nam (1995), Lào (1997) và Campuchia (1999). Miến Điện (Myanmar), Brunei là hai hội viên khác của ASEAN.

Sau những bước đầu khó khăn, Hiệp ước Tự do Mậu dịch ASEAN (AFTA) do Thái Lan chủ xướng, ký kết năm 1991 đánh dấu bước tiến quan trọng trên tiến trình hợp tác phát triển của hiệp hội. Hiệp ước thương mại này mở đầu quá trình xóa bỏ dần quan thuế giữa các thành viên, tiến đến một khu vực tự do mậu dịch.

Trên bình diện khác, kế hoạch mở rộng hợp tác giữa ASEAN và tam cường, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc, gọi tắt là ASEAN+3, được Malaysia khởi xướng vào đầu thập thiên 1990 là biến chuyển hệ trọng khác. Dự thảo này bị thất bại do sự chống đối mạnh mẽ của Hoa Kỳ và Nhật. Tuy nhiên, sau cuộc khủng tài chánh Châu Á xảy ra năm 1997, dự kiến ASEAN+3 lại hồi sinh như một nỗ lực nhằm ngăn chận những rủi ro tài chánh tái diễn.

Kế hoạch mở rộng hợp tác giữa ASEAN và tam cường ra đời tháng 5/2000 tại Chiang Mai, Thái Lan, gọi tắt là "Sáng kiến Chiang Mai" (Chiang Mai Initiative - CMI). Trọng tâm của sáng kiến Chiang Mai là "nhằm cung ứng sự hỗ trợ tài chánh ngắn hạn cho các thành viên gặp phải khó khăn về cán cân thanh toán tổng thể" (3). Mặc dù gặp phải sự chống đối của Hoa Kỳ, e ngại rằng kế hoạch này có thể làm suy yếu vai trò của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), song ASEAN+3 vẫn từng bước tiến hành CMI.

Đến nay, CMI gặt hái được thành quả đáng kể, "16 thoả hiệp hoán đổi song phương đã hoàn tất thành công trong số tám quốc gia với tổng giá trị 90 tỷ USD" (4). Tháng 2/2009, ASEAN+3 quyết định nâng cao thoả hiệp hỗ trợ tài chánh trên cả phương diện chiều rộng và chiều sâu, qua việc hình thành quỹ hỗ trợ tài chính, chính thức đi vào hoạt động tháng 3/2010, với tổng ngân khoản dự trữ 120 tỷ USD, trong đó ASEAN đóng góp 20%, Trung Quốc và Nhật mỗi nước 32%, Hàn Quốc 16%.

Trọng điểm của quyết định này là chuyển các thoả hiệp song phương độc lập (bilateral swap arrangements) thành một thoả hiệp đa phương (bilateral swap arrangement) bao gồm 13 quốc gia của ASEAN+3. Mục đích của nó là nhằm "bảo đảm cho các ngân hàng trung ương và các cơ chế tài chính của 13 hội viên có thể tiếp cận được với nguồn ngoại tệ chính trong giao thương, như USD, euros, yen để có thể bảo vệ nội tệ từ nạn đầu cơ làm cạn kiệt nguồn ngoại hối như đã từng xảy ra tại Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chánh Á Châu năm 1997-1998" (5).


2. Động Lực và Xu thế

Mối quan hệ giữa ASEAN và khối +3 phát triển theo xu hướng gia tăng giao thương bên trong khu vực (Intraregional trade) của các khối kinh tế trên thế giới, đặc biệt mạnh mẽ tại khu vực Châu Á với sự vươn lên của các nền kinh tế mới nổi, dẫn đầu bởi Trung Quốc và Ấn Độ. Sự gia tăng hội nhập giữa các nền kinh tế Châu Á thể hiện rõ nét qua con số hiệp ước tự do mậu dịch và tỷ phần giao thương giữa các nước châu Á tăng mạnh. Người bình luận trên tờ The Economist qua bài viết tháng 3/2010 "Liên hiệp Châu Á chưa bao giờ gần như bây giờ" phân tích: "Tỷ phần giao thương trong vùng của Châu Á trên tổng giao thương tăng từ 1/5 sau đệ nhị thế chiến, lên 1/3 vào thập niên 80, và hiện nay vượt 50%. Một thập niên trước đây, chỉ hơn một chục hiệp ước tự do mậu dịch trong đó có ít nhất một nước Châu Á tham dự. Hiện nay, khoảng 230 hiệp ước đã ký kết, hay đang chờ phê duyệt" (6).

Sự phát triển và thịnh vượng của Châu Á trong những thập niên qua một phần quan trọng nhờ vào sức cầu của các nước phương Tây. Theo số liệu của The Economist, đến 3/5 (60%) hàng hoá sản xuất của Châu Á xuất khẩu qua thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ (7). Song, mức cầu của các nước phát triển phương Tây giảm mạnh kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế xãy ra năm 2008, và các phân tích cho thấy rằng thị trường truyền thống này khó có thể trở lại cao như thời kỳ tiền khủng hoảng. Điều này khiến cho các nước Châu Á phải điều chỉnh chiến lược phát triển, không những để đối phó với sự suy thoái của khủng hoảng trong đoản kỳ, mà còn cho sự phát triển trong trường kỳ. Philip Bowring, trong bài viết "Châu Á tự giúp mình" tháng 5/2009 trên tờ NewYork Times nhận định rằng sự ra đời của quỹ hỗ trợ ASEAN+3 là phản ứng tự vệ đối với các biến chuyển kinh tế trên thế giới hơn là phát sinh từ động lực gọi là chủ thuyết Châu Á của người Á (Pan-Asianism), "Rõ ràng là chiến lược phát triển dựa vào việc xuất khẩu đến các nước giàu có không còn giá trị nữa. Trong chiến lược mới, sự phát triển dựa vào sức cầu nội địa và giao thương khu vực là điều cần thiết" (8).

Song, mặc dù mức độ hội nhập của các nền kinh tế Châu Á không ngừng gia tăng, cũng chỉ giới hạn ở phạm vi sản xuất, người bình luận trên The Economist lưu ý (8). Phân tích của Michael Richardson qua bài viết "Xây dựng mạng lưới an toàn Châu Á" trên tờ The Japan Times tháng 2/2009 cho rằng "Dường như có điều gì đó không bình thường khi 13 nước Châu Á (ASEAN+3) có dự trữ ngoại hối lên đến 3.600 tỷ USD, chiếm 50% tổng số dự trữ trên thế giới, phải mất một thời gian dài mới thành lập hệ thống phòng thủ rủi ro tài chánh". Khi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á xảy ra năm 1997-1998, IMF đã hỗ trợ 100 tỷ USD. Song, các nước nhận tài trợ buộc phải cắt giảm chi tiêu, tăng lãi suất, bán các doanh nghiệp nhà nước và chấp nhận các biện pháp thắt lưng buộc bụng khác, điều mà Michael cho rằng "không chính phủ nào trong vùng muốn phải trải nghiệm thêm một lần nữa mối nhục này" (9). Hơn thế nữa, Philip Bowring, NewYork Times, còn nhận định rằng, ngày nay, trong khi IMF vẫn gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm nguồn tài trợ, thì sự ra đời của định chế tài chánh khu vực như quỹ hỗ trợ ASEAN+3 là điều cần thiết (10).


3. Hiện Trạng


Mức độ hội nhập của các nền kinh tế ASEAN+3 phản ảnh qua hiện trạng của mối quan hệ mật thiết giữa các quốc gia này trong các hoạt động kinh tế. Người bình luận trên tờ The Japan Times tháng 1/2010 qua bài viết "Gia tăng Mậu dịch" nhận định rằng "quan hệ kinh tế giữa các nước này tiến gần hơn từ hai thập niên qua phản ảnh thực tế trên doanh trường - các công ty vượt qua biên gới quốc gia để khai thác các ưu thế cạnh tranh" (11). Để hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa ASEAN và khối +3, thử  phân tích các dữ liệu liên quan đến mối giao thương và đầu tư giữa các quốc gia này trong thập niên qua.

Nhật Bản vốn có ảnh hưởng rất lớn đối với các nền kinh tế của ASEAN từ nhiều thập niên qua. Song, ảnh hưởng này đang bị xói mòn bởi sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Bài viết "Mức giao thương Nhật và ASEAN đang trên đà suy giảm" trên tờ The Japan Times tháng 11/2007 tường thuật báo cáo do đơn vị tình báo (Intelligence Unit) của tờ The Economist thực hiện: "Trung Quốc với mức tăng trưởng mạnh mẽ đã gây ảnh hưởng sâu sắc cán cân mâu dịch Châu Á. Hàng xuất khẩu từ ASEAN đến Trung Quốc , chủ yếu là các bán thành phẩm để lắp ráp và xuất khẩu, đang tăng nhanh". Cũng theo phúc trình của The Economist, ngoại trừ Philippines, giao thương của ASEAN với Nhật đang trên đà suy giảm; tỷ phần hàng xuất khẩu của ASEAN qua Nhật giảm từ 15.3% xuống 13.4% trong giai đoạn 2000-2007.

Tuy nhiên, theo báo cáo cập nhật của ASEAN, Nhật không những vẫn là nước có mối giao thương lớn nhất với ASEAN, với tỷ phần 11.6 % (177 tỷ USD) năm 2009, mà còn dẫn xa các nước khác về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 14% (25.8 tỷ USD) trên tổng số FDI của ASEAN trong giai đoạn 2006-2008 (12).

Trung Quốc có mức giao thương với ASEAN tăng mạnh, từ tỷ phần 4% năm 2004 tăng lên 10.5% (160 tỷ USD) năm 2009 và khối lượng mậu dịch tăng 6 lần trong giai đoạn 2000-2008, đã vượt qua Hoa Kỳ và bám sát Nhật Bản với thứ hạng thứ ba, sau Nhật và EU. Mặc dù tỷ phần FDI của Trung Quốc trên thế giới vẫn còn rất khiêm tốn, song tăng vọt trong những năm gần đây khi nước này đang ra sức mở rộng ảnh hưởng kinh tế, khai thác giá lao động rẻ, và tăng cường năng lực cạnh tranh khi các doanh nghiệp lớn nhà nước đang mất dần lợi thế độc quyền trong nước. Hiện Trung Quốc là nước có FDI tại ASEAN lớn thứ 5, sau EU, Nhật, Hoa Kỳ, và Hàn Quốc với con số 4 tỷ USD trong giai đoạn 2006-2008.


TQ_Nhat

Hàn Quốc là nước có vị trí đặt biệt trong nhóm ASEAN+3, đóng góp đáng kể cho quỹ hỗ trợ ASEAN+3 với tỷ phần 16% (19.2 tỷ USD), đồng thời cũng là quốc gia nhận tài trợ của Nhật trong thập niên qua. Vị thế của Hàn Quốc tuy vẫn còn khiêm tốn so với hai đại cường Nhật và Trung Quốc, song với nền kinh tế đứng thứ 15 trên thế giới, 929 tỷ USD GDP (14), Hàn Quốc hiện có mối quan hệ kinh tế quan trọng đối với ASEAN. Theo phân tích của Maragtas S.V. Amante, qua bài bình luận "Những lợi ích từ mối giai thương giữa ASEAN và Hàn Quốc" trên tờ JoongAng Daily tháng 3/2010, trao đổi mậu dịch giữa các nước này tăng nhanh, hơn 7 lần trong giai đoạn 1990-2008, với vị trí thứ 5 (73 tỷ USD), sau Nhật, EU, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Khối lượng FDI của Hàn Quốc tại khu vực ASEAN rất đáng kể, đứng thứ 4 sau EU, Nhật và Hoa Kỳ với 5.9 tỷ USD giai đoạn 2006-2008 (15).   

Hai biểu đồ sau đây giúp phác hoạ bức tranh tổng thể quan hệ kinh tế giữa ASEAN với khối +3 và các nền kinh tế phát triển phương tây:


aseanplus3

4. Triển vọng và Chướng ngại


Với mối quan hệ kinh tế ngày một gia tăng giữa các nước của ASEAN+3 và sự tiến triển của Sáng kiến Chiang Mai qua sự thành lập quỹ hỗ trợ tài chánh, hầu hết các nhà bình luận đều lạc quan về triển vọng hợp tác giữa ASEAN và các nước Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Song, câu hỏi đặt ra là liệu ASEAN+3 có thể trở thành một liên hiệp kinh tế với mức độ hội nhập cao theo như mô hình của Liên hiệp Châu Âu?

Không ít tác giả của các bài bình luận hoài nghi về chiều sâu sự hợp tác của khối ASEAN+3. Các vấn đề thường được nêu lên như là những chướng ngại chính cho một tiến trình hội nhập của ASEAN+3 bao gồm:     

  • Trình độ phát triển chênh lệch với mức lợi tức đầu người của Singapore cao gấp 150 lần Myanmar, so với mức chênh lệch giữa nước có lợi tức đầu người cao nhất (Luxemburg) và thấp nhất (Portugal) của Liên hiệp Âu Châu chỉ có 4 lần (16).

  • Thể chế chính trị khác biệt sâu sắc (17), từ những nước có nền dân chủ phát triển và ổn định (Nhật, Hàn Quốc, Singapore), đến các quốc gia đang trải nghiệm nền dân chủ phôi thai, kinh qua nhiều thời kỳ biến động (Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia), và các nước có thể chế chính trị độc tài (Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar).  

  • "Sự dị ứng trong việc thực thi các luật định và giao ước" (18) và "sự thiếu vắng các qui định ràng buộc trong cộng đồng ASEAN làm giảm lòng tin rằng đây sẽ là một hiệp hội có khả năng tiến sâu trên con đường hội nhập" (19), theo phân tích của tờ The EconomistNewYork Times.

  • Sự mâu thuẫn và tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc là chướng ngại quan trọng khác, Joel Rathus trên tờ Jakarta Globe tháng 3/2010 phân tích. Joel Rathus cho rằng sự đối kháng giữa hai quốc gia này là nguyên nhân chính của sự thất bại trong các nỗ lực hợp tác đa phương và định chế hoá ASEAN+3 trước đây. Mặc dù Nhật và Trung Quốc đã đạt được sự thoả thuận trong việc thành lập quỹ hỗ trợ ASEAN+3 do áp lực của cuộc khủng hoảng tài chánh, nhưng "sự đối nghịch này khó có thể chấm dứt và sẽ tiếp tục cản trở sự phát huy của Sáng kiến Chiang Mai" (20) 


5. Kết Luận


Quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước ASEAN+3 không ngừng phát triển, và những thành công bước đầu trong việc định chế hoá chính sách tiền tệ thể hiện qua sự hình thành quỹ hổ trợ tài chính đánh dấu cho một giai đoạn mới trên tiến trình hội nhập giữa các quốc gia này. Song, mặt khác, những dị biệt và mâu thuẫn giữa các nước ASEAN+3 khiến các nhà kinh tế dè dặt về khả năng hình thành khối liên hiệp kinh tế Châu Á.  

David Goldman, Asia Times, nhận định rằng sự thực hiện quỹ hỗ trợ tài chánh ASEAN+3 có thể " mất 5 năm, hay hằng thập niên, tiến hành từng bước thận trọng, trong bối cảnh các nhà đầu tư lớn giảm dần sự lệ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ và tạo dựng các thị trường tiền tệ riêng". Ông tiên đoán vai trò dự trữ của đồng đôla Mỹ sẽ giảm dần trong những thập niên tới, tương tự như đồng bảng Anh đã mất dần vị trí của đồng tiền dự trữ trên thế giới trong ba thập niên (21).   

Michael Richardson, The Japan Times, nhắc nhở rằng "Châu Âu đã mất 50 năm mới có thể tiến tới được một khối liên hiệp tiền tệ, và Châu Âu đã không phải vượt qua nhiều khác biệt về chính trị, kinh tế và văn hoá như Châu Á".

Một trong những đề nghị có thể giúp phát huy hiệu quả của Sáng kiến Chiang Mai được tờ The Japan Times nêu lên là mở rộng hơn nữa khối liên hiệp ASEAN+3, bao gồm các nước Ấn Độ và Úc Đại Lợi. "các quốc gia này có khả năng hành động, đặc biệt về tài chánh, không những có thể trút bớt gánh nặng cho Nhật Bản và Trung Quốc khi khủng hoảng xảy ra, mà còn có thể làm dịu bớt sự tranh chấp giữa hai đại cường" (22). Úc và Ấn đều có mối quan hệ giao thương lớn với ASEAN, giữ các vị trí thứ 6 (47 tỷ USD) và thứ 7 (41 tỷ USD), sau Hàn Quốc. Hơn thế nữa, hai quốc gia này còn có tiềm lực kinh tế lớn, Ấn với GDP đứng thứ 11 (1400 tỷ USD) và Úc với thứ hạng 13 (1086 USD).  

Sự mở rộng khối ASEAN+3 còn có ý nghĩa quan trọng về phương diện chính trị. Tờ The Japan Times nhận định rằng, Trung Quốc với vị trí địa lý và sức mạnh kinh tế có khả năng chi phối bất cứ nước nào trong khu vực. "Mối quan ngại này đang thúc đẩy các chính phủ ASEAN mở rộng hợp tác với Úc, Ấn và New Zealand, đồng thời duy trì quan hệ tốt đẹp với Hoa kỳ, nhằm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc" (23). 



Trần Bình 5/2010



(1) From Zero-sum to Positive-sum: ASEAN Turning Weakness Into Strength - Kantathi Suphamongkhon, UCLA.
(2) ASEAN  - WikiPedia
(3) An Asian Commodity-Based Currency? - David Goldman, Asia Times
(4) Như (3)
(5) Building an Asian safety net - Michael Richardson, The Japan Times
(6) Asia's never-closer union - The Economist
(7) Như (6)
(8) Asia Helps Itself - Philip Bowring, The NewYork Times
(9) Như (5)
(10) Như (8)
(11) More trade 'noodles' - The Japan Times
(12) ASEAN Statistics - Association of Southeast Asian Nations
(13) ASEAN, Japan, & China - The University of Missipisi
(14) List of countries by GDP - wikipedia
(15) Benefits from Korea and Asean trade - Maragtas S.V. Amante, JoongAng Daily
(16) Như (1)
(17) Như (1)
(18) Như (6)
(19) ASEAN: Leaders address economic slump The NewYork Times
(20) East Asia Forum: Chiang Mai Initiative a Good Start, but Members Beware
(21) Như (3)
(22) Như (20)
(23) Như (11)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss