Bab Sơn Tây - Cổng Maroc
Số đặc biệt Diễn Đàn 30 tuổi
BAB SƠN TÂY – CỔNG MAROC :
DI TÍCH ĐỘC ĐÁO CỦA TÌNH HỮU NGHỊ CHỐNG THỰC DÂN
Ngô Tự Lập
(Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN)
Dưới chân núi Ba Vì, cách Hà Nội khoảng 40 cây số, có một khu giáo dục trải nghiệm kiêm du lịch nghỉ dưỡng tên là “EduLand”. Điều khiến nó làm người qua đường chú ý là cái cổng, và cùng với cái cổng là những công trình bao quanh khoảng sân chính: chúng đều mang phong cách Arab. Tại sao lại Arab? Câu trả lời sẽ dẫn ta đến một di tích lịch sử độc đáo nhưng rất ít người biết. Đó là chiếc Cổng Maroc, một công trình do những hàng binh Bắc Phi xây dựng cuối những năm 1950 trong lòng nước Việt. Vượt qua sự tàn phá của chiến tranh, thời gian và con người, chiếc cổng may mắn vẫn còn nguyên vẹn, trở thành nhân chứng của một cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa những con người khác màu da, tiếng nói và văn hóa, bị chiến tranh đế quốc và những éo le của lịch sử cuốn đến xứ này.
Đằng sau câu chuyện là bóng dáng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở ông có hai điều tôi muốn nhắc lại. Thứ nhất là tinh thần quốc tế. Trong những năm tháng hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã hợp tác rất thân thiết các nhà cách mạng đến từ rất nhiều nước. Anh là một trong những người sáng lập và là thành viên Ban chấp hành Hội liên hiệp thuộc địa (l’Union intercoloniale, thành lập năm 1921). Trong số di sản văn chương, báo chí của Nguyễn Ái Quốc có rất nhiều bài viết về các dân tộc khác trên thế giới. Tinh thần quốc tế ấy đi theo Hồ Chí Minh đến hơi thở cuối cùng: cuốn sách trên bàn làm việc của ông ngày 2/9/1969 là cuốn Người da đen cầm súng. Thứ hai là quan điểm về chiến tranh. Có lẽ Hồ Chí Minh là người duy nhất trên thế giới đặt tên quân đội của mình là đội quân “tuyên truyền” chứ không phải là “võ trang”. Trong Chỉ thị thành lập đội Việt Nam truyên truyền giải phòng quân, ông viết: “Tên ĐỘI VIỆT NAM TRUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”1.
Những điều này được thể hiện rất rõ trong cuộc Kháng chiến chống Pháp. Trong chiến tranh, hàng trăm ngàn lính Lê dương, trong đó có khoảng 50 nghìn lính Bắc Phi, được Pháp đưa đến tham chiến ở Việt Nam.
Lính lê dương đa số là người Châu Âu và Châu Phi, có nguồn gốc và quan điểm chính trị rất khác nhau, trong đó có cả những người cộng sản, những người chống phát xít. Nhiều người lính Châu Phi có thiện cảm với cuộc kháng chiến của Việt Minh. Theo chỉ đạo của Hồ Chí Minh, công tác địch vận được đặc biệt chú trọng. Nhờ vậy, hàng ngàn lính Lê dương Âu - Phi đã rời bỏ quân đội Pháp và tình nguyện chiến đấu cùng quân dân Việt Nam. Được gọi là những người “Việt Nam Mới”, họ hỗ trợ Việt Minh rất nhiều trong việc huấn luyện quân sự, sửa chữa vũ khí trang bị, đào tạo ngoại ngữ và làm báo tuyên truyền. Một số tác giả nước ngoài đã viết về chủ đề này, điển hình là cuốn Les soldats blancs de Hô Chi Minh (Những người lính da trắng của Hồ Chí Minh)2.
Không chỉ được đối xử nhân đạo, tù binh và hàng binh còn được “giác ngộ” và tổ chức vào các đội Commando William (đa số là người Đức) và Đội Bắc Phi độc lập (Détachement de l’Indépendance Nord-Africaine, DINA). Đội DINA có mục đích là huấn luyện cho hàng binh Bắc Phi để sau này trở về giải phóng tổ quốc. Đội trưởng và chính trị viên Đội DINA là Cao Phong và Lê Vân. Đầu năm 2021, chúng tôi đã đến phỏng vấn ông Lê Vân tại nhà riêng. Ông đã hơn 100 tuổi, vẫn mạnh khỏe dù đã quên nhiều.
Anh Mã và Vợ
Lai lịch chiếc cổng liên quan đến một người Maroc. Năm 1950, đáp lại lời đề nghị của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Maroc cử ông M’hamed Ben Aomar Lahrach, một Uỷ viên trung ương, sang chiến đấu cùng nhân dân Việt Nam. Theo giáo sư Abdallah Saaf, lời đề nghị của Việt Nam được Uỷ ban phụ trách các vấn đề thuộc địa của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp chuyển3. Hồ Chủ tịch đặt cho Ben Aomar cái tên Việt là Nguyễn Chiến Mã, hay Anh Mã, hàm ý một bậc “Mã thượng”, đồng thời cũng gợi đến Maroc quê hương ông. Nhưng với những người lính Bắc Phi, ông nổi tiếng với tên gọi “Maarouf”. Theo Abdallah Saaf, có thể Hồ Chí Minh đặt tên này cho Ben Aomar để tưởng nhớ Maarouf Ben Kaddour, một người Algérie di cư đến Pháp những năm 1920, hoạt động công đoàn, trở thành đảng viên Đảng cộng sản, thành viên Uỷ ban thuộc địa (Commission colonial). Hai người có tiểu sử gần như giống hệt nhau và “Chắc chắn Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rõ về Maarouf đầu tiên”4. Nhận định của Abdallah Saaf rất khả tín, bởi lẽ, theo René Gallissot, Maarouf Kaddour đến Pháp vào năm 1918, từng tham gia các hoạt động của Hội liên hợp thuộc địa. René Gallissot viết: “Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh tương lai, người đã tham gia nhiều vào việc xuất bản tờ báo của Hội, tờ Le Paria, vẫn nhớ mãi người chiến sĩ ấy, đến mức sau này gặp người Algérie hay Bắc Phi nào ông cũng chào là Maarouf, hoặc nói ‘Ông làm tôi nhớ đến Maarouf’”.5 Anh Mã đã cảm hóa được nhiều binh lính Âu Phi, đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến của Việt Nam. Đối với những người lính Bắc Phi, Anh Mã trở thành một huyền thoại. Anh rời Việt Nam năm 1960 với nhiều huân chương và thanh gươm do đại tướng Võ Nguyễn Giáp tặng6.
Từ năm 1950, hàng binh Âu - Phi được tổ chức thành các Đội sản xuất, phần để đảm bảo an toàn, phần khác góp phần ổn định đời sống. Sau 1954, do vị thế đặc biệt của họ, nhiều hàng binh Âu - Phi không thể hồi hương: một số người Châu Âu bị chính quốc kết tội, còn những người Châu Phi thì do Tổ quốc họ vẫn chưa được giải phóng. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thành lập “Tập thể Sản xuất Ba Vì”, năm 1963 đổi tên thành “Nông trường Việt Phi Ba Vì”. Nông trường tiếp nhận hơn 300 hàng binh thuộc hơn 20 quốc tịch Châu Âu và Châu Phi, trong đó 200 người lấy vợ Việt. Ngoài ra Nông trường cũng tiếp nhận một số bà con Việt kiều hồi hương từ Thái Lan và Nouvelle Calédonie cùng với khoảng 100 công nhân Việt Nam7. Họ cùng nhau khai hoang, nuôi bò sữa, trồng trọt để nâng cao đời sống, mặc dù đời sống vật chất và tinh thần của họ được nhà nước ưu tiên đảm bảo ở mức cao nhất trong điều kiện chiến tranh. Trong kháng chiến chống Mỹ, các gia đình của Nông trường Việt Phi được sơ tán lên Yên Bái. Vượt qua những bi kịch thời đại, họ tạo dựng nên một cộng đồng quốc tế hiếm có của tình bạn, lòng khoan dung và tình yêu không biên giới. Lịch sử Nông trường Việt Phi và câu chuyện về chiếc cổng Maroc được mô tả khá kỹ lưỡng trong cuốn sách Một di tích lịch sử - văn hóa thắm tình hữu nghị của Nghiêm Hữu Phúc, một kỹ sư nông nghiệp đã làm việc tại Nông trường từ năm 1961 đến năm 19698.
Chiếc cổng Maroc do các hàng binh Âu- Phi, trong đó đa số là người Maroc, xây dựng năm 1956 theo sáng kiến của Anh Mã. Cổng cao tám thước, có bốn trụ tròn vững chãi, đỡ ba vòm lớn trang trí bằng họa tiết của những thành lũy Arab cổ xưa. Ý tưởng của Anh Mã là đem chiếc cổng làng truyền thống của Bắc Phi đến Ba Vì để những người lính Arab cảm thấy như mình đang ở quê hương.
Theo thời gian, những người “Việt Nam Mới” dần dần được hồi hương. Nhiều phụ nữ Việt Nam cũng theo chồng con về nước. Rời Việt Nam cuối cùng là những người Maroc (1972). Thời gian trôi đi, quá khứ lùi xa, nông trường xưa không còn, hội trường, nhà ở cũ bị phá dỡ, đất đai tăng giá, chuyển đổi mục đích. Ở Sơn Tây, lớp trẻ ngày nay hầu như không có ý niệm gì về thời chiến tranh và sự tồn tại của Nông trường Việt Phi. Câu chuyện về những người hàng binh chỉ còn trong ký ức của những người già.
Nhưng ở những nơi xa xôi, trong ký ức của những cựu chiến binh còn sót lại, hình ảnh chiếc cổng, Bab Sơn Tây, vẫn sống động như là biểu tượng của tình đoàn kết chống chủ nghĩa thực dân và tình hữu nghị liên lục địa. Chính sau những cuộc nói chuyện như vậy, giáo sư Nelcya Delanoe đã tìm cách đến Sơn Tây và tìm thấy Chiếc cổng với một niềm vui sướng vô bờ bến được bà mô tả rất sinh động trong cuốn sách Poussières d’Empires9. Chiếc cổng vẫn còn nguyên vẹn, nằm trọn vẹn trong khuôn viên của một gia đình. Thật may mắn. Trong những tháng năm khó khăn hậu chiến không ít lần người ta đã định đập bỏ nó để lấy vật liệu xây dựng. Năm 2006, cùng với một nhóm các học giả, bà Nelcya Delanoe viết đơn đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ di tích độc đáo này. Lời kêu gọi đã từng bước được đáp ứng.
Sự phát triển kinh tế xã hội và giao thương quốc tế của Việt Nam cũng góp phần giúp hồi sinh Chiếc cổng. Rất nhiều cựu chiến binh Âu - Phi và con cháu họ đã trở lại thăm chiếc Cổng huyền thoại. Năm 2008, Thủ tướng Maroc Abaddi Nejaned đã đến thăm Cổng Maroc. Năm 2018, công trình được thành phố Hà Nội tu bổ và gắn thêm trên vòm cổng dòng chữ “Cổng Ma Rốc” bằng tiếng Việt, tiếng Ả rập và tiếng Anh. Đến thăm chiếc cổng, ông El Mostafa El KTIRI, chủ tịch hội hữu nghị Maroc- Việt Nam phát biểu: “Cổng Ma-rốc ở Ba Vì vẫn còn đó như một di tích lịch sử do những người lính Maroc xây dựng, lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc của người Ma-rốc trên đất Việt, bằng những nguyên vật liệu của Việt Nam. Và ký ức này không chỉ là của một cá nhân hay trải nghiệm của riêng ai mà nó là một phần trong Di sản lịch sử chung của Ma-rốc và Việt Nam”. Hiện nay, Viện Quốc tế Pháp ngữ đang cùng với Đại sứ Quán Maroc và Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (Viện hàn lâm khoa học Việt Nam) thực hiện dự án số hóa công trình.
Câu chuyện về chiếc cổng Maroc có một cái kết có hậu. Một cán bộ cũ của Nông trường Việt Phi có người con rể tên là Ngô Văn Phúc, giáo viên, đồng thời cũng là người kinh doanh bất động sản. Khi còn sống, ông thường kể về chiếc cổng. Năm 2018, khi điều kiện đã đủ, anh Phúc quyết định xây khu du lịch EduLand. Nhớ đến câu chuyện của bố vợ, anh tìm đến chiếc cổng Maroc và ngay lập tức bị nó chinh phục. Vậy là chiếc cổng đã có một phiên bản nữa, cũng ở ngay dưới chân núi Ba Vì, như là sự nối tiếp của ký ức.
Ngô Tự Lập
Chú thích:
1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, In lần thứ 3, Tập. 3, tr. 539.
2 Jacques Doyon, Les soldats blancs de Hô Chi Minh, Fayard, 1973.
3 Abdallah Saaf, Chuyện Anh Mã (Histoire d'Anh Ma), Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, NXB Hồng Đức, 2018, tr. 79.
4 Abdallah Saaf, Đã dẫn, tr. 103.
5 https://maitron.fr/spip.php?article162001, notice MAROUF Mohamed ben Kaddour [Dictionnaire Algérie] par René Gallissot, version mise en ligne le 1er août 2014, dernière modification le 30 mars 2019.
6 Jacques Doyon, Les soldats blancs de Hô Chi Minh, Fayard, 1973, tr. 485.
7 Nghiêm Hữu Phúc, Một di tích lịch sử - văn hóa thắm tình hữu nghị, NXB Thế giới, 2015, tr. 43-44.
8 Nghiêm Hữu Phúc, Một di tích lịch sử - văn hóa thắm tình hữu nghị, NXB Thế giới, 2015.
9 Nelcya Delanoe, Poussières d’empires, PUF, 2002, tr. 203-205.
Các thao tác trên Tài liệu